Category Archives: Truyện Kiếm Hiệp

Coi mới biết mình đẹp trai, tài giỏi, anh hùng, và có nhiều người yêu

TRUYỆN CHƯỞNG ƯU ĐÀM HOA

TRUYỆN CHƯỞNG ƯU ĐÀM HOA
Tác giả: P. Kim Long

Đa số những truyện chưởng đều do người Hoa viết (chẳng hạn như Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Ngọa Long Sinh…) rồi sau đó một số dịch giả người Việt chuyển ngữ lại, chẳng hạn như Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng (Tiền Phong, Xìn Phóng), Nguyễn Duy Chính, Vũ Đức Sao Biển…; nhưng với những tác phẩm của Ưu Đàm Hoa thì tôi không thấy đề tên dịch giả. Vốn ít đọc truyện chưởng và chẳng bao giờ mua truyện dịch (trước và sau năm1975) nên tôi không biết truyện chưởng của Ưu Đàm Hoa có xuất hiện trước năm 1975 hay không. Tôi chỉ thực sự biết đến tên Ưu Đàm Hoa do nhu cầu phải download một số truyện thuộc dạng prc hay mobi để đọc trên smartphone. Song đa số những truyện loại này (chưởng, kiếm hiệp, tiên hiệp, sắc hiệp, lãng mạn, tình cảm, trinh thám, khoa học giả tưởng, sex…) một khi được upload lên Internet thì đều được biên dịch một cách cẩu thả và có nhiều lỗi ngớ ngẩn làm độc giả phải bực mình: lỗi chính tả (thí dụ: mang mác, nghành, phản phất…; nếu là người Bắc 75 lại thì thường nói “ngọng,” chẳng hạn như: “tôi đói nắm, tôi ăn rất lo”), không viết hoa những nhân danh và địa danh (thí dụ: lão tử, nam kinh…), không chấm câu rõ ràng, không xuống dòng ở những đoạn cần thiết, câu văn dài dòng lê thê, không ngắt câu xuống hàng khi câu đó là câu đàm thoại (direct speech) lại được viết ngay sau câu không phải đàm thoại, hoặc câu đàm thoại của người này lại viết chung một dòng với câu đàm thoại của người kia…
Tôi cũng không biết lỗi về phần ai, song tôi nghĩ chắc lỗi do người nhập dữ liệu (vì vội, không chịu đọc lại, hoặc giả họ dùng máy dịch thuật, tức là nhờ trình dịch thuật của Google). Theo tôi, những lỗi trên nếu được khắc phục, chắc những truyện chưởng đề tên Ưu Đàm Hoa sẽ là tuyệt phẩm vì Tác giả mô tả, đề cập… đến những nét văn hóa cổ của Trung Hoa và Việt Nam, những phong tục, tập quán… của hai dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, vì đó là truyện chưởng nên tất phải có những cảnh luyện nội công, bị tẩu hỏa nhập ma, tập quyền cước, vũ lộng đại đao, múa kiếm, phóng ám khí, đấm đá, vung chưởng ì xèo, phun độc khí cùng những cảnh máu chảy thịt rơi. Ngoài ra, cũng như những truyện chưởng khác, kết thúc “có hậu” (happy end) luôn luôn được thể hiện trong truyện của Ưu Đàm Hoa. Nhưng dù sao, tôi vẫn khoái Ưu tiên sinh hơn Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh… vì những lý do sau đây.

