All posts by P. Kim Long

Year of the Monkey

ButTre_Jan2016LaThuToaSoan-ButTre_Jan2016

NĂM BÍNH THÂN NÓI CHUYỆN KHỈ
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre tháng Giêng 2016)
P. Kim Long

Trong “lục súc” thân thiện nhất với con người chỉ có: chó, trâu bò, lừa ngựa vì chúng luôn sát cánh cùng con người trong những lúc gian khổ và hiểm nguy, chính vì thế người ta mới cho rằng chúng là những con vật tình cảm, thông hiểu tính người và rất trung thành. Chỉ có loài “khỉ” là không được xếp vào loại gia súc, tuy nhiên lại có một vị trí độc đáo trong văn học, thi ca và trong cuộc sống của con người bất kể là Tây hay Đông và bất kể là cổ thời hay cận đại. Khỉ là loài linh trưởng giống con người nhất trong những loài động vật, nhưng khỉ vẫn hoàn khỉ. Trái lại, loài vượn lại có một vị trí đặc biệt trong lịch sử loài người: vì không có đuôi, vượn lại càng giống người hơn. Vượn người (ape-man) đã có từ thời đồ đá và đã không ngừng tiến hóa qua từng thời đại để trở nên chúa tể muôn loài, tức là con người hiện nay.

1. Họ hàng nhà khỉ

Loài khỉ có rất nhiều chủng loại, từ loại bé nhỏ bằng con mèo cho tới vóc dáng to lớn hơn người. Tuy nhiên loài khỉ cũng chia làm hai loại: có đuôi (đại diện là khỉ) và không đuôi (đại diện là vượn). Ba con tinh tinh, vượn và khỉ đột (to cao bằng hay to cao hơn người) đều không có đuôi, gần giống với bản sao của con người vì có tới 90% gene của loài người. Khỉ (猴 hóu = hầu = monkey), đười ươi (to hơn con chó), bú dù (cũng là khỉ, song được dùng để rủa người nào đó), con tườu (con khỉ, song được dùng để rủa một ai đó), khỉ đột (= gorilla, nhưng đôi khi được dùng để chê bai người to con song ngốc nghếch), vượn (猿 yuán = viên = ape), tinh tinh (to như con vượn), khỉ đỏ đít (gibbonapefamilien, red-arsed gibbon/monkey)… Chỉ có khỉ nhỏ bằng con mèo được người ta nuôi làm cảnh trong nhà vì loài này có tình có nghĩa gần bằng chó vậy. Tuy nhiên, loài vượn được con người ưu ái hơn khỉ vì không có đuôi và gần giống với con người. Phải chăng vì thế mà trong những truyện Liêu Trai, thần tiên thường gán cho loài vượn có thể tu luyện đắc đạo, có nhiều pháp thuật…

2. Khỉ trong ca dao, tục ngữ Việt & Hoa
Chữ “khỉ” đã hiện diện nhiều trong những câu nói đầu môi chót lưỡi, tục ngữ dân gian của nước ta; tương tự với chữ “hầu” của người Hoa.
Cầu khỉ: cầu tạm bợ ở thôn quê ngày xưa chỉ làm bằng một thân cây bắc trên vài ba cọc cắm xuống sông và có 1 thanh ngang để làm tay vịn. Người đi trên cầu này phải nhanh nhẹn dẻo dai giống con khỉ; có lẽ mới được gọi là cầu khỉ chăng?
Khỉ ho cò gáy: chốn hoang vu, miền sâu miền xa.
Giết gà dọa khỉ: giết/khống chế ai để làm áp lực với người khác.
Rung cây nhát khỉ: dọa dẫm ai.
Nói hươu nói vượn: ba hoa, bốc phét.
Mặt nhăn như khỉ, như khỉ ăn ớt: mô tả diện mạo của ai đó nhăn nhó, nhăn như bị.
Làm trò khỉ: chế giễu những người hay pha trò, bắt chước, làm trò hề.
Khỉ gió, Khỉ khô, Khỉ mốc, Khỉ già, Con khẹc: những chữ dùng để rủa, mắng một ai đó.
Đồ khỉ, Đồ khỉ gió: ám chỉ người không đứng đắn, không trang nghiêm, hay nghịch ngợm.
Khỉ ăn mắm tôm: mô tả diện mạo không hài lòng của ai đó.
Khỉ chê khỉ đỏ đít: ám chỉ tính hay chê bai, bài bác.
Nuôi ong tay áo, Nuôi khỉ dòm nhà: ám chỉ kẻ phản bội chủ, kẻ lừa thầy phản bạn.
Khỉ lại là khỉ, Mèo lại hoàn mèo: ám chỉ dù thay đổi thế nào thì tình trạng cũng như cũ.
Trời sinh con khỉ ở lùm, Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông: ám chỉ không thay đổi được.
Khỉ bồng con lên non kiếm trái, Cảm thương nàng phận gái mồ côi: thương xót người con gái không nơi nương tựa.

Sau đây là một vài từ ngữ thông dụng trong sách vở Hán ngữ: hầu (猴 hóu = monkey = khỉ), còn “viên” (猿 yuán = vượn = ape, gibbon) – hầu đậu bệnh độc(猴 痘 病 毒 hóu doù bìng dú): vi trùng sởi của khỉ (monkey pox virus) – hầu nhi (猴 儿 hóu er): kẻ độc ác, ma lanh, quỷ quái (little devil) – hầu hài tử (猴 孩 子 hóu hái zi): nghĩa như trên – hầu niên (猴 年 hóu nián): năm Thân (year of the Monkey) – hầu niên mã nguyệt (猴 年 马 月 hóu nián mă yuè): năm Thân tháng Ngọ (trong Âm lịch không hề có thời điểm này), nghĩa giống như chữ “tết Congo” – hầu quyền (猴 拳 hóu quán): tên một môn võ thuật mà những động tác trông giống như những động tác của loài khỉ (monkey fist martial art) – Hầu Vương (猴 王 Hóu Wáng): Vua Khỉ, tên của Tôn Ngộ Không khi còn là chúa khỉ ở Hoa Quả Sơn trước khi theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh bên Thiên Trúc – hầu hý (猴 戏 hóu xì): diễn trò khỉ (khỉ được dùng thay người trong những vở tuồng ngắn = monkey show) – hầu tử (猴 子 hóu zǐ): con khỉ – hầu tử thâu đào (猴 子 偷 桃 hóu zǐ tōu táo): con khỉ ăn cắp trái đào (tên một thế võ bắt chước động tác của con khỉ chìa một tay ra làm động tác giả còn tay kia bóp dịch hoàn đối phương) – viên hầu (猿 猴 yuán hóu): vượn và khỉ (apes & monkeys) – tiêm chủy hầu tai (尖 嘴 猴 腮 jiān zuǐ hóu sāi): môi và cằm vều ra giống con khỉ – trung sơn vô lão hổ, hầu tử xưng đại vương (山 中 无 老 虎,猴 子 称 大 王 shān zhōng wú lăo hǔ, hóu zǐ chēng dā wáng): trong rừng không có hổ thì con khỉ làm vua; vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm) – sát kê, cảnh hầu (杀 鸡 儆 猴 shā jī, jǐng hóu): giết gà để nhát khỉ – sát kê cấp hầu khán (杀 鸡 猴 给 看 shā jī hē hóu kàn): giết gà để cho khỉ trông thấy phải sợ (giết gà nhát khỉ) – sát kê cảnh hầu (杀 鸡 警 猴 shā jī jǐng hóu): giết gà để cảnh cáo khỉ (giết gà nhát khỉ) – mộc hầu nhi quán (沐 猴 而冠 mù hóu ér quán): gội đầu cho khỉ rồi lại cho nó đội mũ, con khỉ đội nón, người vô tích sự) – xọa hầu nhi (耍 猴 儿 shuă hóu ér): chế nhạo, nhạo báng ai (to make fun of somebody) – hầu (猴 hóu): ngồi xổm (dáng ngồi của khỉ: ngồi để hai chân lên ghế như kiểu ngồi nước lụt; trong Hồng Lâu Mộng có một câu chê dáng ngồi hạ tiện này: … 别 学 他 门 猴 在 马 上 bié xúe tā mén hóu zài mă shàng = biệt học tha môn hầu tại mã thượng = đừng bắt chước bọn họ ngồi chồm hổm trên ngựa)…
viên (猿 yuán): vượn, khỉ đột, đười ươi – viên nhân (猿 人 yuán rén): người vượn (ape-man) – viên hầu (猿 猴 yuán hóu): vượn và khỉ – Trung quốc viên nhân (中国 猿 人 Zhōng guó yuán rén): người vượn Bắc Kinh (tên một công trình khảo cổ lừng danh của Bùi Văn Trung, hình như là người Hoa gốc Việt, đã đào được một xác hóa thạch năm1928 gần Bắc Kinh) – nhân viên (人 猿 rén yuán): vượn người (anthropoid man) – vô vĩ viên (无 尾 猿wú wéi yuán): con vượn không đuôi (ape) – loại nhân viên (类 人 猿 lèi rén yuán): con vượn (anthropoid ape) – trường tí viên (长 臂 猿 cháng bì yuán): con vượn tay dài – hắc quan trường tí viên (黑 冠 长 臂 猿 hēi guān cháng bì yuán): con vượn có mào đen (black-crested gibbon, Normascus nasutus) – tâm viên ý mã (心 意 马 xīn yuán yì mă): lòng vượn mà ý ngựa, lòng dạ thay đổi thất thường – lung điểu hạm viên (笼 鸟 槛 猿 lóng niăo jiàn yuán): chim nhốt trong lồng và vượn nằm trong cũi (cá chậu chim lồng, trong tình trạng bị giam cầm, cảnh tù túng).

3. Khỉ trong truyện cổ tích

Người xưa dùng những truyện cổ tích để giải thích những sự kiện huyền bí và bất khả tri luận. Sau đây là một trong những thể loại này được dùng để giải thích vì sao lại có Gibbonapefamilien (red-arsed gibbon/monkey), được gọi là “khỉ đỏ đít.” Truyện cổ tích kể rằng xưa kia có một phú ông đối xử bạc ác bất nhân với mọi người, kể cả người ăn kẻ ở. Một hôm trong nhà có giỗ, con sen ra giếng gánh nước đã lấy phần cơm của mình cho một cụ già rách rưới xin ăn. Tỏ vẻ cảm động, cụ già liền nói: “Ta là Bụt, con muốn gì, ta sẽ cho con được như ý nguyện.” Cô gái chỉ ước sao được bớt xấu xí. Bụt dạy nàng lội xuống giếng nếu thấy hoa nào đẹp thì phải mút chùn chụt. Cô gái vâng lời, thấy hoa trắng đẹp liền mút lấy mút để, rồi bỗng nhiên trở nên xinh đẹp như tiên. Khi cô gái quẩy nước về đến nhà thì mọi người kinh ngạc xúm lại hỏi nguyên do. Nghe xong, cả nhà phú ông liền đổ xô ngay ra giếng. Ông Bụt vẫn còn ngồi đó. Gia đình phú ông liền đem xôi thịt mời ăn, xin xỏ. Bụt cũng bảo mọi người làm y như cô gái nọ. Xuống giếng, họ thấy hoa đỏ là đẹp, mút lấy mút để, ngờ đâu mặt mũi trở thành nhăn nheo, người quắt lại, lông lá ra đầy, đuôi mọc dài và cuối cùng đã trở một bầy khỉ. Dân trong làng thấy vậy, quá hoảng sợ, đã hè nhau đánh đuổi đàn khỉ. Khỉ chạy trốn lên rừng, quá tiếc của, đêm đêm chúng kéo nhau mò về làng, leo lên cửa sổ, nhòm vào nhà, léo nhéo suốt đêm. Người làng sợ, bàn với nhau bôi mắm tôm vào song cửa, lại nung nóng thật nhiều lưỡi cày đặt rải rác trong sân. Khỉ kéo nhau về như thường lệ, leo lên cửa bị mắm tôm vấy đầy tay, quệt tay vào người, hôi quá, bỏ chạy ra sân ngồi bệt xuống. Vừa đặt đít phải lưỡi cày nóng bỏng chúng nhảy nhổm, kêu chí choé, ba chân bốn cẳng một mạch kéo nhau về rừng, cạch không dám vào làng phá phách nữa. Và vết bỏng cháy đỏ đít khỉ từ ấy đời đời không phai. Từ đó mới có loài khỉ đỏ đít.

4. Khỉ/đười ươi trong điển tích và lịch sử

Giòng họ nhà khỉ vốn thông minh hơn những thú vật khác vì có thói bắt chước con người. Do vậy, người ta thường bắt khỉ để làm trò xiếc, hay thuần hóa làm việc trong nhà.

Học thói đua đòi.- Thời Trịnh Khải, 1783, tuy thế lực Chúa Trịnh đang suy tàn, nhưng vẫn còn kẻ nịnh bợ. Đặng Kim đã làm đến tước hầu, vẫn còn xin làm con nuôi nhà Chúa, đổi tên là Trịnh An. Một hôm, trên tường vôi có vẽ một cây cổ thụ đang xiêu đổ với lá cành trơ trụi, gốc rễ ngả nghiêng. Trên chạc có con khỉ đang nằm ngủ, bên cạnh có hai câu thơ nôm:
Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi,
Đừng chờ cây đổ, đi đời nhà mi.

Thấy vậy, Đặng Kim tỉnh ngộ, bèn từ quan rồi lấy lại tên cũ. Về sau, khi Trịnh Khải bị lật đổ, Ông tránh khỏi nạn cháy nhà vạ lây.

Thông minh của loài khỉ.- Truyện kể rằng về thời Đường Thái Tông, một ngôi làng thuộc huyện Cổ Điền ở cạnh một khu rừng có vài trăm con khỉ sinh sống thường xông vào làng xóm kiếm đồ ăn và phá phách nhà cửa. Do vậy, dân làng bàn nhau chặt hết cây rừng để tìm cách tàn sát lũ khỉ. Khi họ chặt hết cây trong rừng thì lũ khỉ trở tay không kịp nên cả đàn khỉ bị dân làng vây chặt. Đang trong lúc nguy cấp, đột nhiên có một con khỉ già cố hết sức đột phá vòng vây, chạy nhanh đến một căn nhà trong làng, dùng lửa trong bếp để đốt nhà. Khi đó gió đang thổi mạnh, lửa bốc càng lớn. Dân làng vội quay về chữa cháy nên bầy khỉ trốn thoát và chạy đi tìm nơi ở mới. Do vậy, loài khỉ cũng có biết kế sách “tấn công Ngụy cứu Triệu.”

Lợi dụng loài khỉ.- Là tác giả cuốn “Vạn lịch dã hoạch biên,” Thẩm Đức Phù đời Minh đã ghi một câu chuyện lạ. Vào năm Gia Tĩnh nhà Minh, hải tặc Nhật Bản thường hay đổ bộ lên bờ biển phía đông nam nước Tàu để cướp bóc và tàn sát dân lành. Được vua cử làm Tham Tướng tại Chiết Giang, Thích Kế Quang bèn chỉnh đốn binh mã, rèn luyện binh lính, dạy dùng súng bắn chim phóng hỏa lên núi. Đàn khỉ trong núi thường xuyên chứng kiến cảnh tượng đó nên cũng bắt chước làm theo. Một hôm, bọn Nụy Khấu (cướp biển Nhật) lại chèo thuyền cặp bờ quấy phá. Thích Kế Quang thấy quân lực yếu không đủ sức cự địch, liền cho quân sĩ rải mồi lửa dọc theo đường lên núi và dụ địch vào sâu bên trong. Bọn hải tặc lần theo dấu vết lên núi, không ngờ mồi lửa bị đàn khỉ nhặt được, chúng thấy bọn hải tặc xõa tóc đi chân đất, cho là khác loài, nên chúng bắt đầu trổ tài bắn chim phóng hỏa mà trước đây đã học lỏm được để tấn công kẻ địch, đồng thời quân mai phục của Thích Kế Quang thừa dịp xông ra, tiêu diệt hết bọn hải tặc.

