My Mother

mymother_at_hospital-13

Mẹ tôi
Thái-Vinh

Tôi là người sung sướng nhất đời.
Tôi vẫn còn Mẹ.
Mẹ tôi được các con gọi bằng Má.
Ngày còn nhỏ, tôi không biết Má tôi tên thật là gì? 
Hàng xóm gọi Má tôi theo tên anh tôi là Bà Phùng.
Một hôm tôi đem cơm trưa vào lớp học cho anh Phùng, bị Thầy Mười bắt được. Thầy Mười trợn một con mắt duy nhất bên trái đỏ như máu ngó xéo qua bên mặt, làm tôi điếng hồn:
– Mầy con ai?
Tôi ấp úng:
– Dạ con của Má.
– Má mầy tên gì?
Tôi lúng túng:
– Dạ, Má con tên Bà Phùng.
– Vậy hả? Mầy phải gọi tao bằng Cậu!
Tuy Thầy Mười làm tôi sợ đái són ra trong quần, nhưng tôi cũng cảm thấy hãnh diện ngầm vì có người cậu một con mắt ghê gớm, từng đánh học trò bằng xương sống cá Đuối!
Gọi Má tôi là Bà Phùng là gọi sau lưng; chứ trước mặt, thì ai cũng kêu Má tôi là Chị Bốn. Ba tôi là con áp út trong gia đình, đứng hàng thứ mười một; đáng lẽ người ta phải gọi Má tôi theo Ba tôi là Chị Dư mới đúng phong tục. Việc nầy cho thấy thế lực rất đáng nể của Má tôi trong xóm.
Bẳng đi một dạo, xóm chúng tôi lại có xuất hiện gia đình thằng Phùng Dẹo tản cư từ La Hai ra. Thấy chúng tôi chơi thân nhau, để tránh lẫn lộn, từ đấy mọi người bèn gọi Má tôi là “Bà Phùng Xắt Thuốc”, mặc dầu Má tôi làm nghề buôn bán thuốc điếu từ hồi Ngô Tổng Thống.
Hồi ấy nhà tôi còn nghèo lắm. Cơm ăn chỉ toàn mắm ruốc nấu canh với lá Giang. Hai anh em tôi không có quần mặc đi học đàng hoàng; đôi lúc phải mặc đại áo cũ của Ba tôi, dài rộng thùng thình vào lớp học, ngồi bị gió luồn vào lạnh rốn. Lúc ấy, lương thư ký xã của Ba tôi chưa đủ mua thuốc cho ổng hút; không biết ai đã bày Má tôi nhảy vào cái nghề đốt buồng phổi ác ôn nầy! Má tôi không tốt nghiệp từ một trường quản trị kinh doanh nào, nhưng dám xử dụng gần hai chục nhân công phụ trách tướt, tẩm, cuốn, xắt, sao, sấy, quấn, gói…làm việc rộn ràng vui vẻ suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Ai đi ngang qua nhà tôi cũng nghe thấy tiếng cười và mùi thuốc thơm bay ra ngào ngạt…
Trong đám nhân công làm cho Má tôi chỉ có một người nam làm công việc cuốn xắt nặng nhọc, còn lại toàn là các cô thiếu nữ hiền lành trong xóm. Má tôi đặc biệt thương mến những cô nhân công ngang tầm tuổi tôi. Bà đã hứa hẹn cô nầy cô kia…dùng tôi làm phần thưởng kích thích năng lực sản xuất của các nàng. Nhưng mỗi năm tôi mỗi lớn và càng ít về nhà. Mỗi khi về, lại thấy toàn các cô nữ sinh duyên dáng xinh đẹp kéo đến thăm làm buồn lòng tâm hồn mơ mộng của các cô làm công cho Má tôi.
Má tôi là một người có tham vọng chính trị. Má tôi muốn ai cũng kính nể, nên thường cho khách hàng nghèo cần thuốc hút hơn cần ăn cơm mua chịu. Bà con túng thiếu cần mượn tiền mua phân bón, mua máy cày, máy bơm nước…đều đến Má tôi vay nợ. Sổ sách buôn bán đều nằm gọn hết trong bộ nhớ tuyệt vời cất trong đầu của Má tôi rất kỳ diệu. Thấy chức vụ thư ký xã của Ba tôi chỉ làm công việc đánh máy tầm thường, Má tôi muốn Ba tôi phải làm ông Xã Trưởng, tức Đại Diện Xã dù biết trước làm cái chức vụ lớn nhất xã đó thì Ba tôi không còn là người đàn ông riêng của Má tôi nữa.
Quả nhiên sau gần mười năm làm chức vụ dân cử đứng đắn nhất của nước Việt Nam Cộng Hoà (Tất cả các chức vụ dân cử khác như Tổng Thống hay Dân Biểu, ít nhiều đều có trò ma giáo) vì sợ Cộng Sản ám sát hay thủ tiêu, nên đêm đêm Ba tôi phải di động chỗ ngủ luôn luôn; nay ngủ nhà bà nầy, mai ngủ nhà bà kia… Rốt cuộc tham vọng chính trị của Má tôi như con dao hai lưỡi, thường đem lại những trận ghen tương ngầm dữ dội. Ba tôi rất bực mình, nhưng không dám trổ tài đánh vợ như những ông chồng nóng tính khác trong xóm. Nếu cần xả cơn tức, Ba tôi thường trút hết mọi bực bội lên đầu hai anh em tôi. Những lúc bị đòn ác liệt như vậy, tôi thấy Má tôi anh dũng nhào vô chịu đòn thế, làm Ba tôi phải chịu thua giạt ra. Vậy mà có một lần, hồi tôi mới bảy hay tám tuổi gì đó, Má hờn giận Ba, bỏ ra giếng nằm khóc, tôi ra nằm bên Má dưới trời mưa cho đến khi Ba tôi hết tức giận ra bồng mẹ con vào nhà. Sau trận đại thắng oanh liệt đó, ai cũng khen tôi là thằng bé thương Mẹ nhất. Nhưng cho đến bây giờ vào cuối đời Mẹ, thì tôi thấy người thương Mẹ nhất đời là anh tôi.
Sau gần mười năm trôi giạt ở Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) thuộc Pháp, tôi trở lại nước Mỹ chưa kịp làm giấy tờ cho Ba Má sang chơi một chuyến, thì Ba tôi đã mất. Vài tháng sau anh tôi lo được cho Má sang thăm. Tôi thấy Má tôi vẫn còn đầy tham vọng chính trị. Đi chơi ngang dọc nước Mỹ nhiều lần, gặp lại biết bao người quen cũ còn thiếu nợ, nhưng được mọi người kính trọng vẫn gọi Má tôi bằng Bà Xã Trưởng làm Má tôi hài lòng không còn nhắc chuyện nợ nần gì. Lúc đó toàn quốc đang rộn ràng thi đua khai mạc đại hội đảng cho mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ. Tuy không hiểu một chữ tiếng Anh, nhưng suốt ngày Má tôi ngồi trước máy truyền hình thích thú theo dõi ông Gore cười toe toét và ôm hôn vợ đằm thắm. Má tôi chê ông Bush không đẹp trai và không ga lăng dám hôn môi vợ như ông Gore.
Vụ kiểm phiếu Tổng Thống cù cưa chưa biết ai thắng bại, thì Má tôi đòi về để lo ngày giỗ giáp năm cho Ba tôi. Ít lâu sau, nghe tôi viết thơ báo tin ông Bush thắng, Má tôi không còn hào hứng bàn chuyện chính trị chính em gì nữa.
Một hôm nghe tin Má đau nặng, anh em bên nầy nhắc tôi gọi điện thoại về thăm Má. Quả nhiên:
– Má đã thấy bớt đau.
– Má muốn sang chơi với tụi con nữa không?
– Má không đi xa được nữa!
– Chúng con cho người về đón?
– Nhưng qua bên đó rủi Má chết, không được chôn cạnh nhau, Ba con buồn!

Moonlight Hiking

Hiking Dưới Trăng
(Trích trong bộ truyện Cảnh Đẹp Núi Mê đã đăng trên nguyệt san Bút Tre)
Thái-Vinh
Nov. 19, 2010

Ở Mỹ việc đâu thì người đó. Chắc cũng có nhiều người may mắn suốt đời chỉ cày một chỗ mà không bị mất việc? Nhưng hơn 35 năm qua tôi đã theo việc chạy lòng vòng khắp nước Mỹ rồi cuối cùng lạc vào sa mạc. Bây giờ chỉ mong sớm về hưu non khỏi chạy đi đâu nữa để suốt ngày được đi bộ leo núi cho đã! Vì vậy mỗi lần gặp khách lưu lạc tôi đều muốn làm quen và giới thiệu cảnh đẹp câu khách ở lại. Những người bạn ấy đều là nam tử lỡ thời vận. Tôi chưa từng gặp một nữ nhân dám “tha phương cầu thực”; cho đến hai tháng trước đây cô bạn thân thiết cùng quê bên Lào với nàng từ Seattle đến thăm, không ngờ tìm được việc làm tốt, cô bèn quyết định một mình dọn vào sa mạc. Cô thật là người sung sướng vì vào sa mạc giữa mùa thu khí trời đã mát mẻ. Cuối tuần nào cô không bay về thăm gia đình, chúng tôi đều rủ nhau đi coi cảnh đẹp.
Để mở đầu mùa Hiking với cô bạn, còn gì hay bằng Hiking dưới trăng? Chúng tôi rủ thêm vài bạn khác, nhưng ai nghe cũng ái ngại đi đêm sợ gặp rắn!
Địa điểm: Dưới chân núi Mê trong rặng Superstition Mountains
Thời gian: Từ 7 đến 9 giờ tối, đêm 19 tháng 11 năm 2010
Hướng dẫn: Bởi Ranger của Lost Dutchman State Park nên chắc rắn không dám xuất hiện?
Lost Dutchman State Park nằm dưới chân núi Mê cách Phoenix 40 dặm về phía đông. Núi Mê nổi danh từ mấy trăm năm nay vì mỏ vàng bí mật “The Lost Duchman’s Gold Mine” chưa được khám phá. Theo truyền thuyết thì mỏ vàng bí mật ấy nằm gần Lost Dutchman State Park. Rặng Superstition Mountains phát xuất từ Đại hồ Roosevelt bên đầu phía đông trải dài chập chùng về phương tây và đột ngột chấm dứt ở Phố Ma Goldfield (Goldfield Ghost Town). Superstition Mountains được bao bọc bởi hai đường đai 60 phía nam và 88 phía bắc, giống như sợi dây thòng lọng thắt cổ siết lại ở Apache Junction. Ngoài Đại hồ Roosevelt rộng mênh mông như biển, còn có Nhị hồ Apache và Tam hồ Canyon thơ mộng nằm trên dòng sông Muối (Salt River) dọc bên đường 88 tức Apache Trail là đoạn đường hoang dã và đẹp nhất của tiểu bang Arizona khiến toàn bộ Superstition Mountains được Quốc Hội Mỹ năm 1964 chỉ định US Forest Service chăm sóc biến thành “Superstition Wilderness Area” để dành cho dân chúng khám phá thiên nhiên nguyên thuỷ và giải trí.
Chúng tôi trang bị áo ấm dày cộm như ba con gấu và đem theo đèn pin cùng bị gậy. Ra khỏi nhà chưa thấy trăng đâu tôi thầm lo ngại. Trên đường 60 East qua khỏi Mesa, lấy Exit 196 (Idaho Road), quẹo trái theo đường 88 vào Apache Junction. Chạy thêm 5 dặm nữa ngang qua Phố Ma Goldfield đèn đuốc chập chờn rợn người, rồi dòm chừng bên tay phải tối thui Lost Dutchman State Park nằm ngay bên đường kia kìa! Tôi lại lo chỉ sợ không có ai; nhưng qua cổng đóng 7 đô la vào bãi đậu xe đã thấy lố nhố bóng đen di động. Trăng sau núi Mê thần bí từ từ mọc lên tuy không soi rõ mặt người, nhưng đã biến cảnh sắc hoang vu trở nên mông lung huyền ảo.
Ranger hướng dẫn chúng tôi là một nữ nhân. Bà có lối kể chuyện rất lôi cuốn, cộng thêm hai nữ phụ tá tình nguyện giúp việc đẹp duyên dáng. Đây là đêm Hiking đầu năm. Ai hụt tham dự lần nầy hãy còn cơ hội cuối năm vào đêm 19 tháng 12. Còn 2 đêm nữa mới đến trăng rằm nên trăng thấp. Thật là đêm lý tưởng đi dạo núi không cần đèn. Jacob’s Crosscut Trail dài 2.5 dặm, cao chỉ 120 feet (36.5m), rất dễ đi. Cứ tà tà vừa đi vừa ngắm núi và tha hồ tâm sự. Khoảng 30 phút Ranger cho phái đoàn ngừng nghỉ để nghe bà kể chuyện.

Chuyện thứ nhất: Saguaro
– Chúng ta đang đứng giữa lòng suối…
Mọi người xôn xao ngơ ngác ngó xuống chân.
– Đây là dòng suối khô. Mùa mưa nước trên núi Mê chảy xuống như thác. Trước mặt quý vị là cây đại xương rồng Saguaro ít ra cũng đã hơn 125 tuổi…
Tất cả đều im lặng lộ vẻ kính trọng ngước nhìn bóng cây cao lớn giống người khổng lồ nhiều tay!
– Saguaro là đại xương rồng trong hai ngàn loại xương rồng ở Mỹ. Có cây cao trên 70 feet (hơn 21 mét); nhưng sự phát triển của Saguaro rất chậm chạp. Trong 10 năm đầu đời, Saguaro cao không quá 2 inches (5cm) nên khó nhìn thấy. Hơn 20 tuổi vẫn lẹt đẹt cao khoảng 2 feet (0.6m). Từ 35 tuổi trở lên mới đến tuổi dậy thì. Vì sự chậm lớn, Saguaro không bị chim chóc, thỏ chồn ăn thịt thì cũng bị thời tiết khắc nghiệt trong sa mạc giết chết! Cơ hội Saguaro sống được là nhờ thú vật ăn trái rồi bài tiết ra hạt, hay những trận mưa lũ kéo hạt Saguaro đến giao cho vú nuôi (Nurse plant). Vú nuôi của Saguaro thường là các bụi cây Palo Verde, Mesquite, hay Ionwood; nhưng Saguaro là kẻ giết mẹ!
– Hả?
– Saguaro tuy đẹt, nhưng rễ mọc tràn lan hút hết nước và nguồn dinh dưỡng chung quanh. Saguaro cao lớn dần cũng là lúc vú nuôi bắt đầu kiệt sức héo tàn thành bụi cây khô! Saguaro giống như phụ nữ, nhìn không thể nào biết tuổi chính xác. Từ 35 tuổi trở lên Saguaro đã cao bằng người 6 feet (1 mét 83) và bắt đầu trổ hoa. Vào khoảng tháng Năm, hoa Saguaro mầu trắng nở lung tung trên đầu. Hoa nở về đêm giống hoa Quỳnh và khép lại vào chiều ngày hôm sau. Hoa được chim, dơi, ong, bướm châm chích thụ phấn thành quả. Vào tháng Bảy trái chín đỏ làm cỗ mời dơi và chim chóc xa tận Mexico tới xơi…
– Thế còn hoa Saguaro mầu đỏ?
– Đó là vỏ trái chín đã nở tung trông giống những cánh hoa đỏ; còn ruột thịt đổ xuống gốc cây cho rắn rết, nai, heo, chồn, thỏ kéo đến ăn. Từ 50 đến 70 tuổi Saguaro mới bắt đầu mọc tay. Saguaro càng mập và cao nhờ điều kiện dinh dưỡng tốt càng mọc nhiều tay. Saguaro cao từ 40 đến 60 feet (12-18m) nặng 3 đến 5 tấn. Saguaro được coi là trưởng thành lúc 125 tuổi. Tuổi thọ của Saguaro trung bình từ 150 đến 175 năm.
Năm kia có bạn từ Paris sang thăm, chúng tôi đưa vào Phoenix coi thủ đô và chào cờ VNCH tại Wesley Bolin Memorial. Vừa lúc ấy có đoàn du khách viếng Capitol đi ngang qua, tôi chen vào nghe hướng dẫn viên chỉ cây Palo Verde (Green Stick) nói năm 1954 Palo Verde được chọn làm cây tiêu biểu (State Tree)của tiểu bang Arizona liền buột miệng hỏi “Tại sao Arizona không chọn Saguaro?” Hướng dẫn viên khen câu hỏi hay, nhưng không có câu trả lời. Có lẽ vì không phân biệt được Saguaro là Tree (cây gỗ) hay Plant (cây không có gỗ, như cây chuối) nên Saguaro bị thiệt thòi chăng? Saguaro chẳng những có đủ các yếu tố để gọi là cây (Tree) mà còn độc đáo ngạo đời hơn nhiều là dù chết đứng (bị sét đánh) hay chết nằm (bị bão vật), không một con mọt cứng răng nào dám ăn gỗ Saguaro! Dân bản địa da đỏ từ lâu đã dùng trái Saguaro làm thực phẩm, dùng gỗ Saguaro dựng nhà và làm vũ khí. Hình ảnh Saguaro như cây chỉa ba được vẽ trên các bảng số xe ngày nay đã đền bù lỗi lầm năm nào không chọn Saguaro làm cây tiêu biểu của tiểu bang Arizona! Saguaro mới thật là biểu tượng độc đáo của sa mạc Sonoran nói chung và tiểu bang Arizina nói riêng. Ba năm trước Mẹ Đẹp (Ma belle mère) của tôi sang thăm. Vừa thấy Saguaro, mẹ đã thích ngay. Trước khi trở về mẹ không quên mua một gói hạt giống Saguaro ở Phố Ma Goldfield nằm đối diện núi Mê đem về trồng. Hôm nọ tôi chợt nhớ, hỏi thăm kết quả trồng cây được mẹ khoe cây Saguaro ươm trong chậu ở xứ lạnh Đà Lạt nay đã cao gần bằng hạt gạo!
Trở lại Hiking đêm trăng dưới chân núi Mê, sau khi nghe kể chuyện Saguaro chúng tôi đi lên cao dần, đến cổng chặn không cho xe leo núi chạy qua, hai cô phụ tá Ranger đếm từng người một. Phái đoàn Hiking của chúng tôi dài lê thê có tất cả 151 người. Nghe kể có năm đông hơn 350 người. Lần ấy hên lắm mới được gặp rắn; cả trăm người đô xô lại bật đèn tranh nhau chụp hình làm con rắn sợ hãi nằm im không dám rung chuông! Dưới chân núi, nhà cửa xây cất bừa bãi che mất quang cảnh thiên nhiên thần bí của núi Mê. Phải lên trên cao đứng dưới bóng trăng nhìn về phía ánh đèn sáng một góc trời kia mới thấy phố thị Phoenix. Cảm giác đó đây xa cách như trần ai với tiên cảnh.

Chuyện thứ hai: The Lost Dutchman’s Gold Mine
Chuyện nầy tôi đã đọc nhiều lần, và đã viết bài “Núi Mê” đăng trên nguyệt san Bút Tre mấy năm trước; nhưng lần nầy ngồi bên núi dưới ánh trăng được nghe chính Ranger kể càng cảm thấy thú vị như đang ngồi trên mỏ vàng bí mật ở núi Mê từ mấy trăm năm qua vừa được khám phá!
Trước năm 1846 nghĩa là trước cuộc chiến tranh giữa Mễ với Mỹ (Mexican War 1846-1848) cả một vùng đất hoang vu rộng lớn mênh mông từ California trải dài đến tận biên giới Texas còn thuộc Mễ, gia đình Don Miguel Peralta rất giàu có đang khai thác mỏ vàng ở Superstition Mountains nhận thức cuộc chiến sắp tàn và Mễ sẽ thua trận mất đất nên cho đào tất cả vàng chở hết về Mexico. Chưa kịp tẩu tán mỏ vàng thì toàn bộ gia đình Peralta bị bộ lạc da đỏ Apache tập kích và tàn sát chỉ còn một người duy nhất chạy thoát, nhưng bị thương nặng. Vùng đẫm máu đó sau nầy được gọi là Massacre Grounds. Vài chục năm sau… Jacob Waltz một người Đức di cư đến Mỹ làm phu đào mỏ ở North Carolina và Georgia, sau phiêu bạt giang hồ trôi giạt đến Arizona. Nhân có ơn cứu mạng người duy nhất sống sót trong trận tập kích Massacre Grounds năm xưa, ông được chỉ chỗ chôn dấu mỏ vàng. Từ đó Jacob Waltz và người bạn thân thiết Jacob Weiser thường lẻn vào núi Mê lấy vàng về hoang phí xa xỉ như đế vương. Ít lâu sau Jacob Weiser bị giết chết bí mật. Trên đời nầy chỉ còn một mình Jacob Waltz biết chỗ dấu vàng đó! Những năm cuối đời bệnh hoạn, Jacob Waltz được cô hàng xóm Julia Thomas thương mến tận tình săn sóc. Jacob Waltz đã để lại lời trối trăng; nhưng trọn đời Julia Thomas đã mò mẫm khắp vùng Massacre Grounds vẫn chưa tìm thấy vết tích mỏ vàng của Jacob Waltz!
Chỉ còn một đoạn đường ngắn đưa chúng tôi ra khỏi Jacob’s Crosscut Trail đến bếp lửa nướng Marshmallow thưởng thức chấm dứt cuộc Hiking dưới trăng, tôi vọt lên trước bám theo hỏi Ranger:
– Chắc Đại tỷ đã tìm ra manh mối cái mỏ vàng bí mật ấy?
Thoáng chút bối rối, bà nói khẽ:
– Sao các hạ biết?
Tôi đắc ý khoe:
– Tiểu đệ đã đoán ra Đại tỷ là hậu duệ của vị tiền bối Julia Thomas năm xưa!
Bà thở dài:
– Các hạ đã nghe ai nói Weaver’s Needle chưa?
– Một bằng hữu của tại hạ từ thành Forth Worth mới vào sa mạc đã mò mẫm đến đó suýt chết!
– Ta… ta cũng đã thử một lần; nhưng chỉ dám lên tới Fremont Saddle đứng ngắm Weaver’s Needle thôi vì lời dặn của tổ phụ nghiêm cấm con cháu đời đời không được mơ tưởng đến mỏ vàng bí mật ấy nữa! Đi từ hướng nầy xa lắm. Các hạ đã có ý muốn thử thời vận nên đi từ phía nam theo Peralta Trail.