1. Thi ca
Có vẻ Ưu Đàm Hoa rất thích trích dẫn thi phú: dù truyện của Ưu tiên sinh chỉ dài bằng 1/3 hay 1/5 so với truyện của Kim Dung, song những nhân vật trong truyện lại thích ngâm vịnh những bài Đường thi của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị … Chẳng hạn truyện Hiệp Khách Hành (của Kim Dung) chỉ nêu 1 bài thơ Hiệp Khách Hành của Lý Bạch ở đầu truyện và Ỷ Thiên Đồ Long Ký cũng chỉ mở đầu bằng bài từ Vô Tục Niệm của Khưu Xứ Cơ (đạo hiệu Trường Xuân là một trong Thất Tử của Toàn Chân Giáo) ca tụng vẻ đẹp thánh thiện của Tiểu Long Nữ, hoặc cho nhân vật Quách Tường nghêu ngao một vài câu thơ hoài niệm khi rong ruổi ngựa đi tìm vợ chồng Dương Quá và Tiểu Long Nữ; trái lại, Ưu Đàm Hoa lại luôn luôn trích dẫn thi ca của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Hàn… mỗi khi “người hùng” đi tới một địa danh nào đó, thí dụ như Nam Kinh, Tô Châu, đền đài, lăng tẩm, chùa Thiếu Lâm… Sau mỗi bài thơ nguyên tác lại có bài thơ lược dịch. Có vẻ Tác giả là một nhà cuồng thơ ca, y như Bùi Giáng vậy: đi đứng cũng ra thơ… ; do vậy, những truyện chưởng này rất thích hợp cho những độc giả thích thi phú của Trung Hoa cổ đại.
2. Văn hóa & tôn giáo
Tác giả cũng nói rõ về văn hóa cổ cũng như tôn giáo của hai dân tộc Hoa và Việt. Tuy Tam giáo (Khổng, Phật, Lão) cùng hiện diện trên đất nước Tàu, song dân chúng đều theo cả ba tôn giáo một lúc: khi trẻ thì theo Khổng (học hành, thi cử, làm nghề văn hay võ…), khi về già (nhất là thất bại trong việc tìm kiếm công danh, mưu cầu phú quý…) thì lại theo Lão Trang, khi gần đất xa trời thì lại theo Phật (để ăn năn xám hối, hoặc để tránh họa hoạn trong kiếp lai sinh). Song đa số thường chạy theo nghi lễ của Đạo giáo (tức là một biến thể của đạo Lão): họ tin rằng, nếu người chết không chịu cúng tế, không mời Đạo sĩ tới làm ma chay, tụng niệm, đọc thần chú, làm bùa phép, đốt vàng mã… thì người chết sẽ bị tai kiếp dưới địa ngục, còn thân nhân sẽ gặp xui xẻo… dù Phật giáo luôn chủ trương không mê tín dị đoan và không đốt vàng mã. Do vậy, ma chay là một dịp tang gia tốn rất nhiều tiền bạc cho bọn Đạo sĩ. Như vậy, tục ma chay của người Hoa và Việt hơi khác nhau: người Hoa theo Đạo giáo, còn người Việt theo đạo Phật hay Ông Bà nên đỡ tốn kém và bớt phiền hà. Nhân vật Đặng Trinh Tâm, khi sống bên Tàu, đã phổ biến văn hóa của người Giao Chỉ bằng cách theo chế độ nam nữ bình quyền (vốn là đặc điểm của chế độ “mẫu hệ” của xứ sở Giao Châu), do vậy, người chồng, dù là Hoa chính gốc, cũng phải cùng vợ mưu sinh và không vợ nọ con kia.

3. Phong tục & tập quán
Tác giả nói về tục nhuộm răng của người Giao Châu (Giao Chỉ, An Nam) hiện sinh sống ở bên Tàu về thời nhà Minh vì họ là tù binh bị bọn Trương Phụ bắt về Tàu sau khi Hồ Quý Ly đầu hàng nhà Minh và nhất là hậu duệ của nhà Trần (như Trần Quý Khoách) khởi binh bị thua trận nên đàn ông (bất kể trí thức hay thợ thuyền) đều phải làm nô dịch còn phụ nữ thì là nô tỳ, tôi đòi cho đám công hầu khanh tướng bên Tàu. Do vậy, những tù binh (nam và nữ) thế hệ thứ nhất đều nhuộm răng đen, còn thế hệ thứ hai trở đi không còn nhuộm răng đen nữa vì họ gần như bị đồng hóa với dân bản địa. Một số tù binh nam vì một lý do đặc biệt đã mua được tự do, đã ra ngoài sinh sống bằng nghề buôn bán (bán cháo lòng, làm thịt chó vốn là những món mà người Tàu chưa hề biết) nên vẫn đùm bọc lẫn nhau.

