Year of the Monkey

ButTre_Jan2016LaThuToaSoan-ButTre_Jan2016

NĂM BÍNH THÂN NÓI CHUYỆN KHỈ
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre tháng Giêng 2016)
P. Kim Long

Trong “lục súc” thân thiện nhất với con người chỉ có: chó, trâu bò, lừa ngựa vì chúng luôn sát cánh cùng con người trong những lúc gian khổ và hiểm nguy, chính vì thế người ta mới cho rằng chúng là những con vật tình cảm, thông hiểu tính người và rất trung thành. Chỉ có loài “khỉ” là không được xếp vào loại gia súc, tuy nhiên lại có một vị trí độc đáo trong văn học, thi ca và trong cuộc sống của con người bất kể là Tây hay Đông và bất kể là cổ thời hay cận đại. Khỉ là loài linh trưởng giống con người nhất trong những loài động vật, nhưng khỉ vẫn hoàn khỉ. Trái lại, loài vượn lại có một vị trí đặc biệt trong lịch sử loài người: vì không có đuôi, vượn lại càng giống người hơn. Vượn người (ape-man) đã có từ thời đồ đá và đã không ngừng tiến hóa qua từng thời đại để trở nên chúa tể muôn loài, tức là con người hiện nay.

1. Họ hàng nhà khỉ

Loài khỉ có rất nhiều chủng loại, từ loại bé nhỏ bằng con mèo cho tới vóc dáng to lớn hơn người. Tuy nhiên loài khỉ cũng chia làm hai loại: có đuôi (đại diện là khỉ) và không đuôi (đại diện là vượn). Ba con tinh tinh, vượn và khỉ đột (to cao bằng hay to cao hơn người) đều không có đuôi, gần giống với bản sao của con người vì có tới 90% gene của loài người. Khỉ (猴 hóu = hầu = monkey), đười ươi (to hơn con chó), bú dù (cũng là khỉ, song được dùng để rủa người nào đó), con tườu (con khỉ, song được dùng để rủa một ai đó), khỉ đột (= gorilla, nhưng đôi khi được dùng để chê bai người to con song ngốc nghếch), vượn (猿 yuán = viên = ape), tinh tinh (to như con vượn), khỉ đỏ đít (gibbonapefamilien, red-arsed gibbon/monkey)… Chỉ có khỉ nhỏ bằng con mèo được người ta nuôi làm cảnh trong nhà vì loài này có tình có nghĩa gần bằng chó vậy. Tuy nhiên, loài vượn được con người ưu ái hơn khỉ vì không có đuôi và gần giống với con người. Phải chăng vì thế mà trong những truyện Liêu Trai, thần tiên thường gán cho loài vượn có thể tu luyện đắc đạo, có nhiều pháp thuật…

2. Khỉ trong ca dao, tục ngữ Việt & Hoa
Chữ “khỉ” đã hiện diện nhiều trong những câu nói đầu môi chót lưỡi, tục ngữ dân gian của nước ta; tương tự với chữ “hầu” của người Hoa.
Cầu khỉ: cầu tạm bợ ở thôn quê ngày xưa chỉ làm bằng một thân cây bắc trên vài ba cọc cắm xuống sông và có 1 thanh ngang để làm tay vịn. Người đi trên cầu này phải nhanh nhẹn dẻo dai giống con khỉ; có lẽ mới được gọi là cầu khỉ chăng?
Khỉ ho cò gáy: chốn hoang vu, miền sâu miền xa.
Giết gà dọa khỉ: giết/khống chế ai để làm áp lực với người khác.
Rung cây nhát khỉ: dọa dẫm ai.
Nói hươu nói vượn: ba hoa, bốc phét.
Mặt nhăn như khỉ, như khỉ ăn ớt: mô tả diện mạo của ai đó nhăn nhó, nhăn như bị.
Làm trò khỉ: chế giễu những người hay pha trò, bắt chước, làm trò hề.
Khỉ gió, Khỉ khô, Khỉ mốc, Khỉ già, Con khẹc: những chữ dùng để rủa, mắng một ai đó.
Đồ khỉ, Đồ khỉ gió: ám chỉ người không đứng đắn, không trang nghiêm, hay nghịch ngợm.
Khỉ ăn mắm tôm: mô tả diện mạo không hài lòng của ai đó.
Khỉ chê khỉ đỏ đít: ám chỉ tính hay chê bai, bài bác.
Nuôi ong tay áo, Nuôi khỉ dòm nhà: ám chỉ kẻ phản bội chủ, kẻ lừa thầy phản bạn.
Khỉ lại là khỉ, Mèo lại hoàn mèo: ám chỉ dù thay đổi thế nào thì tình trạng cũng như cũ.
Trời sinh con khỉ ở lùm, Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông: ám chỉ không thay đổi được.
Khỉ bồng con lên non kiếm trái, Cảm thương nàng phận gái mồ côi: thương xót người con gái không nơi nương tựa.

Sau đây là một vài từ ngữ thông dụng trong sách vở Hán ngữ: hầu (猴 hóu = monkey = khỉ), còn “viên” (猿 yuán = vượn = ape, gibbon) – hầu đậu bệnh độc(猴 痘 病 毒 hóu doù bìng dú): vi trùng sởi của khỉ (monkey pox virus) – hầu nhi (猴 儿 hóu er): kẻ độc ác, ma lanh, quỷ quái (little devil) – hầu hài tử (猴 孩 子 hóu hái zi): nghĩa như trên – hầu niên (猴 年 hóu nián): năm Thân (year of the Monkey) – hầu niên mã nguyệt (猴 年 马 月 hóu nián mă yuè): năm Thân tháng Ngọ (trong Âm lịch không hề có thời điểm này), nghĩa giống như chữ “tết Congo” – hầu quyền (猴 拳 hóu quán): tên một môn võ thuật mà những động tác trông giống như những động tác của loài khỉ (monkey fist martial art) – Hầu Vương (猴 王 Hóu Wáng): Vua Khỉ, tên của Tôn Ngộ Không khi còn là chúa khỉ ở Hoa Quả Sơn trước khi theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh bên Thiên Trúc – hầu hý (猴 戏 hóu xì): diễn trò khỉ (khỉ được dùng thay người trong những vở tuồng ngắn = monkey show) – hầu tử (猴 子 hóu zǐ): con khỉ – hầu tử thâu đào (猴 子 偷 桃 hóu zǐ tōu táo): con khỉ ăn cắp trái đào (tên một thế võ bắt chước động tác của con khỉ chìa một tay ra làm động tác giả còn tay kia bóp dịch hoàn đối phương) – viên hầu (猿 猴 yuán hóu): vượn và khỉ (apes & monkeys) – tiêm chủy hầu tai (尖 嘴 猴 腮 jiān zuǐ hóu sāi): môi và cằm vều ra giống con khỉ – trung sơn vô lão hổ, hầu tử xưng đại vương (山 中 无 老 虎,猴 子 称 大 王 shān zhōng wú lăo hǔ, hóu zǐ chēng dā wáng): trong rừng không có hổ thì con khỉ làm vua; vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm) – sát kê, cảnh hầu (杀 鸡 儆 猴 shā jī, jǐng hóu): giết gà để nhát khỉ – sát kê cấp hầu khán (杀 鸡 猴 给 看 shā jī hē hóu kàn): giết gà để cho khỉ trông thấy phải sợ (giết gà nhát khỉ) – sát kê cảnh hầu (杀 鸡 警 猴 shā jī jǐng hóu): giết gà để cảnh cáo khỉ (giết gà nhát khỉ) – mộc hầu nhi quán (沐 猴 而冠 mù hóu ér quán): gội đầu cho khỉ rồi lại cho nó đội mũ, con khỉ đội nón, người vô tích sự) – xọa hầu nhi (耍 猴 儿 shuă hóu ér): chế nhạo, nhạo báng ai (to make fun of somebody) – hầu (猴 hóu): ngồi xổm (dáng ngồi của khỉ: ngồi để hai chân lên ghế như kiểu ngồi nước lụt; trong Hồng Lâu Mộng có một câu chê dáng ngồi hạ tiện này: … 别 学 他 门 猴 在 马 上 bié xúe tā mén hóu zài mă shàng = biệt học tha môn hầu tại mã thượng = đừng bắt chước bọn họ ngồi chồm hổm trên ngựa)…
viên (猿 yuán): vượn, khỉ đột, đười ươi – viên nhân (猿 人 yuán rén): người vượn (ape-man) – viên hầu (猿 猴 yuán hóu): vượn và khỉ – Trung quốc viên nhân (中国 猿 人 Zhōng guó yuán rén): người vượn Bắc Kinh (tên một công trình khảo cổ lừng danh của Bùi Văn Trung, hình như là người Hoa gốc Việt, đã đào được một xác hóa thạch năm1928 gần Bắc Kinh) – nhân viên (人 猿 rén yuán): vượn người (anthropoid man) – vô vĩ viên (无 尾 猿wú wéi yuán): con vượn không đuôi (ape) – loại nhân viên (类 人 猿 lèi rén yuán): con vượn (anthropoid ape) – trường tí viên (长 臂 猿 cháng bì yuán): con vượn tay dài – hắc quan trường tí viên (黑 冠 长 臂 猿 hēi guān cháng bì yuán): con vượn có mào đen (black-crested gibbon, Normascus nasutus) – tâm viên ý mã (心 意 马 xīn yuán yì mă): lòng vượn mà ý ngựa, lòng dạ thay đổi thất thường – lung điểu hạm viên (笼 鸟 槛 猿 lóng niăo jiàn yuán): chim nhốt trong lồng và vượn nằm trong cũi (cá chậu chim lồng, trong tình trạng bị giam cầm, cảnh tù túng).

