Chiếc võng quan tài

Chiếc võng quan tài
Thái-Vinh

Xóm Thiện Trường nằm ven chân núi Hòn Vồ, ngó ra cánh đồng lúa bát ngát. Xóm chỉ có ba mươi sáu gia đình, nhưng hai dòng họ lớn nhất trong xóm đã cung cấp cho cả xã Phước An bốn ông xã trưởng. Họ Đỗ có anh em ông Xã Cựu và Xã Quyền; còn họ Nguyễn có anh em ông Xã Quý và Xã Dư. Thân phụ của ông Xã Cựu và Xã Quyền vẫn còn tại thế và từng giữ chức Hương Bộ trong làng, nên họ Đỗ được họ Nguyễn tôn kính vào hàng trưởng bối. Ông Hương Bộ thường mặc bộ đồ trắng đẹp như tiên; mỗi chiều ông dạo lên xóm trên, rồi trở xuống xóm dưới làm ra vẻ tập thể dục mà kỳ thật là kiểm soát các đám ruộng lúa. Thấy thằng bé nào lơ đễnh thả bò ăn lộn một cộng lúa nhà ông, ông dịu dàng gọi, “Cháu lại đây cho ông bảo?” Đứa nào chưa biết tính ông, lễ phép chạy lại thì bất ngờ từ trong ống tay áo của ông vụt ra ngọn roi như chớp xẹt xuống đầu! Năm ông Hương Bộ bước vào tuổi bát tuần (80 tuổi), gia đình chiều ý mừng tuổi thượng thọ cho ông một cỗ quan tài thật đẹp. Nhưng chờ đến tuổi đại thọ (90 tuổi) vẫn chưa thấy thần chết đến rước, ông cột cái hòm làm võng nằm dưới mái hiên nghe con Chín Dẹo ngâm thơ ru ông ngủ trưa. Chín Dẹo rất xinh gái, nhưng lỡ sinh ra bị tật một cánh tay; gia đình mặc cảm không cho đi học. Nó lớn hơn bọn thằng Thái vài ba tuổi, nhưng tự hạ mình ngang hàng kêu mày tao, nhập bọn chơi buôn bán, bẻ mía trộm, đánh lộn… Trong đám cháu, ông Hương Bộ thương con Chín Dẹo nhất. Ban ngày ông dạy nó học chữ; ban đêm trăng sáng, ông cháu dắt ra nghĩa địa Vườn Chung luyện võ. Một hôm bọn thằng Thái, cu Hòa, bốn Ninh, con Dung, con Lợt, và con Hoa đang chơi buôn bán dưới gốc me, bất chợt thấy Chín Dẹo, Thái kêu lớn:
– Ê, Chín Dẹo! Chơi làm vợ chồng không?
Chín Dẹo đỏ mặt, ấp úng:
– Tao… tao muốn chơi làm vợ chồng với anh Đức của mày thôi.
Thái trêu:
– Nhưng anh Đức thích con Mười rồi.
Mặt con Chín Dẹo cúi xuống lộ vẻ đau khổ:
– Mười là con riêng của bố tao đấy!
Thái còn đang ngơ ngác về chuyện bí mật của ông Xã Cựu có con riêng thì con Chín Dẹo nói to:
– Chơi trốn bắt đi?
Cả bọn kéo nhau về nhà Chín Dẹo. Đi ngang qua vườn rau của ông Xã Cựu, con Chín Dẹo làm ngơ để Thái nhổ trộm vài bụi khoai lang đem lùi tro nướng cho cả bọn ăn, rồi chơi trốn bắt. Trốn quanh quẩn bên giếng nước hay trong nhà bếp bị Chín Dẹo bắt mãi, Thái chạy tọt vào cánh cửa nhà trên đang khép, trốn vô căn phòng tối thui. Mò mẫm đụng cái thùng gỗ, nó nhảy phóc vào. Nghe một tiếng hự, nó giật mình biết gặp phải sự cố không ổn, bèn vội vàng nhảy ra. Lập tức một bóng trắng vụt bật dậy như lò xo; rồi tiếng vút vút đuổi theo Thái đập chát chát trúng cánh cửa. Kế tiếp nghe một tiếng hự lớn phía sau ngạch cửa; Thái đã chạy thoát về nhà.
Suốt hai ngày sau Thái không dám đi ngang qua nhà ông Xã Cựu; con Chín Dẹo cũng không ra chăn bò ở Vườn Chung. Đến ngày thứ ba, nghe tiếng kèn trống inh ỏi, Thái len lén đi theo xa xa coi đám ma ông Hương Bộ thấy Con Chín Dẹo sụt sùi khóc. Trời bỗng đổ mưa làm Ba Hạ con ông Xã Cựu và Ba Chưởng con ông Xã Quyền đang khiêng võng loạng choạng trượt chân té lật chiếc võng ma lăn ra ngõ. Kèn trống và tiếng khóc im bặt. Hốt nhiên có tiếng gõ lộp cộp gấp rút từ trong quan tài vọng ra làm cả đám khiếp đảm muốn bỏ chạy! Ông Xã Cựu và ông Xã Quyền vội hô hoán con cháu đem kềm búa nạy nắp hòm. Nắp vừa hé thì một bóng trắng đã hất tung nắp hòm vụt đứng dậy như quỷ nhập tràng phóng roi vun vút quất ra hai bên. Ông Hương Bộ đã hồi dương. Công lực tái sinh mạnh khủng khiếp làm mấy người cháu trai khoẻ mạnh xông vào đều bị đánh ngã lăn! Trong đám đông đột nhiên có tiếng kêu, “Nội ơi …”; con Chín Dẹo đã vọt tới, ôm cái bóng trắng khóc òa. Ông Hương Bộ bỏ roi, vuốt mái tóc cháu gái rồi ngoan ngoãn nằm xuống võng. Chiếc võng quan tài được khiêng trở vào nhà. Từ đó ông Hương Bộ bế môn ăn ngủ trong hòm, không tiếp xúc và nói năng với ai nữa. Mọi việc chăm sóc ông đều do một tay con Chín Dẹo đảm trách. Mỗi năm duy nhất một lần, đúng ngày mồng một Tết, ông Hương Bộ như cái xác chết biết đi từ trong hòm bước ra ngồi trước bàn thờ. Từ ông Xã Cựu, Xã Quyền xuống đến lũ cháu chắt và họ hàng tản mát khắp nơi tề tựu về từ đường họ Đỗ lần lượt lạy mừng tuổi, chúc tết, và thưa trình thành quả xuất sắc trong năm cũ; ví dụ như “Cháu là Năm Hữu, học sinh duy nhất trong xã đã thi đậu bằng Trung Học”. Ông Hương Bộ ngồi yên lặng như pho tượng thần tiên; chẳng biết ông có nghe không, nhưng thỉnh thoảng con Chín Dẹo đứng bên ông mấp máy môi như thể đang dùng công phu truyền âm nhập mật nhận lệnh ông truyền lại lời khen hay hỏi han. Khi nghe “Cháu là Bốn Hạnh và bé Hào chúc ông Cố luôn khoẻ mạnh sống lâu trăm tuổi …” thì ông Hương Bộ qua miệng con Chín Dẹo nghiêm nghị hỏi, “Mày đã lấy chồng đâu mà có con?” Điều nầy làm Bốn Hạnh xấu hổ và tủi thân bật khóc! Đến lượt con Công là đứa chắt nhỏ nhất chúc Tết ông xong thì mọi người cung kính cúi đầu chuẩn bị đi thụt lui ra cửa, thình lình ông Hương Bộ qua miệng con Chín Dẹo như quát vào tai, “Còn con Mười đâu?” Mọi người ngơ ngác không biết con Mười là ai thì ông Xã Cựu vội bước ra, “Thưa bố … Tết năm nay cháu Mười không về kịp vì mẹ cháu mới sinh cho cháu một đứa em gái.”
Gia đình Thái dọn nhà đi khỏi xóm Thiện Trường đã lâu. Ông Hương Bộ sống và chết trong chiếc võng quan tài thọ đúng một trăm tuổi. Anh Đức của Thái đã trải qua bốn đời vợ; còn Con Chín Dẹo không bao giờ lấy chồng trở thành bà già ăn trầu!

Nỗi Buồn Ngày Tết Của Tôi

Nỗi Buồn Ngày Tết Của Tôi
Võ Nguyễn Như-Quỳnh (University of Arizona, 8/1998)

Tết, lúc nào cũng phải vui như người ta thường nói vui tết, mừng tết; chứ có ai nói buồn tết bao giờ? Vậy mà đối với tôi, tết lúc nào cũng buồn. Tết, tôi ít khi có được áo quần mới. Gia đình tôi đông lắm, cha mẹ tôi lại nghèo. Khi cái ăn còn chưa đủ, ai mà nghĩ đến cái mặc bao giờ? Tết đến, cha mẹ tôi chật vật lắm mới mua được miếng thịt heo, cân đường… cho nên quần áo mới đối với chúng tôi chỉ nằm trong vòng mơ ước. Đám trẻ, hễ tết là cái gì cũng phải mới, đồ mới, dép mới, tóc mới và nhiều thứ mới nữa. Tết, chúng đi khoe nhau những thứ mới mà chúng có, thi đua coi đứa nào có nhiều đồ mới hơn; tôi thì chẳng có gì mà khoe cả. Vậy nên tết nào tôi cũng trốn ở nhà và buồn.
Khi tôi trở thành thiếu nữ, tết đến, tuy là sự khoe quần áo mới của các bạn đồng lứa vẫn còn, nhưng không lộ liễu và gay gắt như lúc còn bé. Tôi, đã ít khi buồn phiền vì không có áo mới này, quần mới nọ… thì tết đến, một điều đã làm cho tôi buồn da diết, buồn hụt hẫng là sự thiếu vắng một cành mai. Nhà tôi, vốn có một cây mai già trước cổng. Cây mai đó già lắm có lẽ cùng thời với ba tôi, hay là ông nội tôi mà tôi không được rõ. Hằng năm tôi vẫn đòi cha tôi cắt một cành mai vào nhà cho bằng được. Cha tôi thường nhìn cây mai già lo ngại “Cây mai đã già quá; cắt hết cành sợ nó không ra cành mới nữa.” Nhưng mà tôi cương quyết lắm nên ông, sau khi than thở như vậy cũng chiều ý tôi mà bắc thang leo lên cắt một cành nho nhỏ. Nhưng rồi đến năm đó, một trận bão khốc liệt đã triệt hạ hầu hết cây cối trong vườn nhà tôi. Cây mai tội nghiệp của tôi lại không bị gãy; lúc đó tôi đã mừng lắm, nhưng vài tháng sau tôi và những người trong gia đình mới nhận ra cây mai đã chết. Chết đứng, vì không chịu nỗi trận lay lắt kia. Cha tôi nói “Cây chết đứng trong vườn là một điềm chẳng lành.” Vậy nên sau đó chúng tôi đã chặt cây mai xuống làm củi đốt. Từ đó, tôi không có được cành mai ngày tết nữa. Hằng năm tôi nhìn mai vườn nhà khác, hay nhìn những cành mai trong chợ hoa ngày tết mà ao ước và buồn rầu. Cha mẹ tôi có lẽ cũng nhận ra điều đó, nhưng mà họ chật vật lắm mới mua được cho chúng tôi vài ký thịt heo, ký đường, hay bó gừng làm mứt thì cái màu mè xa xỉ kia làm sao mà có chỗ tồn tại?
Bây giờ, thấm thoát đã bảy muà xuân tôi lưu lạc xứ người; mỗi xuân về tết đến, tôi cũng vẫn buồn. Khắp nơi, những cành mai giả làm giống mai thật như đúc và tuyệt đẹp được bày bán, và nào là bánh chưng, kẹo, mứt, trà, hột sen… Và tôi cũng có thể dễ dàng mua vài bộ đồ mới cho mình. Ở cái xứ này, cái gì cũng có; cái gì cũng có thể mua, duy nhất một thứ không ai có thể bán mua là hương vị quê nhà. Mùa xuân năm nay, tôi lại càng buồn hơn nữa. Vì ngoài những nỗi buồn muôn thuở của cá nhân tôi, tôi còn một nỗi buồn khác. Buồn cho quê hương tôi, cho miền Trung yêu dấu đã trải qua những trận bão lụt khắc nghiệt. Tôi biết, có rất nhiều cây mai đã bị gãy, bị chết; nhưng mà cây mai gãy hay chết thì có ăn thua gì so với biết bao người thiệt mạng và nhà cửa sụp đổ! Tôi không biết mùa xuân này, người quê tôi phải ăn tết ra sao? Đám trẻ có được miếng thịt heo hay lát mứt? Những thứ mà ngày xưa tôi có, nhưng lúc nào cũng buồn rầu vì cho là chưa đủ.

Hoài Niệm Lịch Sử

Hoài Niệm Lịch Sử
Thái-Vinh

“Ai về cõi Bắc cho ta gởi
Tất cả lòng thương giống Lạc-Hồng
Từ lúc mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng-Long…”

