Tại Món Canh Bún

Tại Món Canh Bún

Thái-Vinh

Cao đang đứng xỉa răng trên hiên lầu, thấy Thái hấp tấp băng ngang dưới đường, liền hỏi đùa:
– Đêm nay thầy giáo đi dạy học bằng lô ca chân à?
Thái buồn bực trả lời:
– Đêm hôm qua quên khóa xe vào cầu thang; sáng ra mất tiêu cái xe đạp rồi!
Cao an ủi:
– Thế thì vào nhà mượn tạm xe của tao, đạp cho đỡ mỏi chân?
Thái mừng rỡ:
– Cảm ơn bạn hiền. Sẽ đem trả xe đúng giờ.
Thái làm nghề thầy giáo dạy kèm mỗi tuần ba buổi tối như thế đã mấy năm nay. Ngoài việc kiểm soát bài học ở trường cho các em Long, Lân, Qui, và Phụng, Thái thường trổ tài dạy thêm những điều ngoài sách vở, nhét vào trí óc non nớt của chúng nó biết bao điều mới lạ của thế giới sinh viên đại học, khiến lũ học trò tò mò ham học hỏi quên cả giờ giấc. Lúc về đến nhà Cao, thì đèn đuốc trong nhà đã tối thui. Đẩy cánh cửa khép hờ, Thái bỗng giật mình vì từ bên trong có tiếng guốc nhẹ nhàng đi ra và một giọng nói hết sức dịu dàng của một thiếu nữ miền sông Hương núi Ngự:
– Phải anh Thái đó không?
Thái nghĩ thầm, “Quái lạ! Thằng Cao đang quyết liệt học thi kỹ sư Phú Thọ, ăn chay trường, và kiêng cữ đủ thứ. Bấy lâu nay không thấy nó mở miệng nói chuyện bồ bịch; không lẽ…”
Thái buột miệng hỏi:
– Cao ngủ rồi phải không cô?
– Dạ không, anh Cao đang học bài. Anh ấy dặn em chờ anh. Em là Huệ.
Giọng Huế của nàng phát âm chữ Huệ rất ngọt ngào và vô cùng êm ái khiến Thái tự nhiên thấy kính trọng một giọng nói rất quen thuộc nhắc cho Thái nhớ đến cô giáo Lê dạy môn Anh Văn năm thứ nhất ở Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ mà Thái từng thương thầm cho đến ngày cô đi lấy chồng.
Đèn trong nhà bật sáng. Nhìn dáng người xinh xắn và khuôn mặt khả ái của Huệ, Thái mừng thầm khi nghĩ tới chiều thẳng đứng một thước mốt của thằng Cao, thì nhất định nó không tài nào dám mơ tưởng cặp bồ với mỹ nhân đang nói chuyện trước mặt mình được! Thái bèn giả vờ hỏi:
– Huệ là em của anh Cao?
– Dạ không. Em vào ở trọ học thi đã một tháng nay. Ngày mai em về rồi.
Tự dưng Thái thấy choáng váng, tức thầm thằng ăn trộm, “Tại sao bây lâu nay nó không ăn cắp xe đạp, để Thái sớm được cơ hội gặp nàng!”
– Huệ không muốn làm sinh viên ở Sài-Gòn à?
– Em thử thi vào Đại Học Sư Phạm; nhưng không cần chờ ngày coi bảng, em đã biết rớt rồi! Thôi đành về Quy Nhơn học trường Sư Phạm Ghềnh Ráng, rồi làm cô giáo dạy tiểu học, anh ạ!
Thái đùa:
– Làm cô giáo tiểu học có lẽ hay hơn làm cô giáo trung học!
– Anh an ủi em, phải không?
– Không phải đâu! Vì cô giáo trung học phải lo lắng và đề phòng học trò yêu cô giáo rất vất vả!
– Nghe anh nói thế, em rất vui vẻ làm cô giáo tiểu học.
Câu chuyện dần dà trở nên thân mật. Ranh giới ban đầu giữa hai người là cái xe đạp, sau đó là bàn học; rồi biết thằng Cao tuy ở trên lầu đang gạo bài, nhưng có tài nghe rõ từng tiếng động nhỏ nhặt bên phòng ngủ nhà hàng xóm, nên Thái từ từ đi dần ra trước hiên nhà mà Ngọc-Huệ theo tiễn chân Thái lúc nào không hay.
Đêm nay rằm. Ánh trăng huyền ảo càng làm khung cảnh hai người đứng dưới gác trọ trên đường Hòa Hưng thêm phần thơ mộng. Càng về khuya, cảm xúc càng dâng trào lai láng, Thái bạo dạn cầm tay Huệ. Thấy nàng để yên, Thái lấy hết can đảm. Như biết ý, nàng nhoẻn miệng cười khuyến khích; nhưng vào giai đoạn quyết liệt đó giữa hai hàm răng trắng như ngọc của nàng ló ra một tia xanh nho nhỏ như cộng rau muống, tự nhiên Thái buột miệng hỏi một câu hết sức bâng quơ:
– Em ăn tối chưa?
Nàng cười khúc khích:
– Giờ nầy anh mời em đi ăn sáng là vừa!
Thái lại hỏi một câu thật hồ đồ khác:
– Hồi chiều em ăn món canh bún phải không?
Nàng lắc đầu, nũng nịu khen:
– Không phải hồi chiều, nhưng anh tài quá! Bà chủ nhà đãi món Canh Bún chia tay em từ hôm qua cơ!
Thái quay mặt, im lặng một lúc lâu mới nói được một câu chia tay hết sức cảm động:
– Tết năm đến, anh sẽ về Quy Nhơn thăm cô giáo.
Huệ cười buồn buồn:
– Cô giáo lúc nào cũng chờ anh!
Bẵng đi một thời gian, bất chợt thấy Thái đạp xe đi ngang trước nhà, Cao kêu to: “Có thư của Huệ gửi cho mày đấy!”
Thái đứng chờ, mỉm cười nhớ lại cộng rau muống xanh nho nhỏ dính giữa kẽ răng của Huệ đêm nào dưới ánh trăng. Rồi vừa đạp xe vừa bóc thư coi, vỏn vẹn chỉ một bài thơ:

Sao anh không về thăm Quy Nhơn, anh ơi?
Phố Gia Long gầy đón chân chàng đến
Ghềnh Ráng chiều lên Hàn Mạc Tử ngâm thơ
Nhạc trùng dương buông tiếng tơ sầu vạn kỷ
Để em buồn, em mãi thương nhớ vu vơ
Mây hoàng hôn lang thang trên đầm Thị Nại
Hồn Chiêm Nương còn rên rỉ với Tháp Chàm
Em nhớ anh, sao anh không trở lại?
Để u buồn người em gái xứ Quy Nhơn
Anh hãy về đây nghe Suối Tiên thổn thức
Em kể anh nghe sự tích nón Gò Găng
Trên bãi bể mắt nhung em sầu ngơ ngác
Áo trắng nữ sinh lộng lẫy giữa mùa trăng
Anh nhớ về thăm Quy Nhơn, anh nhé?
Đường Gia Long vẫn thèm khát dấu chân anh
Anh biết chăng? Em vẫn mộng Sài Thành
.

Vài năm sau tình cờ gặp anh Nguyễn Thế-Giác và chị Đinh Hồng Lê là dân Quy Nhơn đang định cư ở Titusville, tiểu bang Pennsylvania; trong lúc tâm sự Thái chợt nhớ người thiếu nữ năm nào gửi bài thơ, bèn hỏi:
– Anh chị có biết cô giáo Huệ, nhà ở đường Hai Bà Trưng?
– Ồ…chẳng những biết, mà còn thân nhau nữa!
– Cô giáo ấy bây giờ ở đâu?
– Sau 30 tháng 4 năm 1975, bố của Huệ bị bắt đi học tập cải tạo mất tích. Gia đình sa sút, Huệ không được dạy học, phải bán canh bún rong trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ!