HỌC VẤN SUY ĐỒI

HỌC VẤN SUY ĐỒI
P. Kim Long

Xưa kia Chính trị gia kiêm Tư tưởng gia Quản Di Ngô thời Đông Chu Liệt Quốc đã đề xuất chính sách giáo hóa dân chúng bằng câu: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, chung thân chi kế mạc như thụ nhân.” (Kế sách 1 năm không gì tốt hơn là trồng lúa, kế sách 10 năm không gì hay hơn là trồng cây, kế sách trọn đời không gì bằng đào tạo nhân tài.) Đó là đường lối của bậc chính nhân quân tử khi làm chính trị muốn cho dân giàu nước mạnh bằng cách đặt trọng tâm trong việc giáo dục đào tạo nhân tài, chứ không phải bằng thủ đoạn mưu mô xảo quyệt như Machiavel bên Ý ngày xưa. Ý tưởng của Quản Tử cũng tương tự với câu nói của Triết gia Plato ngày xưa như sau: “By education I mean that training in excellence from youth upward which makes a man passionately desire to be a perfect citzen, and teaches him to rule, and to obey, with justice. This is the only education which deserves the name.” (Tôi muốn nói rằng giáo dục tối ưu là đào tạo một người từ khi còn ở tuổi thanh niên để làm sao hắn luôn mong ước trở thành một công dân hoàn hảo, và dạy hắn biết cách chỉ huy và tuân lệnh đúng cách.) Ngoài ra, Hiền triết Aristotle cũng nhấn mạnh thêm tới việc giáo dục tâm hồn như sau: “Educating the mind without educating the heart is no education at all.” (Giáo dục trí tuệ mà không chịu giáo dục tâm hồn thì không phải là giáo dục.) Nhà Hiền triết Diogenes cũng đã từng nói như sau: “The foundation of every state is the education of its youth.” (Sự hình thành một đất nước chính là giáo dục thanh thiếu niên.)
Tư tưởng của cổ nhân Đông và Tây luôn tương đồng trong việc giáo dục và đào tạo nhân tài. Ngay cả Đại văn hào Victor Hugo cũng nhấn mạnh tới chuyện dạy giỗ thanh thiếu niên: “He who opens a school door, closes a prison.” (Ai biết cách mở cửa trường học, thì ngươi đó có thể đóng cửa được nhà tù.) Đồng thời nhà giáo dục lừng danh của Mỹ là John Dewy cũng đã chủ trương như sau: “Education is not a preparation for life; education is life itself.” (Giáo dục không phải là sửa soạn cho cuộc sống, song giáo dục chính là cuộc sống vậy.)
Cựu Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan luôn chủ trương như sau: “Education is a human right with immense power to transform. On its foundation rest the cornerstones of freedom, democracy and sustainable human development.” (Giáo dục là một loại nhân quyền với quyền lực vô biên để biến cải. Trên nền móng đó đã có những nền tảng của tự do, dân chủ và sự phát triển nhân tính bền vững.) Cố Tổng Thống Nelson Mandela bên Nam Phi cũng nhấn mạnh tới sự giáo dục: “Education is the most powerful weapon which you can use to change the world.” (Giáo dục là vũ khí quyền uy nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới.)
Tóm lại, giáo dục là vấn đề tối quan trọng vì nhờ đó mà quốc gia có thể trường tồn vững mạnh; ở trong thì dân chúng an vui, no ấm vì được học hành tử tế và làm việc đúng khả năng nên không trộm cướp, hoặc làm nghề bất lương… mà ở ngoài thì những quốc gia láng giềng không dám xâm phạm lãnh thổ cũng như giữ được mối giao hảo với những quốc gia gần xa tạo điều kiện giao thương thuận tiện khiến dân giàu nước mạnh. Song nếu giáo dục kém hoặc không biết cách giáo dục thì dân chúng trở nên bạc nhược, thất nghiệp nhiều, nhiều tệ nạn xã hội… dẫn đến tình trạng tụt hậu về kinh tế, chính trị và văn hóa. Người ta có thể căn cứ vào những bài luận, tập làm văn, tiểu luận, phát biểu … của học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà làm văn hóa… để đánh giá nền giáo dục đó. Tôi xin tạm nêu ra một số dẫn chứng dựa trên Báo & Đài mà mọi người đều đã đọc và nghe qua. Tôi xin lấy ra mấy bài báo đề cập tới học sinh trung học, giáo chức, nhà làm văn hóa… đã tốt nghiệp đại học.
1. Học sinh
1.1. Sai những lỗi sơ đẳng
Học sinh trung học thời nay thường mắc những lỗi sơ đẳng trong cách hành văn: câu không gãy gọn, không xuống dòng (ở những đoạn khác ý, hoặc cả bài dài vài trang), không dùng dấu ngắt câu (phẩy, chấm phẩy, chấm), thích viết xuống dòng (xuống dòng một cách tùy tiện dù hai câu có cùng ý tưởng), không viết hoa (chữ đầu dòng, đầu câu, những địa danh và nhân danh, thí dụ: tây ban nha, bắc kinh, nguyễn du, lão tử), sai chính tả của những từ rất thông thường (lo nắng, no nắng thay vì lo lắng, cơm lước thay vì cơm nước, đoạn quối câu chuyện thay vì đoạn cuối câu chuyện, cuốc gia thay vì quốc gia, cái quốc thay vì cái cuốc, mùa suân thay vì mùa xuân), dùng sai chữ (thí dụ: “Thân thể ông lái đò rất tráng lệ” thay vì phải viết “Thân thể ông lái đò rất cường tráng.” – “Ý chí của người dân đang ở mức tuột đỉnh” thay vì phải viết là “Ý chí của người dân đang ở mức tột đỉnh.” – “Những cuộc giao hữu của quân ta và quân địch” thay vì phải viết “Những cuộc giao chiến của quân ta và quân địch.” – “Đoạn thơ trên thể hiện tâm chạng vui xướng, hí hửng của tác giả” thay vì phải viết “Đoạn thơ trên thể hiện tâm trạng vui sướng, hớn hở của tác giả.”
1.2. Ý tưởng ngô nghê
Dưới đây là vài đoạn trích trong bài Đọc Văn Muốn Khóc của Hoàng Trực Ngôn đăng trong Đặc San Công An, thứ Bảy 16.10.2004.
1.Bài làm của em học sinh lớp 11, trường PTTH Cái Bè, khi nói lên cảm nghĩ về Nguyễn Du với tác phẩm Kiều:
… “Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù, tiền bối đã sớm ra đi một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công “Vương Thúy Liều” hay còn gọi là “Đoạn trường thất thanh.” Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm thất điên bát đảo cả giới hậu bối chúng ta…”