4. Ẩm thực & y dược
Tác giả nói rằng thuở đó bên Tàu (về thời Nhà Minh) dân chúng không biết món “mộc tồn” (thịt chó) do vậy, khi đám tù binh Giao Châu bị bắt về Tàu để làm nô bộc, thợ thuyền… đã phổ biến món thịt cầy này. Một số tù binh nữ đã lấy chồng là người Hoa đều được ra ngoài sinh sống nên có thể làm nghề bán thịt chó và cháo lòng… vì ở bên Tàu từ thời xa xưa đã không hề có mon này. Dân Giao Chỉ đã biết kết hợp thịt chó với lá mơ tam thể để tăng thêm hương vị đậm đà cho món thịt chó, song người Tàu lại gọi là “trung tiện diệp” (lá có mùi thối như mùi rắm mà người Nam gọi là “lá thối địt”). Ngoài ra, hàng năm Nhà Lê phải cống hiến 2 tượng vàng (to bằng người thật) để chuộc lỗi đã giết tướng Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, một số ngọc ngà châu báu, vải vóc tơ lụa cùng một số “chất xám” (tức Nho sĩ, thợ thuyền có tay nghề cao…) để mẫu quốc kìm hãm sự phát triển của thuộc quốc. Chính những chất xám này đã làm vẻ vang cho nước Tàu về sau này. Cháu thúc bá của Đặng Dung, vốn là con trai của hai dòng máu Hoa và Việt, đã chữa khỏi chứng bệnh bất lực của Hoàng đế Tàu đang trong tuổi thanh xuân bằng “bát bảo” (tám vị thuốc) hầm với “hắc cẩu” (chó mực). Trong thời gian lánh nạn bên Tàu và sống với chồng con, Đặng Trinh Tâm đã làm “đại phu” (thày thuốc) trị liệu cho người Hoa lẫn Giao Chỉ, song Bà thường xuyên trị liệu từ thiện cho bệnh nhân nghèo khó bất kể sắc tộc nên được mọi người kính phục mà coi như một nữ Bồ Tát. Trong nhiều truyện chưởng (Bích Nhãn Thần Quân, Sơn Quỷ…) của Ưu tiên sinh thường đề cập tới món ăn khoái khẩu của Bang Chủ cùng những Trưởng Lão là “thịt cầy” vì đám ăn mày không dư giả tiền bạc nên chỉ có thể mua nổi chó để chế biến làm 5 món dựa mận khác nhau. Ngoài ra, giới giang hồ võ lâm thường mang theo đồ ăn mỗi khi lỡ độ đường giữa rừng sâu không quán xá, hoặc để thết đãi nhau. Đồ ăn này là: khô bò, khô nai, khô mực, thịt trâu luộc và lạp sường. Trong truyện chưởng thường đề cập tới món ăn “xách tay” (như Fast food, Hamburger thời nay), đó là bánh bao, tức màn thầu (nhân thịt hay chay) của giới giang hồ thường mang theo khi không gặp hàng quán.
Giới giang hồ (nam hay nữ) thường uống rượu như hũ chìm. Tên loại rượu nổi tiếng là Thiệu Hưng, rượu Phần Sơn Tây (còn Kim Dung lại nói là Nữ Nhi Hồng). Song tôi rất ngạc nhiên về tửu lượng của họ: họ coi rượu như nước lã; do vậy, tôi nghĩ rượu về thời đó chắc độ cồn không nặng lắm: chỉ độ dưới 10 độ (bia 33 là 8 độ), còn Wisky hay Vodka là 40 độ. Nếu độ cồn nặng (như Alcohol trong y khoa dùng làm chất sát trùng là 90 độ) thì họ đã cháy ruột rồi. Do vậy, rượu về thời đó chắc nhẹ như rượu trái cây bây giờ (quãng 5 tới 10 độ). Ngoài ra, trong truyện không dùng đơn vị đo lường chất lỏng là “đẩu” (dou = 10 sheng) hoặc “thăng” (sheng = lít bây giờ) mà lại dùng “cân” (jin) vốn là đơn vị về trọng lượng tương đương với ½ ký bây giờ. Do vậy, tôi đoán là ngày xưa người ta đổ rượu vào bình, rồi cân đúng 1 cân (½ ký bây giờ) để tính tiền.
(Xem tiếp trang 2)

