Category Archives: DU LỊCH

Thú vui thứ 5

Bàn Môn Điếm (Panmunjeom)

Hàn Quốc Du Ký Tập 4
Bàn Môn Điếm (Panmunjeom)

Thái-Thanh, Mộng-Lan & Thái-Vinh 

Hàn Quốc Du Ký không thể kết thúc nếu chưa đi thăm di tích của một thời chiến tranh tưởng chừng thế chiến thứ ba có thể bùng nổ làm xoá tan bán đảo Triều Tiên. 

Cả xứ Hàn đang mưa. Mưa làm chúng tôi thèm món ăn Việt Nam. Tôi chợt nhớ trên lầu ba của một toà cao ốc gần gác trọ nơi Thái-Thanh cư ngụ ở Nowon-gu có bảng hiệu “PHO BIEN” nho nhỏ đèn vàng. Từ lâu phở đã không còn là món ăn riêng của người Việt Nam. Từ hàng trăm năm trước người Cao Ly đã ăn phở vì ở đâu có người Việt tị nạn là có phở. Người Việt Nam đầu tiên đến Cao Ly tị nạn năm 1150 là Đô đốc Thủy quân Kiến Hải Vương Lý Dương Côn (con nuôi vua Lý Nhân Tông) đã cùng tông tộc dong thuyền sang Cao Ly để tránh bị giết trong cuộc tranh giành ngôi báu. Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn (Lee Ui-min) dưới triều vua Minh Tông (Myeongjong 1170-1179) nước Cao Ly chính là hậu duệ của Lý Dương Côn. Năm 2003 đài truyền hình KBS1 của Hàn Quốc trình chiếu bộ phim The Age of Warriors (Mooninshidae) kéo dài hơn 1 năm. Phim có giới thiệu Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn là dòng dõi hoàng tộc nhà Lý nước Đại Viêt. 
Người tị nạn thứ hai ở Cao Ly là Hoàng tử Lý Long Tường. Năm 1225 Trần Thủ Độ chuyên quyền lật đổ nhà Lý bằng cuộc hôn nhân cưỡng ép giữa hai đứa con nít 7 tuổi là cháu Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng của triều Lý cũng là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau đó Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng trở thành vua Trần Thái Tông, lại còn làm bẫy sập chôn sống gần hết toàn bộ tông thất nhà Lý đang làm lễ cúng tổ tiên, và bắt những người sống sót phải đổi sang họ Nguyễn hay cải họ khác. Hoàng tử Lý Long Tường mang vương miện, long bào, và thanh thượng phương bảo kiếm của vua Lý Thái Tổ cùng 6 ngàn tướng sĩ và gia nhân lên ba hạm đội từ cửa Thần Phù ở Thanh Hóa chạy ra biển Đông. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển thuyền ghé vào Đài Loan, rồi lại dong buồm đi tiếp. Không biết ông muốn đi đến đâu; nhưng cuối cùng bị bão táp đánh trôi giạt vào Trấn Sơn (Chen-san) bên bờ biển phía tây nước Cao Ly thuộc Bắc Hàn ngày nay. Ông được vua Cao Tông (Kojong) rất kính trọng. Khi quân Mông Cổ vượt Hoàng Hải và đường bộ xâm lăng Cao Ly hai lần vào năm 1232 và năm 1253, ông lãnh đạo quân dân chống trả đánh lui quân Mông. Sau hai chiến tích oanh liệt đó, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn (Chen-san) thành Hoa Sơn (Hwa-san) và phong ông làm Hoa Sơn Tướng Quân (Hwa-san Sanggun). Lúc ở Hoa Sơn, ông thường leo lên đỉnh núi Kwang-dea trông về phương nam khóc. Nơi ông ngồi khóc đó tục gọi là Đỉnh Vọng Quốc (Peak of Nostalgia). Trong chuyến công du Việt Nam Cộng Hoà ngày 6 tháng 11 năm 1958, Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman hay Lee Seungman) đương kim Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc đã thừa nhận ông là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường. 
Kể vòng vo như thế mới dám kết luận rằng người nước Cao Ly (sau nầy là nước Triều Tiên) chắc chắn đã ăn phở từ lâu. Bây giờ thì đã có nhiều gái Việt về làm dâu bên xứ Hàn, mà người phụ nữ Việt nào đi đâu cũng mang quê hương là món phở đi theo. Không biết hiện nay đã có bao nhiêu quán phở ở Hàn Quốc, nhưng PHO BIEN ở Nowon-gu là quán phở duy nhất mà chúng tôi đã thưởng thức trong hành trình Hàn Quốc Du Ký. Quán có hai nam nữ tiếp viên trẻ đẹp. Tuy cả hai không biết nói tiếng Việt, nhưng gọi món ăn bằng tiếng Việt đều hiểu ngay. Bên trong thấp thoáng bóng nữ đầu bếp, nhưng chúng tôi nói chuyện rôm rã toàn tiếng Việt mà không thấy người ấy phản ứng gì. Tất cả các món ăn Việt ở Phở Biển đều được chế biến theo kiểu ăn Hàn Quốc trông rất xinh xắn. Không có bát phở mà chỉ có chén phở; không có bánh xèo đúc nổi phồng to bằng cái đĩa mà chỉ có những lát bánh xèo mỏng cắt vừa miệng ăn trông giống món Taco của người bạn Mễ. Mùi nước mắm và mùi cánh hồi trong chén phở ở một quán ăn nơi xứ Hàn bốc lên thơm phức. Ôi, mùi vị quê hương thật đáng mê làm sao! 
Thái-Thanh lại đề nghị rất hợp lý: 
– Bố nên uống một lon bia? 
Tôi khoái chí kêu: 
– Cho một chai 33? 
– Không có bia 33; nhưng có bia Hà Nội và bia Sài Gòn. 
– Trời ơi, còn bày đặt lựa chọn! Cho bia Sài Gòn đi? 
Chỉ còn thêm một ngày và một đêm nữa là phải xa xứ Hàn. Đã được ăn phở mà thấy tôi vẫn còn bứt rứt, Thái-Thanh trấn an: 
– Ngày mai con được nghỉ lễ… 
– Ủa, lễ gì vậy? 
– Lễ toàn quốc nghỉ làm để đi bầu quốc hội. 
– Chà, cái nầy Hàn Quốc hay hơn Mỹ rồi đó! 
– Mình sẽ đi thăm Panmunjeom. 
Dân tộc Triều Tiên là một trong những dân tộc chịu nhiều bất hạnh nhất thế giới vì lỡ sinh ra nằm bên anh hai Nhật và anh ba Tàu nên bị hai anh thay phiên nhau đô hộ triền miên. Sau thế chiến thứ hai, toàn bộ bán đảo Triều Tiên có cơ hội được độc lập và thống nhất như bao nhiêu nước nhược tiểu khác; nhưng oái oăm và quái gở thay, chính Tổng thống Harry Truman, người bạn Mỹ lãnh đạo khối thế giới tự do đã có quyết định ghê gớm thả hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật lại nhũn nhặn với Stalin, lãnh tụ khối cộng sản lấy vĩ tuyến 38 chia đôi bán đảo Triều Tiên cho Nga dẫn Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) vào giải giới quân Nhật đầu hàng ở miền Bắc (Nhật có bị Nga đánh bại đâu mà đầu hàng Nga?) và Mỹ giải giới quân Nhật đầu hàng ở miền Nam. Sau đó mỗi anh lại tạm cai quản mỗi miền 3 năm trong lúc chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Nhưng tổng tuyển cử thế nào được? Tháng 8 năm 1948 Miền Nam thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc; tháng 9 năm đó Miền Bắc cũng có ngay chính phủ Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên! 
Sự thất bại của cuộc tổng tuyển cử thống nhất năm 1948 làm hai miền càng chia rẽ sâu xa hơn. Tuy nhiên việc đàm phán thống nhất hai miền vẫn tiếp tục cho đến cuối năm 1949 khi Mao Trạch Đông làm chủ được toàn bộ nước Tàu láng giềng vĩ đại của đồng chí Kim Nhật Thành thì cơ hội thống nhất bán đảo Triều Tiên trong hoà bình chỉ còn một cách duy nhất là Miền Nam phải đầu hàng Miền Bắc. Đúng 4:30 sáng ngày 25 tháng 6 năm 1950 Bắc Hàn tung 7 sư đoàn tinh nhuệ và xe tăng tràn qua vĩ tuyến 38 chớp nhoáng chiếm Seoul. Mỹ khẩn cấp triệu tập Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nga tẩy chay vì không thừa nhận ghế hội viên thường trực của nước Tàu vẫn do Đài Loan đại diện dù Tưởng Giới Thạch đã bỏ chạy khỏi Hoa Lục; nhưng Nga lại không phủ quyết giải pháp Liên Hiệp Quốc lên án hành động xâm lăng và kêu gọi Bắc Hàn phải rút quân ngay lập tức. Nhưng rút thế nào được, hở anh Mỹ ngây thơ? Kim Nhật Thành đã tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ Nam Hàn trong 3 tuần! Nay Bắc Quân mạnh như thế chẻ tre đánh đâu thắng đó, đã chiếm gần hết phương Nam đang dồn quân Liên Hiệp Quốc và Nam Hàn vào vòng đai Busan bé tẻo teo ở cực đông nam Triều Tiên đổ xuống biển! Lúc đó không biết Kim Nhật Thành tức vua Kim Thế Tổ vĩ đại mở đầu triều đại nhà Kim đang say men chiến thắng ở đâu? Mỹ phản công không phải ở ngay mặt trận Busan. Danh tướng Douglas MacArthur, con sư tử trong chiến dịch Thái Bình Dương thời Đệ Nhị Thế Chiến đã bí mật đổ quân xuống Inchon gần vĩ tuyến 38 đánh bọc hậu bất ngờ làm toàn bộ quân Bắc Hàn tan rã nhanh chóng. Quân Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Nam Hàn và 21 nước khác (England, Turkey, Australia, Canada, France, Greece, Colombia, Thailand, Ethiopia, Netherlands, Philippines, Belgium, Union of South Africa, New Zealand, Norway, và Luxembourg) truy kích tàn quân Bắc Hàn vượt qua khỏi vĩ tuyến 38 ngày 11 tháng 9 năm 1950, chiếm thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang), và tiến đến gần sông Áp Lục (Yalu River) giáp biên giới Tàu. Mao Trạch Đông bên kia sông không thể nhịn Nam Hàn núp bóng Mỹ được nữa. Lịch sử nước Tàu đã biết bao lần chứng minh Tàu là nước lớn mới có quyền chinh phạt nước nhỏ, hay dạy cho nước nhỏ một bài học. Tuổi thơ của tôi bị truyện Tàu đầu độc. Tôi cho cái gì của Tàu cũng ghê gớm nhất. Tàu là Trung Quốc, là Thiên Quốc; còn các nước nhỏ chung quanh toàn là bọn mọi rợ Bắc Phiên, Đông Di, Tây Đột, và Nam Man đáng ghét. Tàu dạy cho tôi học làm người quân tử Tàu, dạy cho tôi biết nhẫn nhục để trả thù dù mười năm hay trăm năm cũng không muộn; mà đã trả thù là phải nhổ cỏ tận gốc, phải tru di tam tộc mới đã tay. Ủa, mà tôi làm gì có mối thù bất cộng đái thiên với ai như vậy cà? Tôi chỉ say mê đọc và khoái chí những cuộc trừng phạt, như La Thông Tảo Bắc, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, hay Địch Thanh Chinh Nam nào có biết đâu mục đích của những sự trừng phạt đó là thiết lập nền đô hộ dạy cho dân nước nhỏ sống như Tàu rồi từ từ đồng hoá để mở rộng biên cương. Đúng như quân sư Từ Mậu Công đã tâu với vua Đường Thái Tôn (Lý Thế Dân) trong La Thông Tảo Bắc: 
“Xưa nay hễ nước lớn thì phạt nước nhỏ, chứ chưa thấy nước nhỏ mà khiêu khích nước lớn bao giờ, ngày nay nó đã đến, thì chắc là sanh việc chẳng lành, vậy bệ hạ kíp mau phát binh qua mà tảo trừ cho dứt đường hậu hoạn mới xong.” 
Vua Thái Tôn nghe qua mười phần đẹp ý, bèn phong Tần Thúc Bảo làm Tảo Bắc Đại Nguyên Soái và ngự giá thân chinh phạt Bắc Phiên. 
Tiết Nhơn Quí Chinh Đông cũng là bộ truyện Tàu do Tô Chẩn dịch đã diễn nghĩa thêm: Vua nước nhỏ Bắc Tề cho sứ giả mang ba món báu vật là Kim Hà Bửu Quan, Bạch Ngọc Đái, và Huỳnh Mãng Bào sang triều cống Đường thiên tử. Trên đường đi ngang qua nước Cao Ly, sứ giả Bắc Tề bị nguyên soái của Cao Kiến Trang Vương là Cáp Tô Văn đoạt mất báu vật lại thích chữ trên mặt hăm doạ vua Đường sẽ cử binh thâu tóm trung nguyên. Vua Đường Thái Tôn nổi giận lập tức cho tìm hiền thần Tiết Nhơn Quí chinh đông. Kết quả khỏi cần đọc cũng biết trước nước Cao Ly sẽ bị trừng phạt nặng nề về tội vô lễ ấy! 
Con sư tử già MacArthur lúc đó đã hơn 7 bó, chắc chắn không bao giờ đọc truyện Tàu nên không tin Tàu dám nhảy qua sông tham chiến. MacArthur từ tổng hành dinh xa xôi ở Tokyo bay đến Pyongyang hỏi đùa binh sĩ, “Kim Nhật Thành ở đâu, sao không đến đón?” Ông không ở lại chiến trường Triều Tiên một ngày vì cho Tàu chỉ dám diệu võ giương oai bên kia sông Áp Lục; không có gì đáng lo ngại cả! Ông có biết đâu đã có hàng trăm ngàn chí nguyện quân Tàu len lỏi tràn ngập rừng núi Bắc Hàn đang chờ mùa đông nghiệt ngã sắp đến mới ra tay! Ngày 25 tháng 11 năm 1950 Tàu bất ngờ tổng tấn công. Liên quân Liên Hiệp Quốc thua trận rút lui liên tục. Seoul bị đổi chủ tháng Giêng năm 1951, nhưng 2 tháng sau Liên quân Liên Hiệp Quốc lấy lại Seoul, rồi đẩy lùi Bắc quân trở qua bên kia vĩ tuyến 38. MacArthur muốn thừa thắng bắc tiến giải phóng luôn cả bán đảo Triều Tiên; nếu cần sẽ sử dụng bom nguyên tử nướng hết 1 triệu chí nguyện quân Tàu! Tổng thống Harry Truman kinh hãi bèn cất chức tư lệnh chiến trường Triều Tiên của tướng MacArthur vào ngày 11 tháng 4 năm 1951. Một cuộc chiến tranh vô ích không thắng một tấc đất, nhưng đã làm hơn 3 triệu người chết, và làm biết bao gia đình ly tán thế mà vẫn cứ tiếp tục cầm cự nhì nhằng ở hai bên vĩ tuyến đó cho đến khi ký hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) vào ngày 27 tháng 7 năm 1953; nhưng một hiệp ước hoà bình thật sự đã gần 60 năm qua vẫn chưa bao giờ được ký kết! 
Vì Bàn Môn Điếm nằm trong vùng phi quân sự, nên du khách muốn đến thăm phải ghi tên đi một trong các tua du lịch được Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc bảo trợ, ví dụ như USO Tour (phone 82-2-795-3028) mỗi tuần tổ chức 2 lần đi thăm JSA và Đường Hầm Thứ 3, giá $77 đô la mỗi người, không bao ăn trưa; hay tua du lịch mà chúng tôi đã tham dự, giá $77 đô la có bao ăn trưa dài khoảng 6 tiếng đồng hồ là Panmunjeom Tour (Tua không đi các ngày lễ, Chúa Nhật, và Thứ Hai). Liên lạc tại địa chỉ: 
6th Floor Lotte Hotel 
#1 Sogong-dong, Jung-gu 
Seoul, South Korea 
Phone: 82-2-755-0073 
Du khách phải trên 11 tuổi, có Passport, và ghi danh ít nhất trước một ngày. Các nước có tên trong danh sách bị hạn chế như Tàu, Việt Nam… phải nộp bản sao tờ đầu tiên của Passport trước 1 tuần. Công dân của vài nước bị cấm vào vùng phi quân sự là Afghanistan, Cuba, Iran, Iraq, Libya, North Korea, Pakistan, Sudan, và Syria. 
Điều lệ vào thăm Bàn Môn Điếm: 
Không được mặc quần áo thể thao, áo tắm, hay mang dép. 
Không được chạm vào các đồ trang bị như microphone hay cờ của phía bên kia trong phòng hội nghị MAC. 
Không được nói, tiếp xúc, hay làm bất kỳ điệu bộ gì đối với nhân viên phía bên kia. 
Không được mang máy chụp ảnh có ống kính quá 90mm. 
Tua khởi hành lúc 8:30 sáng tại bãi đậu xe của khách sạn Lotte. Hôm ấy ít du khách, nên nhóm 15 người chúng tôi do Laura hướng dẫn nói tiếng Anh đi chung xe với nhóm 6 người do một cô nói tiếng Nhật hướng dẫn từ Seoul chạy lên biên giới trên con đường Tự Do (Freedom Road) rộng thênh thang với 12 làn xe. Đường rộng mục đích để xe tăng đến kịp thời nếu chiến tranh xảy ra. Bà Laura lật lại từng trang sử chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên kể chuyện rất lôi cuốn; chẳng mấy chốc xe chạy qua khúc hợp lưu của sông Han phía nam và sông Imjin từ phía bắc chảy xuống đã thấy xuất hiện lô cốt và hàng rào kẽm gai phòng thủ giăng liên tục dọc theo bờ sông phía nam. Mờ mờ bên kia sông là Bắc Hàn. Đường Tự Do đến Imjingak là ngôi làng cuối cùng trước khi vào trại Bonifas hẹp dần dựng đầy chướng ngại vật để chận xe tăng. Xe ngừng ở cổng trại Bonifas. Bà Laura nhắc nhở bắt đầu từ đây cho đến trước khi vào JSA (Joint Security Area) tức Khu Vực An Ninh Chung ở Bàn Môn Điếm, tuyệt đối không được phép chụp hình. Bonifas là cửa phía nam đi vào vùng phi quân sự. Bonifas là bản doanh của bộ tư lệnh lực lượng Liên Hiệp Quốc phòng vệ an ninh JSA, trợ giúp uỷ ban kiểm soát đình chiến, quản trị làng Tự Do, và hướng dẫn du khách. Trại Bonifas chỉ cách JSA 400 mét. Một quân nhân Nam Hàn lên xe nhìn mặt từng người và kiểm soát Passport; rồi cho chạy vào bãi đậu xe, lại kiểm soát một lần nữa trước khi vào phòng coi phim và nghe thuyết trình sơ lược về JSA. Binh sĩ ở trại Bonifas ăn ngủ với súng đạn đeo bên người và luôn luôn túc trực trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến 100 phần trăm. Sau khi mỗi người đã đọc và ký tờ cam kết “Visitor Declaration” chấp nhận đi vào vùng thù địch có thể chết hay bị thương do hành động phía bên kia gây ra phải ráng chịu, và phải tuân theo các điều hướng dẫn thăm viếng JSA, mỗi người được phát một cái nhãn mầu xanh dán lên túi áo trên ngực chứng minh là du khách của Liên Hiệp Quốc. Du khách được chuyển qua xe của Liên Hiệp Quốc chạy vào JSA ở Bàn Môn Điếm. 
Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) là cách viết cho dễ đọc của đại diện phe Tàu trong hội nghị đình chiến, còn tên thật theo tiếng Triều Tiên là Neolmun-ri. Bàn Môn Điếm là Khu Vực An Ninh Chung (Joint Security Area tức JSA) duy nhất trong vùng phi quân sự (DMZ: Demilitarized Zone) được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc và Bắc Hàn dùng làm nơi hội thảo và gặp gỡ quân sự giữa hai bên. JSA hình chữ nhật, dài 800 m, rộng 400 m. Đường phân ranh giới (Military Demarcation Line gọi tắt là MDL) vô hình cắt đôi khu JSA và cắt đôi bán đảo Triều Tiên thành hai nước thù địch. Từ đường phân ranh giới ngược về phía bắc 2 km và lui về phía nam 2 km là vùng phi quân sự. Vùng phi quân sự phân ranh hai nước được kể từ dưới đất, dưới sông, dưới biển, hay trên trời dài khoảng 250 km rải đầy mìn bẫy. Với một triệu binh sĩ phía Bắc Hàn và 600 ngàn quân Nam Hàn cộng với 37 ngàn quân Mỹ túc trực ngay bên ngoài vùng phi quân sự rộng 4 km đó biến biên giới giữa Bắc Hàn và Nam Hàn thành vùng nguy hiểm nhất thế giới. Khi mới thành lập, nhân viên cả hai bên được tự do đi lại trong Khu Vực An Ninh Chung nầy, nhưng kể từ sau vụ chém giết bằng rìu (The Axe Murder Incident) ngày 18 tháng 8 năm 1976 khi nhân viên bên Liên Hiệp Quốc tỉa cây bạch dương (the poplar tree) ở gần Bridge of No Return cho dễ quan sát bị binh sĩ phía Bắc Hàn túa ra cấm cản, rồi rút rìu chém chết 2 sĩ quan Mỹ là Đại uý Arthur Bonifas và Trung uý Mark Baret cùng 4 binh sĩ Nam Hàn thì hai bên không còn được phép tự do bước qua đường phân ranh giới trong JSA nữa. 
Chúng tôi được hướng dẫn đứng thành hai hàng ngay phía trước Fredom House thay phiên nhau chụp hình lính Nam Hàn cao lớn đứng trong một tư thế Thái Cực Đạo rất oai nghiêm bên nầy nhìn đăm đăm sang lính Bắc Hàn đứng trên hành lang Panmungak phía bên kia dùng ống nhòm quan sát đám du khách chúng tôi. Chỉ cần thấy một cử chỉ đáng nghi nào đó đối với lính Bắc Hàn thì có thể sẽ bị một viên đạn bay vèo sang trúng chết ráng chịu! Hai anh lính Bắc Hàn bên ấy chắc không thích bị chụp hình nên lúc ẩn lúc hiện. Mỗi năm có khoảng 200 ngàn du khách đến viếng nửa phía nam JSA; còn du khách đến viếng phía bắc JSA không tới 10 ngàn người. Giữa Freedom House và Panmungak là 7 căn nhà xây đơn sơ kiểu như loại nhà di động được sơn mầu khác nhau. Đường phân ranh giới vô hình giữa hai nước cắt đôi các căn nhà đó. Ba căn nhà phía cuối bên trái chúng tôi là phòng họp của 2 nước cộng sản Tiệp Khắc (Czechoslovakia) và Ba Lan (Poland) trong uỷ ban 4 nước kiểm soát hiệp định đình chiến nay trống vắng vì 2 nước đó đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo tự do nên đã bị Bắc Hàn đuổi về nước năm 1995 và năm 1998. Hai nước còn lại trong uỷ ban kia là Thụy Sĩ (Switzerland) và Thụy Điển (Sweeden) vẫn còn đó, nhưng có phòng họp riêng xa hơn một tí ở bên phía nam đường phân ranh. Trên thế giới bây giờ đâu còn bao nhiêu nước theo chủ nghĩa cộng sản nữa mà Bắc Hàn không đề nghị với Liên Hiệp Quốc mời ngay hai nước bạn thân yêu cùng chung ngoại tổ Lenin là Cu Ba và Việt Nam vào thay thế Tiệp Khắc và Ba Lan nhỉ? Bên phải ba ngôi nhà ma đó là 3 căn nhà sơn mầu xanh. Căn bên trái là phòng họp của uỷ ban cố vấn 4 nước kiểm soát hiệp định đình chiến. Căn bên phải là phòng họp của sĩ quan an ninh chung (Joint Duty Ofice gọi tắt là JDO) mỗi ngày họp một lần lúc 12 giờ trưa. Du khách phía bắc được đưa vào thăm JDO. Du khách phía nam chúng tôi được hướng dẫn vào thăm căn chính giữa là phòng họp của uỷ ban quân sự đình chiến (Military Armistice Commision gọi tắt là MAC). Đây là nơi dành cho những cuộc họp cỡ cấp tướng trở lên để giải quyết các vụ vi phạm trầm trọng đối với hiệp định đình chiến. Chắc đã lâu không có chuyện gì quan trọng cần họp nên trong phòng MAC chỉ thấy bàn ghế trống trải cô đơn, không treo cờ cũng không gắn điện thoại! Ồ, có anh lính Nam Hàn đứng oai nghiêm như pho tượng, ai cũng sắp hàng chờ được chụp hình chung. Bên ngoài cửa sổ ngay giữa phòng họp là đường phân ranh giới chia sân xi măng phía bắc và sân đá cuội phía nam. Nhân viên an ninh 2 phía Bắc Nam đứng cách nhau một gang tay; nhưng hai miền vẫn còn xa cách vời vợi! 
Từ năm 1979, ngoài những cuộc họp quân sự, JSA còn được dùng làm nơi gặp gỡ của Hội Hồng Thập Tự, các cuộc đối thoại, trao đổi, và cộng tác hòa bình giữa hai miền. Chung Ju-mung sinh ngày 25 tháng 11 năm 1915 ở Kangwon, Bắc Hàn, năm 16 tuổi trốn nhà ra tỉnh tìm việc làm 2 lần, nhưng bị cha tìm bắt về tiếp tục cày ruộng. Lần trốn nhà thứ 3, ông lén bán một con bò của cha để có tiền mua vé xe lửa đi Seoul làm đủ nghề từ lao công bến cảng Incheon đến giao gạo. Sau giải phóng ách đô hộ của Nhật, ông sáng lập công ty Hyundai chuyên lãnh vực xây cất. Khi chiến tranh do quân Bắc Hàn xâm chiếm Nam Hàn, ông cùng gia đình và anh em bỏ của chạy xuống Busan. Sau hiệp định ngừng chiến, ông tái lập công ty Hyundai thầu các dự án tái thiết đất nước và kỹ nghệ. Hyundai phát triển nhanh chóng trở thành đại công ty xây cất và chế tạo tất cả mọi thứ từ chiếc căm xe đạp, xe hơi, đến đóng thuyền. Công ty Hyundai đã đầu tư các dự án xây đường sắt, đập nước, trung tâm nghỉ mát… ở Bắc Hàn. Ngày 16 tháng 6 băm 1998 Chung Ju-mung dẫn đầu đoàn xe 50 chiếc Hyundai chở 500 con bò thống nhất (Unification Cows) xuyên qua Bàn Môn Điếm tặng cho nhân dân làng cũ của ông ở Bắc Hàn. Ông cũng không quên tặng thêm 1 con bò để trả lại con bò năm xưa ông đã lén cắp của cha đém bán để mua vé xe lửa đi Seoul. Sau đó Chung Ju-mung còn làm một chuyến tặng thêm 500 con bò thống nhất nữa trước khi ông chết ngày 21 tháng 3 năm 2001. 
Chúng tôi trở ra xe chạy dọc theo đường phân ranh giới cắm cột mốc, mỗi cột cao 1 mét và cách nhau 10 mét. Từ đây cho đến khi trở về bãi đậu xe ở trại Bonifas xe không ngừng, nhưng chạy chậm vừa đủ cho du khách ngắm cảnh đẹp hoang liêu trong Bàn Môn Điếm và chụp hình. Đi ngang qua nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa lính Bắc Hàn rút rìu chém chết lính Mỹ và Nam Hàn làm cả thế giới lên cơn sốt, cây bạch dương không còn nữa, chỉ còn bia đá kỷ niệm chơ vơ bên đường. Gần đó là Bridge of No Return (Nhịp cầu không cho quay trở lại). Đây là cây cầu bắc qua sông Sachon dùng làm đường phân ranh thiên nhiên nam bắc. Nhân viên từ phía Bắc Hàn đến Khu Vực An Ninh Chung ở Bàn Môn Điếm phải đi qua cây cầu nầy. Từ khi ký kết hiệp định đình chiến ngày 27 tháng 7 năm 1953, Bridge of No Return được dùng trao đổi tù binh. Tù binh chở đến cây cầu nầy được phép bước qua cầu trở về nước hay chọn ở lại phía bị bắt. 14049 tù binh của lực lượng Liên Hiệp Quốc và 120523 tù binh Bắc Hàn lẫn Chí Nguyện Quân Trung Cộng (Chinese People’s Volunteer Army) đã bước qua cây cầu nầy. Tù binh một khi đã quyết định bước qua cầu thì không được phép quay trở lại nên cây cầu vô danh trên dòng sông Sachon bỗng trở thành cây cầu Bridge of No Return độc đáo trong lịch sử chiến tranh. Bridge of No Return được tái sử dụng vào ngày 28 tháng 12 năm 1968 khi 82 thủy thủ đoàn của tàu hải quân Mỹ USS Pueblo xâm phạm lãnh hải bị Bắc Hàn bắt làm tù binh sau gần 1 năm được trả tự do, nhưng con tàu USS Pueblo vẫn còn bị Bắc Hàn sử dụng làm viện bảo tàng tuyên truyền chống Mỹ. Từ sau vụ “The Axe Murder Incident” ngày 18 tháng 8 năm 1976 đã kể trên, Bridge of No Return bị đóng cọc cấm qua lại làm Bắc Hàn hết đường ra vào Bàn Môn Điếm bèn vội vã xây một cây cầu khác cách đó khoảng 1 km trong vòng 72 giờ. Cây cầu mới nầy được gọi là “72 Hour Bridge” nằm phía Bắc Hàn nên du khách phía nam không nhìn thấy. 
Trong vùng phi quân sự gần Bàn Môn Điếm đặc biệt có 2 ngôi làng đối diện cách nhau một bãi mìn rộng 2 km. 
Taesong-dong được gọi là làng Tự Do (Freedom Village) có cột cờ cao 98.4 mét treo lá cờ Hàn Quốc nặng 130 kg (286 lbs). Làng có khoảng 200 nông dân đã sinh sống từ lâu đời ở đó. Dân làng Tự Do không phải đóng thuế và được miễn thi hành nghĩa vụ quân dịch. Ban ngày ra đồng làm ruộng được lính đứng canh trên bờ kẻo quân Bắc Hàn lẻn sang tóm cổ đòi tiền chuộc! Mặt trời lặn phải về nhà. Giới nghiêm sau 11 giờ đêm phải đóng khoá cửa cẩn thận. Bực mình nhất là lên giường ngủ phải trùm mền và mang nút bịt tai chắn tiếng loa tuyền truyền phát ra từ làng Kijong-dong. Muốn trở thành dân làng Tự Do phải được sinh ra ở đó hay do kết hôn, nhưng đàn ông ngoài làng Tự Do không được kết hôn với cô gái trong làng để trốn thuế hay trốn quân dịch. Muốn giữ quyền công dân làng Tự Do mỗi năm phải ở liên tục trong làng ít nhất 8 tháng. Tuy nguy hiểm và kém thoải mái, nhưng lợi tức trung bình hàng năm của mỗi dân làng khoảng 100 ngàn đô la! 
Đối diện làng Tự Do là làng Kijong-dong có cột cờ Bắc Hàn cao 160 mét, cao nhất thế giới; riêng lá cờ không thôi đã nặng 270 kg (594 lbs). Kijong-dong là một ngôi làng xây toàn cao ốc giả tạo hiện đại, bên trong trống ộc trống ạc không có người ở, dùng để tuyên truyền thiên đường cộng sản Bắc Hàn giàu mạnh; nhưng thiên đường đã mất không còn gì để tuyên truyền mà người dân lại quá nghèo khổ nên bây giờ làng Kijong-dong đã có người ở thật. 
Chúng tôi trở lại trại Bonifas mua ít món quà lưu niệm, rồi lên xe tua ra khỏi vùng phi quân sự. Trên đường về ghé thăm Imjimgak. Du khách không đi tua vào thăm Bàn Môn Điếm được, có thể tự lái xe, đi xe buýt hay xe điện ngầm đến Imjingak ngắm cảnh biên giới. Imjingak là công viên lưu giữ nhiều di tích chiến tranh xây bên dòng sông Imjin năm 1972 để an ủi gia đình có thân nhân hay bạn bè đã mất hoặc ly tán trong chiến tranh 1950-1953 không được trở về nhà. Nơi đây có đài quan sát, chuông hoà bình, bàn thờ ly tán, con ngựa sắt muốn chạy (The iron horse wants to run), và cây cầu Tự Do (Freedom Bridge) nổi danh xây bằng gỗ dài 83 mét bắc vào đường xe lửa chạy qua cây cầu sắt sơn mầu trắng trên dòng sông Imjin. Đó là cây cầu duy nhất nối liền hai miền nam bắc. Freedom Bridge được xây để đón 12773 tù binh Liên Hiệp Quốc trở về tự do. Freedom Bridge đi ra phía bắc nay đã bị đóng bít lại bởi bức tường cao rào kẽm gai. Du khách đến sờ bức tường ngậm ngùi và gắn lên đó vô số giải lụa đủ mầu sắc ghi lời ao ước hoà bình và thống nhất sẽ trở về mang lại hạnh phúc thật sự cho dân tộc Triều Tiên. 
Tại Imjingak vài du khách trong đoàn chia tay lên xe khác đi thăm Đường Hầm Thứ 3 là đường hầm lớn nhất trong 4 đường hầm do Bắc Hàn lén đào xuyên qua vùng phi quân sự bị quân Nam Hàn khám phá. Đường hầm đó dài 1.7 km, rộng 2 m, cao 2 m, cách mặt đất 73 m có thể cho 30 ngàn quân Bắc Hàn bí mật tiến qua biên giới trong 1 tiếng đồng hồ. Hai lần về Việt Nam muốn đi Tây Ninh thăm Thánh Thất Cao Đài, nhưng thấy tua du lịch nào đi Tây Ninh cũng bắt buộc phải ghé coi đường hầm Củ Chi, nên chúng tôi vẫn chưa biết Tây Ninh. Chúng tôi chán ghét tất cả mọi đường hầm gây chiến tranh nên theo xe tua đi ăn trưa và trở về Seoul. 
Buổi chiều hôm đó, tôi theo mẹ con nàng đi dạo Seoul. Seoul có nghĩa là “thủ đô” rồi nên không cần gọi thủ đô Seoul. Tên cũ của Seoul là Hanyang tức Hán Thành. Tướng Yi Seong-gye cướp ngôi nhà Cao Ly (Goryeo Dynasty) thiết lập ra triều đại Triều Tiên (Joseon Dynasty) kéo dài từ năm 1392 đến năm 1910. Deoksu Palace nằm đối diện với toà đô chánh Seoul là một trong 5 cung điện hoàng gia Triều Tiên ở Seoul tuy đã trải qua bao lần bị chiến tranh tàn phá, nhưng nay đã phục hồi được vẻ đẹp độc đáo nguyên thuỷ của kiến trúc truyền thống pha lẫn vẻ đẹp mới mẻ của tây phương. Trước cổng hoàng cung Deoksu có nghi lễ đổi lính canh một ngày 3 lần lúc 11 giờ, 2 giờ, và 3 giờ 30 đẹp lộng lẫy và rất long trọng. Ngay giữa quảng trường Gwanghawmun ở trung tâm thủ đô có 2 bức tượng được toàn thể dân tộc Triều Tiên muôn đời kính ngưỡng. Bức tượng người đứng cầm kiếm cao 17 mét bằng đồng đen là Đô đốc Yun Sun-si, người đã đánh tan hạm đội Nhật xâm lăng vào ngày 26 tháng 10 năm 1597 tại eo biển Myeongyang, và bức tượng người ngồi đọc sách bằng đồng vàng cao 9.5 mét là Sejong The Great (trị vì từ năm 1418 đến năm 1450). Dười thời vua Sejong nước Triều Tiên tiến bộ rất nhiều về canh nông và khoa học như phát minh máy đo nước mưa, thiên văn cầu, đồng hồ mặt trời… Nhưng phát minh quan trọng nhất đã giúp dân tộc Triều Tiên thoát khỏi anh hai Nhật và anh ba Tàu đồng hoá là nhà vua đã phát minh ra chữ viết Hangeul tức hệ thống chữ viết Korean vô cùng đơn giản ngày nay hơn hẳn Tàu và Nhật đều lúng túng xếp chữ để gõ trên bàn phím computer. Một dân tộc dù hùng mạnh đến đâu mà không có chữ viết cũng sẽ bị đồng hoá hay mất gốc! 
Chúng tôi vui chân theo hướng dẫn viên Thái-Thanh đi bộ ngang dọc thủ đô một hồi đến khu Insadong. Đường chính trong Insadong là Insadong-gil dẫn sâu vào nhiều ngõ ngách buôn bán nhộn nhịp như khu phố cổ Hà Nội. Insadong có rất nhiều tiệm ăn, hàng quán bán bánh kẹo truyền thống, tiệm đồ cổ và tranh ảnh nghệ thuật. Nơi đây vào ngày cuối tuần tiếp nhận hơn 100 ngàn du khách. Insadong là một trong vài nơi ở thủ đô du khách ngoại quốc thích đến thăm nhất. Một nơi khác cũng được ưa chuộng không kém là Bukchon Hanok Village. Đó là ngôi làng truyền thống được xây từ hàng trăm năm trước vẫn còn giữ được nét cổ kính nguyên vẹn. Nơi đây có nhiều quán ăn và quán bán nước trà pha chế đủ mùi vị hấp dẫn. Từ trên dốc cao ở làng Bukchon Hanok, Thái-Thanh chỉ Tháp Seoul xa tít, nói: 
– Chúng ta sẽ đi đến đó ăn tối. 
– Bố đã hết xí quách rồi! 
Đêm cuối cùng, Thái-Thanh đãi bố mẹ ở quán ăn ngồi bệt trên sàn bên lò nướng có ống chụp hút khói đúng kiểu Barbecue Hàn Quốc ngon tuyệt cú mèo! 
Sáng hôm sau gọi điện thoại chia tay Park, người bạn hôm nào cùng Hiking trên Buramsan. Park lập tức lái xe đưa vợ con đến mời chúng tôi bữa ăn chia tay. 
Ôi… tôi yêu mến người bạn Hàn nầy và đất nước của anh vô cùng, nhưng nếu ở lâu thêm nữa, tôi chắc chết vì ăn! 

Đi tìm mùa thu Arizona 

Đi tìm mùa thu Arizona 
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 11, năm 2008) 
Phái đoàn: Alan, Debra, Mộng-Lan & Thái-Vinh 

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”
(Mùa Thu Chết – Phạm Duy )

Từ khi xa Pennsylvania và Virginia là hai tiểu bang định cư đầu tiên ở Hoa Kỳ, hình ảnh những mùa thu đẹp lãng mạn với rừng phong phủ kín lá vàng đối với chúng tôi không còn nữa. Sau gần mười năm lưu lạc ở New Caledonia và sáu năm tái định cư ở California, mỗi năm mùa thu đến chỉ thấy đồi cỏ úa vàng, chúng tôi không còn bận tâm đi tìm mùa thu nữa làm gì! Bây giờ là mùa thu thứ ba của chúng tôi ở sa mạc. Nhìn mấy rặng núi xa xa, nàng bỗng nói: 
– Cuối tuần nầy, anh đưa em đi coi lá vàng nghen? 
Nghe nói cuối tuần phải đi xa, tôi giật mình cự nự: 
– Sa mạc làm gì có mùa thu? Cuối tuần nầy có trận football quan trọng lắm; anh phải coi ủng hộ đội banh trường anh! 
Nàng quyết liệt: 
– Nhất định chiều Thứ Bảy, em sẽ cho anh xuống núi kịp coi trận banh đó! 
Tôi miễn cưỡng vui lòng: 
– Nhưng coi lá vàng ở đâu bây giờ? 
Đúng là mọi việc trên đời nầy, cái gì nàng cũng biết: 
– Trên đỉnh Arizona Snowbowl cao nhất tiểu bang. Ngày 18 và 19 tháng Mười nầy là hai ngày cuối cùng trong năm còn có xe cáp treo kéo lên núi. Sau đó họ sẽ đóng cửa sửa soạn cho mùa trượt tuyết. Em không muốn chờ thêm một năm nữa! 
Bạn bè phái nam làm chung hãng với tôi phần lớn đều là dân bên California kéo qua lo chăm chỉ làm ăn, không thiết tha gì mùa thu nên nghe rủ đi coi lá vàng đều làm lơ. Nhưng Debra, người em gái Trung Hoa, gốc từ tiểu bang miền đông New York vừa nghe đã vội vàng gọi cho phu quân Alan bắt chàng đồng ý ngay. Suốt ngày hôm đó, cô không quan tâm làm việc nữa, chỉ sục sọi trên mạng tìm khách sạn, quán ăn, và những thắng cảnh khác ở gần Arizona Snowbowl. Nhà cô em ở vùng Goodyear, còn chúng tôi ở Gilbert, xa nhau chẳng khác nào Los Angeles và New York, nên chúng tôi hẹn mười giờ sáng Thứ Bảy sẽ gặp nhau ở bãi đậu xe cáp treo. 
Arizona Snowbowl ẩn mình trong rặng núi San Francisco thuộc lâm viên quốc gia Coconino, nằm ngó lên hai đỉnh núi ngất trời; Humphreys cao 12647 feet (3855 mét) và Agassiz cao 12356 feet (3766 mét), cả hai đỉnh đều cao hơn mái vòm Đông Dương Fan Sipan 3143 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn. Arizona Snowbowl cách Flagstaff 14 dặm. Flagstaff đối với Phoenix cũng như Đà Lạt đối với Sài Gòn luôn luôn hấp dẫn du khách thủ đô một cách kỳ lạ. Flagstaff nằm về hướng bắc, cách Phoenix 146 dặm, trên cao nguyên 7000 feet (2134 mét) với những cánh rừng thông Ponderosa trùng điệp, mùa hè mát mẻ, mùa đông lại có tuyết rơi đẹp não nùng biến Flagstaff thành địa điểm nghỉ mát tuyệt dịu trong sa mạc. Flagstaff lại còn là thành phố may mắn duy nhất ở nước Mỹ vì được nằm kề ba toà lâu đài quốc gia: Walnut Canyon National Monument, Wupatki National Monument, và Sunset Crater Volcano National Monument. 
Dọc đường 17 thấy mùa thu không về trên rừng cây xương rồng Saguaro quanh năm không đổi sắc, chúng tôi rẽ vào đường 179 chạy nhẩn nha xuyên Sedona tìm xem lá vàng. Đây là mùa thu đầu tiên chúng tôi đi đoạn đường 89A nối liền Sedona với Flagstaff dài 28 dặm được coi là một trong những đoạn đường đẹp nhất Arizona. Mùa thu ở đây nhẹ nhàng quá vì thiếu nhiều cây có lá đổi màu. Ngừng xe chụp được một chút cảnh thu vàng nhạt trôi dưới nhịp cầu vồng bắt ngang qua Midgley Canyon. 
Từ đường 180 đi Grand Canyon, cách Flagstaff 7 dặm, vừa rẽ vào Snowbowl thấy ngay mùa thu Arizona đã về và đang tập trung tất cả trên đoạn đường ngoằn ngoèo dài 7 dặm nầy. Cây Dương Lá Rung (Aspen) trông giống như Cây Phong (Maple) nhưng lá nhỏ hình trái tim vàng nhạt. Có lá chưa kịp vàng đã héo khô vì mấy tuần nay trời lạnh sớm; nhưng lá Dương khô rung trong gió réo rắt nghe rất vui tai. Thấy một cây Dương còn đầy lá vàng, tôi mừng rỡ, kêu: 
– Một cây Dương kia cũng đủ làm nên mùa thu! 
Rồi nhảy ra xe chụp hình lia lịa, mặc cho nàng cằn nhằn: 
– Sao lại đậu xe ở giữa đường? 
Debra và Alan đang tươi cười chờ chúng tôi ở bãi đậu xe cáp treo bên cạnh quán Peak Side Café nằm trên cao độ 9500 feet (2896 mét) là quán ăn cao nhất Arizona. Thấy có lối đi bộ lên đỉnh Humpheys bên kia, tôi rất nao nức muốn đi ngay, nhưng phái đoàn vừa nghe nhân viên bán vé xe cáp treo nói Hiking lên xuống mất ít nhất 6 tiếng đồng hồ đã hết hồn! Từ quán ăn nhìn lên đỉnh Agassiz bên nầy thấy người đi xe cáp treo còn thưa thớt. Ai cũng thích nhẩn nha nhâm nhi cà phê, nghe nhạc, hay tản bộ quanh bìa rừng chụp hình. Agassiz Tripple Chairlift đưa cặp Debra và Alan đi trước, chúng tôi theo sau một ghế bỏ trống. Đoạn xe cáp treo nầy dài 6450 feet (1966 mét), lên xuống mỗi chuyến mất 30 phút. Mặt trời còn e ấp sau bức màn thông, tuy không có gió, nhưng dốc núi vẫn còn vương dấu tuyết làm mọi người cảm thấy se lạnh. Ngồi xe cáp treo nhìn lên thấy đôi bạn Debra và Alan nhỏ xíu húng hắng ho; ngoái nhìn lại phía sau thấy mùa thu tháng Mười ở Arizona đang trôi bồng bềnh xa tít tận chân trời. Mùa thu Arizona chưa có nhiều lá vàng vương hình ảnh chia ly buồn não nuột như trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du: 
“Người lên ngựa, kẻ chia bào 
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san” 
Mùa thu Arizona đẹp nhẹ nhàng tràn đầy sức sống! 
Đến gần cuối trạm, nghe nhân viên kiểm soát kêu: 
– Các bạn làm ơn nhảy ra cho nhanh! 
Alan nhảy ra loạng choạng muốn té. Chúng tôi đã lên đến cao điểm 11500 feet (3505 mét). Tôi mừng rỡ hối hả chạy ngay lên đỉnh Agassiz 12356 feet; nhưng nhát thấy dây treo bảng cấm, bèn cùng nhều bạn trẻ lại gần đọc “Leo đỉnh Agassiz bị phạt 500 đô la” ai nấy đều thất vọng! Đỉnh Agassiz chỉ được phép leo vào mùa tuyết vì địa chất trên đỉnh rất mỏng manh dễ sụt lở. Nhìn qua bên kia đỉnh Humpheys có bóng người đang đi chậm chạp trên lưng chừng núi và nghe một cặp bạn trẻ ngồi bên cạnh nói đã từng leo tuyết chinh phục đỉnh Humphreys cao nhất Arizona mà lòng tôi vô cùng thèm muốn. Một lúc sau được kết bạn với Tanner Flaherty, chúng tôi hẹn nhất định sang năm sẽ cùng leo lên đỉnh Humphreys. Cao hơn trạm xe cáp treo có một vùng đất đá bằng phẳng, từ đó du khách có thể ngồi trên phiến đá thả hồn chìm xuống thành phố Flagstaff ẩn hiện mờ mờ, hay phóng tầm mắt nhìn lên phương bắc xa 70 dặm thấy North Rim của kỳ quan Grand Canyon trải một vệt đen cắt ngang chân trời, hoặc ngó về phương tây có thể thấy tận San Diego…Một bạn trẻ hỏi tôi: 
– Sao biết San Diego ở hướng đó, giỏi vậy? 
– Bộ không thấy đám cháy kia à? 
Đứng trước cảnh đẹp vô cùng thơ mộng mà dáng chừng Alan và Debra không được vui vẻ. Chạy lại hỏi thăm mới biết cả hai đang bị chóng mặt và nhịp tim đang đập rối loạn vì không quen với độ cao loãng không khí. Cả hai buồn rầu nói: 
– Giấc mộng hẹn đi thăm Tây Tạng với các bạn không bao giờ thành rồi! 
Chúng tôi phải khuyến khích: 
– Cứ tập leo núi mãi rồi sẽ quen mà! 
Từ trên xe cáp treo chạy dần xuống, du khách ngồi im lặng say sưa ngắm cảnh sắc mùa thu Arizona bàng bạc về trên rừng thông xanh chen lẫn sắc vàng của hàng Dương Lá Rung mà lòng không khỏi bồi hồi. Trên đồi thông mặt trời đã xuống dần, rừng cây dường như vàng hơn làm tăng vẻ đẹp mùa thu thêm mấy độ. Bây giờ muốn đi một chuyến xe cáp treo nữa phải sắp hàng khá lâu. Chúng tôi nếm thử món ăn của Peak Side Café cũng phải ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ. Ăn xong cảm thấy mạnh mẽ cả bọn đồng ý thử sức đường mòn Humphreys tiến vào rừng săn thêm vài bô hình mùa thu; nhưng vừa leo một đoạn dốc ngắn đôi bạn Debra và Alan đã tái mặt nghẹt thở! Hướng dẫn viên phái đoàn vội vàng tuyên bố: 
– Hành trình đi tìm mùa thu Arizona hôm nay đã tạm đủ. Ngày mai chúng ta còn một ngày nữa. Bây giờ phải về khách sạn gấp để coi football! 
Ramada Inn nằm chờ kia rồi! Phải năn nỉ lắm mới được một căn phòng thơ mộng nhìn ra rặng núi. Đêm hôm đó, ai nấy đều mệt mỏi ngủ say không nghe tiếng còi xe lửa ngừng chở gỗ rú liên hồi dội vào núi điếc tai, riêng mình tôi lặng lẽ thao thức chập chờn nhớ lại khung cảnh mùa thu êm đềm trên đỉnh Agassiz. 
Chương trình ngày hôm sau đi tiếp tìm mùa thu ở Sunset Crater và Walnut Canyon; nhưng hướng dẫn viên tài giỏi của phái đoàn không thèm coi bản đồ lại nhầm Sunset Crater ra Meteor Crater. Vùng đất đỏ ở Meteor Crater từ 50 ngàn năm trước bị một vì sao lạc đường lao xuống trần đốt trụi cây cỏ đất đá, phá tan tành một bình nguyên rộng mênh mông chỉ còn sót lại một cây thông mọc trên tảng đá và khung nhà đổ nát của một bộ lạc da đỏ anh hùng bỏ hoang phế. Nơi đây chúng tôi sung sướng tha hồ chạy nhảy chụp hình cảnh sắc mùa thu trên Sao Hoả mỏi tay! 
Trên đường về, còn cách Flagstaff 7 dặm, phái đoàn đi tìm mùa thu Arizona ghé thăm ngôi làng đẹp nhất ở Flagstaff tức Walnut Canyon National Monument. Trèo xuống 240 bậc tam cấp dẫm trên lối mòn Island Trail đi ngược dòng lịch sử trở lại thời hoang dã từ 700 năm trở về trước. Đứng trước những hang đá đục khoét vào núi làm nhà ở của bộ lạc Sinagua, mà cảm khái người xưa từng qua đây dừng chân phiêu bạc, tạm xây tổ ấm sống cuộc đời hạnh phúc đơn sơ nhưng thật thơ mộng. Từ trong một ngôi nhà đá nhìn ra khung cửa trống trải ai nấy đều cảm giác mùa thu Arizona đang dịu dàng trở về đổi mầu Walnut Canyon đẹp mơ màng… 
“Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em…
(Mùa Thu Chết – Phạm Duy)

San Juan

San Juan, Nơi Nghỉ Mát Ước Mơ (tập một)
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng Mười Một năm 2013)
Trưởng đoàn: Thái-Thanh
Phái đoàn: Mộng-Loan, cu Toàn, Mộng-Lan & Thái-Vinh

San Juan là nơi nghỉ mát ước mơ? Hùm… Tôi không nhớ San Juan là nơi ước mơ được đi thăm một lần trước khi chết của tôi. Tôi chỉ nhớ mười hai năm trước nàng đưa mẹ đến San Juan nghỉ mát, rồi về khen San Juan có những kiến trúc cổ kính thời thuộc địa Tây Ban Nha rất xinh xắn; ở nơi đó mọi người làm ít ăn nhiều và thích ca hát suốt ngày đêm. Tôi nghe tựa hồ như nàng nói về một thành phố nào đó ở bốn tiểu bang biên thùy miền nam nước Mỹ mà Amigos đang dần dần chiếm đa số, nên không đòi đi San Juan nghỉ mát! Năm nay nàng hỏi:
– Anh muốn đi thăm nơi nào ở South America?
Tôi nói ngay:
– Machu Pichu ở Peru.
– Vậy ráng đợi đi Hiking với Lâm!
– Thôi cho anh đi Buenos Aires của Argentina?
– Đi Argentina phải cần Visa; có muốn đi không?
– Kiếm nước nào mà người Mỹ không cần Visa đi cho phẻ?
– Vậy đi Santiago của Chile nhé?
Tôi in một xập trang trên mạng giới thiệu về những nơi đáng thăm và ăn ngon ở Santiago đem lên máy bay từ Los Angeles đi Miami đọc cho biết trước. Đọc đâu khoái đó; đọc đến chỗ “Dân Mỹ không cần Visa (chiếu khán) nhập cảnh Chile, nhưng phải trả lệ phí 160 đô la lúc đến phi trường”, tôi vội vàng gọi điện thoại báo cho mẹ con nàng và cu Toàn đang chờ đi Miami tại phi trường Philadelphia, và tự nhiên tức thầm chính phủ Mỹ bây giờ nghèo, phải lấy 160 đô la của dân Chile (Chí Lợi) xin Visa đi Mỹ làm chi để cho chính phủ của họ phải lấy lại của tôi 160 đô la xin vào Chile! Cái đó gọi là lệ phí ăn miếng trả miếng (reciprocity fee) để không có kiểu nước lớn ăn hiếp nước bé. Điều nầy chỉ làm người dân hai nước phải thắt bụng tốn thêm một món tiền. Nếu không biết trước cái vụ mỗi người phải để dành 160 đô la cho lệ phí đó, lúc đến phi trường có phải làm vợ chồng gây gỗ nhau không?
Nàng lập tức cho máy bay du lịch đổi hướng Santiago đi San Juan. Đến Miami, tôi dụt mấy xập trang du lịch Santiago, rồi đi ngang dọc bên trong phi cảng tìm gặp mẹ Loan của cu Toàn đang nhởn nhơ đi tay không mới đến từ Paris. Tôi ngạc nhiên, hỏi:
– Hành lý đâu?
– Loan gửi va li từ Paris đi trực tiếp sang Santiago vì có mua một lọ nước hoa quá 100ml (3.4 ounce) không được phép mang lên máy bay.
– Chương trình đi nghỉ mát Santiago đã đổi ra San Juan rồi!
Loan tái mặt thì cu Toàn từ xa chạy ập lại ôm mẹ sau một tuần xa cách.
San Juan nằm vế phía Đông Nam cách Miami 1000 dặm. Chuyến bay số 1317 của hãng American rời Miami lúc 7:20 PM đến San Juan Luis Muñoz Marín International Airport 11 giờ đêm. Trưởng đoàn Thái-Thanh mới nghỉ mát ở San Juan mấy tháng trước, nên rất rành rẽ. Tắc xi từ phi trường đưa về khách sạn mất khoảng 15-20 phút, giá $20; ban đêm tăng $5; thưởng thêm $5 nữa. Xe đỗ ngay trước quán nhậu SJ Food Court còn dìu dặt tiếng nhạc trong đêm khuya ở phố cổ (Old San Juan). Bên cạnh là cửa vào khách sạn Posada San Francisco.
– Ủa, Hotel gì mà không có văn phòng, lại khoá cửa sau 7 giờ tối?
– Posada không phải Hotel, mà là Hostel, một loại nhà trọ hay ký túc xá sinh viên.
– Gần nửa đêm rồi; chắc giờ nầy chủ khách đều an giấc?
– Anh cứ để cho con gái lo!
Sau một hồi điện thoại, có người mở cửa sắt. Trong hành lang hẹp có cầu thang đi bộ và thang máy. Toàn bộ khách sạn nằm trên ba tầng lầu bốn, năm, và sáu. Tashia trẻ đẹp, nước da đen ròn tưởng như dân bản địa Taíno, nhưng quê ở North Carolina vui vẻ tiếp phái đoàn ở lầu sáu, rồi đưa xuống lầu năm nhận phòng. Mỗi tầng lầu đều có một phòng chung vừa là nhà bếp, vừa là phòng ăn và phòng khách có ban công trông ra biển. Giờ nầy vẫn còn người nấu ăn và tâm sự. Mẹ Loan, cu Toàn, và Thái-Thanh lấy phòng số 8; chúng tôi lấy phòng số 9 kề bên. Khí hậu San Juan ấm áp quanh năm và hơi ẩm. Mở máy lạnh tối đa chạy vù vù, rồi vọt ra phòng khách ngồi chơi chờ cho phòng mát. Hai bên hành lang có cầu tiêu công cộng và hai phòng tắm chung, nước chảy hơi yếu! Người nấu ăn là du khách hiền lành bên Dominican Republic. Tôi kết bạn với Fernando ngay. Ngoài ban công là cặp vợ chồng người Canada đã về hưu đi chu du năm châu bốn biển. Bà Linda thân mật, vừa nói chuyện vừa đan áo; nhưng ông Sherwin về già bị bịnh chung của đàn ông Việt là thích nổ. Ông nổ lung tung, tự cho cái gì cũng biết; nhưng không biết New Caledonia ở đâu, và không biết nói tiếng Việt lẫn tiếng Pháp lưu loát như cu Toàn! Một lúc sau phòng khách lầu năm của chúng tôi lại thêm người vào vì là nơi duy nhất trong ba tầng lầu bắt được Internet. Tiền phòng một giường ở lầu năm hay lầu sáu là $50 một đêm (Lấy phòng sau 7 giờ tối, phải trả thêm $5); nhưng ở lầu bốn, tiền phòng rẻ hơn một nửa vì phòng kiểu ký túc xá có bốn giường chồng (Bunk bed) và hai giường riêng. Gia đình đông người nên thuê hết cả phòng như vậy để ở chung vừa rẻ vừa vui. Lầu bốn còn có phòng cho thuê xe đạp $10 một ngày.
Địa chỉ Posada San Francisco cho các bạn nè:
405 Calle San Francisco
Old San Juan, Puerto Rico 00933
Telephone: (787) 996-0324
Tôi trằn trọc:
– Nóng quá, anh ngủ không được!
– Ngủ đi anh? Ngày mai em sẽ đổi phòng!
Tôi nhắm mắt cố quên sức nóng và tiếng máy lạnh chạy vù vù thiếp đi không biết được bao lâu, bỗng vụt ngồi bật dậy như quỷ nhập tràng ú ớ suýt tắt thở vì máy lạnh ngừng hoạt động từ lúc nào!
– Ngủ đi anh? Ngày mai em sẽ đổi phòng!
– Bây giờ đã là ngày mai rồi…
Ngoài hành lang, tiếng máy lạnh của tất cả các phòng khác đều cố hết sức quạt ru mọi người say giấc; nhưng Fernando ngủ không được vì nhớ nhà. Ông có cậu con trai cùng tên cũng hiếu khách và nói chuyện rất lịch sự. Hai cha con đi thuyền từ Santo Domingo của Cộng Hòa Dominican sang chơi, nhưng thuyền hư đã mấy hôm nay chưa về được. Ông đang luộc mấy củ khoai mì, chuối ngự… Thấy tôi, ông mừng như gặp bạn cố tri, mời ăn, uống cà phê, lại cố dạy tôi học tiếng Xì.
Bên kia đường San Francisco bóng Christopher Columbus trên tượng đài cao vút mờ mờ trong ánh đêm dần tàn đang ngước mắt nhìn trời cảm tạ Thượng Đế đã giúp ông khám phá ra Ấn Độ vào tháng Tám năm 1492 mở đường cho các Đế quốc Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, và Hoà Lan kéo đến chiếm Châu Mỹ làm thuộc địa khiến người Indians dần dần mất đất, bị bắt làm nô lệ, và đi vào đường tuyệt chủng. Cả nước Mỹ không có tượng đài Christopher Columbus nào cao như tượng đài ở San Juan, và người Mỹ cũng không quan tâm tới người khám phá ra Châu Mỹ mà cứ cho đó là Ấn Độ!
Ở nhà trọ có hai điều lợi là có bếp nấu ăn tiết kiệm được tiền du lịch và dễ dàng kết bạn. Khám phá quan trọng trong buổi sáng đầu tiên của tôi ở San Juan là tìm ra tiệm thực phẩm SuperMax có bán mì gói nằm trên đường Cruz cách nhà trọ Posada San Francisco chỉ bốn góc đường. Tôi hỏi Rippy, mặt lúc nào cũng đỏ gay như say:
– Ở San Juan có chỗ nào đáng đi thăm?
– Nên đi thăm Bacardi nếm rượu RUM nổi tiếng khắp thế giới.
– Đi như thế nào?
– Lấy phà sang Cataño.
Rippy thấy ở ký túc xá còn rẻ hơn tiền “Share” phòng ở Mỹ, sẵn chưa biết đi đâu, nên ông đã ở đó hơn một tuần nay. Trước kia ông làm huấn luyện viên dạy Tennis tại Oregon State University. Bây giờ về hưu, ông giao nhà cho con gái, rồi lên đường viễn du. Nghe lời tôi, ông sẽ sang thăm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, và Thái Lan; còn Hector gốc Mễ là bạn cùng phòng với Rippy đang có việc làm ở San Francisco, bỗng nổi máu giang hồ bỏ ngang đi du lịch. Ở Posada San Francisco, tôi còn gặp nhiều người phiêu lưu như vậy, mới biết San Juan đúng là nơi nghỉ mát ước mơ.
San Juan là thủ đô của Puerto Rico, một lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, giống như New Caledonia của Pháp. Trong bốn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Greater Antilles ở biển Caribbean gồm Cuba, Hispaniola, Jamaica, và Puerto Rico thì Puerto Rico nhỏ nhất với diện tích 9104 km² (3515 dặm vuông), nhưng mật độ dân số cao nhất với gần 4 triệu dân. Christopher Columbus trở lại lần thứ hai vào tháng Mười Một năm 1493 đã sáp nhập Puerto Rico làm thuộc địa của Tây Ban Nha. Vì Puerto Rico (Rich Port) là vị trí chiến lược chắn cửa vào Châu Mỹ, nên Puerto Rico từng là chiến trường giữa các cường quốc Âu Châu đi tìm thuộc địa. Tây Ban Nha giữ vững Puerto Rico hơn 400 năm cho đến khi Mỹ ủng hộ cuộc nổi dậy của Cuba đòi độc lập dẫn đến cuộc chiến tranh Spanish-American ngắn ngủi từ ngày 25 tháng Tư đến ngày 12 tháng Tám năm 1898 ở bốn mặt trận Cuba, Puerto Rico, Phillipines và Guam thì Tây Ban Nha chịu thua, phải ký Hòa ước Paris 1898 lấy $20 triệu đổi bốn đảo ấy cho Mỹ muốn làm gì thì làm. Mỹ trở thành cường quốc; nhưng không ác như Tàu vẽ đường lưỡi bò liếm hết các đảo ở biển Caribbean. Đế quốc Tây Ban Nha suy yếu và tuột dốc từ đó. Tuy thua, nhưng tiếng Tây Ban Nha (Spanish) tục gọi là tiếng Xì thắng tiếng Anh ở Cuba, Puerto Rico, và khắp các xứ Châu Mỹ La Tinh, trừ Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha. Hiến pháp nước Mỹ không khẳng định tiếng Anh là tiếng chính thức. Theo đạo luật Jones Act năm 1917, người Puertorican sinh ra mang quốc tịch Mỹ, nhưng trường học từ mẫu giáo đến đại học đều dạy tiếng Xì; còn tiếng Anh chỉ là sinh ngữ thứ nhì (English as Second language). Thế nhưng theo cuộc trưng cầu dân ý ở Puerto Rico năm 2012, lại có hơn 60% dân chúng muốn Puerto Rico trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ. Tôi hỏi một người bạn Mỹ thuộc đảng Cộng Hoà, “Bạn nghĩ sao?” Người ấy nói ngay, “Trả lại độc lập cho họ!”
Phái đoàn đã thức dậy. Nhờ phòng ấm, ai cũng ngủ ngon. Nàng đã đổi được phòng. Tôi rủ Rippy cùng đi Bacardi nếm rượu; nhưng ông mới khám phá ra ở ngay phố cổ cũng có chỗ cho nếm rượu thả giàn. Thái-Thanh hướng dẫn phái đoàn đi ăn sáng trước khi xuống phà băng qua vịnh San Juan. Quán ăn mang tên đảo Mallorca thơ mộng của Tây Ban Nha ở Địa Trung Hải gợi lại kỷ niệm hơn 30 năm trước, chúng tôi đã đến đó đi xuống đại thính phòng trong hang Cuevas del Drach say mê theo dõi hai bóng thuyền dưới ánh đèn lung linh bơi lại từ hai phía dòng sông ngầm trổi lên tiếng đàn dương cầm và vĩ cầm réo rắt. Thức ăn ở quán Mallorca ngon; lại có hai trưởng lão trên bát tuần tiếp khách rất thân mật.
Từ tượng đài Christopher Columbus đi bộ đến hải cảng San Juan chỉ năm phút. Đó là bến cảng nhộn nhịp nhất trong các bến cảng ở biển Caribbean. Tám bến tàu ở phía nam dành cho thuyền chở hàng; Tám bến tàu ở phố cổ dành cho thuyền du lịch. Port San Juan là bến chính của các đại du thuyền như Carnival Cruises và Royal Caribbean. Dân chúng và du khách từ hai bên vịnh San Juan qua lại bằng Cataño Ferry (La Lancha de Cataño). Từ bến tàu số 2 ở phố cổ San Juan chạy sang Cataño mất khoảng 7-10 phút. Giá 50 xu mỗi người. Các bạn trên 6 bó chỉ trả 25 xu; còn các cụ trên 7 bó rưỡi được miễn phí.
Ngày thường cứ mỗi khoảng 15 phút, hay 30 phút vào ngày cuối tuần đều có một chuyến phà đưa bạn tha hồ sang thăm Bacardi nếm rượu. Đến Cataño, phải lấy tắc xi hay Minivan để đến Bacardi. Giá tắc xi từ $3 đến $5 mỗi người; còn Minivan $1. Thấy một thanh niên có vẻ giống người Hà Nội đang nắm tay đứa con nhỏ đợi xe dưới bóng cây nở rộ hoa vàng, tôi lại làm quen, hỏi cho biết tên cây hoa:
– Could you tell me what is the name of this flower tree?
– Nobilish.
Tôi nghe mù mờ, hỏi lại:
– Nobilish?
Người ấy trả lời chậm rãi:
– No English!
Lên xe phái đoàn được một trận cười nghiêng ngửa. Cây hoa vàng Nobilish được trồng rất nhiều ở San Juan. Vợ chồng người Puertorican bán hàng trên vỉa hè Paseo de la Princesa nói là hoa Volaris; còn bác tài Minivan chở chúng tôi từ Bacardi trở lại bến Cataño lại bảo là hoa Flamboyant làm tôi tức tối vì tôi biết rành hai loại hoá đó. Mãi đến khi về nhà, ngó thấy bụi cây bên kia rào mới trổ bông, té ra đó là hoa Yellow Elder có tên khoa học là Tecoma Stans.
Bacardi là rượu Rum với nhãn hiệu con dơi nổi tiếng khắp thế giới nên nhà nào cũng có sẵn một chai rượu Bacardi để pha uống hay nấu ăn.
– Em ơi, nhà mình có Rum Bacardi không?
– Có chai Bacardi Dragon Berry trong tủ kìa!
Tôi mở nút, rượu mùi trái dâu bay ra ngào ngạt.
Trung tâm tiếp khách Bacardi ở Cataño, Puerto Rico lúc nào cũng nhộn nhịp du khách, mở cửa thứ Hai đến thứ Bảy từ 9AM-10:30AM và 12PM-4PM. Khách ghi tên được tặng hai vé nếm rượu miễn phí và lên xe tua cứ mỗi hai mươi phút từ trung tâm tiếp khách hình con dơi bay đưa vào khu triển lãm trong nhà máy để được giới thiệu lịch sử rượu Bacardi, coi chiếu phim phương pháp chế tạo rượu, và nghe giọng nói thâm trầm lôi cuốn hấp dẫn như Darth Vader trong phim Star Wars của quán chủ về các loại rượu Bacardi pha với hương vị trái cây như chanh, khế, xoài, dừa, dứa… ngay cả Coca-Cola pha với Rum. Bacardi Rum được làm bằng nước cốt mía hay sản phẩm của mía qua một quá trình chưng cất, lên men, lọc bằng than củi, hoá già trong thùng thép không gỉ giữ mầu trong suốt, hay trong thùng gỗ sồi để tạo mầu hổ phách đậm nhạt tuỳ theo thời gian, và cuối cùng là pha trộn hương vị. Trong số hàng trăm loại rượu Rum do Bacardi sản xuất với độ cồn trung bình từ 35% đến 40%, đặc biệt có Bacardi 151 với độ cồn lên đến 75.5% do nhà máy Bacardi Limited of Hamilton ờ Bermuda sản xuất là có thể so sánh tàm tạm với rượu đế, một Đế Tửu bình dân, nhưng tuyệt vời của Việt Nam.
Người sáng lập Bacardi Rum là Facundo Bacardi Massó sinh năm 1814 tại Barcelona, Spain. Năm 1830 Facundo di cư theo các anh đến Cuba lập nghiệp. Ông lập gia đình với bà Doña Amalia năm 1843. Trận động đất năm 1852 làm tiêu tan sự nghiệp và bệnh dịch tả cướp mất hai người con, gia đình ông tạm lánh nạn ở California, rồi sau đó trở về Cuba bắt đầu kinh doanh rượu Rum từ ngày 4 tháng Hai năm 1862. Nhờ José León Boutellier, một người Cuban gốc Pháp cộng tác nâng kỹ thuật chưng cất, rượu của hãng “Bacardi, Boutellier, and Company” từ từ tiến lên hàng vua các loại Rum. Rồi Barcardi mua đứt thương hiệu “Bacardi, Boutellier, and Company” đổi ra thành “Bacardi and Company” với nhãn hiệu con dơi vì phát hiện ra trên trần nhà hầm rượu có nhiều dơi được coi là điềm may mắn vì loại dơi “Mexican free-tailed bats” chuyên ăn các loại sâu bọ phá mía. Facundo Bacardi Massó mất ngày 9 tháng 5 năm 1886; nhưng con cháu đời đời kế nghiệp làm vua rượu Rum hiệu Bacardi. Khi Fidel Castro cướp chính quyền và quốc hữu hoá tất cả công ty tư nhân vào ngày 15 tháng Mười năm 1960, toàn bộ gia đình Bacardi di tản ra khỏi Cuba. Ngày nay công ty chế tạo rượu Bacardi có mặt trên 16 nước sử dụng 6 ngàn nhân công làm việc trong 27 nhà máy sản xuất bán hơn 200 triệu chai rượu Bacardi với thương vụ trên 5 tỷ đô la hàng năm. Barcadi ở Puerto Rico là cơ xưởng sản xuất rượu Rum lớn nhất thế giới, nhưng tổng hành dinh của công ty Bacardi lại đặt ở Bermuda để tránh thuế!
Kết thúc tua thăm viếng Casa Bacardi, phái đoàn trở lại trung tâm tiếp khách hình con dơi bay thưởng thức vài loại rượu pha. Cu Toàn thích nhất loại Rum Bacardi Cuba Libre, pha rất dễ như sau:
2 phần Rum Bacardi
4 phần Coca-Cola (không được thay thế bằng Pepsi nhé!)
2 lát chanh
và vài cục đá ướp lạnh.

Superstition Mountains

Núi Mê (Superstition Mountains)

(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 10, năm 2008)
Thái-Vinh mến tặng David Nguyen

Từ dạo thăm Phố Ma ngó sang bên kia thấy ngọn Núi Mê trở về, đầu óc lão đặc sệt như bị ma ám, lúc nào cũng mơ tưởng tới ngôi mộ vàng bí mật vẫn còn chôn kín mấy trăm năm đâu đó trong rặng núi Mê. Rỉ tai với đám bằng hữu thường ngày tụ tập la cà ở các cao lâu tửu quán trên đường 19; ai nghe cũng ham, nhưng rốt cuộc, không ai dám theo lão chịu chết. Lão cũng không dại dột tham lam đi một mình, vì đã có biết bao người âm thầm đi không trở lại, nên lão đành ấm ức chờ đợi cơ hội, và luôn luôn mơ tưởng vớ vẩn tới câu chuyện truyền kỳ “Người mất tích trong Núi Mê”.
Dạo ấy vào năm 1872 Jacob Waltz và Jacob Weiser, hai đại hành gia gốc Đức chán cảnh thường nhật xắn quần xúc cát đãi vàng với các bà sồn sồn dọc hai bên bờ sông Salt nắng chang bang, bèn âm thầm rủ nhau phiêu lưu đi vào vùng rừng núi hoang dã Tonto ở phía đông Phượng Hoàng Thành. Bẵng đi một thời gian, mọi người đã quên lãng, thì cả hai lại trở về, người ngựa nhuễ nhoại ì ạch kéo theo vô số túi vải chứa đầy vàng cục. Từ đó hai đại hành gia sống một cuộc đời đế vương, ăn chơi trác táng, coi tiền như rác! Lúc nào hết, đợi đêm thanh vắng cả hai lại lên ngựa âm thầm vào Núi Mê tha của về xài. Một hôm Jacob Weiser bị mất tích một cách bí mật. Người ta đồn rằng Jacob Waltz đã dùng đá đập nát đầu bạn để hưởng thụ kho vàng một mình. Chừng như hối hận, về cuối đời Jacob Waltz tích đức làm nhiều việc thiện và mất năm 1889, thọ 80 tuổi. Ông để lại lời trối trăn về sự bí mật của mỏ vàng trong Núi Mê cho người bạn gái. Ròng rả suốt 40 năm, người bạn gái ấy cùng với người con nuôi của nàng, hợp lực với người cha và chú của người con nuôi ra sức moi móc, cuốc bửa, và đục đẽo khắp rặng Núi Mê; và mấy trăm năm sau nữa còn biết bao người tiếp tục âm thầm khám phá mỏ vàng ấy. Đã có biết bao mạng người đã gục ngã vì điều kiện khí hậu sa mạc quá khốc liệt; nhưng kết quả chẳng có gì; cho đến một ngày kia…
Khi ánh trăng thượng tuần tháng Năm dần dần mờ nhạt chỉ còn mỏng dính treo lơ lửng lạnh lẽo trên bầu trời Phượng Hoàng Thành. Một con lạc đà to lớn xuất phát từ Mê Sa đang lao vùn vụt trên đường 60 vùng rẽ gấp rút vào hướng Apache Junction làm tung cát bụi mù mịt. Trên lưng lạc đà, một già một trẻ ra dáng hai hiệp khách phiêu bạc từng trải giang hồ gọn gàng trong mũ áo dạ hành kín mít. Tay lão già luôn nhịp cây gậy đả bổng lộ vẻ khẩn trương, lão nói khẽ trong tiếng gió nhưng rền vô núi dội lại nghe rất rõ ràng, chứng tỏ nội lực của lão rất dồi dào:
– Tuy còn sớm, nhưng ta e có kẻ đã ra tay trước bọn ta!
Giọng chàng hiệp khách trẻ tuổi pha lẫn nhiều thứ tiếng nghe chừng như người sinh trưởng nơi miền Quan Ngoại:
– Bá phụ có chắc lần nầy thành công không? Vì phụ thân của điệt nhi đã từng nuôi mộng làm bá chủ kho vàng như bá phụ và đã từng âm thầm vào Núi Mê với các vị sư bá nghiên cứu mấy lần, nhưng nào thấy manh mối gì đâu?
– Hiền điệt nói đúng; nhưng lần nầy khác! Vì từ cái hôm ta theo Lão Tứ vào thăm Tam Đại Hồ, lúc về ghé lại Phố Ma tình cờ ta phát giác ra một sự việc quái lạ…
– Ồ! Vì vậy lần nầy bá phụ mới cao hứng cho điệt nhi đi theo để coi một trường náo nhiệt cho lịch lãm kiến thức giang hồ?
– Hiền điệt chỉ đoán trúng một phần. Phần khác, điều bí mật nầy ta không dám nói cho phụ thân hiền điệt hay, vì phụ thân hiền điệt mà biết thì cả võ lâm trung nguyên sẽ đổ xô vào biến sa mạc A Ri thành bãi chiến trường! Lúc đứng trước cửa ngục chứa một xác người chết ngồi cong queo trên ghế còn nguyên vẹn từ mấy trăm năm, ta quan sát thấy khóe miệng người ấy tựa hồ mấp máy như muốn trối trăn một điều gì, bàn tay hữu xếp lại thành quả đấm để tựa trên đùi, duy chỉ có ngón tay giữa lại chìa ra chỉa thẳng lên như chỉ trỏ. Ta bèn đưa mắt ngó theo hướng ngón tay đó, thì phát giác ra trên ngách cửa ngục có lòi một vật tròn nho nhỏ. Đó là một mảnh da dê đã gần mục nát vẽ đường ngoằn ngoèo đi vào thác nước. Trên đầu thác cheo leo có bụi xương rồng mọc theo hình bàn tay năm ngón. Ở ngón giữa có đánh dấu chéo. Ta đoán chắc mỏ vàng chôn kín dưới gốc cây xương rồng ấy. Chuyến nầy mà thành công, hiền điệt và ta sung sướng trọn đời chẳng khác gì hai lão Jacob người Đức năm xưa!
– Nhưng Bá Phụ đừng bí mật thủ tiêu điệt nhi như lão Jacob Waltz ác độc nhé?
– Hiền điệt yên chí. Thành công lần nầy, ta chia nhau kho tàng mỗi người một nửa; rồi lập tức ta cùng phu nhân rửa tay gác kiếm từ giả chốn giang hồ mưa tanh gió máu vĩnh viễn.
Chiều hôm ấy, dân chúng hiền lành cư ngụ thưa thớt quanh vùng Apache Junction điếng hồn ngơ ngác khi chợt nghe tiếng cười sảng khoái đinh tai nhức óc của một già một trẻ vang dội khắp thung lũng chết; rồi từ đỉnh núi ở cao điểm The Flatiron trên 4861 bộ, hai bóng người phi thân vùn vụt lao mình xuống chân núi nhanh như chớp vọt lên lưng lạc đà sải vó gấp rút cuốn tung cát bụi mờ mịt mất tích…

Moonlight Hiking

Hiking Dưới Trăng
(Trích trong bộ truyện Cảnh Đẹp Núi Mê đã đăng trên nguyệt san Bút Tre)
Thái-Vinh
Nov. 19, 2010

Ở Mỹ việc đâu thì người đó. Chắc cũng có nhiều người may mắn suốt đời chỉ cày một chỗ mà không bị mất việc? Nhưng hơn 35 năm qua tôi đã theo việc chạy lòng vòng khắp nước Mỹ rồi cuối cùng lạc vào sa mạc. Bây giờ chỉ mong sớm về hưu non khỏi chạy đi đâu nữa để suốt ngày được đi bộ leo núi cho đã! Vì vậy mỗi lần gặp khách lưu lạc tôi đều muốn làm quen và giới thiệu cảnh đẹp câu khách ở lại. Những người bạn ấy đều là nam tử lỡ thời vận. Tôi chưa từng gặp một nữ nhân dám “tha phương cầu thực”; cho đến hai tháng trước đây cô bạn thân thiết cùng quê bên Lào với nàng từ Seattle đến thăm, không ngờ tìm được việc làm tốt, cô bèn quyết định một mình dọn vào sa mạc. Cô thật là người sung sướng vì vào sa mạc giữa mùa thu khí trời đã mát mẻ. Cuối tuần nào cô không bay về thăm gia đình, chúng tôi đều rủ nhau đi coi cảnh đẹp.
Để mở đầu mùa Hiking với cô bạn, còn gì hay bằng Hiking dưới trăng? Chúng tôi rủ thêm vài bạn khác, nhưng ai nghe cũng ái ngại đi đêm sợ gặp rắn!
Địa điểm: Dưới chân núi Mê trong rặng Superstition Mountains
Thời gian: Từ 7 đến 9 giờ tối, đêm 19 tháng 11 năm 2010
Hướng dẫn: Bởi Ranger của Lost Dutchman State Park nên chắc rắn không dám xuất hiện?
Lost Dutchman State Park nằm dưới chân núi Mê cách Phoenix 40 dặm về phía đông. Núi Mê nổi danh từ mấy trăm năm nay vì mỏ vàng bí mật “The Lost Duchman’s Gold Mine” chưa được khám phá. Theo truyền thuyết thì mỏ vàng bí mật ấy nằm gần Lost Dutchman State Park. Rặng Superstition Mountains phát xuất từ Đại hồ Roosevelt bên đầu phía đông trải dài chập chùng về phương tây và đột ngột chấm dứt ở Phố Ma Goldfield (Goldfield Ghost Town). Superstition Mountains được bao bọc bởi hai đường đai 60 phía nam và 88 phía bắc, giống như sợi dây thòng lọng thắt cổ siết lại ở Apache Junction. Ngoài Đại hồ Roosevelt rộng mênh mông như biển, còn có Nhị hồ Apache và Tam hồ Canyon thơ mộng nằm trên dòng sông Muối (Salt River) dọc bên đường 88 tức Apache Trail là đoạn đường hoang dã và đẹp nhất của tiểu bang Arizona khiến toàn bộ Superstition Mountains được Quốc Hội Mỹ năm 1964 chỉ định US Forest Service chăm sóc biến thành “Superstition Wilderness Area” để dành cho dân chúng khám phá thiên nhiên nguyên thuỷ và giải trí.
Chúng tôi trang bị áo ấm dày cộm như ba con gấu và đem theo đèn pin cùng bị gậy. Ra khỏi nhà chưa thấy trăng đâu tôi thầm lo ngại. Trên đường 60 East qua khỏi Mesa, lấy Exit 196 (Idaho Road), quẹo trái theo đường 88 vào Apache Junction. Chạy thêm 5 dặm nữa ngang qua Phố Ma Goldfield đèn đuốc chập chờn rợn người, rồi dòm chừng bên tay phải tối thui Lost Dutchman State Park nằm ngay bên đường kia kìa! Tôi lại lo chỉ sợ không có ai; nhưng qua cổng đóng 7 đô la vào bãi đậu xe đã thấy lố nhố bóng đen di động. Trăng sau núi Mê thần bí từ từ mọc lên tuy không soi rõ mặt người, nhưng đã biến cảnh sắc hoang vu trở nên mông lung huyền ảo.
Ranger hướng dẫn chúng tôi là một nữ nhân. Bà có lối kể chuyện rất lôi cuốn, cộng thêm hai nữ phụ tá tình nguyện giúp việc đẹp duyên dáng. Đây là đêm Hiking đầu năm. Ai hụt tham dự lần nầy hãy còn cơ hội cuối năm vào đêm 19 tháng 12. Còn 2 đêm nữa mới đến trăng rằm nên trăng thấp. Thật là đêm lý tưởng đi dạo núi không cần đèn. Jacob’s Crosscut Trail dài 2.5 dặm, cao chỉ 120 feet (36.5m), rất dễ đi. Cứ tà tà vừa đi vừa ngắm núi và tha hồ tâm sự. Khoảng 30 phút Ranger cho phái đoàn ngừng nghỉ để nghe bà kể chuyện.

Chuyện thứ nhất: Saguaro
– Chúng ta đang đứng giữa lòng suối…
Mọi người xôn xao ngơ ngác ngó xuống chân.
– Đây là dòng suối khô. Mùa mưa nước trên núi Mê chảy xuống như thác. Trước mặt quý vị là cây đại xương rồng Saguaro ít ra cũng đã hơn 125 tuổi…
Tất cả đều im lặng lộ vẻ kính trọng ngước nhìn bóng cây cao lớn giống người khổng lồ nhiều tay!
– Saguaro là đại xương rồng trong hai ngàn loại xương rồng ở Mỹ. Có cây cao trên 70 feet (hơn 21 mét); nhưng sự phát triển của Saguaro rất chậm chạp. Trong 10 năm đầu đời, Saguaro cao không quá 2 inches (5cm) nên khó nhìn thấy. Hơn 20 tuổi vẫn lẹt đẹt cao khoảng 2 feet (0.6m). Từ 35 tuổi trở lên mới đến tuổi dậy thì. Vì sự chậm lớn, Saguaro không bị chim chóc, thỏ chồn ăn thịt thì cũng bị thời tiết khắc nghiệt trong sa mạc giết chết! Cơ hội Saguaro sống được là nhờ thú vật ăn trái rồi bài tiết ra hạt, hay những trận mưa lũ kéo hạt Saguaro đến giao cho vú nuôi (Nurse plant). Vú nuôi của Saguaro thường là các bụi cây Palo Verde, Mesquite, hay Ionwood; nhưng Saguaro là kẻ giết mẹ!
– Hả?
– Saguaro tuy đẹt, nhưng rễ mọc tràn lan hút hết nước và nguồn dinh dưỡng chung quanh. Saguaro cao lớn dần cũng là lúc vú nuôi bắt đầu kiệt sức héo tàn thành bụi cây khô! Saguaro giống như phụ nữ, nhìn không thể nào biết tuổi chính xác. Từ 35 tuổi trở lên Saguaro đã cao bằng người 6 feet (1 mét 83) và bắt đầu trổ hoa. Vào khoảng tháng Năm, hoa Saguaro mầu trắng nở lung tung trên đầu. Hoa nở về đêm giống hoa Quỳnh và khép lại vào chiều ngày hôm sau. Hoa được chim, dơi, ong, bướm châm chích thụ phấn thành quả. Vào tháng Bảy trái chín đỏ làm cỗ mời dơi và chim chóc xa tận Mexico tới xơi…
– Thế còn hoa Saguaro mầu đỏ?
– Đó là vỏ trái chín đã nở tung trông giống những cánh hoa đỏ; còn ruột thịt đổ xuống gốc cây cho rắn rết, nai, heo, chồn, thỏ kéo đến ăn. Từ 50 đến 70 tuổi Saguaro mới bắt đầu mọc tay. Saguaro càng mập và cao nhờ điều kiện dinh dưỡng tốt càng mọc nhiều tay. Saguaro cao từ 40 đến 60 feet (12-18m) nặng 3 đến 5 tấn. Saguaro được coi là trưởng thành lúc 125 tuổi. Tuổi thọ của Saguaro trung bình từ 150 đến 175 năm.
Năm kia có bạn từ Paris sang thăm, chúng tôi đưa vào Phoenix coi thủ đô và chào cờ VNCH tại Wesley Bolin Memorial. Vừa lúc ấy có đoàn du khách viếng Capitol đi ngang qua, tôi chen vào nghe hướng dẫn viên chỉ cây Palo Verde (Green Stick) nói năm 1954 Palo Verde được chọn làm cây tiêu biểu (State Tree)của tiểu bang Arizona liền buột miệng hỏi “Tại sao Arizona không chọn Saguaro?” Hướng dẫn viên khen câu hỏi hay, nhưng không có câu trả lời. Có lẽ vì không phân biệt được Saguaro là Tree (cây gỗ) hay Plant (cây không có gỗ, như cây chuối) nên Saguaro bị thiệt thòi chăng? Saguaro chẳng những có đủ các yếu tố để gọi là cây (Tree) mà còn độc đáo ngạo đời hơn nhiều là dù chết đứng (bị sét đánh) hay chết nằm (bị bão vật), không một con mọt cứng răng nào dám ăn gỗ Saguaro! Dân bản địa da đỏ từ lâu đã dùng trái Saguaro làm thực phẩm, dùng gỗ Saguaro dựng nhà và làm vũ khí. Hình ảnh Saguaro như cây chỉa ba được vẽ trên các bảng số xe ngày nay đã đền bù lỗi lầm năm nào không chọn Saguaro làm cây tiêu biểu của tiểu bang Arizona! Saguaro mới thật là biểu tượng độc đáo của sa mạc Sonoran nói chung và tiểu bang Arizina nói riêng. Ba năm trước Mẹ Đẹp (Ma belle mère) của tôi sang thăm. Vừa thấy Saguaro, mẹ đã thích ngay. Trước khi trở về mẹ không quên mua một gói hạt giống Saguaro ở Phố Ma Goldfield nằm đối diện núi Mê đem về trồng. Hôm nọ tôi chợt nhớ, hỏi thăm kết quả trồng cây được mẹ khoe cây Saguaro ươm trong chậu ở xứ lạnh Đà Lạt nay đã cao gần bằng hạt gạo!
Trở lại Hiking đêm trăng dưới chân núi Mê, sau khi nghe kể chuyện Saguaro chúng tôi đi lên cao dần, đến cổng chặn không cho xe leo núi chạy qua, hai cô phụ tá Ranger đếm từng người một. Phái đoàn Hiking của chúng tôi dài lê thê có tất cả 151 người. Nghe kể có năm đông hơn 350 người. Lần ấy hên lắm mới được gặp rắn; cả trăm người đô xô lại bật đèn tranh nhau chụp hình làm con rắn sợ hãi nằm im không dám rung chuông! Dưới chân núi, nhà cửa xây cất bừa bãi che mất quang cảnh thiên nhiên thần bí của núi Mê. Phải lên trên cao đứng dưới bóng trăng nhìn về phía ánh đèn sáng một góc trời kia mới thấy phố thị Phoenix. Cảm giác đó đây xa cách như trần ai với tiên cảnh.

Chuyện thứ hai: The Lost Dutchman’s Gold Mine
Chuyện nầy tôi đã đọc nhiều lần, và đã viết bài “Núi Mê” đăng trên nguyệt san Bút Tre mấy năm trước; nhưng lần nầy ngồi bên núi dưới ánh trăng được nghe chính Ranger kể càng cảm thấy thú vị như đang ngồi trên mỏ vàng bí mật ở núi Mê từ mấy trăm năm qua vừa được khám phá!
Trước năm 1846 nghĩa là trước cuộc chiến tranh giữa Mễ với Mỹ (Mexican War 1846-1848) cả một vùng đất hoang vu rộng lớn mênh mông từ California trải dài đến tận biên giới Texas còn thuộc Mễ, gia đình Don Miguel Peralta rất giàu có đang khai thác mỏ vàng ở Superstition Mountains nhận thức cuộc chiến sắp tàn và Mễ sẽ thua trận mất đất nên cho đào tất cả vàng chở hết về Mexico. Chưa kịp tẩu tán mỏ vàng thì toàn bộ gia đình Peralta bị bộ lạc da đỏ Apache tập kích và tàn sát chỉ còn một người duy nhất chạy thoát, nhưng bị thương nặng. Vùng đẫm máu đó sau nầy được gọi là Massacre Grounds. Vài chục năm sau… Jacob Waltz một người Đức di cư đến Mỹ làm phu đào mỏ ở North Carolina và Georgia, sau phiêu bạt giang hồ trôi giạt đến Arizona. Nhân có ơn cứu mạng người duy nhất sống sót trong trận tập kích Massacre Grounds năm xưa, ông được chỉ chỗ chôn dấu mỏ vàng. Từ đó Jacob Waltz và người bạn thân thiết Jacob Weiser thường lẻn vào núi Mê lấy vàng về hoang phí xa xỉ như đế vương. Ít lâu sau Jacob Weiser bị giết chết bí mật. Trên đời nầy chỉ còn một mình Jacob Waltz biết chỗ dấu vàng đó! Những năm cuối đời bệnh hoạn, Jacob Waltz được cô hàng xóm Julia Thomas thương mến tận tình săn sóc. Jacob Waltz đã để lại lời trối trăng; nhưng trọn đời Julia Thomas đã mò mẫm khắp vùng Massacre Grounds vẫn chưa tìm thấy vết tích mỏ vàng của Jacob Waltz!
Chỉ còn một đoạn đường ngắn đưa chúng tôi ra khỏi Jacob’s Crosscut Trail đến bếp lửa nướng Marshmallow thưởng thức chấm dứt cuộc Hiking dưới trăng, tôi vọt lên trước bám theo hỏi Ranger:
– Chắc Đại tỷ đã tìm ra manh mối cái mỏ vàng bí mật ấy?
Thoáng chút bối rối, bà nói khẽ:
– Sao các hạ biết?
Tôi đắc ý khoe:
– Tiểu đệ đã đoán ra Đại tỷ là hậu duệ của vị tiền bối Julia Thomas năm xưa!
Bà thở dài:
– Các hạ đã nghe ai nói Weaver’s Needle chưa?
– Một bằng hữu của tại hạ từ thành Forth Worth mới vào sa mạc đã mò mẫm đến đó suýt chết!
– Ta… ta cũng đã thử một lần; nhưng chỉ dám lên tới Fremont Saddle đứng ngắm Weaver’s Needle thôi vì lời dặn của tổ phụ nghiêm cấm con cháu đời đời không được mơ tưởng đến mỏ vàng bí mật ấy nữa! Đi từ hướng nầy xa lắm. Các hạ đã có ý muốn thử thời vận nên đi từ phía nam theo Peralta Trail.

Peralta Trail
Nov. 20, 2010
Coi bộ Phương Scottsdale đã mê Hiking trong sa mạc, tôi hỏi:
– Ngày mai Hiking tiếp nữa được không?
Cô hào hứng trả lời:
– Đi! Nhưng ở đâu?
Tôi thử đề nghị chỗ Hiking nàng ưa thích nhất:
– Sedona?
Không ngờ Phương Scottdale từ chối phắt:
– Thôi, Sedona chán chết!
Tôi làm bộ hỏi:
– Vậy trở lại núi Mê?
Thấy cô bạn vui vẻ đồng ý ngay, nàng chiều theo:
– Mai ta đem theo thức ăn; nhưng đã biết Hiking ở đâu trong núi Mê chưa?
Tôi nói ra một lô tên lạ hoắc:
– Theo Peralta Trail lên Freemont Saddle ngắm Weaver’s Needle!
Lần nầy chúng tôi vào núi Mê từ phía nam trên đường 60 East. Qua khỏi Mesa, chạy xuyên làng Gold Canyon đến cột chỉ dặm 204 quẹo trái vào Peralta Road. Đoạn đường nầy được tráng nhựa 1 dặm đầu; còn 7 dặm cuối là đường sỏi đất. Ngó ông Trời hôm ấy có vẻ buồn, nàng hỏi:
– Anh đã coi dự báo thời tiết chưa?
Tôi giật mình ấp úng:
– Í… chưa!
Vừa may có đoàn người đi đến nói, “Thời tiết trong núi Mê không biết đâu mà lường!”
Chúng tôi độn thêm áo gió và xách bị gậy, quên đọc bảng quy luật phải ghi tên vào sổ leo núi, cũng không coi bản đồ, lật đật nhập đoàn Hiking 6 người bên trái đi theo Peralta Canyon Trail ngay. Phía bên phải còn có Dutchman Trail vắng vẻ âm u; nhưng coi bộ có vẻ đúng đường dẫn đến mỏ vàng quá? Chỉ mới sơ qua năm phút khởi hành, ba đứa chúng tôi đã lạc mất đoàn; nhưng phía sau lại có tiếng cười nói của nhóm khác đang vùn vụt đi tới. Peralta Trail là đoạn đường nhộn nhịp nhất trong 180 dặm đường mòn của Superstition Wilderness Area. Peralta Trail nằm lọt giữa lòng khe núi đẹp như tranh vẽ. Bức tường núi đá bên trái cao vút đầy hình tượng kỳ dị mà các bộ lạc da đỏ cho là loài người tàn ác bị trời phạt hoá đá đang cúi nhìn chúng tôi ai oán. Núi bên phải thấp, phủ đá chồng nhất khéo léo như có bàn tay vô hình xếp đặt. Suối khô queo, nhưng cây lá chung quanh xanh um, không mang vết tích khô cằn của sa mạc. Đại xương rồng Saguaro mọc ở đây tuy ít, nhưng cây nào cũng cao khoẻ. Đi thoải mái được 1 dặm đầu thì đường lên cao dần, nàng chợt hỏi:
– Treo nầy dài bao nhiêu vậy?
Tôi đang say sưa thi đua bấm hình với Phương Scottdale, lỡ lời:
– Khoảng 6 dặm.
Nàng quay gậy muốn trở xuống, tôi giật mình vội chữa:
– Đó là tới tận Weaver’s Needle. Lên Fremont Saddle chỉ còn 1.2 dặm nữa thôi!
Chúng tôi mở lương khô ra ăn; rồi tiếp tục đi lên. Mỗi lần gặp người đi xuống hỏi thăm, ai cũng vui vẻ khuyến khích “Gần tới rồi”; nhưng đường càng khó đi. Mặt trời lúc nầy ló ra khỏi mây dội ánh sáng chan hoà làm tăng cảnh sắc Peralta Canyon đẹp bội phần. Đường lên tới đỉnh bắt đầu đan qua lại như chỉ may và thưa thớt cây. Tôi nóng lòng chạy trèo lên một tảng đá, nhưng vẫn chưa thấy Weaver’s Needle đâu vì bị bức tường đá trắng hồng trên chóp đỉnh chắn ngang. Qua khỏi tảng Đá Đầu Chó thì một cảnh sắc lạ lùng nở bừng ra trước mắt làm ai cũng oà lên kinh ngạc. Chúng tôi đang đứng trên Freemont Saddle dựa cột đá hình người ác, vói tay ra tưởng chừng có thể sờ được Weaver’s Needle cao 1000 feet (300m) như con thuyền đang vượt sóng giữa bầu trời núi Mê thần bí!
Lên được Freemont Saddle nàng đã mãn nguyện, căn dặn tôi chớ phiêu lưu, rồi cùng cô bạn đi trở xuống. Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ lời hậu duệ của vị tiền bối Julia Thomas trong đêm Hiking dưới trăng “Các hạ đã có ý muốn thử thời vận…” bất chợt nhìn thấy hai người lớn, một đứa bé, và một con chó đang đi phía trước xa xa, tôi kiểm soát bình nước chạy theo. Chạy như bị quỷ ám qua mặt luôn phái đoàn đó đến lúc mỏi nhừ đôi chân và bầu trời đã u ám, tôi không còn biết mình đang đứng ở đâu? Chỉ thấy Weaver’s Needle rất gần, nhưng không còn là một tảng đá mà đã tách đôi như búp sen nở. Nhất định mỏ vàng bí mật ở trong đó; nhưng đá cắm chung quanh mê cung Weaver’s Needle kín như trận đồ bát quái càng ngắm càng u mê! Chợt nhớ tháng Bảy có ba người tìm vàng từ tiểu bang Utah lạc vào Weaver’s Needle biệt tích, tôi rùng mình vùng thở dốc chạy ngược về đường cũ. Gặp phái đoàn với con chó đang lầm lũi đi tới, tôi gào to “Đừng vào trong ấy gặp ma!” Chạy một lúc, ngó lại chỉ thấy đất đá hoang vu!
Gần ra khỏi Peralta Canyon thì trời đổ mưa. Gặp ba đôi nam nữ trẻ mang bị gậy phi thân lên núi, tôi ngạc nhiên hỏi:
– Giờ nầy mà còn lên đó làm chi nữa?
Cả bọn vọt qua, cười khúc khích:
– Biết đâu đêm nay Weaver’s Needle sẽ mở cửa cho chúng em vào thăm mỏ vàng?

Hướng về Hà Nội

Hướng về Hà Nội
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 5, năm 2008)
Thái-Vinh & Mộng-Lan mến tặng phái đoàn Úc

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ…
(Nhạc và lời: Hoàng Dương
Tiếng hát: Thái-Thanh)

Hà Nội đối với tôi có sức quyến rũ lạ lùng. Vậy mà đã hai lần về thăm quê hương, tôi chưa ra tới Hà Nội. Hai năm trước nhìn tấm hình nàng chụp ngồi bên bờ sông Hồng gửi về, lòng tôi bồi hồi xúc động. Lần nầy, chính tay soạn chương trình đi hè, nghe nàng quả quyết, “Nhất định em sẽ đưa anh về Hà Nội!” tôi càng nao nức hướng về Hà Nội; rồi một tuần trước ngày đi, bất ngờ tôi lại nhận được thư của cô học trò cũ:
Anh Vinh,
Bộ anh giận em thiệt hả? Em, Lân, Loan, An (con trai của Loan) và Sophie (con gái út của Lân) đang ở Việt Nam. Hôm trước em không nhớ tháng mấy anh nói anh chị sẽ du lịch Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan? Em mới tới sáng nay từ Brisbane, còn các em đi từ Sydney. Má em đang ở Arab với Kim-Yến, tuần sau mới tới VN. Sài Gòn đang nóng và mưa. Con trai của Loan nói, “it’s worse than Brisbane”. Đây là lần đầu tiên Loan về VN, nó nói vui quá chị hai, nhất là thấy xe chạy loạn xà ngầu không có luật lệ gì cả. Tụi em dự định ở VN tất cả năm tuần, sẽ đi từ nam tới bắc; còn thì giờ và còn tiền thì sẽ đi tua Trung Quốc hay Thái Lan. Nếu anh chị đang ở VN hay sắp sửa đi VN thì liên lạc với tụi em để gặp nhau cho vui? (Học trò của anh)

Từ buổi chia tay ở Brisbane của nước Úc thấm thoát đã mười năm chúng tôi ít liên lạc và chưa gặp lại nhau, làm tôi càng vui mừng hẹn:
Kim-Long,
Anh không có gì giận em cả! Ngày 23 anh đến Nhật Bản. Ngày 28 đến Hà Nội. Sẽ đi Trung Hoa bằng xe lửa, không đi tua, đi tới Bắc Kinh trước, rồi muốn đi đâu thì đi. Nếu các em muốn đi chung, hẹn gặp nhau ở bờ Hồ Hoàn Kiếm tối ngày 28. Ra đó coi chừng bị móc túi!

Chuyến bay đêm ấy từ Narita, Nhật Bản đến Nội Bài có rất nhiều người Việt làm chúng tôi lo ngại thầm, vì họ mang quá nhiều số lượng hành lý được cho phép mang theo lên máy bay. Nhưng trái với những hình ảnh khó chịu bị nhân viên kiểm soát nhập cảnh làm khó dễ hồi 9 năm trước ở sân bay Tân Sơn Nhất, lần nầy phi trường Nội Bài vắng tanh, Việt Kiều chỉ bị hỏi một câu lấy lệ, “Cô chú sinh ở đâu?” rồi cho qua ngay. Ở cửa hải quan thấy không có ai xét, chúng tôi còn đang ngần ngại, thì một nhân viên từ xa đi lại vẫy tay như xua đuổi, “Được rồi. Đi đi!”
Bên ngoài phi trường Nội Bài tối thui, khí trời đầu thu miền Bắc vẫn còn nóng ngột ngạt. Khi xe tắc xi băng qua cầu Thăng Long, cây cầu dài nhất Việt Nam, tôi cố nhìn ra nhưng chỉ thấy dòng sông Hồng thấp thoáng mờ mờ. Qua bên kia cầu là vào thủ đô. Đã 10 giờ đêm, nhưng xe gắn máy vẫn còn chạy đông nghẹt đường. Càng về gần khách sạn ở khu Phố Cổ, càng đông xe gắn máy, có xe đèo cả gia đình 4 người! Họ chạy đi đâu vào giờ nầy mà trông rất vui vẻ?
Khách sạn Gia Bảo do cô em Hiền-Lương gọi điện thoại giữ chỗ từ trước, nằm trên đường Lò Sủ trước kia là phố bán hòm, giá một đêm 32 đô la thuộc loại sang 2 sao! Đến nơi, tôi điện thoại ngay cho các em học trò cũ cũng vừa mới tới ở khách sạn Holidays bên phố Hàng Mành thuộc loại 2 sao, nhưng chỉ có 18 đô! Đêm đã khuya, phái đoàn đang trằn trọc mệt mỏi, sợ cằn nhằn bèn hẹn nhau sáng mai.
Người Hà Nội thích đi xe máy, nên khi nghe chúng tôi hỏi thăm đường đi bộ qua phố Hàng Mành, ai nấy đều ngạc nhiên, “Xa lắm! Sao cô chú không đi xe ôm hay tắc xi cho khoẻ?” Đến Phố Cổ mà đi xe thì còn gì thú vị nữa; chúng tôi phải đi bộ để coi cho hết vẻ đẹp của 36 phố phường mà! Mấy câu thơ trong bài “Những con đường Hà Nội” của Tạ Tỵ chợt xuất hiện trong trí nhớ tôi:
Đâu Hàng Bông, Hàng Trống, với Hàng Khay
Đâu Hàng Đào khoe nõn những bàn tay
Những đôi mắt nhìn nhau mà xa cách…

Phố Cổ vui quá! Nhưng vừa đi vừa phải lo canh chừng bước chân khỏi bị vấp té hay va đầu vào đinh sắt trên cột điện! Đây rồi Hàng Bông! Nhưng sao không thấy bán bông, mà bán đủ thứ hàng hùm bà lằng vậy cà? Đặc biệt nhất là “Hàng Ăn” chỗ nào cũng có khách ăn hàng ngồi lan ra đường đi bộ. Chen lấn quẹo quọ một lúc đếm hơn 36 phố thì gặp phố Hàng Mành. Cả phố Hàng Mành bây giờ chỉ còn sót một hai quán bán món hàng chính hiệu èo uột, còn thì bán đàn, bán bún thịt nướng, bán phân bón, thuốc giết sâu…Ngó chỗ nào cũng thấy khách sạn! Chúng tôi đã gặp lại phái đoàn Úc ở Holidays. Trưởng phái đoàn là bác Phước, người mẹ có nụ cười rất tươi và dễ thương. Bác ôm hôn trìu mến thân mật coi chúng tôi như con. Ngày xưa, thấy bác nghiêm khắc với chồng con làm tôi là thầy dạy các em cũng sợ; nhưng bây giờ bác quá hiền và vui tính. Chúng tôi rất yêu mến và kính trọng bác như mẹ vì lúc nào bà cũng lo chăm sóc nhắc nhở việc ăn uống cho các con.
Tôi cũng gặp lại Long và Lân học trò cũ trong nhóm “Tứ Linh Đệ Tử” Long Lân Qui Phụng ở Sài Gòn năm xưa của tôi. Nhìn Lân đen gầy, rắn rỏi, và lạnh lùng giống y như một anh công an, tôi đùa:
– Đã có cơ hội, sao em không lấy gái Bắc?
Lân cũng cười:
– Gái Bắc đanh đá quá, em sợ!
Rồi ngập ngừng, Lân nói thêm:
– Tại em quên hỏi ý kiến anh, chứ nếu biết gái Bắc như chị Mộng-Lan thì hay quá!
Hai hôm sau, tôi rủ Lân cùng ra đê Yên Phụ ngắm sông Hồng, lúc trở về gặp ba bà cụ vui tính ngồi nhai trầu tâm sự trước nhà trên đường Lò Sủ, tôi hỏi thăm:
– Thưa bác, em cháu không biết gì hết, nhất định cứ bảo gái Bắc đanh đá nên không dám lấy vợ miền Bắc.
Bà cụ lớn giải thích:
– Không phải đanh đá mà là đẹp nết, đẹp người, và đảm đang không đâu bằng!
Lân xen vào:
– Nhưng Hà Nội bây giờ hình như không còn các cô gái đẹp như vậy nữa, phải không bác?
– Sao lại không? Cậu có vợ chưa?
– Dạ…dạ…cháu lỡ lấy vợ Nha Trang rồi!
Phái đoàn Úc còn có Kim-Loan, cháu An và Sophie. Sáu người thuê xe Mercedes 13 chỗ ngồi, do anh Nam, đẹp trai cao ráo trẻ trung và rất tếu làm tài xế chạy từ Nha Trang ra Hà Nội. Chúng tôi ham vui bèn tạm quên chương trình đi Trung-Hoa đã vạch sẵn, nhập ngay vào phái đoàn Úc cùng đi thăm Hà Nội.
Trưởng phái đoàn là bác Phước đã từng “tham quan” Hà Nội nhiều lần. Bác ra lệnh phải ăn sáng cái đã; rồi hỏi chúng tôi muốn đi coi chỗ nào trước. Lân đề nghị đi coi Chùa Một Cột, bác gạt ngay, “Vô đó bị bắt buộc phải vào lăng Bác, tao sợ lắm! Thôi dẫn tụi bay đi coi Văn Miếu trước!”
Văn Miếu là một di tích lịch sử lâu đời ở Hà Nội xây năm 1070 thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ. Quốc Tử Giám cùng nằm trong khuôn viên Văn Miếu với 82 tấm bia đá dựng trên lưng rùa đá ghi tên 1036 tiến sĩ, 46 Trạng Nguyên và các danh sĩ, được coi là trường đại học đầu tiên của Việt-Nam thành lập vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Trong khu nhà Thái Học mới có 4 bức tượng đồng, thờ các danh nhân: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An. Du khách ngoại quốc đến thăm Văn Miếu và Quốc Tử Giám rất đông. Ở đây lúc nào cũng có sẵn sinh viên khoa ngoại ngữ đến thực tập giải thích cho du khách miễn phí. Quanh quẩn ở trường đại học đầu tiên của Việt-Nam một hồi, trưởng phái đoàn nhận thấy thằng cháu ngoại bắt đầu đi đứng ìu ìu ễnh ễnh, bèn ra lệnh tài xế lập tức chở đi ăn bún ốc ở Tây Hồ.
Tây Hồ hay Hồ Tây chỉ nghe tên thôi, đã thấy thơ mộng rồi. Hồ Tây trước kia là một đoạn cũ của dòng sông Hồng, sau nầy người ta đắp đê tách ra thành hồ để vua chúa làm chỗ thả thuyền du ngoạn. Hồ Tây rộng hơn 4 cây số vuông. Du khách có thể thuê thuyền chạy trên hồ, vừa ăn vừa ngắm cảnh. Hồ Tây nổi danh với các quán ăn ngon. Trước đây thấy trên mạng quảng cáo Bún Ốc Phủ Tây Hồ ngon đặc biệt, chúng tôi nhờ cậu em đang du lịch ở Hà Nội thuê xe đến tận nơi ăn cho biết hư thực thế nào. Ăn xong, bún ốc Phủ Tây Hồ bị chê kịch liệt! Bây giờ chúng tôi đến tận nơi nhìn Hồ Tây thấy nước hồ đục như nước cống, hèn chi ốc Tây Hồ hết ngon!
Nằm ké né cạnh Hồ Tây là Hồ Trúc Bạch rất nhỏ so với Hồ Tây. Dưới thời Vua Lê Ý Tông (1735-1739) Chúa Trịnh Giang lấy đất làng Trúc Yên bên hồ xây thành biệt điện nghỉ mát Trúc Lâm Viện, về sau dùng làm chỗ an trí các cung nữ bị tội phải tự dệt lụa kiếm ăn. Lụa đẹp nổi tiếng thành Lụa Làng Trúc. Từ đó phần hồ bên làng Trúc Yên được gọi là Hồ Trúc Bạch. Ranh giới giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch là đường Cổ Ngư, bây giờ bị đổi tên thành đường Thanh Niên, rợp bóng phượng vĩ và hoa bằng lăng tím, lại có nhiều thắng tích cổ như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Châu Long… biến khung cảnh hai hồ thành chỗ nghỉ mát và hẹn hò rất nên thơ. Trưởng phái đoàn đang hào hứng chỉ trỏ giải thích nầy nọ, bất chợt liếc thấy thằng cháu ngoại bắt đầu lộ vẻ uể oải, bèn ra lệnh tất cả kéo vào Nhà Hàng Đặc Sản bên Hồ Trúc Bạch thưởng thức một chầu Bánh Tôm Hồ Tây!
Hà Nội có quá nhiều thắng tích, đền đài, và di tích lịch sử… nhưng nếu chỉ cần chọn một biểu tượng nào đó để nhớ về Hà Nội thì chúng tôi xin chọn Hồ Hoàn Kiếm nằm giữa khu Phố Cổ với khu Phố Tây. Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm dài độ 600 mét, rộng độ 200 mét, sâu không biết đâu mà lường! Nghe nói trước kia cũng là một nhánh cụt của sông Hồng, từ ngày vua Lê Thái Tổ đánh bại giặc Minh bơi thuyền trả gươm cho thần Kim Quy thì nơi đây trở thành hồ thiêng của dân tộc Việt. Giữa hồ có Tháp Rùa kiến trúc trống trải kỳ quặc dựng trên một hòn đảo nhỏ là chỗ rùa thần lâu lâu bò lên nằm phơi nắng. Ban đêm ánh đèn quanh tháp chiếu sáng lung linh trên hồ trông Tháp Rùa rất thần bí. Hồ Hoàn Kiếm còn có đền Ngọc Sơn (thờ Đức Trần Hưng Đạo và các danh nhân) với tháp Bút xây trên một hòn đảo bắc cầu Thê Húc nối liền bờ hồ. Chung quanh hồ là công viên đầy cây cổ thụ rợp bóng mát với hàng liễu rũ mình soi bóng nước rất nên thơ. Từ buổi sáng tinh mơ phụ nữ Hà Nội đã ra bờ hồ tập thể dục. Suốt ngày chung quanh Hồ Hoàn Kiếm là chỗ ai cũng thích đến nghỉ mát, ăn uống, tâm tình, và giải trí từ cờ tướng đến cầu lông. Ở đó lại có trạm xe buýt Bờ Hồ rất tiện lợi; chỉ cần mua 1 vé xe 3000 đồng (1 đô la đổi được 16 ngàn đồng) là tha hồ ngồi xe an toàn đánh một vòng coi quang cảnh thủ đô. Bên cạnh bờ hồ có Nhà Hát Múa Rối Nước Thăng Long. Chương trình múa rối nước vừa sâu sắc vừa vui tươi sống động hoà với tiếng đàn sáo réo rắt của dàn nhạc dân tộc rất đặc sắc mà du khách đến thăm Hà Nội đều không thể bỏ qua!
Hà Nội đẹp lãng mạn pha lẫn nét cổ kính nửa Á Đông nửa Tây Phương vì Hà Nội còn sót lại nhiều công trình văn hoá và kiến trúc của người Pháp để lại. Còn gì thú vị hơn là ban ngày dạo chơi khắp 36 phố phường, ban đêm lại đi nghe nhạc ở Nhà Hát Lớn, một kiến trúc độc đáo thời trung cổ với các cột to vĩ đại và hình tượng điêu khắc ly kỳ! Chúng tôi được thưởng thức buổi nhạc kịch “Cây Sáo Thần” của Mozart do nhạc trưởng Wolfgang Groehs người Đức điều khiển dàn nhạc Hanoi Phiharmonic Orchestra với toàn bộ nghệ sĩ Việt Nam trình diễn rất hay!
Nhớ lại hôm đi chơi với Lân từ sông Hồng trở về, tôi hỏi bà cụ rất tự hào gia đình đã nhiều đời ở Hà Nội:
– Hình như người Hà Nội trẻ bây giờ biết rất ít về lịch sử? Cháu hỏi thăm đê Yên Phụ ở đâu cũng không ai biết, cho đến khi gặp một ông cụ mới biết mình đang đứng trên đê. Lại hỏi thăm Gò Đống Đa cũng không ai biết, chỉ biết có quận Đống Đa! Trước khi đi Vịnh Hạ Long coi bản đồ thấy Bạch Đằng Giang, hỏi thăm các nhân viên trong khách sạn chỉ đường cũng không ai biết sông Bạch Đằng chảy về đâu!
Bà cụ bực mình nói to:
– Chúng nó bây giờ đâu phải dân Hà Nội!
Bà cụ nói có lý lắm, vì dân Hà Nội mới bây giờ luôn luôn nói chữ L thành chữ N và ngược lại!
Trưởng phái đoàn không thích mua sắm nhiều ở Hà Nội dù bà đã cảnh cáo các cô bán hàng, “Bán cho đúng giá đàng hoàng để bác còn trở lại nghe con!” nhưng vẫn bị hố nhiều lần, bác ra lệnh tài xế chở đi thăm ngoại ô Hà Nội cho đỡ bực bội. Nhân đó chúng tôi được cơ hội viếng làng Gốm Bát Tràng coi tận mắt nghệ thuật làm đồ gốm nổi danh của Việt Nam và mọi người đều vui vẻ tha về rất nhiều món hàng gốm chính gốc đã đẹp lại rẻ. Thấy tôi lộ vẻ thích thú trước đôi tượng nam nữ bằng gốm, một gã say đang ngắm nụ cười bẽn lẽn của một người nữ, nàng hỏi, “Có gì đặc biệt mà nhìn lâu vậy anh?” Tôi kể chuyện Chí Phèo là một kẻ xấu xa và hung ác, thế mà chỉ một phút được Thị Nở đút cho ăn bát cháo hành dưới ánh trăng đã đánh thức tâm hồn lương thiện của kẻ hư đốn trở lại, khiến Chí Phèo nhìn ra Thị Nở là người phụ nữ đẹp nhất. Đấy là một câu chuyện buồn về bất công giai cấp trong xã hội mà thời nào cũng có. Chí Phèo đã trả giá cái bất công ấy bằng cái chết. Kẻ đáng thương nhất là Thị Nở. Nàng nghe cảm động mua ngay bộ tượng Chí Phèo và Thị Nở bằng gốm làm kỷ niệm mà tôi vẫn để trên bàn ăn đã mười năm qua. Mỗi khi vô tình nhìn đôi tượng gốm đó, tôi lại thoáng nhìn nàng và nghĩ khi hai tâm hồn đã yêu nhau thì nhìn nhau bao lâu cũng thấy đẹp.
Bát Tràng là nơi duy nhất ở miền Bắc mà anh tài xế của chúng tôi luôn miệng khen ngợi gái Bát Tràng vừa đẹp vừa đảm đang không đâu bằng. Anh cứ nấn ná ở tiệm Nam Vương Ceramic năn nỉ cô Hà thay đổi phong tục miễn cho con trai lấy vợ Bát Tràng không phải về làm rể ở Bát Tràng, nhưng không thành công!
Tiện đường đi Bát Tràng, chúng tôi ghé thăm di tích thành Cổ Loa ở Đông Anh. Thấy phong cảnh quanh thành một thời liệt oanh của vua An Dương Vương với chiếc nỏ thần huyền dịu đã tiêu điều; rồi chúng tôi ngó qua giếng nước Trọng Thủy trầm mình mà cảm khái cho mối tình của đôi vương giả hai nước để lại niềm hối hận thương tiếc ngàn đời!
Đấy, chỉ vài ngày ở Hà Nội mà chúng tôi đã rành rẽ khắp 36 phố phường! Điểm đặc biệt của Hà Nội là ăn ngon. Các món ăn ngon bây giờ hình như tập trung ở Ngõ Bảo Khánh gần Bờ Hồ. Trong hành trình du lịch Việt Nam lần nầy chúng tôi đã trở về Hà Nội hai lần. Lần nào cũng quay lại Quán Cà Phê 29 thưởng thức bún thang, xôi gà…rất ngon miệng. Hà Nội còn có Quán Lẩu Nấm Ashima trên đường Phan Đình Phùng nằm đối diện Cửa Bắc Thành Nội. Chỉ ăn nấm không thôi! Đủ các loại nấm từ nấm dại tới nấm thiên nhiên nghìn năm mọc trên đỉnh Tuyết Sơn bên Trung Hoa ngon tuyệt cú mèo! Nhưng đáng nhớ nhất là đêm chia tay Hà Nội lần đầu, trưởng phái đoàn đã khoản đãi một bữa ăn độc đáo tại nhà hàng Cơm Lam Pắc Bó trên đường Âu Cơ ở Tây Hồ, được ăn toàn những món khó kiếm ở miền xuôi, như Chạch Chấu Nướng, Tôm Say Sỉn, Cá Chình Nướng Giòn Bì và uống rượu cần thả giàn rất thú vị!
Hà Nội đẹp lắm; nhưng vẫn không đẹp bằng hình ảnh Hà Nội trong trí óc của tôi thời còn đi học với biết bao văn thơ nhạc ca tụng vẻ đẹp êm đềm lãng mạn của Hà Nội đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hà Nội bây giờ ô nhiễm, ồn ào, đông người, và xe cộ chạy hỗn độn khắp mọi nẻo đường… Du khách đến viếng Hà Nội không khỏi hãi hùng mỗi khi phải đi bộ băng qua đường!
Hôm lên xe theo phái đoàn Úc xuôi Nam, xa Hà Nội lòng tôi vô cùng lưu luyến, hát thầm:
Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về…

Đi Về Việt Nam

Đi Về Việt Nam
Thái-Vinh

Vì Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 12 họp gần kề Tết Bính Thân hết sức khẩn trương nên chúng tôi phải đợi Trung Cộng chỉ đạo cho Trọng Lú an bài bầu bán với kết quả “dân chủ đến thế là cùng” thành công mỹ mãn mới dám rủ nhau đi về Việt Nam. Có người dạn hơn tôi, không quan tâm tới chuyện chính trị chính em vẫn tỉnh bơ đi về trong kỳ họp đảng, hỏi tôi:
– Nên nói đi Việt Nam hay về Việt Nam mới chính xác?
– Hùm…bày đặt chơi chữ; sợ bị quăng nón cối chứ gì? Đối với người Mỹ thì phải nói đi Việt Nam; người Việt Nam thì nói về Việt Nam; người Mỹ gốc Việt Nam thì nói đi về Việt Nam…
– Thế còn người Việt Quốc Gia?
– Ồ… Người Việt Quốc Gia thì không đi, cũng không về!
Thấy người bạn trầm ngâm, tôi thân mật hỏi:
– Thế anh đi về ngã nào?
– Thì vẫn qua ngã Tân Sơn Nhất; rồi lấy máy bay ra Hà Nội trùng ngày khai mạc Đại Hội Đảng…
– Thế sao không đi về ngã Nội Bài?
Ông nói nhỏ:
– Bà nhà tôi sợ rét, không chịu đi về Hà Nội mùa Tết! Hình như anh cũng mới đi về Việt Nam?
– Vâng; nhưng chúng tôi né Tân Sơn Nhất, cũng không đến Nội Bài…
Tôi bỏ lửng câu nói để anh tiếp chuyện cặp vợ chồng mới từ Việt Nam sang Arizona đoàn tụ gia đình. Tôi vui vẻ nghĩ tới lời rỉ tai của Nguyễn Xuân Phúc, người vừa lên ghế Thủ tướng Việt Nam thay Nguyễn Tấn Dũng, đã hứa với đại biểu các tỉnh chưa có sân bay nếu ủng hộ Phúc trong kỳ Đại Hội Đảng vừa qua chắc chắn Phúc sẽ “cho” một dự án sân bay địa phương; rồi đây những tỉnh nào nào đã có sân bay sẽ “cho” nâng cấp thành sân banh quốc tế. Hiện tại Việt Nam có 5 sân bay quốc tế là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, và Phú Quốc. Việt Nam đang biến đảo Phú Quốc giống như đảo Jeju của Đại Hàn thành đảo du lịch quốc tế không cần Visa.
Chuyến bay KE 468 của hãng hàng không Korean khởi hành từ phi trường Incheon, Seoul lúc 8 giờ 30 phút tối Chúa Nhật đến phi trường Cam Ranh lúc 11 giờ 40 phút cùng đêm, không chở nhiều khách Việt, đỡ phải nghe người đồng hương xổ tiếng Đan Mạch như trong các chuyến bay đến Sài Gòn hay Hà Nội. Điểm son ở trạm kiểm soát nhập phi cảng Cam Ranh là không có màn nhân viên xin tiền hay làm khó dễ người Việt ở nước ngoài phải kẹp tiền mãi lộ vào sổ thông hành như ở Tân Sơn Nhất đã làm xấu đi hình ảnh của thiên đường cộng sản; để rồi chửi bới thiên đường đó và lại tiếp tục đi về nữa! Trước chuyến bay của chúng tôi vài phút đã có chuyến bay của Nordwind thuê chở du khách Nga, sau đó còn mấy chuyến bay từ Thành Đô, Quảng Đông, và Hải Nam của Tàu Cộng. Tôi ra bên ngoài phi cảng nhìn không thấy Vịnh Cam Ranh, chỉ thấy anh công an đứng trong bóng đêm hút thuốc lá. Vịnh Cam Ranh (Cam Ranh Bay) là một trong những vịnh nước sâu thiên nhiên và kín gió tốt nhất trên thế giới mà hết Pháp, tới Nhật, Mỹ, Nga, và Tàu Cộng đều muốn dùng làm căn cứ quân sự kiểm soát Biển Đông đang bị Tàu Cộng ngang ngược chiếm đoạt. Căn cứ quân sự Cam Ranh bao gồm hải cảng và phi trường Cam Ranh do quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1965 và sử dụng cho đến năm 1973 thì trao lại cho Không quân Việt Nam Cộng Hoà. Hải quân Sô Viết và sau nầy Nga tiếp tục sử dụng toàn bộ căn cứ quân sự Cam Ranh từ năm 1979 đến năm 2004 theo hiệp ước 25 năm thuê bao miễn phí để trả nợ giúp Miền Bắc chiến thắng Miền Nam (?); nhưng đã kết thúc sớm hơn hai năm.
Thành phố Nha Trang còn cách Cam Ranh 30 km. Chúng tôi lên lầu ngồi chờ sáng và xem du khách Nga, Tàu đổ bộ Cam Ranh. Nghe nhân viên rao đổi tiền bằng tiếng Nga và tiếng Tàu rất lưu loát; nhưng nghe kỹ chỉ thấy lập đi lập lại mỗi một câu căn bản “Đổi tiền tại đây” rồi sau đó nói bằng tay bấm máy tính. Tôi lan man nghĩ bậy chỉ cần một chuyến bay đêm, Tàu Cộng cũng đủ sức chiếm cảng Cam Ranh. Khoảng 6 giờ sáng, bình minh ló dạng vẫn chưa thấy biển. Tài xế tắc xi chở chúng tôi chạy dọc theo biển đang mọc lên nhiều công trình xây dựng dành cho kỹ nghệ du lịch lại che khuất biển! Từ khi Cam Ranh tách rời khỏi Nha Trang để trở thành đô thị vào tháng 12 năm 2010 thì Cam Ranh như chìm vào quên lãng! Cảm giác đầu tiên khi tôi trở lại Nha Trang sau 5 năm xa cách là Nha Trang đã biến thành một thị trấn nào đó ở nước Nga! Các bảng hiệu buôn bán, ăn uống, giải trí, hay quảng cáo du lịch đầy dẫy tiếng Nga rất khó gỡ bỏ cho dù anh tài xế xe tắc xi hết sức chê bai khách du lịch Nga keo kiết và không đàng hoàng…
– Xin cho một ví dụ không đàng hoàng?
– Họ đứng bên kia đường vẫy tay đồng ý chờ; khi mình quay xe lại thì họ đã nhảy lên xe khác!
– Thế còn khách du lịch Tảu?
– Tàu họ có tua riêng do Tàu tổ chức.
Tôi nghĩ anh tài xế nầy bi quan và khó tính chứ cả nước, bắt đầu từ lớp Tư đã học tiếng Anh thì sợ gì tiếng Nga; và Việt Nam đã có Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong buổi lễ nhậm chức đã dám kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng dầu và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi cửa Vịnh Bắc Bộ!
Chúng tôi gửi hành lý ở Paris Nha Trang Hotel, rồi dạo phố tìm quán ngon ăn quà sáng. Đi ngang qua các ngã ba hay hẻm cụt, thấy khách hàng ngồi chồm hổm thoải mái thưởng thức các món thơm nứt mũi, mẹ con nàng đều đồng ý với tài quan sát của tôi là tất cả các quán ngon ở Việt Nam đều nằm ở vỉa hè! Tuy nhiên dù đã mang sẵn thuốc đau bụng, nàng vẫn cẩn thận dặn chủ quán bún riêu trụng sơ đĩa rau sống. Kết quả không thể chê. Nếu bát bún riêu to hơn chút xíu thì có lẽ mức độ hài lòng của mẹ con nàng còn cao hơn một tầng nữa? Từ đó về sau, tôi thấy mẹ con nàng dạn dĩ bỏ luôn màn rau sống trụng nước sôi và còn xơi luôn cả mắm tôm nữa!
Theo chương trình do trưởng đoàn Quốc Lâm hướng dẫn đã soạn sẵn sẽ gặp nhau ở Nha Trang tắm biển và tắm bùn, rồi lên Đà Lạt, xong lại xuống Nha Trang đi xe lửa ra Đà Nẵng thăm phố cổ Hội An và đi dần ra Hà Nội. Tôi được thế chỗ vào giờ chót nhờ mẹ Loan bỏ cuộc. Lần trước từ Lào đi về Nha Trang, tôi đã tắm biển và tắm bùn nên ra ga xe lửa Nha Trang mua vé đi về Diêu Trì thăm mẹ. Ga Diêu Trì thuộc tỉnh Bình Định cách Nha Trang 219 km.
– Chú cho coi chứng minh thư nhân dân?
Vì giấy tờ bí mật đeo giấu trong quần, tôi ngập ngừng:
– Ồ… tôi không có chứng minh thư nhân dân…
– Chú cho tên họ và năm sinh?
Nếu cô bán vé hỏi Passport thì tôi phải đưa thôi; không ngờ mình đã chẳng xuất trình giấy tờ gì mà lại được mua loại vé giảm giá cho người cao tuổi, thật sảng khoái! Chuyến tàu lửa SE8 phát xuất từ Sài Gòn lúc 6 giờ sáng đi Hà Nội; tàu ghé Nha Trang lúc 13 giờ 18 phút và thả tôi xuống ga Diêu Trì lúc 17 giờ 06 phút. Tuy ngồi ghế ngược hướng tàu chạy, nhưng vé loại NML (N=ghế ngồi, M= mềm, L= Lạnh = có điều hoà) lại được nghe ké các vị khách cao tuổi ngồi chung quanh nói chuyện quên xem cảnh.
– Hùm … ghế không điều chỉnh độ quay như yêu cầu!
– ĐM! Toàn một lũ bán nước!
– Bác đang mắng ai đấy?
– Bè lũ tay sai trong Tổng Công Ty Đường Sắt đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc; chứ còn ai?
– Thì ở trên bảo sao phải nghe vậy?
Tôi thích thú lắng nghe câu chuyện lan man kéo dài qua nhiều đề tài nóng khác thì nhân viên xe lửa rao to:
– Nhà mình có mua vé ăn cơm tối không ạ?
– Bao giờ ăn tối?
– Khoảng 5 giờ chiều.
Nghe 5 giờ thì sắp đến ga Diều Trì, tôi lắc đầu. Người ngồi bên cạnh đưa 35 ngàn, hé khẩu trang trề xuống:
– Cho một suất vé cơm tối.
Tôi làm quen:
– Chị xuống ga nào?
– Ga Vinh; còn nhà bác?
– Ga Diêu Trì.
Hình như không thích thú nói chuyện với người lạ sợ lây vi trùng, chị kiếm hai ghế trống nằm ngủ chờ cơm. Một cô gái đẹp ở dãy ghế bên kia đứng dậy tìm ổ cắm xạc điện thoại, nhìn tôi mỉm cười:
– Khi nào sắp đến ga Diêu Trì, nhờ bác cho cháu biết nhé?
– Để chi vậy?
– Để cháu xuống ga mua cơm tối.
– Sao không mua cơm xe lửa?
– Cơm xe lửa nuốt không vô, bác ơi!
Biết cô gái gốc Hà Nội vào Nha Trang dạy học, tôi hỏi:
– Cô thấy người miền Trung và miền Nam thế nào?
– Người trong nầy rất dễ chịu, không như người Hà Nội, bác ạ!
Tôi đeo xắc ba lô lên vai, chào cô giáo, rồi như một kẻ đi làm ăn xa tôi rảo bước trở về đứng trước cổng nhà, gọi nhỏ “Minh-Chi, anh đã về!” Em gái tôi quên mang dép chạy ra mừng!
Mẹ tôi đã 95 tuổi; tuổi đại thọ, đã từng sang Mỹ thăm con cháu. Mẹ tôi ngồi chăm chú ngó tôi, rồi cười khúc khích. Dù đã biết mẹ lãng trí, nhưng tôi vẫn trìu mến hỏi:
– Mẹ biết con về không?
– Sao lại không?
– Con là ai?
Bà ngẫm nghĩ mãi, rồi cười khúc khích. Trong nhà mẹ tôi chỉ biết hai khuôn mặt thân ái là chị Bảy giúp việc săn sóc cho bà, và em gái tôi đã từ Mỹ trở về trông nom mẹ từ hơn hai năm qua. Mẹ tôi có trí nhớ tuyệt hảo; nhưng ba năm trước, như thường lệ mỗi buổi sáng bà thường ra đứng trước cổng nhà chào hàng xóm đi qua lại và cho tiền những người trông có vẻ túng kém không có tiền tiêu xài; bỗng có hai cô gái trẻ đẹp áp lại tâng bốc khen “Bà ơi, bà đẹp quá! Bà cho phép chúng con quay phim phỏng vấn chiếu trên đài truyền hình, bà nhé?” Mẹ tôi sung sướng, sai bà Sáu là người giúp việc trước chị Bảy, xách rổ xuống chợ mua thức ăn làm cơm đãi khách. Bà Sáu nghi ngờ không chịu đi; nhưng mẹ tôi ép quá bà phải chạy đi chợ ngay. Vài phút sau trở về thì mẹ tôi đã nằm sùi bọt mép với cốc trà vỡ tung toé trên sàn nhà! Hai cô gái giả làm nhân viên đài truyền hình đã lột sạch sẽ nhẫn cưới, bông tai, và tiền bạc mẹ tôi để dành trong tủ. Tuy được cấp cứu và súc ruột; nhưng trí nhớ và sức khoẻ của mẹ tôi sa sút dần! Mẹ tôi như ngọn đèn dầu treo trước gió.
Năm ngày về thăm mẹ, ngoại trừ mỗi buổi sáng sớm các cháu Tâm, Trí đến chở tôi đi tắm biển Quy Nhơn, một lần ra đồng xem gặt lúa, và lên Ghềnh Ráng thăm mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử, tôi thường quanh quẩn bên mẹ. Mẹ tôi có thể ngồi suốt ngày nhìn tôi không mệt mỏi. Hình như trong tiềm thức của mẹ đang sục sạo cố nhớ tôi là ai? Một hôm mẹ vuốt tóc tôi, rồi hỏi một câu mà suốt đời tôi chưa bao giờ được nghe “Sao tóc của con bị mốc vậy?”
Tóc tôi không bạc, chỉ bị mốc thôi! Tóc bạc thì già rồi; còn tóc bị mốc là tóc bị bẩn chỉ cần lau hay gội là sạch ngay! Con vẫn là đứa con nhỏ bé của mẹ, mẹ ơi!
Tiếng còi xe lửa thét giữa đêm khuya và con đường trước nhà bị các buổi chợ xâm lấn buôn bán ồn ào từ ba bốn giờ sáng làm tôi mất ngủ; nhưng mẹ tôi từ Mỹ đã vui mừng trở về vì không thể thiếu những hình ảnh và tiếng động quen thuộc ấy. Lúc nào mệt, em gái tôi đỡ cho nằm xuống ngủ là mẹ ngủ say.
Em gái tôi thương mẹ lắm. Em đã nấu cho tôi thưởng thức hai món ăn yêu cầu; tuy đơn giản và tầm thường, nhưng canh lá giang với cá bớp và lẩu lá giang với thịt gà là hai món ăn nhà quê ngon tuyệt đỉnh!
Hôm tôi đi, cầm tay mẹ:
– Mẹ thương con không?
– Sao lại không?
Thông thường thì người bị lãng trí lập lại chữ cuối cùng của câu hỏi:
– Thương nhiều hay ít?
Mẹ ngó tôi, ngẫm nghĩ rồi nói:
– Nhiều.
Lòng mẹ thương con vẫn không thay đổi!

Đi Tìm Mùa Thu Arizona 2015


Đi Tìm Mùa Thu Arizona 2015
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 11 năm 2015)
Thái-Vinh

“Đi Tìm Mùa Thu Arizona” là tựa đề của một bài viết cũ đã đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 11 năm 2008. Từ đó mỗi độ vào Thu, tôi đều gợi ý Bút Tre nên làm một cuộc du ngoạn chung đi tìm mùa Thu Arizona; nhưng rồi từng mùa Thu qua đi như chiếc lá chết vàng khô trong bài thơ Chanson d’Autome của thi sĩ Paul Verlaine (1844-1896) mà Phạm Duy (1921-2013) đã cảm hứng soạn thành nhạc khúc “Thu Ca Điệu Ru Đơn” buồn ray rứt qua tiếng hát Thái-Thanh luôn ám ảnh tâm hồn tôi:
Ta đi rồi ta đi theo ngọn gió
Ta đi theo ngọn gió xấu
Cuốn ta đi trôi dạt đây đó
Như chiếc lá mùa Thu, lá chết vàng khô
Mùa Thu nức nở
Tiếng thở dài
Tiếng vĩ cầm buồn ơi, mùa Thu ơi…

Mùa Thu năm nay, tôi gửi hai tấm hình lá vàng; cô chủ bút nguyệt san Bút Tre coi chắc động tâm sự buồn nên rủ một phái đoàn 35 người lớn bé theo tôi đi tìm mùa Thu Arizona. Nhưng mùa Thu Arizona ở đâu? Theo tôi, tất cả mọi cảnh đẹp Arizona đều tập trung ở miền bắc; vậy hẹn nhau đúng 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 25 tháng 10 tại Lee’s Sandwiches cùng đi Flagstaff nhé?
Không ăn đậu, không phải Mễ
Không đi trễ, không phải Việt Nam

Vị Trạng Tếu nào đặt ra thành ngữ nầy thật thông minh; biết người biết ta, chứ không phải châm biếm đâu nghen! Vì vậy, không có gì phải tức giận khi hẹn nhau 7 giờ 30 mà đến 9 giờ 30 mới khởi hành!
Tôi làm tài xế hạng ba, kiêm hướng dẫn viên mà xe của nhóm 6 người chúng tôi chạy đến xa lộ 17 lại đứng hạng chót; chưa kể phải ngừng xe đổi tài xế ba lần! Lần đầu tài xế hạng nhất lái vừa chậm vừa dậm thắng liên tục làm 4 tài xế hạng hai ngồi băng sau phản đối:
– Ngừng cho ngộ lái một chút?
– Nhức đầu quá!
– Tôi có chai dầu xanh con ó đây…
Nghe “dầu xanh con ó”, tôi hết hồn! Mấy lần về Việt Nam và Lào đi xe đò chật ém và bít bùng mà trong xe có người vừa mở chai dầu xanh con ó ra là tôi đã muốn ói! Xe ngừng lại Sunset Point Rest Area nghỉ và đổi tài xế:
– Các bà lái đi?
– Lái rồi!
Thế là tôi được đôn lên làm tài xế chính, tập trung đôi mắt coi chừng cảnh sát và mở hết tốc lực rượt theo các xe kia; tai tôi chỉ còn nghe lõm bõm tiếng cười rúc rích của các nữ quái kiệt phía sau:
– Đố các bạn nhà nào lạnh nhất?
– Nhà xác?
– Trật! Nhà băng.
– Đố các bạn tiền nào thơm nhất?
– Tiền của thiên hạ?
– Trật lất! Tiền hoa hồng….
Gần đến Flagstaff, khí hậu mát mẻ của cao nguyên cao trên 7 ngàn bộ (2134 mét) len vào xe làm tinh thần các tài xế đều sảng khoái. Hai cánh rừng thông Ponderosa bên đường trùng điệp và xanh ngát từ từ mở ra trước mắt đỉnh Gió Hú Humphreys vươn lên trong rặng San Francisco cao 12,633 bộ (3,851 mét) quấn vành khăn tuyết đẹp mê hồn làm tôi bồi hồi nhớ lại năm nào cùng với các bạn Việt Nam đánh tennis đã từng leo chinh phục đỉnh núi cao nhất tiểu bang Arizona.
Sunset Crater Volcano National Monument cách Flagstaff 15 dặm, nằm trong rừng thông bên phía đông đường 89 ngó qua đỉnh Humphreys trên rặng San Francisco. Cánh đồng cỏ trước cổng lâu đài quốc gia đã vàng úa. Mùa Thu đã đổi mầu vàng rực rỡ trên rừng cây Dương Lá Rung (Aspen) bên kia rặng San Francisco. Đi tìm mùa Thu mà lại dẫn vào núi lửa nghe như trật đường rầy, phải không các bạn? Hãy đợi đấy! Lệ phí vào lâu đài quốc gia 20 đô la mỗi xe. Trong phái đoàn Bút Tre có nhiều vị đã cầm sẵn thẻ trưởng lão (Senior Pass vào National Parks và National Monuments suốt đời cho người trên 62 tuổi chỉ tốn 10 đô la). Mỗi thẻ trưởng lão có thể dẫn theo 3 người lớn miễn phí. Flagstaff có 3 National Monuments là Sunset Crater Volcano, Wupatky, và Walnut Canyon. Vì thời gian eo hẹp, phái đoàn Bút Tre chỉ làm cuộc du ngoạn đi tìm mùa Thu trong Sunset Crater Volcano và Walnut Canyon.
Sunset Crater Volcano phun lửa lần chót vào khoảng năm 1064 là ngọn núi lưa trẻ nhất trong lâm viên quốc gia Coconino trải dài từ vùng đá đỏ Sedona sang rừng thông Ponderosa trùng điệp Flagstaff đến tận Mogollon Rim Payson tạo thành vùng giải trí thiên nhiên độc đáo cho các bộ môn cắm trại, hiking, đạp xe, trượt tuyết, săn bắn, bơi thuyền, câu cá… chỉ cách Phoenix 2 giờ xe mà một vị cộng tác viên của Bút Tre đã từng khoe:
Sáng lên Flagstaff trượt tuyết
Chiều về Phoenix đánh golf

Nhóm trẻ lái xe nhanh đến trước đang đợi trong khách sảnh của lâu đài quốc gia. Tôi chỉ việc hướng dẫn đến Lava Flow Trail là địa điểm du ngoạn đẹp nhất trong Sunset Crater Volcano mà người ngồi xe lăn cũng có thể tự lái xe tham dự thưởng thức các kiệt tác của tạo hoá. Lava Flow Trail dài khoảng 1 dặm. Phái đoàn dạo quanh co theo dòng suối khô nham thạch đã gần một ngàn năm vẫn cứng rắn và sắc bén; nhưng trong sự chết ấy cây cỏ và hoa dại đã nẩy mầm sống mãnh liệt; đặc biệt thông Ponderosa là loài thực vật được tro núi lửa nuôi sống tươi tốt quanh năm. Câu hỏi được đặt ra là:
– Nếu ngay lúc nầy núi lửa lại hoạt động thì điều gì sẽ xảy ra?
Các chị rất thông minh, trả lời ngay:
– Sẽ có một bữa barbecue!
Mùi nhựa thông thơm trong nắng ấm bỗng thoảng mùi thịt nướng đâu đây? Chúng tôi đứng ngay dưới chân núi Sunset Crater ngó lên trải núi nhỏ trải kín tro đen che không thấy miệng núi lửa cách mặt đất 1079 bộ (329 mét). Năm 1928 hãng phim Famous Players-Lasky dự định đặt thuốc nổ phá triền núi Sunset Crater Volcano để tạo cảnh tuyết lở cho phim Avalanche phỏng theo tiểu thuyết Avalanche của Zane Grey khiến công chúng nổi giận. Tổng Thống Herbert Hoover đã ký sắc lệnh biến Sunset Crater Volcano thành lâu đài quốc gia (National Monument) vào năm 1930. Và kể từ năm 1970 leo lên miệng núi lửa Sunset Crater Volcano đã bị cấm để bảo vệ ngọn núi lửa không bị loài người vô tình dẫm nát.
Cách đây hai tuần, tôi đã đưa nàng và hai đứa cháu từ Tân Thế Giới đến thăm bác đi tìm mùa Thu Arizona; nhưng mùa thu đổi mầu cây lá cũng như tánh tình người đàn bà không thể nào tiên đoán được. Nằm nhà coi hình bạn bè gửi khoe lá vàng, trưởng ban ẩm thực nóng lòng sợ đến ngày đi không còn gì để chụp ảnh mùa Thu khiến tôi phải trấn an “Cô đừng lo; chỉ cần còn một cây phong (Maple) hay một cây Dương Lá Rung (Aspen) cũng đủ làm nên mùa Thu!” Đi gần cuối Lava Flow Trail rồi mà chỉ thấy tro bụi và đất đá đen thui, cả nhóm thoát lên đường dây thòng lọng FR545 bị tôi gọi ngược lại “Mau đến đây xem mùa Thu!” Bên hang đá nham đen đúa một cây Dương Lá Rung trắng trẻo như cánh tay của nàng thiếu nữ giơ lên trời trang điểm từng miếng vàng lá rung trong gió.Tất cả lớn bé trong đoàn hào hứng thi đua chụp hình mùa Thu với cây Dương Lá Rung làm tôi lo sợ thầm chỉ cần va chạm nhẹ một chiếc lá vàng rơi cũng đủ làm mùa Thu Arizona hao đi ít nhiều vẻ đẹp!
Bút Tre khoản đãi toàn bộ phái đoàn bữa ăn trưa bánh mì thịt nguội ngay tại bãi đậu xe Lava FlowTrail cho đến 1 giờ 30, phái đoàn lại khăn gói lên đường tiếp tục đi tìm mùa Thu trong Walnut Canyon National Monument cách Flagstaff độ 10 dặm về phía đông theo xa lộ 40, rẽ ra exit 204 chạy tiếp đến cuối đường phía nam.
Phòng khách của lâu đài quốc gia Walnut Canyon rất độc đáo xây ngay trên bờ khe núi sâu 600 bộ (183 mét). Từ sân sau phòng khách nhìn xuống đáy khe bắt chóng mặt. Tôi chỉ tấm bảng vẽ đường ngoằn ngoèo sâu 185 bộ (56 mét) với 240 bậc thang đi xuống chung cư của dân da đỏ Sinagua rồi leo trở lên dài tổng cộng 1 dặm để mọi người tự quyết định thử công lực. Bọn trẻ thì khỏi nói, phóng xuống ngay. Bốn nữ quái kiệt lái chung xe với tôi trang bị gậy gộc cũng không chịu kém. Coi lại toàn bộ hình chụp đi thăm ngôi làng đá của người da đỏ trong Walnut Canyon chỉ thấy vắng mặt Uncle Ếch (Ed); một tỉ lệ thành công quá cao trong chuyến đi tìm mùa Thu ở Walnut Canyon. Đây là tòa lâu đài quốc gia nhỏ bé nhưng quyến rũ nhất mà mọi mùa Thu trước tôi đều đưa nàng đến thăm; nhưng mấy năm gần đây, chúng tôi tạm xa cảnh đẹp quanh nhà đi theo con gái coi cảnh đẹp khắp nơi trên thế giới. Lần nầy trở lại Walnut Canyon như gặp lại người yêu cũ trông đẹp não nùng hơn trước. Từ trên nhìn xuống ngôi làng giống như Thạch Đảo nổi bồng bềnh giữa rừng cây Walnut đang chuyển mầu. Người da đỏ sinh sống quanh vùng núi lửa San Francisco tình cờ rượt theo thú vật đã khám phá ra Thạch Đảo bí mật chỉ cần sửa sang lại chút đỉnh biến thành chung cư. Toàn bộ Walnut Canyon có hơn 80 thạch gia kiến tạo lơ lửng hai bên vách khe đá. Riêng tại Thạch Đảo có 25 căn hộ chung vách. Mỗi căn hộ chỉ có một phòng vừa là bếp nấu ăn vừa là chỗ ngủ trống ộc trống ạc làm tôi liên tưởng tới câu hát:
Ước gì nhà mình chung vách
Hai đứa mình thức trắng đêm nay…

Chợt có tiếng nữ nhân cảm khái:
– Tội nghiệp họ phải nằm đất!
Tôi nghĩ lúc Tiểu Long Nữ chia tay Dương Quá nhảy xuống vực sâu tự vẫn, rồi 16 năm sau hai người tình cờ lại gặp nhau dưới đáy Tuyệt Tình Cốc trong truyện Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung tựa hồ như chỗ chúng tôi đang đứng, nên nổi nóng:
– Họ sống cuộc đời thơ mộng và thú vị; chẳng có gì tội nghiệp cả!
Người da đỏ không mang gì đến; lúc đi cũng chẳng lấy gì đem theo. Các căn hộ ở Thạch Đảo đổi chủ trong khoảng 150 năm từ năm 1100 đến năm 1250 thì họ bỏ đi biệt tích! Bộ lạc Hopi ngày nay tự nhận là hậu duệ của người Sinagua ngày ấy; nhưng từ đó đến nay kiểu nhà thơ mộng xây không cần cửa như trong Thạch Đảo không còn nữa!
Thoát ra khỏi Walnut Canyon tựa hồ các nữ quái đi chung xe với tôi đã dốc hết toàn bộ công lực, lảo đảo như lá mùa Thu sắp rụng nên không còn hào hứng đi tìm mùa Thu nơi đâu nữa! Chia tay nhau; tôi đổi xe đưa phái đoàn đi tiếp West Fork tìm mùa Thu Arizona.
West Fork nằm trong bìa rừng bên đường 89, cách Sedona khoảng 10 dặm. West Fork là địa điểm ngắm lá mùa Thu đẹp nhất trong vùng đá đỏ Sedona. Bài “Mùa Thu West Fork và Grand Canyon” với nhiều hình ảnh mùa Thu đổi mầu rất đẹp đã đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 11 năm 2011. Nhưng mùa Thu năm nay, vì thời tiết đẹp nên gần cuối tháng 10 mà West Fork và hàng cây hai bên đường 89 từ West Fork đến Sedona vẫn còn xanh lá. Chúng tôi chỉ ghé West Fork chụp vài tấm hình, rồi vội vã trở về thưởng thức nồi phở thơm ngon béo bổ của phu nhân Uncle Ếch.
Không biết các bạn tham dự “Đi tìm mùa Thu Arizona 2015” đã tìm được mùa Thu Arizona chưa? Hy vọng từ đây mỗi năm chúng ta đều có một ngày đi tìm mùa Thu Arizona.

The best Pho restaurant in Salt Lake City

Sáng đi Utah ăn phở; chiều về Arizona đánh tennis
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng Hai, năm 2015)
Thái-Vinh

Trước kia viết mấy bài “Cảnh Đẹp Quanh Nhà” đăng trên Bút Tre, tôi lỡ nổ Arizona đáng xếp hạng nhất trong 50 tiểu bang nước Mỹ vì từ A đến Z cái gì Arizona cũng có, nên tiểu bang Arizona được bưu điện Mỹ ưu ái gọi tắt là AZ. Đặc biệt cảnh đẹp Arizona không biết tả sao cho hết; chỉ biết khoe sáng có thể lên Flagstaff trượt tuyết, chiều lại về bơi thuyền trên hồ Roosevelt. Một ông bạn trước kia đánh tennis, cũng cộng tác với nguyệt san Bút Tre, sau đó còn nổ mạnh hơn trong một bài viết địa ốc đưa ra một lý do chính trong vô số lý do nên mu đến Arizona ở cho sướng là sáng có thể trượt tuyết, chiều đánh golf. Hùm… tôi thấy tập đánh golf tốn kém, mà sự tiến bộ lại rất chậm chạp vì từ lúc bắt đầu biết xuống tấn đến khi đánh được trúng chiêu, thường phải bỏ cơm nhà, ăn phở mà hậu quả là thường bị trục trặc về tình duyên. Thôi thà cứ cơm nhà; rồi khi nào được cùng ngày nghỉ, sáng theo nàng đi ăn phở, chiều lại về đánh tennis cho khoẻ! Đã gần mười một giờ đêm, nàng đang du lịch trên mạng, chợt dừng tay:
– Mai anh đưa em đi Salt Lake City ăn phở nha?
Tôi vội vàng gọi điện thoại hỏi một người biết quá nhiều:
– Nhờ cô mách hộ một quán phở ngon ở Salt Lake City?
Đầu giây bên kia, một giọng nói nhỏ như muỗi vo ve:
– Đã mười năm chưa trở lại Salt Lake City, biết quán ấy có còn không? Để con hỏi ông Hoàng cho chắc…
– Thôi để tôi hỏi Gú Gồ; đừng làm phiền ông vua nào cả!
Đúng là mọi việc trên đời nầy, cái gì Gú Gồ cũng biết!
– Gú Gồ, what is the best Pho restaurant in Salt Lake City?
Gú Gồ không cần suy nghĩ trả lời ngay:
– Phở Tây Hồ 1776 S. Main Street, Salt Lake City, UT 84115.
Nàng hỏi thêm Gú Gồ một câu; rồi nói:
– Đi xe lửa điện (Light Rail) rất tiện; chỉ cách sân bay Salt Lake City khoảng một tiếng.
Salt Lake City vừa là thủ đô của tiểu bang Utah, láng giềng phía bắc tiểu bang Arizona, vừa là ngõ vào các trại trượt tuyết nổi danh trên thế giới từng là nơi tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002, và năm Công Viên Quốc Gia đẹp trứ danh ở Utah là Zion, Bryce Canyon, Capitol Reef, Canyonlands, và Arches. Nhưng xếp hạng nhộn nhịp với số lượng hành khách phục vụ hàng năm thì phi trường quốc tế Salt Lake City (SLC) đứng hạng thứ 21 thua xa phi trường quốc tế Phoenix Sky Harbor (PHX) liệt vào hàng “Top Ten” nước Mỹ.
Sau gần hai giờ bay từ Phoenix đã thấy bóng hồ Salt Lake mờ mờ rộng mênh mông bên phía tây và dãy núi Wasatch bao quanh thung lũng phía đông nam thành phố Salt Lake phủ đầy tuyết, chúng tôi đã đến phi trường Salt Lake City. Phi cảng Salt Lake City nhỏ quá hè? Quầy vé, cửa kiểm soát đi, và đến chỉ cách nhau một cầu thang, ngó thấy nhau rất tiện lợi! Du khách mới đến Salt Lake City lần đầu nên ghé lại quầy thông tin lấy cẩm nang “Visitors Guide” có bản đồ Salt Lake City miễn phí. Trung tâm thành phố ở về phía đông, chỉ cách phi trường khoảng 8 dặm. Không cần thuê xe hay lấy tắc xi chi cho tốn kém vì trạm chót của xe lửa điện chạy tuyến đường mầu xanh lá cây (Green Line trên bản đồ TRAX) cứ mỗi 15 phút đến đậu ngay ở cửa ra vào Terminal 1. Tại đó có sẵn bản đồ TRAX chỉ dẫn đi xe lửa điện và máy bán vé giá $2.50 một chuyến; mua vé đi trọn ngày, mỗi người chỉ tốn $6.25. Vé có thể đi xe lửa điện lẫn xe buýt thành phố. Phương tiện giao thông công cộng quá lợi hại nầy thì Phoenix của AZ còn thua xa! Tuyến đường xe lửa điện mầu xanh lá cây chạy từ phi trường vào Salt Lake City, rồi xuống West Valley City dài 15 dặm có 18 ga. Xe ngừng lại các ga tôi chưa bao giờ đến mà đã nghe quen thuộc, như Arena bên cạnh Energy Solutions là đấu trường của đội bóng rổ Jazz, Temple Square là đại bản doanh của đạo Mormon… Lúc đến ga City Center, du khách xuống gần hết; thấy tôi nhìn ra cửa, nàng vội nói “Đi phở Tây Hồ trước”. Nàng có biết đâu nơi đó có một cặp tình nhân hôn nhau bịn rịn chưa muốn chia tay. Tôi thấy mùa đông Salt Lake City vương vấn hình ảnh chia ly của mùa đông Paris. Xe tiếp tục chạy xuống phía nam; phở Tây Hồ gần ga thứ 13, ga Central Pointe. Xuống ga Central Pointe, đi ngược trở lại góc đường 2100 S, quẹo phải theo 2100 S; rồi quẹp trái theo Main Street. Đi chưa đầy một dặm đã bắti được mùi phở thoảng thơm trong gió sớm. Phở Tây Hồ trông giống một biệt thự hơn là một nhà hàng, nằm tại góc đường Quayle và đường Main. Quán khá đông khách; nhưng chỉ có một đầu bếp và một tiếp viên; cả hai đều là nữ lưu.
Tây Hồ, nơi có Hồ Tây là một quận ở phía bắc nội thành Hà Nội; nhưng món Bánh Cuốn Tây Hồ không dính dáng gì với Quận Tây Hồ. Trước kia ở gần chợ Đa Kao, Phú Nhuận có đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926) tự Tử Can, hiệu Tây Hồ và quán bánh cuốn của bà Cà nổi danh ngon, trở thành quán “Bánh Cuốn Tây Hồ”. Người Việt sang Mỹ mở nhiều quán ăn tự nhận là hậu duệ của bà Cà; nhưng hỏi Bánh Cuốn Tây Hồ có gì độc đáo thì họ chịu thua! Tôi hỏi chị Hoa, tiếp viên Phở Tây Hồ, khi chị đề nghị món bánh cuốn ăn tráng miệng:
– Phở Tây Hồ thì bánh cuốn cũng Tây Hồ, phải không chị?
Gặp được người đồng hương, chị Hoa vui vẻ bỏ tiếng Mỹ:
– Tây Hồ là Salt Lake ở phía tây. Bà chủ tên Mai, người Bắc; còn tui, quê ở Sóc Trăng. Chúng tôi không biết gì về “Bánh Cuốn Tây Hồ”.
– Lúc nãy tìm được quán Phở Tây Hồ, thấy cửa có dán tờ giấy gì đấy tưởng quán đóng cửa, hết hồn!
– Ngày hôm qua đóng cửa nghỉ lễ ông Đen.
Chị Hoa chỉ biết được nghỉ ngày lễ ông Đen nào đó; nhưng chúng tôi khâm phục quán chủ Phở Tây Hồ đóng quán, nghỉ ngày sinh nhật của nhà tranh đấu dân quyền Martin Luther King, Jr.
Bánh cuốn của Phở Tây Hồ là bánh ướt cuốn một ít nhân thịt xay, ăn với vài lát giò lụa bình dị trong lúc chờ đợi món chính. Chị Hoa nhanh nhẹn tiếp khách; thỉnh thoảng ghé lại tâm sự rất thân mật:
– Tui theo ông xã qua Mỹ diện HO đã hơn hai mươi năm…
Thấy một người đàn ông mới vào gật đầu chào, rồi đi thẳng vô bếp, tôi tò mò:
– Phải ổng đó không?
– Ổng chết quéo đã mười năm rồi! Ông nầy là bạn, thỉnh thoảng đến phụ giúp.
– Thế còn con cháu của chị đâu?
– Tui còn một thằng con ở Việt Nam; nhưng nó sợ qua Mỹ khổ!
– Sao chị không về ở với con?
– Tui không chịu nổi khí hậu với đời sống bên đó!
Ăn phở, tôi chỉ thích phở chín; còn các phụ chiêu phở, như tái nạm gầu gân sách… thì tôi chưa bao giờ đụng tới. Vì vậy, phở đối với tôi rất dễ so sánh theo khẩu vị thơm ngon béo bổ. Phở Tây Hồ nước trong, thơm dịu dàng. Mới nếm qua một muỗng xúp, nàng và tôi ngó nhau gật đầu. Đúng là nước xương hầm rất công phu; không giống loại phở túi chỉ cần thả một túi gia vị bí truyền vào nồi nước sôi là biến thành nồi nước phở vừa rẻ lại vừa nhanh như mì gói ăn liền. Phở Tây Hồ còn phảng phất mùi gừng thơm. Trời mùa đông Salt Lake City lành lạnh càng làm tăng hương vị đến tận đáy bát Phở Tây Hồ.
– Ở Salt Lake City không có báo tiếng Việt, hả chị?
– Cô chú lấy xe lửa điện xuống chợ Kim Long ở West Valley City có báo Bút Tre.
– Bút Tre là báo Arizona. Chúng tôi từ Arizona lên Utah tìm phở ngon; được thưởng thức Phở Tây Hồ rất hài lòng.
– Sao nãy giờ không nói để qua cho thêm vài miếng thịt?
– Khà khà… Phở ngon đâu cần nhiều thịt!
Chúng tôi không lấy xe lửa điện đi xuống phía nam. Đã có phở Tây Hồ ấm bụng; còn vài tiếng đồng hồ, hãy cho đôi chân khám phá một chút Salt Lake City nhé?
Có sẵn bản đồ Salt Lake City trong cuốn cẩm nang “Visitors Guide”; cầm bản đồ nầy, không cần bà Gi (GPS). Nhờ Brigham Young (1801-1877), một lãnh tụ kiệt xuất sau Joseph Smith, nhà khai sáng đạo Mặc Môn (Mormon), đã dẫn dắt đoàn chiên bất hạnh bị cộng đồng da trắng ghét bỏ và sát hại di cư từ vùng nầy tới vùng khác; cuối cùng đến Salt Lake Valley ngày 24 tháng Bảy năm 1847 chẳng khác nào Moses đã đưa dân tộc Do Thái thoát khỏi Ai Cập, vượt Hồng Hải đến vùng đất hứa. Tại sao Mormons bị cộng đồng da trắng thù ghét? Đa số tín đồ Ki Tô Giáo thời đó cho Mặc Môn là tà đạo, được cưới nhiều vợ, gia tăng tín đồ nhanh chóng có thể chiếm chính quyền và luật pháp… Tôi có cảm tình với đạo Mormon từ những ngày đầu lưu lạc ở Hongkong. Dạo đó các phái đoàn truyền giáo ngày nào cũng vào trại tị nạn giúp đỡ tinh thần và kiếm thêm tân tòng. Tôi dẫn một đám em trẻ cuốc bộ khá xa đến trụ sở truyền giáo của đạo Mormon dự tiệc trà. Ngồi suốt buổi nghe giảng đạo như vịt nghe sấm cho đến lúc ra về chẳng có gì bỏ bụng, bọn trẻ chửi thề; nhưng tôi cho Mormon tức Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giêsu (Jesus Christ of Later-day Saints) là một Ki Tô Giáo độc đáo phát sinh từ nước Mỹ tương tự như đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, hay Đạo Dừa ở Việt Nam rất đáng theo. Còn chuyện năm thê bảy thiếp thì có gì phải ganh tị? Đạo Hồi, Đạo Bà Hai, Đạo Bà Ba… vẫn đầy dẫy trên thế giới nầy, có ai cấm được họ đâu? Đạo Mormon đã chính thức tuyên ngôn đình chỉ thực hành chủ nghĩa đa thê từ năm 1890 và xoá bỏ hẳn từ năm 1904. Một buổi chiều cuối năm 1975 tại phố núi Franklin trong lúc tôi đang ngồi say sưa học lịch sử Kinh Thánh với hai Trưởng lão (Elder) Mormon thì Bill Lippert, một hội viên thuộc nhà thờ United Methodist bảo trợ chúng tôi tình cờ ghé thăm, lập tức tranh luận.
Bill dẫn chứng theo sách Khải Huyền (The Book of Revelation) trong Kinh Tân Ước, đọc đoạn kết: Với bất cứ ai nghe những sấm ngôn trong sách này, tôi xin chứng thực: “Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này!”
Hai Trưởng lão Mormon cũng mở Thánh thư Mặc Môn (The Book of Mormon) và hỏi Bill:
– Bạn đã đọc sách Mặc Môn chưa?
– Chưa, và tôi không bao giờ đọc sách đó!
– Vậy thì bạn chưa biết gì về Giáo Hội Mặc Môn! Tôi đã đọc mỗi trang Sách Mặc Môn, và tôi biết Giáo Hội này là chân chính.
Bill tức giận bỏ ra về. Hai Trưởng lão Mormon từ đó cũng không trở lại tiếp tục dạy tôi trở thành tín hữu Mặc Môn.
Chúng tôi đón xe buýt đi từ góc đường 1700 S theo State Street là con đường lớn nhất và dài nhất về trung tâm thành phố. Đầu đường State, xa tít trên đồi là Utah State Capitol, trụ sở đầu não hai cơ quan lập pháp và hành pháp của tiểu bang Utah. Salt Lake City không có nhà chọc trời. Trước năm 1998, kiến trúc cao nhất ở thành phố nầy là Mormon Office Building, cao 420 ft (128 m). Sau đó toà nhà Wells Fargo Center muốn chứng tỏ Salt Lake City không phải là thành phố riêng cho đạo Mặc Môn, xây cao hơn 2 feet! Đi trong thành phố dù mới đến lần đầu cũng không sợ bị lạc vì hệ thống đường phồ rõ như chỉ tay. Trung điểm là Temple Square, đại bản doanh của Giáo Hội Mặc Môn, đường xá từ đó tính ra. Đường đầu tiên phía tây là West Temple; đường đầu tiên phía nam là South Temple; phía bắc là North Temple; trừ phía đông, đường đầu tiên là Main Street. Rồi các con đường kế tiếp theo mỗi hướng tăng lên một trăm cho mỗi góc phố. Ví dụ, 100 South Temple, 200 South Temple… Hướng phía đông thì bắt đầu Main Street, State Street, rồi A Street, B Street, C Street… Đến Eagle Gate, xưa kia là cổng vào đất đai của Brigham Young, chúng tôi xuống xe, thong thả đi trên South Temple Street đến thăm nhà thờ Chính Tòa Công Giáo Cathedral of the Madeleine xây từ năm 1909 với kiến trúc cổ kính từ ngoài vào trong; các cửa sổ kính mầu đẹp rực rỡ, giàn phong cầm vĩ đại, tiếng chuông thánh đường vang gây cảm giác xao xuyến êm đềm… Leo lên A Street; rồi bắt qua Capitol Street. Kìa, Capitol trắng toát sừng sững trên đồi trông lạnh lùng như một đại lăng tẩm! Năm xưa, Brigham Young đã đứng đâu đây nhìn xuống thung lũng, phát hiện ra chỗ linh khí bốc lên, bèn cho xây đền thờ Chúa và đại bản doanh Mặc Môn, tức là Temple Square ngày nạy. Nếu lúc ấy ông chọn chỗ đang đứng để xây Temple Square thì không biết Capitol là trung tâm quyền lực cao nhất của tiểu bang Utah sẽ đi về đâu? Capitol có năm tầng lầu; chúng tôi chỉ coi thoáng qua tầng chính dưới mái vòm tròn của Capitol đầy tranh vẽ ghi lại di sản và lịch sử thành lập tiểu bang Utah; ngoài ra còn có tượng đồng Brigham Young, người đã có công biến sa mạc hoang vu thành vùng đất thanh bình thịnh vượng. Khuôn viên Capitol rộng mênh mông có đài kỷ niệm Utah Law Enforcement Memorial và Vietnam War Memorial ở phía tây, Mormon Battalion Monument ở phía đông. Đối diện cổng chính phía nam là Council Hall từ thời Utah còn là lãnh địa, và The White Memorial Chapel của Mặc Môn xây năm 1883 bên cạnh với tháp chuông cao nhọn, trụ ốp, mái nghiêng theo kiến trúc Gothic kín đáo là hình ảnh đẹp nhất trên đồi Capitol. Từ chính điện Capitol, State Street chẻ đôi thành phố, chạy dài xuống phía nam đến cuối thung lũng chập chùng rặng núi Wasatch chắn ngang quấn vành khăn tuyết. Đoạn đường State từ đồi Capitol xuống đến Temple Square mùa đông se lạnh cầm tay người yêu đi dưới hàng cây còn ngập lá vàng bay vô cùng thơ mộng. Temple Square, một quần thể kiến trúc đồ sộ của đại bản doanh đạo Mặc Môn là trái tim đậm nhịp phi thường của Salt Lake City, nơi thu hút du khách đến thăm còn đông hơn 5 Công Viên Quốc Gia nổi tiếng ở Utah như Zion hay Arches. Ba trong số các kiến trúc ở Temple Square được xây dựng từ thời những người tiền phong Mặc Môn mới tiến vào Salt Lake Valley là:
Salt Lake Temple, tức Mormon Temple với 6 đỉnh tháp là tâm điểm của Temple Square phải mất 40 năm mới xây dựng hoàn thành vào năm 1893, cao 222 ft (68 m). Trên đỉnh tháp chính gắn tượng vàng Thiên sứ Moroni cầm kèn đã đề cập trong Sách Khải Huyền (Revelation 14:6) sẽ loan báo lần trở lại thứ hai của Chúa Giêsu. Giống như mọi đền thờ Chúa của Mặc Môn giáo, Mormon Temple ở Temple Square là nơi duy nhất không tiếp người ngoại đạo.
Tabernacle mái vòm là đại thính phòng của ban nhạc Mormon Tabernacle Choir có sức chứa 8 ngàn khán giả. Giàn phong cầm ở Tabernacle được kiến tạo với 11623 ống đàn được xem là một trong những giàn phong cầm vĩ đại nhất thế giới.
Assembly Hall là hội trường nguyên thủy, nhưng nay đã được thay thế bởi Conference Center với sức chứa trên 21 ngàn người.
Temple Square có hai trung tâm tiếp khách. North Visitors’ Center có điêu khắc nổi danh Christus (Chúa An Ủi) bằng đá cẩm thạch; South Vistors’ Center trưng bày cuộc di cư và xây dựng Salt Lake City của những người Mặc Môn tiên phong…
Muốn coi hết Temple Square phải trở lại ăn Phở Tây Hồ nhiều lần; nhưng muốn coi sơ quang cảnh toàn diện của Salt Lake City thì không gì bằng ghé vào Mormon Office Building, cao 420 ft (128 m). Nơi đây các Chị Cả của Giáo Hội Mặc Môn vui vẻ tiếp đón và đưa lên tầng nóc tha hồ ngắm, chụp hình, và nghe giảng lịch sử Mặc Môn với Salt Lake City. Lúc ra về, ký vào sổ lưu niệm chỉ cần đề chưa có đạo là lập tức các anh chị truyền giáo Mặc Môn địa phương sẽ thăm viếng các bạn ngay.
Kề Temple Square là City Creek Center, trung tâm shopping xinh đẹp, nhưng vắng khách. Chúng tôi thơ thẩn dạo chơi ở đó chờ đúng giờ đáp xe lửa điện ra phi trường về Arizona còn kịp ra sân đánh tennis.

Tài xế bất đắc dĩ


Tài xế bất đắc dĩ
Thái-Vinh

Tiểu bang Arizona to gần bằng nước Việt Nam; nhưng từ thủ đô Phoenix muốn lái xe đi chơi đâu trong tiểu bang một ngày cũng có thể thực hiện được. Nếu có bạn đến thăm, theo Hoa Đại Tẩu thì đưa đâu xa chi cho mệt; cứ đưa vào các động casino quanh nhà như Fort McDowell, Arizona, hay Wild Horse Pass nghe tiếng reo Ak-chin Ak-chin… vui tai, ai không thích?
Ngày 14 tháng 9 vừa qua, thành phố Chandler hân hạnh được Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại và Nguyệt san Bút Tre chọn làm nơi tổ chức Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Kỳ IX. Sau đại hội, một nhóm 12 thi sĩ còn quyến luyến ở lại thêm một hay hai ngày tham dự chương trình du ngoạn cảnh đẹp Arizona. Có lẽ thi sĩ là người không ưa náo nhiệt, nên người soạn chương trình bỏ mục đi nghe Ak-chin Ak-chin? Tôi nghỉ làm ba ngày xin theo chơi, sẵn dịp muốn gặp lại hai người bạn thi sĩ xa nhau đã lâu là Lê Trọng Nghĩa và Như Hoa Lê Quang Sinh. Cô chủ bút cho tôi thêm cơ hội làm tài xế phụ kiêm hướng dẫn viên du lịch. Đến lúc thuê được xe, cô bỏ ra về, lấy cớ phải ở nhà làm báo, nhường luôn cho tôi làm tài xế!
Thi sĩ là người ưa mơ mộng và hay quên. Thi sĩ Lê Trọng Nghĩa đã quên tôi; nhưng tôi không bao giờ quên anh vì bài thơ tuyệt tác “Mẹ Là” của anh do nhạc sĩ Trịnh Hưng phổ nhạc và chúng tôi giới thiệu trong chương trình chủ đề “Văn Nghệ Trăng Soi Duyên Lành với nhạc sĩ Trịnh Hưng” ở Milpitas, California vào ngày 2 tháng 12 năm 2004. Từ đó bài hát “Mẹ Là” êm đềm vương vấn mãi trong tâm hồn tôi.
Mẹ là tất cả ý thơ
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm
Mẹ là liều thuốc thần tiên
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha
Mẹ là biển rộng bao la
Mẹ là gió mát, mẹ là trăng thanh
Mẹ là trái ngọt cây lành
Mẹ là trái chín trên cành đợi con
Mẹ là lòng dạ sắt son
Mẹ là tượng đá mỏi mòn chờ mong
Mẹ là lúa ngát trên đồng
Mẹ là cửa ngõ chờ mong con về
Mẹ là bóng mát trưa hè
Mẹ là mái ấm chở che con hoài
Mẹ là nhẫn nại tuyệt vời
Mẹ là thần tượng đêm dài của con

Hai năm sau, thi sĩ Lê Trọng Nghĩa tổ chức buổi thi nhạc giao duyên tại tư gia ở Sacramento làm nhịp cầu văn nghệ cho chúng tôi gặp thi sĩ Như Hoa Lê Quang Sinh. Thời gian trôi qua nhanh; nếu không có Đại Hội Thơ ở Chandler, chắc không gặp lại hai anh! Con chim đầu đàn của “Cụm Hoa Tình Yêu” kiêm Hội trưởng Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại là thi sĩ Như Hoa Lê Quang Sinh mới ngày nào còn là “Người trai thời chiến” nay đã ở tuổi thượng thọ. Một nhân vật đại hiền như anh đáng nhẽ được ngồi ghế tài xế phụ; nhưng lại nhường ghế cho một thi sĩ lạ hoắc, gặp ai cũng kêu em, nói vài câu tiếng Việt như “Cảm ơn em” hay “Em ngon lắm”… Báo hại cho tôi, suốt cuộc hành trình ít được nói tiếng mẹ, phải lục trí nhớ nói tiếng Pháp với thi sĩ kiêm giáo sư văn sĩ Ali Smaoui, người xứ Tunisie có chân trong Hội Hàn Lâm Pháp.
Người Việt Nam có truyền thống chia rẽ. Hai hàng ghế đầu, các nàng thi sĩ dành lấy, đẩy các chàng thi sĩ xuống ngồi hạng chót. Ngoài nhóm 12 thi sĩ đi chung xe 15 chỗ ngồi, còn có gia đình thi sĩ Phan Long đi xe riêng cố chạy theo coi vài cảnh đẹp phía nam Arizona. Chạy được nửa đường, ngừng lại Burger King ăn trưa xong, tài xế bên xe anh Phan Long nhìn trời, coi đồng hồ, thở dài quay xe về Phoenix kẻo trễ chuyến bay New York tối nay.
Trong các bài viết “Cảnh Đẹp Quanh Nhà” đăng trên Nguyệt san Bút Tre trước đây, tôi chưa có bài về Colossal Cave Mountain Park. Năm kia, một độc giả Bút Tre đưa gia đình đi chơi ở đó về khoe:
– Động Colossal đẹp tuyệt vời!
Tôi tò mò hỏi:
– Đá ở đó còn sữa không?
– Anh nói đùa không hà! Đá làm gì có sữa?
– Đá không có sữa sao gọi là “Thạch nhũ”?
Thế là tôi làm lơ luôn cái động Colossal Cave Mountain Park hết sữa ấy; ngay cả đến lúc cầm lái, tôi cũng đã có ý định không đi theo chương trình do cô chủ bút soạn! Nhưng trên xe lắng nghe thi sĩ ba miền Nam-Trung-Bắc đùa vui đố đáp nhau và mãi suy nghĩ tìm giải đáp cho câu đố “hoang” của một nam thi sĩ, “Đàn bà và cái tủ lạnh khác nhau chỗ nào?” thì đã đến cổng Colossal Cave Mountain Park.
Colossal Cave Mountain Park nằm về phía đông Tucson khoảng 24 dặm, và cách Exit 279 North trên xa lộ I-10 East khoảng 7 dặm. Toàn bộ công viên Colossal Cave Mountain Park gồm ba thạch động và trang trại La Posta Quemada nằm kề bên Saguaro National Park phía đông dưới chân rặng Rinco trải đầy đại xương rồng Saguaro, phong cảnh thật nên thơ. Xe chở 6 người vào công viên trả lệ phí đậu xe $5. Quá 6 người, thêm $1 mỗi người. Mười hai thi sĩ thêm tài xế và kiểm soát viên Tuyết-Mai chỉ trả $10. Qua khỏi cổng công viên, rẽ sang trái vào động; còn chạy tiếp đến cuối đường là đến trang trại La Posta Quemada; nơi đó có viện bảo tàng, thư viện, cỡi ngựa, đi xe kéo, đãi vàng, hiking, pinic… là chỗ lý tưởng vui chơi thoải mái gần gụi thiên nhiên cho gia đình có trẻ em vào những ngày nghỉ học.
Động Colossal là động duy nhất trong ba động gần nhau mở cửa cho du khách. Hai động kia là Arkenstone và La Tetera chỉ dành cho các nhà nghiên cứu. Khám phá động Colossal chờ khoảng 30 phút đi theo tua. Mỗi tua dài khoảng 45 phút. Vé $13 mỗi người. Phái đoàn thi sĩ được hưởng giá đặc biệt $11 dành cho chiến binh. Nhiệt độ trong động lúc nào cũng mát mẻ ở khoảng 70 độ, đường dễ đi, và được chụp ảnh thoải mái. Tuy là động chết, cạn sữa đã mười ngàn năm; nhưng kìa vú đá (stalactite), măng đá (stalagmite), ngạnh đá (helectite)… dưới ánh đèn mờ ảo trông vẫn còn hấp dẫn, hỏi ai không muốn sờ bóp? Hướng dẫn viên cho phép chỉ được sờ một cục măng đá bên đường. Bị sờ bóp miết, cục đá trở thành cái đầu lão già hói “Old Baldy”! Bộ lạc da đỏ Hohokam đã sinh sống trong vùng núi nầy từ hai ngàn năm trước. Sau đó các bộ lạc Sobaiouri, Apache, và Papago (ngày nay là Tohomo O’odham) thay phiên làm chủ động Colossal linh thiêng để ẩn trú và làm kho chứa cho đến khi người da trắng tiến chiếm miền Viễn Tây thì người da đỏ bỏ đi. Công ty Souther Pacific Line thiết lập trạm xe ngựa chở khách ở ngay trang trại La Posta Quemada vào thập niên 1870. Sau đó, trạm bị cháy. Solomon Lick xây khách sạn Mountain Springs và trạm xe ngựa mới. Ngày 15 tháng Giêng năm 1879 trong lúc đi tìm mấy con bò lạc, Solomon tình cờ khám phá cửa động Colossal. Frank Schmidt tổ chức tua khám phá động Colossal với thang trèo, dây leo, đèn lồng… từ năm 1923. Nhờ chính phủ liên bang trợ giúp qua chương trình phục hồi kinh tế khủng hoảng, trong ba năm 1934-1936, động Colossal được cải tạo hoàn thành hệ thống có lối đi và gắn đèn trở thành động du lịch và được ghi vào Di tích Lịch Sử Quốc Gia năm 1992. Nhóm thợ lao động trong ba năm xa nhà năm xưa đã kiến tạo một bàn thánh và để lại truyền thống đẹp kết hôn trong nhà thờ hang đá mà ngày nay các cặp tân lang và tân giai nhân cũng thích tổ chức một lễ cưới đơn giản và lãng mạn như vậy. Các nhiếp ảnh gia đang tranh nhau chụp hình bàn thánh đá thì bắt đầu có tiếng than khẽ khó thở, chóng mặt, nhức đầu, rồi có tiếng ọ oẹ muốn ói… Người trẻ nhất trong đoàn là Tuyết-Mai và trưởng lão Như Hoa không kịp chờ hướng dẫn viên liên lạc trên hang gửi người xuống đón, đã vội vã vọt ra cửa hang!
Tài xế chạy hết ga, đến San Xavier Del Bac đúng 5 giờ chiều là lúc ngôi nhà thờ do dòng Chúa Cứu Thế truyền giáo hoàn thành năm 1797 với kiến trúc độc đáo được ca tụng là chim bồ câu trắng trong sa mạc đóng cửa. May mắn còn gian hàng của một chị da đỏ tiếp khách với bánh rán chấm mật ong gỡ gạc đỡ đói.
Vào thập niên 1960 khi biết dự án phát triển đô thị Tucson sẽ xây con đường Butterfield Expressway cắt xuyên Tucson và khu Tây Ban Nha cổ “Barrio Vejo” nằm trên đường Cushing sẽ bị dẹp bỏ, dân chúng liền tìm cách chống lại bằng cách vận động đăng ký biến El Tiradito thành một Di Tích Lịch Sử Quốc Gia (National Historic Place). Một nơi nào đó nếu được công nhận là Di Tích Lịch Sử Quốc Gia, lập tức được đạo luật National Historic Preservation Act năm 1966 bảo vệ không được xâm phạm. Nhờ El Tiradito chính thức trở thành Di Tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm 1971 mà khu Tây Ban Nha cổ “Barrio Vejo” ở Tucson được giữ nguyên vẹn, nhưng Tucson lại chưa xây một đường tốc hành như đường 101, 202, hay 51 ở Phoenix khiến trong giờ đi làm và tan sở ở Tucson lúc nào cũng bị nạn kẹt xe!
El Tiradito là miếu thờ duy nhất ở nước Mỹ hiến dâng linh hồn của một kẻ phạm tội đến lúc chết không được thánh hoá. El Tiradito có nghĩa là bị ruồng bỏ bơ vơ. El Tiradito là một phần di sản chuyện dân gian của người Mễ vào thế kỷ 19. Chuyện có nhiều bản khác nhau chút đỉnh, đại khái có một chàng rể yêu mẹ vợ. Bị bố vợ bắt gặp, chàng rể vội phóng ra cửa sổ chạy trốn; nhưng bị bố vợ nhanh tay rút súng bắn trúng, loạng choạng té chết ngay trước hiên nhà. Vào thời đó kẻ phạm tội, chết không được phép chôn trong nghĩa trang Công Giáo nên phải chôn ngay tại chỗ chết. Nhiều phụ nữ ở đó cảm động cho linh hồn kẻ xấu số bèn lập đàn cầu nguyện. Lâu dần El Tiradito biến thành miếu thờ kẻ bị ruồng bỏ bơ vơ mà quên đi chuyện phạm tội. Miếu El Tiradito trống ộc trống ạc, chỉ có một bức tường gạch. Không biết bức tường đó là mặt sau hay mặt trước của của một căn nhà còn sót lại? Có lẽ là mặt sau vì thông thường kẻ phạm tội nhảy trốn ra cửa sau! Miếu El Tiradito rất linh thiêng nên lúc nào cũng đầy hoa, đèn, và hình ảnh chưng bày ngổn ngang đã trở thành Miếu Ước (Wishing Shrine). Người cầu nguyện thắp ngọn nến, nếu sáng hôm sau trở lại thấy nến vẫn còn cháy sáng thì điều ước đã được chấp nhận. Trong vô số lời cầu nguyện ghi ra giấy nhét vào kẽ bức tường El Tiradito có lời cầu của một bà mẹ vợ rất cảm động:
Chúa ơi, xin đừng cho thằng rể yêu con! (Please God, don’t have my own son-in-law fall in love with me!)
Nghe tôi kể đến đây, các nữ thi sĩ cười khúc khích thì thi sĩ Lê Trọng Nghĩa và Như Hoa tò mò rút trong kẽ tường coi lén một điều ước gì đó, cười tủm tỉm.
Phái đoàn kết thúc chuyến du ngoạn cảnh đẹp phía nam tại Quán Miss Saigon. Lúc lên xe, thi sĩ Ali Smaoui mới mở miệng một câu tiếng Việt nghe được, “Miss Saigon, em ngon lắm!”
Ngày hôm sau, Tuyết-Thu thay thế Tuyết-Mai chăm nom phái đoàn thi sĩ du ngoạn cảnh đẹp Sedona. Thi sĩ Lê Trọng Nghĩa đã về Sacramento. Phía nữ được tăng cường thêm quái kiệt Kimberly. Thi sĩ Ali Smaoui tụt xuống ngồi hàng ghế sau thì bị các chị cằn nhằn sao đó, ông lại trở lên ngồi ghế tài xế phụ. Quái kiệt trổ tài chọc ghẹo hết chàng thi sĩ nầy đến chàng thi sĩ kia làm ai cũng say mê quên ngắm cảnh đẹp bên đường. Trước khi rẽ sang đường 179, tài xế cho phái đoàn ghé lại bìa rừng ngắm Montezuma Well. Montezuma Well là một cái giếng nước khổng lồ, đường kính rộng 368 feet (112 mét) và sâu 55 feet (17 mét). Dưới giếng có người ở; thì ra đó là một toà thuỷ động có mạch nước ngầm bị sụp đổ biến thành giếng. Nhưng nước giếng uống không được; cá cũng sống không nổi vì độ Carbon dioxide quá cao, chỉ có rùa bùn, tôm giáp xác, đỉa, bò cạp nước, và chim chóc rình rập kiếm ăn. Giếng không bao giờ cạn nước. Mỗi ngày mạch nước ngầm đổ ra giếng hơn 1 triệu ga lông nước ấm 76 độ F (24 độ C); rồi nước trong giếng theo kẽ nứt thuỷ động chảy ra mương nước do bộ lạc Sinagua xây dọc theo dòng suối Beaver dẫn nước tưới vào vườn tược. Mương nước ấy cho đến ngày nay vẫn còn được dân chúng quanh Montezuma xử dụng. Người Sinagua biến mất khỏi giang hồ từ hơn 600 năm trước; nhưng đối với người da đỏ Yavapai ngày nay, Montezuma Well là giếng nước thiêng liêng vì nguồn gốc dân tộc họ từ trong giếng nước ấy đi ra.
Sedona đá đỏ là cảnh đẹp trứ danh của Arizona. Nếu tài xế không giục lên xe mấy lần thì phái đoàn thi sĩ vẫn muốn chụp ảnh và chơi mãi ở Chapel of the Holy Cross. Trái với cuộc du ngoạn ngày đầu, lần nầy Tuyết-Thu đã chuẩn bị sẵn bánh mì thịt nguội cho phái đoàn thi sĩ nghỉ ăn trưa trong khu shopping Tlaquepaque phủ đầy bóng cây Sycamore rất thơ mộng. Tlaquepaque có ngôi nhà thờ nhỏ chứa độ 20 người rất xinh xắn, và có nhiều phòng triển lãm tranh. Cuộc du ngoạn có thể còn tiếp tục đi lên Flagstaff, nhưng sa mạc bỗng chuyển mưa!
Thấy tôi còn nghỉ thêm một ngày ra dáng thẫn thờ. Nàng hỏi:
– Hôm nay anh còn đưa phái đoàn đi du ngoạn nữa không?
– Phái đoàn đã về gần hết rồi; chỉ còn Như Hoa Lê Quang Sinh, Lộc Vàng, và Duyên Hùng.
– Thì cứ đưa các anh ấy đi chơi, kẻo biết bao giờ mới gặp lại!
“Biết bao giờ gặp lại” làm tôi bàng hoàng, vội điện thoại. Bên kia đầu dây một giọng nói thật hiền, “Tiếc quá, hôm nay tôi không được khoẻ. Anh đưa Lộc Vàng, Duyên Hùng, My-Hương và cô bạn đi, được không?”
Tưởng cô bạn nào mới, té ra là quái kiệt Kimberly. Ngày hôm qua cô ngỗ ngáo tinh nghịch quá cỡ; nhưng hôm nay bỗng trở nên đoan trang thùy mị tuyệt vời. Có lẽ vì thiếu người để chọc chăng? Lộc Vàng lúc nào cũng trầm tư buồn buồn, không tha thiết Papago Park là một ốc đảo đẹp như bức tranh trong sa mạc. Anh chỉ leo theo lên Kim Tự Tháp của Thống Đốc George W. P. Hunt, (1859-1934), vị Thống Đốc đầu tiên của tiểu bang Arizona đã phá kỷ lục làm Thống Đốc tiểu bang tới 7 nhiệm kỳ; rồi trở xuống thơ thẩn bên ao cá; còn chúng tôi leo tiếp lên Hole in the Rock mà từ xa trông giống hốc mắt sâu hoắm vào đầu lâu. Đó là chỗ ngắm toàn bộ quang cảnh thành phố Phoenix. Sa mạc bỗng chuyển mưa. Mọi người chạy tìm chỗ tránh mưa; còn nữ quái được dịp phát triển hết nét ngây thơ tung tăng ca hát nhảy múa dưới mưa…