2.Bài làm của em N.A.T. lớp 10, trường PTTH Hà Đông, nói lý do thích tác phẩm mình đã đọc:
“… Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao dân ca rất giàu tình nghĩa… Trong các tác phẩm đó, em thích nhất là tác phẩm “Tắt đèn.” Vì nó đã thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó…”

  1. Thầy giáo
    Tri thức và học vấn của một số của Giáo chức lại còn tệ hại hơn nữa vì thiếu hiểu biết về những đề tài liên quan tới bộ môn giảng dạy.
    Nhà Giáo Ưu tú Hoàng Như Mai, đã viết nhiều sách giáo khoa (XHCN gọi là giáo trình) mà trong đó thường đả kích kịch liệt nền văn hóa/văn học Pháp (Thực dân Pháp tại Việt Nam trước năm 1945) và văn hóa Mỹ Ngụy nhằm ca tụng sự anh minh và tài ba của “Bác kính yêu.” Được thể xông lên, Ông đã không ngần ngại tuyên bố một câu “xanh dờn” khiến nhà trí thức khoa bảng Trần Ngọc Thêm đã phải dùng làm trích dẫn cho sách của mình (Văn Hóa Việt Nam: Đặc Trưng & Cách Tiếp Cận, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2003): “… Pháp thua trận Điện Biên Phủ năm 1954 như một sự hấp hối của nền văn minh Pháp Việt và như một sự sụp đổ của nền văn minh Pháp.” Câu nói này thật quá “khiếp đảm!” Chẳng có một trí thức nào mà lại nói như thế vì câu đó hoàn toàn sai về ý và ngữ nghĩa. Chắc Nhà Giáo này đã hiểu sai ngữ nghĩa của từ “văn minh” nên mới mạnh miệng nói như trên. Nhà Giáo ưu tú của XHCN Việt Nam đã hoàn toàn sai lầm khi đồng hóa “sự bại trận” (binh lược) với “nền văn minh” và đồng thời cũng hoàn toàn sai khi dùng nhóm từ “nền văn minh Pháp Việt” vì từ xưa tới nay “không hề hiện hữu một nền văn minh Pháp Việt (thời gian Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam)” mà chỉ có “chính sách Pháp Việt đề huề,” hoặc “chế độ Thực dân Pháp tại Việt Nam.” Đại khái, muốn nói cho đúng thì câu trên cần phải sửa lại như sau: “Sự kiện Pháp thua trận Điện Biên Phủ năm 1954 được coi như một sự chấm dứt chế độ Thực dân Pháp tại Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ.”
    Nội dung chương trình Ai Là Triệu Phú trên đài VTV3 do MC Lại Văn Sâm đảm trách ngày 9.1.2007 đã làm khán thính giả sững sờ vì trình độ học vấn của vài người dự cuộc đố vui. Giảng viên trường Đại Học Sư Phạm Thành Phố Thái Bình là Nguyễn Thị Tâm 27 tuổi đã trả lời rằng Cô chưa hề nghe nói tới Tự Lực Văn Đoàn, do vậy, Cô nghĩ có thể là tên một gánh Cải lương, rồi Cô lại khẳng định rằng Nhất Linh là một nghệ sĩ cải lương, còn các ông Hoàng Đạo, Thạch Lam và Khái Hưng thì Cô không rõ có phải là nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh hay không. Theo thông lệ, Chương trình Đố Vui cho phép Cô được dùng điện thoại cầu cứu bất kỳ ai mà Cô quen biết. Sau đó Cô nói rằng Đồng nghiệp này là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng có thể giúp Cô trả lời câu hỏi. Nhưng Đồng nghiệp này (dạy chung tại Đại học) cũng đáp sai tất cả những câu hỏi về Tự Lực Văn Ðoàn và lại nói rằng Hoàng Ðạo không phải là anh em với Nhất Linh và Thạch Lam.
    Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, đã từng là học sinh chuyên của trường Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Hà Nội, hiện là Giáo viên trường THCS Lomonoxop. Khi chấm bài “Canh gà Thọ Xương” đã phạm sai lầm đáng tiếc vì đã cho chữ “canh gà Thọ Xương” là một món ăn (chắc Cô tưởng đó là chicken broth mang thương hiệu Thọ Xương, hay nước cốt gà Brand’s bày bán trên thị trường). Có lẽ Giáo viên này không biết rằng từ Hán Việt “canh” vốn có vài ba nghĩa (canh = 1. Khoảng thời gian 2 tiếng vào lúc đêm khuya; 2. Thay đổi, sửa đổi; 3. Cày ruộng; 4. Một thứ nước hầm với rau hay thịt). Chữ “canh” trong câu thơ này có nghĩa là “Khoảng thời gian trong đêm khuya…” Văn chương bình dân có câu ca dao như sau: “Canh một dọn cửa dọn nhà, Canh hai dệt vải, canh ba đi nằm…” Do vậy, “canh gà Thọ Xương” chỉ có nghĩa là gà ở huyện Thọ Xương đã gáy báo hiệu đã sang canh năm (tức giờ Dần từ 3 tới 5 giờ sáng).