Mấy câu thơ trên vẫn thường theo ám ảnh trong tâm trí tôi từ mấy chục năm qua, mà mỗi lần chợt nhớ lại là lòng run lên. Tôi nghĩ, tác giả phải là một kẻ sĩ khẳng khái oai hùng với tấm lòng yêu mến dân tộc và tổ quốc ghê gớm lắm!
Ngày còn bé, tôi rất mê bộ môn Sử-Ký. Đám “Đất Dài” sau nhà là chỗ bọn tôi tập làm Đinh Bộ-Lĩnh mỗi buổi chiều. Bọn thằng Cu Hòa, Bốn Ninh, Con Dung…nghe lời tôi răm rắp, lấy lọ nồi vẽ mặt, bẻ cây, cỡi bò hò hét xáp trận đánh nhau kịch liệt…Chúng nào biết Đinh Bộ-Lĩnh là ai! Tôi phải lén cạy tiền trong hủ bình binh của em gái tôi ra mua bánh tráng ướt chiêu đãi Mười Hai Sứ Quân tôn hô tôi lên làm Vạn Thắng Vương!
Dạo ấy, tôi không hiểu vì sao Bà Triệu Ẩu đang hồi thắng thế, bỗng thấy quân Tàu cởi truồng ra trận, bà lại che mặt chạy; nhưng tôi vô cùng hả hê khi nhìn hình Thái tử Hoàng-Tháo của đoàn quân xâm lăng Nam Hán bị Ngô Quyền trói thúc ké trên sông Bạch-Đằng. Tôi mơ làm một tên lính vác giáo dài đi chân đất chạy theo Nguyên soái Lý Thường-Kiệt và Tôn Đản sang vây đánh Châu Khâm, Châu Ung, và Châu Liêm; lại bắt chước tập làm hai dũng tướng Yết Kiêu và Dã Tượng của Hưng Đạo Vương ngắt cộng hoa súng ngậm mồm lặn cút thật sâu dưới nước vào mỗi buổi trưa lũ học trò chúng tôi thủy chiến dậy sóng ầm vang ở Bầu Cạn…
Học lịch sử đến đâu, chúng tôi bắt chước đến đó. Mỗi lớp chia thành nhiều đội: đội Trưng Vương, đội Trần Quốc-Toản, đội Lam Sơn…thi đua học hành, làm vệ sinh, trồng rau, và tập thể thao rất vui vẻ. Trong suốt hai năm học cuối ở bậc Tiểu-Học, tôi được vinh dự chọn kéo Quốc-Kỳ cho toàn trường hát Quốc-Ca.
Mỗi độ Trung-Thu, trường chúng tôi tổ chức lửa trại, chơi trò đập ấm, đua xe đạp chậm, nấu chè thi, và nhất là làm kịch diễn lại những câu chuyện hào hùng của lịch sử dân tộc. Tôi đã xem các anh lớp lớn đóng kịch Nguyễn Trãi nghe tin cha là Nguyễn Phi-Khanh bị bắt, Nguyễn Trãi khóc theo lên tận cửa Nam-Quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù; nhưng Nguyễn Phi Khanh bảo: “Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha, khóc lóc như đàn bà mới là hiếu hay sao?” làm tôi cũng khóc oà!
Những năm sau nầy, chúng tôi đều có làm kịch, hay nhạc kịch lịch sử, như: Tiếng Trống Mê-Linh, Bóng Cờ lau, Hội Nghị Diên-Hồng, Đêm Lam-Sơn, Gò Đống-Đa…dựa theo các bản hùng ca bất hủ của Hoàng Quý, Lưu Hữu-Phước, Thanh-Thoại, Văn-Cao…Nhưng không hiểu vì sao, kể từ sau những trận đánh chớp nhoáng hào hùng của vua Quang-Trung ở Đống-Đa, Hà-Hồi, và Ngọc-Hồi làm tan nát 200 ngàn quân Thanh, thì giấc mơ học làm lịch sử trong trí óc non nớt của tôi ngày ấy không còn hăng hái nữa!

