Đi Tìm Mùa Thu Arizona 2015


Đi Tìm Mùa Thu Arizona 2015
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 11 năm 2015)
Thái-Vinh

“Đi Tìm Mùa Thu Arizona” là tựa đề của một bài viết cũ đã đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 11 năm 2008. Từ đó mỗi độ vào Thu, tôi đều gợi ý Bút Tre nên làm một cuộc du ngoạn chung đi tìm mùa Thu Arizona; nhưng rồi từng mùa Thu qua đi như chiếc lá chết vàng khô trong bài thơ Chanson d’Autome của thi sĩ Paul Verlaine (1844-1896) mà Phạm Duy (1921-2013) đã cảm hứng soạn thành nhạc khúc “Thu Ca Điệu Ru Đơn” buồn ray rứt qua tiếng hát Thái-Thanh luôn ám ảnh tâm hồn tôi:
Ta đi rồi ta đi theo ngọn gió
Ta đi theo ngọn gió xấu
Cuốn ta đi trôi dạt đây đó
Như chiếc lá mùa Thu, lá chết vàng khô
Mùa Thu nức nở
Tiếng thở dài
Tiếng vĩ cầm buồn ơi, mùa Thu ơi…

Mùa Thu năm nay, tôi gửi hai tấm hình lá vàng; cô chủ bút nguyệt san Bút Tre coi chắc động tâm sự buồn nên rủ một phái đoàn 35 người lớn bé theo tôi đi tìm mùa Thu Arizona. Nhưng mùa Thu Arizona ở đâu? Theo tôi, tất cả mọi cảnh đẹp Arizona đều tập trung ở miền bắc; vậy hẹn nhau đúng 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 25 tháng 10 tại Lee’s Sandwiches cùng đi Flagstaff nhé?
Không ăn đậu, không phải Mễ
Không đi trễ, không phải Việt Nam

