ẤT MÙI NÓI CHUYỆN DÊ

ẤT MÙI NÓI CHUYỆN DÊ
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre, số tháng Hai, năm 2015)
P. Kim Long

Thuở hồng hoang con người thường sống riêng rẽ theo cá thể, hoặc gia đình chỉ có vợ chồng và con cái. Sau khi phát kiến ra lửa, họ đã bắt đầu sống thành bầy, nhóm, bộ lạc, xóm, làng… Dần dần nhu cầu của họ càng nhiều hơn vì không còn giới hạn ở đồ ăn thức uống, vũ khí, quần áo, thuốc men… mà họ còn muốn thuần hóa những dã thú để biến chúng thành trợ thủ đắc lực. Họ muốn dùng những thú vật này để giúp đỡ họ trong việc khắc phục thiên nhiên: dùng trâu bò trong việc đồng áng vì đôi tay của họ quá yếu ớt, dùng lừa ngựa để đi đây đi đó nhanh chóng và xa hơn vì đôi chân của họ quá ngắn và vô lực…Trong những loài gia súc thân thiện nhất với con người chỉ có: chó, trâu bò, lừa ngựa. Ba loại gia súc trên luôn sát cánh cùng con người trong những lúc gian khổ và hiểm nguy, chính vì thế mà người ta mới cho đó là những con vật tình cảm, thông hiểu tính người và rất trung thành. Cũng chính vì thế mà trong những truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian, ca dao, tục ngữ… đều luôn có bóng dáng của chúng. Xin Quý Bạn tìm đọc bài “Phiếm luận về ngựa trong năm Giáp Ngọ” để rộng đường dư luận. Song chỉ có con “dê” là ít được đề cập nhất! Nhưng dù sao, trong năm Ất Mùi tôi cũng xin phiếm luận dông dài một chút về loài dê (cừu).Người đời vẫn thường ngộ nhận mà cho rằng 12 thành phần của Địa Chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) ứng với 12 con vật (chuột, trâu, hổ/cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và heo/lợn). Bằng chứng là trong những lịch sách (treo tường, bloc, agenda, lịch bỏ túi…) luôn luôn gán cho những người có tuổi Tí là con Chuột, Sửu là con Trâu… Tôi xin tạm trích một vài dòng trong cuốn lịch bỏ túi 2014 của Nhà Xuất Bản Thể Dục Thể Thao (7 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội) như sau: “Chuột khôn ngoan lại nhanh trí. Tuổi Chuột tận hưởng của dư thừa dù hư hỏng, tệ hại và lại rất mực hài lòng về việc này. Tuổi này mê hương vị ngon ngọt và còn khoe ra cho mọi người biết nếu gặp dịp. Ngoài tật này ra, tuổi Chuột chơi với ai cũng được và kết bè với nhiều bạn trung thành…” Ngoài ra, ở cuối mỗi trang lại nói về mỗi con vật, Thầy Rùa còn xủ quẻ như sau: “Tam Hạp: tuổi Chuột hạp với tuổi Thìn (con Rồng) và tuổi Thân (con Khỉ). Tứ Xung: tuổi Chuột khắc/kỵ tuổi Mẹo (con Mèo), tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Dậu (con Gà).”
Theo những Từ điển Hán ngữ như Từ Vựng của Lục Sư Thành (nhà Xuất Bản Văn Hóa Đồ Thư Công Ty, 1910, Đài Loan), Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (nhà Xuất Bản Trường Thi, 1957, Saigon), Trung Việt Từ Điển của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1993, Hà Nội) cùng một số Từ điển Hán ngữ Điện tử như Pleco Basic Chinese-English Dictionary for iPhone, iCED for iPhone… thì tên của những Địa chi trên đơn thuần chỉ được dùng để chỉ thời gian (năm) hay giờ giấc (thời gian trong 1 ngày và đêm), tức chỉ là số thứ tự giờ giấc từ 11 giờ đêm hôm trước tới 11 giờ đêm hôm sau: 12 giờ Âm lịch tương đương với 24 giờ Dương lịch. Vài ba cuốn sách Tử Vi (viết bằng Hán ngữ và Việt ngữ) mà tôi đã có dịp đọc qua, đều không hề gán Tý là Chuột mà chỉ nói là tuổi Tý thì như thế này thế nọ … Người Việt giống hệt cộng đồng người Malaysia gốc Hoa luôn luôn nghĩ rằng 12 con giáp phải tượng trưng cho 12 con vật: năm Tỵ thì họ gọi là “the Year of Snake!”