Thiên nhai hiệp lữ, chương 2

Thiên Nhai Hiệp Lữ
Nguyên tác: NGỌA LONG SINH
Dịch thuật: P. Kim Long

Quyển 1

Chương 2

Lâm Hàn Thanh ngẩng đầu lên trời, hít một hơi dài, đoạn nói:
– Trời xanh không có mắt, sao chẳng giúp người tài.
Tố Mai nói một cách u oán:
– Cứ theo cách nhận xét tình thế hiện nay của bọn tiểu tì thì hình như cô nương hiểu rất rõ căn bệnh, lại biết rành cách chữa trị. Song cô nương lại chẳng chịu tự chữa cho mình. Bọn tiểu tì có
miệng mà không biết nói gì nên trong lòng rất kinh sợ. May sao trời xanh run rủi, hiện giờ tướng công đã tới. Khi nào gặp mặt, xin tướng công tìm lời khuyên nhủ. Đó là tướng công đã ban ân cho bọn tiểu tì.
– Các cô không nên khách sáo, tại hạ xin hết sức.
Lúc đó chiếc khoái thuyền đã đi vào giữa hồ, mũi thuyền đôi lúc nhô lên hụp xuống, tuy sóng chẳng bì được với nơi trường giang đại hải, nhưng nước vẫn bắn lên tung toé, làm ướt cả khăn trùm
mặt của Lâm Hàn Thanh. Tố Mai thấy thế cười khì một tiếng, rồi nói:
– Tướng công vì sao phải dùng khăn lụa này?
Lâm Hàn Thanh ho lên một tiếng, gượng cười, rồi nói:
– Cũng chẳng có chi bí ẩn. Nhân chỉ vì không được thư thái mà thôi.
Tố Mai sắc mặt vẫn tự nhiên vui vẻ, nói:
– Cô nương quả thật có tài tiên tri, đã dặn trước bọn tiểu tì tướng công thế nào cũng có khăn trùm mặt. Vì thế vừa rồi tướng công chỉ mới hiện thân, tiểu tì chẳng cần hỏi han đã biết ngay là ai rồi.
Chàng nghĩ thầm: “Ngay giữa ban ngày, mình có khuôn mặt xấu xí nếu không che phủ hẳn sẽ làm nhiều người kinh hãi. Nhưng Bạch cô nương này tâm cơ thận mật, đã dặn bảo thị tì mọi điều trước rồi, nên lời đối thoại cùng sắc diện của Tố Mai mới tự nhiên như thế.“
Nghĩ vậy chàng liền đáp:
– Bạch cô nương liệu việc như thần. Tại hạ xưa nay vẫn kính phục.
Khoái thuyền đi như tên bắn, phá vỡ những làn sóng mà bay tới trước. Chành quay đầu lại, chỉ thấy sóng nước tiếp tiếp nhau, mặt Thái Hồ mênh mông không nhìn ra bến bờ đâu cả. Thấy Tố Mai vẫn ra sức chèo thuyền, chàng không dằn nổi háo kỳ, đành cất tiếng hỏi:
– Cô nương! Mai Hoa Cư có còn xa lắm không?
– Ở sườn núi phía tây hồ này có một hang động. Đi nhanh lắm cũng phải mất nửa giờ nữa.
– Tại hạ thử bơi chèo một lúc được chăng?
Tố Mai tươi cười, bèn đáp:
– Tướng công chớ nên áy náy, tiểu tì chèo đã quen rồi. Sinh sống quanh Thái Hồ thì dùng bơi chèo cũng như cầm đũa ăn cơm, chẳng hề mỏi mệt.
Khoái thuyền đi như bay, thẳng hướng về phía tây. Hồi lâu đã bắt đầu trông thấy lờ mờ hình bóng cây cối ẩn hiện, lần lần nhìn rõ vách núi xanh rì. Tố Mai chèo thuyền thêm một lúc nữa, rồi hướng
mũi vào một vũng nhỏ, đoạn gác chèo, rồi nói:
– Đã tới hang núi rồi. Xin mời tướng công.
Lâm Hàn Thanh đứng lên đưa mắt ngắm nhìn. Quả nhiên chiếc thuyền đã ghé vào bên bờ núi đá.
Tố Mai miệng nói:
– Tiểu tì xin dẫn lộ.
Cô nhảy vọt lên rồi đặt chân trên tảng đá nhô ra khỏi mặt nước. Lâm Hàn Thanh liền thẳng người, tung thân nhảy một cái bay thẳng tới. Khi Tố Mai nhìn thấy Lâm Hàn Thanh nhảy vọt qua, lập tức nàng liền tung thân theo, rồi hạ xuống phía sau một tảng đá lớn, đoạn nói:
– Tướng công! Mời lên bậc đá ở phía sau này. Đó chính là Mai Hoa Cư vốn là trú sở của cô nương.
Chàng nhón gót chân rồi nhẹ nhàng đáp lên khối đá, phi nhanh vào phía sau. Chỉ thấy Tố Mai đã đi men theo bậc thang khuất dạng. Nguyên mặt sau của khối đá đã đục thành bậc, bước chân như leo thang, đến khi hết bậc rồi, cảnh vật liền thay đổi hẳn. Chỉ thấy vách núi cheo leo, cây cối um tùm, hoa cỏ mọc đầy. Chàng ngẩng đầu lên thấy một cổng gỗ to bên trên gắn bức hoành phi đề ba chữ: “Mai Hoa Cư.”
Tố Mai nhẹ giọng nói:
– Tướng công! Tiểu tì táo gan xem Tướng công không phải người ngoài. Cô nương giờ này có khi đang ngủ.
Chàng gật đầu, rồi tiện miệng nói:
– Phải rồi. Hãy đi nhẹ bước một chút.
Nói đoạn chàng theo Tố Mai đi xuyên qua vườn hoa rồi tới trước một tiểu lầu. Tố Mai nhẹ nhàng đẩy hai cách cửa gỗ, rồi nói:
– Xin Tướng công đứng đợi ở phía ngoài một chút, để tiện tì còn chạy vào xem.
– Cô nương cứ tùy tiện.
Tố Mai bước vào trong, lát sau chạy ra nói:
– Cô nương đương chờ đợi ở trên lầu. Thỉnh!
Nói rồi Tố Mai quay người đi trước dẫn đường thẳng lên trên lầu. Đó là một tòa tiểu sảnh trông rất u nhã, chiếm một nửa căn gác. Chàng ngoảnh nhìn bốn phía, thầm nghĩ:”Cảnh trí ở đây thật thanh khiết thoát trần, có điều xem chừng quá đỗi vắng vẻ thê lương.”
Tố Mai lấy tay chỉ vào mé tay trái một tấm màn mịn nói nhỏ giọng:
– Đó là chỗ cô nương nghỉ ngơi. Thỉnh tướng công tự tiện vào đi.
Chàng còn đang dùng dằng chưa tiện vọng động thì Tố Mai đã biết ý nói:
– Tiểu thư vốn bệnh hoạn, thân thể bải hoải vô lực. Làm sao cô nương có thể ra ngoài được.
Chỉ nghe thấy trong khuê phòng tiếng rèm nhẹ buông lách cách rồi vẳng ra một giọng nói nhỏ nhẻ thanh tao:
– Lâm tướng công đã tới rồi ư?
Chàng đáp một tiếng, vén rèm lên rồi bước vào. Chỉ thấy Bạch Tích Hương mình mặc áo trắng mỏng đương chống tay để ngồi lên. Khi thấy chàng đi đến gần, liền mỉm nụ cười héo hắt, rồi nói:
– Bệnh nhân nằm chờ chết, há còn tị hiềm. Tướng công tới ngồi đây.
Lâm Hàn Thanh liếc thấy một chiếc đôn kê gần đấy, liền bước tới nghiêm trang vái một vái, đoạn ngồi xuống, và nói:
– Tại hạ không muốn nói lời khách sáo. Cô nương nếu còn mệt xin cứ tựa gối nói chuyện.
Bạch Tích Hương mỉm cười, rồi nói:
– Ta tưởng mình chẳng còn mấy nỗi, mới hẹn với ngươi một thời gian là hai tháng. Nếu không quay về, bệnh thế lại càng trầm trọng. Xem trong tháng qua tình thế nguy kịch quá.
Chàng nhìn thấy hai gò má của nàng quả thật hõm vào, hoa dung tiều tụy, bất giác trong lòng e dè sợ sệt, hắng giọng nói:
– Cô nương đã biết bệnh tình trầm trọng, làm sao chẳng chịu thuốc thang chữa trị?
Nàng cười, rồi nói:
– Ta vốn biết bệnh mình, tự nhận không đủ tài phục dược. Thiên hạ lại còn có người có thể trị liệu cho ta ư?
Lâm Hàn Thanh ngây người chẳng biết nói năng sao.
Nàng cười bằng một vẻ thê lương, rồi lại nói tiếp:
– Thôi ngươi bỏ tấm mạng che mặt đi. Chúng ta cùng nói chuyện.
Chàng nghe theo lời, bèn cởi bỏ vuông lụa, rồi nói:
– Cô nương thật là tài hoa tuyệt thế, y lý tinh thông. Trên đời này không có thuốc để chữa khỏi bệnh cho cô nương ư?
Nàng than thở rồi nói:
– Đèn hết dầu làm sao thắp sáng được nữa. Huống chi nơi đây không có linh dược, làm sao có thể trông cậy.
– Tuổi cô nương chưa tới hai chục, chính là thời kỳ thân thể tăng trưởng, làm sao lại ví như cây đèn
hết dầu được?
– Thực ra, vận số ta chỉ sống được khoảng thời gian chừng non hai giáp, chỉ cần giữ gìn sinh mệnh đúng cách là có thể được. Song ta lại không chịu sống số kiếp của một nữ nhân yếu đuối suốt đời bệnh hoạn, nên ta muốn trái mệnh thử dùng châm thuật, lấy kim vàng châm xuyên huyệt, những mong kích thích tiềm lực làm kiện vượng thân thể. Hỡi ơi! Thân thể vốn đã hư nhược nên việc này lại làm tiêu hao tinh lực, uổng phí tâm cơ, giống như đào đất đắp nền chỗ này cao lên một phần chỗ kia trũng xuống hai phần. Ta ắt là phải chết trước hạn kỳ không còn nghi ngờ gì nữa.
– Cô nương đã biết rõ như vậy sao còn cố ý vi phạm?
Đột nhiên nàng cười nhỏ nhẹ, rồi nói:
– Suốt ngày phải nằm liệt trên giường bệnh, dù sống thêm được ít năm như thế phỏng có thú vị gì!
Chàng thở dài, rồi nói:
– Nếu như cô nương không gặp cuộc đại hội anh hùng tại Từ Châu, hoặc dù có gặp việc mà không để mắt tới cũng có thể coi như cô nương tăng thọ được.
Nàng chậm chạp xê dịch gối nằm, nhắm mắt dưỡng thần, hồi lâu rồi nói:
– Ta vốn đã nghĩ như thế mà tới chốn này, rồi lẳng lặng rời bỏ kiếp nhân sinh. Tấm lòng trinh bạch chẳng phải lo âu. Việc sống chết đã sớm không nghĩ tới. Thế mới biết trời không chiều lòng người. Dù lẩn trốn đến chỗ nào, trong cõi tâm linh của ta vẫn còn vương vấn nhiều việc.
Chàng thở than giây lát, rồi nói:
– Tại hạ biết mình vô tài, song nguyện cố đem hết sức bình sinh phụng sự cô nương. Nếu cô nương có điều tâm nguyện nào chưa hoàn thành, xin cứ việc nói ra. Lâm Hàn Thanh này dù một ngày
chưa làm xong thì cũng ráng hết sức làm. Tại hạ còn sống ngày nào sẽ tình nguyện hoàn thành tâm nguyện cho cô nương.
Sắc mặt nàng đang trắng bệch chợt đổi sang màu đỏ ửng, cười lảnh lót, rồi nói:
– Việc hậu sự của ta vốn đã an bài rồi, không dám phiền ngươi phải hao tâm khổ trí.
Nói tới đây thì giọng nàng chuyển thành run rẩy:
– Sao người không theo Âm Dương La Sát đi tìm di vật của vị tiền bối võ lâm lại tới đây làm chi?
– Trước hết tại hạ muốn hội diện cùng cô nương.
Nàng lại cười, rồi nói:
– Ôi! Ngươi tới hơi sớm chăng?
Lâm Hàn Thanh chẳng biết đối đáp ra sao, chỉ cúi đầu lặng thinh. Nàng lại thở than khe khẽ, rồi nói:
– Chốn này chẳng có ai xa lạ, chỉ có ngươi với ta. Trong lòng ngươi có điều gì lo phiền cứ việc nói hết ra, chớ để trong bụng làm gì.
Chàng liền tự nhủ: “Quả không sai! Vì mình có nhiều việc không hiểu nổi nên mới đi tìm nàng.
Nếu bảo mình phát hiện Âm Dương La Sát đã cải dung rồi mới tới đây, ắt nàng cho là mình vì muốn rõ chuyện giả dối của Âm Dương La Sát nên mới tới đây. Nhưng thực sự mình tới đây chỉ là
do quá quan tâm tới nàng. Làm sao để nàng hiểu được? Nhưng hiện giờ nàng lâm trọng bệnh, mà những việc muốn hỏi lại rối ren như mớ bòng bong, chẳng biết bắt đầu từ chỗ nào. Thật là hỏng bét!”
Chàng trầm ngâm, ngước mắt nhìn qua song cửa thấy ngoài kia hoa hồng nở rực, bất giác quay lại nhìn Bạch Tích Hương, trong lòng cảm thấy bất nhẫn. Bạch Tích Hương hít dài một hơi chân khí, đoạn giơ tay gạt mớ tóc lòa xòa trên trán, rồi hỏi:
– Thế ra ngươi có điều không hiểu rõ ư?
– Tại hạ tới đây bỗng nhiên thành hoang mang chẳng biết nói sao.
– Ta biết rồi. Ngươi phát hiện vị cô nương La Sát có những hành động khả nghi, sau rồi ngươi mới nghĩ tới ta. Khi chợt động tâm cơ thì ngươi vội vàng tới đây. Có đúng thế không?
Chàng thấy điều nàng nói quả nhiên là đúng. Điều kỳ lạ là chính trong lòng chàng có nghĩ tới mà không sao nói nên lời. Bất giác chàng liền than thở một hồi, rồi lại nói:
– Cô nương nói thế như soi thấu tim gan của tại hạ. Có điều .. có điều …
– Có điều thế nào?
– Trước khi tới đây, tại hạ đã suy nghĩ năm lần bảy lượt.
Nàng mỉm cười, đoạn hỏi:
– Đã suy nghĩ năm lần bảy lượt ư? Vậy hẳn là có nguyên nhân. Xin hỏi dụng tâm ra sao?
Chàng bị hỏi lại, nên chẳng biết đối đáp ra sao, và cũng chẳng biết cách trả lời nào mới thích hợp, nên đành trầm ngâm một lúc, rồi nói:
– Tính mạng của cô nương có liên hệ sâu xa tới kiếp nạn võ lâm.
– Việc này quá bao la rộng lớn. Ta chỉ muốn hỏi dụng ý của tướng công khi tới đây mà thôi.
– Đối với tại hạ, cô nương có ân cứu mạng. Lần này tại hạ tới đây một là thừa kiến tôn dung, hai là chuyện trò cầu giải.
Nàng thở than nhẹ nhàng, rồi hỏi:
– Vậy cứ nói là ngươi tới đây chỉ vì quan tâm tới tính mạng của ta.
– Chẳng nói một mình tại hạ đây, mà quần hào trong giới võ lâm cũng đều quan tâm tới tính mệnh của cô nương.
– Không sai! Có nhiều người quan tâm tới ta. Lại có người muốn biết ta sống được bao lâu?
– Điều này, điều này thì …
Nàng cười nhẹ nhàng, rồi nói:
– Ta tưởng trong lòng ngươi hẳn có nhiều nghi vấn. Lúc này thần trí ta còn đang tỉnh táo sáng suốt, vậy có gì bận tâm cứ mau nói ra đi!
– Trước mặt chân nhân không nói chuyện quanh co. Tại hạ trước hết cầu mong cô nương hồi phục sức khỏe. Nếu như cô nương chẳng may mệnh hệ thế nào, điều này … điều này … hỡi ơi!
Nàng lại hỏi:
– Số ta là phải chết. Ngươi đối với ta như thế là có dụng ý gì?
– Cô nương là một vị hiệp nữ nhân từ. Người trong giới võ lâm không ai mà không ngưỡng vọng kính mộ. Tại hạ bất quá cũng chỉ là một trong muôn ngàn người đó.
– Cứ lời ngươi thì hẳn ta là nhân vật nổi danh trong võ lâm ư?
– Đâu phải chỉ nổi danh? Cô nương được giang hồ kính mộ, chẳng còn hồ nghi gì nữa.
– Sao họ quá tâng bốc ta vậy?
– Tại hạ được cô nương cứu mạng, ơn lớn như trời biển, cái đó đã đành. Nhưng những đại sự do cô nương ra tay ban bố khắp giang hồ chẳng lẽ không đáng nói tới hay sao? Bảo rằng giang hồ kính
mộ e chưa tận ý. Chỉ vì tại hạ kém bề ăn nói mà thôi.
Gò má nàng hơi biến sắc, một lát trầm giọng nói:
– Tướng công đối với việc ta làm cho là công ơn to lớn, nếu như ta muốn tướng công chết thì liệu có từ chối không?
– Nếu cô nương ra lệnh, đương nhiên tại hạ dốc lòng, dù phải nhảy vào biển lửa cũng không từ nan.
– Được! Bây giờ ta muốn tướng công làm một việc này.
– Xin cô nương cứ nói đi.
– Sau khi ta chết đi, tướng công phải sống trong Mai Hoa Cư để giữ phần mộ. Không biết tướng công có chịu đáp ứng không?
– Được! Tại hạ chỉ cần truyền thư cho gia mẫu là đủ.
– Đạo hiếu là phải thế. Được rồi.

