Bạo ngu làm vua chúa

Lúc đó, văn quan Lục Giả thường nói chuyện Thi Thư (hai kinh Thi và Thư vốn là hai cẩm nang đề cập đến văn hóa, văn minh, đạo đức, chính trị, cách xử thế… thời xưa) với Hán Cao Tổ (tức Lưu Bang) hy vọng vua tỉnh ngộ biết ứng dụng văn hóa và lễ nghi vào trong cách cai trị đất nước và thần dân cùng cách xử thế với đám quần thần và lê dân. Nhưng Lưu Bang đã mắng một câu như sau: “Ông mày ngồi trên lưng ngựa mà thâu tóm được thiên hạ thì đếch cần tới Thi Thư?”
Một vị vua mà xưng “ông mày” với bề tôi thì thật hết chỗ nói! Nhưng Lục Giả đưa ra luận cứ rằng thâu tóm thiên hạ thì dễ, nhưng cai trị mà không có văn hóa và lễ nghi triều chính thì làm sao kéo dài ngôi vua. Cuối cùng Lưu Bang nghe hiểu nên chấp nhận đề nghị của Lục Giả. Sau vài tháng tập tành cho quan lại trong triều quen với lễ nghi từ ngàn xưa mà Chu Công đã đề xướng, hôm đó Lục Giả biểu diễn trước mặt Hán Cao Tổ. Tới lúc đó Lưu Bang mới biết lễ nghi của triều đình ngày xưa thật tôn nghiêm và quy củ. Tới lúc đó hắn mới hiểu được ý nghĩa huyền diệu và công dụng độc nhất vô song của văn hóa ngụy quân ngụy quyền! Lý do hắn thích vì từ đây ngôi vua của hắn càng được củng cố thêm vì tất cả quan lại trong triều mỗi khi tâu trình đều phải quỳ lạy một cách kính cẩn và nói năng một cách lễ phép đầy thành kính.
Ngôn ngữ và cử chỉ của bọn nghèo hèn và thất học thì ở nước nào và thời nào cũng giống nhau. Văn hào Charles Dickens cũng đã từng nói tỉ mỉ trong cuốn tiểu thuyết “A Tale of Two Cities:” chúng ngu dốt, tàn bạo, mất nhân tính, vong ân bội nghĩa, ích kỷ, tham lam và chuyên môn cướp của giết người để làm lợi cho bản thân mình dưới chiêu bài “vì quyền lợi của nhân dân xã hội.” Truyện kể về cuộc Cách Mạng năm 1789 tại Pháp như sau: sau khi được vài anh trí thức “nửa mùa” mớm lời, chúng liền tự trang bị súng ống, giáo, mác, gậy gộc… tiến vào phá ngục Bastille (biểu tượng về sự cai trị bạo ngược của vua chúa) để giải phóng tù nhân, rồi sau đó thừa thắng xông lên lật đổ vương triều, đưa lên đoạn đầu đài vua chúa Pháp và tàn sát tất cả gia đình giới quý tộc, phú hào, giới trí thức… Một bác sĩ Pháp, vốn là chủ nhân và ân nhân của một cặp vợ chồng quản gia nọ, cũng không tránh khỏi tai kiếp trong cuộc Cách mạng vô sản. Người vợ bần nông đã tham gia cách mạng phá ngục Bastille rồi tìm tới gia đình ân nhân để trả oán! Có lẽ sự kiện này làm dân chúng châu Âu hiểu rõ hơn về bọn bần cố nông? Phải chăng vì thế mà nước Anh, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu có trình độ văn hóa cao đã không hề có chế độ vô sản chuyên chính?
Truyện này cũng giống những tình huống bên Trung Hoa lục địa trong thập niên 60 khi xảy ra cuộc chính biến Hồng Vệ Binh mà những học sinh ở độ tuổi 15 đã xông vào đập phá trường học, đốt sách vở tài liệu, làm nhục giáo sư bằng cách bắt họ quỳ lạy và đánh đập tàn nhẫn. Chúng đã thường xuyên chửi rủa, đấu tố… tất cả những ai có bằng cấp, nhất là đã tốt nghiệp đại học tại Anh & Mỹ. Giới trí thức thời đó bị hạ nhân phẩm xuống còn hơn ăn mày thời nay và tính mạng cũng không được đảm bảo. Chúng đã tuân theo lời huấn thị của Mao Chủ tịch với lời phán như sau: “Trí thức bất hạ hương, bất đẳng phẩn” (Bọn trí thức mà không chịu về lao động tại nông thôn thì không giá trị bằng cục cứt). Từ đó chúng mới có suy luận rằng “Khổng học không giá trị bằng một bãi cứt trâu.” Cuối cùng thì cuốn Mao Tuyển Tập đã được bọn chúng sùng bái để ứng dụng vào cách xử thế đối với tất cả giới trí thức và khoa bảng và đồng thời cũng để buộc mọi người phải “sống và học tập theo tấm gương đạo đức” của Mao Chủ tịch vĩ đại. Đây chính là một hình thức cách tân của sách lược “phần thư khanh Nho” (đốt sách, chôn sống học trò) của thời kỳ mạt vận. Tất cả giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giới trí thức, sinh viên, văn nghệ sĩ… đều bị cưỡng bách về nông thôn để tăng gia sản xuất và lên núi khẩn hoang để làm kinh tế quốc dân … mà tất cả đều sống trong một tình trạng tinh thần và vật chất thấp kém như thời kỳ “đồ đá” (Stone Age)… Truyện kể rằng tất cả dân Trung Hoa lục địa đều phải sản xuất ra sắt thép, do vậy, tất cả đồ gia dụng như muỗng, thìa… đều được đưa vào lò luyện kim để chế tạo vũ khí và máy bay… khiến chất lượng sắt thép mềm oặt! Sau khi Liên Xô ngưng viện trợ và rút chuyên viên nguyên tử lực về nước thì Mao Chủ tịch cứ hạ lệnh phải hoàn thiện việc chế tạo bom hạt nhân dù trong nước không đủ tài lực và nguyên liệu hạt nhân cùng những trang thiết bị cần thiết… đến nỗi gây ra tai nạn nổ sập tỉnh Đường Sơn làm chết gần 600.000 người (song báo chí của Hoa lục nói là động đất) trong thập niên 70. Hiện nay trên Internet đã liệt kê hàng ngàn tài liệu giá trị nói về hành vi gian ác bạo tàn của họ Mao. Được coi như “serial killer,” Mao Trạch Đông đã tàn sát 65 triệu người dân Trung Hoa từ năm 1949 tới 1976. Đặc biệt trong cuốn “Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông” của Tân Tử Lăng, được Thông Tấn Xã Việt Nam dịch thuật từ Hán ngữ sang Việt ngữ dưới nhan đề Ngàn Năm Công Tội Mao Trạch Đông, và được in năm 2009 tại Hà Nội… đã đưa ra một nhận định như sau: “… bình quân số người cho rằng Mao Trạch Đông sai lầm nhiều hơn công lao là 77,5%. Khái niệm chung là 3 phần công lao, 7 phần sai lầm.”

Ghi chú

Hiện nay có rất nhiều sách vở và tài liệu nói về họ Mao và được đăng tải trên Internet, song có 3 cuốn rất nổi đình đám vì đã trở thành “best-seller” và sau đó được dịch thuật sang Việt ngữ, mà 2 cuốn trên đã được dịch thuật sang Việt ngữ đăng trên báo mạng hải ngoại, hình như trong vantuyen.net hay quanvan.com gì đó.
1. Mao: The Unknown Story của Jung Chang & Jon Halliday được hai nhà xuất bản Random House và Knof ấn hành năm 2005, dưới mã số lần lượt là ISBN 0-224-07126-2 và ISBN 0-679-42271-4 mà hai Tác giả này đã gọi Mao là “quái vật!”
2. Mao Trạch Đông: cuộc đời chính trị & tình dục của Lý Chí Thỏa
3. Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông của Tân Tử Lăng.
P. Kim Long
Saigon, 2010