Quả là chuyện nực cười vì “mùi” (wèi) đứng vị trí thứ 8 trong Địa Chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), tức 8/12, chứ không hề có nghĩa là con dê/cừu; còn giờ Mùi (wéi shī = vị thời) là khoảng thời gian từ 13 giờ tới 15 giờ.
Con người đã thuần hóa một số loài vật hiền lành có sức mạnh để có thể cải thiện cuộc sống của mình; điển hình nhất là con chó, con ngựa và con trâu/bò… Chính vì thế mà mấy con vật này đã thường xuyên xuất hiện trong sinh hoạt của loài người, do đó, trong lịch sử, điển tích, ca dao, tục ngữ, văn học… đều đề cập tới chúng. Chỉ riêng, con Dê/Cừu đã vắng bóng trong sinh hoạt văn hóa và tinh thần của người Việt chúng ta.
Sau đây là một vài phạm trù liên hệ tới con dê/cừu.

1. Dê trong ca dao, tục ngữ, tiếu lâm
Dương bì (yáng pí): da dê. – Dương bì chỉ (yáng pí zhĭ = parchment): giấy viết bằng da dê (quí hơn giấy da bò và da trâu). – Dương công (yáng gōng): người chăn cừu thuê. – Dương chất hổ bì (yáng zhì hǔ pí): dê khoác da hổ, miệng hùm gan sứa, già trái non hột. – Dương du (yáng yoú): mỡ dê/cừu. –
Dương đầu cẩu nhục (yáng toú gŏu ròu): đầu dê thịt chó, treo đầu dê bán thịt chó, giả dối gian manh. –
Dương đậu (yáng doù): bệnh đậu cừu (animal husbandry sheep pox). – Dương điên phong (yáng diān fēng): bệnh kinh giản (epilepsy). – Dương giác phong (yáng jiăo fēng): bệnh điên. – Dương giản phong (yáng xián fēng): bệnh điên. – Dương lạc (yáng lào): sữa dê. – Dương mao (yáng máo): lông cừu.-
Dương mạc (yáng mó): nhau thai. – Dương mao đinh (yáng máo dīng): bệnh dương mao đinh (đau đầu sốt nóng lạnh). – Dương mao xuất tại dương thân thượng (yáng mao chū zài yáng shēn): lông dê lại mọc trên mình dê, số tiền đem cho ai thực ra là tiền của người đó, của ruộng đắp lên bờ, không phải là của cho không, nothing comes for free. – Dương nhập hổ khẩu (yáng rù hǔ kŏu): dê vào miệng cọp, ở vào tình thế nguy hiểm, trên đe dưới búa. – Dương nhục (yáng ròu): thịt dê. – Dương quan (yáng guān): người chăn cừu. – Dương quần lý đầu xuất lạc đà (yáng qún lĭ tóu chū luò tuo): đứng như con lạc đà trong đám cừu/dê, tài xuất chúng trong đám đông. – Dương trường (yáng cháng): ruột dê, đường đi quanh co, ngoắt ngoéo. – Dương trường điểu đạo (yáng cháng niăo dào): đường núi nhỏ hẹp quanh co. –
Dương trường tiểu đạo (yáng cháng xiào dào): đường hẹp ngoằn ngoèo. – Dương trường tiểu kính (yáng cháng xiào jìng): đường ngoằn ngoèo. – Dương trường tuyến (yáng cháng xiàn): chỉ y khoa (để khâu vết thương, khi lành thì chỉ này sẽ tự tiêu). – Quải dương đầu mại cẩu nhục (guài yáng tóu mài gŏu ròu): treo đầu dê bán thịt chó, giả dối, bất lương. – Vong dương bổ lao (wáng yáng bǔ liáo): mất dê mới tu bổ chuồng dê, mất bò mới lo làm chuồng.- Vong dương đắc ngưu (wáng yáng dě niú): mất dê được trâu, mất ít được nhiều. – Cao dương (gāo yáng): cừu/dê non, người ngây thơ trong trắng.- Đại tội cao dương (dài zùi gāo yáng): chịu tội thay người khác, dê tế thần (scapegoat)…
Truyện cười ngày xưa có kể một mưu mẹo của đứa bé đối phó với một ông vua gian ác, hay đơn giản câu chuyện này chỉ để ca ngợi trí thông minh lanh lợi của một đứa trẻ. Nhà vua ra lệnh dân làng nọ phải làm cho con dê đực đẻ con, nếu không làm được thì sẽ bị tội. Tất cả dân làng, từ Lý Trưởng tới anh Mõ và mọi người đều bù đầu lo lắng không biết cách giải quyết. Song chỉ có đứa bé mươi tuổi đầu chạy vào cung vua kêu khóc ầm ĩ. Vua lấy làm lạ, sai lính ra hỏi nguồn cơn. Đứa bé nói rằng mẹ nó mất sớm nên nó không có em bé, nhưng nay nó muốn có em bé để hai anh em chơi với nhau, song bố nó không chịu đẻ. Nghe xong thì nhà vua bật cười mà bảo rằng đàn ông làm gì mà đẻ được. Đứa bé vội vin vào câu này để phản bác quyết định của nhà vua khi ra lệnh làm dê đực phải đẻ con. Nghe xong lý giải trên, nhà vua phì cười và tha bổng cả làng đó.

2. Dê trong văn học
Thật trái ngược với con ngựa, con dê không được con người chú ý nên trong văn học rất ít truyện hay giai thoại liên quan tới con vật này.
Chữ “nhuận bút” (làm trơn bút mới có thể viết được) có nghĩa là “tác quyền” (copyright) bây giờ. Điển tích này có từ thời Nhà Tùy: một hôm Tùy Cao Tổ bảo văn quan Lý Đức Lâm viết chiếu chỉ, song lúc đó nghiên mực đã cạn và bút lông cũng khô, do vậy một văn quan đứng cạnh liền tâu rằng “nghiên bút đã khô cả mực rồi,” còn một văn quan khác cũng nói rằng “lấy tiền đâu mà mua mực.” Nghe xong, vua hiểu chuyện, liền xuất tiền cho Lý Đức Lâm. Sau này, “nhuận bút” có nghĩa là tiền thù lao trả cho văn thi sĩ khi họ viết ra một bài văn, câu đối (để treo trong nhà hay đền chùa), thi phú… Nhuận bút về thời xưa không có giá nhất định. Thi tiên Lý Bạch chỉ cần vài chén mỹ tửu mới đủ thi hứng múa bút làm thơ. Danh tài Tô Đông Pha chỉ cần một bữa thịt dê là có thể rồng bay phượng múa trong bài thơ bài văn theo yêu cầu. Riêng Tư Mã Tương Như khi viết bài phú Trường Môn với ca từ tuyệt hảo và nỉ non than khóc để Vua không ruồng bỏ Hoàng hậu, đã được thưởng 100 cân vàng.
Truyện ngắn “Con dê cái của Ông Séguin” (La Chèvre de Monsieur Séguin) là một trong những đoản thiên trong cuốn Lettres de Mon Moulin (Những lá thư viết từ cối xay gió của tôi) do Alphonse Daudet trước tác dành cho thanh thiếu niên. Trong trang trại của một chủ vườn có 6 con dê đủ loại: đực, cái, lớn, bé. Song cả 5 con kia đều bị một con sói lần lượt tấn công và ăn thịt khi chúng lạc bầy trong rừng sâu. Hôm cuối cùng, con dê cái này cũng đi vào tận rừng sâu suốt cả ngày. Dù đã nghe thấy tiếng kèn vang lên nhắc nhở quay về, con dê cái này đã lạc đường và lại gặp con sói nọ trong rừng sâu. Con dê cái đành phải dùng hai chiếc sừng để chống cự lại con sói dũng mãnh và tàn ác. Con dê nọ cố gắng cầm cự mong kéo dài thời gian càng lâu càng tốt vì tất cả 5 con dê trước đều đã bị con sói ăn thịt trước lúc nửa đêm. Con dê cứ cố gắng gượng chống trả bằng những nỗ lực tuyệt vọng: vừa kiên cường cầm cự vừa trông lên bầu trời đầy sao dần dần lu mờ vì trời gần sáng. Khi mặt trời vừa mới ló dạng ở phương đông thì con dê ngã lăn ra chết vì kiệt sức song nó rất hãnh diện vì đã kiên cường chống cự kẻ thù truyền kiếp. Truyện ngắn trên được giảng dạy ở những trường trung học Pháp và Việt trong thập niên 30 tới 50 nên đã làm say đắm biết bao học sinh mà nay tuổi đời có thể đã trên 70 tuổi.

