Category Archives: Lịch Sử

Vietnamese Writing Language

Chữ Việt Nam
Thái-Vinh

Từ ngàn xưa, người Tàu ở phương bắc đã tìm cách gây chiến tranh liên miên với láng giềng để dần dần thâu tóm thiên hạ. Việt Nam bị xâm chiếm và biến thành một quận nhỏ của nước Tàu hơn một ngàn năm. Người Việt Nam tuy có tiếng nói riêng, nhưng chưa có chữ viết, phải dùng chữ Tàu. Ngay cả những thời đại tự chủ giành được độc lập, bắt đầu từ thời Ngô Quyền đánh bại quân Tàu ở trận Bạch Đằng Giang năm 938 trở về sau, Việt Nam vẫn dùng chữ Tàu hay còn gọi là chữ Hán. Dần dà để tránh bị ám ảnh bởi nỗi đau đô hộ của giặc Tàu, ông cha ta lại gọi đó là chữ Nho, và chế ra chữ Nôm bằng cách mượn âm, nghĩa, thêm bớt nét, hay ghép chữ Nho để ghi âm tiếng Việt. Chỉ trừ một triều đại Tây Sơn ngắn ngủi 24 năm (1788-1802), vua Quang Trung ra lệnh dùng chữ Nôm hoàn toàn thay thế chữ Nho; nhưng rồi chữ Nho lại được triều Nguyễn (1802-1945) chính thức dùng trở lại cho đến năm 1919 mới được chính quyền bảo hộ Pháp cho thay thế hoàn toàn bằng chữ Quốc Ngữ, tức chữ viết mà người Việt Nam đang dùng ngày nay. Các áng thơ kiệt tác của Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, thơ của Hồ Xuân Hương, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu … đều viết bằng chữ Nôm. Chữ Nôm ngày nay không còn mấy người biết vì khó học lại còn khó nhớ hơn chữ Nho!
Do khó khăn trong việc học nói tiếng Việt mà phải dùng chữ Nho để viết; nên các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo của Bồ Đào Nha (Portugal), như Francisco de Pina, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa … sang Việt Nam truyền đạo từ năm 1617 đã dựa trên các chữ cái và các dấu phụ từ chữ Bồ Đào Nha, Latin, Hy Lạp… phát minh ra chữ Quốc Ngữ. Nhờ đó Alexandre de Rhodes đã cho in cuốn Từ Đển Việt-Bồ-La năm 1651. Các học giả yêu nước, như Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký), Paulus Của (Huỳnh Tịnh Của), và Trương Minh Ký đã đi tiên phong trong phong trào truyền bá chữ Quốc Ngữ. Từ năm 1865, người Việt Nam đã bắt đầu biết coi Gia Định Báo (1865-1897) và đọc sách tiếng Việt. Sau đó Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương Tạp Chí (1913-1919), Phạm Quỳnh với Nam Phong Tạp Chí (1917-1934), và Nhất Linh với báo Phong Hóa, Ngày Nay, và Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942) hăng say cổ xúy phong trào chữ Quốc Ngữ thì cách viết tiếng Việt đã rất trong sáng và phong phú.
Dân tộc Việt Nam biết bắt lấy cơ hội thoát ly khỏi chữ Tàu. Việt Nam đã may mắn có chữ viết riêng, đơn giản như chữ viết của các nước Tây phương. Người Việt Nam dễ dàng vượt trở ngại ngôn ngữ, học hỏi, và làm bạn với các dân tộc biết yêu chuộng tự do và tôn trọng nhân quyền thay vì bám vào người láng giềng xấu. Học nói và viết tiếng Việt Nam là thể hiện tình yêu gia đình, nguồn gốc, và để đọc được di chúc của tiền nhân “Cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu”.