Peralta Trail
Nov. 20, 2010
Coi bộ Phương Scottsdale đã mê Hiking trong sa mạc, tôi hỏi:
– Ngày mai Hiking tiếp nữa được không?
Cô hào hứng trả lời:
– Đi! Nhưng ở đâu?
Tôi thử đề nghị chỗ Hiking nàng ưa thích nhất:
– Sedona?
Không ngờ Phương Scottdale từ chối phắt:
– Thôi, Sedona chán chết!
Tôi làm bộ hỏi:
– Vậy trở lại núi Mê?
Thấy cô bạn vui vẻ đồng ý ngay, nàng chiều theo:
– Mai ta đem theo thức ăn; nhưng đã biết Hiking ở đâu trong núi Mê chưa?
Tôi nói ra một lô tên lạ hoắc:
– Theo Peralta Trail lên Freemont Saddle ngắm Weaver’s Needle!
Lần nầy chúng tôi vào núi Mê từ phía nam trên đường 60 East. Qua khỏi Mesa, chạy xuyên làng Gold Canyon đến cột chỉ dặm 204 quẹo trái vào Peralta Road. Đoạn đường nầy được tráng nhựa 1 dặm đầu; còn 7 dặm cuối là đường sỏi đất. Ngó ông Trời hôm ấy có vẻ buồn, nàng hỏi:
– Anh đã coi dự báo thời tiết chưa?
Tôi giật mình ấp úng:
– Í… chưa!
Vừa may có đoàn người đi đến nói, “Thời tiết trong núi Mê không biết đâu mà lường!”
Chúng tôi độn thêm áo gió và xách bị gậy, quên đọc bảng quy luật phải ghi tên vào sổ leo núi, cũng không coi bản đồ, lật đật nhập đoàn Hiking 6 người bên trái đi theo Peralta Canyon Trail ngay. Phía bên phải còn có Dutchman Trail vắng vẻ âm u; nhưng coi bộ có vẻ đúng đường dẫn đến mỏ vàng quá? Chỉ mới sơ qua năm phút khởi hành, ba đứa chúng tôi đã lạc mất đoàn; nhưng phía sau lại có tiếng cười nói của nhóm khác đang vùn vụt đi tới. Peralta Trail là đoạn đường nhộn nhịp nhất trong 180 dặm đường mòn của Superstition Wilderness Area. Peralta Trail nằm lọt giữa lòng khe núi đẹp như tranh vẽ. Bức tường núi đá bên trái cao vút đầy hình tượng kỳ dị mà các bộ lạc da đỏ cho là loài người tàn ác bị trời phạt hoá đá đang cúi nhìn chúng tôi ai oán. Núi bên phải thấp, phủ đá chồng nhất khéo léo như có bàn tay vô hình xếp đặt. Suối khô queo, nhưng cây lá chung quanh xanh um, không mang vết tích khô cằn của sa mạc. Đại xương rồng Saguaro mọc ở đây tuy ít, nhưng cây nào cũng cao khoẻ. Đi thoải mái được 1 dặm đầu thì đường lên cao dần, nàng chợt hỏi:
– Treo nầy dài bao nhiêu vậy?
Tôi đang say sưa thi đua bấm hình với Phương Scottdale, lỡ lời:
– Khoảng 6 dặm.
Nàng quay gậy muốn trở xuống, tôi giật mình vội chữa:
– Đó là tới tận Weaver’s Needle. Lên Fremont Saddle chỉ còn 1.2 dặm nữa thôi!
Chúng tôi mở lương khô ra ăn; rồi tiếp tục đi lên. Mỗi lần gặp người đi xuống hỏi thăm, ai cũng vui vẻ khuyến khích “Gần tới rồi”; nhưng đường càng khó đi. Mặt trời lúc nầy ló ra khỏi mây dội ánh sáng chan hoà làm tăng cảnh sắc Peralta Canyon đẹp bội phần. Đường lên tới đỉnh bắt đầu đan qua lại như chỉ may và thưa thớt cây. Tôi nóng lòng chạy trèo lên một tảng đá, nhưng vẫn chưa thấy Weaver’s Needle đâu vì bị bức tường đá trắng hồng trên chóp đỉnh chắn ngang. Qua khỏi tảng Đá Đầu Chó thì một cảnh sắc lạ lùng nở bừng ra trước mắt làm ai cũng oà lên kinh ngạc. Chúng tôi đang đứng trên Freemont Saddle dựa cột đá hình người ác, vói tay ra tưởng chừng có thể sờ được Weaver’s Needle cao 1000 feet (300m) như con thuyền đang vượt sóng giữa bầu trời núi Mê thần bí!
Lên được Freemont Saddle nàng đã mãn nguyện, căn dặn tôi chớ phiêu lưu, rồi cùng cô bạn đi trở xuống. Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ lời hậu duệ của vị tiền bối Julia Thomas trong đêm Hiking dưới trăng “Các hạ đã có ý muốn thử thời vận…” bất chợt nhìn thấy hai người lớn, một đứa bé, và một con chó đang đi phía trước xa xa, tôi kiểm soát bình nước chạy theo. Chạy như bị quỷ ám qua mặt luôn phái đoàn đó đến lúc mỏi nhừ đôi chân và bầu trời đã u ám, tôi không còn biết mình đang đứng ở đâu? Chỉ thấy Weaver’s Needle rất gần, nhưng không còn là một tảng đá mà đã tách đôi như búp sen nở. Nhất định mỏ vàng bí mật ở trong đó; nhưng đá cắm chung quanh mê cung Weaver’s Needle kín như trận đồ bát quái càng ngắm càng u mê! Chợt nhớ tháng Bảy có ba người tìm vàng từ tiểu bang Utah lạc vào Weaver’s Needle biệt tích, tôi rùng mình vùng thở dốc chạy ngược về đường cũ. Gặp phái đoàn với con chó đang lầm lũi đi tới, tôi gào to “Đừng vào trong ấy gặp ma!” Chạy một lúc, ngó lại chỉ thấy đất đá hoang vu!
Gần ra khỏi Peralta Canyon thì trời đổ mưa. Gặp ba đôi nam nữ trẻ mang bị gậy phi thân lên núi, tôi ngạc nhiên hỏi:
– Giờ nầy mà còn lên đó làm chi nữa?
Cả bọn vọt qua, cười khúc khích:
– Biết đâu đêm nay Weaver’s Needle sẽ mở cửa cho chúng em vào thăm mỏ vàng?

Hướng về Hà Nội

Hướng về Hà Nội
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 5, năm 2008)
Thái-Vinh & Mộng-Lan mến tặng phái đoàn Úc

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ…
(Nhạc và lời: Hoàng Dương
Tiếng hát: Thái-Thanh)

Hà Nội đối với tôi có sức quyến rũ lạ lùng. Vậy mà đã hai lần về thăm quê hương, tôi chưa ra tới Hà Nội. Hai năm trước nhìn tấm hình nàng chụp ngồi bên bờ sông Hồng gửi về, lòng tôi bồi hồi xúc động. Lần nầy, chính tay soạn chương trình đi hè, nghe nàng quả quyết, “Nhất định em sẽ đưa anh về Hà Nội!” tôi càng nao nức hướng về Hà Nội; rồi một tuần trước ngày đi, bất ngờ tôi lại nhận được thư của cô học trò cũ:
Anh Vinh,
Bộ anh giận em thiệt hả? Em, Lân, Loan, An (con trai của Loan) và Sophie (con gái út của Lân) đang ở Việt Nam. Hôm trước em không nhớ tháng mấy anh nói anh chị sẽ du lịch Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan? Em mới tới sáng nay từ Brisbane, còn các em đi từ Sydney. Má em đang ở Arab với Kim-Yến, tuần sau mới tới VN. Sài Gòn đang nóng và mưa. Con trai của Loan nói, “it’s worse than Brisbane”. Đây là lần đầu tiên Loan về VN, nó nói vui quá chị hai, nhất là thấy xe chạy loạn xà ngầu không có luật lệ gì cả. Tụi em dự định ở VN tất cả năm tuần, sẽ đi từ nam tới bắc; còn thì giờ và còn tiền thì sẽ đi tua Trung Quốc hay Thái Lan. Nếu anh chị đang ở VN hay sắp sửa đi VN thì liên lạc với tụi em để gặp nhau cho vui? (Học trò của anh)

Từ buổi chia tay ở Brisbane của nước Úc thấm thoát đã mười năm chúng tôi ít liên lạc và chưa gặp lại nhau, làm tôi càng vui mừng hẹn:
Kim-Long,
Anh không có gì giận em cả! Ngày 23 anh đến Nhật Bản. Ngày 28 đến Hà Nội. Sẽ đi Trung Hoa bằng xe lửa, không đi tua, đi tới Bắc Kinh trước, rồi muốn đi đâu thì đi. Nếu các em muốn đi chung, hẹn gặp nhau ở bờ Hồ Hoàn Kiếm tối ngày 28. Ra đó coi chừng bị móc túi!

Chuyến bay đêm ấy từ Narita, Nhật Bản đến Nội Bài có rất nhiều người Việt làm chúng tôi lo ngại thầm, vì họ mang quá nhiều số lượng hành lý được cho phép mang theo lên máy bay. Nhưng trái với những hình ảnh khó chịu bị nhân viên kiểm soát nhập cảnh làm khó dễ hồi 9 năm trước ở sân bay Tân Sơn Nhất, lần nầy phi trường Nội Bài vắng tanh, Việt Kiều chỉ bị hỏi một câu lấy lệ, “Cô chú sinh ở đâu?” rồi cho qua ngay. Ở cửa hải quan thấy không có ai xét, chúng tôi còn đang ngần ngại, thì một nhân viên từ xa đi lại vẫy tay như xua đuổi, “Được rồi. Đi đi!”
Bên ngoài phi trường Nội Bài tối thui, khí trời đầu thu miền Bắc vẫn còn nóng ngột ngạt. Khi xe tắc xi băng qua cầu Thăng Long, cây cầu dài nhất Việt Nam, tôi cố nhìn ra nhưng chỉ thấy dòng sông Hồng thấp thoáng mờ mờ. Qua bên kia cầu là vào thủ đô. Đã 10 giờ đêm, nhưng xe gắn máy vẫn còn chạy đông nghẹt đường. Càng về gần khách sạn ở khu Phố Cổ, càng đông xe gắn máy, có xe đèo cả gia đình 4 người! Họ chạy đi đâu vào giờ nầy mà trông rất vui vẻ?
Khách sạn Gia Bảo do cô em Hiền-Lương gọi điện thoại giữ chỗ từ trước, nằm trên đường Lò Sủ trước kia là phố bán hòm, giá một đêm 32 đô la thuộc loại sang 2 sao! Đến nơi, tôi điện thoại ngay cho các em học trò cũ cũng vừa mới tới ở khách sạn Holidays bên phố Hàng Mành thuộc loại 2 sao, nhưng chỉ có 18 đô! Đêm đã khuya, phái đoàn đang trằn trọc mệt mỏi, sợ cằn nhằn bèn hẹn nhau sáng mai.
Người Hà Nội thích đi xe máy, nên khi nghe chúng tôi hỏi thăm đường đi bộ qua phố Hàng Mành, ai nấy đều ngạc nhiên, “Xa lắm! Sao cô chú không đi xe ôm hay tắc xi cho khoẻ?” Đến Phố Cổ mà đi xe thì còn gì thú vị nữa; chúng tôi phải đi bộ để coi cho hết vẻ đẹp của 36 phố phường mà! Mấy câu thơ trong bài “Những con đường Hà Nội” của Tạ Tỵ chợt xuất hiện trong trí nhớ tôi:
Đâu Hàng Bông, Hàng Trống, với Hàng Khay
Đâu Hàng Đào khoe nõn những bàn tay
Những đôi mắt nhìn nhau mà xa cách…