3. Dê trong lịch sử, điển tích
3.1.Tô Vũ mục dương.- Tô Vũ (蘇武 = Su Wŭ), tên thật là Tô Tử Khanh, là bề tôi trung thành của Hán Vũ Đế (140 BC – 87 BC) đã trở thành bất tử qua điển tích “Tô Vũ mục dương” tức Tô Vũ chăn dê. Về thời đó nước Tàu thường bị rợ Hung Nô từ phương Bắc tràn xuống xâm lấn, song vì thế yếu, vua Hán phải sai Tô Vũ sang cầu hòa. Song làm phật ý chúa Hung Nô, Tô Vũ bị bỏ đói ba ngày trong hang. Nhờ hớp những giọt sương đêm nên Ông đã sống sót. Vua Hung Nô kinh sợ nghĩ Tô Vũ là thần nên không dám hãm hại song lại đày đến đất Bắc chăn dê và sẽ cho trở về Hán với điều kiện khi nào dê đực đẻ ra dê con. Tô Vũ ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Sống nơi hoang vu giá lạnh, Ông chỉ còn biết làm bạn với cầm thú, đã lấy một con vượn cái (song tôi nghĩ chắc không phải con vượn hay khỉ đột vì hai con vật này có gene khác với loài người, nên tôi nghĩ đó có thể là người đàn bà rất xấu xí, mà ta thường gọi là “xấu như quỷ dạ xoa”) làm vợ để đỡ cô đơn trong nơi hoang vắng và cuối cùng đã có với nhau một đứa con. Mỗi khi gặp chim nhạn bay thiên di về phương Nam, Ông lại viết một lá thư gắn vào chân chim nhạn để nhờ mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Vua Hán tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc. Sau 19 năm, nhờ sự nỗ lực can thiệp của vua Hán, Tô Vũ chia tay người vợ vượn người trở về đất Hán. Điển tích này đã trở thành một đề tài đặc sắc trong thi ca để biểu tượng cho đảm lược và bất khuất của một trung thần.
3.2. Dương công hạc (yáng gōng hè): con hạc của Ông Dương. Sách Thế Thuyết Tân Ngữ kể rằng đại thần Dương Thúc Tây đời Tây Tấn nuôi một con hạc biết múa rất đẹp, do vậy Ông sai người ra mang ra cho mọi người xem. Khi Ông bảo nó múa thì nó cứ đứng trơ xù lông ra. Do vậy, từ ngữ này được dùng để chỉ người hữu danh vô thực. Một từ ngữ tương tự là: bất vũ chi hạc (bù wǔ zhī hè) = con hạc không biết múa.
3.3. Dương đạp thái viên (yáng tà cài yuán = dê dẫm nát vườn rau).- Trong truyện Khải Nhan Lục kể rằng về đời nhà Tùy có một người thường xuyên ăn rau dưa (ăn chay), song một hôm tình cờ được ăn thịt dê, nên trong giấc mộng Thần Ngũ Tạng hiện lên bảo rằng: “Dê đã dẫm nát vườn rau rồi!” Về sau từ ngữ này ám chỉ người ăn chay bỗng phá lệ ăn mặn.
