Mẹ ơi!

Mẹ ơi!
Thái-Vinh 

Trên thế giới có một nơi không nằm trong số những nơi tôi ao ước đến thăm một lần trước khi chết là Phi Châu vì Phi Châu luôn bất ổn và là ổ của các nhóm khủng bố coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Mẹ con nàng còn có quốc tịch Pháp phòng hờ; chứ tôi chỉ có mỗi một cái quốc tịch Mỹ, nếu bị khủng bố bắt cóc đòi tiền chuộc thì mẹ con nàng làm gì có tiền; chắc chắn đành nhìn tôi chịu chết? Ấy vậy mà tôi sắp theo mẹ con nàng đi Phi Châu! 
Còn hơn một tháng trước ngày đi Phi Châu, mẹ con nàng đang dạo chơi tại khu du lịch núi Bà Nà Đà Nẵng vùng lấy xe lửa đột xuất về Diêu Trì thăm mẹ tôi một đêm. Đêm đó, nàng đã tiên tri và gửi tin nhắn khuyên tôi nên lập tức rủ tất cả các con của mẹ cùng về thăm một lần; đừng đợi mẹ mất rồi mới về! 
Chỉ sau một tuần kêu gọi, Minh-Chi, em gái út của tôi ở Mỹ lo lắng không thể ngủ được, liền bay về ngay với mẹ. Em là người con duy nhất được vinh dự chăm sóc mẹ và gần gụi với mẹ nhất. Gần ba năm trước, em phải xa mẹ để sang Mỹ chăm sóc con gái và cháu ngoại mới sinh; mẹ phải về ở với gia đình cháu Tuyến, con trai trưởng của em, được sự chăm sóc chu đáo tuyệt vời của cô cháu dâu Tuyết-Mai và chị Lợi giúp việc; lại có thêm hai chắt ngoại là Bảo-Trâm và Thành luôn quấn quýt bên bà. Tôi đã đi xe trong mùa bão năm 2017 về thăm mẹ. Lúc đó mẹ đã không còn nhớ đứa con xa mẹ lâu nhất; nhưng sức khoẻ của mẹ vẫn ổn. 
Sau đó Ái-Hoa, em gái kề tôi cũng đã bay về bên mẹ được một tháng, rồi lại đi. 
Sáng sớm ngày 12 tháng 4, nàng và tôi chia tay nhau tại phi trường Phoenix. Nàng đi Philadelphia và sẽ cùng con gái bay qua Phi Châu như chương trình đã soạn; còn tôi về Sài Gòn. Lợi dụng được nghỉ thêm ba ngày, tôi bay ngay lên Đà Lạt thăm mẹ vợ mà tôi rất yêu mến gọi là Mẹ Đẹp (belle mère) vì biết một khi đã về với Mẹ Đẻ thì tôi sẽ không còn tâm hồn nghĩ về ai nữa. 
Đêm mưa Đà Lạt nằm trằn trọc một mình trong căn phòng cũ trên lầu, tôi gửi tin nhắn cho em gái: 
– Anh thức dậy từ 2 giờ sáng. Buồn quá; ngủ không được! 
Lập tức nhận được tin nhắn trả lời chung cho “Các Con Của Mẹ”: 
– Em cũng dậy vỗ lưng cho mẹ từ nãy giờ. Mới đây mẹ vừa lên cơn mệt; thở không nổi, miệng há hốc giống như muốn trăng trối hay nuối một ai đó. Phải đỡ ngồi dậy đấm lưng mới tạm ổn. Mỗi ngày 3-4 lần như thế. Bây giờ mẹ mới ngủ ngon. Toàn thân mẹ hư hao không sót chỗ nào. Nhìn mẹ mỗi ngày như thế em quá đau lòng! 
Anh tôi là bác sĩ; vì lý do sức khoẻ không về được cũng chỉ biết khóc “chứ biết làm sao bây giờ?” 
Hai đêm ở trong một biệt thự rộng lớn bao quanh bởi khu vườn đầy hoa và cây ăn trái chỉ có hai mẹ con tại Đà Lạt; tôi thật sự được sống trọn vẹn làm một đứa con của mẹ đẹp. Ngay buổi sáng đầu tiên, sau khi ăn “Bánh Mì Xíu Mại Chén” hai mẹ con đi ra Phương Trang mua vé xe; hôm ấy không có xe. Mẹ về lấy len sợi ra tiếp tục đan móc; tôi đánh bộ ra phố nhờ Dũng chở đến Ga Đà Lạt mua vé xe lửa. Sáng hôm sau tôi đi, mẹ gửi chiếc áo len tặng cháu Thái-Thanh để mai sau còn có kỷ niệm nhớ ngoại. 
Chiều ngày 16 tháng 4 tôi đi xe lửa về tới nhà. Mẹ cũng đã được đưa từ nhà cháu ngoại về nhà của mẹ từ tuần trước. Mẹ ngủ li bì, không lộ vẻ đau đớn, chỉ có hơi thở khó khăn. Em tôi đánh thức mẹ dây. Mẹ mở mắt nhìn tôi, đứa con được cho là giống ba nhất vui mừng gọi “Mẹ ơi, Vinh đây mẹ!” Nhưng đôi mắt mẹ mệt mỏi khép lại. 
Tôi tham gia ngay vào việc săn sóc giúp mẹ ăn uống, tắm rửa, uống thuốc, xoa bóp… Thức ăn có cháo cá hay cháo tôm xay nhuyễn, sữa Ensure, nước yến, nước cam vắt, nước dừa… toàn là những món ngon dễ nuốt. Trước đây một tháng mẹ còn tự hả miệng mỗi khi thấy thìa thức ăn, và còn tự nhai nuốt dù không còn răng. Bây giờ phải cần hai người; một người ngồi ôm mẹ, và một người cho ăn. Ăn và thở bằng miệng nên cho mẹ ăn cũng phải kiên nhẫn và dịu dàng như cho em bé ăn. Tôi ngồi ôm mẹ trong vòng tay, nở nụ cười héo hắt, véo môi đánh thức mẹ “Em bé ngoan! Hả miệng ra, ăn cho chóng lớn anh thương nhé?” 
Mỗi sáng sớm, bồng mẹ tắm rửa rất khó khăn mà xót xa đau lòng vì mẹ nặng như cục đá đúng như anh tôi đã nói ba cơ quan có thể gây ra nước ứ đọng là tim, thận, hay gan của mẹ đã bị trục trặc rồi! Chắc mẹ đau đớn lắm, nhưng không hề rên la! 
Em tôi đùa: 
– Hôm nọ có ông thầy coi tướng mẹ, rồi quả quyết bà cụ sẽ sống thêm ít nhất hai năm nữa. Tháng 8 em đi; anh thay phiên về chăm sóc mẹ nha? 
– Vậy anh phải về Mỹ sắp đặt lại. Cần phải tìm thêm một người làm nữa để phụ cô Lợi. Này cô Lợi, cô có thể tìm giúp một người có sức khoẻ phụ cô, được không? 
Lợi nói ngay: 
– Ông xã của con? 
Em tôi xua tay phản đối: 
– Vợ chồng mày mỗi tuần gặp nhau hai ngày làm tao đã chới với; còn bày đặt gặp nhau mỗi ngày, ai trông mẹ tao? 
Hai ngày cuối tuần, cô Lợi về nhà. Nghe bạn bè gọi điện rủ em gái họp bạn, tôi bảo “Em nên đi ra ngoài chơi với các bạn cho thư giãn một lúc; anh ở nhà trông mẹ được.” 
Nhờ cô y tá Hà mượn được cây đàn, tôi ngồi bên mẹ trong ngôi nhà vắng vẻ buồn hiu, chảy nước mắt hát đi hát lại bài “Mẹ Là”, thơ của Lê Trọng Nghĩa do Trịnh Hưng phổ nhạc: 
Mẹ là tất cả ý thơ 
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm 
Mẹ là bài hát thần tiên 
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha 
Mẹ là biển rộng bao la 
Mẹ là gió mát, mẹ là trăng thanh 
Mẹ là trái ngọt cây lành 
Mẹ là trái chín trên cành đợi con… 

Ngày Chúa Nhật 21 tháng 4, tôi đang tha thiết cầu nguyện xin Chúa Giê-su cứu vớt mẹ thì nhận được tin nhắn của Anh-Tiến, bạn học cũ từ Sài Gòn: 
– Gửi lời thăm đến gia đình bạn nhân ngày lễ Phục Sinh. 
Tôi vui mừng, trả lời ngay: 
– Trong cơn gian nan, một cái tin nhắn thân tình ngắn ngủi của bạn cũng đủ giúp tôi cảm thấy bình an. Bình an đối với tôi không phải dành cho người thiện tâm mà chỉ vì tôi ôm người mẹ thương yêu đang chết dần trong tay làm tâm hồn tôi đau đớn, và tôi tìm đến lời Chúa “Thầy để lại bình an cho các con” như một liều thuốc an ủi xoa dịu tâm hồn! 
Tôi lại nhận được tin nhắn của Kim-Quy từ Paris, cô bạn vui tính của trường Nữ Công Gia Chánh năm xưa: 
– Hôm nay bà cụ thế nào rồi anh? 
– Tôi không biết nói thế nào vì bà không mở mắt, không cử động, trừ cái miệng dùng để thở và uống sữa! 
– Quy đã nói với anh là thận hư sẽ làm cho hôn mê đến khi bà đi cũng sẽ không tỉnh lại đâu. Chờ ngày giờ tốt để đi thôi! 
Tôi từ chối, không tin mẹ sẽ bỏ các con. Mẹ còn chờ gặp anh Hai, em Bốn, và chú Út? Sáng nay, tôi bế mẹ ra ngoài tắm rửa. Tay mẹ vẫn tự nắm chân ghế thật chặt vì sợ té. Bên tai tôi văng vẳng lời thầy tướng “Bà cụ sẽ sống thêm ít nhất hai năm nữa.” 
Tôi gọi điện nhờ cô bạn là Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa giúp cho việc thông nước phù ứ trong người mẹ. Cô nói ngày nghỉ tìm người rất khó, nhưng sẽ cố gắng. Buổi trưa hôm đó, cô đến với bác sĩ Trưởng Khoa Hồi Sức Nội, Thạc sĩ Y khoa, Tu nghiệp tại Pháp, Chuyên khoa Nội tổng quát – Tim mạch… Ông không thông nước phù ứ, mà khuyên phải gia tăng thức ăn có chất đạm mỗi ngày ăn ít nhất 6 bát đầy, rồi ông cố đút ống dẫn thức ăn qua mũi vào dạ dày ba lần thất bại khiến mẹ đau đớn làm em tôi sợ hãi, xin ông đừng đút ống nữa! Ông bảo đổi sữa Ensure ra Abbott chỉ có bán ở tiệm ông chỉ định, và mua loại băng keo dán vết thương bị loét, vài loại thuốc linh tinh chỉ có bán ở phòng mạch của ông chiều nay, và khuyên nên mua nệm hơi chống loét cho mẹ nằm… Tiền công cho chuyến thăm bệnh quá rẻ, chỉ một triệu đồng. Trước khi đi, ông còn hỏi tôi ở Mỹ đã có thẻ xanh chưa làm tôi sửng sốt! 
Tôi nhất định không đến phòng mạch của ông lấy thuốc; nhưng em tôi sợ phụ lòng tốt của cô Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa nên đề nghị cứ đi lấy thuốc, nhưng không dùng! 
Rất may có Hà, cô y tá của Phòng Khám Đa Khoa đến thay băng vết thương cho mẹ, đã tư vấn rất hợp ý chúng tôi “Hãy quên vị bác sĩ ấy!” 
Nhưng tôi đồng ý một đề nghị của bác sĩ ấy là phải mua một cái nệm hơi chống loét cho mẹ nằm. Sáng hôm sau, ngày 22 tháng 4 cháu Tuyến chở tôi đi tìm một cửa hàng vật tư y tế mua được một cái nệm hơi chống loét và một cái ghế ngồi tắm bằng kim loại vững chắc để thay thế cái ghế nhựa khoét lỗ mong manh. Lúc ra xe, điện thoại đang reo liên tục. Tôi bàng hoàng nghe giọng Tuyết-Mai hoảng hốt gọi chồng “Về gấp! Ngoại mất rồi!” 
Về nhà thấy khách quen, lạ ngồi đầy. Mẹ tôi hiếm khi được nằm ngửa ngủ say. Tôi ngậm ngùi vuốt mắt mẹ, hôn mẹ, và nói thầm lời vĩnh biệt: 
Mẹ ơi, mẹ đã sống một cuộc đời mà con cho là “oanh liệt” không thiếu một việc gì khó khăn mà mẹ không làm. Mẹ đã sống vượt quá ước mơ nên con đã dặn các em và con cháu không có gì phải than khóc buồn rầu…
Lúc này hàng chục người đang bàn thảo sôi nổi về tang lễ. Tôi là người trưởng tràng trong gia đình vì anh chị tôi không về được. Tôi chẳng biết gì nên giao hết cho cháu Tuyến là con trai trưởng của em tôi lo liệu. Tôi rút vào phòng riêng trên lầu một mình cầu nguyện bỏ cả ăn uống. Tôi muốn khi chết, tự chống gậy ra nghĩa trang cho đỡ nhức đầu! 
Khi màn đêm buông xuống, người thân quen và hàng xóm kéo đến càng lúc càng đông. Tiếng kèn ta và đàn cò của Ba Khởi, đàn Hạ Uy Di của Sáu Giáo, tiếng trống cơm của Long Bong nổi lên, vui như đám hát làm tôi tò mò xuống coi. Em tôi đang ca, chợt thấy tôi liền trao máy; sẵn máu văn nghệ, tôi hát luôn mấy bài. Cổng sắt đã được tháo ra. Đêm canh quan tài với những nhân vật như Sáu Dõ, Sáu Trị, Bảy Út, Tùng Bơ Vơ… uống rượu bia như uống nước lã, thức luôn tới sáng. Dịch vụ mai táng bao thầu hết. Muốn kèn tây có kèn tây. Ngoài “Thuận Kèn” thổi xaxophone riêng một ngày, còn có một đội kèn tây với 8 nhạc sĩ mặc đồng phục thổi xaxophone, trombone, French horn, đánh trống và hát các bản nhạc buồn Bolero làm đê mê tâm hồn các cô gái quê thích hát Karaoke. Ngoại trừ một ngày hai lần tụng kinh hiếu kính cúng cơm dâng mẹ do hai sư cô điều khiển theo nghi thức tang lễ Phật giáo hơi dài cộng với thời tiết nóng bức làm người tham dự mệt mỏi thì tang lễ ngày nay ở Việt Nam là một ngày vui (nếu không chết trẻ). Đặc biệt màn biểu diễn lễ di quan có Ông Địa, Bát Giái, Tề Thiên Đại Thánh… trổ tài làm cả xóm đổ xô ra coi chật cứng! 
Tôi nghĩ nếu mẹ tôi linh thiêng được chứng kiến trọn bốn ngày tang lễ có mặt con cháu, bà con, bạn bè thân quen gần xa, có rất nhiều vòng hoa đẹp chia buồn, và có cả tiếng trống tiếng kèn vui như Tết tiễn mẹ ra đi về miền tiên cảnh chắc hẳn mẹ rất vui lòng? 
Tôi cũng nghĩ đến một ngày nào đó già yếu không còn ai thương nữa, tôi sẽ quay về cố hương nhờ một cô mạnh khoẻ săn sóc làm bạn vui chơi cho đến lúc chết cũng vui vì chết không còn là việc riêng mà là việc chung của mọi người trong làng xóm và bà con. 
Cuối tháng 4 tôi trở về Mỹ một mình với nỗi buồn của đứa con vừa mất mẹ thì nhận được tin nhắn của Kim-Quy: 
– Chúc mừng anh trở về nhà an toàn. Mẹ anh thương anh quá hé? Bà cụ đi đúng lúc để cho anh lo xong mọi việc đâu đó rồi đúng ngày lên đường không phải trở đi trở lại. 
Tôi buồn rầu: 
– Chắc bà cụ nghe tôi nói chuyện với em gái nên bà quyết định ra đi trong lúc tôi còn 6 ngày nghỉ. Tôi đã đi mua nệm chống loét và ghế tắm rửa cho mẹ vì không ai muốn mẹ mình chết cho dù cô đã cảnh báo ngày đi của mẹ gần kề! 
– Anh đã làm đúng tất cả cho mẹ để không phải ân hận mỗi khi nghĩ lại. 
– Cô nói thế cho tôi đỡ buồn, chứ tôi nghĩ mẹ đã cố gắng suốt mấy năm chờ gặp lại tất cả các con của mẹ lần cuối mà đành nhắm mắt buông xuôi! 
Tôi viết vài dòng gửi chung với cái video tang lễ mẹ cho anh tôi “Anh ơi, bây giờ anh em mình đều trở thành những kẻ mồ côi cha lẫn mẹ; nhưng may mắn là anh và em đều còn một bà mẹ khác là Mẹ Đẹp (belle mère). Vậy hãy thương yêu và giữ gìn bà Mẹ Đẹp nhé?” 
Tôi ngã bệnh kéo dài hai tuần lễ, phải đi bác sĩ. Hôm nay ngày 12 tháng 5 là “Ngày Cho Mẹ” (Mother’s Day), tôi ra trước nhà chụp bức hình “Hoa trắng dâng lên Mẹ hiền” đăng trên Facebook. Ở tiệm, một vị khách cằn nhằn với tôi về giá tiền quá đắt của bó hoa hồng và tấm cạc “Happy Mother’s Day”. 
Tôi hỏi: 
– Anh có muốn để dành tiền tấm cạc không? 
Anh cười thích thú: 
– Làm thế nào? 
– Hãy ngồi với một cây bút và tờ giấy trắng, viết một kỷ niệm vui về mẹ. 
– Thế còn bó hoa hồng? 
– Tôi vừa mất mẹ, xin chúc mừng anh còn mẹ để tặng hoa! 
Mẹ ơi, năm xưa còn bé, một lần thấy đám tang trong xóm, con có điều ước dại khờ là mong một ngày được mặc áo trắng và chít khăn tang như mấy đứa bạn nhỏ mất người thân. Nay gần cuối đời, con thật sự được mặc áo trắng và chít khăn tang thì đã mất mẹ… Mẹ ơi!