Thiên Nhai Hiệp Lữ, chương 1

Thiên Nhai Hiệp Lữ 

Biên dịch: P. Kim Long

LỜI NÓI ĐẦU

Thiên Nhai Hiệp Lữ là một tác phẩm kiếm hiệp, thuộc loại Chưởng rất độc đáo của Ngọa Long Sinh. Thông thường những truyện chưởng, dù với những tác giả lừng danh như Kim Dung, cũng thường đề cao nam giới: nam giới luôn luôn được suy cử làm Võ lâm minh chủ; còn nữ giới, dù võ công và tài trí tuyệt đỉnh cũng chỉ làm được chưởng môn nhân một võ phái, thí dụ như Quách Tường (Tổ sư phái Nga Mi), Diệt Tuyệt Sư thái (Chưởng môn của phái Nga Mi đời thứ nhất) đều trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký; Định Dật (Chưởng môn phái Hằng Sơn) trong Tiếu Ngạo Giang Hồ… Nhưng chỉ có mỗi tác giả Ngọa Long Sinh lại có ý khác người: ngay ở những chương đầu, Ông đã nêu 3 nữ nhân vật rất lừng danh về tài, sắc… khiến võ lâm quần hào đều kiêng nể. Ngoài ra, ở những truyện chưởng của những tác giả khác thì đa số nhân vật chính đều phải khổ công tập luyện, hoặc do một sự tình cờ sở hữu một bí kíp võ công (như Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký)… Nhưng ở đây, khi mới khởi đầu câu truyện thì hai nữ nhân vật chính đã là những võ lâm cao thủ rồi.

1. Bạch Tích Hương
Tuy là con gái của danh kiếm Độc Tương, nữ nhân vật này lại không hề luyện võ công vì thân thể bạc nhược mắc bệnh tuyệt chứng, tài trí song toàn, thông minh tuyệt đỉnh, song lại là một giai nhân trong giới võ lâm. Nàng gây được nhiều hảo cảm khiến những danh môn chính phái đều ngưỡng mộ. Để bảo toàn mạng sống, nàng đã tập luyện Ma Công hầu có thể sống cùng người yêu Lâm Hàn Thanh và cũng để chống lại Tây Môn Ngọc Sương. Sau khi đã luyện thành công thì nàng trở nên một cao thủ võ lâm thừa sức trấn áp những cao thủ, nhưng lại trở nên hung tàn bạo ngược. Cuối cùng, nàng tự phế bỏ võ công và trở nên hư nhược sắp chết yểu. Nhưng cuối cùng nàng cũng luyện được một môn võ công tuyệt đỉnh vừa có thể bảo toàn mạng sống vừa có thể tự vệ được bản thân. Hơn thế nữa, nàng còn chỉ dẫn cho người yêu học tập 2 môn võ công để có thể chế ngự được Tây Môn Ngọc Sương.

2. Lý Trung Tuệ
Vốn là con gái thứ của danh gia Lý Đông Dương, Hoàng Sơn thế gia, danh trấn võ lâm từ hai ba thế hệ thời trước, vừa tài trí và ôn nhu. Dưới sự chỉ đạo của Bạch Tích Hương, nàng được suy cử làm Võ lâm minh chủ đề chống lại nhóm ác đồ Tây Môn Ngọc Sương.

3. Tây Môn Ngọc Sương
Nữ nhân vật này tài trí cực độ vừa có sắc đẹp tuyệt trần và thông minh dĩnh ngộ, luôn tâm niệm phải trả thù cho cha mẹ bị 18 cao thủ võ lâm sát hại, nên đã tàn sát nhiều người để đạt mục đích. Lấy cớ để trả mối huyết thù, Tây Môn Ngọc Sương đã tìm đủ mọi cơ hội liên kết cao thủ để chống nhóm võ lâm chính phái hầu để làm Võ lâm minh chủ.

Cả ba nữ nhân ước hẹn nhau tại hang Vạn Tùng để giải quyết tranh chấp. Nhưng cuối cùng Tây Môn Ngọc Sương bị Lâm Hàn Thanh đả bại, nên trong lúc tức giận đã gây sự với Kiếm Vương. Người này vốn là một cao thủ võ lâm về thời trước, đã phải trốn khỏi Trung nguyên để bảo tồn mạng sống vì đã gây nhiều chuyện tình ái lăng nhăng: vợ bỏ chồng, sư đồ phản sư môn, chị em thù hằn vì mất người yêu… Tất cả nam cao thủ đều muốn trả thù vì bị “cắm sừng,” còn nữ cao thủ cũng muốn đòi nợ. Cuối cùng, vì hối hận nên Kiếm Vương tự ý xông thẳng vào mũi kiếm của Tây Ngọc Sương để kết thúc những mối tình hận và oán thù từ mấy chục năm về trước. Tới đây thì mọi chuyện kết thúc: cha đẻ của Tây Môn Ngọc Sương lại thực sự là Kiếm Vương… Do vậy, hai phái chính tà đã tự động giải tán không gây huyết chiến nữa để trả lại thanh bình cho toàn thể võ lâm.
Truyện Thiên Nhai Hiệp Lữ có 44 chương, chia làm 3 tập:

. Quyển 1 từ Chương 1 tới Chương 14 
. Quyển 2 từ Chương 15 tới Chương 29 
. Quyển 3 từ Chương 30 tới Chương 44