  2. Tác giả sách

Một số tác giả biên soạn sách, do học lực kém, không sáng dạ, không biết suy luận, không thông thạo ngoại ngữ, không chịu tham khảo tài liệu… nên đã đã dẫn đến tình trạng ngộ nhận trong sáng tác của mình. Đôi khi họ đã bắt chước hành vi “đạo văn” của tên “cẩu Hoàng đế” (tên do Học giả Hồ Hữu Tường gán cho Huáng Dì vốn là tên một vua Tàu được sử gia Tàu coi là tổ sư văn hóa của người Tàu).
Cố Linh mục kiêm Giáo sư Kim Định đã trước tác nhiều sách về văn hóa Việt Nho, đáng kể nhất là cuốn Việt Lý Tố Nguyên (nhà xuất bản An Tiêm ấn hành tháng 2 năm 1975, tại Saigon) trong đó nêu những đặc sắc văn hóa của người Việt cổ xưa vốn có một nền văn hóa và văn minh cao hơn của người Tàu. Nhưng tất cả những sách xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 đều bị Nhà Nước xếp vào “văn hóa phẩm của Mỹ Ngụy,” hoặc “văn hóa đồi trụy” nên đều bị hỏa thiêu trong năm 1976. Song còn một số sách nằm trong Thư Viện Quốc Gia (tọa lạc trên đường Lý Tự Trọng bây giờ) vì tất cả sách báo xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 đều phải nạp lưu chiểu cho Thư Viện Quốc Gia và Bộ Thông Tin rồi sau mới được phép bày bán trong những nhà sách trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Do vậy, giới độc giả trẻ trong nước hiện nay gần như không biết rằng xưa kia ở miền Nam đã từng có cuốn Việt Lý Tố Nguyên. Hiện nay chỉ có một số Cán bộ cao cấp trong ngành văn hóa mới được phép vào tham khảo những sách báo của chế độ cũ trong Thư viện nói trên. Nhưng sau năm 1995 hai Giáo sư lừng danh đã biên soạn hai tài liệu (có nội dung giống cuốn Việt Lý Tố Nguyên) để giảng dạy cho sinh viên của mình: Giáo sư Tiến sĩ Trần Quốc Vượng với cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam (dày 240 trang, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1977) và Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm với cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam (dày 382 trang, do Trường Đại Học Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1996). Cả hai cuốn trên đều được Báo & Đài cổ vũ nhiệt tình và đều được công nhận làm sách giáo khoa để giảng dạy cho sinh viên trên toàn quốc. Nhưng cả hai cuốn trên đã “thuổng” văn và ý từ cuốn Việt Lý Tố Nguyên của cố Linh mục Kim Định. Nhà văn Trần Mạnh Hảo đã “bật mí” hành vi đạo văn trong hai số báo Văn Nghệ (năm 1996 và 1998) và sau này trong cuốn Văn Học Phê Bình Nhận Diện (dày 490 trang, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 1999). Nhà Phê bình Trần Mạnh Hảo đã nói thẳng là hai Giáo sư trên đã chép toàn bộ ý tưởng của Linh mục Kim Định sau khi đã đổi lại lời văn và thêm bớt để xóa vết tích đạo văn! Ông Hảo đã quên không mách nước cách tìm nguyên tác để giúp độc giả tiện dịp so sánh! Tuy nhiên, hiện nay cuốn Việt Lý Tố Nguyên đã được xuất bản tại Mỹ và được bày bán trong vài ba nhà sách trên khu phố Bolsa ở Westminster, bang California. Ngoài ra, Quý Bạn cũng có thể tìm thấy toàn bộ những trước tác của cố Linh mục Kim Định cùng những bài tham luận, biên khảo của trường phái Việt Nho trên 2 websites: www.anviettoancau.net và www.anvietuk.org
Website An Việt Toàn Cầu do Ông Vũ Khánh Thành, vốn là môn sinh của cố Linh mục Kim Định, hiện làm Giám đốc Hội An Việt, đặt trụ sở tại số 12- 14 Englefield Road, London N1 4LS-UK.