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA
Tác giả: P. Kim Long

Người ta thường nói: “Cờ ngoài, bài trong,” tức là trong cuộc chơi cờ thì người đứng xem thường sáng suốt, còn trong bài bạc thì người đánh bạc mới thực sự hiểu rõ mình thua hay thắng; đồng thời người ta cũng nói: “Đương cuộc giả mê, ngoại cuộc giả tỉnh” tức là người trong cuộc thường mê muội không biết phán đoán sai đúng, còn người bên ngoài lại dễ nhận định được tình thế. Người cao cờ thường nghĩ được 5 hay 10 nước cờ sắp tới, còn người kém thì chỉ nghĩ được 1 hay 2 nước cờ. Chơi cờ cũng như những thủ đoạn chính trị và chính sách của bất kỳ một nhà lãnh đạo một đất nước: có vị nguyên thủ làm cho quốc gia hưng thịnh (thí dụ như Khổng Tử xưa kia đã làm Tể Tướng cho nước Lỗ trong vài năm đã khiến nước này hùng cường gần sánh ngang nước Tề và Tấn; Thủ Tướng Abbe chỉ sau 6 tháng điều hành nước Nhật đã có thể vực dậy được nền kinh tế suy thoái) và có những vị nguyên thủ lại đưa đất nước vào vòng lầm than (thí dụ như Chủ tịch Fidel Castro bên Cuba và gia đình Kim Nhật Thành xứ Triều Tiên đã cai trị đất nước trong vài chục năm qua mà dân chúng vẫn đói khổ, lạc hậu và mất tự do).
Khi xảy ra sự kiện Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crum (Crimea) vào Liên bang Nga thì những Phóng viên VN thường trú tại Nga như Duy Nghĩa, Nhật Linh… cũng như một số Bình luận viên Đài VTV và HTV đều tỏ vẻ hân hoan trước sự kiện trên mà cho rằng đó là “châu về Hợp Phố!” Điển hình như Ký giả Đặng Vương Hạnh trong Tienphong Online ngày 18.3.2014 cho rằng Nga đã áp dụng chính sách ‘gậy ông đập lưng ông’ bằng cách để cho dân Ukraine biểu tình liên miên đòi lật đổ chính quyền hợp hiến khiến chính quyền trở thành bất lực trước những phần tử thân Nga đòi sáp nhập một phần đất nước vào mẫu quốc Nga; dẫn đến hậu quả là Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga, ngoài ra một số thành phố Lugansk, Donetsk… (ở miền Đông sát với nước Nga) cũng muốn được sáp nhập vào Liên bang Nga! Tất cả những phương tiện truyền thông đại chúng tại VN đều tỏ vẻ hân hoan vì Mỹ và đồng minh Tây phương đã thất bại đứng nhìn những sự kiện phũ phàng trên.
Giới truyền thông VN giống như “ếch ngối đáy giếng”: một phần vì đầu óc thiển cận và một phần bị hạn chế về khả năng sinh ngữ (tức Anh ngữ) nên không thể tìm hiểu tin tức thế giới thông qua hãng truyền thông CNN (không phải kênh CNN mà là CNN Online trong những smartphone chạy hệ điều hành Android vốn hiển thị toàn những văn bản). Hồi tháng 4.2014, CNN đã nêu 4 điểm lý giải Tổng thống Putin sẽ mất Ukraine, rồi sau đó lại phát đi một văn bản đại ý rằng Tổng Thống Putin đã “thắng 1 (tức sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga) nhưng lại thua 3 (thứ nhất: dân Ukraine và những nước thuộc khối Liên Xô cũ rất sợ chính sách của Putin nên họ đang nghiêng về phía Tây phương; thứ hai: Liên Hiệp Âu Châu (EU) càng thu hút được nhiều quốc gia mới (vốn trước kia là chư hầu của Xô Viết cũ) ở phía Ðông và sẽ tạo thành một khối lớn có quyền lợi đối lập ngay bên cạnh Nga và thứ ba: Tổng thống Putin đã vô tình tạo cơ hội cho châu Âu và Mỹ xích lại gần nhau hơn)”; nhất là sau năm 2008, Nga đã tiến chiếm nước Georgia với ý đồ ngăn cản những nước Cộng Sản cũ đến gần khối EU và NATO. Nhưng bây giờ kết quả ngược lại vì dân Ukraine càng thù ghét Nga hơn bằng cách phá sập những tượng đài Lenine trong đất nước của họ vì nghĩ rằng Nga là quốc gia riêng biệt có văn hóa khác biệt, và chính phủ những nước khác trong khối Liên Xô cũ đều lo ngại nên đã ra sức tân trang hệ thống quốc phòng.
Nhưng sự kiện Crimea bị sáp nhập vào lãnh thổ Nga sẽ tất yếu trở thành một tiền đề nguy hại cho nước VN trong tương lai! Khi một lân quốc hùng mạnh về quân sự, phú cường về kinh tế và nhất là quốc gia đó lại có diện tích bao la và đông dân cư… thì chính phủ quốc gia đó thường tính chuyện di dân hợp pháp để tránh nạn nhân mãn bằng cách thi hành chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, xây dựng xưởng chế tạo… trong những lân quốc nhược tiểu. Hậu quả là ngoại kiều hiện diện rất nhiều trong lân quốc nhược tiểu, điển hình như số người Tàu ở bên châu Phi lên tới gần 1 triệu người, tại VN thì ở vùng Tây Nguyên cũng được Tàu Cộng di dân lên tới hàng trăm ngàn người (lấy cớ khai thác khoáng sản Bauxite) đã