Đười ươi giữ ống.- Đười ươi là một loài khỉ rất to lớn gần bằng người thật. Tuy nhiên trong rừng chỉ có rất ít, đôi khi chúng lần mò về gần nhà dân chúng để kiếm đồ ăn. Người ta kể rằng ở một khu rừng nọ thường có vài con đười ươi ra đứng cạnh đường để túm lấy người đi ngang qua. Nạn nhân thường bị chúng nắm chặt hai cánh tay, rồi chúng cướp đoạt đồ ăn thức uống. Sau có người nghĩ ra một kế bằng cách mỗi khi đi ngang qua khu rừng đó thì thường xỏ hai tay vào hai ống nứa to. Mỗi khi con đười ươi ra túm chặt hai tay thì người đó rình cơ hội rút hai tay ra khỏi ống nứa và chạy bỏ đi trong khi con đười ươi còn mải mê cười khì khì nắm chặt hai ống nứa rỗng.

Khỉ hay bắt chước.- Có một người bán nón rong nên thường xuyên phải đi từ làng nọ sang làng kia để chào hàng. Một hôm, khi đi ngang qua một khu rừng thì ông thấy mệt mỏi nên đã ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ. Vì trời đương nắng gay gắt và vì đã lội bộ nhiều nơi nên ông đã ngồi dựa gốc cây và ngủ thiếp đi. Lũ khỉ ở trên cây thấy lạ nên nhảy xuống và táy máy những chiếc nón. Chúng thấy người đàn ông úp nón lên đầu nên chúng cũng tranh nhau mỗi con một chiếc nón úp lên đầu. Lát sau, người bán nón thức giấc và thấy gánh hàng không còn chiếc nón nào. Ông ta nhìn dáo dác và thấy lũ khỉ đang đội trên đầu những chiếc nón của mình. Ông hùng hổ kêu chúng trả nón, song chúng chỉ nhăn mặt cười và khẹc khẹc đáp lại. Ông lượm những viên đá để ném chúng và chúng cũng nhặt những viên đá ném lại. Chúng vẫn không trả lại nón còn thi nhau chọi đá trúng người ông. Chợt ông nhớ lại thói hay bắt chước của khỉ. Lập tức, ông tung chiếc nón của mình lên cao. Ngay tức khắc, bầy khỉ cũng đồng loạt tung cao những chiếc nón. Ông vội chạy tới và lượm những chiếc nón, chất vào thúng hàng rồi quẩy gánh ra đi.

Đoạn trường (ruột bị đứt từng khúc).- Một người thợ săn bắn bị thương một con vượn con và con vượn mẹ lẽo đẽo đi theo. Nó chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào. Mấy ngày liền, con vượn mẹ bỏ ăn bỏ uống cứ đứng ngoài cửa trông chừng vượn con. Mấy hôm sau, con vượn con chết vì vết thương quá nặng và con vượn mẹ cũng ngã lăn ra chết. Lấy làm lạ, người thợ săn bèn mổ bụng vượn mẹ và thấy ruột của vượn mẹ đã đứt ra từng khúc. Từ đó, từ ngữ “đoạn trường” được dùng để ám chỉ mối thương tâm mãnh liệt của cha mẹ khi con cái chết, hay lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ khuất bóng.

Truyện Bạch Viên.- Theo truyền thuyết, Vượn trắng là loài vượn khá thông minh, gần như có nhân tính nên đã có thể tu luyện hàng trăm năm và đắc đạo. Đường Truyền Kỳ còn ghi lại câu chuyện Bạch Viên trêu đùa Dương Tông Hổ. Về thời Nhà Đường, ở vùng Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, gia đình Dương Tông Hổ có người cha già mắc bệnh nan y nên đã phải đi khắp nơi mời danh y đến chữa trị nhưng họ đều bó tay. Sau đó, một đại phu họ Trần nói phải có một quả tim của người còn sống mới có thể chữa khỏi bệnh cho người cha. Một hôm, người con lên chùa trên núi để bố thí cầu nguyện. Ông đã gặp một hòa thượng mắt sâu mũi nhọn, mặt đầy nếp nhăn. Ông liền nghĩ người này sống một mình nơi hang sâu cùng cốc, chắc hẳn là cao tăng, bèn đến gần hỏi thăm. Hòa thượng đó nói ông đang ở đây chờ sói cọp đến ăn thịt. Dương Tông Hổ mừng rỡ, trong bụng nghĩ vị hòa thượng này tự nguyện làm mồi cho cọp, chắc là người đại từ đại bi, nên nói rõ cảnh ngộ của mình và cầu xin hòa thượng hãy cứu lấy sinh mạng của cha. Hòa thượng đồng ý và chỉ xin ăn một bữa cơm chay trước. Dương Tông Hổ hai tay dâng cơm chay lên cho hòa thượng dùng. Sau khi ăn xong, hòa thượng đột nhiên bay lên cây, Dương Tông Hổ gọi to: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy.” Đứng vắt vẻo trên cây, Hòa thượng cười đáp: “Kinh Kim Cương có nói rằng trái tim quá khứ không lấy được, trái tim hiện tại không lấy được, trái tim tương lai cũng không lấy được. Nay Thí chủ muốn lấy tim của tôi thì cũng không thể được!” Nói xong, hòa thượng nọ phóng lên cây, biến thành một con vượn trắng và hóa thành một luồng ánh sáng trắng biến mất.

Tình mẫu tử của loài vượn.- Một người thợ săn muốn bắt sống một con vượn con để làm thuần hóa, nên đã dùng tên độc bắn chết vượn mẹ. Bị tử thương, vượn mẹ biết mình không thể sống được bèn vắt sữa ra rừng cho con uống, rồi lăn ra chết. Người thợ săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con thấy thế, kêu gào thương xót, chạy lại ôm xác mẹ nên bị người đi săn bắt sống đem về nhà. Nhưng cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ, ôm lấy kêu gào, vật vã, rất thảm thiết. Rồi vài hôm sau, vượn con cũng chết.

5. Khỉ trong truyện tiếu lâm đương đại

Khỉ Sếp.- Bọn thuộc cấp, mỗi khi nói chuyện với Thượng cấp cứ phải một điều “Thưa Sếp” hai điều “Bẩm Sếp” thì mới không bị “đì” (chẳng hạn không được nghỉ phép, không được tăng lương…). Một ngày nọ, một nhân viên bị thuyên chuyển đi nơi khác, nên nhân viên trong Sở tổ chức bữa tiệc liên hoan và mời Thượng cấp tham dự. Trong bữa tiệc liên hoan chia tay rất vui vẻ vì có văn nghệ giúp vui và mọi người đều tham gia rất náo hoạt. Nhân viên nọ muốn trả thù Sếp nên đã kể một câu truyện tiếu lâm như sau. Ngày xưa có một ông vua độc đoán và gian ác nên quần thần trong triều rất sợ hãi nên đều mũ nui che tai để giữ mạng sống có thể phụng sự hoàng gia thiên thu vạn đại… Nghe đồn ở núi Thái mới xuất hiện 100 con khỉ đít đỏ rất quý hiếm, vua đã lệnh phải bắt đủ số về làm cảnh. Các quan lo tái người, vì leo lên đỉnh Thái Sơn vừa nguy hiểm, và săn lùng bắt đủ 100 con khỉ đít đỏ lại càng khó khăn hơn. Muốn để vừa lòng vua và cũng để vinh thân phì gia cho chính họ, bọn bề tôi đều phải liều minh đi săn bắt khỉ. Bao phen xông xáo vào chốn nguy hiểm, họ chỉ bắt được 99 con khỉ đỏ đít vì con đầu đàn chạy trốn mất tiêu. Cuối cùng, họ bàn mưu bắt một con chó nhỏ rồi sơn đỏ vào đít để làm con khỉ đầu đàn, hy vọng để qua mắt nhà vua. Vua vui vẻ đón nhận 100 con khỉ đít đỏ nên hết lòng khen ngợi quần thần. Sẵn có vài chục chùm táo, vua ném hết cho lũ khỉ, rồi xem chúng tranh giành săn đuổi nhau. Chúng kêu “khẹc, khẹc” vang dội khắp vườn thượng uyển. Chỉ một lát, 99 con khỉ ào tới tranh cướp hết sạch táo. Chỉ riêng có con khỉ đầu đàn mà bọn quần thân gia nô gọi là “Khỉ Sếp” lại chạy vội tới bãi cứt mà hoàng tử nhỏ vừa mới bĩnh ra đất để ăn ngấu nghiến. Rất ngạc nhiên, vua phán hỏi triều thần sao lại có giống khỉ lạ thế. Một vị quan “đỉnh cao trí tuệ” bèn giải thích: “Muôn tâu Bệ hạ! Đó là con Khỉ Sếp ạ!” Cả bàn tiệc được dịp cười lăn lộn trên bàn. Riêng có “Ngài sếp” sạm mặt lại vì bị thuộc hạ chơi một cú đau hơn hoạn. Từ đó trở đi, Cán bộ cao cấp nọ không còn muốn ai xưng mình là “Sếp” nữa.

Khỉ Đít Đỏ tràn ngập đường phố.- Trên chuyến phi cơ bay từ Hong Kong đi Los Angeles (LAX), tôi ngồi cạnh một nữ hành khách trẻ. Tôi vốn ít nói vì không muốn làm phiền người bên cạnh đang gục ngủ, nên tôi bật Pocket PC ra đọc một số truyện dưới dạng .doc; vả lại, đây cũng là lần đầu tiên tôi đi Mỹ (năm 2005) nên ngại gây rắc rối. Lát sau Nữ tiếp viên đẩy xe đồ ăn đi tới và trao khay đồ ăn. Tôi đành nhận dùm khay cho người khách đồng hành, rồi đánh thức cô ta. Cô này mỉm cười và nói “Thank you!” Hơi ngạc nhiên, tôi cũng chỉ đáp lại bằng câu: “Không có chi!” Cô ta nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và không nói gì nữa. Bất chợt Cô ta đụng tay vào người tôi rồi nói: “I’m sorry!” Tôi đành đáp lại bằng câu đầu môi: “You’re welome!” nhưng trong bụng tôi thầm nghĩ rằng Việt kiều này muốn tỏ bộ ta đây sớm Mỹ hóa. Hiện nay người ta nói tới tính rởm đời, trưởng giả học làm sang và kênh kiệu của Việt kiều ở bất cứ quốc gia nào mà họ tới nhận làm quê hương thứ hai. Đa số Việt kiều này là dân ít học, thuộc thành phần vô giáo dục và nhất là thuộc đám con cái của Tư bản Đỏ (có tiền cho con cái sang Mỹ ăn học rồi lấy người Mỹ để có cớ nhập quốc tịch Mỹ rồi bảo lãnh cho bố mẹ). Dân Saigon như tôi đều ngao ngán bọn Việt kiều này vì chúng làm mất mặt dân Việt bằng những cử chỉ lố lăng, ăn nói hỗn xược, trộm cắp, xì ke ma túy… Mới đây, báo chí Nhật đăng tải câu chuyện về Tiếp viên và Phi công của Vietnam Airlines chuyên buôn lậu hàng hóa, vào siêu thị chôm đồ để chở lên phi cơ bay về nước. Báo chí Mỹ lại vạch mặt một một số Cán bộ cao cấp và Đảng viên, nhân chuyến công tác sang Mỹ, đã vào siêu thị ăn cắp đồ vì nghĩ trong đó không có bảo vệ. Nhưng đám “người rừng” không ngờ rằng Mỹ rất thiện dụng dùng camera để kiểm soát hành vi của mọi người trong siêu thị. Người Việt bị “mang tiếng” quá nhiều đến nỗi chính Việt kiều bên Mỹ khi du lịch tới nước nào thường chối phăng mình là người Việt mà nói mình là Nhật hay Hàn. Vốn có ấn tượng như thế, tôi thấy khinh thường người bạn đồng hành nên mới hỏi dò rằng đã nhập tịch Mỹ được bao lâu và gia đình thuộc loại vượt biên, bảo lãnh hay là Tư bản đỏ. Cô này trừng mắt nhìn tôi tỏ ý không hiểu. Tôi phải lặp lại những câu trên bằng cách dùng Anh ngữ. Cuối cùng, Cô này cười ồ lên và đáp rằng mình là người Hong Kong. Bố mẹ là người Hoa trong Chợ Lớn, nhưng đã sang Hong Kong từ giữa năm 1970, sau một lần Cô này được sinh ngay ở trên phi cơ trực chỉ LAX nên có quốc tịch Mỹ và dễ dàng bảo lãnh cho cha mẹ đi Mỹ sau khi Hong Kong bị trao trả cho Hoa lục. Năm 1979 Hong Kong được trao trả cho chính quyền Trung Cộng… nên rất nhiều đại gia đã tìm cách mua nhà và đất bên Mỹ để tìm cách tị nạn chính trị. Tôi hỏi về tình hình bên Hong Kong khi đó. Được thể, Cô ta nói rằng năm 1979 là một đại họa cho Hoa lục vì tất cả tỉ phú, chủ hãng xưởng và giới trí thức khoa bảng cũng đồng loạt rời bỏ Hong Kong đi lánh nạn sang Mỹ đem theo tài sản kếch xù và nhiều chất xám. Nói đến đây, Cô ta vừa cười vừa nói rằng khi đó ở Hong Kong rất nhiều Gibbonapefamilien tràn ngập đường phố. Tôi ngớ người không hiểu Cô ta nói cái gì. Vốn tính thực thà, tôi không hiểu thì nói là không biết và yêu cầu người đối thoại nói lại hoặc nói chậm vì Anh ngữ chỉ là ngôn ngữ thứ hai của tôi. Cô này lập lại lần thứ nhì từ trên, song tôi vẫn không hiểu. Cuối cùng, Cô này phải giải thích từ ngoại quốc này ám chỉ “red-arsed monkey,” tức là con khỉ có mông đít màu đỏ mà người ta gọi là “khỉ đỏ đít.” Cô này nói rằng dân Hong Kong rất chán ghét Trung Cộng vì chúng công nhận khỉ vượn là tổ tiên loài người, do vậy, họ mới gọi bọn Trung Cộng là lũ Khỉ Đỏ đít. Khi biết tôi là dân Bắc 54, Cô này liền bảo tôi rằng “Saigon cũng giống Hong Kong mà!” Tôi không biết trả lời ra sao mà đành cười trừ…

6. Khỉ trong văn học

Trong thi ca Việt, từ “khỉ” ít được dùng, vì có ý mắng mỏ, nhiếc móc, chê bai. Hầu như những văn thơ cổ từ thời Nhà Trần, Lê… tới cận đại vẫn thường né tránh từ “khỉ” mà thay bằng từ “vượn” hay “bạch viên” (vượn trắng) có vẻ tế nhị, thanh tao và nho nhã. Điển hình như Thi sĩ Đinh Hùng đã tả cảnh hoang dã và tiêu điều trong núi rừng Bắc Kạn năm 1940:
Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp,
Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy.

Rồi những đêm sâu, bỗng hiện về,
Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya.
Tự xưng là Đười Ươi Thi Sĩ, vì luôn hoài vọng được làm con người thời tiền sử không nhuốm văn minh và văn hóa đương thời, nhà thơ “danh hoài tuyệt nghệ” Bùi Giáng đã viết mấy câu thơ sau đây:
Đi về giũ áo đười ươi,
Đăm chiêu khách địa từ người tặng ta.
Hoặc có lúc Ông đã thốt lên một cách phũ phàng để chối từ môi trường hiện đại:
Ấy là thơ thuở chưa điên,
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười.
Bây giờ xoang điệu đười ươi,
Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân.
Ca dao dùng vượn để gợi hình ảnh hoang dại xa xôi, thí dụ: chim kêu vượn hú có vẻ thơ mộng hơn khỉ ho cò gáy. Có lẽ vì thế mà Thiên tài Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đã cho vượn xuất hiện trong một câu thơ mô tả cảnh Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe:
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.
Ve ngâm vượn hót nào tầy,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

Nhưng văn học ngoại quốc lại không có vẻ tế nhị như thế: họ dùng từ “khỉ” (monkey, gibbon, singe…) khi đề cập tới loài này dù chúng rất thân thiết với những người hùng trong truyện.

Khỉ trong truyện Tây Du.- Ngô Thừa Ân trong tuyệt tác Tây Du Ký lại đặc biệt ca tụng và thần thánh hóa con khỉ, nhưng lại là “Thạch hầu,” chứ không phải là con khỉ bằng xương bằng thịt. Tôn Ngộ Không 孫悟空,vốn được sinh ra từ một hòn đá ở biển Hoa Đông (tức không dính dáng tới quá trình sản dục của loài động vật, y như Chúa Jesus được sinh ra từ Thánh nữ Đồng trinh Maria vậy), xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo nên pháp thuật rất cao siêu, đại náo Thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt dưới tảng đá trong núi Ngũ Hành hơn 500 năm. Để răn đe, một bữa nọ Phật Tổ đã đặt Tôn Ngộ Không vào trong lòng bàn tay rồi đố hắn thoát khỏi lòng bàn tay. Tôn Ngộ Không liền trổ tài phi hành, độn thổ và đủ mọi pháp thuật cao siêu mà vẫn không ra khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ. Kể từ đó, Tôn Ngộ Không tình nguyện theo Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh Phật để tránh bị núi đè và cũng để hưởng tự do. Vì xuất thân từ tảng đá, Tôn Ngô Không không có tính dục (không ham mê sắc dục, không gia đình, không vợ con, không ăn mặn…) nên suốt dọc đường đã tránh được hết thẩy cạm bẫy (rất khác với Đường Tăng và Trư Bát Giới). Vốn giỏi pháp thuật, tính nết cương cường, dũng mãnh, xả thân vì đại nghĩa, không tham lam… nhưng chỉ phạm một khuyết điểm là hay phản kháng vì quá thông minh khi phải phục vụ một nhà Sư hiền lành, chân thật, tốt bụng… đến nỗi trở thành ngờ nghệch dễ bị lừa lọc. Do vậy, Phật Tổ đã gắn một vòng Kim Cô quanh trán của Thạch Hầu: nếu hắn phản loạn, Đường Tăng chỉ cần niệm thần chú thì vòng Kim Cô thắt chặt làm đau nhức đầu và Tôn Ngộ Không đành phải phục tùng… Cuối cùng, Tôn Ngộ Không cũng đưa Đường Tăng sang được Thiên Trúc để thỉnh Kinh Phật mang về nước để hoằng dương Phật Pháp.

Khỉ Hanuman trong Sử thi Ramayana.- Đó là một nhân vật thần thoại Hindu đã lập được nhiều chiến tích khi phụ tá người hùng Rama trong cuộc chiến cống lại Quỷ vương Ravana tàn bạo vô nhân tính. Thần khỉ Hanuman là nhân vật chính trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Tất cả những đền thờ trong khắp Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman: vị Thần Khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm. Cuộc chiến giữa vua Rama anh hùng và Quỷ vương Ravana được coi như cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác: Thần Khỉ Hanuman hết lòng phụng sự vua và là bề tôi rất trung thành. Cuối cùng, cái thiện đã thắng cái ác và Thần Khỉ đã được tôn vinh, cũng như anh hùng Rama được ca tụng trong thiên sử ca trên.

Khỉ Abu.- Trong truyện “Aladin và cây đèn thần” có một con khỉ tinh ranh tên Abu. Tuy rất thân thiết với người hùng Aladin, khỉ Abu lại hay nghịch ngợm gây tai họa cho bạn tri kỷ. Sau khi đánh lừa lão phù thủy Jafar mà lấy được cây đèn thần, Aladin trở nên giàu có. Nhưng khi nhìn thấy viên hồng ngọc khổng lồ quá đẹp mắt, khỉ Abu đã tìm cách ăn trộm làm cho cả hang động bắt đầu sụp đổ. May mắn xuất hiện thảm thần nên Aldin và khỉ Abu kịp leo lên chạy ra tới cửa hang. Phù thủy đón bọn họ ở ngoài cửa động để đoạt lại cây đèn thần và sau đó tìm cách sát hại cả hai người. Khỉ Abu liền nhào vào cắn tay của Phù thủy và đoạt lại được cây đèn thần, khiến lão vô tình đẩy bọn họ xuống vực sâu đúng lúc hang sập xuống. Do vậy Aladin và khỉ Abu thoát chết… Nhờ có cây đèn thần, Aladin có thể giải cứu vua và công chúa thoát khỏi cảnh giam cầm của lão Phù thủy… Cuối cùng Aladin giết được tên Phù thủy bất lương và lấy được công chúa.

Bạch Viên Tôn Các.- Theo Học giả Hoàng Xuân Hãn, tập thơ Nôm “Lâm Tuyền Kỳ Ngộ” do một tác giả khuyết danh đã sáng tác vào khoảng thời Nhà Lê và Mạc. Tập thơ Nôm này có 150 bài thơ theo thể “thất ngôn bát cú” kể câu chuyện tình lãng mạn với kết thúc có hậu giữa người tiên và người trần về thời Nhà Đường bên Tàu. Vốn là một Tiên Cô trên cung Quảng Hàn, song phạm tội nên bị Trời Phật đầy xuống cõi hồng trần dưới thân xác một con vượn cái màu trắng biết nói. Sau vài năm hết hạn lưu đày, Bạch Viên biến thành một mỹ nữ. Nàng đi tới Thạch Tuyền dựng một lâu đài để sinh sống. Một hôm thư sinh Tôn Các bị hỏng thi, đã thất thểu trở về nhà và đi qua chỗ đó. Bạch Viên mời vào nhà rồi hai người làm quen rồi lấy nhau sống cuộc sống êm đềm hạnh phúc cùng hai đứa con trai kháu khỉnh. Một hôm, người bạn đồng song tên Nhan Vân tình cờ đi ngang qua, nhìn thấy ngôi nhà có sát khí nên đã nghi rằng Tôn Các đã kết duyên cùng ma quỷ. Người bạn này đã đưa cho Tôn Các một thanh kiếm thần để xem Bạch Viên có phải là quỷ hay không. Bạch Viên thấy nhà bị yểm bùa nên sợ hãi bỏ đi. Sau một thời gian lang thang đây đó, Bạch Viên càng nhớ thương chồng con nên đành trở về nhà và dắt chồng lên kinh đô ứng thí. Sau khi Tôn Các thi đậu Trạng nguyên thì cũng là lúc Bạch Viên hết hạn ở cõi hồng trần và phải trở về tiên cảnh. Sau đó, Tôn Các dắt hai con về thăm gia đình bên nội để rồi lên đường đi nhậm chức. Dù sống trên tiên cảnh, lúc nào Bạch Viên cũng nhớ thương chồng con nên bỏ ăn uống và ngủ nghê. Trời Phật động lòng thương nên cho phép Bạch Viên xuống cõi trần để đoàn tụ cùng chồng con.

Tô Vũ chăn dê (Tô Vũ mục dương).- Về thời Hán Vũ Đế (140 BC – 87 BC) nước Tàu thường bị rợ Hung Nô từ phương Bắc tràn xuống xâm lấn, song vì thế yếu, vua Hán phải sai Tô Vũ sang cầu hòa. Song làm phật ý chúa Hung Nô, Tô Vũ bị bỏ đói ba ngày trong hang. Nhờ hớp những giọt sương đêm nên Ông đã sống sót. Vua Hung Nô kinh sợ nghĩ Tô Vũ là thần nên không dám hãm hại song lại đày đến đất Bắc chăn dê và sẽ cho trở về Hán với điều kiện khi nào dê đực đẻ ra dê con. Tô Vũ ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Sống nơi hoang vu giá lạnh, Ông chỉ còn biết làm bạn với cầm thú, đã lấy một con vượn cái làm vợ để đỡ cô đơn trong nơi hoang vắng và cuối cùng đã có với nhau một đứa con. Mỗi khi gặp chim nhạn bay thiên di về phương Nam, Ông lại viết một lá thư gắn vào chân chim nhạn để nhờ mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Vua Hán tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc. Sau 19 năm, nhờ sự nỗ lực can thiệp của vua Hán, Tô Vũ chia tay người vợ vượn người trở về đất Hán. Điển tích này đã trở thành một đề tài đặc sắc trong thi ca để biểu tượng cho lòng đảm lược và tính bất khuất của một trung thần.

Khỉ Joli-Coeur trong tiểu thuyết Sans Famille.- Cách đây hơn trăm năm, văn hào Hector Malot đã viết cuốn truyện Sans Famille kể lại câu chuyện một bé trai con nhà quý tộc bị bỏ rơi ngoài đường phố vì người chú ruột muốn tranh đoạt gia tài. Trên bước đường phiêu bạt, Remi phải gia nhập gánh hát rong mà trong đó có 2 con chó tinh khôn và 1 con khỉ tinh ranh biết làm trò xiếc. Sau bao năm sống cuộc đời nhạc công đường phố với bao khổ cực đói khát, cuối cùng Remi cũng đoàn tụ cùng gia đình. Cuốn tiểu thuyết thiếu nhi này có tính giáo dục rất cao và đầy tính nhân văn, đã từng được Nguyễn Đỗ Mục và Đào Hùng lược dịch từ bản Hán ngữ “Khổ Nhi Lưu Lãng Ký” với nhan đề Vô Gia Đình. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Hà Mai Anh đã dịch từ nguyên tác Pháp ngữ, với nhan đề Vô Gia Đình và được giải thưởng văn học thời bấy giờ. Tên con khỉ trong nguyên tác là Joli-Coeur và được dịch là Hảo Tâm rất sát nghĩa làm người đọc dễ hiểu; còn bản dịch Không Gia Đình (năm 1985) của Huỳnh Lý dưới thời XHCN lại dùng tiếng Tây bồi để dịch những tên nhân vật trong truyện, điển hình như con khỉ Joli-Coeur được gọi là “Giôlicơ” nghe thật chướng tai như thể văn phong (style) của bọn “tam đại bần cố nông!”

Con khỉ cũng hiện diện trong văn học Âu Mỹ: có tới vài chục cuốn truyện đề cập tới khỉ, vượn… sống chung với loài người vì chúng thông minh, lanh lợi… có thể giúp con người trong cuộc sống. Điển hình như bộ film Tarzan (đã có rất nhiều phiên bản khác nhau), người hùng rừng xanh đã bầu bạn với bầy khỉ và được chúng tận tình giúp đỡ chống lại bọn người da trắng tàn bạo muốn phá hoại môi trường.

Khỉ trong tiểu thuyết La Planète des Singes.- Năm 1963, văn sĩ Pháp Pierre Boulle đã viết cuốn truyện “Hành tinh của Khỉ” mang hình thức khoa học giả tưởng hơi có chiều hướng của Jonathan Swift (trong cuốn Gulliver’s Travel) để dự báo ngày suy tàn của nền văn minh nhân loại. Ký giả Pháp Ulysse Mérou cùng vài ba nhà du hành vũ trụ đã tình cờ đi lạc vào một hành tinh xa lạ mà ở đó chỉ hiện diện những con người câm lặng (không có khả năng ngôn ngữ) cứ thường xuyên bị săn đuổi, bị bắt bớ, bị giam cầm, bị đánh đập và tra tấn dã man, và nhất là bị bắt làm nô lệ bởi một tập thể vượn (apes) vốn có mực sống rất cao về tinh thần lẫn vật chất… Với tư cách một nhà báo, Ký giả Mérou đã len lỏi vào xã hội loài người hèn kém để tìm hiểu sự thật. Rồi Ông cũng vén được bức màn bí mật: vài ngàn năm trước kia, con người vốn là chủ nhân ông trên hành tinh này còn đám khỉ vượn chỉ là bầy gia súc. Con người văn minh tân tiến thời đó đã ngủ yên trên chiến thắng và an hưởng đủ mọi nhu cầu tiện nghi vật chất: cả ngày chỉ ăn uống thả dàn, chơi bời trác táng, bài bạc… mà không chịu làm việc vì cứ ỷ vào một nền văn minh tiên tiến có thể sai khiến những lũ súc vật làm việc thay cho con người. Đồng thời, con người lại quá dễ dãi và ưu ái với bầy khỉ vượn vì chúng là tay sai đắc lực. Trong lũ súc vật, chỉ có loài khỉ và vượn biết cách vươn lên từ khó khăn: siêng năng học hành, mải mê trau dồi kiến thức, chăm chỉ làm việc… Cuối cùng, con người chỉ còn biết trông vào bầy súc vật từ miếng cơm cho tới manh áo… nên dần dần trở nên bạc nhược không còn ý chí tiến thủ nữa… để cuối cùng trở thành đồ vô tích sự. Trong khi đó thì bầy khỉ & vượn đã liên tục cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức, làm việc cật lực … để cuối cùng trở nên những chủ nhân ông trên hành tinh này. Đây là xã hội văn minh và tân tiến nên không có tình trạng ăn mày, ăn xin, ăn nhờ ở đậu… mà chỉ cần những công nhân siêng năng làm việc trong những cơ xưởng, xí nghiệp… của những chủ nhân là bầy khỉ vượn. Bầy khỉ vượn có đầu óc rất thực tế: có ăn thì phải có làm và chẳng ai có thể ăn không ngồi rồi. Từ đó đưa đến tình trạng thiếu thợ thuyền, thiếu người ăn kẻ ở… và lẽ tất nhiên con người đã bị guồng máy văn minh truy lùng săn bắt để làm nô lệ cho bầy khỉ vượn. Nếu con người phản kháng, sẽ bị giết liền tại chỗ… Hình như Tác giả muốn nhắn nhủ độc giả rằng sự thông minh của loài người chưa phải là yếu tố bất di bất dịch vì nếu con người không chuyên cần học hỏi và siêng năng lao động thì dễ bị tụt hậu đưa đến những hậu hoạn khó lường.