Phố Cổ vui quá! Nhưng vừa đi vừa phải lo canh chừng bước chân khỏi bị vấp té hay va đầu vào đinh sắt trên cột điện! Đây rồi Hàng Bông! Nhưng sao không thấy bán bông, mà bán đủ thứ hàng hùm bà lằng vậy cà? Đặc biệt nhất là “Hàng Ăn” chỗ nào cũng có khách ăn hàng ngồi lan ra đường đi bộ. Chen lấn quẹo quọ một lúc đếm hơn 36 phố thì gặp phố Hàng Mành. Cả phố Hàng Mành bây giờ chỉ còn sót một hai quán bán món hàng chính hiệu èo uột, còn thì bán đàn, bán bún thịt nướng, bán phân bón, thuốc giết sâu…Ngó chỗ nào cũng thấy khách sạn! Chúng tôi đã gặp lại phái đoàn Úc ở Holidays. Trưởng phái đoàn là bác Phước, người mẹ có nụ cười rất tươi và dễ thương. Bác ôm hôn trìu mến thân mật coi chúng tôi như con. Ngày xưa, thấy bác nghiêm khắc với chồng con làm tôi là thầy dạy các em cũng sợ; nhưng bây giờ bác quá hiền và vui tính. Chúng tôi rất yêu mến và kính trọng bác như mẹ vì lúc nào bà cũng lo chăm sóc nhắc nhở việc ăn uống cho các con.
Tôi cũng gặp lại Long và Lân học trò cũ trong nhóm “Tứ Linh Đệ Tử” Long Lân Qui Phụng ở Sài Gòn năm xưa của tôi. Nhìn Lân đen gầy, rắn rỏi, và lạnh lùng giống y như một anh công an, tôi đùa:
– Đã có cơ hội, sao em không lấy gái Bắc?
Lân cũng cười:
– Gái Bắc đanh đá quá, em sợ!
Rồi ngập ngừng, Lân nói thêm:
– Tại em quên hỏi ý kiến anh, chứ nếu biết gái Bắc như chị Mộng-Lan thì hay quá!
Hai hôm sau, tôi rủ Lân cùng ra đê Yên Phụ ngắm sông Hồng, lúc trở về gặp ba bà cụ vui tính ngồi nhai trầu tâm sự trước nhà trên đường Lò Sủ, tôi hỏi thăm:
– Thưa bác, em cháu không biết gì hết, nhất định cứ bảo gái Bắc đanh đá nên không dám lấy vợ miền Bắc.
Bà cụ lớn giải thích:
– Không phải đanh đá mà là đẹp nết, đẹp người, và đảm đang không đâu bằng!
Lân xen vào:
– Nhưng Hà Nội bây giờ hình như không còn các cô gái đẹp như vậy nữa, phải không bác?
– Sao lại không? Cậu có vợ chưa?
– Dạ…dạ…cháu lỡ lấy vợ Nha Trang rồi!
Phái đoàn Úc còn có Kim-Loan, cháu An và Sophie. Sáu người thuê xe Mercedes 13 chỗ ngồi, do anh Nam, đẹp trai cao ráo trẻ trung và rất tếu làm tài xế chạy từ Nha Trang ra Hà Nội. Chúng tôi ham vui bèn tạm quên chương trình đi Trung-Hoa đã vạch sẵn, nhập ngay vào phái đoàn Úc cùng đi thăm Hà Nội.
Trưởng phái đoàn là bác Phước đã từng “tham quan” Hà Nội nhiều lần. Bác ra lệnh phải ăn sáng cái đã; rồi hỏi chúng tôi muốn đi coi chỗ nào trước. Lân đề nghị đi coi Chùa Một Cột, bác gạt ngay, “Vô đó bị bắt buộc phải vào lăng Bác, tao sợ lắm! Thôi dẫn tụi bay đi coi Văn Miếu trước!”
Văn Miếu là một di tích lịch sử lâu đời ở Hà Nội xây năm 1070 thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ. Quốc Tử Giám cùng nằm trong khuôn viên Văn Miếu với 82 tấm bia đá dựng trên lưng rùa đá ghi tên 1036 tiến sĩ, 46 Trạng Nguyên và các danh sĩ, được coi là trường đại học đầu tiên của Việt-Nam thành lập vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Trong khu nhà Thái Học mới có 4 bức tượng đồng, thờ các danh nhân: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An. Du khách ngoại quốc đến thăm Văn Miếu và Quốc Tử Giám rất đông. Ở đây lúc nào cũng có sẵn sinh viên khoa ngoại ngữ đến thực tập giải thích cho du khách miễn phí. Quanh quẩn ở trường đại học đầu tiên của Việt-Nam một hồi, trưởng phái đoàn nhận thấy thằng cháu ngoại bắt đầu đi đứng ìu ìu ễnh ễnh, bèn ra lệnh tài xế lập tức chở đi ăn bún ốc ở Tây Hồ.
Tây Hồ hay Hồ Tây chỉ nghe tên thôi, đã thấy thơ mộng rồi. Hồ Tây trước kia là một đoạn cũ của dòng sông Hồng, sau nầy người ta đắp đê tách ra thành hồ để vua chúa làm chỗ thả thuyền du ngoạn. Hồ Tây rộng hơn 4 cây số vuông. Du khách có thể thuê thuyền chạy trên hồ, vừa ăn vừa ngắm cảnh. Hồ Tây nổi danh với các quán ăn ngon. Trước đây thấy trên mạng quảng cáo Bún Ốc Phủ Tây Hồ ngon đặc biệt, chúng tôi nhờ cậu em đang du lịch ở Hà Nội thuê xe đến tận nơi ăn cho biết hư thực thế nào. Ăn xong, bún ốc Phủ Tây Hồ bị chê kịch liệt! Bây giờ chúng tôi đến tận nơi nhìn Hồ Tây thấy nước hồ đục như nước cống, hèn chi ốc Tây Hồ hết ngon!
Nằm ké né cạnh Hồ Tây là Hồ Trúc Bạch rất nhỏ so với Hồ Tây. Dưới thời Vua Lê Ý Tông (1735-1739) Chúa Trịnh Giang lấy đất làng Trúc Yên bên hồ xây thành biệt điện nghỉ mát Trúc Lâm Viện, về sau dùng làm chỗ an trí các cung nữ bị tội phải tự dệt lụa kiếm ăn. Lụa đẹp nổi tiếng thành Lụa Làng Trúc. Từ đó phần hồ bên làng Trúc Yên được gọi là Hồ Trúc Bạch. Ranh giới giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch là đường Cổ Ngư, bây giờ bị đổi tên thành đường Thanh Niên, rợp bóng phượng vĩ và hoa bằng lăng tím, lại có nhiều thắng tích cổ như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Châu Long… biến khung cảnh hai hồ thành chỗ nghỉ mát và hẹn hò rất nên thơ. Trưởng phái đoàn đang hào hứng chỉ trỏ giải thích nầy nọ, bất chợt liếc thấy thằng cháu ngoại bắt đầu lộ vẻ uể oải, bèn ra lệnh tất cả kéo vào Nhà Hàng Đặc Sản bên Hồ Trúc Bạch thưởng thức một chầu Bánh Tôm Hồ Tây!
Hà Nội có quá nhiều thắng tích, đền đài, và di tích lịch sử… nhưng nếu chỉ cần chọn một biểu tượng nào đó để nhớ về Hà Nội thì chúng tôi xin chọn Hồ Hoàn Kiếm nằm giữa khu Phố Cổ với khu Phố Tây. Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm dài độ 600 mét, rộng độ 200 mét, sâu không biết đâu mà lường! Nghe nói trước kia cũng là một nhánh cụt của sông Hồng, từ ngày vua Lê Thái Tổ đánh bại giặc Minh bơi thuyền trả gươm cho thần Kim Quy thì nơi đây trở thành hồ thiêng của dân tộc Việt. Giữa hồ có Tháp Rùa kiến trúc trống trải kỳ quặc dựng trên một hòn đảo nhỏ là chỗ rùa thần lâu lâu bò lên nằm phơi nắng. Ban đêm ánh đèn quanh tháp chiếu sáng lung linh trên hồ trông Tháp Rùa rất thần bí. Hồ Hoàn Kiếm còn có đền Ngọc Sơn (thờ Đức Trần Hưng Đạo và các danh nhân) với tháp Bút xây trên một hòn đảo bắc cầu Thê Húc nối liền bờ hồ. Chung quanh hồ là công viên đầy cây cổ thụ rợp bóng mát với hàng liễu rũ mình soi bóng nước rất nên thơ. Từ buổi sáng tinh mơ phụ nữ Hà Nội đã ra bờ hồ tập thể dục. Suốt ngày chung quanh Hồ Hoàn Kiếm là chỗ ai cũng thích đến nghỉ mát, ăn uống, tâm tình, và giải trí từ cờ tướng đến cầu lông. Ở đó lại có trạm xe buýt Bờ Hồ rất tiện lợi; chỉ cần mua 1 vé xe 3000 đồng (1 đô la đổi được 16 ngàn đồng) là tha hồ ngồi xe an toàn đánh một vòng coi quang cảnh thủ đô. Bên cạnh bờ hồ có Nhà Hát Múa Rối Nước Thăng Long. Chương trình múa rối nước vừa sâu sắc vừa vui tươi sống động hoà với tiếng đàn sáo réo rắt của dàn nhạc dân tộc rất đặc sắc mà du khách đến thăm Hà Nội đều không thể bỏ qua!
Hà Nội đẹp lãng mạn pha lẫn nét cổ kính nửa Á Đông nửa Tây Phương vì Hà Nội còn sót lại nhiều công trình văn hoá và kiến trúc của người Pháp để lại. Còn gì thú vị hơn là ban ngày dạo chơi khắp 36 phố phường, ban đêm lại đi nghe nhạc ở Nhà Hát Lớn, một kiến trúc độc đáo thời trung cổ với các cột to vĩ đại và hình tượng điêu khắc ly kỳ! Chúng tôi được thưởng thức buổi nhạc kịch “Cây Sáo Thần” của Mozart do nhạc trưởng Wolfgang Groehs người Đức điều khiển dàn nhạc Hanoi Phiharmonic Orchestra với toàn bộ nghệ sĩ Việt Nam trình diễn rất hay!
Nhớ lại hôm đi chơi với Lân từ sông Hồng trở về, tôi hỏi bà cụ rất tự hào gia đình đã nhiều đời ở Hà Nội:
– Hình như người Hà Nội trẻ bây giờ biết rất ít về lịch sử? Cháu hỏi thăm đê Yên Phụ ở đâu cũng không ai biết, cho đến khi gặp một ông cụ mới biết mình đang đứng trên đê. Lại hỏi thăm Gò Đống Đa cũng không ai biết, chỉ biết có quận Đống Đa! Trước khi đi Vịnh Hạ Long coi bản đồ thấy Bạch Đằng Giang, hỏi thăm các nhân viên trong khách sạn chỉ đường cũng không ai biết sông Bạch Đằng chảy về đâu!
Bà cụ bực mình nói to:
– Chúng nó bây giờ đâu phải dân Hà Nội!
Bà cụ nói có lý lắm, vì dân Hà Nội mới bây giờ luôn luôn nói chữ L thành chữ N và ngược lại!
Trưởng phái đoàn không thích mua sắm nhiều ở Hà Nội dù bà đã cảnh cáo các cô bán hàng, “Bán cho đúng giá đàng hoàng để bác còn trở lại nghe con!” nhưng vẫn bị hố nhiều lần, bác ra lệnh tài xế chở đi thăm ngoại ô Hà Nội cho đỡ bực bội. Nhân đó chúng tôi được cơ hội viếng làng Gốm Bát Tràng coi tận mắt nghệ thuật làm đồ gốm nổi danh của Việt Nam và mọi người đều vui vẻ tha về rất nhiều món hàng gốm chính gốc đã đẹp lại rẻ. Thấy tôi lộ vẻ thích thú trước đôi tượng nam nữ bằng gốm, một gã say đang ngắm nụ cười bẽn lẽn của một người nữ, nàng hỏi, “Có gì đặc biệt mà nhìn lâu vậy anh?” Tôi kể chuyện Chí Phèo là một kẻ xấu xa và hung ác, thế mà chỉ một phút được Thị Nở đút cho ăn bát cháo hành dưới ánh trăng đã đánh thức tâm hồn lương thiện của kẻ hư đốn trở lại, khiến Chí Phèo nhìn ra Thị Nở là người phụ nữ đẹp nhất. Đấy là một câu chuyện buồn về bất công giai cấp trong xã hội mà thời nào cũng có. Chí Phèo đã trả giá cái bất công ấy bằng cái chết. Kẻ đáng thương nhất là Thị Nở. Nàng nghe cảm động mua ngay bộ tượng Chí Phèo và Thị Nở bằng gốm làm kỷ niệm mà tôi vẫn để trên bàn ăn đã mười năm qua. Mỗi khi vô tình nhìn đôi tượng gốm đó, tôi lại thoáng nhìn nàng và nghĩ khi hai tâm hồn đã yêu nhau thì nhìn nhau bao lâu cũng thấy đẹp.
Bát Tràng là nơi duy nhất ở miền Bắc mà anh tài xế của chúng tôi luôn miệng khen ngợi gái Bát Tràng vừa đẹp vừa đảm đang không đâu bằng. Anh cứ nấn ná ở tiệm Nam Vương Ceramic năn nỉ cô Hà thay đổi phong tục miễn cho con trai lấy vợ Bát Tràng không phải về làm rể ở Bát Tràng, nhưng không thành công!
Tiện đường đi Bát Tràng, chúng tôi ghé thăm di tích thành Cổ Loa ở Đông Anh. Thấy phong cảnh quanh thành một thời liệt oanh của vua An Dương Vương với chiếc nỏ thần huyền dịu đã tiêu điều; rồi chúng tôi ngó qua giếng nước Trọng Thủy trầm mình mà cảm khái cho mối tình của đôi vương giả hai nước để lại niềm hối hận thương tiếc ngàn đời!
Đấy, chỉ vài ngày ở Hà Nội mà chúng tôi đã rành rẽ khắp 36 phố phường! Điểm đặc biệt của Hà Nội là ăn ngon. Các món ăn ngon bây giờ hình như tập trung ở Ngõ Bảo Khánh gần Bờ Hồ. Trong hành trình du lịch Việt Nam lần nầy chúng tôi đã trở về Hà Nội hai lần. Lần nào cũng quay lại Quán Cà Phê 29 thưởng thức bún thang, xôi gà…rất ngon miệng. Hà Nội còn có Quán Lẩu Nấm Ashima trên đường Phan Đình Phùng nằm đối diện Cửa Bắc Thành Nội. Chỉ ăn nấm không thôi! Đủ các loại nấm từ nấm dại tới nấm thiên nhiên nghìn năm mọc trên đỉnh Tuyết Sơn bên Trung Hoa ngon tuyệt cú mèo! Nhưng đáng nhớ nhất là đêm chia tay Hà Nội lần đầu, trưởng phái đoàn đã khoản đãi một bữa ăn độc đáo tại nhà hàng Cơm Lam Pắc Bó trên đường Âu Cơ ở Tây Hồ, được ăn toàn những món khó kiếm ở miền xuôi, như Chạch Chấu Nướng, Tôm Say Sỉn, Cá Chình Nướng Giòn Bì và uống rượu cần thả giàn rất thú vị!
Hà Nội đẹp lắm; nhưng vẫn không đẹp bằng hình ảnh Hà Nội trong trí óc của tôi thời còn đi học với biết bao văn thơ nhạc ca tụng vẻ đẹp êm đềm lãng mạn của Hà Nội đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hà Nội bây giờ ô nhiễm, ồn ào, đông người, và xe cộ chạy hỗn độn khắp mọi nẻo đường… Du khách đến viếng Hà Nội không khỏi hãi hùng mỗi khi phải đi bộ băng qua đường!
Hôm lên xe theo phái đoàn Úc xuôi Nam, xa Hà Nội lòng tôi vô cùng lưu luyến, hát thầm:
Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về…

A few thoughts on Poetry

Tản mạn về Thơ
Thái-Vinh mến tặng Mộng-Tuyền

Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
Dù có ra sao, cũng chẳng sao!

Mượn mấy câu đứt ruột thở ra thơ của một chàng thi sĩ thất nghiệp nào đó, tôi muốn hỏi bạn:
Ai đã nói cái câu rất êm tai này, “Mỗi người Việt Nam đều là một thi sĩ”?
Nghe mà phát ham! Vì cứ mơ mộng thành thi sĩ, sẽ làm hàng ngàn bài thơ cho mọi người thổn thức khóc thầm, nên cả đời tôi đã không phát triển được tài năng gì khác. Vì hồi còn nhỏ tôi đã tin vớ vẩn vào cái ông Xuân Diệu thở ra những vần thơ quái đản:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Sống với mây và thơ thẩn cùng trăng …

Lớn lên thêm chút ít, tôi lại sùng bái hai ông Bùi Giáng và Phạm Công Thiện, một ông điên và một ông khùng; ông nào ông nấy làm thơ cũng dễ như đi đái, đọc bắt ngộp, không hiểu gì hết mà lại được ca tụng ào ào là những thiên tài thi sĩ!
Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn tôi đã ướt…

Tôi đã làm y chang như mấy ổng gần nửa thế kỷ, đi lang thang cùng khắp mặt đất mà có phọt ra được một bài thơ nào có hồn đâu! Trong khi có người cả đời chỉ ăn ngủ ấy ỉa quanh quẩn một chỗ, chưa hề biết mấy ông thi sĩ ghê gớm kia mà vẫn làm được những bài thơ tuyệt tác!
Bây giờ biết rõ mình không làm thơ được thì tôi mới hiểu cái lý do:
Trước hết là cái trí nhớ dai đặc biệt về thơ đã giết chết hồn thơ của tôi. Tôi đã đọc và thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc… và hầu hết những bài thơ hay từ tiền chiến tới hậu chiến. Đôi khi tôi tìm được chút cảm hứng xổ đại một vài câu, thích thú ngâm nga một hồi thì lại thấy cái câu ấy đã có mùi của mấy đại thi sĩ khác rồi, nên đành vứt đi thôi!
Nhưng cái lý do quan trọng hơn hết là tôi đã gửi hết niềm tin vào những thần tượng thiên tài. Những thần tượng về bộ môn văn nghệ nầy cũng giống như lãnh tụ chính trị độc tài đã làm tôi tịt ngòi sáng tạo vì tôi cứ tin theo họ mãi đi tìm những cái gì cầu kỳ bí hiểm nhất thế gian để không ai có thể hiểu và chê bai mình được!
Mấy năm trước về thăm lại quê hương, tình cờ lật vài trang sách văn học chương trình năm chót bậc trung học của cháu Tâm, tôi té ngửa ra: Người được ca tụng là thiên tài thi sĩ số một của dân tộc, không phải Nguyễn Du mà là đệ nhất văn sĩ kiêm đệ nhất thi sĩ Trần Dân Tiên, tức chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mới chết chớ!
Đây là một bài thơ của ổng, thấy dễ nhớ tôi đã thuộc lòng:
Giải đi sớm
Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm hồng

Đâu có cái gì hay, mà giáo sư và phê bình gia soạn sách giáo dục cho cả nước đã nức nở khen tặng từng câu, từng chữ trong hàng trăm cuốn sách? Không ai tự dưng rặn được một vài câu thơ đã bộc phát trở thành thiên tài thi sĩ. Cái gì cũng phải phát triển từ từ như một cuộc cách mạng bắt đầu từ một nhúm dăm ba mạng đảng viên lén lút hăm dọa ám sát thủ tiêu bí mật, sau gặp cơ hội biến hóa thiên hình vạn trạng vươn mình thành một đại bang cứu nước. Làm thơ cũng vậy, phải bắt đầu từ quy luật căn bản Bằng Trắc như học vần ráp chữ ABC. Tôi đã theo dõi người anh thi sĩ của tôi từ ngày còn bé; anh chăm chỉ học hành nghiên cứu ngâm nga bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan rất lâu:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà…

Rồi nhân một hôm leo núi thăm chùa Eo Mén trên đỉnh Hòn Chà, anh cảm hứng bắt chước Bà Huyện Thanh Quan cũng gò được một bài thơ đầu tay mà tôi chỉ còn nhớ lõm bõm mấy câu:
Bước tới chùa Eo bóng xế tà
Rêu phong bao phủ cửa thiền già
Chắp tay niệm Phật lòng sảng khoái
Đoái nhớ ngoài kia kẻ ta bà…

Đấy! Anh tôi làm thơ như một nhà khoa học cái gì cũng có cơ bản; cuộc đời của anh tuy gian khổ nhưng luôn luôn thành công. Bây giờ sau bốn chục năm từ bước đầu chậm chạp với luật Bằng Trắc, anh đã sáng tác được ngàn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn, hàng chục bài tham luận chính trị và phân tích văn học. Tôi thích những vần thơ êm dịu của anh:
Thư em có phép nhiệm mầu
Đổi đời khổ lụy ra đời ái ân
Dù đau thương cũ mấy lần
Thư em cũng đổi đũa thần phép tiên
Tình em xóa mọi nỗi phiền
Lời em đổi được đêm đen ra ngày
Tình em như một rừng cây
Cho đời lữ khách trong ngày nắng thiêu
Lời em lối mộng vườn yêu
Tình anh thắm lại sau nhiều đắng cay
Chiều nay sao thấy hay hay
Cây thông lả ngọn ngưng ngay bài buồn..
.
Nhất là mấy vần thơ tin tưởng trong sáng thế nầy:
Trăm năm còn một chữ tình
Quả tim còn đập lòng mình còn yêu
Cảm ơn em, cảm ơn nhiều
Tôi người trần thế còn điều gì hơn!
(Ph. D. Nguyen)

Thì tôi thấy cần gì mình phải mất công nghiện ngập dày vò thể xác hay xì thuốc lá liên miên nghiền nát hai lá phổi để rặn thơ bí hiểm cho đời thán phục?
Biết tôi thích ngâm thơ và quý thơ lắm, nên bạn bè sáng tác, hay tìm được bài thơ nào thú vị thường gửi tặng tôi giữ hộ trong đầu. Đây là một bài thơ mà bạn tôi đi hành quân đã nhặt được trong túi áo nhàu nát của một cán binh cộng sản miền Bắc chết ở chiến trường Quảng Đà vẫn thường theo ám ảnh tâm trí tôi suốt mấy chục năm qua:
Nguyên vẹn
Vẫn nguyên vẹn một màu xanh xứ sở
Như mắt em từ thuở ban đầu
Sông Thu Bồn ơi, ta nghe người đang thở
Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu
Anh về đây em ơi, có gầy thêm chút ít
Nhưng con tim đập nhịp phi thường
Con tim qua hai lần đạn lửa
Hai lần hẹn hò nhưng vẫn trọn yêu đương
Anh về với em như con sông về biển
Chắt chiu dòng nước ngọn nguồn xa
Dâng cho em tất cả dòng nước lũ
Hãy nhận giùm anh viên cát nhỏ phù sa

Hồi còn bé, chỉ mới học lớp nhất Tiểu Học thôi, mà chị Thanh-Lan của tôi đã biết yêu và đã biết làm thơ. Làm được bài nào chị đều bắt tôi ngâm. Thuở ấy nào tôi đã biết gì về những câu thơ tình ái, nhưng có mấy câu thơ xuân buồn của chị thì mỗi năm đón xuân tôi đều ngâm thầm nhớ chị:
Xuân về hoa nở khắp nơi nơi
Khoe dưới trần gian thắm tuyệt vời
Sắc ấy hương này phô bày mãi
Nhạt lòng tôi lắm bạn đường ơi!

Mấy chục năm về sau gặp lại, hỏi chị có còn làm thơ? Chị cười, ngất, “Thằng quỷ, tao phải chạy lo kiếm gạo chớ ở đó làm thơ!” Thế nhưng, lúc chia tay, chị lại dúi vào tay tôi mấy vần thơ cảm động:
Khi em trở lại quê hương
Chị bỗng thấy vùng quê hương tắm mượt
Một trời vui rực rỡ sắc mây hồng
Cho dẫu rằng cách biệt vạn dòng sông
Ta vẫn tình chị em thắm thiết
Mai đây dù phải xa nhau
Đâu sợ tháng năm dài
Em đã có một vùng quê để nhớ
Em đã có một chân trời rộng mở
Không bến bờ cùng tận của yêu thương
Khi em trở lại quê hương…

Trừ tôi ra, trong nhà tôi ai cũng làm thơ, Ba tôi đã gửi mấy câu thơ nhắc tôi là người ra đi trước nhất trở về:
Mười tám năm xa quê hương
Mẹ già lẩn thẩn mỏi mòn chờ con
Bóng trăng nay đã tàn dần
Nửa vành trăng rụng, nửa vành chơi vơi
Con ơi, về lại từ thân
Chờ xem trăng rụng bên giường làm thơ…

Bây giờ thì Ba tôi đã mất. Em trai út của tôi bỗng nhiên làm thơ, liên tiếp gửi tặng tôi những vần thơ êm ả:
Tuyết rơi trời đất mịt mù
Nằm yên dưới mộ phù du cuộc đời
Đời vui bên những tiếng cười
Xa quê lòng những ngậm ngùi cố nhân…

buồn và đẹp vô cùng:
Bây giờ còn chỉ em thôi
Ngắm trăng leo núi đơn côi một mình
Chuyện tình hoa tím lung linh
Bây giờ hoa tím, chim xinh nơi nào?
Buồn vương trong gió, trăng, sao
Những màu hoa tím làm xao xuyến lòng
Yêu nhau em tủi phận nghèo
Buồn vui đưa đẩy mái chèo cô thôn
Một chiều trên bến sông Côn
Lặng chờ chỉ thấy hoàng hôn mắt buồn!
(Thiện-Trường)

Khi xa Hoa Kỳ, lưu lạc sang trời Âu, đến đâu tôi cũng thích tìm những người làm thơ để kết bạn, có cớ để bạn làm thơ, rồi đến lúc ra đi, lại được bạn tiễn đưa bằng một bài thơ, dặn khi lên máy bay mới được đọc:
Lời Cuối
Người tình muôn thuở của em ơi
Đưa tiễn anh đi khéo ngậm ngùi
Đất thảm mây sầu dâng đáy mắt
Thôi đành nâng cạn chén ly bôi
Lời cuối trăm lần không hết câu
Trao nhau ánh mắt vạn u sầu
Sóng lòng không trọn tình không vẹn
Anh đã đi rồi, anh ở đâu?
Anh quyết đi tìm chốn tự do
Nhưng em không thể bước theo đò
Đường về hoa cỏ buồn bên gót
Ta sẽ tìm nhau trong giấc mơ
Bên dòng sông Dịch giá sương mờ
Tráng sĩ Kinh Kha há biết buồn?
Phạm Lãi có ngăn dòng lệ thảm?
Mà em nước mắt cứ trào tuôn!
Anh dặn hình anh hãy nhập tâm
Nhưng tim đà vỡ đến muôn phần
Bóng kia sẽ chảy trong dòng máu
Sẽ quyện chung hồn chung chiếu chăn
Em sẽ là mây một góc trời
Anh là sao sáng, sáng mây trôi
Phiêu diêu nước Nhược non Bồng nhé
Mãi mãi bên nhau đến vạn đời!
(Phạm Thị-Nga, Lyon)

Đời tôi trôi nổi luôn luôn. Mười năm trôi giạt về một hoang đảo xa xăm và xa luôn cả thơ văn. Một hôm đang ngồi ngáp vặt trong tiệm sửa máy ở Tân Đảo (Nouvelle Calédonie), bỗng một lão trượng tạt vào hàn huyên, rồi đọc tặng cho tôi nghe một bài thơ tâm sự của ông với một người bạn cùng yêu một thiếu nữ ở Phố Hàng Bạc sáu mươi năm trước làm tôi giật mình thấy công dụng kỳ diệu của thơ:
Hai Yêu Một
Hai tôi xây mộng một người mơ
Muốn nói nhưng không vẫn hững hờ
Và mong nàng nói rằng em sẽ:
Yêu một trong hai vẫn đợi chờ
Hai tôi như một hỡi nàng ơi
Hãy trả lời tôi lấy một người
Vì hai người ấy cùng như một
Hòa lẫn tâm hồn nhạc với thơ…
(Nguyễn Hưng)

Từ ngày khăn gói một mình trở lại Hoa-Kỳ, ở ngay cái ổ văn nghệ San Jose đầy dẫy thiên tài mà thấy tôi buồn, em tôi bèn cố tình gởi lộn i meo của tôi cho một cô bé ưa làm thơ. Làm được bài nào, dù viết về ai cô đều gởi tặng tôi, gọi tôi là anh Ba rất thân mật. Nàng rải thơ đều như bươm bướm bay mỗi ngày làm anh Ba đọc ngút hơi, tưởng chừng mình là đối tượng để cô làm thơ tình, thật thú vị!
Con tim rung động
Từ thuở lọt lòng đến hôm qua
Chưa lần thổn thức áng mây hồng
Tim chưa biết nhớ và trộm dại
Tình chẳng lên ngôi nhốt tâm tư
Ấy thế hôm nay lại bồn chồn
Ngóng chờ ai viết cánh thư xanh
Tim non rạo tực mừng nắng mới
Hoa sen đua nở rộ cả vườn
Nhặt cánh thư xanh tim rung động
Môi hồng hé nở ánh mặt trời
Mùa xuân đã tràn lên mí mắt
Tóc mây thẩn thờ cũng vui thay
Cắn nhẹ ngón tay trong mơ mộng
Tình tứ đến rồi dấu yêu ơi
Phải chăng hồn đã dao dao động
Bởi mỗi một người gởi cánh thư…
(Thiên-Kim)

Rồi từ đó thơ như một căn bệnh hay lây, đi đâu tôi cũng gặp bạn thơ: Lê Trọng-Nghĩa, Thanh-Hương, Ngọc-Bích, Hoàng Ngọc-Văn, Ngô Đình-Chương, Như-Hoa Lê Quang-Sinh, Lan-Hinh… trên tủ sách cạnh đầu giường, đêm nào tôi cũng lấy ra đọc một vài câu thơ êm ả trước khi ngủ.
Quả thực, mỗi người Việt Nam nếu không là một thi sĩ, thì cũng có tâm hồn thi sĩ!
Trong chúng ta, bất cứ ai khi mới làm quen với một người bạn gái đều cần một bài thơ. Phải cảm ơn thi sĩ đã diễn tả hộ tình yêu cho những kẻ yêu và được yêu. Mà không cần phải yêu; không được yêu, hay đau khổ vì tình, vì tiền, vì tù, vì tu, vì tội tình nầy nọ… thơ đều giúp ta nói được hết những điều vui vẻ và đau đớn nhất. Tại sao người Việt mình không cần Bác sĩ tâm thần như người Hoa Kỳ, bạn biết không? Tại vì mình đã có sẵn liều thuốc an thần trong thơ và nhạc. Ngâm, hay hát lên được những lời đau khổ nhất của người khác, tự mình cảm thấy được an ủi lạ thường. Những bài hát đau đớn nhất, như: Sang Ngang, Đồi Thông Hai Mộ, Tình Lan và Điệp… nghe có vẻ sếnh, nhưng thật nhiệm mầu; còn những bài thơ đứt ruột, như: Màu Tím Hoa Sim, Nhà Tôi, Hai Sắc Hoa Ti Gôn… ngâm chưa hết câu đã chảy nước mắt, thì mình còn biết nói gì nữa!
Bạn đừng bắt chước tôi không làm thơ vì hai lý do bất tài mà tôi đã viện dẫn ở trên nhé!
Hãy làm thơ! Làm thơ để lấy tiếng, làm thơ vì thất tình, hay làm thơ tán gái… cứ làm thơ như ăn ngủ ấy ỉa, bạn ạ! Được câu nào cứ chép nó ra, rồi ngâm nga gò đi gò lại cho êm tai. Thơ hay không cầu toàn bài. Đời Đường bên Trung Hoa có thi sĩ Giả Đảo phân vân suốt ba năm không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ), nên vừa đi vừa đưa một tay ra gõ rồi lại đẩy, đâm sầm vào xe của Hàn Dũ chạy ngược chiều. Hàn Dũ xuống xe đỡ dậy, hỏi chuyện, khuyên nên dùng chữ “xao” vì Đẩy thì chỉ tả động tác, còn Gõ thì vừa động tác vừa âm thanh nghe hay hơn, giúp ông gò được hai câu thơ đắc ý, ngâm lên nhỏ lệ khóc ròng:
Điểu tức trì biên thụ
Tăng XAO nguyệt hạ môn
(Chim ngủ cây bên ao
Sư dưới trăng gõ cửa)

Sau đó ông có hứng gò tiếp thêm hai câu nữa:
Độc hành đàm để ảnh
Sác tức thụ biên thân
(Mình đi bóng chiếu xuống
Tựa cây mà thở than)

Một bài thơ hay chỉ cần hai câu hay như Giả Đảo là đủ, thì với tám chục triệu thi sĩ Việt Nam, ít nhất chúng ta đã có một rừng thơ với một trăm sáu chục triệu câu thơ hay, khiếp chưa!
Còn một điều nầy nữa tôi quên nhắc bạn. Bắt đầu làm thơ, chọn thơ tình, thơ đạo, thơ gì cũng được, nhưng chớ tập làm thơ tếu trước nhé! Tôi đã bắt chước cố thi sĩ kiêm Tổng Thống Trần Văn Hương làm mấy câu thơ bỡn cợt thế này trong lớp học chọc thằng Đức:
Đi học trễ
Hơn một giờ rồi anh chẳng đi
Sao nằm trên phản ngủ li bì
Vén quần coi thử chòm lông dái
Ngứa ngáy râu chòm gãi tứ tung…

Kết quả, bị đuổi học một tuần; về nhà lại bị một trận đòn nhừ tử nên từ đó tôi hết muốn làm thơ!