Vị Trạng Tếu nào đặt ra thành ngữ nầy thật thông minh; biết người biết ta, chứ không phải châm biếm đâu nghen! Vì vậy, không có gì phải tức giận khi hẹn nhau 7 giờ 30 mà đến 9 giờ 30 mới khởi hành!
Tôi làm tài xế hạng ba, kiêm hướng dẫn viên mà xe của nhóm 6 người chúng tôi chạy đến xa lộ 17 lại đứng hạng chót; chưa kể phải ngừng xe đổi tài xế ba lần! Lần đầu tài xế hạng nhất lái vừa chậm vừa dậm thắng liên tục làm 4 tài xế hạng hai ngồi băng sau phản đối:
– Ngừng cho ngộ lái một chút?
– Nhức đầu quá!
– Tôi có chai dầu xanh con ó đây…
Nghe “dầu xanh con ó”, tôi hết hồn! Mấy lần về Việt Nam và Lào đi xe đò chật ém và bít bùng mà trong xe có người vừa mở chai dầu xanh con ó ra là tôi đã muốn ói! Xe ngừng lại Sunset Point Rest Area nghỉ và đổi tài xế:
– Các bà lái đi?
– Lái rồi!
Thế là tôi được đôn lên làm tài xế chính, tập trung đôi mắt coi chừng cảnh sát và mở hết tốc lực rượt theo các xe kia; tai tôi chỉ còn nghe lõm bõm tiếng cười rúc rích của các nữ quái kiệt phía sau:
– Đố các bạn nhà nào lạnh nhất?
– Nhà xác?
– Trật! Nhà băng.
– Đố các bạn tiền nào thơm nhất?
– Tiền của thiên hạ?
– Trật lất! Tiền hoa hồng….
Gần đến Flagstaff, khí hậu mát mẻ của cao nguyên cao trên 7 ngàn bộ (2134 mét) len vào xe làm tinh thần các tài xế đều sảng khoái. Hai cánh rừng thông Ponderosa bên đường trùng điệp và xanh ngát từ từ mở ra trước mắt đỉnh Gió Hú Humphreys vươn lên trong rặng San Francisco cao 12,633 bộ (3,851 mét) quấn vành khăn tuyết đẹp mê hồn làm tôi bồi hồi nhớ lại năm nào cùng với các bạn Việt Nam đánh tennis đã từng leo chinh phục đỉnh núi cao nhất tiểu bang Arizona.
Sunset Crater Volcano National Monument cách Flagstaff 15 dặm, nằm trong rừng thông bên phía đông đường 89 ngó qua đỉnh Humphreys trên rặng San Francisco. Cánh đồng cỏ trước cổng lâu đài quốc gia đã vàng úa. Mùa Thu đã đổi mầu vàng rực rỡ trên rừng cây Dương Lá Rung (Aspen) bên kia rặng San Francisco. Đi tìm mùa Thu mà lại dẫn vào núi lửa nghe như trật đường rầy, phải không các bạn? Hãy đợi đấy! Lệ phí vào lâu đài quốc gia 20 đô la mỗi xe. Trong phái đoàn Bút Tre có nhiều vị đã cầm sẵn thẻ trưởng lão (Senior Pass vào National Parks và National Monuments suốt đời cho người trên 62 tuổi chỉ tốn 10 đô la). Mỗi thẻ trưởng lão có thể dẫn theo 3 người lớn miễn phí. Flagstaff có 3 National Monuments là Sunset Crater Volcano, Wupatky, và Walnut Canyon. Vì thời gian eo hẹp, phái đoàn Bút Tre chỉ làm cuộc du ngoạn đi tìm mùa Thu trong Sunset Crater Volcano và Walnut Canyon.
Sunset Crater Volcano phun lửa lần chót vào khoảng năm 1064 là ngọn núi lưa trẻ nhất trong lâm viên quốc gia Coconino trải dài từ vùng đá đỏ Sedona sang rừng thông Ponderosa trùng điệp Flagstaff đến tận Mogollon Rim Payson tạo thành vùng giải trí thiên nhiên độc đáo cho các bộ môn cắm trại, hiking, đạp xe, trượt tuyết, săn bắn, bơi thuyền, câu cá… chỉ cách Phoenix 2 giờ xe mà một vị cộng tác viên của Bút Tre đã từng khoe:
Sáng lên Flagstaff trượt tuyết
Chiều về Phoenix đánh golf