Năm 2012 nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin đã phát hành cuốn “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại,” do ông Đỗ Minh Xuân biên soạn. Ông này tự xưng mình là Kỹ sư (?). Sau nhiều năm nghiên cứu Truyện Kiều, Ông đã san định lại Truyện Kiều bằng cách sửa chữa hoặc bỏ hẳn những từ ngữ Hán Việt mà thay bằng tiếng thuần Việt, hoặc bỏ hẳn những điển tích để dùng nhóm từ thuần Việt. Tác giả cho rằng những thay đổi này sẽ làm Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sáng hơn, dễ hiểu hơn và hay hơn nguyên tác. Ông đã sửa và thay thế hơn 1.000 chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng những chữ mà Ông cho là dễ hiểu hơn, thuần Việt hơn. Truyện Kiều có 3.524 câu thì Ðỗ Minh Xuân đã sửa hơn 1.000 câu thơ, do vậy, nhà “ngâm cứu” này đã “san định” 1/3 tác phẩm của Nguyễn Du.
Ở ngay đoạn đầu của Truyện Kiều, Tác giả Hai Lúa đã thay thế câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong” (vốn là câu tóm gọn ý chính của Truyện Kiều) bằng câu nghe rất ngô nghê là: “Mỗi người thứ có thứ không.” Sau đây là cách Cán Ngố “san định” Truyện Kiều:
Mỗi người thứ có, thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Hai câu thơ trên đã triệt tiêu luôn ý niệm tài mệnh tương đố, con Tạo đánh ghen với má hồng.. khiến Truyện Kiều của Nguyễn Du trở nên quá ngô nghê như em bé lớp Ba trường làng đang tập làm văn.
Xưa kia Học giả Phạm Quỳnh lừng lẫy một thời đã nói rằng “Truyện Kiều còn, thì tiếng nước ta còn; Truyện Kiều mất, thì tiếng nước ta mất.” Nếu sách của Đỗ Minh Xuân được phổ biến rộng rãi thì “Việt ngữ chắc sẽ trở về thời kỳ Đồ Đá (Stone Age)!” Xưa kia, khi san định Kinh Thi, Khổng Tử đã làm Kinh Thi được trường tồn vì Ngài đã loại bỏ những bài dở, tồi về ý và lời. Nhưng nay ở Trời Việt lại có “học rả ba trợn” cũng học đòi “san định!” Xưa kia, mỹ nhân Tây Thi khi nhăn mặt thì vẻ đẹp càng tăng thêm, song có người đàn bà nọ cũng học đòi nhăn mặt khiến hàng xóm phải chạy dài vì gương mặt giống quỷ dạ xoa!
4. Nhà làm từ điển Việt Nam
Soạn giả Vũ Chất đã biên soạn một cuốn từ điển “để đời.” Đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh.” Hiện nay cuốn từ điển này rất nổi đình đám vì toàn bộ những giải thích, cắt nghĩa đều hoàn toàn sai và ba trợn. Đôi khi những ngữ nghĩa lại có ý bóp méo, gán ghép, xuyên tạc, hoặc hài hước. Thí dụ:
Ai điếu (dt): Bài văn chia buồn với người đã chết. Anh chị (dt) (lóng): Đàn anh sừng sỏ trong bọn lưu manh. Anh em (tt): Những người cùng một thế hệ có quan hệ ruột thịt với nhau. Nhà có hai anh em. Ẩy (đgt): Xúi giục. Ẩy mèo bắt chuột. Bảnh mắt (đgt): Bảnh mắt thức dậy. Mới bảnh mắt ra đã đi chơi. Bắc thang (đgt): Xúi giục, giúp đỡ. Bắc thang cho con leo. Bắt rể (đgt): Đem rể về nuôi tại nhà mình. Bần đạo (dt): Kẻ đạo sĩ nghèo. Bậy bạ (tt): Quá sai lầm, xấu hổ. Bế mạc: hết dứt buổi hát. Bỡn (đgt): Đùa một cách không nghiêm chỉnh. Ca khúc (dt): Bài hát ngắn gọn, mạch lạc. Cảnh giác (đgt): Báo cho biết trước, thức tỉnh. Cào cấu (đgt): Cào và cấu. Cổ kính (tt): Rất cổ với vẻ y nghi. Tòa nhà cổ kín. Chết (đgt): Hết sống. Chị (dt) Người con gái cùng cha, cùng mẹ sinh ra trước mình. Chờm (đgt): Áp vào da thịt một vật gì cho bớt đau. Chờm nước nóng. Chườm: Áp vật nóng hoặc lạnh vào da để làm giảm đau hoặc giảm sốt. Chườm nước nóng”). Dằng co (đt): Lôi kéo dây dưa không dứt. Dờn (tt): Có màu xanh mét. Nước da xanh dờn. Đền (dt): Chỗ vua ở, chỗ thờ phụng lớn. Đền đài. Đồn trưởng : trưởng đồn. Ếch (dt): Loại nhái mình lớn, thịt ngon. Chụp ếch. Lâu đài: lầu và đền đài. Nắn bóp: nắn và bóp. Tiểu sản: Đẻ non. Tiết dục: Hạn chế sự sinh sản. Tù trưởng: Người đứng đầu trông coi tội nhân. Thơ ngây: ngây thơ…
Lối giải thích trên thực là độc nhất vô nhị, trước đó hàng ngàn năm và sau đó hàng ngàn năm cũng chưa ai làm như thế cả! Trước tác trên đã làm Từ điển gia Vũ Chất lưu xú ngàn thu! Mười ba năm sau khi từ điển trên được xuất bản thì sáng tác độc đáo của Vũ Chất mới bị phanh phui! Rồi sau đó một số nhà xuất bản Trẻ, Hồng Đức, Thanh Niên… lại chối không thừa nhận đã in ấn cuốn trên. Cuối cùng Nhà Nước đành thu hồi toàn bộ cuốn Từ điển nói trên mà cũng không biết Vũ Chất là ai và cũng không biết những nhà xuất bản trên có thực sự xuất bản cuốn từ điển trên hay không. Tóm lại, tuyệt chiêu “ăn vụng chùi mép” quá hay, nên cuối cùng huề cả làng!
5. Nhà văn
Tôi vốn rất dị ứng với giới văn sĩ nước ta vì một số học hành kém (ngoại trừ Nhất Linh và vài ba người khác), kiến thức nông cạn, nói sai sự thực, nâng bi… nên trong những truyện, tiểu thuyết của họ thường nhiều lỗi chính tả, câu văn không gẫy gọn, lủng củng, rườm rà… Điển hình như nhà văn Lê Văn Trương một thuở nào, Dương Hà, Bà Tùng Long, Bà Lan Phương… Tôi luôn ngưỡng mộ William Faulkner với kỹ thuật “inverse chronology” (đảo lộn niên lịch) và “interior monologue” (độc thoại nội tâm) và Virginia Wolf với kỹ thuật “stream of consciousness” (dòng tiềm thức), ngoài ra, họ còn khai thác ý niệm của S. Freud, S. Kierkegaard, M. Heidegger… làm say đắm người đọc. Và sau vào thập niên 60 và 70 ở Pháp lại có Lý thuyết gia về “tiểu thuyết mới” (Nouveau Roman) là Alain Robbe-Grillet với sự hợp tác của Nathalie Sarraute và Michel Butor… đã định hướng văn học theo một chiều khác. Tóm lại, văn học thế giới đã không ngừng tiến triển, nhưng giới văn sĩ Việt Nam lại gần như không thích dùng những kỹ thuật trên và cũng phớt lờ những trào lưu văn học và triết học mới! Thật đúng là ngố. Tôi thường đọc một số tiểu thuyết ngoại quốc (hoặc viết bằng Anh ngữ hay qua dịch thuật) thì nhận thấy văn giới của chúng ta tụt hậu cả vài chục năm so với giới viết lách Âu Mỹ. Điển hình như cuốn The Exorcist (Quỷ Ám) của William Peter Blatty viết cách đây 50 năm, đã đạt tới trình độ tuyệt kỹ vì truyện đan xen cách trị liệu bệnh tâm thần (song thực sự là chứng quỷ ám) bằng bùa chú kết hợp với Tây Y và Phân Tâm học (Psychiatry) và điều tra hình sự. Do tính cách đó mà cuốn truyện rất hấp dẫn. Hiện nay, tác giả Dan Brown rất ăn khách và nổi tiếng vì một loạt mấy cuốn truyện như: The Deception Point (Điểm Dối lừa) năm 2001, The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) năm 2003, The Lost Symbol (Biểu tượng Thất truyền) năm 2009 và Inferno (Hỏa ngục) năm 2014. Ngoài trừ cuốn The Deception Point (đề cập tới khoa học), còn ba cuốn kia đều nói tới nền hội họa của Ý đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật khi mà những họa phẩm được thể hiện trên trần hoặc tường của những nhà thờ ở Tòa Thánh Vatican hay ở Venise… lại giấu kín những khám phá khoa học đi trước thời đại