biến nơi đó thành vùng “tự trị” tức “ngoại bất nhập” (mà nhiều khi lực lượng Công An địa phương cũng không được phép bén mảng). Nhưng khi Chú Chệt tới miền Trung thì đều chở sang tất cả trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, nhu yếu phẩm và cả công nhân Tàu (giám đốc, kỹ sư, nhân viên hành chánh, thợ thuyền…); nói tóm lại, họ không cần bất cứ thứ gì (người, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và nhu yếu phẩm) của Việt Nam, ngoại trừ “đàn bà” để giải quyết nhu cầu sinh lý vì sau mấy chục năm dưới chế độ Mao Ze Dong thì Tàu Cộng đang bị nạn “trai thừa, gái thiếu,” tức là có tới vài chục triệu đàn ông Tàu bị ế vợ! Ngoài ra, bọn Tàu Phù cũng sẽ hiện diện tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay thì chúng ta chưa thật sự lo ngại, nhưng về lâu về dài, tức vài chục năm sau khi mà thế hệ thứ hai của Chú Chệt trên vùng Tây Nguyên càng sinh con đẻ cái nhiều thì sẽ lấy số đông biểu tình đòi ly khai khỏi VN để sáp nhập vào nước Tàu… thì lúc đó chỉ tội cho con cháu của chúng ta lại dính vào vòng binh đao! Ngoài ra, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng là đích nhắm của chính sách bành trướng Bắc Kinh vì hiện nay những nhà khoa học Mỹ đã phát hiện rằng “băng cháy” ở đáy đại dương lại có giá trị gấp vài chục lần dầu mỏ: 1 mét khối băng cháy có nguồn năng lượng tương đương với 160 mét khối khí đốt tự nhiên, do vậy, băng cháy sẽ là nguồn năng lượng của tương lai. Xung quanh đáy biển của hai quần đảo trên có rất nhiều băng cháy đủ sức cung cấp năng lượng cho toàn thế giới trong vài chục năm. Tới lúc đó Tàu Cộng sẽ mặc cả để cho VN được toàn vẹn lãnh thổ (tức là vẫn giữ được Tây Nguyên) nhưng hai quần đảo trên sẽ thuộc quyền kiểm soát của Tàu Cộng!
Tóm lại, chuyện sát nhập bán đảo Crimea vào Nga sẽ là tiền đề thuận lợi cho bất kỳ cường quốc nào có manh tâm thôn tính những nhược tiểu quốc… Có lẽ chính vì thế mà Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã cực lực phản đối Nga, trong khi đó thì Tàu Cộng lại phớt lờ vì Bắc Kinh đang tìm cách thôn tính Tân Cương bằng cách gán cho những người biểu tình Ngô Duy Nhĩ là tàn dư của Al Qaeda. Bằng bất cứ giá nào thì Tàu Cộng cũng phải giữ vùng Tân Cương làm thuộc quốc vì nếu Tân Cương được độc lập thì diện tích của Hoa lục sẽ giảm đi một phần tư!
Tóm lại, chúng ta phải noi gương Mỹ và khối EU cương quyết chống sự sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga vì đó là lợi ích bản thân của VN sau này.
Cước Chú
1. Bán đảo Crimea
Theo Wikipedia thì xưa kia bán đảo Crimea vốn là xứ độc lập, nhưng trước Thế Chiến 2 thì bị nước Nga thôn tính, rồi lại bị Hitler xua quân chiếm đóng. Nhưng khi quân Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy để giải phóng châu Âu thì Nga Xô lợi dụng thời cơ giải phóng đất nước và tiện thể tái chiếm bán đảo này rồi sáp nhập vào Liên bang Xô Viết. Sau đó chính quyền Xô Viết đưa một số dân Nga tới định cư trên bán đảo này và trên đất nước Ukraine, do vậy, đa số dân trên bán đảo và ở trong nước Ukraine đều có huyết tộc Nga. Sau khi được bầu làm Chủ Tịch trong điện Kremlin, N. Krutchev lấy cớ mình là người gốc Ukraine, đã ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào Ukraine. Do vậy, những cơ sở trọng yếu (như xưởng đóng tàu, căn cứ hải quân, căn cứ quân sự…) đều đồn trú hoặc trên bán đảo Crimea hay trên đất Ukraine vì những nơi này là tiền đồn của Xô Viết trong ba thập kỷ từ 50 tới 70. Nhưng sau năm 1991 khi khối Xô Viết tan rã thì chính quyền Nga mới thấy mình bị hố, nhất là khi Ukraine chịu ảnh hưởng của Tây phương muốn đổi mới tách ra khỏi Liên Bang Nga để gia nhập khối NATO và Liên minh Âu châu. Để dằn mặt những lân bang trong khối Liên Xô cũ, Tổng thống Putin đã xua quân xâm lược xứ Georgia (vốn thuộc Liên Xô cũ). Rồi nhân sự bất ổn chính trị và dân sở tại có huyết tộc Nga đòi ly khai khỏi Ukraine… khiến Tổng Thống Putin đã có cớ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga bằng cách tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo này vì đa số dân sở tại là kiều dân Nga đã bỏ phiếu chấp nhận sáp nhập vào mẫu quốc Nga. Một vài tỉnh miền Đông của Ukraine, sát cạnh Nga như Lugansk, Donetsk… mà đa số dân sở tại là người gốc Nga nhất tề gây cuộc nội chiến để đòi được sáp nhập vào Nga!
(Xem tiếp trang 2)

TRUYỆN CHƯỞNG ƯU ĐÀM HOA

TRUYỆN CHƯỞNG ƯU ĐÀM HOA
Tác giả: P. Kim Long

Đa số những truyện chưởng đều do người Hoa viết (chẳng hạn như Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Ngọa Long Sinh…) rồi sau đó một số dịch giả người Việt chuyển ngữ lại, chẳng hạn như Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng (Tiền Phong, Xìn Phóng), Nguyễn Duy Chính, Vũ Đức Sao Biển…; nhưng với những tác phẩm của Ưu Đàm Hoa thì tôi không thấy đề tên dịch giả. Vốn ít đọc truyện chưởng và chẳng bao giờ mua truyện dịch (trước và sau năm1975) nên tôi không biết truyện chưởng của Ưu Đàm Hoa có xuất hiện trước năm 1975 hay không. Tôi chỉ thực sự biết đến tên Ưu Đàm Hoa do nhu cầu phải download một số truyện thuộc dạng prc hay mobi để đọc trên smartphone. Song đa số những truyện loại này (chưởng, kiếm hiệp, tiên hiệp, sắc hiệp, lãng mạn, tình cảm, trinh thám, khoa học giả tưởng, sex…) một khi được upload lên Internet thì đều được biên dịch một cách cẩu thả và có nhiều lỗi ngớ ngẩn làm độc giả phải bực mình: lỗi chính tả (thí dụ: mang mác, nghành, phản phất…; nếu là người Bắc 75 lại thì thường nói “ngọng,” chẳng hạn như: “tôi đói nắm, tôi ăn rất lo”), không viết hoa những nhân danh và địa danh (thí dụ: lão tử, nam kinh…), không chấm câu rõ ràng, không xuống dòng ở những đoạn cần thiết, câu văn dài dòng lê thê, không ngắt câu xuống hàng khi câu đó là câu đàm thoại (direct speech) lại được viết ngay sau câu không phải đàm thoại, hoặc câu đàm thoại của người này lại viết chung một dòng với câu đàm thoại của người kia…
Tôi cũng không biết lỗi về phần ai, song tôi nghĩ chắc lỗi do người nhập dữ liệu (vì vội, không chịu đọc lại, hoặc giả họ dùng máy dịch thuật, tức là nhờ trình dịch thuật của Google). Theo tôi, những lỗi trên nếu được khắc phục, chắc những truyện chưởng đề tên Ưu Đàm Hoa sẽ là tuyệt phẩm vì Tác giả mô tả, đề cập… đến những nét văn hóa cổ của Trung Hoa và Việt Nam, những phong tục, tập quán… của hai dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, vì đó là truyện chưởng nên tất phải có những cảnh luyện nội công, bị tẩu hỏa nhập ma, tập quyền cước, vũ lộng đại đao, múa kiếm, phóng ám khí, đấm đá, vung chưởng ì xèo, phun độc khí cùng những cảnh máu chảy thịt rơi. Ngoài ra, cũng như những truyện chưởng khác, kết thúc “có hậu” (happy end) luôn luôn được thể hiện trong truyện của Ưu Đàm Hoa. Nhưng dù sao, tôi vẫn khoái Ưu tiên sinh hơn Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh… vì những lý do sau đây.

1. Thi ca
Có vẻ Ưu Đàm Hoa rất thích trích dẫn thi phú: dù truyện của Ưu tiên sinh chỉ dài bằng 1/3 hay 1/5 so với truyện của Kim Dung, song những nhân vật trong truyện lại thích ngâm vịnh những bài Đường thi của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị … Chẳng hạn truyện Hiệp Khách Hành (của Kim Dung) chỉ nêu 1 bài thơ Hiệp Khách Hành của Lý Bạch ở đầu truyện và Ỷ Thiên Đồ Long Ký cũng chỉ mở đầu bằng bài từ Vô Tục Niệm của Khưu Xứ Cơ (đạo hiệu Trường Xuân là một trong Thất Tử của Toàn Chân Giáo) ca tụng vẻ đẹp thánh thiện của Tiểu Long Nữ, hoặc cho nhân vật Quách Tường nghêu ngao một vài câu thơ hoài niệm khi rong ruổi ngựa đi tìm vợ chồng Dương Quá và Tiểu Long Nữ; trái lại, Ưu Đàm Hoa lại luôn luôn trích dẫn thi ca của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Hàn… mỗi khi “người hùng” đi tới một địa danh nào đó, thí dụ như Nam Kinh, Tô Châu, đền đài, lăng tẩm, chùa Thiếu Lâm… Sau mỗi bài thơ nguyên tác lại có bài thơ lược dịch. Có vẻ Tác giả là một nhà cuồng thơ ca, y như Bùi Giáng vậy: đi đứng cũng ra thơ… ; do vậy, những truyện chưởng này rất thích hợp cho những độc giả thích thi phú của Trung Hoa cổ đại.
2. Văn hóa & tôn giáo
Tác giả cũng nói rõ về văn hóa cổ cũng như tôn giáo của hai dân tộc Hoa và Việt. Tuy Tam giáo (Khổng, Phật, Lão) cùng hiện diện trên đất nước Tàu, song dân chúng đều theo cả ba tôn giáo một lúc: khi trẻ thì theo Khổng (học hành, thi cử, làm nghề văn hay võ…), khi về già (nhất là thất bại trong việc tìm kiếm công danh, mưu cầu phú quý…) thì lại theo Lão Trang, khi gần đất xa trời thì lại theo Phật (để ăn năn xám hối, hoặc để tránh họa hoạn trong kiếp lai sinh). Song đa số thường chạy theo nghi lễ của Đạo giáo (tức là một biến thể của đạo Lão): họ tin rằng, nếu người chết không chịu cúng tế, không mời Đạo sĩ tới làm ma chay, tụng niệm, đọc thần chú, làm bùa phép, đốt vàng mã… thì người chết sẽ bị tai kiếp dưới địa ngục, còn thân nhân sẽ gặp xui xẻo… dù Phật giáo luôn chủ trương không mê tín dị đoan và không đốt vàng mã. Do vậy, ma chay là một dịp tang gia tốn rất nhiều tiền bạc cho bọn Đạo sĩ. Như vậy, tục ma chay của người Hoa và Việt hơi khác nhau: người Hoa theo Đạo giáo, còn người Việt theo đạo Phật hay Ông Bà nên đỡ tốn kém và bớt phiền hà. Nhân vật Đặng Trinh Tâm, khi sống bên Tàu, đã phổ biến văn hóa của người Giao Chỉ bằng cách theo chế độ nam nữ bình quyền (vốn là đặc điểm của chế độ “mẫu hệ” của xứ sở Giao Châu), do vậy, người chồng, dù là Hoa chính gốc, cũng phải cùng vợ mưu sinh và không vợ nọ con kia.

3. Phong tục & tập quán
Tác giả nói về tục nhuộm răng của người Giao Châu (Giao Chỉ, An Nam) hiện sinh sống ở bên Tàu về thời nhà Minh vì họ là tù binh bị bọn Trương Phụ bắt về Tàu sau khi Hồ Quý Ly đầu hàng nhà Minh và nhất là hậu duệ của nhà Trần (như Trần Quý Khoách) khởi binh bị thua trận nên đàn ông (bất kể trí thức hay thợ thuyền) đều phải làm nô dịch còn phụ nữ thì là nô tỳ, tôi đòi cho đám công hầu khanh tướng bên Tàu. Do vậy, những tù binh (nam và nữ) thế hệ thứ nhất đều nhuộm răng đen, còn thế hệ thứ hai trở đi không còn nhuộm răng đen nữa vì họ gần như bị đồng hóa với dân bản địa. Một số tù binh nam vì một lý do đặc biệt đã mua được tự do, đã ra ngoài sinh sống bằng nghề buôn bán (bán cháo lòng, làm thịt chó vốn là những món mà người Tàu chưa hề biết) nên vẫn đùm bọc lẫn nhau.

4. Ẩm thực & y dược
Tác giả nói rằng thuở đó bên Tàu (về thời Nhà Minh) dân chúng không biết món “mộc tồn” (thịt chó) do vậy, khi đám tù binh Giao Châu bị bắt về Tàu để làm nô bộc, thợ thuyền… đã phổ biến món thịt cầy này. Một số tù binh nữ đã lấy chồng là người Hoa đều được ra ngoài sinh sống nên có thể làm nghề bán thịt chó và cháo lòng… vì ở bên Tàu từ thời xa xưa đã không hề có mon này. Dân Giao Chỉ đã biết kết hợp thịt chó với lá mơ tam thể để tăng thêm hương vị đậm đà cho món thịt chó, song người Tàu lại gọi là “trung tiện diệp” (lá có mùi thối như mùi rắm mà người Nam gọi là “lá thối địt”). Ngoài ra, hàng năm Nhà Lê phải cống hiến 2 tượng vàng (to bằng người thật) để chuộc lỗi đã giết tướng Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, một số ngọc ngà châu báu, vải vóc tơ lụa cùng một số “chất xám” (tức Nho sĩ, thợ thuyền có tay nghề cao…) để mẫu quốc kìm hãm sự phát triển của thuộc quốc. Chính những chất xám này đã làm vẻ vang cho nước Tàu về sau này. Cháu thúc bá của Đặng Dung, vốn là con trai của hai dòng máu Hoa và Việt, đã chữa khỏi chứng bệnh bất lực của Hoàng đế Tàu đang trong tuổi thanh xuân bằng “bát bảo” (tám vị thuốc) hầm với “hắc cẩu” (chó mực). Trong thời gian lánh nạn bên Tàu và sống với chồng con, Đặng Trinh Tâm đã làm “đại phu” (thày thuốc) trị liệu cho người Hoa lẫn Giao Chỉ, song Bà thường xuyên trị liệu từ thiện cho bệnh nhân nghèo khó bất kể sắc tộc nên được mọi người kính phục mà coi như một nữ Bồ Tát. Trong nhiều truyện chưởng (Bích Nhãn Thần Quân, Sơn Quỷ…) của Ưu tiên sinh thường đề cập tới món ăn khoái khẩu của Bang Chủ cùng những Trưởng Lão là “thịt cầy” vì đám ăn mày không dư giả tiền bạc nên chỉ có thể mua nổi chó để chế biến làm 5 món dựa mận khác nhau. Ngoài ra, giới giang hồ võ lâm thường mang theo đồ ăn mỗi khi lỡ độ đường giữa rừng sâu không quán xá, hoặc để thết đãi nhau. Đồ ăn này là: khô bò, khô nai, khô mực, thịt trâu luộc và lạp sường. Trong truyện chưởng thường đề cập tới món ăn “xách tay” (như Fast food, Hamburger thời nay), đó là bánh bao, tức màn thầu (nhân thịt hay chay) của giới giang hồ thường mang theo khi không gặp hàng quán.
Giới giang hồ (nam hay nữ) thường uống rượu như hũ chìm. Tên loại rượu nổi tiếng là Thiệu Hưng, rượu Phần Sơn Tây (còn Kim Dung lại nói là Nữ Nhi Hồng). Song tôi rất ngạc nhiên về tửu lượng của họ: họ coi rượu như nước lã; do vậy, tôi nghĩ rượu về thời đó chắc độ cồn không nặng lắm: chỉ độ dưới 10 độ (bia 33 là 8 độ), còn Wisky hay Vodka là 40 độ. Nếu độ cồn nặng (như Alcohol trong y khoa dùng làm chất sát trùng là 90 độ) thì họ đã cháy ruột rồi. Do vậy, rượu về thời đó chắc nhẹ như rượu trái cây bây giờ (quãng 5 tới 10 độ). Ngoài ra, trong truyện không dùng đơn vị đo lường chất lỏng là “đẩu” (dou = 10 sheng) hoặc “thăng” (sheng = lít bây giờ) mà lại dùng “cân” (jin) vốn là đơn vị về trọng lượng tương đương với ½ ký bây giờ. Do vậy, tôi đoán là ngày xưa người ta đổ rượu vào bình, rồi cân đúng 1 cân (½ ký bây giờ) để tính tiền.
(Xem tiếp trang 2)