Nhóm trẻ lái xe nhanh đến trước đang đợi trong khách sảnh của lâu đài quốc gia. Tôi chỉ việc hướng dẫn đến Lava Flow Trail là địa điểm du ngoạn đẹp nhất trong Sunset Crater Volcano mà người ngồi xe lăn cũng có thể tự lái xe tham dự thưởng thức các kiệt tác của tạo hoá. Lava Flow Trail dài khoảng 1 dặm. Phái đoàn dạo quanh co theo dòng suối khô nham thạch đã gần một ngàn năm vẫn cứng rắn và sắc bén; nhưng trong sự chết ấy cây cỏ và hoa dại đã nẩy mầm sống mãnh liệt; đặc biệt thông Ponderosa là loài thực vật được tro núi lửa nuôi sống tươi tốt quanh năm. Câu hỏi được đặt ra là:
– Nếu ngay lúc nầy núi lửa lại hoạt động thì điều gì sẽ xảy ra?
Các chị rất thông minh, trả lời ngay:
– Sẽ có một bữa barbecue!
Mùi nhựa thông thơm trong nắng ấm bỗng thoảng mùi thịt nướng đâu đây? Chúng tôi đứng ngay dưới chân núi Sunset Crater ngó lên trải núi nhỏ trải kín tro đen che không thấy miệng núi lửa cách mặt đất 1079 bộ (329 mét). Năm 1928 hãng phim Famous Players-Lasky dự định đặt thuốc nổ phá triền núi Sunset Crater Volcano để tạo cảnh tuyết lở cho phim Avalanche phỏng theo tiểu thuyết Avalanche của Zane Grey khiến công chúng nổi giận. Tổng Thống Herbert Hoover đã ký sắc lệnh biến Sunset Crater Volcano thành lâu đài quốc gia (National Monument) vào năm 1930. Và kể từ năm 1970 leo lên miệng núi lửa Sunset Crater Volcano đã bị cấm để bảo vệ ngọn núi lửa không bị loài người vô tình dẫm nát.
Cách đây hai tuần, tôi đã đưa nàng và hai đứa cháu từ Tân Thế Giới đến thăm bác đi tìm mùa Thu Arizona; nhưng mùa thu đổi mầu cây lá cũng như tánh tình người đàn bà không thể nào tiên đoán được. Nằm nhà coi hình bạn bè gửi khoe lá vàng, trưởng ban ẩm thực nóng lòng sợ đến ngày đi không còn gì để chụp ảnh mùa Thu khiến tôi phải trấn an “Cô đừng lo; chỉ cần còn một cây phong (Maple) hay một cây Dương Lá Rung (Aspen) cũng đủ làm nên mùa Thu!” Đi gần cuối Lava Flow Trail rồi mà chỉ thấy tro bụi và đất đá đen thui, cả nhóm thoát lên đường dây thòng lọng FR545 bị tôi gọi ngược lại “Mau đến đây xem mùa Thu!” Bên hang đá nham đen đúa một cây Dương Lá Rung trắng trẻo như cánh tay của nàng thiếu nữ giơ lên trời trang điểm từng miếng vàng lá rung trong gió.Tất cả lớn bé trong đoàn hào hứng thi đua chụp hình mùa Thu với cây Dương Lá Rung làm tôi lo sợ thầm chỉ cần va chạm nhẹ một chiếc lá vàng rơi cũng đủ làm mùa Thu Arizona hao đi ít nhiều vẻ đẹp!
Bút Tre khoản đãi toàn bộ phái đoàn bữa ăn trưa bánh mì thịt nguội ngay tại bãi đậu xe Lava FlowTrail cho đến 1 giờ 30, phái đoàn lại khăn gói lên đường tiếp tục đi tìm mùa Thu trong Walnut Canyon National Monument cách Flagstaff độ 10 dặm về phía đông theo xa lộ 40, rẽ ra exit 204 chạy tiếp đến cuối đường phía nam.
Phòng khách của lâu đài quốc gia Walnut Canyon rất độc đáo xây ngay trên bờ khe núi sâu 600 bộ (183 mét). Từ sân sau phòng khách nhìn xuống đáy khe bắt chóng mặt. Tôi chỉ tấm bảng vẽ đường ngoằn ngoèo sâu 185 bộ (56 mét) với 240 bậc thang đi xuống chung cư của dân da đỏ Sinagua rồi leo trở lên dài tổng cộng 1 dặm để mọi người tự quyết định thử công lực. Bọn trẻ thì khỏi nói, phóng xuống ngay. Bốn nữ quái kiệt lái chung xe với tôi trang bị gậy gộc cũng không chịu kém. Coi lại toàn bộ hình chụp đi thăm ngôi làng đá của người da đỏ trong Walnut Canyon chỉ thấy vắng mặt Uncle Ếch (Ed); một tỉ lệ thành công quá cao trong chuyến đi tìm mùa Thu ở Walnut Canyon. Đây là tòa lâu đài quốc gia nhỏ bé nhưng quyến rũ nhất mà mọi mùa Thu trước tôi đều đưa nàng đến thăm; nhưng mấy năm gần đây, chúng tôi tạm xa cảnh đẹp quanh nhà đi theo con gái coi cảnh đẹp khắp nơi trên thế giới. Lần nầy trở lại Walnut Canyon như gặp lại người yêu cũ trông đẹp não nùng hơn trước. Từ trên nhìn xuống ngôi làng giống như Thạch Đảo nổi bồng bềnh giữa rừng cây Walnut đang chuyển mầu. Người da đỏ sinh sống quanh vùng núi lửa San Francisco tình cờ rượt theo thú vật đã khám phá ra Thạch Đảo bí mật chỉ cần sửa sang lại chút đỉnh biến thành chung cư. Toàn bộ Walnut Canyon có hơn 80 thạch gia kiến tạo lơ lửng hai bên vách khe đá. Riêng tại Thạch Đảo có 25 căn hộ chung vách. Mỗi căn hộ chỉ có một phòng vừa là bếp nấu ăn vừa là chỗ ngủ trống ộc trống ạc làm tôi liên tưởng tới câu hát:
Ước gì nhà mình chung vách
Hai đứa mình thức trắng đêm nay…