3.4. Dương Tả chi giao (Yáng Zuŏ zhī jiāo): tình bạn bè giữa Dương Giác Ai và Tả Bá Đào.- Theo Hán Thư, trong truyện Đồ Cương về thời Xuân Thu hai hàn sĩ này rất thân thiết và thường nhường cơm sẻ áo cho nhau. Khi nghe biết vua Sở có ý chiêu hiền nạp sĩ, hai người liền bỏ nước ra đi, song khi tới biên giới hai nước thì trời nổi lên những trận bão tuyết phủ ngập đường xá. Vì không mang theo đủ lương thực và quần áo ấm nên hai người bị kẹt trong rừng thẳm giá buốt. Tả Bá Đào bàn cùng bạn và tự ý hy sinh: dành hết lương thực và quần áo cho bạn, còn mình trần truồng chui vào hốc cây để bạn có đủ phương tiện đi tiếp. Tới được nước Sở thì Dương Giác Ai được làm quan to và sau đó đi tới chốn cũ làm ma chay tế người bạn xấu số. Để nói tới tình bạn thắm thiết thì người xưa hay trích dẫn câu “Dương Tả chi giao,” song họ không biết hay cố tình lờ đi chuyện “đồng tính luyến ái” giữa hai đực rựa này. Đây là một trong hai chuyện đồng tính luyến ái về thời Đông Chu Liệt Quốc: câu chuyện thứ hai nói về vua Vệ Linh Công và Di Tử Hà. Vua Vệ rất yêu quý Di Tử Hà nên sẵn lòng bỏ qua mọi lỗi lầm của người bề tôi thân cận này: đương ăn dở một trái cây ngọt thì Di Tử Hà vội dâng vua ăn tiếp làm vua cảm động khen người bề tôi này biết nhịn ăn để mời vua, đang đêm Di Tử Hà trộm long xa để về thăm mẹ bị ốm thì vua khen bề tôi này có hiếu dám tự tiện xài ké xe của vua… Nhưng khi vua không còn sủng ái nữa (có lẽ vua tìm được trai đẹp khỏe hơn) thì vua liền hài những tội trên: vô lễ khi dâng vua đồ ăn thừa và phạm thượng khi dùng long xa không được phép của vua. Sau đó vua ra lệnh chém đầu. Cổ nhân không hề đả động tới chuyện đồng tính luyến ái của những nhân vật trên, song trong dân gian lại xầm xì những chuyện đó.
3.5. Dương xa (yáng chē).- Xe dê (xe được dê kéo). Ngày xưa vua Tấn Võ Đế thường ngồi trong một chiếc xe do dê kéo đi lại trong cung để chọn cung phi hoan lạc trong đêm hôm đó. Nếu con dê ngừng lại ở cửa phòng một cung phi nào thì nhà vua sẽ nghỉ đêm với cung phi đó. Nhà vua cho rằng biện pháp này là công bằng vì đó là hợp ý trời. Do vậy, những cung phi thường để những lá dâu nõn tẩm nước muối để nhử dê. Nếu chỉ có lá dâu non thì dê không bén mùi, trái lại có tẩm nước muối nhạt thì dê sẽ quen mùi thường xuyên đến hơn. Thi phẩm kiệt xuất Cung Oán Ngâm Khúc (Complaint of a Palace Maid, The Complaints of the Royal Harem) của Nguyễn Gia Thiều, gồm 356 câu thơ song thất lục bát, đã mô tả nỗi sầu oán của một cung nữ bị thất sủng. Tuy nhiên 4 câu thơ từ 159 tới 162 đã thuật lại quãng thời gian được sủng ái khi vua ngồi xe dê tới hoan lạc cùng cung nữ:
“… Phải duyên hương lửa cùng nhau,
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.
Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,
Lúc cười sương cợt tuyết đền phong….”

4. Dê trong Đông Y
Hình như con dê được dùng nhiều nhất trong Đông Y vì ngựa, chó, và trâu bò… ít có những bộ phận được sử dụng làm thuốc thang. Có lẽ người ta cho rằng hai con vật thân thiết với con người là chó và ngựa nên họ không nỡ giết thịt dù để làm thuốc chữa bệnh cho con người. Trái lại, Đông Y đã tận dụng con dê: 17 bộ phận được dùng làm thang dược. Đông Y vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Triết học Đông phương: thiên nhân hợp nhất (người và trời tương hợp với nhau), hoặc nhân thân diệc tiểu thiên địa (thân thể con người cũng được ví như một bầu trời nhỏ). Từ đó, Đông Y suy rộng ra là những thú vật cũng giống con người về thịt, máu, xương và da; do vậy, những bộ phận và cơ quan của những con vật này có thể dùng để chữa trị hay bồi bổ những bộ phận và cơ quan suy yếu hay bệnh tật của con người. Thuyết Tạng khí trị liệu (Organotherapy) trong Đông Y gần như tương đồng với Homeopathy (Đồng khí trị liệu) vì S. Hahnemann chủ trương “like cures like” (một chất nào gây ra một triệu chứng cho người khỏe thì có thể chữa được triệu chứng ấy ở người bệnh).
Sau đây tôi xin liệt kê một số bộ phận và cơ quan của con dê được dùng làm thuốc Bắc. Tên những vị thuốc này được trích trong cuốn Trung Dược Đại Từ Điển của Giang Tô Y Học Viện, xuất bản Thượng Hải Khoa Học Kỹ Thuật, 1985, Quyển 1. Từ điển này nói rất tỉ mỉ dài dòng, song tôi lược bỏ gần hết mà chỉ giữ lại phần Chủ trị.
4.1. Dương bì (yáng pí) = da dê (phải cạo bỏ hết lông dê) – Chủ trị: bổ hư lao, trị chứng phế bị hư lao, cổ độc, hạ huyết (đi cầu ra máu).
4.2. Dương can (yáng gān) = gan dê – Chủ trị: ôn huyết, bổ can, minh mục (làm sáng mắt), trị chứng huyết hư gày còm, mắt hoa mờ, thông manh, phụ nữ thiếu máu sau khi sanh, trẻ nít biếng ăn vì thiếu vitamin A, hoàng đản (bệnh vàng da).
4.3. Dương cốt (yáng gǔ) = xương dê – Chủ trị: bổ thận hư, cường cân cốt, trị suy nhược cơ thể, gày còm suy nhược, yếu chân và đầu gối, gân xương đau nhức, kiết lỵ, tiết tả (tiêu chảy) lâu ngày, bạch trọc (khí hư, huyết trắng ở phụ nữ), ích thận minh mục, trị yêu thống,
4.4. Dương chi (yáng zhī) = mỡ dê – Chủ trị: bổ hư, nhuận táo, khử phong, giải độc, nhuận cơ phu (bồi bổ da thịt), kiết lỵ mạn tính, ốm o gày mòn, ghẻ lở mụn nhọt, thoát giang/trĩ (nếu dùng mỡ dê sống), đàn bà sản hậu bị đau quặn bụng, sát trùng, trị ghẻ lở. Cấm dùng nếu bị nóng sốt.
4.5. Dương di (yáng yí) = tụy dê – Chủ trị: bệnh ho lâu ngày, bệnh phụ khoa như khí hư, huyết trắng, thống kinh.
4.6. Dương đảm (yáng dăn) = mật dê – Chủ trị: thanh hỏa (làm mát trong người), minh mục (làm sáng mắt), giải độc, trị phong nhiệt, mắt đỏ, phế lao thổ huyết, sưng đỏ yết hầu, hoàng đản (vàng da), ghẻ lở vì bị nhiệt độc, tiện bí (táo bón), lợi tiểu tiện, hành thủy giải độc.
4.7. Dương đỗ (yáng dǔ) = bao tử dê (Hán ngữ còn gọi là “dương vị”) – Chủ trị: bổ hư, kiện tỳ vị, trị hư lao suy nhược, biếng ăn, tiêu khát (đái tháo nhạt, đái đường), đạo hãn (mồ hôi trộm), đái nhiều lần.
4.8. Dương huyết (yáng xuè) = máu dê – Chủ trị: chỉ huyết (cầm máu), khử ứ, trị thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), trĩ ra máu, phụ nữ băng lậu, sản hậu huyết vựng, ngoại thương xuất huyết…
4.9. Dương não (yáng năo) = óc dê – Chủ trị: nhuận bì phu, trị ghẻ lở, trị tổn thương, ung nhọt, bị gai đâm, trị phong hàn nhập não, đau nhức đầu kinh niên. Ăn nhiều óc dê sẽ dễ bị phong nhiệt.
4.10. Dương nhũ (yáng rǔ) = sữa dê – Chủ trị: ôn nhuận bổ hư, suy nhược cơ thể, tiêu khát (đái đường, đái tháo nhạt), phiên vị, trong miệng mọc mụn lở loét, kinh giản trẻ nít, trị sưng lưỡi, nấc…
4.11. Dương nhục (yáng ròu) = thịt dê – Chủ trị: ích khí, bổ hư, ôn trung noãn hạ, trị hư lao, yêu tất toan nhuyễn, sản hậu hư lãnh.
4.12. Dương phao (yáng pāo) = bong bóng/bọng đái của dê – Chủ trị: trị hạ hư, di niệu (đái són), điều hòa khí huyết ở hạ tiêu, làm tăng sữa cho sản phụ. Cấm dùng nếu bệnh nhân bị hư nhược và sản phụ bị són đái.
4.13. Dương phế (yáng fèi) = phổi dê – Chủ trị: bổ phế khí, điều thủy đạo, ho nhiều, tiêu khát (tiểu đường, đái tháo nhạt), bí tiểu hoặc tiểu nhiều lần, trừ phong tà, suy nhược cơ thể.
4.14. Dương tâm (yáng xīn) = tim dê – Chủ trị: giải uất, bổ tâm, trị khí bị đình trệ, kinh quý (sợ sệt).
4.15. Dương tu (yáng xū) = râu dê – Chủ trị: mồm miệng trẻ con lở loét, bệnh cam trẻ con, đầu cứt trâu (da đầu trẻ nít tróc bong từng mảng).
4.16. Dương thai (yáng tāi) = thai dê – Chủ trị: điều bổ thận hư (bồi bổ tình trạng suy yếu của thận), chữa trị suy nhược cơ thể.
4.17. Dương thận (yáng shèn) = thận/cật dê – Chủ trị: bổ thận khí, ích tinh tủy, trị tạng thận hư tổn, đau nhức lưng và xương sống, đầu gối và chân tê mỏi, tiêu khát (tiểu đường, đái tháo nhạt), nhĩ lung (tai ù, tai điếc vì ù tai không nghe thấy, chứ không phải rách màng nhĩ), đái són, đi tiểu nhiều lần, suy nhưọc vì mồ hôi trộm, dương nuy (bất lực), âm nuy (yếu sinh lý), tráng dương ích vị.

5. Dê trong Sex
Tôi không hiểu vì sao mọi người lại nghĩ rằng “dục tính” của loài dê rất cương cường hơn cả ngựa, heo và chó. Người ta thường dùng chữ “ba lăm” hay “dê” để ám chỉ một người có tính dâm đãng, thích đàn bà con gái. Có lẽ số 35 được gán cho con dê vì xưa kia trong bài cào hay đánh đề gì đó (tôi vốn dốt về cờ bạc): người ta đã gán một số vào từng loại con vật để tiện nhận mặt quân bài vì đa số dân cờ bạc thường ít chữ nghĩa. Do tình cờ số 35 lại gán vào hình con dê, do vậy, số 35 đã trở thành biểu tượng của sự dâm dật, thích theo đuổi đàn bà con gái… Tạp chí Playboy thì dùng hình con thỏ làm biểu tượng của tính 35 vì sức sinh sản của loài này mạnh mẽ vô kể. Người ta kể rằng khi xưa Úc Châu không có thỏ, nhưng một thủy thủ đã mang lén một cặp thỏ đực và cái lên bờ. Sau đó, cặp thỏ sinh đỏ mạnh quá khiến người này không nuôi nổi phải bỏ chúng vào rừng. Kể từ đó, loài này sinh sản mạnh phá hoại hoa màu làm khốn đốn nhiều nông trang bản địa.
P. Kim Long
Email: pklong9@gmail.com
Saigon, 2014