3. Khỉ trong truyện cổ tích

Người xưa dùng những truyện cổ tích để giải thích những sự kiện huyền bí và bất khả tri luận. Sau đây là một trong những thể loại này được dùng để giải thích vì sao lại có Gibbonapefamilien (red-arsed gibbon/monkey), được gọi là “khỉ đỏ đít.” Truyện cổ tích kể rằng xưa kia có một phú ông đối xử bạc ác bất nhân với mọi người, kể cả người ăn kẻ ở. Một hôm trong nhà có giỗ, con sen ra giếng gánh nước đã lấy phần cơm của mình cho một cụ già rách rưới xin ăn. Tỏ vẻ cảm động, cụ già liền nói: “Ta là Bụt, con muốn gì, ta sẽ cho con được như ý nguyện.” Cô gái chỉ ước sao được bớt xấu xí. Bụt dạy nàng lội xuống giếng nếu thấy hoa nào đẹp thì phải mút chùn chụt. Cô gái vâng lời, thấy hoa trắng đẹp liền mút lấy mút để, rồi bỗng nhiên trở nên xinh đẹp như tiên. Khi cô gái quẩy nước về đến nhà thì mọi người kinh ngạc xúm lại hỏi nguyên do. Nghe xong, cả nhà phú ông liền đổ xô ngay ra giếng. Ông Bụt vẫn còn ngồi đó. Gia đình phú ông liền đem xôi thịt mời ăn, xin xỏ. Bụt cũng bảo mọi người làm y như cô gái nọ. Xuống giếng, họ thấy hoa đỏ là đẹp, mút lấy mút để, ngờ đâu mặt mũi trở thành nhăn nheo, người quắt lại, lông lá ra đầy, đuôi mọc dài và cuối cùng đã trở một bầy khỉ. Dân trong làng thấy vậy, quá hoảng sợ, đã hè nhau đánh đuổi đàn khỉ. Khỉ chạy trốn lên rừng, quá tiếc của, đêm đêm chúng kéo nhau mò về làng, leo lên cửa sổ, nhòm vào nhà, léo nhéo suốt đêm. Người làng sợ, bàn với nhau bôi mắm tôm vào song cửa, lại nung nóng thật nhiều lưỡi cày đặt rải rác trong sân. Khỉ kéo nhau về như thường lệ, leo lên cửa bị mắm tôm vấy đầy tay, quệt tay vào người, hôi quá, bỏ chạy ra sân ngồi bệt xuống. Vừa đặt đít phải lưỡi cày nóng bỏng chúng nhảy nhổm, kêu chí choé, ba chân bốn cẳng một mạch kéo nhau về rừng, cạch không dám vào làng phá phách nữa. Và vết bỏng cháy đỏ đít khỉ từ ấy đời đời không phai. Từ đó mới có loài khỉ đỏ đít.

4. Khỉ/đười ươi trong điển tích và lịch sử

Giòng họ nhà khỉ vốn thông minh hơn những thú vật khác vì có thói bắt chước con người. Do vậy, người ta thường bắt khỉ để làm trò xiếc, hay thuần hóa làm việc trong nhà.

Học thói đua đòi.- Thời Trịnh Khải, 1783, tuy thế lực Chúa Trịnh đang suy tàn, nhưng vẫn còn kẻ nịnh bợ. Đặng Kim đã làm đến tước hầu, vẫn còn xin làm con nuôi nhà Chúa, đổi tên là Trịnh An. Một hôm, trên tường vôi có vẽ một cây cổ thụ đang xiêu đổ với lá cành trơ trụi, gốc rễ ngả nghiêng. Trên chạc có con khỉ đang nằm ngủ, bên cạnh có hai câu thơ nôm:
Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi,
Đừng chờ cây đổ, đi đời nhà mi.

Thấy vậy, Đặng Kim tỉnh ngộ, bèn từ quan rồi lấy lại tên cũ. Về sau, khi Trịnh Khải bị lật đổ, Ông tránh khỏi nạn cháy nhà vạ lây.

Thông minh của loài khỉ.- Truyện kể rằng về thời Đường Thái Tông, một ngôi làng thuộc huyện Cổ Điền ở cạnh một khu rừng có vài trăm con khỉ sinh sống thường xông vào làng xóm kiếm đồ ăn và phá phách nhà cửa. Do vậy, dân làng bàn nhau chặt hết cây rừng để tìm cách tàn sát lũ khỉ. Khi họ chặt hết cây trong rừng thì lũ khỉ trở tay không kịp nên cả đàn khỉ bị dân làng vây chặt. Đang trong lúc nguy cấp, đột nhiên có một con khỉ già cố hết sức đột phá vòng vây, chạy nhanh đến một căn nhà trong làng, dùng lửa trong bếp để đốt nhà. Khi đó gió đang thổi mạnh, lửa bốc càng lớn. Dân làng vội quay về chữa cháy nên bầy khỉ trốn thoát và chạy đi tìm nơi ở mới. Do vậy, loài khỉ cũng có biết kế sách “tấn công Ngụy cứu Triệu.”

Lợi dụng loài khỉ.- Là tác giả cuốn “Vạn lịch dã hoạch biên,” Thẩm Đức Phù đời Minh đã ghi một câu chuyện lạ. Vào năm Gia Tĩnh nhà Minh, hải tặc Nhật Bản thường hay đổ bộ lên bờ biển phía đông nam nước Tàu để cướp bóc và tàn sát dân lành. Được vua cử làm Tham Tướng tại Chiết Giang, Thích Kế Quang bèn chỉnh đốn binh mã, rèn luyện binh lính, dạy dùng súng bắn chim phóng hỏa lên núi. Đàn khỉ trong núi thường xuyên chứng kiến cảnh tượng đó nên cũng bắt chước làm theo. Một hôm, bọn Nụy Khấu (cướp biển Nhật) lại chèo thuyền cặp bờ quấy phá. Thích Kế Quang thấy quân lực yếu không đủ sức cự địch, liền cho quân sĩ rải mồi lửa dọc theo đường lên núi và dụ địch vào sâu bên trong. Bọn hải tặc lần theo dấu vết lên núi, không ngờ mồi lửa bị đàn khỉ nhặt được, chúng thấy bọn hải tặc xõa tóc đi chân đất, cho là khác loài, nên chúng bắt đầu trổ tài bắn chim phóng hỏa mà trước đây đã học lỏm được để tấn công kẻ địch, đồng thời quân mai phục của Thích Kế Quang thừa dịp xông ra, tiêu diệt hết bọn hải tặc.

Đười ươi giữ ống.- Đười ươi là một loài khỉ rất to lớn gần bằng người thật. Tuy nhiên trong rừng chỉ có rất ít, đôi khi chúng lần mò về gần nhà dân chúng để kiếm đồ ăn. Người ta kể rằng ở một khu rừng nọ thường có vài con đười ươi ra đứng cạnh đường để túm lấy người đi ngang qua. Nạn nhân thường bị chúng nắm chặt hai cánh tay, rồi chúng cướp đoạt đồ ăn thức uống. Sau có người nghĩ ra một kế bằng cách mỗi khi đi ngang qua khu rừng đó thì thường xỏ hai tay vào hai ống nứa to. Mỗi khi con đười ươi ra túm chặt hai tay thì người đó rình cơ hội rút hai tay ra khỏi ống nứa và chạy bỏ đi trong khi con đười ươi còn mải mê cười khì khì nắm chặt hai ống nứa rỗng.

Khỉ hay bắt chước.- Có một người bán nón rong nên thường xuyên phải đi từ làng nọ sang làng kia để chào hàng. Một hôm, khi đi ngang qua một khu rừng thì ông thấy mệt mỏi nên đã ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ. Vì trời đương nắng gay gắt và vì đã lội bộ nhiều nơi nên ông đã ngồi dựa gốc cây và ngủ thiếp đi. Lũ khỉ ở trên cây thấy lạ nên nhảy xuống và táy máy những chiếc nón. Chúng thấy người đàn ông úp nón lên đầu nên chúng cũng tranh nhau mỗi con một chiếc nón úp lên đầu. Lát sau, người bán nón thức giấc và thấy gánh hàng không còn chiếc nón nào. Ông ta nhìn dáo dác và thấy lũ khỉ đang đội trên đầu những chiếc nón của mình. Ông hùng hổ kêu chúng trả nón, song chúng chỉ nhăn mặt cười và khẹc khẹc đáp lại. Ông lượm những viên đá để ném chúng và chúng cũng nhặt những viên đá ném lại. Chúng vẫn không trả lại nón còn thi nhau chọi đá trúng người ông. Chợt ông nhớ lại thói hay bắt chước của khỉ. Lập tức, ông tung chiếc nón của mình lên cao. Ngay tức khắc, bầy khỉ cũng đồng loạt tung cao những chiếc nón. Ông vội chạy tới và lượm những chiếc nón, chất vào thúng hàng rồi quẩy gánh ra đi.

Đoạn trường (ruột bị đứt từng khúc).- Một người thợ săn bắn bị thương một con vượn con và con vượn mẹ lẽo đẽo đi theo. Nó chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào. Mấy ngày liền, con vượn mẹ bỏ ăn bỏ uống cứ đứng ngoài cửa trông chừng vượn con. Mấy hôm sau, con vượn con chết vì vết thương quá nặng và con vượn mẹ cũng ngã lăn ra chết. Lấy làm lạ, người thợ săn bèn mổ bụng vượn mẹ và thấy ruột của vượn mẹ đã đứt ra từng khúc. Từ đó, từ ngữ “đoạn trường” được dùng để ám chỉ mối thương tâm mãnh liệt của cha mẹ khi con cái chết, hay lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ khuất bóng.

Truyện Bạch Viên.- Theo truyền thuyết, Vượn trắng là loài vượn khá thông minh, gần như có nhân tính nên đã có thể tu luyện hàng trăm năm và đắc đạo. Đường Truyền Kỳ còn ghi lại câu chuyện Bạch Viên trêu đùa Dương Tông Hổ. Về thời Nhà Đường, ở vùng Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, gia đình Dương Tông Hổ có người cha già mắc bệnh nan y nên đã phải đi khắp nơi mời danh y đến chữa trị nhưng họ đều bó tay. Sau đó, một đại phu họ Trần nói phải có một quả tim của người còn sống mới có thể chữa khỏi bệnh cho người cha. Một hôm, người con lên chùa trên núi để bố thí cầu nguyện. Ông đã gặp một hòa thượng mắt sâu mũi nhọn, mặt đầy nếp nhăn. Ông liền nghĩ người này sống một mình nơi hang sâu cùng cốc, chắc hẳn là cao tăng, bèn đến gần hỏi thăm. Hòa thượng đó nói ông đang ở đây chờ sói cọp đến ăn thịt. Dương Tông Hổ mừng rỡ, trong bụng nghĩ vị hòa thượng này tự nguyện làm mồi cho cọp, chắc là người đại từ đại bi, nên nói rõ cảnh ngộ của mình và cầu xin hòa thượng hãy cứu lấy sinh mạng của cha. Hòa thượng đồng ý và chỉ xin ăn một bữa cơm chay trước. Dương Tông Hổ hai tay dâng cơm chay lên cho hòa thượng dùng. Sau khi ăn xong, hòa thượng đột nhiên bay lên cây, Dương Tông Hổ gọi to: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy.” Đứng vắt vẻo trên cây, Hòa thượng cười đáp: “Kinh Kim Cương có nói rằng trái tim quá khứ không lấy được, trái tim hiện tại không lấy được, trái tim tương lai cũng không lấy được. Nay Thí chủ muốn lấy tim của tôi thì cũng không thể được!” Nói xong, hòa thượng nọ phóng lên cây, biến thành một con vượn trắng và hóa thành một luồng ánh sáng trắng biến mất.

Tình mẫu tử của loài vượn.- Một người thợ săn muốn bắt sống một con vượn con để làm thuần hóa, nên đã dùng tên độc bắn chết vượn mẹ. Bị tử thương, vượn mẹ biết mình không thể sống được bèn vắt sữa ra rừng cho con uống, rồi lăn ra chết. Người thợ săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con thấy thế, kêu gào thương xót, chạy lại ôm xác mẹ nên bị người đi săn bắt sống đem về nhà. Nhưng cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ, ôm lấy kêu gào, vật vã, rất thảm thiết. Rồi vài hôm sau, vượn con cũng chết.

5. Khỉ trong truyện tiếu lâm đương đại

Khỉ Sếp.- Bọn thuộc cấp, mỗi khi nói chuyện với Thượng cấp cứ phải một điều “Thưa Sếp” hai điều “Bẩm Sếp” thì mới không bị “đì” (chẳng hạn không được nghỉ phép, không được tăng lương…). Một ngày nọ, một nhân viên bị thuyên chuyển đi nơi khác, nên nhân viên trong Sở tổ chức bữa tiệc liên hoan và mời Thượng cấp tham dự. Trong bữa tiệc liên hoan chia tay rất vui vẻ vì có văn nghệ giúp vui và mọi người đều tham gia rất náo hoạt. Nhân viên nọ muốn trả thù Sếp nên đã kể một câu truyện tiếu lâm như sau. Ngày xưa có một ông vua độc đoán và gian ác nên quần thần trong triều rất sợ hãi nên đều mũ nui che tai để giữ mạng sống có thể phụng sự hoàng gia thiên thu vạn đại… Nghe đồn ở núi Thái mới xuất hiện 100 con khỉ đít đỏ rất quý hiếm, vua đã lệnh phải bắt đủ số về làm cảnh. Các quan lo tái người, vì leo lên đỉnh Thái Sơn vừa nguy hiểm, và săn lùng bắt đủ 100 con khỉ đít đỏ lại càng khó khăn hơn. Muốn để vừa lòng vua và cũng để vinh thân phì gia cho chính họ, bọn bề tôi đều phải liều minh đi săn bắt khỉ. Bao phen xông xáo vào chốn nguy hiểm, họ chỉ bắt được 99 con khỉ đỏ đít vì con đầu đàn chạy trốn mất tiêu. Cuối cùng, họ bàn mưu bắt một con chó nhỏ rồi sơn đỏ vào đít để làm con khỉ đầu đàn, hy vọng để qua mắt nhà vua. Vua vui vẻ đón nhận 100 con khỉ đít đỏ nên hết lòng khen ngợi quần thần. Sẵn có vài chục chùm táo, vua ném hết cho lũ khỉ, rồi xem chúng tranh giành săn đuổi nhau. Chúng kêu “khẹc, khẹc” vang dội khắp vườn thượng uyển. Chỉ một lát, 99 con khỉ ào tới tranh cướp hết sạch táo. Chỉ riêng có con khỉ đầu đàn mà bọn quần thân gia nô gọi là “Khỉ Sếp” lại chạy vội tới bãi cứt mà hoàng tử nhỏ vừa mới bĩnh ra đất để ăn ngấu nghiến. Rất ngạc nhiên, vua phán hỏi triều thần sao lại có giống khỉ lạ thế. Một vị quan “đỉnh cao trí tuệ” bèn giải thích: “Muôn tâu Bệ hạ! Đó là con Khỉ Sếp ạ!” Cả bàn tiệc được dịp cười lăn lộn trên bàn. Riêng có “Ngài sếp” sạm mặt lại vì bị thuộc hạ chơi một cú đau hơn hoạn. Từ đó trở đi, Cán bộ cao cấp nọ không còn muốn ai xưng mình là “Sếp” nữa.

Khỉ Đít Đỏ tràn ngập đường phố.- Trên chuyến phi cơ bay từ Hong Kong đi Los Angeles (LAX), tôi ngồi cạnh một nữ hành khách trẻ. Tôi vốn ít nói vì không muốn làm phiền người bên cạnh đang gục ngủ, nên tôi bật Pocket PC ra đọc một số truyện dưới dạng .doc; vả lại, đây cũng là lần đầu tiên tôi đi Mỹ (năm 2005) nên ngại gây rắc rối. Lát sau Nữ tiếp viên đẩy xe đồ ăn đi tới và trao khay đồ ăn. Tôi đành nhận dùm khay cho người khách đồng hành, rồi đánh thức cô ta. Cô này mỉm cười và nói “Thank you!” Hơi ngạc nhiên, tôi cũng chỉ đáp lại bằng câu: “Không có chi!” Cô ta nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và không nói gì nữa. Bất chợt Cô ta đụng tay vào người tôi rồi nói: “I’m sorry!” Tôi đành đáp lại bằng câu đầu môi: “You’re welome!” nhưng trong bụng tôi thầm nghĩ rằng Việt kiều này muốn tỏ bộ ta đây sớm Mỹ hóa. Hiện nay người ta nói tới tính rởm đời, trưởng giả học làm sang và kênh kiệu của Việt kiều ở bất cứ quốc gia nào mà họ tới nhận làm quê hương thứ hai. Đa số Việt kiều này là dân ít học, thuộc thành phần vô giáo dục và nhất là thuộc đám con cái của Tư bản Đỏ (có tiền cho con cái sang Mỹ ăn học rồi lấy người Mỹ để có cớ nhập quốc tịch Mỹ rồi bảo lãnh cho bố mẹ). Dân Saigon như tôi đều ngao ngán bọn Việt kiều này vì chúng làm mất mặt dân Việt bằng những cử chỉ lố lăng, ăn nói hỗn xược, trộm cắp, xì ke ma túy… Mới đây, báo chí Nhật đăng tải câu chuyện về Tiếp viên và Phi công của Vietnam Airlines chuyên buôn lậu hàng hóa, vào siêu thị chôm đồ để chở lên phi cơ bay về nước. Báo chí Mỹ lại vạch mặt một một số Cán bộ cao cấp và Đảng viên, nhân chuyến công tác sang Mỹ, đã vào siêu thị ăn cắp đồ vì nghĩ trong đó không có bảo vệ. Nhưng đám “người rừng” không ngờ rằng Mỹ rất thiện dụng dùng camera để kiểm soát hành vi của mọi người trong siêu thị. Người Việt bị “mang tiếng” quá nhiều đến nỗi chính Việt kiều bên Mỹ khi du lịch tới nước nào thường chối phăng mình là người Việt mà nói mình là Nhật hay Hàn. Vốn có ấn tượng như thế, tôi thấy khinh thường người bạn đồng hành nên mới hỏi dò rằng đã nhập tịch Mỹ được bao lâu và gia đình thuộc loại vượt biên, bảo lãnh hay là Tư bản đỏ. Cô này trừng mắt nhìn tôi tỏ ý không hiểu. Tôi phải lặp lại những câu trên bằng cách dùng Anh ngữ. Cuối cùng, Cô này cười ồ lên và đáp rằng mình là người Hong Kong. Bố mẹ là người Hoa trong Chợ Lớn, nhưng đã sang Hong Kong từ giữa năm 1970, sau một lần Cô này được sinh ngay ở trên phi cơ trực chỉ LAX nên có quốc tịch Mỹ và dễ dàng bảo lãnh cho cha mẹ đi Mỹ sau khi Hong Kong bị trao trả cho Hoa lục. Năm 1979 Hong Kong được trao trả cho chính quyền Trung Cộng… nên rất nhiều đại gia đã tìm cách mua nhà và đất bên Mỹ để tìm cách tị nạn chính trị. Tôi hỏi về tình hình bên Hong Kong khi đó. Được thể, Cô ta nói rằng năm 1979 là một đại họa cho Hoa lục vì tất cả tỉ phú, chủ hãng xưởng và giới trí thức khoa bảng cũng đồng loạt rời bỏ Hong Kong đi lánh nạn sang Mỹ đem theo tài sản kếch xù và nhiều chất xám. Nói đến đây, Cô ta vừa cười vừa nói rằng khi đó ở Hong Kong rất nhiều Gibbonapefamilien tràn ngập đường phố. Tôi ngớ người không hiểu Cô ta nói cái gì. Vốn tính thực thà, tôi không hiểu thì nói là không biết và yêu cầu người đối thoại nói lại hoặc nói chậm vì Anh ngữ chỉ là ngôn ngữ thứ hai của tôi. Cô này lập lại lần thứ nhì từ trên, song tôi vẫn không hiểu. Cuối cùng, Cô này phải giải thích từ ngoại quốc này ám chỉ “red-arsed monkey,” tức là con khỉ có mông đít màu đỏ mà người ta gọi là “khỉ đỏ đít.” Cô này nói rằng dân Hong Kong rất chán ghét Trung Cộng vì chúng công nhận khỉ vượn là tổ tiên loài người, do vậy, họ mới gọi bọn Trung Cộng là lũ Khỉ Đỏ đít. Khi biết tôi là dân Bắc 54, Cô này liền bảo tôi rằng “Saigon cũng giống Hong Kong mà!” Tôi không biết trả lời ra sao mà đành cười trừ…

6. Khỉ trong văn học

Trong thi ca Việt, từ “khỉ” ít được dùng, vì có ý mắng mỏ, nhiếc móc, chê bai. Hầu như những văn thơ cổ từ thời Nhà Trần, Lê… tới cận đại vẫn thường né tránh từ “khỉ” mà thay bằng từ “vượn” hay “bạch viên” (vượn trắng) có vẻ tế nhị, thanh tao và nho nhã. Điển hình như Thi sĩ Đinh Hùng đã tả cảnh hoang dã và tiêu điều trong núi rừng Bắc Kạn năm 1940:
Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp,
Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy.