Chợt có tiếng nữ nhân cảm khái:
– Tội nghiệp họ phải nằm đất!
Tôi nghĩ lúc Tiểu Long Nữ chia tay Dương Quá nhảy xuống vực sâu tự vẫn, rồi 16 năm sau hai người tình cờ lại gặp nhau dưới đáy Tuyệt Tình Cốc trong truyện Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung tựa hồ như chỗ chúng tôi đang đứng, nên nổi nóng:
– Họ sống cuộc đời thơ mộng và thú vị; chẳng có gì tội nghiệp cả!
Người da đỏ không mang gì đến; lúc đi cũng chẳng lấy gì đem theo. Các căn hộ ở Thạch Đảo đổi chủ trong khoảng 150 năm từ năm 1100 đến năm 1250 thì họ bỏ đi biệt tích! Bộ lạc Hopi ngày nay tự nhận là hậu duệ của người Sinagua ngày ấy; nhưng từ đó đến nay kiểu nhà thơ mộng xây không cần cửa như trong Thạch Đảo không còn nữa!
Thoát ra khỏi Walnut Canyon tựa hồ các nữ quái đi chung xe với tôi đã dốc hết toàn bộ công lực, lảo đảo như lá mùa Thu sắp rụng nên không còn hào hứng đi tìm mùa Thu nơi đâu nữa! Chia tay nhau; tôi đổi xe đưa phái đoàn đi tiếp West Fork tìm mùa Thu Arizona.
West Fork nằm trong bìa rừng bên đường 89, cách Sedona khoảng 10 dặm. West Fork là địa điểm ngắm lá mùa Thu đẹp nhất trong vùng đá đỏ Sedona. Bài “Mùa Thu West Fork và Grand Canyon” với nhiều hình ảnh mùa Thu đổi mầu rất đẹp đã đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 11 năm 2011. Nhưng mùa Thu năm nay, vì thời tiết đẹp nên gần cuối tháng 10 mà West Fork và hàng cây hai bên đường 89 từ West Fork đến Sedona vẫn còn xanh lá. Chúng tôi chỉ ghé West Fork chụp vài tấm hình, rồi vội vã trở về thưởng thức nồi phở thơm ngon béo bổ của phu nhân Uncle Ếch.
Không biết các bạn tham dự “Đi tìm mùa Thu Arizona 2015” đã tìm được mùa Thu Arizona chưa? Hy vọng từ đây mỗi năm chúng ta đều có một ngày đi tìm mùa Thu Arizona.

Thôi Đừng

Thôi Ðừng
Như Quỳnh Võ Nguyễn

Chuyện đã qua rồi anh ạ
Tình theo năm tháng úa tàn
Mùa về vàng như màu lá
Cuộc tình từ đó khô hanh

Ðống tro vừa tàn hơi lửa
(Từ lâu âm ỉ trong lòng)
Em đã quên rồi câu hứa
Kể từ dạo ấy xa anh…

Thôi anh đừng nhắc lại nữa
Xa rồi mùa cũ thơm hương
Nhớ ai nồng như mùi rượu
Tiếc gì một mối tơ vương

Tháng mười một trời chớm lạnh
Ðêm dài ngày ngắn lê thê
Mai mùa đông về rét đậm
Tìm đâu hơi ấm vỗ về?

Thôi đừng khêu chi ngọn lửa
Quen rồi cái giá căm căm
Lòng đã từ lâu khép cửa
Cuối cùng cũng hết – trăm năm
nqnv
11/2015

Tiễn Người

Tiễn Người
Như-Quỳnh Võ Nguyễn

Người đi về miền cát bụi
Mùa thu thành phố sương mù
Con dốc quanh co khúc khuỷu
Trời buồn mưa đổ âm u

Ta mang trên tay ngày lạnh
Gởi người chút ấm mong manh
Mai đây trong mồ hiu quạnh
Lấy ai bên cạnh dỗ dành

Người đi một ngày thanh nhẹ
Ánh đèn phụt tắt đêm thâu
Chiếc lá lià cành rất khẽ
Ðời rồi cũng hết cơn đau

Tạm biệt nỗi buồn không nói
Mắt còn chưa khép đăm đăm
Luyến lưu kiếp người chìm nổi
Tiễn người đoạn cuối trăm năm
11/2015

Định Mệnh Buồn

Định Mệnh Buồn
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 10 năm 2015)
Kim-Quy (Paris)

Năm mười một tuổi thi vào trung học công lập bị rớt, tôi phải theo học trường tư thục. Lớp sáu của chúng tôi một nửa nam, một nửa nữ. Nam ngồi một bên; nữ ngồi một bên. Có những nữ sinh mới ở độ tuổi này đã dậy thì, trổ mã có thể lấy chồng được rồi thì thầy giám thị xếp cho ngồi ở sau lớp; tôi thuộc loại đẹt nên được ngồi bàn đầu.
Tôi may mắn sinh trong một gia đình tuy không giàu có nhưng được cha me lo cho đầy đủ. Con cái chỉ biết ăn rồi đi học nên ngây thơ vô tội, chẳng biết gì. Giờ ra chơi, các bạn gái ở cuối lớp cãi nhau chí choé để dành bạn trai; tôi nghếch mắt ra nhìn, nghe chúng cãi nhau mà chẳng hiểu gì. Lúc đầu tôi chơi với tất cả đều như nhau, nhưng lâu dần ai hợp với mình thì thân với người ấy hơn.
Tôi thân với cô bạn tên Lê Thị Hường, một cái tên đơn giản mộc mạc. Hường có tướng mập mạp tròn trịa hơn người nên có biệt danh là Hường Mập. Hường không đẹp, mặt rất tròn; có lần một đứa bạn tìm được hình chụp thẻ học sinh của Hường, tinh nghịch lấy com-pa chấm ngay lỗ mũi quay một vòng tròn vừa đúng khuôn mặt của Hường. Ba Hường là một nhà thầu khoán nhỏ. Hường có tất cả bốn chị em gái, không có anh em trai, và Hường là út. Vì là con gái út nên được cha mẹ nuông chiều hơn mấy bà chị. Nhà Hường ở Lò Da trong một con hẻm. Trong khi chúng tôi mơ ước có được một chiếc xe đạp để đi học thì Hường đã đi học bằng xe Mobylette xanh. Mỗi sáng tôi ăn một gói xôi hay ổ bánh mì thì tiền ăn sáng của Hường gần bằng một tháng tiền học phí; vì vậy Hường thường đãi chúng tôi ăn phở, bánh cuốn… Khi xe gắn máy Honda xuất hiện thì Hường là người đầu tiên đi học bằng loại xe này.
Bố tôi biết tử vi và giải đoán rất giỏi. Nhà có nhiều sách tử vi. Lúc đó không hiểu tại sao tôi lại thích tìm tòi về môn này, lấy sách ra xem và tập lấy số; nhưng càng học càng thấy khó về cách luận giải. Muốn đoán một lá số, tôi phải nhờ qua bố tôi. Để thực tập, một hôm vào lớp tôi bảo Hường “Mày đưa ngày sanh tháng đẻ của mày để tao lấy số tử vi cho?”
Về nhà tối hý hoáy suốt một buổi chiều để lấy lá số tử vi cho Hường; nhưng lấy xong phải nhờ qua bố tôi giải đoán. Lúc đó ông đang ngồi đọc báo; tôi hỏi “Bố ơi, con gái mà có những sao này ở mệnh thì sao hở bố?”
Mắt vẫn không rời tờ báo, bố tôi hờ hững trả lời “Đàn bà con gái mà mệnh như vậy thì chỉ đi làm điếm thôi!” Nói thì không ai tin; nhưng tôi ngần tuổi ấy mà như nhân vật Chim Hót Trong Lồng của nhà văn Nhật Tiến, không biết làm điếm là gì, cũng như không biết đẻ ở đâu vậy?
Tôi thắc mắc, nhưng không dám hỏi bố; tôi đành xuống bếp hỏi mẹ thì mẹ trả lời “Làm điếm là bán trôn nuôi miệng.” Nghe Bán Trôn, tôi tưởng đó là một thứ hàng hoá gì đó để người ta buôn bán ngoài chợ như vải vóc hay đồ trang sức… Hôm sau vào lớp, tôi bảo Hường “Bố tao nói số mày sau làm điếm.” Hường hứ một cái và nguýt tôi thật dài; con nhỏ giận tôi suốt một tuần không thèm nói chuyện; tôi cũng chẳng hiểu tại sao! Chuyện đó rồi cũng qua đi.
Lúc tôi lên lớp mười chuyển sang trường khác thì Hường nghỉ học, làm gì tôi cũng không rõ vì lúc sau này hai đứa không còn thân như trước. Năm tôi mười chín tuổi, Hường hai mươi, tôi đang học Bách Khoa thì một buổi trưa tôi không về nhà mà đi ăn ở một quán cơm bình dân gần trường tình cờ gặp Hường đang ngồi ăn một mình. Hai đứa gặp lại nhau thật mừng. Hường đưa tôi vê nhà; bây giờ nhà đã dọn xuống Phú Lâm trong một con hẻm. Ba Hường đã mất; cột trụ chính đã gẫy nên gia đình có vẻ kém hơn lúc trước; má Hường phải ra buôn bán chạp phô ngoài chợ. Sau khi nói chuyện một lúc, Hường bảo tôi “Tao đang làm bé cho một ông đại uý… Chuyện rất dài.” Hường vào phòng lấy ra một cuốn sổ đưa cho tôi và nói “Chuyện rất dài; đây là nhật ký của tao. Mày về đọc đi sẽ biết thời gian qua tao đã sống ra sao!” Hồi còn đi học, Hường viết văn rất hay. Mỗi lần đến giờ văn, thầy bắt viết một bài luận, tồi còn lúng túng chưa tìm được ý tưởng thì Hường đã viết xong và bao giờ cũng được điểm nhất.
Tối hôm đó, sau khi đã học và làm xong bài vở cho ngày hôm sau, tôi lấy nhật ký của Hường ra đọc. Văn cũng vẫn hay như hồi đi học; tôi đọc mà tưởng như đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Đại khái Hường thuật lại từ khi bắt đầu yêu một anh chàng lý lịch không rõ nên cha mẹ không đồng ý. Hường bèn lấy cắp một số tiền của cha mẹ rồi đi theo tiếng gọi của tình yêu; nhưng không may gặp anh chàng họ Sở! Đến lúc hết tiền thì anh Sở đi mất; Hường sợ không dám về nhà… Nhà cửa không có, tiền bạc cũng không! Sau đó Hường viết cảm tưởng lần đầu tiên nằm chờ khách ở khách sạn Phú Thọ… Đọc đến đây tim tôi như ngừng đập “Chết chửa! Nó làm điếm thật rồi!”
Hai tuần sau, tôi đến nhà Hường trả lại cuốn nhật ký. Hường buồn buồn bảo tôi “Hồi còn đi học, tao đang sung sướng quá mà mày bảo số tao làm điếm; tao giận mày biết bao! Rốt cuộc tao lại đi trên con đường đó. Đúng là số tao phải vậy. Ba mày coi hay thiệt!” Tôi bùi ngùi xin lỗi Hường và nói thật lúc đó tôi không hiểu danh từ điếm là gì nên mới dám nói như vậy. Hường nói tiếp “Bây giờ tao gặp ông đại úy này đang ly dị; tao chờ giấy tờ xong xuôi thì làm hôn thú với ông ta.”
Cuối năm 1976 sau khi tốt nghiệp, trong lúc rảnh rỗi đang chờ bổ nhiệm sở, tôi nhớ đến Hường, không biết sau giải phóng con nhỏ ra sao bèn xuống nhà Hường. Hường đang ngồi với một ông cán bộ người Bắc răng hô. Hường giới thiệu là chồng sắp cưới. Lúc ông vắng mặt, Hường nói “Tao mới xuống trại cải tạo đưa giấy ly hôn cho ông đại úy ký. Ly dị xong, tao sẽ lấy ông Bắc Kỳ nầy.” Tôi không ưa gì mấy ông cán bộ nên từ đó không tìm gặp Hường nữa.
Mãi cho đến năm 2001, lần đầu tiên sang Mỹ tình cờ gặp lại một cô bạn cũ thời trung học; trong lúc ngồi kể chuyện đột nhiên cô bạn hỏi “Ê, mày còn nhớ thằng Hiền học lớp mình hồi đó không?” Tôi nói “Nhớ… ờ thì sao?” Cô bạn nói tiếp “Hiền kể lại, nó vượt biên chung với con Hường Mập; tầu nó gặp cướp biển Thái Lan. Sau khi lục soát lấy hết vàng bạc, bọn cướp bắt hết sáu đứa con gái đi, trong đó có con Hường…” Nghe tới đó, đầu óc tôi choáng váng!
Làm thân con gái sinh ra cũng giống như bông hoa trồng trong vườn. Chủ vườn cố gắng chăm bón để cho ra những bông hoa xinh đẹp tươi thắm. Đến thời kỳ hàm tiếu xuất hiện thì chủ vườn hái đem bán. Có những bông hoa sau khi bán cho thương buôn được kết thành từng lẵng hoa thật đẹp dùng cho tiệc tùng, để trên bàn thờ trang trọng cúng bái, hay để đi phúng điếu… Trong lúc hái bán, ít nhiều cũng có những bông hoa rơi rớt tại mảnh vườn đã sinh ra chúng rồi tự héo úa chết mục thành phân bón. Thương nhất là những cành hoa trên đường chuyên chở bị rơi rớt dọc đường để xe sau hay khách bộ hành vô tình dẫm đạp không thương tiếc, cuối cùng được người phu quét đường gom chung với rác rưởi khác.
Mẹ tôi thường hay nói câu “Trăm đường tránh chẳng khỏi số.” Nghĩ đến chuyện của Hường, tôi tự hỏi “Điều đó có thật sự đúng không?” Lúc đi học Hường sung sướng hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng tại sao kết thúc lại bi thảm như vậy? Nếu “Hồng nhan đa truân” hay “Trời xanh ghen má hồng” thì Hường không đẹp để gọi là hồng nhan, mà má cũng không hồng để trời xanh ghen tức?
Có phải lúc sinh ra, con người đã phải chịu ảnh hửng bởi những ngôi sao chiếu mệnh của mình mà mình không thể dời chúng đi nơi khác để thay đổi số mệnh? Có lẽ vì thế trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã kết luận:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao