ba tôi

Ba tôi
Thái-Vinh

Đang đánh răng, chợt ngó vô gương soi mặt, tôi lặng người. Từ ngày Ba tôi mất, gặp người quen, ai cũng nói tôi giống Ba như đúc. Tôi không tin lắm, vì tôi không có vầng trán như em trai út rộng mênh mông giống Ba. Hôm gặp lại em; cùng ngắm kỹ, hai anh em đồng ý là tôi giống Ba hơn một chút. Hèn chi, năm nào cháu tôi làm tiệc cưới ra mắt bà con và bạn bè bên Mỹ, cháu nhờ tôi làm trưởng tràng bên đàng gái “Tại vì cậu Ba giống ông Ngoại như đúc!”

Nhưng tôi sợ giống Ba tôi lắm, vì ông có khuôn mặt rất oai, không giận mà nghiêm. Mỗi lần làm gì sai quấy, nghĩ tới Ba là anh em tôi hết muốn sống! Chỉ cần nghe tiếng Ba kêu rền núi, anh em tôi ở xa cách mấy cũng giật mình xanh mặt, muốn bỏ nhà lủi trốn luôn, nếu không nhờ nghĩ tới nhà còn một cây cột chống trời là Mẹ mới dám trở về! 

Tuy dữ với con, nhưng Ba tôi lại hiền lành và tử tế với người ngoài. Ông được mọi người kính trọng. Tiệc tùng lễ hội gì, ông đều được mời ngồi ghế đầu, vì ông làm Đại Diện Xã lâu năm. Mọi việc từ ký giấy khai sanh đến giấy khai tử, mở mang trường học, đắp đập dẫn nước, hay hướng dẫn lính dân vệ đi phục kích bắn mấy anh tập kết lén lút trở về làng, kể cả việc lo lắng tình cảnh goá bụa, hay cô đơn lâu năm của các bà có chồng đi tập kết… Ba tôi đều làm tròn nhiệm vụ dân cử và dân cần. 

Mọi việc bên ngoài, Ba tôi đều có sách lược và chương trình làm việc rất đàng hoàng và được lòng dân; nhưng ngày còn bé, tôi có ý tưởng rất dại khờ là mong sao cho Ba chết sớm để vui đùa nghịch ngợm cho đã! Tôi ao ước sao Ba tôi hiền lành như bác Hương Kiểm Nhàn trước nhà, không bao giờ la hét đánh con! Kẹt quá, Ba tôi lại rất thông minh, anh em tôi không tài nào qua mặt được, ngoại trừ việc mặc thêm hai ba cái quần dày cộm để chịu đòn! Chỉ còn một con đường duy nhất cho anh em tôi đi, là con đường học vấn để mau chóng xa nhà và nhất là xa Ba; nhưng dễ gì xa ngay một cái rụp được! 

Một hôm có khách đến chơi, Ba đưa tiền sai tôi đi mua trà. Cưỡi xe đạp xuống chợ, ngang qua gian hàng bầu cua, tôm cá, gà nai của chú Long Lãi, thấy đông người kiếm tiền quá dễ khiến tôi nổi máu tham! Lúc đầu kiếm được 10 đồng, hào hứng không chịu về; ngồi thêm một lát, thua sạch tiền mua trà! Ngó lại phía sau, cái xe đạp không cánh cũng bay mất tiêu! Tôi điếng hồn, trốn luôn tới tối mới dám mò về ngả sau đình, gõ cửa nhè nhẹ: 

– Hoa ơi, Ba ngủ chưa? 

Em gái tôi mở cửa, càu nhàu: 

– Anh Ba đi đâu suốt cả buổi chiều? May cho anh đó; Ba không về tối nay! 

– Tao làm mất cái xe đạp rồi! 

– Ba sai anh Hai xuống chợ tìm anh, thấy anh đang chơi Bầu Cua, ảnh mua trà và lấy xe về rồi! 

Nếu tôi giống Ba ở khuôn mặt, em út tôi giống Ba ở vầng trán, thì anh Hai tôi giống Ba ở tính tình! Làm tôi bị đòn nhiều nhất là tại anh Hai! 

Anh Hai từ từ xa nhà trước. Tôi ở nhà làm con trai độc nhất của Ba vì em trai út chưa ra đời; thỉnh thoảng được Ba cưng cho trèo lên nóc nhà ngủ với Ba dưới bầu trời đầy trăng sao và bóng lá dừa đong đưa che mặt rất êm dịu. Ba tôi không ưa truyện kiếm hiệp, vì toàn chuyện tán gái lăng nhăng, Ba đều làm được cả; duy chỉ có nhạc và thơ thì Ba tôi chịu thua, nên tôi thường nhờ ánh trăng đọc thơ ru Ba ngủ. 

Mấy năm sau tôi theo gót anh Hai đi học xa nhà. Mỗi năm mới được về một lần vào dịp Tết. Nghe tôi về, bạn gái kéo đến thăm. Thấy toàn nữ sinh, Mẹ tôi không ưa, vì trong thâm tâm bà đã chọn cho tôi một cô vợ trong đám nhân công quấn thuốc rất hiền lành rồi. Mẹ trách yêu: “Mày giống Ba như đúc!” 

Nghĩa là tôi giống Ba chuyện bồ bịch đó! Ba tôi đâu thèm tranh cãi ba cái chuyện nhỏ nhặt ấy. Mấy ngày Tết, ông cưỡi xe đi thăm bạn gái! 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam sụp đổ tan tành cũng là ngày tôi nhảy xuống thuyền xa luôn quê hương và xa gia đình. Khi thằng Sơn bỏ cuộc chờ thuyền ở bến Khánh-Hội, cầm mảnh giấy tôi viết vội vài dòng về báo tin cho anh Hai biết là tôi đã ra đi. Buổi chiều đó nghe thuyền đi, lớp bị bắn, lớp bị chìm… em gái út và anh Hai chỉ còn biết khóc! 

Suốt năm tháng bị kẹt ở Hồng-Kông, và sau đó được định cư ở Mỹ, bao nhiêu thư từ gửi về gia đình đều bị ông Hoàng ở trước nhà giấu hết, làm cả nhà tưởng tôi đã chết! Ông Hoàng xưa kia làm nghề lái xe Lambretta lén chở súng đạn cho Cộng sản giấu trong các bao than củi đem vào thành phố, sau ngày cách mạng thành công, ông được làm xóm trưởng. Thấy mình có công mà chỉ được chức xóm trưởng quèn, thua xa chức Đại Diện Xã của Ba tôi ngày xưa khiến ông ghen tức chăng? 

Gần hai năm sau, nhận được thư anh Hai gửi qua, tôi khóc ngất… “Vinh ơi, có bao giờ em thấy Ba khóc chưa? Vậy mà Ba đã khóc! Ba họa bức hình em thật to treo trên bàn thờ gần hình anh Ngọc!”