Rồi những đêm sâu, bỗng hiện về,
Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya.
Tự xưng là Đười Ươi Thi Sĩ, vì luôn hoài vọng được làm con người thời tiền sử không nhuốm văn minh và văn hóa đương thời, nhà thơ “danh hoài tuyệt nghệ” Bùi Giáng đã viết mấy câu thơ sau đây:
Đi về giũ áo đười ươi,
Đăm chiêu khách địa từ người tặng ta.
Hoặc có lúc Ông đã thốt lên một cách phũ phàng để chối từ môi trường hiện đại:
Ấy là thơ thuở chưa điên,
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười.
Bây giờ xoang điệu đười ươi,
Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân.
Ca dao dùng vượn để gợi hình ảnh hoang dại xa xôi, thí dụ: chim kêu vượn hú có vẻ thơ mộng hơn khỉ ho cò gáy. Có lẽ vì thế mà Thiên tài Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đã cho vượn xuất hiện trong một câu thơ mô tả cảnh Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe:
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.
Ve ngâm vượn hót nào tầy,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

Nhưng văn học ngoại quốc lại không có vẻ tế nhị như thế: họ dùng từ “khỉ” (monkey, gibbon, singe…) khi đề cập tới loài này dù chúng rất thân thiết với những người hùng trong truyện.

Khỉ trong truyện Tây Du.- Ngô Thừa Ân trong tuyệt tác Tây Du Ký lại đặc biệt ca tụng và thần thánh hóa con khỉ, nhưng lại là “Thạch hầu,” chứ không phải là con khỉ bằng xương bằng thịt. Tôn Ngộ Không 孫悟空,vốn được sinh ra từ một hòn đá ở biển Hoa Đông (tức không dính dáng tới quá trình sản dục của loài động vật, y như Chúa Jesus được sinh ra từ Thánh nữ Đồng trinh Maria vậy), xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo nên pháp thuật rất cao siêu, đại náo Thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt dưới tảng đá trong núi Ngũ Hành hơn 500 năm. Để răn đe, một bữa nọ Phật Tổ đã đặt Tôn Ngộ Không vào trong lòng bàn tay rồi đố hắn thoát khỏi lòng bàn tay. Tôn Ngộ Không liền trổ tài phi hành, độn thổ và đủ mọi pháp thuật cao siêu mà vẫn không ra khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ. Kể từ đó, Tôn Ngộ Không tình nguyện theo Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh Phật để tránh bị núi đè và cũng để hưởng tự do. Vì xuất thân từ tảng đá, Tôn Ngô Không không có tính dục (không ham mê sắc dục, không gia đình, không vợ con, không ăn mặn…) nên suốt dọc đường đã tránh được hết thẩy cạm bẫy (rất khác với Đường Tăng và Trư Bát Giới). Vốn giỏi pháp thuật, tính nết cương cường, dũng mãnh, xả thân vì đại nghĩa, không tham lam… nhưng chỉ phạm một khuyết điểm là hay phản kháng vì quá thông minh khi phải phục vụ một nhà Sư hiền lành, chân thật, tốt bụng… đến nỗi trở thành ngờ nghệch dễ bị lừa lọc. Do vậy, Phật Tổ đã gắn một vòng Kim Cô quanh trán của Thạch Hầu: nếu hắn phản loạn, Đường Tăng chỉ cần niệm thần chú thì vòng Kim Cô thắt chặt làm đau nhức đầu và Tôn Ngộ Không đành phải phục tùng… Cuối cùng, Tôn Ngộ Không cũng đưa Đường Tăng sang được Thiên Trúc để thỉnh Kinh Phật mang về nước để hoằng dương Phật Pháp.

Khỉ Hanuman trong Sử thi Ramayana.- Đó là một nhân vật thần thoại Hindu đã lập được nhiều chiến tích khi phụ tá người hùng Rama trong cuộc chiến cống lại Quỷ vương Ravana tàn bạo vô nhân tính. Thần khỉ Hanuman là nhân vật chính trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Tất cả những đền thờ trong khắp Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman: vị Thần Khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm. Cuộc chiến giữa vua Rama anh hùng và Quỷ vương Ravana được coi như cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác: Thần Khỉ Hanuman hết lòng phụng sự vua và là bề tôi rất trung thành. Cuối cùng, cái thiện đã thắng cái ác và Thần Khỉ đã được tôn vinh, cũng như anh hùng Rama được ca tụng trong thiên sử ca trên.

Khỉ Abu.- Trong truyện “Aladin và cây đèn thần” có một con khỉ tinh ranh tên Abu. Tuy rất thân thiết với người hùng Aladin, khỉ Abu lại hay nghịch ngợm gây tai họa cho bạn tri kỷ. Sau khi đánh lừa lão phù thủy Jafar mà lấy được cây đèn thần, Aladin trở nên giàu có. Nhưng khi nhìn thấy viên hồng ngọc khổng lồ quá đẹp mắt, khỉ Abu đã tìm cách ăn trộm làm cho cả hang động bắt đầu sụp đổ. May mắn xuất hiện thảm thần nên Aldin và khỉ Abu kịp leo lên chạy ra tới cửa hang. Phù thủy đón bọn họ ở ngoài cửa động để đoạt lại cây đèn thần và sau đó tìm cách sát hại cả hai người. Khỉ Abu liền nhào vào cắn tay của Phù thủy và đoạt lại được cây đèn thần, khiến lão vô tình đẩy bọn họ xuống vực sâu đúng lúc hang sập xuống. Do vậy Aladin và khỉ Abu thoát chết… Nhờ có cây đèn thần, Aladin có thể giải cứu vua và công chúa thoát khỏi cảnh giam cầm của lão Phù thủy… Cuối cùng Aladin giết được tên Phù thủy bất lương và lấy được công chúa.

Bạch Viên Tôn Các.- Theo Học giả Hoàng Xuân Hãn, tập thơ Nôm “Lâm Tuyền Kỳ Ngộ” do một tác giả khuyết danh đã sáng tác vào khoảng thời Nhà Lê và Mạc. Tập thơ Nôm này có 150 bài thơ theo thể “thất ngôn bát cú” kể câu chuyện tình lãng mạn với kết thúc có hậu giữa người tiên và người trần về thời Nhà Đường bên Tàu. Vốn là một Tiên Cô trên cung Quảng Hàn, song phạm tội nên bị Trời Phật đầy xuống cõi hồng trần dưới thân xác một con vượn cái màu trắng biết nói. Sau vài năm hết hạn lưu đày, Bạch Viên biến thành một mỹ nữ. Nàng đi tới Thạch Tuyền dựng một lâu đài để sinh sống. Một hôm thư sinh Tôn Các bị hỏng thi, đã thất thểu trở về nhà và đi qua chỗ đó. Bạch Viên mời vào nhà rồi hai người làm quen rồi lấy nhau sống cuộc sống êm đềm hạnh phúc cùng hai đứa con trai kháu khỉnh. Một hôm, người bạn đồng song tên Nhan Vân tình cờ đi ngang qua, nhìn thấy ngôi nhà có sát khí nên đã nghi rằng Tôn Các đã kết duyên cùng ma quỷ. Người bạn này đã đưa cho Tôn Các một thanh kiếm thần để xem Bạch Viên có phải là quỷ hay không. Bạch Viên thấy nhà bị yểm bùa nên sợ hãi bỏ đi. Sau một thời gian lang thang đây đó, Bạch Viên càng nhớ thương chồng con nên đành trở về nhà và dắt chồng lên kinh đô ứng thí. Sau khi Tôn Các thi đậu Trạng nguyên thì cũng là lúc Bạch Viên hết hạn ở cõi hồng trần và phải trở về tiên cảnh. Sau đó, Tôn Các dắt hai con về thăm gia đình bên nội để rồi lên đường đi nhậm chức. Dù sống trên tiên cảnh, lúc nào Bạch Viên cũng nhớ thương chồng con nên bỏ ăn uống và ngủ nghê. Trời Phật động lòng thương nên cho phép Bạch Viên xuống cõi trần để đoàn tụ cùng chồng con.

Tô Vũ chăn dê (Tô Vũ mục dương).- Về thời Hán Vũ Đế (140 BC – 87 BC) nước Tàu thường bị rợ Hung Nô từ phương Bắc tràn xuống xâm lấn, song vì thế yếu, vua Hán phải sai Tô Vũ sang cầu hòa. Song làm phật ý chúa Hung Nô, Tô Vũ bị bỏ đói ba ngày trong hang. Nhờ hớp những giọt sương đêm nên Ông đã sống sót. Vua Hung Nô kinh sợ nghĩ Tô Vũ là thần nên không dám hãm hại song lại đày đến đất Bắc chăn dê và sẽ cho trở về Hán với điều kiện khi nào dê đực đẻ ra dê con. Tô Vũ ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Sống nơi hoang vu giá lạnh, Ông chỉ còn biết làm bạn với cầm thú, đã lấy một con vượn cái làm vợ để đỡ cô đơn trong nơi hoang vắng và cuối cùng đã có với nhau một đứa con. Mỗi khi gặp chim nhạn bay thiên di về phương Nam, Ông lại viết một lá thư gắn vào chân chim nhạn để nhờ mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Vua Hán tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc. Sau 19 năm, nhờ sự nỗ lực can thiệp của vua Hán, Tô Vũ chia tay người vợ vượn người trở về đất Hán. Điển tích này đã trở thành một đề tài đặc sắc trong thi ca để biểu tượng cho lòng đảm lược và tính bất khuất của một trung thần.

Khỉ Joli-Coeur trong tiểu thuyết Sans Famille.- Cách đây hơn trăm năm, văn hào Hector Malot đã viết cuốn truyện Sans Famille kể lại câu chuyện một bé trai con nhà quý tộc bị bỏ rơi ngoài đường phố vì người chú ruột muốn tranh đoạt gia tài. Trên bước đường phiêu bạt, Remi phải gia nhập gánh hát rong mà trong đó có 2 con chó tinh khôn và 1 con khỉ tinh ranh biết làm trò xiếc. Sau bao năm sống cuộc đời nhạc công đường phố với bao khổ cực đói khát, cuối cùng Remi cũng đoàn tụ cùng gia đình. Cuốn tiểu thuyết thiếu nhi này có tính giáo dục rất cao và đầy tính nhân văn, đã từng được Nguyễn Đỗ Mục và Đào Hùng lược dịch từ bản Hán ngữ “Khổ Nhi Lưu Lãng Ký” với nhan đề Vô Gia Đình. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Hà Mai Anh đã dịch từ nguyên tác Pháp ngữ, với nhan đề Vô Gia Đình và được giải thưởng văn học thời bấy giờ. Tên con khỉ trong nguyên tác là Joli-Coeur và được dịch là Hảo Tâm rất sát nghĩa làm người đọc dễ hiểu; còn bản dịch Không Gia Đình (năm 1985) của Huỳnh Lý dưới thời XHCN lại dùng tiếng Tây bồi để dịch những tên nhân vật trong truyện, điển hình như con khỉ Joli-Coeur được gọi là “Giôlicơ” nghe thật chướng tai như thể văn phong (style) của bọn “tam đại bần cố nông!”

Con khỉ cũng hiện diện trong văn học Âu Mỹ: có tới vài chục cuốn truyện đề cập tới khỉ, vượn… sống chung với loài người vì chúng thông minh, lanh lợi… có thể giúp con người trong cuộc sống. Điển hình như bộ film Tarzan (đã có rất nhiều phiên bản khác nhau), người hùng rừng xanh đã bầu bạn với bầy khỉ và được chúng tận tình giúp đỡ chống lại bọn người da trắng tàn bạo muốn phá hoại môi trường.

Khỉ trong tiểu thuyết La Planète des Singes.- Năm 1963, văn sĩ Pháp Pierre Boulle đã viết cuốn truyện “Hành tinh của Khỉ” mang hình thức khoa học giả tưởng hơi có chiều hướng của Jonathan Swift (trong cuốn Gulliver’s Travel) để dự báo ngày suy tàn của nền văn minh nhân loại. Ký giả Pháp Ulysse Mérou cùng vài ba nhà du hành vũ trụ đã tình cờ đi lạc vào một hành tinh xa lạ mà ở đó chỉ hiện diện những con người câm lặng (không có khả năng ngôn ngữ) cứ thường xuyên bị săn đuổi, bị bắt bớ, bị giam cầm, bị đánh đập và tra tấn dã man, và nhất là bị bắt làm nô lệ bởi một tập thể vượn (apes) vốn có mực sống rất cao về tinh thần lẫn vật chất… Với tư cách một nhà báo, Ký giả Mérou đã len lỏi vào xã hội loài người hèn kém để tìm hiểu sự thật. Rồi Ông cũng vén được bức màn bí mật: vài ngàn năm trước kia, con người vốn là chủ nhân ông trên hành tinh này còn đám khỉ vượn chỉ là bầy gia súc. Con người văn minh tân tiến thời đó đã ngủ yên trên chiến thắng và an hưởng đủ mọi nhu cầu tiện nghi vật chất: cả ngày chỉ ăn uống thả dàn, chơi bời trác táng, bài bạc… mà không chịu làm việc vì cứ ỷ vào một nền văn minh tiên tiến có thể sai khiến những lũ súc vật làm việc thay cho con người. Đồng thời, con người lại quá dễ dãi và ưu ái với bầy khỉ vượn vì chúng là tay sai đắc lực. Trong lũ súc vật, chỉ có loài khỉ và vượn biết cách vươn lên từ khó khăn: siêng năng học hành, mải mê trau dồi kiến thức, chăm chỉ làm việc… Cuối cùng, con người chỉ còn biết trông vào bầy súc vật từ miếng cơm cho tới manh áo… nên dần dần trở nên bạc nhược không còn ý chí tiến thủ nữa… để cuối cùng trở thành đồ vô tích sự. Trong khi đó thì bầy khỉ & vượn đã liên tục cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức, làm việc cật lực … để cuối cùng trở nên những chủ nhân ông trên hành tinh này. Đây là xã hội văn minh và tân tiến nên không có tình trạng ăn mày, ăn xin, ăn nhờ ở đậu… mà chỉ cần những công nhân siêng năng làm việc trong những cơ xưởng, xí nghiệp… của những chủ nhân là bầy khỉ vượn. Bầy khỉ vượn có đầu óc rất thực tế: có ăn thì phải có làm và chẳng ai có thể ăn không ngồi rồi. Từ đó đưa đến tình trạng thiếu thợ thuyền, thiếu người ăn kẻ ở… và lẽ tất nhiên con người đã bị guồng máy văn minh truy lùng săn bắt để làm nô lệ cho bầy khỉ vượn. Nếu con người phản kháng, sẽ bị giết liền tại chỗ… Hình như Tác giả muốn nhắn nhủ độc giả rằng sự thông minh của loài người chưa phải là yếu tố bất di bất dịch vì nếu con người không chuyên cần học hỏi và siêng năng lao động thì dễ bị tụt hậu đưa đến những hậu hoạn khó lường.

Cuốn tiểu thuyết trên đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, điển hình như bản Anh ngữ là: Planet of the Apes. Sau đó, tiểu thuyết này cũng được dàn dựng thành phim rất ăn khách. Thừa thắng xông lên, Tác giả đã liên tục viết những truyện kế tiếp và sau đó được dịch ra Anh ngữ như: Beneath the Planet of the Apes (Bên dưới Hành tinh Vượn), Escape from the Planet of the Apes (Thoát khỏi Hành tinh Vượn), Conquest of the Planet of the Apes (Chinh phục Hành tinh Vượn), Battle for the Planet of the Apes (Cuộc chiến vì Hành tinh Vượn), Rise of the Planet of the Apes (Sự trỗi dậy của Hành tinh Vượn), Dawn of the Planet of the Apes (Bình minh của Hành tinh Vượn)… Những tiểu thuyết trên rất ăn khách nên cũng được quay thành film với những nhan đề trên…

Khỉ đột King Kong.- Đó là tên một ác thú khổng lồ, thuộc loài Khỉ đột, được hư cấu trong nhiều truyện tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, rồi sau đó một số tác phẩm ăn khách được dàn dựng thành phim… Bộ phim King Kong nổi tiếng thế giới năm 1933, rồi sau đó lại được quay lại do đạo diễn khác vào những năm 1976 và 2005. Con quái thú khổng lồ King Kong sinh sống trên Đảo Đầu Lâu (Skull Island) trong Ấn Độ Dương và được cư dân sở tại thờ cúng như một thần thú ăn thịt. Một đoàn làm phim từ New York đã đi tàu thủy tới đây với hy vọng sẽ có nhiều cơ hội quay được những con thú huyền bí cùng những cảnh hoang dã ngoạn mục. Nữ diễn viên Ann Darrow xinh đẹp bị đám thổ dân bạo tàn và ngu muội bắt cóc để đem ra tế thần King Kong. Con Khỉ đột không ăn thịt Ann mà còn thích thú và yêu mến nàng. Đạo diễn Carl Denham nhân cơ hội đó bẫy nó đem về New York để trưng bày trước công chúng nhằm quảng bá cho cuộn phim sắp chiếu. Song King Kong đã nổi loạn tàn phá những nơi nó đi qua để tìm kiếm nữ diễn viên nọ. King Kong chỉ thuần phục khi nhìn thấy người đẹp vẫn bình yên…

7. Khỉ/vượn trong triết học và khoa học

Loài khỉ được nhắc đến nhiều nhất là trong thuyết Tiến Hóa (Evolutionary Theory) của Charles Darwin (1809-1882). Thực sự, tư tưởng này đã được nhân loại ấp ủ từ lâu, nhưng Ông đã khoa học hóa và hệ thống hóa thuyết Tiến Hóa khiến nhiều bộ môn khoa học khác (như Sinh Học, Sinh Hóa Học, Cổ Sinh Vật Học, Nhân Chủng Học, Di Truyền Học, Khảo Cổ Học, Vật Lý Học, Vũ Trụ Học v.v…) đã công nhận tính xác thực và đặt làm nền tảng cho bộ môn của mình. Theo Ông, tất cả những loài vật đều tiến hóa dần dần theo thời gian (mà thời gian có thể là vài ngàn hay vài triệu năm) từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên (natural selection). Trong cuốn sách “Nguồn gốc Muôn loài” (The Origin of Species), Ông đã đưa ra một quan điểm mang tính cách mạng nói rằng tất cả những loài sinh vật – từ con kiến cho đến con voi – đều nằm trong vòng chọn lọc của tự nhiên; rằng loài người có cùng chung một cơ chế vận hành căn bản về di truyền với tất cả những chủng loại khác, định hình bởi những lực tiến hóa. Những con vật thích nghi với tự nhiên sẽ tồn tại; còn những con vật không thích nghi với môi trường thiên nhiên sẽ bị đào thải. Giáo Hội La Mã và những tín đồ Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, Do Thái và sau này Hồi giáo đã gần như phát khùng qua cuốn sách trên vì từ xưa tới nay họ chỉ tin rằng “Con người do Thượng đế tạo ra nên rất siêu đẳng, độc nhất vô nhị.” Sau này, nhờ khoa học mà chúng ta hiểu được những kết quả nghiên cứu về “bộ gen” của những loài khỉ như vượn (không đuôi rất giống người = ape), khỉ đột (gorilla), đười ươi (orangutan)… thì chúng ta thấy rằng “bộ gen” của người và “bộ gen” của vượn đã y hệt (identical) nhau tới mức 99%. Rồi từ đó, qua những công trình khảo cổ, chúng ta được biết rằng khoảng 5 triệu năm trước, nhánh loài người đã tách ra khỏi nhánh những con khỉ không đuôi (vượn) trên cái cây tiến hóa. Sau khi tách ra thành một nhánh riêng, loài người nguyên thủy tiến hóa dần dần thành động vật đi hai chân và phát triển thành giống dân da đen (bắt đầu ở Phi châu), mất đi lông trên người, và bộ óc lớn dần (vì chuyên ăn thịt) cho đến kích thước ngày nay… Chính vì thế, trong thuở đương thời, Tác giả của bộ sách vô tiền khoáng hậu “Nguồn gốc Muôn loài” đã trở thành kẻ tử thù không đội trời chung của Giáo hội La Mã, do vậy, Ông đã bị họ gọi đích danh là “hậu duệ của khỉ!” Và cũng kể từ đó, trong sách vở và báo chí thường nói rằng tổ tiên loài người là khỉ… Khi trả lời câu chất vấn của Giám mục Thiên Chúa giáo cuồng tín Wilberforce về nguồn gốc loài người là khỉ thì Khoa học gia Thomas Henry Huxley (triệt để ủng hộ thuyết Tiến Hóa của Darwin) đã công khai thừa nhận bằng câu: “I unhesitatingly affirm my preference for the ape. = tôi không do dự mà khẳng định là tôi sẽ chọn con khỉ.)

Một số khoa học gia Tây phương đã từng đưa ra giả thuyết “xưa kia người Trung Hoa đã từ Tây phương thiên cư tới mảnh đất Hoa lục.” Theo công cuộc nghiên cứu này, tổ tiên xa xưa của người Tàu không phải là cư dân đích thực trên mảnh đất Hoa lục, mà là đã di chuyển từ phương Tây tới. Ngụ ý của họ là: “Tổ tiên của người Hoa không hề sinh sống trên mảnh đất Hoa lục, do vậy, đám hậu duệ người Hoa nên trở về Tây phương để mà nhận lại tổ tiên.” Từ đó suy rộng ra, thì những chuyện từ Chiến tranh Nha phiến đến những cuộc xâm lược của Bát Quốc Liên Quân tiến đánh nước Tàu về thời Mãn Thanh, xâm chiếm đất đai của người Tàu, mở Tô giới hoặc Nhượng địa ở Hoa lục, phân chia địa giới và phạm vi thế lực… cũng là chuyện đương nhiên và thường tình vì người Hoa vốn là hậu duệ của người Tây phương đã từng di chuyển sang mảnh đất Hoa lục để cư trú từ hàng vạn năm trước; do vậy, người Tây phương thời cận đại cũng có thể tới Trung Hoa làm thực dân như tổ tiên của họ đã từng thực hiện cách đây vài vạn năm trước… Sau khi theo đoàn khảo cổ đi khai quật trên núi Long Cốt Sơn thuộc Chu Khẩu Điếm ở tây nam Bắc Kinh, Khoa học gia trẻ tuổi Bùi Văn Trung đã phát hiện một hóa thạch sọ người vượn còn nguyên vẹn vào ngày 2.12.1929. Sau khi đã giám định bằng phương pháp cổ địa từ, những chuyên gia đều cho rằng “người vượn này sống vào thời viễn cổ cách nay khoảng 5 chục vạn năm, gần với Người vượn Java phát hiện ở Indonesia và Người vượn Heidelberg phát hiện ở Châu Âu.” Về sau, giới khoa học và khảo cổ đã đặt tên là “Người vượn Bắc Kinh = Homo erectus pekinensis,” hoặc là “chủng Bắc Kinh Người vượn Trung quốc.”… Cuối cùng, sự phát hiện này đã giải tỏa những nỗi ấm ức của người Hoa xưa kia khi bị coi là hậu duệ của người Tây phương: hóa thạch sọ Người vượn Bắc Kinh đã là một minh chứng hùng hồn rằng: “Tổ tiên xa xưa của người Hoa đã sinh sống trên mảnh đất Hoa lục từ thời viễn cổ cách nay 5 chục vạn năm. Người Tàu chính là người Trung Hoa, chứ không phải là hậu duệ của người Tây phương.”

Theo Viện Gallup, gần 80% người Ireland và Đan Mạch tin tưởng Thuyết Tiến Hóa, trong khi chỉ có 40% người Mỹ và 25% người Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng học thuyết của Darwin!

8. Khỉ trong võ học

Đông Y cho rằng sự tuần hoàn của khí huyết trong châu thân là cội nguồn của sức khỏe. Sự lưu thông khí huyết trong cơ thể con người được gọi là “chính khí.” Do vậy, họ mới nghĩ rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can” (Chính khí vững mạnh bên trong cơ thể thì tà khí bên ngoài không thể xâm hại được). Từ đó, họ suy ra rằng “thống, tắc bất thông; thông, tắc bất thống” (nếu đau nhức, bệnh hoạn là do khí huyết bị bế tắc không tuần hoàn được trong cơ thể; nếu khí huyết lưu thông dễ dàng thì không bị đau nhức và cũng không bị tật bệnh). Do những lý do trên, Thần y Hoa Đà đã mô phỏng những động tác của “ngũ cầm” (năm loại cầm thú như chim, khỉ, hổ, báo…) trong điều kiện sinh tồn nơi hoang dã, như săn mồi, chạy, nhảy, đi, đứng… để sáng tác nên khoa vận động cơ thể “Ngũ cầm hý” để giúp khí huyết dễ dàng lưu thông. Sau này, người ta đã dựa theo lý thuyết trên để sáng tạo nên những phương pháp rèn luyện thân thể và khí lực và gọi bằng tên Bát Đoạn Cẩm… Một số võ sư Trung Hoa đã nhận thấy rằng loài khỉ, tuy nhỏ bé mà vẫn sinh tồn được trong rừng rậm đầy cọp, beo, rắn, rết… nên họ đã tìm tòi và mô phỏng một số động tác của loài khỉ để sáng tạo bài “Hầu Quyền” (猴 拳 hóu quán = monkey fist martial martial art) gồm những động tác sinh tồn của loài khỉ, nhưng khi được ứng dụng có thể khiến người ta đủ sức tự vệ hay tấn công kẻ thù bằng tay chân không.

Ngay tại miền Trung trong thập niên 60 đã từng xuất hiện Võ phái Thần Quyền tôn xưng Tề Thiên Đại Thánh làm Tổ sư. Để được thụ nghiệp buổi đầu tiên, Đệ tử phải chay tịnh trong vài ngày, rồi đứng im lìm trang nghiêm trước bàn thờ, còn người truyền nghệ thắp nhang khấn bái rì rầm (hình như lời khấn bái có nhắc tới tên Tề Thiên Đại Thánh). Vài phút sau, người truyền nghệ vừa cầm nhang cháy đỏ vừa quay vòng những cây nhang quanh đầu đệ tử trong khi miệng không ngớt khấn vái thì thầm. Nếu ứng nghiệm, sau khi nhang vừa tàn độ vài ba phút, Đệ tử nọ liền lúc lắc đầu, lắc lư thân mình như thể đang bị một thế lực thần bí nhập vào trong người, rồi lập tức hoa quyền, vung tay đấm và chân đá lung tung hoặc nhảy múa huỳnh huỵch bằng những động tác mạnh mẽ như võ sĩ đang tỉ đấu trên võ đài. Đệ tử này chỉ múa quyền độ 5 phút, rồi sau đó ngưng và ngồi xuống thở dốc. Tôi đã từng mục kích chuyện trên và cũng rất kinh ngạc vì Đệ tử đó chưa từng học qua bất kỳ một môn võ nghệ nào (tức Judo, Boxe, Tae Kwan Do, Karaté…). Những thế võ Thần Quyền trông na ná như những động tác của loài khỉ đang sinh hoạt trong rừng: leo, trèo, chạy, nhảy, cầm, nắm, túm…

9. Khỉ trong âm lịch, bói toán, tử vi

Tử vi Tây phương dùng 12 con vật tượng trưng cho 12 tháng trong năm; thí dụ: Bảo Bình (Aquarius từ ngày 12.1 đến 19.2), Hổ Cáp (Scorpio từ ngày 24.10 đến 22.11)… Nhưng Tử vi và Lịch của Đông phương chỉ dùng tạm danh xưng của 12 con vật (chuột = Tí, trâu = Sửu, cọp = Dần, mèo = Mão, rồng = Thìn, rắn = Tị, ngựa = Ngọ, dê = Mùi, khỉ = Thân, gà = Dậu, chó = Tuất và heo/lợn = Hợi) để đặt tên cho giờ (Âm lịch cho 1 ngày đêm có 12 giờ, tương đương với 24 giờ Dương lịch, nên giờ mang tên mỗi tên con vật dài 2 tiếng đồng hồ), ngày, tháng và năm. Có lẽ vì thiếu chữ, nên trong lịch và tử vi Đông phương phải đành mượn tạm tên của 12 con vật. Trong những Từ điển Hán ngữ (cũ như Khang Hy, Từ Hải, Từ Nguyên… và mới như Từ Vựng của Lục Sư Thành cùng những từ điển Hán ngữ điện tử được thượng tải lên Internet như: Pleco Basic Chinese-English Dictionary v. 2.2.6 for iPhone, iCED v. 3.1.1 for iPhone, KT Dict C-E v. 1.8 for iPhone…) đều nhất trí rằng tên của Địa Chi – từ Tí tới Hợi – đều không phải là biểu tượng của con vật là chuột, tức Tí, trâu tức Sửu… mà chỉ là từ biểu thị số thứ tự từ 1 tới 12 trong Địa Chi. Tôi xin tạm trích dẫn trong từ điển trên như sau. 1. Tí (zi) là ngôi/vị trí/thứ tự thứ 1 của Địa Chi (trong 12 chữ số thứ tự); 2. Sửu (chou) là ngôi/vị trí/thứ tự thứ 2; 3. Dần (yín) là thứ tự thứ 3; 4. Mão (mao) là ngôi vị thứ 4; 5. Thìn (chén) là ngôi vị thứ 5; 6. Tị (sì) là vị thứ 6; 7. Ngọ (wu) là vị trí thứ 7; 8. Mùi (wèi) là vị trí thứ 8; 9. Thân (shen) là vị trí thứ 9; 10. Dậu (you) là vị trí thứ 10; 11. Tuất (xu) là vị trí thứ 11; 12. Hợi (hài) là vị trí 12 (cuối cùng). Tóm lại, 12 chữ Nho trên từ Tí tới Hợi chỉ có 1 nghĩa duy nhất là số chỉ thứ tự.

Dù chỉ là số chỉ thứ tự của Thập nhị Địa chi, những danh xưng của những con vật này đều được dùng để gọi tên những năm, tháng, ngày và giờ trong Âm lịch, bói toán, tử vi, kỳ môn độn giáp… của khoa học huyền bí Đông phương. Bói toán cũng thường nói số mệnh của đương số tuổi Nhâm Tý thì thế này thế nọ, số của tuổi Bính Dần thì thế này thế kia; hoặc là tuổi Ngọ thì đầu năm phải xuất hành về phương Đông, tuổi Canh Tí phải kiêng kị ra sao… Nguyễn Bỉnh Khiêm trong trước tác Sấm Trạng Trình đã từng tiên đoán giai đoạn thái bình và loạn lạc qua hai câu thơ sau:
Mã đề, dương cước, anh hùng tận;
Thân, dậu niên lai kiến thái bình.
Hai câu thơ trên đã làm điên đầu biết bao nhà bói toán và tử vi khi họ muốn biết vận mạng đất nước. Chỉ khi chuyện đã rồi thì người ta mới thấy Sấm Trạng Trình ứng nghiệm. Hình như 2 câu thơ trên ứng nghiệm vào quãng thời gian từ năm 1965 tới 1969: “mã đề” ám chỉ năm Ngọ (tức Bính Ngọ = 1965), “dương cước” ám chỉ năm Mùi (tức Đinh Mùi = 1966), “thân” ám chỉ năm Mậu Thân (1968) và “dậu” ám chỉ năm Kỷ Dậu (1969). Người ta giải thích rằng cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 1960 tại miền Nam Việt Nam, rồi tình hình leo thang: Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam và Hoa Kỳ gửi quân tham chiến lên tới hơn 500.000 người, số bom đạn trút lên miền Nam trong hơn chục năm trời gần gấp đôi số bom đạn Mỹ dùng cho kỳ Đệ Nhị Thế Chiến tại châu Âu, quân lính tham chiến bị tử thương hơn triệu người, nhiều tướng lãnh tử trận… nhưng qua vụ Tết Mậu Thân (1968) thì tình hình chính trị tương đối ổn định trong những năm về sau này… Sấm Trạng Trình cũng có hai câu làm điên đầu mọi người:
Đói năm Khỉ, năm Chó;
Ăn no đủ năm Heo.
Năm “khỉ”, tức Thân, song không biết là Giáp Thân hay Bính Thân, hay Mậu Thân, hay Nhâm Thân? Năm “chó” tức Tuất, song không biết là gì Tuất (Giáp Tuất, Bính Tuất, Mậu Tuất…). Năm “heo” tức Hợi, song không biết là gì Hợi!

10. Khỉ trong Đông y và ẩm thực

Đông Y đã tận dụng mọi thứ hầm bà làng (động vật, thảo mộc, khoáng sản…) trong thiên nhiên để dùng làm thuốc men chữa trị bệnh tật. Ngay cả phế phẩm của con người cũng không bị bỏ quên: nhau thai (tử hà xa) của đàn bà đẻ được dùng làm thuốc bổ, kinh nguyệt (lần đầu của trinh nữ) được dùng là thuốc trị bệnh kinh giản, kinh xù. Tuy nhiên, chỉ có mỗi con khỉ là được loại ra khỏi tầm nhắm của Đông Y: cuốn Trung Dược Đại Từ Điển (một bộ 2 tập dày gần 3.000 trang) của Giang Tô Tân Y Học Viện, do nhà xuất bản Thượng Hải Khoa Học Kỹ Thuật ấn hành, cũng không hề đề cập tới chữ “hầu” hay “viên.” Có lẽ Tổ sư Y dược là Thần Nông đã coi loài khỉ là một linh vật, hay có liên hệ huyết thống với con người nên đã không nhẫn tâm nghiên cứu dược tính của loài kỉ, vì một khi nghiên cứu thì phải giết khỉ và mổ xẻ… rồi nấu nướng để nếm và thử. Rồi sau đó, những nhà dược học bên Tàu cũng noi theo mà quên bẵng loài khỉ. Ngay cả Danh y kiêm Y sư Lý Thời Trân cũng không đề cập tới dược tính của loài khỉ.
Nhưng khi Mãn Thanh thống trị nước Tàu thì con khỉ đã đi vào ngoại lai chiếm đất nước mình và gọi chúng là “rợ Mãn Thanh” vì văn hóa của chúng là ngoại lai, man di và tàn bạo. Hình như tầm ngắm của y học và ẩm thực. Người Hoa ái quốc luôn dè bỉu kẻtrong dân gian, người Tàu cũng đã từng thưởng thức món thịt khỉ vì nhiều vùng đất bên Tàu bị hạn hán, đói khổ, nội chiến liên miên… nên dân chúng phải ăn vỏ cây, rau cỏ, giết khỉ, chuột… để tránh cơn đói khát. Có lẽ vì thế họ mới nhận thấy thịt khỉ, xương khỉ… đều ích dụng cho con người. Có lẽ vì thế mà món khỉ mới được du nhập vào triều đình Mãn Thanh. Truyện kể rằng khi Bát Quốc Liên Quân xâu xé nước Tàu khiến Từ Hy Thái Hậu (nổi danh là Đệ nhất dâm phụ và tàn bạo) đã phải cầu hòa với Sứ thần 8 nước trong một bữa đại tiệc độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Hoa. Hình như thực đơn hồi đó có hơn chục món ăn độc đáo, song tôi chỉ còn nhớ được ba món, nên xin liệt kê như sau:

– Chân vịt: Thái Hậu ra lệnh chọn những con vịt béo tốt, rửa sạch sẽ rồi đặt lên một vỉ mà bên dưới là than hồng đỏ rực: vì nóng, vịt phải nhảy cẫng lên đến ngất xỉu. Sau đó, người ta chặt chân vịt đem vào nhà bếp chế biến món ăn. Người ta giải thích rằng những khí huyết bổ dưỡng của con vịt vì bị nóng đã dồn xuống đôi chân vịt.
Chuột nuôi bằng nhân sâm: Thái Hậu ra lệnh chọn những con chuột (đực và cái) khỏe mạnh và cho nuôi bằng nhân sâm hảo hạng và một số thực phẩm khác. Sau khi lũ chuột con được sinh ra thì lứa này được nuôi riêng chỉ ăn toàn nhân sâm hảo hạng. Cuối cùng lứa chuột này cũng đẻ ra một lứa chuột đời thứ ba: lứa chuột cuối cùng này trông mũm mĩm, trắng nõn giống củ nhân sâm. Thực khách chỉ cần cho vào miệng và nhai có hương vị giống nhân sâm mềm nhũn.
Óc khỉ: Thái Hậu ra lệnh chọn những con khỉ khỏe mạnh và nuôi chúng bằng những thức ăn bổ dưỡng. Thái Hậu chỉ chọn những con của những con khỉ này. Mỗi bàn của Sứ thần đều có một chiếc kệ đặc biệt, trong đó kìm kẹt chặt một con khỉ con trông rất béo tốt, song chỉ phần đầu và mặt con khỉ nhô lên. Sau đó, Chuyên viên ẩm thực Hoàng gia dùng một con dao đặc biệt phạt ngang trán con khỉ để lộ ra mảng óc trắng có những mạch máu đỏ trong khi con khỉ kêu gào chảy nước mắt rất tội nghiệp. Chuyên viên này liền dùng một chiếc môi múc hết óc của khỉ rồi nhúng vào nồi nước sôi sùng sục và sau đó Sứ thần có thể ăn liền óc khỉ.
Người ta kể rằng một vài vợ của Sứ thần gần như vô sinh và một vài Sứ thần mắc bệnh dương nuy nhưng sau bữa đại yến này thì vài tháng sau thấy kết quả liền: người thì mang thai và người thì khỏi bệnh bất lực.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì Chợ Lớn là nơi ăn chơi trác táng của những đại gia (thương gia và tham quan ô lại) và giới anh chị: nơi đây thường tổ chức “Nhất dạ đế vương” (một đêm hưởng lạc thú làm hoàng đế): ăn chơi trác táng như mặc hoàng bào, ngồi trên long sàng, dưới chân là vài ba mỹ nữ khỏa thân, nếu phải khạc nhổ thì mỹ nữ liền nằm xuống há miệng làm chiếc ống nhổ… Nhưng đặc biệt là món óc khỉ: cảnh tượng dùng dao phạt ngang đầu khỉ để múc óc khỉ y hệt như cảnh tượng trong bữa đại yến của Thái hậu Từ Hy vậy. Giá tiền cho một bữa “Nhất dạ đế vương” dành cho một thực khách là vài triệu đồng một bữa (tiền về thời đó được Ngân hàng Quốc gia bảo hành nên rất có giá: 1 USD chỉ tương đương 100 đ VN).

Nhưng ở Việt Nam chúng ta, nhất là sau năm 1975, người ta không còn làm được cao Ban Long (xương và sừng của hươu) vì núi rừng bị bom đạn cày nát không còn hươu nai nữa. Do vậy, dân nấu cao đành phải dùng xương khỉ thay thế vì khỉ là loài vật rất sẵn có. Bắt đầu từ đây, những cao Hổ cốt, cao Ban Long… đều được trộn lẫn với xương khỉ.
Kể từ đây, giới Y học Cổ truyền đã công bố dược tính cùng công năng trị liệu của những phần trong cơ thể con khỉ.
1. Xương Khỉ (chế biến giống như thủ tục nấu cao hổ cốt, Ban long).- Dược tính: bổ máu, bổ toàn thân, dùng cho phụ nữ trong những trường hợp biếng ăn, mất ngủ, thiếu máu, xanh xao vàng vọt; đặc trị tê thấp, đau lưng, đau bụng, nhức mỏi, đổ mồ hôi trộm. Ngoài ra, còn có thể làm nhuận da, chữa gân cốt co đau, dạ dày yếu, đi tiểu ra máu, kiết lị, táo bón…
2. Thịt Khỉ (toàn bộ con khỉ, trừ ruột, gan, dạ dày…) dùng để nấu cao toàn tính.- Dược tính: bổ toàn thân, dùng cho người suy nhược cơ thể, mất ngủ, thiếu máu, đổ mồ hôi trộm, phong thấp…
3. Máu Khỉ (Huyết lình = máu của Khỉ sau khi đẻ).- Dược tính: bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh, những người suy nhược cơ thể, mới ốm dậy, trẻ em gầy còm, chậm lớn, biếng ăn. Cách bào chế: ở vùng núi, vào mùa khỉ đẻ (tháng 6 – 7) thì tại những mỏm đá là nơi Khỉ hay ngồi sau khi đẻ có dính những mảng huyết đọng lại đã khô đen. Sau đó người ta cạo rồi bẻ thành miếng nhỏ, loại bỏ tạp chất, rác rưởi, phơi nắng hoặc sấy khô, cho vào lọ sạch, để nơi khô ráo. Khi dùng mới tán bột. Huyết lình đã chế biến có màu đen như bã cà phê, vị mặn, mùi tanh.
4. Óc Khỉ.- Dược tính: bồi bổ thần kinh, cường thận, đặc trị các bệnh tê bại liệt (có thể ăn hay hòa với rượu).
5. Mỡ Khỉ.- Dùng ngoài da: bôi xoa vào vết chàm (eczéma), hắc lào, ghẻ lở, mụn nhọt. Bôi kín các vết bỏng, vết thương làm mau lành, chóng lên da non. – Hòa với rượu, đun nóng: uống trị chứng đột cảm, trúng gió; xoa bóp chữa đau nhức gân cơ xương
6. Mật Khỉ.- Dùng ngoài da: bôi, xoa bóp vết bầm, tụ máu do bị ngã, bị thương – Phục dược: hòa loãng vào nước ấm tra chống đau mắt; uống chữa táo bón, kiết lỵ – Phơi khô, mài với nước lạnh uống đặc trị chảy máu cam ở trẻ em, vàng da…
7. Ruột Khỉ.- (phải làm sạch, ruột non đem xào cùng gừng, tỏi, xã, ớt, ruột già nhồi tiết khỉ trộn đỗ xanh ngâm bỏ vỏ, lá mơ tam thể, búp ổi nõn sung, đinh lăng băm nhỏ, đem hấp, luộc, nướng thành dồi). Dược tính: chữa bệnh đường ruột tích khí, đổ mồ hôi trộm, thiếu máu..
8. Tinh hoàn của Khỉ.- Dược tính: giúp tăng sinh lực, làm sáng mắt, dẻo gân cơ, đặc trị chứng suy thận và liệt dương (ngâm với rượu hay hòa với và vị thuốc khác).
9. Lông Khỉ.- Dược tính: cầm máu rất hữu hiệu (đốt thành than, tán bột, rắc chữa chốc đầu, mụn nhọt, lở loét). Thêm giấm hoặc rượu rồi đun nóng dùng để xoa bóp chân tay phù nề hoặc bó những chỗ sưng đau gân cốt.

11. Khỉ trong Sex

Chỉ có loài người là hiểu biết tam cương ngũ thường, còn súc vật – kể cả khỉ – cũng có đời sống tính dục theo bản năng, nghĩa là sự giao phối hỗn độn lung tung… Có thể trong thời kỳ phôi thai, khi con người còn ăn lông ở lỗ nên chuyện loạn luân đương nhiên là lẽ tự nhiên, nhưng vài ngàn năm sau, có thể một số người khôn ngoan nhận thấy sự quần hôn và hôn phối trong gia tộc với nhau đã sản sinh những hậu duệ tật nguyền, yếu đuối về thể xác lẫn tinh thần khiến gia tộc đó đã bị lụn bại. Do vậy, họ đã quyết định cấm hôn nhân đồng tộc, tức là con cháu phải kết hôn với những người thuộc gia tộc xa lạ thì hậu duệ mới mạnh khỏe và thông minh. Có lẽ vì thế họ mới ý thức được luân lý, đạo đức… để cuối cùng họ đã đề ra những qui định khắt khe về hôn nhân: cấm chuyện loạn luân. Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ, nhất là đối với vua chúa, vốn tự coi mình là “Thiên tử” phải đặc biệt khác người thường: bạo chúa Néron (37-68 BC) đã loạn luân với mẹ ruột, vua Tề Tương Công về thời Xuân Thu đã dâm loạn với em gái cùng cha khác mẹ là nàng Tề Văn Khương đến nỗi sát hại cả em rể là Lỗ Hoàn Công để có dịp tự do làm chuyện loạn luân. Điều đáng lưu ý là thời nhà Trần, Thái sư Trần Thủ Độ không muốn vương quyền lọt vào tay ngoại thích nên đã bắt con cháu phải kết hôn với người đồng tộc: kết quả là cô lấy cháu trai, anh lấy em gái họ. Chuyện này đã làm bao người trong cuộc dở khóc dở cười vì chuyện trái khoáy mà cuối cùng Nhà Trần cũng bị diệt vong vì con cháu suy đồi bại hoại… Mao Sếnh Sáng thời nay thấy hoa thơm thì bứng cả bụi: một nữ y tá thân tín trở thành người tình cho Lãnh tụ để giải quyết sinh lý trong nhiều năm, nhưng một hôm Lãnh tụ bắt gặp con gái người tình quá trẻ và đẹp nên ra lệnh phải vào phục vụ sinh lý… Vấn đề giao phối của những loài thú vật đều thuần bản năng: ở những loài gia súc như gà thì con gà trống được coi là bậc trưởng thượng có thể “đạp mái” bất cứ con gà mái mẹ hay gà mái tơ; ở loài khỉ hay vượn thì con đầu đàn có quyền giao phối với bất kỳ con mái, dù lớn hay nhỏ, mà những con đực yếu thế chỉ rình cơ hội sơ hở của con đầu đàn để “tập kích lén” con mái. Loài chó, heo… – tuy không có con đầu đàn – cũng tự nhiên giao phối với bất kỳ con mái lớn hay nhỏ. Chính vì loài thú vật làm tình theo bản năng nên những Tình thư (Tố Nữ Kinh, Huyền Nữ Kinh…) hoặc những truyện Liêu Trai Chí Dị (của Bồ Tùng Linh) và Truyền Kỳ Mạn Lục (của Nguyễn Dữ) đều coi những con vật như khỉ, vượn, ngựa, chồn, cáo… có năng lực tình dục rất mạnh và cũng am hiểu những tư thế làm tình (sex positions) rất khác xa với tư thế làm tình đơn thuần của con người. Điển hình như cuốn Tố Nữ Kinh đã mô tả một tư thế làm tình độc đáo là “Ngâm viên bão thụ” (吟 猿 抱 树 = yín yuán bào shù = con vượn rên rỉ ôm chặt lấy cái cây): tư thế 27/30 (trong Tam thập thức) làm Nữ nhân khi ôm cứng lấy Nam nhân trông hơi giống con vượn ôm cứng lấy một thân cây. Chuyên viên tình dục Huyền Nữ trong Tố Nữ Kinh cũng liệt kê 9 kỹ thuật làm tình có thể chữa trị bệnh tật của nam và nữ: 1. Long phiên (龙 翻 = lóng fān = rồng trở mình); 2. Hổ bộ (虎 步 = hū bù = bước chân của hổ); 3. Viên đoàn (猿 摶 = yuán tuán = con vượn cuộn tròn); 4. Thiền phụ (蝉 附 = chán fù = con ve sầu áp sát vào); 5. Quy đằng (龟驣 = guī xiáng = rùa vọt lên); 6. Phượng tường (鳯 翔 = fèng téng = chim phượng bay lượn); 7. Thỏ suyết hào (兔 啜 毫 = tù chuò háo = thỏ mút lông đuôi dài); 8. Ngư tiếp lân (鱼 接 鳞 = yú jiē lín = cá nối vẩy cá); 9. Hạc giao cảnh (鹤 交 颈 = hè jiāo gěng = hạc bá cổ nhau)…
Tóm lại, danh từ “khỉ” (hầu) hay “vượn” (viên) đã hiện diện rất nhiều trong những bộ môn đã nêu trên. Ngoài ra, với người Việt thì “khỉ” hàm ý xấu xa, bại hoại, thí dụ “giở trò khỉ” để ám chỉ một hành vi, cử chỉ ma bùn, dâm dật đáng chê trách. Trái lại, danh từ “viên” trong Hán ngữ lại không có ý chê trách. Những Đạo sĩ Lão giáo (Taoist) đều nhất mực tin rằng loài vượn (viên = yuán) có thể sống lâu vài trăm năm và có thể tu luyện đắc đạo biến hành người. Học giả Hán ngữ Robert Van Gulik, đã sống nhiều năm bên Tàu nên rất uyên thâm văn hóa cổ của người Tàu xưa kia (mà theo thiển ý, có thể Ông đã hơn hẳn những học giả Việt của chúng ta như Lê Quý Đôn và Phan Bội Châu), đã để lại cho đời nhiều tác phẩm đề cập tới nền văn hóa xứ này: Ông coi “viên” như một bậc “quân tử” (jǔn jǐ, nobble gibbon) trong bầy khỉ.
Saigon, ngày 5.12.2015
P. Kim Long
Email: pklong9@gmail.com