mà những tác giả thiên tài sợ một khi bị phát hiện sẽ có hại cho nhân loại nếu chúng lọt vào tay kẻ xấu. Do vậy, những truyện trên vừa có tính khoa học giả tưởng, vừa có tính cách điều ra tội phạm và truy lùng kẻ sát nhân hàng loạt đồng thời lại vinh danh những nhà hiền triết và học giả của Hội Tam Điểm (Free Mason) đã cống hiến nhiều kỳ tích cho nhân loại. Giải thưởng Nobel văn học năm 2006 đã được trao cho nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ kiêm giáo sư thỉnh giảng là Orhan Pamuk: cuốn My Name Is Red (Tên tôi là Đỏ) được viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, rồi được Erdag M. Gokna dịch sang Anh ngữ. Cuốn này là tuyệt phẩm chứng tỏ tác giả rất tường tận hội họa trường phái Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh văn hóa Hồi giáo khoảng thế kỷ thứ 7 và 8. Đồng thời cuốn truyện lại là một tổng hợp của vụ án hình sự, điều tra án mạng, xã hội đen, giết người vì kỳ thị tôn giáo hay vì nghệ thuật vị nghệ thuật… lồng trong những cuộc tranh biện triết học và thảo luận về hội họa và điêu khắc. Ngoài ra, năm 2012 giải Nobel Văn học cũng được trao cho nhà văn Mạc Ngôn (Mò Yán) với cuốn Phong Nhũ Phì Đồn (bản dịch Việt ngữ là Báu Vật Của Đời) vì tác giả đã vạch trần chính sách độc tài và tàn bạo trên đất Hoa Lục dưới thời Mao Ze Dong làm chết hơn 60 triệu người: chiến tranh chống Phát Xít Nhật, tranh giành quyền lực với phe Tưởng Giới Thạch bằng cách giết chết hết tù binh để trừ hậu hoạn (dù trước đó phe địch đã từng thả tự do cho cả sư đoàn du kích của họ Mao), đấu tố, tàn sát vì ý thức hệ, trả thù, tù đày… Tác giả đã lấy câu “văn dĩ tái đạo” (mục đích của văn chương là truyền tải đạo lý) mà ở đây là sự thực trong cõi nhân sinh. Xưa kia, người cầm bút luôn tâm niệm “không thể bẻ cong ngòi bút,” tức là không khuất phục cường quyền vì “sĩ khả sát, bất khả nhục” (kẻ sĩ sẵn sàng chết để giữ gìn khí tiết chứ không chịu nhục) như Sử gia Tư Mã Thiên xưa kia thà bị “cung hình” (bị thiến và khắc chữ trên mặt) còn hơn là “nâng bi” và nói sai sự thực. Nếu tiện dịp, Quý Bạn nên tìm đọc: hình như mấy cuốn trên đã được dịch ra Việt ngữ rồi.
Ở Việt Nam thì lại không thế. Điển hình như Xuân Diệu, nhà thơ Tiền chiến, nổi danh về thơ mới vì bút pháp sinh động và sử dụng nhiều từ mang dấu ấn “Tây phương” trước năm 1945. Về phạm trù thi ca thì thi phẩm mang thương hiệu Xuân Diệu là “tuyệt cú mèo,” nhưng về phương diện khác, nhất là vấn đề văn hóa thì thật thậm tệ dở. Theo tạp chí Tiền Phong (số ra ngày 19.8.1946), sau chuyến viếng thăm Pháp năm 1946, Xuân Diệu đã phát biểu một câu “để đời” mà câu này được nhiều người trích dẫn nhất, song những người này đều nông nổi và thiển cận: “… Văn học Pháp đã hết cái thời của nó…” Câu phát biểu này thật “rùng rợn!” Thi sĩ này đã không hiểu ngữ nghĩa của từ “văn học” (literature) và “văn hóa” (culture) của bất kỳ một quốc gia nào. Chẳng có một nhà trí thức nào lại cả gan nói rằng “văn hóa và văn học của bất kỳ một quốc gia nào đã hết thời, hoặc đã chết khi mà quốc gia đó đang còn tồn tại.” Chúng ta chỉ có thể nói rằng chế độ hay thể chế đã suy tàn hay sụp đổ (thí dụ Đế chế La Mã ngày xưa, thể chế Đức Quốc Xã của Hitler, chế độ Xô Viết cũ…) mới có một nền văn hóa và văn học “hết thời của nó,” hoặc “theo nấm mồ văn hóa của nó.”

Ghi Chú

1. Quản Tử (725 BC – 645 BC)
Quản Trọng (管仲 = Guăn Zhòng) là một chính trị gia và tư tưởng gia của Trung Hoa thời Xuân Thu (685 BC). Ông còn có tên là Di Ngô, sau này được gọi tắt là Quản Tử. Bão Thúc Nha đã khuyên Tề Hoàn Công bỏ hận thù (xưa kia Quản Tử đã từng bắn suýt chết Tề Hoàn Công khi còn làm Thái tử) để để tin dùng Quản Trọng. Cuối cùng vua Tề phong Ông làm Tể tướng rồi sau là Trọng Phụ để giúp vua khiến nước Tề trở thành hùng cường nhất về thời bấy giờ đồng thời khiến Tề Hoàn Công trở thành bá chủ chư hầu vì Thiên tử nhà Chu chỉ là hư vị. Chính sách “bất chiến vi thắng” tức là tấn công và trừng phạt địch quốc bằng mưu trí, và dùng kinh tế để làm dân giàu nước mạnh. Ông đã hiện đại hóa nước Tề bằng nhiều cải cách: tập trung quyền lực, chia nước ra làm nhiều làng xã và mỗi làng xã lại có riêng một ngành nghề, đánh thuế trực tiếp vào những làng xã, tuyển chọn hiền tài, khuyến khích dân vùng biển khai thác muối và dân miền núi khai thác mỏ sắt. Kế sách “thụ nhân” được nhắc đến trong tác phẩm Quản Tử nằm trong bộ Bách Gia Chư Tử (Trăm lý thuyết gia) liệt kê “Cửu lưu” (9 học phái) gồm: Nho gia (Rú jiā = Confucians), Đạo gia (Dào jiā = Daoists), Âm Dương gia (Yīn yáng jiā = the Yin Yang), Danh gia (Míng jiā = Logicians), Pháp gia (Fă jiā = Legalists), Mặc gia (Mò jiā = Mohists), Tung Hoành gia (Zhòng Héng jiā = Political Strategists/Diplomats), Tạp gia (Zá jiā = Miscellaneous & Eclectics) và Nông gia (Nóng jiā = Agriculturalists)… Song bộ sách này quá dày (vài ngàn trang) và rất mắc tiền, nên chỉ vương tôn công tử mới đủ điều kiện sở hữu sách này. Do vậy, những lời của Quản Tử đã rải rác nằm trong những sách Hán Thư, Nghệ Văn Chí… song được rút gọn thành “Nhất niên chi kế, thụ cốc; thập niên chi kế, thụ mộc; bách niên chi kế thụ nhân.” (Kế sách 1 năm là trồng lúa, kế sách 10 năm là trồng cây; kế sách 100 năm là đào tạo nhân tài.) Lâu dần, câu trên trở thành sáo ngữ, rồi mọi người không còn biết ai là tác giả nữa.Tình trạng này cũng giống một số ca khúc thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được mọi người ưa chuộng nên ca hát tối ngày.. . đến nỗi nhiều khi chúng ta không còn biết tên ca khúc và tên nhạc sĩ nữa.

2. Machiavel (1469-1527)
Tên Ý của Ông là Nicolo Machiavelli, đã giữ nhiều chức vụ ngoại giao ở Ý, Pháp và Đức. Sau khi bị trục xuất khỏi chính trường, Ông đã viết nhiều sách về chính trị và lịch sử. Trong số đó nổi bật là cuốn Le Prince (Quân vương), Discours sur l’Art de Guerre (Diễn văn về nghệ thuật chiến tranh); ngoài ra, Ông còn sáng tác vài vở hài kịch (vốn là trào lưu thời bấy giờ, điển hình như Kịch tác gia Pháp là Molière) là: La Mandagore (1520) và La Cizia (1525). Vốn thừa hưởng tư tưởng chính trị triết học của trường phái Hy Lạp, Ông không thiết tha tới chính sách tốt đẹp mà lại chủ trương một trật tự mới (đạo đức, tự do…) khiến Nhà nước được toàn quyền định đoạt số phận mọi người. Ý tưởng của Ông đã khơi nguồn cho những chính trị gia độc tài bên trời Âu trong những thế kỷ 18 và 19 đã dùng đủ mọi cách để đạt được mục tiêu.

3. Plato (427- 348/347)
Người Anh Mỹ gọi là Plato, còn người Pháp gọi là Platon. Là Triết gia Hy Lạp, Ông đã từng là đệ tử của Hiền triết Socrate, đã đi nhiều nơi rồi cuối cùng về Athènes để mở trường học lập môn phái của mình. Ông đã trước tác nhiều tác phẩm bàn luận đủ mọi đề tài về triết, đạo đức, chính trị… Tác phẩm chính là: Le Banquet, Phédon, La République, Phèdre, Parménide…

4. Socrate (470 – 399 BC)
Là Hiền triết Hy Lạp, Ông đã không viết lách gì song nhờ ba đệ tử mà Ông được người đời biết đến: Aristophane chuyên nhạo báng thầy, Xénophon đề cao sư phụ như một nhà đạo đức đơn giản, còn Plato luôn trích dẫn những lời của sư phụ trong trước tác để đời Dialogues. Thuở đương thời, mọi người tôn thờ Ông như một vạn thế sư biểu. Không muốn thấy cảnh chiến tranh tàn sát dân lành, Ông đã phản đối cuộc chiến khiến nhà độc tài xứ Athènes đã bắt ép uống thuốc độc với tội danh bất kính với Thượng đế và làm sa đọa tinh thần thanh niên.

5. Aristotle (384 – 322 BC)
Ông là nhà Hiền triết Hy Lạp, đã từng là sư phó cho Đại đế Alexandre. Ông đã trước tác nhiều sách bao quát nhiều vấn đề về triết học, đạo đức, siêu hình, luận lý, chính trị, sinh vật…

6. Victor Hugo (1802 – 1885)
Tuy là con một tướng lãnh, Ông lại theo nghiệp văn chương. Ông đã viết nhiều thể loại như thơ, anh hùng ca, tiểu thuyết… Nổi tiếng là cuốn Les Misérables (Những kẻ khốn cùng), Notre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà)… Văn học Pháp xếp Ông là đại văn hào, khi chết Ông được làm lễ quốc tang.

7. John Dewy (1859 – 1952)
Ông là Triết gia kiêm Giáo dục gia người Mỹ. Ông đã viết nhiều sách về giáo dục và đã chủ trương một nền giáo dục thực tiễn.

8. Nelson Mandela (1819 – 2013)
Là chính trị gia và thủ lãnh phong trào ANC đòi tự do và độc lập cho người Nam Phi, Ông đã cầm đầu nhóm chiến binh da đen chống lại sự cai trị tàn bạo và kỳ thị chủng tộc do một thiểu số Da Trắng nắm quyền từ trăm năm qua trên đất Nam Phi. Bị bắt năm 1962, Ông đã ngồi tù hơn 30 năm trong chế độ Apartheid vô nhân tính lừng danh quốc tế. Cuối cùng, do LHQ can thiệp, chế độ phân biệt chủng tộc đã cáo chung và Ông đã được phóng thích năm 1990, rồi sau đó làm Tổng Thống Nam Phi.

9. Canh gà Thọ Xương
Nguyên văn bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê như sau:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Bài thơ trên mô tả cảnh Hà Nội thuở xưa lúc sớm mai mờ hơi sương: vang vọng tiếng chuông chùa Trấn Vũ ở Hồ Tây cùng với những tiếng gà gáy (báo sang canh năm) tại Thọ Xương (nay là Nhà Thờ và Nhà Chung ở Hà Nội) hòa cùng tiếng chày giã rộn ràng của làng An Thái vì cư dân làm nghề giấy gió gì đó. Những ý tứ trên rất rõ ràng và xác đáng vì rất hợp với ngữ cảnh (context) trong bài vì không thể nào Tác giả (vốn là danh gia vọng tộc rất uyên bác) lại để “tiếng chuông chùa Trấn Vũ” xen lẫn với món ăn “canh gà Thọ Xương.” Dù có một số ý kiến cho rằng “canh gà Thọ Xương” là một món ẩm thực rất khoái khẩu về thời đó. Đó là ý kiến của một số người căn cứ vào cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng với hai câu sau:
“Tương Bần, cà Láng, dưa La,
Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương.”

Tóm lại, chữ “canh” ở đây vốn là từ Hán Việt mà Quan thoại đọc là “gēng” có nghĩa là một khoảng thời gian 2 giờ Dương lịch vào đêm tối. Xưa kia, ta thường chia buổi tối thành 5 canh:
1.Canh một (Nhất canh = yī gēng) tức giờ Tuất từ 19:00 – 21:00; 2. Canh hai (Nhị canh = èr gēng) tức giờ Hợi từ 21:00 – 23:00; 3. Canh ba (Tam canh = sān gēng) tức giờ Tí từ 23:00 – 01:00 giờ sáng hôm sau; 4. Canh tư (Tứ canh = sì gēng) tức giờ Sửu từ 01:00 – 03:00; 5. Canh năm (Ngũ canh = wǔ gēng) tức giờ Dần từ 03:00 – 05:00.

10. Cẩu Hoàng đế đạo văn

Sau khi thắng Si Vưu (đại diện của giống Viêm Việt sống ở miền trung nước Tàu cách đây vài ngàn năm trước Công Nguyên), Hoàng Đế này đã tàn sát kẻ thua trận và nhận tất cả những công trình văn hóa của nòi Viêm Việt là do mình phát kiến. Đây là hành vi đạo văn quốc tế đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Học giả Hồ Hữu Tường đã nói trong cuốn truyện Hồn Bướm Mơ Hoa đã ra mắt độc giả quãng thập niên 40, song đã được nhà xuất bản Nam Cường ấn hành năm 1970 tại Saigon.
P. Kim Long
Email: pklong9@gmail.com
Saigon, 2014