Cuốn tiểu thuyết trên đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, điển hình như bản Anh ngữ là: Planet of the Apes. Sau đó, tiểu thuyết này cũng được dàn dựng thành phim rất ăn khách. Thừa thắng xông lên, Tác giả đã liên tục viết những truyện kế tiếp và sau đó được dịch ra Anh ngữ như: Beneath the Planet of the Apes (Bên dưới Hành tinh Vượn), Escape from the Planet of the Apes (Thoát khỏi Hành tinh Vượn), Conquest of the Planet of the Apes (Chinh phục Hành tinh Vượn), Battle for the Planet of the Apes (Cuộc chiến vì Hành tinh Vượn), Rise of the Planet of the Apes (Sự trỗi dậy của Hành tinh Vượn), Dawn of the Planet of the Apes (Bình minh của Hành tinh Vượn)… Những tiểu thuyết trên rất ăn khách nên cũng được quay thành film với những nhan đề trên…

Khỉ đột King Kong.- Đó là tên một ác thú khổng lồ, thuộc loài Khỉ đột, được hư cấu trong nhiều truyện tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, rồi sau đó một số tác phẩm ăn khách được dàn dựng thành phim… Bộ phim King Kong nổi tiếng thế giới năm 1933, rồi sau đó lại được quay lại do đạo diễn khác vào những năm 1976 và 2005. Con quái thú khổng lồ King Kong sinh sống trên Đảo Đầu Lâu (Skull Island) trong Ấn Độ Dương và được cư dân sở tại thờ cúng như một thần thú ăn thịt. Một đoàn làm phim từ New York đã đi tàu thủy tới đây với hy vọng sẽ có nhiều cơ hội quay được những con thú huyền bí cùng những cảnh hoang dã ngoạn mục. Nữ diễn viên Ann Darrow xinh đẹp bị đám thổ dân bạo tàn và ngu muội bắt cóc để đem ra tế thần King Kong. Con Khỉ đột không ăn thịt Ann mà còn thích thú và yêu mến nàng. Đạo diễn Carl Denham nhân cơ hội đó bẫy nó đem về New York để trưng bày trước công chúng nhằm quảng bá cho cuộn phim sắp chiếu. Song King Kong đã nổi loạn tàn phá những nơi nó đi qua để tìm kiếm nữ diễn viên nọ. King Kong chỉ thuần phục khi nhìn thấy người đẹp vẫn bình yên…

7. Khỉ/vượn trong triết học và khoa học

Loài khỉ được nhắc đến nhiều nhất là trong thuyết Tiến Hóa (Evolutionary Theory) của Charles Darwin (1809-1882). Thực sự, tư tưởng này đã được nhân loại ấp ủ từ lâu, nhưng Ông đã khoa học hóa và hệ thống hóa thuyết Tiến Hóa khiến nhiều bộ môn khoa học khác (như Sinh Học, Sinh Hóa Học, Cổ Sinh Vật Học, Nhân Chủng Học, Di Truyền Học, Khảo Cổ Học, Vật Lý Học, Vũ Trụ Học v.v…) đã công nhận tính xác thực và đặt làm nền tảng cho bộ môn của mình. Theo Ông, tất cả những loài vật đều tiến hóa dần dần theo thời gian (mà thời gian có thể là vài ngàn hay vài triệu năm) từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên (natural selection). Trong cuốn sách “Nguồn gốc Muôn loài” (The Origin of Species), Ông đã đưa ra một quan điểm mang tính cách mạng nói rằng tất cả những loài sinh vật – từ con kiến cho đến con voi – đều nằm trong vòng chọn lọc của tự nhiên; rằng loài người có cùng chung một cơ chế vận hành căn bản về di truyền với tất cả những chủng loại khác, định hình bởi những lực tiến hóa. Những con vật thích nghi với tự nhiên sẽ tồn tại; còn những con vật không thích nghi với môi trường thiên nhiên sẽ bị đào thải. Giáo Hội La Mã và những tín đồ Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, Do Thái và sau này Hồi giáo đã gần như phát khùng qua cuốn sách trên vì từ xưa tới nay họ chỉ tin rằng “Con người do Thượng đế tạo ra nên rất siêu đẳng, độc nhất vô nhị.” Sau này, nhờ khoa học mà chúng ta hiểu được những kết quả nghiên cứu về “bộ gen” của những loài khỉ như vượn (không đuôi rất giống người = ape), khỉ đột (gorilla), đười ươi (orangutan)… thì chúng ta thấy rằng “bộ gen” của người và “bộ gen” của vượn đã y hệt (identical) nhau tới mức 99%. Rồi từ đó, qua những công trình khảo cổ, chúng ta được biết rằng khoảng 5 triệu năm trước, nhánh loài người đã tách ra khỏi nhánh những con khỉ không đuôi (vượn) trên cái cây tiến hóa. Sau khi tách ra thành một nhánh riêng, loài người nguyên thủy tiến hóa dần dần thành động vật đi hai chân và phát triển thành giống dân da đen (bắt đầu ở Phi châu), mất đi lông trên người, và bộ óc lớn dần (vì chuyên ăn thịt) cho đến kích thước ngày nay… Chính vì thế, trong thuở đương thời, Tác giả của bộ sách vô tiền khoáng hậu “Nguồn gốc Muôn loài” đã trở thành kẻ tử thù không đội trời chung của Giáo hội La Mã, do vậy, Ông đã bị họ gọi đích danh là “hậu duệ của khỉ!” Và cũng kể từ đó, trong sách vở và báo chí thường nói rằng tổ tiên loài người là khỉ… Khi trả lời câu chất vấn của Giám mục Thiên Chúa giáo cuồng tín Wilberforce về nguồn gốc loài người là khỉ thì Khoa học gia Thomas Henry Huxley (triệt để ủng hộ thuyết Tiến Hóa của Darwin) đã công khai thừa nhận bằng câu: “I unhesitatingly affirm my preference for the ape. = tôi không do dự mà khẳng định là tôi sẽ chọn con khỉ.)

Một số khoa học gia Tây phương đã từng đưa ra giả thuyết “xưa kia người Trung Hoa đã từ Tây phương thiên cư tới mảnh đất Hoa lục.” Theo công cuộc nghiên cứu này, tổ tiên xa xưa của người Tàu không phải là cư dân đích thực trên mảnh đất Hoa lục, mà là đã di chuyển từ phương Tây tới. Ngụ ý của họ là: “Tổ tiên của người Hoa không hề sinh sống trên mảnh đất Hoa lục, do vậy, đám hậu duệ người Hoa nên trở về Tây phương để mà nhận lại tổ tiên.” Từ đó suy rộng ra, thì những chuyện từ Chiến tranh Nha phiến đến những cuộc xâm lược của Bát Quốc Liên Quân tiến đánh nước Tàu về thời Mãn Thanh, xâm chiếm đất đai của người Tàu, mở Tô giới hoặc Nhượng địa ở Hoa lục, phân chia địa giới và phạm vi thế lực… cũng là chuyện đương nhiên và thường tình vì người Hoa vốn là hậu duệ của người Tây phương đã từng di chuyển sang mảnh đất Hoa lục để cư trú từ hàng vạn năm trước; do vậy, người Tây phương thời cận đại cũng có thể tới Trung Hoa làm thực dân như tổ tiên của họ đã từng thực hiện cách đây vài vạn năm trước… Sau khi theo đoàn khảo cổ đi khai quật trên núi Long Cốt Sơn thuộc Chu Khẩu Điếm ở tây nam Bắc Kinh, Khoa học gia trẻ tuổi Bùi Văn Trung đã phát hiện một hóa thạch sọ người vượn còn nguyên vẹn vào ngày 2.12.1929. Sau khi đã giám định bằng phương pháp cổ địa từ, những chuyên gia đều cho rằng “người vượn này sống vào thời viễn cổ cách nay khoảng 5 chục vạn năm, gần với Người vượn Java phát hiện ở Indonesia và Người vượn Heidelberg phát hiện ở Châu Âu.” Về sau, giới khoa học và khảo cổ đã đặt tên là “Người vượn Bắc Kinh = Homo erectus pekinensis,” hoặc là “chủng Bắc Kinh Người vượn Trung quốc.”… Cuối cùng, sự phát hiện này đã giải tỏa những nỗi ấm ức của người Hoa xưa kia khi bị coi là hậu duệ của người Tây phương: hóa thạch sọ Người vượn Bắc Kinh đã là một minh chứng hùng hồn rằng: “Tổ tiên xa xưa của người Hoa đã sinh sống trên mảnh đất Hoa lục từ thời viễn cổ cách nay 5 chục vạn năm. Người Tàu chính là người Trung Hoa, chứ không phải là hậu duệ của người Tây phương.”

Theo Viện Gallup, gần 80% người Ireland và Đan Mạch tin tưởng Thuyết Tiến Hóa, trong khi chỉ có 40% người Mỹ và 25% người Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng học thuyết của Darwin!

8. Khỉ trong võ học

Đông Y cho rằng sự tuần hoàn của khí huyết trong châu thân là cội nguồn của sức khỏe. Sự lưu thông khí huyết trong cơ thể con người được gọi là “chính khí.” Do vậy, họ mới nghĩ rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can” (Chính khí vững mạnh bên trong cơ thể thì tà khí bên ngoài không thể xâm hại được). Từ đó, họ suy ra rằng “thống, tắc bất thông; thông, tắc bất thống” (nếu đau nhức, bệnh hoạn là do khí huyết bị bế tắc không tuần hoàn được trong cơ thể; nếu khí huyết lưu thông dễ dàng thì không bị đau nhức và cũng không bị tật bệnh). Do những lý do trên, Thần y Hoa Đà đã mô phỏng những động tác của “ngũ cầm” (năm loại cầm thú như chim, khỉ, hổ, báo…) trong điều kiện sinh tồn nơi hoang dã, như săn mồi, chạy, nhảy, đi, đứng… để sáng tác nên khoa vận động cơ thể “Ngũ cầm hý” để giúp khí huyết dễ dàng lưu thông. Sau này, người ta đã dựa theo lý thuyết trên để sáng tạo nên những phương pháp rèn luyện thân thể và khí lực và gọi bằng tên Bát Đoạn Cẩm… Một số võ sư Trung Hoa đã nhận thấy rằng loài khỉ, tuy nhỏ bé mà vẫn sinh tồn được trong rừng rậm đầy cọp, beo, rắn, rết… nên họ đã tìm tòi và mô phỏng một số động tác của loài khỉ để sáng tạo bài “Hầu Quyền” (猴 拳 hóu quán = monkey fist martial martial art) gồm những động tác sinh tồn của loài khỉ, nhưng khi được ứng dụng có thể khiến người ta đủ sức tự vệ hay tấn công kẻ thù bằng tay chân không.

Ngay tại miền Trung trong thập niên 60 đã từng xuất hiện Võ phái Thần Quyền tôn xưng Tề Thiên Đại Thánh làm Tổ sư. Để được thụ nghiệp buổi đầu tiên, Đệ tử phải chay tịnh trong vài ngày, rồi đứng im lìm trang nghiêm trước bàn thờ, còn người truyền nghệ thắp nhang khấn bái rì rầm (hình như lời khấn bái có nhắc tới tên Tề Thiên Đại Thánh). Vài phút sau, người truyền nghệ vừa cầm nhang cháy đỏ vừa quay vòng những cây nhang quanh đầu đệ tử trong khi miệng không ngớt khấn vái thì thầm. Nếu ứng nghiệm, sau khi nhang vừa tàn độ vài ba phút, Đệ tử nọ liền lúc lắc đầu, lắc lư thân mình như thể đang bị một thế lực thần bí nhập vào trong người, rồi lập tức hoa quyền, vung tay đấm và chân đá lung tung hoặc nhảy múa huỳnh huỵch bằng những động tác mạnh mẽ như võ sĩ đang tỉ đấu trên võ đài. Đệ tử này chỉ múa quyền độ 5 phút, rồi sau đó ngưng và ngồi xuống thở dốc. Tôi đã từng mục kích chuyện trên và cũng rất kinh ngạc vì Đệ tử đó chưa từng học qua bất kỳ một môn võ nghệ nào (tức Judo, Boxe, Tae Kwan Do, Karaté…). Những thế võ Thần Quyền trông na ná như những động tác của loài khỉ đang sinh hoạt trong rừng: leo, trèo, chạy, nhảy, cầm, nắm, túm…

9. Khỉ trong âm lịch, bói toán, tử vi

Tử vi Tây phương dùng 12 con vật tượng trưng cho 12 tháng trong năm; thí dụ: Bảo Bình (Aquarius từ ngày 12.1 đến 19.2), Hổ Cáp (Scorpio từ ngày 24.10 đến 22.11)… Nhưng Tử vi và Lịch của Đông phương chỉ dùng tạm danh xưng của 12 con vật (chuột = Tí, trâu = Sửu, cọp = Dần, mèo = Mão, rồng = Thìn, rắn = Tị, ngựa = Ngọ, dê = Mùi, khỉ = Thân, gà = Dậu, chó = Tuất và heo/lợn = Hợi) để đặt tên cho giờ (Âm lịch cho 1 ngày đêm có 12 giờ, tương đương với 24 giờ Dương lịch, nên giờ mang tên mỗi tên con vật dài 2 tiếng đồng hồ), ngày, tháng và năm. Có lẽ vì thiếu chữ, nên trong lịch và tử vi Đông phương phải đành mượn tạm tên của 12 con vật. Trong những Từ điển Hán ngữ (cũ như Khang Hy, Từ Hải, Từ Nguyên… và mới như Từ Vựng của Lục Sư Thành cùng những từ điển Hán ngữ điện tử được thượng tải lên Internet như: Pleco Basic Chinese-English Dictionary v. 2.2.6 for iPhone, iCED v. 3.1.1 for iPhone, KT Dict C-E v. 1.8 for iPhone…) đều nhất trí rằng tên của Địa Chi – từ Tí tới Hợi – đều không phải là biểu tượng của con vật là chuột, tức Tí, trâu tức Sửu… mà chỉ là từ biểu thị số thứ tự từ 1 tới 12 trong Địa Chi. Tôi xin tạm trích dẫn trong từ điển trên như sau. 1. Tí (zi) là ngôi/vị trí/thứ tự thứ 1 của Địa Chi (trong 12 chữ số thứ tự); 2. Sửu (chou) là ngôi/vị trí/thứ tự thứ 2; 3. Dần (yín) là thứ tự thứ 3; 4. Mão (mao) là ngôi vị thứ 4; 5. Thìn (chén) là ngôi vị thứ 5; 6. Tị (sì) là vị thứ 6; 7. Ngọ (wu) là vị trí thứ 7; 8. Mùi (wèi) là vị trí thứ 8; 9. Thân (shen) là vị trí thứ 9; 10. Dậu (you) là vị trí thứ 10; 11. Tuất (xu) là vị trí thứ 11; 12. Hợi (hài) là vị trí 12 (cuối cùng). Tóm lại, 12 chữ Nho trên từ Tí tới Hợi chỉ có 1 nghĩa duy nhất là số chỉ thứ tự.

Dù chỉ là số chỉ thứ tự của Thập nhị Địa chi, những danh xưng của những con vật này đều được dùng để gọi tên những năm, tháng, ngày và giờ trong Âm lịch, bói toán, tử vi, kỳ môn độn giáp… của khoa học huyền bí Đông phương. Bói toán cũng thường nói số mệnh của đương số tuổi Nhâm Tý thì thế này thế nọ, số của tuổi Bính Dần thì thế này thế kia; hoặc là tuổi Ngọ thì đầu năm phải xuất hành về phương Đông, tuổi Canh Tí phải kiêng kị ra sao… Nguyễn Bỉnh Khiêm trong trước tác Sấm Trạng Trình đã từng tiên đoán giai đoạn thái bình và loạn lạc qua hai câu thơ sau:
Mã đề, dương cước, anh hùng tận;
Thân, dậu niên lai kiến thái bình.
Hai câu thơ trên đã làm điên đầu biết bao nhà bói toán và tử vi khi họ muốn biết vận mạng đất nước. Chỉ khi chuyện đã rồi thì người ta mới thấy Sấm Trạng Trình ứng nghiệm. Hình như 2 câu thơ trên ứng nghiệm vào quãng thời gian từ năm 1965 tới 1969: “mã đề” ám chỉ năm Ngọ (tức Bính Ngọ = 1965), “dương cước” ám chỉ năm Mùi (tức Đinh Mùi = 1966), “thân” ám chỉ năm Mậu Thân (1968) và “dậu” ám chỉ năm Kỷ Dậu (1969). Người ta giải thích rằng cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 1960 tại miền Nam Việt Nam, rồi tình hình leo thang: Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam và Hoa Kỳ gửi quân tham chiến lên tới hơn 500.000 người, số bom đạn trút lên miền Nam trong hơn chục năm trời gần gấp đôi số bom đạn Mỹ dùng cho kỳ Đệ Nhị Thế Chiến tại châu Âu, quân lính tham chiến bị tử thương hơn triệu người, nhiều tướng lãnh tử trận… nhưng qua vụ Tết Mậu Thân (1968) thì tình hình chính trị tương đối ổn định trong những năm về sau này… Sấm Trạng Trình cũng có hai câu làm điên đầu mọi người:
Đói năm Khỉ, năm Chó;
Ăn no đủ năm Heo.
Năm “khỉ”, tức Thân, song không biết là Giáp Thân hay Bính Thân, hay Mậu Thân, hay Nhâm Thân? Năm “chó” tức Tuất, song không biết là gì Tuất (Giáp Tuất, Bính Tuất, Mậu Tuất…). Năm “heo” tức Hợi, song không biết là gì Hợi!

10. Khỉ trong Đông y và ẩm thực

Đông Y đã tận dụng mọi thứ hầm bà làng (động vật, thảo mộc, khoáng sản…) trong thiên nhiên để dùng làm thuốc men chữa trị bệnh tật. Ngay cả phế phẩm của con người cũng không bị bỏ quên: nhau thai (tử hà xa) của đàn bà đẻ được dùng làm thuốc bổ, kinh nguyệt (lần đầu của trinh nữ) được dùng là thuốc trị bệnh kinh giản, kinh xù. Tuy nhiên, chỉ có mỗi con khỉ là được loại ra khỏi tầm nhắm của Đông Y: cuốn Trung Dược Đại Từ Điển (một bộ 2 tập dày gần 3.000 trang) của Giang Tô Tân Y Học Viện, do nhà xuất bản Thượng Hải Khoa Học Kỹ Thuật ấn hành, cũng không hề đề cập tới chữ “hầu” hay “viên.” Có lẽ Tổ sư Y dược là Thần Nông đã coi loài khỉ là một linh vật, hay có liên hệ huyết thống với con người nên đã không nhẫn tâm nghiên cứu dược tính của loài kỉ, vì một khi nghiên cứu thì phải giết khỉ và mổ xẻ… rồi nấu nướng để nếm và thử. Rồi sau đó, những nhà dược học bên Tàu cũng noi theo mà quên bẵng loài khỉ. Ngay cả Danh y kiêm Y sư Lý Thời Trân cũng không đề cập tới dược tính của loài khỉ.
Nhưng khi Mãn Thanh thống trị nước Tàu thì con khỉ đã đi vào ngoại lai chiếm đất nước mình và gọi chúng là “rợ Mãn Thanh” vì văn hóa của chúng là ngoại lai, man di và tàn bạo. Hình như tầm ngắm của y học và ẩm thực. Người Hoa ái quốc luôn dè bỉu kẻtrong dân gian, người Tàu cũng đã từng thưởng thức món thịt khỉ vì nhiều vùng đất bên Tàu bị hạn hán, đói khổ, nội chiến liên miên… nên dân chúng phải ăn vỏ cây, rau cỏ, giết khỉ, chuột… để tránh cơn đói khát. Có lẽ vì thế họ mới nhận thấy thịt khỉ, xương khỉ… đều ích dụng cho con người. Có lẽ vì thế mà món khỉ mới được du nhập vào triều đình Mãn Thanh. Truyện kể rằng khi Bát Quốc Liên Quân xâu xé nước Tàu khiến Từ Hy Thái Hậu (nổi danh là Đệ nhất dâm phụ và tàn bạo) đã phải cầu hòa với Sứ thần 8 nước trong một bữa đại tiệc độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Hoa. Hình như thực đơn hồi đó có hơn chục món ăn độc đáo, song tôi chỉ còn nhớ được ba món, nên xin liệt kê như sau:

– Chân vịt: Thái Hậu ra lệnh chọn những con vịt béo tốt, rửa sạch sẽ rồi đặt lên một vỉ mà bên dưới là than hồng đỏ rực: vì nóng, vịt phải nhảy cẫng lên đến ngất xỉu. Sau đó, người ta chặt chân vịt đem vào nhà bếp chế biến món ăn. Người ta giải thích rằng những khí huyết bổ dưỡng của con vịt vì bị nóng đã dồn xuống đôi chân vịt.
Chuột nuôi bằng nhân sâm: Thái Hậu ra lệnh chọn những con chuột (đực và cái) khỏe mạnh và cho nuôi bằng nhân sâm hảo hạng và một số thực phẩm khác. Sau khi lũ chuột con được sinh ra thì lứa này được nuôi riêng chỉ ăn toàn nhân sâm hảo hạng. Cuối cùng lứa chuột này cũng đẻ ra một lứa chuột đời thứ ba: lứa chuột cuối cùng này trông mũm mĩm, trắng nõn giống củ nhân sâm. Thực khách chỉ cần cho vào miệng và nhai có hương vị giống nhân sâm mềm nhũn.
Óc khỉ: Thái Hậu ra lệnh chọn những con khỉ khỏe mạnh và nuôi chúng bằng những thức ăn bổ dưỡng. Thái Hậu chỉ chọn những con của những con khỉ này. Mỗi bàn của Sứ thần đều có một chiếc kệ đặc biệt, trong đó kìm kẹt chặt một con khỉ con trông rất béo tốt, song chỉ phần đầu và mặt con khỉ nhô lên. Sau đó, Chuyên viên ẩm thực Hoàng gia dùng một con dao đặc biệt phạt ngang trán con khỉ để lộ ra mảng óc trắng có những mạch máu đỏ trong khi con khỉ kêu gào chảy nước mắt rất tội nghiệp. Chuyên viên này liền dùng một chiếc môi múc hết óc của khỉ rồi nhúng vào nồi nước sôi sùng sục và sau đó Sứ thần có thể ăn liền óc khỉ.
Người ta kể rằng một vài vợ của Sứ thần gần như vô sinh và một vài Sứ thần mắc bệnh dương nuy nhưng sau bữa đại yến này thì vài tháng sau thấy kết quả liền: người thì mang thai và người thì khỏi bệnh bất lực.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì Chợ Lớn là nơi ăn chơi trác táng của những đại gia (thương gia và tham quan ô lại) và giới anh chị: nơi đây thường tổ chức “Nhất dạ đế vương” (một đêm hưởng lạc thú làm hoàng đế): ăn chơi trác táng như mặc hoàng bào, ngồi trên long sàng, dưới chân là vài ba mỹ nữ khỏa thân, nếu phải khạc nhổ thì mỹ nữ liền nằm xuống há miệng làm chiếc ống nhổ… Nhưng đặc biệt là món óc khỉ: cảnh tượng dùng dao phạt ngang đầu khỉ để múc óc khỉ y hệt như cảnh tượng trong bữa đại yến của Thái hậu Từ Hy vậy. Giá tiền cho một bữa “Nhất dạ đế vương” dành cho một thực khách là vài triệu đồng một bữa (tiền về thời đó được Ngân hàng Quốc gia bảo hành nên rất có giá: 1 USD chỉ tương đương 100 đ VN).

Nhưng ở Việt Nam chúng ta, nhất là sau năm 1975, người ta không còn làm được cao Ban Long (xương và sừng của hươu) vì núi rừng bị bom đạn cày nát không còn hươu nai nữa. Do vậy, dân nấu cao đành phải dùng xương khỉ thay thế vì khỉ là loài vật rất sẵn có. Bắt đầu từ đây, những cao Hổ cốt, cao Ban Long… đều được trộn lẫn với xương khỉ.
Kể từ đây, giới Y học Cổ truyền đã công bố dược tính cùng công năng trị liệu của những phần trong cơ thể con khỉ.
1. Xương Khỉ (chế biến giống như thủ tục nấu cao hổ cốt, Ban long).- Dược tính: bổ máu, bổ toàn thân, dùng cho phụ nữ trong những trường hợp biếng ăn, mất ngủ, thiếu máu, xanh xao vàng vọt; đặc trị tê thấp, đau lưng, đau bụng, nhức mỏi, đổ mồ hôi trộm. Ngoài ra, còn có thể làm nhuận da, chữa gân cốt co đau, dạ dày yếu, đi tiểu ra máu, kiết lị, táo bón…
2. Thịt Khỉ (toàn bộ con khỉ, trừ ruột, gan, dạ dày…) dùng để nấu cao toàn tính.- Dược tính: bổ toàn thân, dùng cho người suy nhược cơ thể, mất ngủ, thiếu máu, đổ mồ hôi trộm, phong thấp…
3. Máu Khỉ (Huyết lình = máu của Khỉ sau khi đẻ).- Dược tính: bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh, những người suy nhược cơ thể, mới ốm dậy, trẻ em gầy còm, chậm lớn, biếng ăn. Cách bào chế: ở vùng núi, vào mùa khỉ đẻ (tháng 6 – 7) thì tại những mỏm đá là nơi Khỉ hay ngồi sau khi đẻ có dính những mảng huyết đọng lại đã khô đen. Sau đó người ta cạo rồi bẻ thành miếng nhỏ, loại bỏ tạp chất, rác rưởi, phơi nắng hoặc sấy khô, cho vào lọ sạch, để nơi khô ráo. Khi dùng mới tán bột. Huyết lình đã chế biến có màu đen như bã cà phê, vị mặn, mùi tanh.
4. Óc Khỉ.- Dược tính: bồi bổ thần kinh, cường thận, đặc trị các bệnh tê bại liệt (có thể ăn hay hòa với rượu).
5. Mỡ Khỉ.- Dùng ngoài da: bôi xoa vào vết chàm (eczéma), hắc lào, ghẻ lở, mụn nhọt. Bôi kín các vết bỏng, vết thương làm mau lành, chóng lên da non. – Hòa với rượu, đun nóng: uống trị chứng đột cảm, trúng gió; xoa bóp chữa đau nhức gân cơ xương
6. Mật Khỉ.- Dùng ngoài da: bôi, xoa bóp vết bầm, tụ máu do bị ngã, bị thương – Phục dược: hòa loãng vào nước ấm tra chống đau mắt; uống chữa táo bón, kiết lỵ – Phơi khô, mài với nước lạnh uống đặc trị chảy máu cam ở trẻ em, vàng da…
7. Ruột Khỉ.- (phải làm sạch, ruột non đem xào cùng gừng, tỏi, xã, ớt, ruột già nhồi tiết khỉ trộn đỗ xanh ngâm bỏ vỏ, lá mơ tam thể, búp ổi nõn sung, đinh lăng băm nhỏ, đem hấp, luộc, nướng thành dồi). Dược tính: chữa bệnh đường ruột tích khí, đổ mồ hôi trộm, thiếu máu..
8. Tinh hoàn của Khỉ.- Dược tính: giúp tăng sinh lực, làm sáng mắt, dẻo gân cơ, đặc trị chứng suy thận và liệt dương (ngâm với rượu hay hòa với và vị thuốc khác).
9. Lông Khỉ.- Dược tính: cầm máu rất hữu hiệu (đốt thành than, tán bột, rắc chữa chốc đầu, mụn nhọt, lở loét). Thêm giấm hoặc rượu rồi đun nóng dùng để xoa bóp chân tay phù nề hoặc bó những chỗ sưng đau gân cốt.

11. Khỉ trong Sex

Chỉ có loài người là hiểu biết tam cương ngũ thường, còn súc vật – kể cả khỉ – cũng có đời sống tính dục theo bản năng, nghĩa là sự giao phối hỗn độn lung tung… Có thể trong thời kỳ phôi thai, khi con người còn ăn lông ở lỗ nên chuyện loạn luân đương nhiên là lẽ tự nhiên, nhưng vài ngàn năm sau, có thể một số người khôn ngoan nhận thấy sự quần hôn và hôn phối trong gia tộc với nhau đã sản sinh những hậu duệ tật nguyền, yếu đuối về thể xác lẫn tinh thần khiến gia tộc đó đã bị lụn bại. Do vậy, họ đã quyết định cấm hôn nhân đồng tộc, tức là con cháu phải kết hôn với những người thuộc gia tộc xa lạ thì hậu duệ mới mạnh khỏe và thông minh. Có lẽ vì thế họ mới ý thức được luân lý, đạo đức… để cuối cùng họ đã đề ra những qui định khắt khe về hôn nhân: cấm chuyện loạn luân. Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ, nhất là đối với vua chúa, vốn tự coi mình là “Thiên tử” phải đặc biệt khác người thường: bạo chúa Néron (37-68 BC) đã loạn luân với mẹ ruột, vua Tề Tương Công về thời Xuân Thu đã dâm loạn với em gái cùng cha khác mẹ là nàng Tề Văn Khương đến nỗi sát hại cả em rể là Lỗ Hoàn Công để có dịp tự do làm chuyện loạn luân. Điều đáng lưu ý là thời nhà Trần, Thái sư Trần Thủ Độ không muốn vương quyền lọt vào tay ngoại thích nên đã bắt con cháu phải kết hôn với người đồng tộc: kết quả là cô lấy cháu trai, anh lấy em gái họ. Chuyện này đã làm bao người trong cuộc dở khóc dở cười vì chuyện trái khoáy mà cuối cùng Nhà Trần cũng bị diệt vong vì con cháu suy đồi bại hoại… Mao Sếnh Sáng thời nay thấy hoa thơm thì bứng cả bụi: một nữ y tá thân tín trở thành người tình cho Lãnh tụ để giải quyết sinh lý trong nhiều năm, nhưng một hôm Lãnh tụ bắt gặp con gái người tình quá trẻ và đẹp nên ra lệnh phải vào phục vụ sinh lý… Vấn đề giao phối của những loài thú vật đều thuần bản năng: ở những loài gia súc như gà thì con gà trống được coi là bậc trưởng thượng có thể “đạp mái” bất cứ con gà mái mẹ hay gà mái tơ; ở loài khỉ hay vượn thì con đầu đàn có quyền giao phối với bất kỳ con mái, dù lớn hay nhỏ, mà những con đực yếu thế chỉ rình cơ hội sơ hở của con đầu đàn để “tập kích lén” con mái. Loài chó, heo… – tuy không có con đầu đàn – cũng tự nhiên giao phối với bất kỳ con mái lớn hay nhỏ. Chính vì loài thú vật làm tình theo bản năng nên những Tình thư (Tố Nữ Kinh, Huyền Nữ Kinh…) hoặc những truyện Liêu Trai Chí Dị (của Bồ Tùng Linh) và Truyền Kỳ Mạn Lục (của Nguyễn Dữ) đều coi những con vật như khỉ, vượn, ngựa, chồn, cáo… có năng lực tình dục rất mạnh và cũng am hiểu những tư thế làm tình (sex positions) rất khác xa với tư thế làm tình đơn thuần của con người. Điển hình như cuốn Tố Nữ Kinh đã mô tả một tư thế làm tình độc đáo là “Ngâm viên bão thụ” (吟 猿 抱 树 = yín yuán bào shù = con vượn rên rỉ ôm chặt lấy cái cây): tư thế 27/30 (trong Tam thập thức) làm Nữ nhân khi ôm cứng lấy Nam nhân trông hơi giống con vượn ôm cứng lấy một thân cây. Chuyên viên tình dục Huyền Nữ trong Tố Nữ Kinh cũng liệt kê 9 kỹ thuật làm tình có thể chữa trị bệnh tật của nam và nữ: 1. Long phiên (龙 翻 = lóng fān = rồng trở mình); 2. Hổ bộ (虎 步 = hū bù = bước chân của hổ); 3. Viên đoàn (猿 摶 = yuán tuán = con vượn cuộn tròn); 4. Thiền phụ (蝉 附 = chán fù = con ve sầu áp sát vào); 5. Quy đằng (龟驣 = guī xiáng = rùa vọt lên); 6. Phượng tường (鳯 翔 = fèng téng = chim phượng bay lượn); 7. Thỏ suyết hào (兔 啜 毫 = tù chuò háo = thỏ mút lông đuôi dài); 8. Ngư tiếp lân (鱼 接 鳞 = yú jiē lín = cá nối vẩy cá); 9. Hạc giao cảnh (鹤 交 颈 = hè jiāo gěng = hạc bá cổ nhau)…
Tóm lại, danh từ “khỉ” (hầu) hay “vượn” (viên) đã hiện diện rất nhiều trong những bộ môn đã nêu trên. Ngoài ra, với người Việt thì “khỉ” hàm ý xấu xa, bại hoại, thí dụ “giở trò khỉ” để ám chỉ một hành vi, cử chỉ ma bùn, dâm dật đáng chê trách. Trái lại, danh từ “viên” trong Hán ngữ lại không có ý chê trách. Những Đạo sĩ Lão giáo (Taoist) đều nhất mực tin rằng loài vượn (viên = yuán) có thể sống lâu vài trăm năm và có thể tu luyện đắc đạo biến hành người. Học giả Hán ngữ Robert Van Gulik, đã sống nhiều năm bên Tàu nên rất uyên thâm văn hóa cổ của người Tàu xưa kia (mà theo thiển ý, có thể Ông đã hơn hẳn những học giả Việt của chúng ta như Lê Quý Đôn và Phan Bội Châu), đã để lại cho đời nhiều tác phẩm đề cập tới nền văn hóa xứ này: Ông coi “viên” như một bậc “quân tử” (jǔn jǐ, nobble gibbon) trong bầy khỉ.
Saigon, ngày 5.12.2015
P. Kim Long
Email: pklong9@gmail.com

ẤT MÙI NÓI CHUYỆN DÊ

ẤT MÙI NÓI CHUYỆN DÊ
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre, số tháng Hai, năm 2015)
P. Kim Long

Thuở hồng hoang con người thường sống riêng rẽ theo cá thể, hoặc gia đình chỉ có vợ chồng và con cái. Sau khi phát kiến ra lửa, họ đã bắt đầu sống thành bầy, nhóm, bộ lạc, xóm, làng… Dần dần nhu cầu của họ càng nhiều hơn vì không còn giới hạn ở đồ ăn thức uống, vũ khí, quần áo, thuốc men… mà họ còn muốn thuần hóa những dã thú để biến chúng thành trợ thủ đắc lực. Họ muốn dùng những thú vật này để giúp đỡ họ trong việc khắc phục thiên nhiên: dùng trâu bò trong việc đồng áng vì đôi tay của họ quá yếu ớt, dùng lừa ngựa để đi đây đi đó nhanh chóng và xa hơn vì đôi chân của họ quá ngắn và vô lực…Trong những loài gia súc thân thiện nhất với con người chỉ có: chó, trâu bò, lừa ngựa. Ba loại gia súc trên luôn sát cánh cùng con người trong những lúc gian khổ và hiểm nguy, chính vì thế mà người ta mới cho đó là những con vật tình cảm, thông hiểu tính người và rất trung thành. Cũng chính vì thế mà trong những truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian, ca dao, tục ngữ… đều luôn có bóng dáng của chúng. Xin Quý Bạn tìm đọc bài “Phiếm luận về ngựa trong năm Giáp Ngọ” để rộng đường dư luận. Song chỉ có con “dê” là ít được đề cập nhất! Nhưng dù sao, trong năm Ất Mùi tôi cũng xin phiếm luận dông dài một chút về loài dê (cừu).Người đời vẫn thường ngộ nhận mà cho rằng 12 thành phần của Địa Chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) ứng với 12 con vật (chuột, trâu, hổ/cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và heo/lợn). Bằng chứng là trong những lịch sách (treo tường, bloc, agenda, lịch bỏ túi…) luôn luôn gán cho những người có tuổi Tí là con Chuột, Sửu là con Trâu… Tôi xin tạm trích một vài dòng trong cuốn lịch bỏ túi 2014 của Nhà Xuất Bản Thể Dục Thể Thao (7 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội) như sau: “Chuột khôn ngoan lại nhanh trí. Tuổi Chuột tận hưởng của dư thừa dù hư hỏng, tệ hại và lại rất mực hài lòng về việc này. Tuổi này mê hương vị ngon ngọt và còn khoe ra cho mọi người biết nếu gặp dịp. Ngoài tật này ra, tuổi Chuột chơi với ai cũng được và kết bè với nhiều bạn trung thành…” Ngoài ra, ở cuối mỗi trang lại nói về mỗi con vật, Thầy Rùa còn xủ quẻ như sau: “Tam Hạp: tuổi Chuột hạp với tuổi Thìn (con Rồng) và tuổi Thân (con Khỉ). Tứ Xung: tuổi Chuột khắc/kỵ tuổi Mẹo (con Mèo), tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Dậu (con Gà).”
Theo những Từ điển Hán ngữ như Từ Vựng của Lục Sư Thành (nhà Xuất Bản Văn Hóa Đồ Thư Công Ty, 1910, Đài Loan), Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (nhà Xuất Bản Trường Thi, 1957, Saigon), Trung Việt Từ Điển của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1993, Hà Nội) cùng một số Từ điển Hán ngữ Điện tử như Pleco Basic Chinese-English Dictionary for iPhone, iCED for iPhone… thì tên của những Địa chi trên đơn thuần chỉ được dùng để chỉ thời gian (năm) hay giờ giấc (thời gian trong 1 ngày và đêm), tức chỉ là số thứ tự giờ giấc từ 11 giờ đêm hôm trước tới 11 giờ đêm hôm sau: 12 giờ Âm lịch tương đương với 24 giờ Dương lịch. Vài ba cuốn sách Tử Vi (viết bằng Hán ngữ và Việt ngữ) mà tôi đã có dịp đọc qua, đều không hề gán Tý là Chuột mà chỉ nói là tuổi Tý thì như thế này thế nọ … Người Việt giống hệt cộng đồng người Malaysia gốc Hoa luôn luôn nghĩ rằng 12 con giáp phải tượng trưng cho 12 con vật: năm Tỵ thì họ gọi là “the Year of Snake!”
Quả là chuyện nực cười vì “mùi” (wèi) đứng vị trí thứ 8 trong Địa Chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), tức 8/12, chứ không hề có nghĩa là con dê/cừu; còn giờ Mùi (wéi shī = vị thời) là khoảng thời gian từ 13 giờ tới 15 giờ.
Con người đã thuần hóa một số loài vật hiền lành có sức mạnh để có thể cải thiện cuộc sống của mình; điển hình nhất là con chó, con ngựa và con trâu/bò… Chính vì thế mà mấy con vật này đã thường xuyên xuất hiện trong sinh hoạt của loài người, do đó, trong lịch sử, điển tích, ca dao, tục ngữ, văn học… đều đề cập tới chúng. Chỉ riêng, con Dê/Cừu đã vắng bóng trong sinh hoạt văn hóa và tinh thần của người Việt chúng ta.
Sau đây là một vài phạm trù liên hệ tới con dê/cừu.

1. Dê trong ca dao, tục ngữ, tiếu lâm
Dương bì (yáng pí): da dê. – Dương bì chỉ (yáng pí zhĭ = parchment): giấy viết bằng da dê (quí hơn giấy da bò và da trâu). – Dương công (yáng gōng): người chăn cừu thuê. – Dương chất hổ bì (yáng zhì hǔ pí): dê khoác da hổ, miệng hùm gan sứa, già trái non hột. – Dương du (yáng yoú): mỡ dê/cừu. –
Dương đầu cẩu nhục (yáng toú gŏu ròu): đầu dê thịt chó, treo đầu dê bán thịt chó, giả dối gian manh. –
Dương đậu (yáng doù): bệnh đậu cừu (animal husbandry sheep pox). – Dương điên phong (yáng diān fēng): bệnh kinh giản (epilepsy). – Dương giác phong (yáng jiăo fēng): bệnh điên. – Dương giản phong (yáng xián fēng): bệnh điên. – Dương lạc (yáng lào): sữa dê. – Dương mao (yáng máo): lông cừu.-
Dương mạc (yáng mó): nhau thai. – Dương mao đinh (yáng máo dīng): bệnh dương mao đinh (đau đầu sốt nóng lạnh). – Dương mao xuất tại dương thân thượng (yáng mao chū zài yáng shēn): lông dê lại mọc trên mình dê, số tiền đem cho ai thực ra là tiền của người đó, của ruộng đắp lên bờ, không phải là của cho không, nothing comes for free. – Dương nhập hổ khẩu (yáng rù hǔ kŏu): dê vào miệng cọp, ở vào tình thế nguy hiểm, trên đe dưới búa. – Dương nhục (yáng ròu): thịt dê. – Dương quan (yáng guān): người chăn cừu. – Dương quần lý đầu xuất lạc đà (yáng qún lĭ tóu chū luò tuo): đứng như con lạc đà trong đám cừu/dê, tài xuất chúng trong đám đông. – Dương trường (yáng cháng): ruột dê, đường đi quanh co, ngoắt ngoéo. – Dương trường điểu đạo (yáng cháng niăo dào): đường núi nhỏ hẹp quanh co. –
Dương trường tiểu đạo (yáng cháng xiào dào): đường hẹp ngoằn ngoèo. – Dương trường tiểu kính (yáng cháng xiào jìng): đường ngoằn ngoèo. – Dương trường tuyến (yáng cháng xiàn): chỉ y khoa (để khâu vết thương, khi lành thì chỉ này sẽ tự tiêu). – Quải dương đầu mại cẩu nhục (guài yáng tóu mài gŏu ròu): treo đầu dê bán thịt chó, giả dối, bất lương. – Vong dương bổ lao (wáng yáng bǔ liáo): mất dê mới tu bổ chuồng dê, mất bò mới lo làm chuồng.- Vong dương đắc ngưu (wáng yáng dě niú): mất dê được trâu, mất ít được nhiều. – Cao dương (gāo yáng): cừu/dê non, người ngây thơ trong trắng.- Đại tội cao dương (dài zùi gāo yáng): chịu tội thay người khác, dê tế thần (scapegoat)…
Truyện cười ngày xưa có kể một mưu mẹo của đứa bé đối phó với một ông vua gian ác, hay đơn giản câu chuyện này chỉ để ca ngợi trí thông minh lanh lợi của một đứa trẻ. Nhà vua ra lệnh dân làng nọ phải làm cho con dê đực đẻ con, nếu không làm được thì sẽ bị tội. Tất cả dân làng, từ Lý Trưởng tới anh Mõ và mọi người đều bù đầu lo lắng không biết cách giải quyết. Song chỉ có đứa bé mươi tuổi đầu chạy vào cung vua kêu khóc ầm ĩ. Vua lấy làm lạ, sai lính ra hỏi nguồn cơn. Đứa bé nói rằng mẹ nó mất sớm nên nó không có em bé, nhưng nay nó muốn có em bé để hai anh em chơi với nhau, song bố nó không chịu đẻ. Nghe xong thì nhà vua bật cười mà bảo rằng đàn ông làm gì mà đẻ được. Đứa bé vội vin vào câu này để phản bác quyết định của nhà vua khi ra lệnh làm dê đực phải đẻ con. Nghe xong lý giải trên, nhà vua phì cười và tha bổng cả làng đó.

2. Dê trong văn học
Thật trái ngược với con ngựa, con dê không được con người chú ý nên trong văn học rất ít truyện hay giai thoại liên quan tới con vật này.
Chữ “nhuận bút” (làm trơn bút mới có thể viết được) có nghĩa là “tác quyền” (copyright) bây giờ. Điển tích này có từ thời Nhà Tùy: một hôm Tùy Cao Tổ bảo văn quan Lý Đức Lâm viết chiếu chỉ, song lúc đó nghiên mực đã cạn và bút lông cũng khô, do vậy một văn quan đứng cạnh liền tâu rằng “nghiên bút đã khô cả mực rồi,” còn một văn quan khác cũng nói rằng “lấy tiền đâu mà mua mực.” Nghe xong, vua hiểu chuyện, liền xuất tiền cho Lý Đức Lâm. Sau này, “nhuận bút” có nghĩa là tiền thù lao trả cho văn thi sĩ khi họ viết ra một bài văn, câu đối (để treo trong nhà hay đền chùa), thi phú… Nhuận bút về thời xưa không có giá nhất định. Thi tiên Lý Bạch chỉ cần vài chén mỹ tửu mới đủ thi hứng múa bút làm thơ. Danh tài Tô Đông Pha chỉ cần một bữa thịt dê là có thể rồng bay phượng múa trong bài thơ bài văn theo yêu cầu. Riêng Tư Mã Tương Như khi viết bài phú Trường Môn với ca từ tuyệt hảo và nỉ non than khóc để Vua không ruồng bỏ Hoàng hậu, đã được thưởng 100 cân vàng.
Truyện ngắn “Con dê cái của Ông Séguin” (La Chèvre de Monsieur Séguin) là một trong những đoản thiên trong cuốn Lettres de Mon Moulin (Những lá thư viết từ cối xay gió của tôi) do Alphonse Daudet trước tác dành cho thanh thiếu niên. Trong trang trại của một chủ vườn có 6 con dê đủ loại: đực, cái, lớn, bé. Song cả 5 con kia đều bị một con sói lần lượt tấn công và ăn thịt khi chúng lạc bầy trong rừng sâu. Hôm cuối cùng, con dê cái này cũng đi vào tận rừng sâu suốt cả ngày. Dù đã nghe thấy tiếng kèn vang lên nhắc nhở quay về, con dê cái này đã lạc đường và lại gặp con sói nọ trong rừng sâu. Con dê cái đành phải dùng hai chiếc sừng để chống cự lại con sói dũng mãnh và tàn ác. Con dê nọ cố gắng cầm cự mong kéo dài thời gian càng lâu càng tốt vì tất cả 5 con dê trước đều đã bị con sói ăn thịt trước lúc nửa đêm. Con dê cứ cố gắng gượng chống trả bằng những nỗ lực tuyệt vọng: vừa kiên cường cầm cự vừa trông lên bầu trời đầy sao dần dần lu mờ vì trời gần sáng. Khi mặt trời vừa mới ló dạng ở phương đông thì con dê ngã lăn ra chết vì kiệt sức song nó rất hãnh diện vì đã kiên cường chống cự kẻ thù truyền kiếp. Truyện ngắn trên được giảng dạy ở những trường trung học Pháp và Việt trong thập niên 30 tới 50 nên đã làm say đắm biết bao học sinh mà nay tuổi đời có thể đã trên 70 tuổi.

3. Dê trong lịch sử, điển tích
3.1.Tô Vũ mục dương.- Tô Vũ (蘇武 = Su Wŭ), tên thật là Tô Tử Khanh, là bề tôi trung thành của Hán Vũ Đế (140 BC – 87 BC) đã trở thành bất tử qua điển tích “Tô Vũ mục dương” tức Tô Vũ chăn dê. Về thời đó nước Tàu thường bị rợ Hung Nô từ phương Bắc tràn xuống xâm lấn, song vì thế yếu, vua Hán phải sai Tô Vũ sang cầu hòa. Song làm phật ý chúa Hung Nô, Tô Vũ bị bỏ đói ba ngày trong hang. Nhờ hớp những giọt sương đêm nên Ông đã sống sót. Vua Hung Nô kinh sợ nghĩ Tô Vũ là thần nên không dám hãm hại song lại đày đến đất Bắc chăn dê và sẽ cho trở về Hán với điều kiện khi nào dê đực đẻ ra dê con. Tô Vũ ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Sống nơi hoang vu giá lạnh, Ông chỉ còn biết làm bạn với cầm thú, đã lấy một con vượn cái (song tôi nghĩ chắc không phải con vượn hay khỉ đột vì hai con vật này có gene khác với loài người, nên tôi nghĩ đó có thể là người đàn bà rất xấu xí, mà ta thường gọi là “xấu như quỷ dạ xoa”) làm vợ để đỡ cô đơn trong nơi hoang vắng và cuối cùng đã có với nhau một đứa con. Mỗi khi gặp chim nhạn bay thiên di về phương Nam, Ông lại viết một lá thư gắn vào chân chim nhạn để nhờ mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Vua Hán tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc. Sau 19 năm, nhờ sự nỗ lực can thiệp của vua Hán, Tô Vũ chia tay người vợ vượn người trở về đất Hán. Điển tích này đã trở thành một đề tài đặc sắc trong thi ca để biểu tượng cho đảm lược và bất khuất của một trung thần.
3.2. Dương công hạc (yáng gōng hè): con hạc của Ông Dương. Sách Thế Thuyết Tân Ngữ kể rằng đại thần Dương Thúc Tây đời Tây Tấn nuôi một con hạc biết múa rất đẹp, do vậy Ông sai người ra mang ra cho mọi người xem. Khi Ông bảo nó múa thì nó cứ đứng trơ xù lông ra. Do vậy, từ ngữ này được dùng để chỉ người hữu danh vô thực. Một từ ngữ tương tự là: bất vũ chi hạc (bù wǔ zhī hè) = con hạc không biết múa.
3.3. Dương đạp thái viên (yáng tà cài yuán = dê dẫm nát vườn rau).- Trong truyện Khải Nhan Lục kể rằng về đời nhà Tùy có một người thường xuyên ăn rau dưa (ăn chay), song một hôm tình cờ được ăn thịt dê, nên trong giấc mộng Thần Ngũ Tạng hiện lên bảo rằng: “Dê đã dẫm nát vườn rau rồi!” Về sau từ ngữ này ám chỉ người ăn chay bỗng phá lệ ăn mặn.
3.4. Dương Tả chi giao (Yáng Zuŏ zhī jiāo): tình bạn bè giữa Dương Giác Ai và Tả Bá Đào.- Theo Hán Thư, trong truyện Đồ Cương về thời Xuân Thu hai hàn sĩ này rất thân thiết và thường nhường cơm sẻ áo cho nhau. Khi nghe biết vua Sở có ý chiêu hiền nạp sĩ, hai người liền bỏ nước ra đi, song khi tới biên giới hai nước thì trời nổi lên những trận bão tuyết phủ ngập đường xá. Vì không mang theo đủ lương thực và quần áo ấm nên hai người bị kẹt trong rừng thẳm giá buốt. Tả Bá Đào bàn cùng bạn và tự ý hy sinh: dành hết lương thực và quần áo cho bạn, còn mình trần truồng chui vào hốc cây để bạn có đủ phương tiện đi tiếp. Tới được nước Sở thì Dương Giác Ai được làm quan to và sau đó đi tới chốn cũ làm ma chay tế người bạn xấu số. Để nói tới tình bạn thắm thiết thì người xưa hay trích dẫn câu “Dương Tả chi giao,” song họ không biết hay cố tình lờ đi chuyện “đồng tính luyến ái” giữa hai đực rựa này. Đây là một trong hai chuyện đồng tính luyến ái về thời Đông Chu Liệt Quốc: câu chuyện thứ hai nói về vua Vệ Linh Công và Di Tử Hà. Vua Vệ rất yêu quý Di Tử Hà nên sẵn lòng bỏ qua mọi lỗi lầm của người bề tôi thân cận này: đương ăn dở một trái cây ngọt thì Di Tử Hà vội dâng vua ăn tiếp làm vua cảm động khen người bề tôi này biết nhịn ăn để mời vua, đang đêm Di Tử Hà trộm long xa để về thăm mẹ bị ốm thì vua khen bề tôi này có hiếu dám tự tiện xài ké xe của vua… Nhưng khi vua không còn sủng ái nữa (có lẽ vua tìm được trai đẹp khỏe hơn) thì vua liền hài những tội trên: vô lễ khi dâng vua đồ ăn thừa và phạm thượng khi dùng long xa không được phép của vua. Sau đó vua ra lệnh chém đầu. Cổ nhân không hề đả động tới chuyện đồng tính luyến ái của những nhân vật trên, song trong dân gian lại xầm xì những chuyện đó.
3.5. Dương xa (yáng chē).- Xe dê (xe được dê kéo). Ngày xưa vua Tấn Võ Đế thường ngồi trong một chiếc xe do dê kéo đi lại trong cung để chọn cung phi hoan lạc trong đêm hôm đó. Nếu con dê ngừng lại ở cửa phòng một cung phi nào thì nhà vua sẽ nghỉ đêm với cung phi đó. Nhà vua cho rằng biện pháp này là công bằng vì đó là hợp ý trời. Do vậy, những cung phi thường để những lá dâu nõn tẩm nước muối để nhử dê. Nếu chỉ có lá dâu non thì dê không bén mùi, trái lại có tẩm nước muối nhạt thì dê sẽ quen mùi thường xuyên đến hơn. Thi phẩm kiệt xuất Cung Oán Ngâm Khúc (Complaint of a Palace Maid, The Complaints of the Royal Harem) của Nguyễn Gia Thiều, gồm 356 câu thơ song thất lục bát, đã mô tả nỗi sầu oán của một cung nữ bị thất sủng. Tuy nhiên 4 câu thơ từ 159 tới 162 đã thuật lại quãng thời gian được sủng ái khi vua ngồi xe dê tới hoan lạc cùng cung nữ:
“… Phải duyên hương lửa cùng nhau,
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.
Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,
Lúc cười sương cợt tuyết đền phong….”

4. Dê trong Đông Y
Hình như con dê được dùng nhiều nhất trong Đông Y vì ngựa, chó, và trâu bò… ít có những bộ phận được sử dụng làm thuốc thang. Có lẽ người ta cho rằng hai con vật thân thiết với con người là chó và ngựa nên họ không nỡ giết thịt dù để làm thuốc chữa bệnh cho con người. Trái lại, Đông Y đã tận dụng con dê: 17 bộ phận được dùng làm thang dược. Đông Y vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Triết học Đông phương: thiên nhân hợp nhất (người và trời tương hợp với nhau), hoặc nhân thân diệc tiểu thiên địa (thân thể con người cũng được ví như một bầu trời nhỏ). Từ đó, Đông Y suy rộng ra là những thú vật cũng giống con người về thịt, máu, xương và da; do vậy, những bộ phận và cơ quan của những con vật này có thể dùng để chữa trị hay bồi bổ những bộ phận và cơ quan suy yếu hay bệnh tật của con người. Thuyết Tạng khí trị liệu (Organotherapy) trong Đông Y gần như tương đồng với Homeopathy (Đồng khí trị liệu) vì S. Hahnemann chủ trương “like cures like” (một chất nào gây ra một triệu chứng cho người khỏe thì có thể chữa được triệu chứng ấy ở người bệnh).
Sau đây tôi xin liệt kê một số bộ phận và cơ quan của con dê được dùng làm thuốc Bắc. Tên những vị thuốc này được trích trong cuốn Trung Dược Đại Từ Điển của Giang Tô Y Học Viện, xuất bản Thượng Hải Khoa Học Kỹ Thuật, 1985, Quyển 1. Từ điển này nói rất tỉ mỉ dài dòng, song tôi lược bỏ gần hết mà chỉ giữ lại phần Chủ trị.
4.1. Dương bì (yáng pí) = da dê (phải cạo bỏ hết lông dê) – Chủ trị: bổ hư lao, trị chứng phế bị hư lao, cổ độc, hạ huyết (đi cầu ra máu).
4.2. Dương can (yáng gān) = gan dê – Chủ trị: ôn huyết, bổ can, minh mục (làm sáng mắt), trị chứng huyết hư gày còm, mắt hoa mờ, thông manh, phụ nữ thiếu máu sau khi sanh, trẻ nít biếng ăn vì thiếu vitamin A, hoàng đản (bệnh vàng da).
4.3. Dương cốt (yáng gǔ) = xương dê – Chủ trị: bổ thận hư, cường cân cốt, trị suy nhược cơ thể, gày còm suy nhược, yếu chân và đầu gối, gân xương đau nhức, kiết lỵ, tiết tả (tiêu chảy) lâu ngày, bạch trọc (khí hư, huyết trắng ở phụ nữ), ích thận minh mục, trị yêu thống,
4.4. Dương chi (yáng zhī) = mỡ dê – Chủ trị: bổ hư, nhuận táo, khử phong, giải độc, nhuận cơ phu (bồi bổ da thịt), kiết lỵ mạn tính, ốm o gày mòn, ghẻ lở mụn nhọt, thoát giang/trĩ (nếu dùng mỡ dê sống), đàn bà sản hậu bị đau quặn bụng, sát trùng, trị ghẻ lở. Cấm dùng nếu bị nóng sốt.
4.5. Dương di (yáng yí) = tụy dê – Chủ trị: bệnh ho lâu ngày, bệnh phụ khoa như khí hư, huyết trắng, thống kinh.
4.6. Dương đảm (yáng dăn) = mật dê – Chủ trị: thanh hỏa (làm mát trong người), minh mục (làm sáng mắt), giải độc, trị phong nhiệt, mắt đỏ, phế lao thổ huyết, sưng đỏ yết hầu, hoàng đản (vàng da), ghẻ lở vì bị nhiệt độc, tiện bí (táo bón), lợi tiểu tiện, hành thủy giải độc.
4.7. Dương đỗ (yáng dǔ) = bao tử dê (Hán ngữ còn gọi là “dương vị”) – Chủ trị: bổ hư, kiện tỳ vị, trị hư lao suy nhược, biếng ăn, tiêu khát (đái tháo nhạt, đái đường), đạo hãn (mồ hôi trộm), đái nhiều lần.
4.8. Dương huyết (yáng xuè) = máu dê – Chủ trị: chỉ huyết (cầm máu), khử ứ, trị thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), trĩ ra máu, phụ nữ băng lậu, sản hậu huyết vựng, ngoại thương xuất huyết…
4.9. Dương não (yáng năo) = óc dê – Chủ trị: nhuận bì phu, trị ghẻ lở, trị tổn thương, ung nhọt, bị gai đâm, trị phong hàn nhập não, đau nhức đầu kinh niên. Ăn nhiều óc dê sẽ dễ bị phong nhiệt.
4.10. Dương nhũ (yáng rǔ) = sữa dê – Chủ trị: ôn nhuận bổ hư, suy nhược cơ thể, tiêu khát (đái đường, đái tháo nhạt), phiên vị, trong miệng mọc mụn lở loét, kinh giản trẻ nít, trị sưng lưỡi, nấc…
4.11. Dương nhục (yáng ròu) = thịt dê – Chủ trị: ích khí, bổ hư, ôn trung noãn hạ, trị hư lao, yêu tất toan nhuyễn, sản hậu hư lãnh.
4.12. Dương phao (yáng pāo) = bong bóng/bọng đái của dê – Chủ trị: trị hạ hư, di niệu (đái són), điều hòa khí huyết ở hạ tiêu, làm tăng sữa cho sản phụ. Cấm dùng nếu bệnh nhân bị hư nhược và sản phụ bị són đái.
4.13. Dương phế (yáng fèi) = phổi dê – Chủ trị: bổ phế khí, điều thủy đạo, ho nhiều, tiêu khát (tiểu đường, đái tháo nhạt), bí tiểu hoặc tiểu nhiều lần, trừ phong tà, suy nhược cơ thể.
4.14. Dương tâm (yáng xīn) = tim dê – Chủ trị: giải uất, bổ tâm, trị khí bị đình trệ, kinh quý (sợ sệt).
4.15. Dương tu (yáng xū) = râu dê – Chủ trị: mồm miệng trẻ con lở loét, bệnh cam trẻ con, đầu cứt trâu (da đầu trẻ nít tróc bong từng mảng).
4.16. Dương thai (yáng tāi) = thai dê – Chủ trị: điều bổ thận hư (bồi bổ tình trạng suy yếu của thận), chữa trị suy nhược cơ thể.
4.17. Dương thận (yáng shèn) = thận/cật dê – Chủ trị: bổ thận khí, ích tinh tủy, trị tạng thận hư tổn, đau nhức lưng và xương sống, đầu gối và chân tê mỏi, tiêu khát (tiểu đường, đái tháo nhạt), nhĩ lung (tai ù, tai điếc vì ù tai không nghe thấy, chứ không phải rách màng nhĩ), đái són, đi tiểu nhiều lần, suy nhưọc vì mồ hôi trộm, dương nuy (bất lực), âm nuy (yếu sinh lý), tráng dương ích vị.

5. Dê trong Sex
Tôi không hiểu vì sao mọi người lại nghĩ rằng “dục tính” của loài dê rất cương cường hơn cả ngựa, heo và chó. Người ta thường dùng chữ “ba lăm” hay “dê” để ám chỉ một người có tính dâm đãng, thích đàn bà con gái. Có lẽ số 35 được gán cho con dê vì xưa kia trong bài cào hay đánh đề gì đó (tôi vốn dốt về cờ bạc): người ta đã gán một số vào từng loại con vật để tiện nhận mặt quân bài vì đa số dân cờ bạc thường ít chữ nghĩa. Do tình cờ số 35 lại gán vào hình con dê, do vậy, số 35 đã trở thành biểu tượng của sự dâm dật, thích theo đuổi đàn bà con gái… Tạp chí Playboy thì dùng hình con thỏ làm biểu tượng của tính 35 vì sức sinh sản của loài này mạnh mẽ vô kể. Người ta kể rằng khi xưa Úc Châu không có thỏ, nhưng một thủy thủ đã mang lén một cặp thỏ đực và cái lên bờ. Sau đó, cặp thỏ sinh đỏ mạnh quá khiến người này không nuôi nổi phải bỏ chúng vào rừng. Kể từ đó, loài này sinh sản mạnh phá hoại hoa màu làm khốn đốn nhiều nông trang bản địa.
P. Kim Long
Email: pklong9@gmail.com
Saigon, 2014

The Good Country Index

DANH MỤC QUỐC GIA TUYỆT VỜI của LHQ

Trong một gia tộc nếu tất cả những thành viên đều tử tế, lương thiện, siêng năng, hiếu học… thì gia tộc đó có cơ hưng thịnh và con cháu hưởng lộc bền lâu; trái lại, một gia tộc lại hủ bại thì gia cảnh ngày một suy vi. Điều này cũng giống như một quốc gia vậy. Do vậy, Liên Hiệp Quốc đã đề ra 7 tiêu chí để quyết định sự thịnh suy của bất kỳ một quốc gia: nếu chỉ số cao thì công dân nơi đó hạnh phúc và du khách ngoại quốc cũng được nhờ. Căn cứ vào Chỉ số Tuyệt vời của Quốc gia (The Good Country Index), Liên Hiệp Quốc đã xếp hạng những quốc gia đã đóng góp nhân lực và tài lực cho thế giới mà cũng không gây bất ổn và xáo trộn cho nhân loại. Những sự đóng góp và cống hiến dựa trên 7 tiêu chí để ấn định thứ hạng:
1. Khoa học & Công nghệ (Science & Technology): số sinh viên ngoại quốc tới du học, số đầu sách nghiên cứu khoa học, số đầu sách xuất bản, số người được giải thưởng Nobel, số những bằng sáng chế quốc tế.
2. Văn hóa (Culture): đóng góp những công trình văn hóa cho UNESCO, số những quốc gia có công dân nhập cảnh không cần visa, tự do báo chí và ngôn luận.
3. Hòa bình & An ninh thế giới (International Peace & Security): số quân lính gìn giữ hòa bình thế giới được gửi tới giúp LHQ để duy trì trật tự và an ninh tại những quốc gia nội chiến hoặc bị thiên tai, đóng góp tài chính cho sứ mạng duy trì hòa bình của LHQ…
4. Thứ bậc thế giới (World Order): số người dân đóng góp tiền bạc cho Quỹ Từ thiện Thế giới, số dân tị nạn tới xin cư trú, tỉ lệ sinh đẻ, số hòa ước đã ký kết sau khi giải quyết được những vụ tranh chấp hay xung đột.
5. Hành tinh & Khí hậu (Planet & Climate): xử lý được những rác thải độc hại, ô nhiễm nguồn nước hữu cơ, nồng độ CO2, những khí độc hại như Methane, Nitrous oxide…
6. Phồn vinh & Bình đẳng (Prosperity & Equality): số nhân viên hộ lý hay tình nguyện viên được phái ra hải ngoại, tình trạng đầu tư của ngoại quốc.
7. Sức khỏe & Hạnh phúc (Health & Well-being): số lượng dược phẩm xuất khẩu, đóng góp tài chính cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đóng góp nhân lực và tài chính cho Quỹ Nhân đạo của LHQ, truy quét băng đảng sản xuất và bán ma túy, tịch thu cần sa và ma túy…
Cuối năm 2014, Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản liệt kê 10 quốc gia mà mọi người đều ao ước được làm công dân của quốc gia đó vì người dân đều được an cư lạc nghiệp trong một môi trường xanh, đẹp và hợp vệ sinh. Sau khi gõ chữ Good Country Index trong khung Google Search sẽ làm hiển thị tất cả những dữ liệu này. Theo Wikipedia thì đứng đầu danh sách là Ireland, còn Việt Nam đứng áp chót, tức 124/125, nghĩa là thấp hơn nhiều quốc gia ở trong khu vực Đông Nam Á. Theo công bố của Liên Hiệp Quốc, 20 quốc gia đứng đầu đều thuộc châu Âu và 3 quốc gia áp chót là Iraq (123/125), Việt Nam (124/125) và Libya (125/125) vốn là đất nước bất ổn ở châu Phi. Quốc đảo Ireland được coi là quốc gia hoàn hảo nhất thế giới: là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh vì quốc gia này luôn đạt được những thành quả lý tưởng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào sự biến đổi môi trường trên toàn cầu theo hướng tích cực. Ngoài ra, nhờ được hưởng những điều kiện tốt về những dịch vụ an sinh xã hội, người dân Ireland luôn rất hạnh phúc và cởi mở. Do vậy, khi đến Ireland, du khách luôn được chào đón trong sự thân thiện và nồng ấm, được sống trong một bầu không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, an toàn và thân thiện với du khách.

  1. Bảng liệt kê 10 quốc gia mà mọi người thường ao ước được làm công dân nước đó vì con người được bảo đảm an sinh và có thể được hạnh phúc nhất trên thế giới: 1. Ireland (Ái Nhĩ Lan), 2. Finland (Phần Lan), 3. Switzerland (Thụy Sĩ), 4. Netherlands (Hà Lan), 5. New Zealand (Tân Tây Lan), 6. Sweden (Thụy Điển), 7. United Kingdom (Vương quốc Anh), 8. Norway (Na Uy), 9. Denmark (Đan Mạch) và 10. Belgium (Bỉ).
  2. Bảng liệt kê từ 11 tới 20 quốc gia kế tiếp: 11. Pháp, 12. Canada, 13. Đức, 14. Áo, 15. Úc, 16. Lục Xâm Bảo, 17. Iceland (Băng đảo), 18. Cyprus, 19. Tây Ban Nha, 20. Ý.
    Theo suy luận của tôi, lý do LHQ xếp hạng Ireland nhất: đó là quốc gia chỉ gồm dân thuần chủng da trắng (không có dân da đen hay da màu) vì đã liên tục sống trên đảo quốc đó từ thời kỳ xa xưa. Dân Ireland vốn yêu chuộng tự do, đã từng chống quân ngoại xâm và vua chúa Anh bạo tàn và tôn giáo hà khắc nên một số người đã bỏ đất nước để vượt biên sang Tân thế giới (châu Mỹ) vào thế kỷ 17 và 18. Do vậy, hậu duệ của họ cũng rất ưa chuộng tự do và thích cuộc sống phóng khoáng không câu thúc. Có lẽ vì thế nên trong cộng đồng của họ toàn là thuần chủng người da trắng trên đất nước Mỹ. Hiện nay những danh gia vọng tộc của Hoa Kỳ đều là hậu duệ Ireland ngày xưa, điển hình như gia tộc Tổng thống Bush, Kennedy… Từ trăm năm nay, những chính khách bên Mỹ đều gốc Ireland, do vậy, trong những kỳ bầu cử Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện thì những ứng cử viên Ireland đều rất sáng giá vì họ thường trở thành kim chỉ nam cho chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
    Quốc đảo Ái Nhĩ Lan bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt: Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan (Repulic of Ireland) theo đường lối cộng hòa tự do và Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland) vẫn còn nằm trong Vương quốc Anh (giống như Scotland và xứ Wales). Tuy hai thể chế khác nhau, song chung một đường biên giới, nhưng không vì thế mà xảy ra tranh chấp đòi thống nhất lãnh thổ vì cả hai đều nằm trong Cộng Đồng Chung Âu Châu. Ireland được coi là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới vì dân chúng sống sung túc, hạnh phúc vì tự do dân chủ; ngoài ra, vì là thuần chủng nên họ biết giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ những nguyên tắc đạo đức… do vậy, trong đất nước này gần như không có nạn xì ke, ma túy, bạo hành, giết người cướp của, mafia… Chính vì sống trong một không gian lý tưởng như vậy nên người dân rất hiền hòa, vui vẻ, hay giúp đỡ… nên khi du khách tới đất nước này đều cảm thấy rất thoải mái. Nhưng, riêng tôi lại không thích tới xứ này (dù tôi đã từng đi Mỹ 2 lần và 1 lần du lịch Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp và Ý) vì sinh hoạt khá mắc không hợp túi tiền của người Việt. Tôi có đứa cháu trai cùng vị hôn thê trước kia được học bổng bán phần của Ireland để học về ngành Điện Toán. Sau khi tốt nghiệp, cả hai vợ chồng đều được Học viện Công nghệ Thông tin sở tại giữ lại để làm trợ giảng. Cả hai đều không muốn về nước làm việc vì lương bổng bên xứ người khá hậu đãi. Nhưng khi bố mẹ sang thăm con trai và con dâu thì lại nảy sinh vấn đề: hàng xóm toàn người Ái Nhĩ Lan, tất cả sự sinh hoạt đều xa lạ với người Việt và giá sinh hoạt rất mắc chứ không “khuyến mãi” như bên Mỹ. Không hề có “free WiFi” ở phi trường, khách sạn, tiệm giải khát hay những nơi công cộng, do vậy, những du khách “nghiện” dùng smartphone đều cảm thấy như bị bó tay! Hai vợ chồng cháu mua chiếc xe đạp trẻ nít cho con gái 5 tuổi với giá 250 Euro, lại mua thêm chiếc yên sau giá 50 Euro và phải thuê nhà hàng gắn vào với giá 100 Euro! Tổng cộng là 400 Euro cho 1 chiếc xe đạp trẻ nít có gắn yên phụ!

Những quốc gia văn minh phú cường đã từng nổi danh khi xưa như Mỹ, Pháp, Đức, Ý… đều không lọt vào Top 10 vì một lý do rất đơn giản: dân sở tại không phải thuần chủng mà kết hợp từ nhiều sắc dân, sắc tộc… nên văn hóa đa dạng khó hòa đồng với nhau đưa đến tình trạng không mấy thân thiện. Điều này khiến dân sở tại thường phớt lờ du khách hay không thân thiện với người xa lạ. Bạn có thể kiểm chứng lời nói của tôi ngay tại Việt Nam: dân quê miền Nam hay Bắc thường rất cởi mở với những du khách từ phương xa; trái lại, dân Hà Nội, Hải Phòng, Saigon… thường phớt lờ những du khách (nhiều khi Bạn gặp tai nạn giữa đường phố cũng ít được mọi người quan tâm). Bất cứ quốc gia nào mà có người Da Đen thì nơi đó thường hỗn tạp, mất vệ sinh, không đoàn kết, trộm cắp, xì ke và mãi dâm. Có lẽ chỉ độ 10% người Da Đen có tính siêng năng, cần kiệm, tốt bụng, cầu tiến… còn đa số thì thường lười biếng, thích ngồi nhà xem TV, thích nhậu nhẹt, đàn đúm… khi thất nghiệp lại không chịu đi tìm việc làm mà chỉ sống vào trợ cấp thất nghiệp. Hình như tính bất mãn, tự kỷ và đố kỵ đã ăn sâu trong huyết quản của người Da Đen, Da Màu… , do vậy, thường xảy ra những vụ xô xát, xung đột… mỗi khi có sự hiểu lầm với người Da Trắng. Đôi khi có thể chỉ là sự ngộ nhận, hoặc có thể là hành vi cố ý của người Da Trắng hay Cảnh sát (Da Trắng hay Da Đen) song người Da Đen liền cảm thấy mình như bị kỳ thị, xâm phạm… nên họ đã tụ tập lại đi đập phá những cửa hàng, siêu thị, lật đổ hay đốt cháy những xe hơi bên vệ đường, rồi sau đó họ bắt đầu hôi đồ và cướp phá những siêu thị!
Nói chung, bất kỳ quốc gia nào cho nhập tịch những dân Da Đen, Da Màu… thì thường gặp cảnh tương tự như trên. Song hiện nay, một số quốc gia Tây phương, Mỹ và đồng minh đang rất lo ngại vì những dân Da Đen luôn luôn ái mộ tổ chức Taliban, Al Qaeda và nay là Nhà Nước tự xưng Hồi giáo IS. Do vậy, chúng thường trốn sang Pakistan, Afghanistan, Irak và Libya… để học du kích chiến và chiến thuật khủng bố vài ba tháng, rồi trở về nơi cũ để tìm cách phá hoại và khủng bố!
Mới đây Nữ (cựu?) Thủ Tướng Úc là Julia Gillard đã tuyên bố thẳng thừng với bất kỳ công dân nào của bất kỳ quốc gia nào lại có ý đồ phá hoại nước Úc: “If YOU aren’t happy here then LEAVE. We didn’t force YOU to come here. YOU asked to be here. So accept the country YOU accepted!” (Nếu ở đây BẠN không cảm thấy hạnh phúc thì hãy RỜI ĐI. Chúng tôi không buộc BẠN phải đến đây. BẠN xin phép được ngụ nơi đây. Vậy, hãy chấp nhận quốc gia này mà BẠN đã chấp thuận!) Bà Thủ tướng Úc đã nhìn xa trông rộng vì đã biết lo xa giống như cổ nhân thường nói: “Nhân vô viễn lự, tất cận ưu.” (Người không biết nhìn xa trông rộng, tất sẽ gặp nhiều phiền hà.) Một học giả Mỹ (mà tôi quên tên) đã sống trên 20 năm ở Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rằng: “Văn hóa Hồi giáo không thể nào hòa đồng với văn hóa Tây phương, nhất là với Thiên Chúa giáo vì chính Kinh Quran đã từng khuyến cáo tín đồ phải sát hại bọn ngoại đạo mới có thể lên được thiên đường.” Do vậy, những giải pháp mà những quốc gia Tây phương và Mỹ cho nhập cư và nhập tịch dân Phi châu (phần đông theo Hồi giáo) và Trung Đông đều rất nguy hiểm: trong tương lai chúng sẽ khủng bố, đánh bom tự sát… rồi có thể lập chính phủ ly khai ngay trên đất nước họ nhập cư… Báo chí đã loan nhiều tin tức khủng bố kinh hoàng trên đất nước Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Indonesia… Đầu tháng Giêng năm 2015 có 2 tên khủng bố Da Đen (đều quốc tịch Pháp) đã xông vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris để sát hại hàng chục ký giả vì đã đăng hình biếm họa nhà Tiên Tri Hồi giáo… Đây là vụ sát hại thứ nhì còn vụ thứ nhất (tuy không nghiêm trọng) cũng đã xảy ra trên đất nước Bỉ hay Hà Lan vài năm trước đó. Đó là lý do Nữ Thủ tướng Úc đã phát biểu câu trên để khước từ những sự di dân (hợp pháp và bất hợp pháp) của dân Hồi giáo vào Úc để đề phòng hậu hoạn.

Bên Mỹ có hàng triệu người Da Đen nên thường xảy ra những vụ xô xát, biểu tình của người Da Đen và Da Màu mỗi khi Cảnh sát Mỹ vô tình bắn (chết hay trọng thương) một người Da Đen bị nghi sử dụng vũ khí hay đang cướp phá tại hiện trường. Kết quả là thân nhân của nghi phạm đi biểu tình sách động họ hàng và bạn bè, để cuối cùng tất cả đám Da Đen, Da Màu… trên toàn nước Mỹ hay trên khắp thế giới biểu tình rầm rộ đòi Chính phủ phải cách chức và phạt tù Cảnh sát Mỹ đã mắc sai lầm. Chuyện này thường xảy ra như cơm bữa ở bên Mỹ. Tình hình bên Pháp cũng không khá hơn vì Chính phủ Pháp đã cho nhập cư và nhập tịch gần 1 triệu người Algeria, Maroc… vốn có tính lười biếng, hay sinh sự, thích nhậu nhẹt và chích choác, trộm cướp, mãi dâm, xì ke… Tình hình bên Anh cũng thế luôn vì cũng có cả trăm ngàn người Phi châu có quốc tịch Anh. Bên Đức thì lại khổ vì nạn dân Thổ Nhĩ Kỳ có quốc tịch Đức: tuy không tồi tệ như dân Da Đen, nhưng lại gây những tệ nạn xã hội làm đau đầu dân sở tại và Cảnh sát. Mấy năm trước con trai tôi được học bổng theo học ngành Khách sạn bên Đức đã kể những chuyện khó tin về bọn Thổ này. Khi thấy con tôi nhìn chăm chú một hệ thống âm thanh bày trong tiệm thì một thanh niên da ngăm đen (mà sau này con tôi mới biết đó là kiều dân Thổ có quốc tịch Đức) đến gần ngỏ ý muốn bán hệ thống âm thanh trên với giá nửa tiền. Con tôi thoái thác vì nghĩ mình đang là du học sinh nên không muốn dính đến chuyện phi pháp. Sau đó, con tôi hỏi bạn bè trong lớp thì được biết rằng bọn Thổ rất thiện nghệ chuyện trèo tường khoét vách và chôm đồ trong những siêu thị. Nếu đồng ý giá cả thì một vài ngày sau món hàng trong cửa tiệm cũng biến luôn!

Sau đây là một số thứ tự xếp hạng để tiện tham khảo: Mỹ (21), Costa Rica (22), Nhật (25), Kenya (26), Israel (37), Hàn (47), Brazil (49), Thái Lan (53), Malaysia (58), Mexico (66), Ấn Độ (81), Kuwait (86), Ả Rập Xê Út (87), Nga (95), Oman (100), Lào (104), Pakistan (106), Trung Cộng (107), Qatar (110), Algeria (111), Cambodia (112), Philippines (114), Venezuela (117), Indonesia (119)… Một số quốc gia Trung Đông, tuy là đại gia xuất khẩu dầu khí như Kuwait có thứ hạng thấp vì chính sách độc tài, độc đảng và kỳ thị nữ giới. Mỹ đứng hạng 21 vì tình hình bất ổn trong nước: dân Da Đen hay biểu tình chống phá, thường xuyên bị khủng bố. Nga xếp hạng 95 vì ít đóng góp cho LHQ và chiếm bán đảo Crum (Crimea) gây cảnh nội chiến tại Ukraina. Trung Cộng xếp hạng 107 vì phát tán những thực phẩm độc hại trên toàn cầu, chiếm biển đảo của Việt Nam, lấn chiếm biên giới của Ấn Độ… Trung Cộng thì khỏi nói vì tất cả những gì bẩn thỉu mất vệ sinh (600 trong tổng số 1000 sông ngòi bên Tàu bị ô nhiễm trầm trọng, mấy thành phố lớn tràn ngập bụi bặm và khói thải từ những xưởng máy), tham lam và ích kỷ (những nhà vệ sinh trong những khách sạn, nhà hàng không còn để giấy vệ sinh nữa vì cứ để ra là bị chôm hết, do vậy, ở ngay cửa nhà vệ sinh thường có nhân viên đứng túc trực trao giấy vệ sinh cho những ai có nhu cầu), đồ ăn độc hại (YouTube quay cảnh người dân cạnh nhà hàng mở nắp cống thành phố Bắc Kinh để múc vài chục xô mỡ đục ngầu rồi đem vào xưởng để chế lại thành mỡ đem đi bán cho những nhà hàng khác), chai đá trước cảnh tượng người bị nạn (YouTube quay cảnh một bé gái bị bỏ rơi trên đường rầm rập xe cộ trong khi người đi đường đều thờ ơ), thản nhiên tàn sát những người biểu tình (Giang Trạch Dân ra lệnh cho quân đội lái chiến xa cán chết hàng trăm sinh viên và học viên Pháp Luân Công biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn năm 1999 đòi dẹp bỏ Đảng CS để chọn đa đảng), xuất khẩu những thực phẩm độc hại mà báo chí Mỹ và Liên Minh châu Âu đã thường xuyên tố cáo sách lược đầu độc dân chúng. (Trong cuốn Death by China, Tiến sĩ Peter Navarro đã tố cáo hành động gian ác của Trung Cộng khi sản xuất và bán hàng ra khắp thế giới: thuốc tây giả, nước tương làm bằng tóc nhiễm hóa chất gây ung thư, trà tàu trộn arsenic và bột chì, đồ chơi trẻ nít trộn lẫn hóa chất độc hại…). Tóm lại, Tiến sĩ Navarro đã vạch mặt những hành động ma giảo của Trung Cộng: trộn hóa chất độc hại vào thực phẩm, đồ chơi… để bán đi trên toàn thế giới; cạnh tranh bất chính; tìm cách cướp công ăn việc làm của nhiều quốc gia, thực thi những hoạt động gián điệp; âm mưu chiếm tài nguyên thiên nhiên của những lân quốc; tìm cách chiếm đoạt nhiều thuộc địa bằng mặt trận kinh tế; đánh cắp bí mật quốc phòng của nhiều quốc gia và tăng đầu tư vào quân đội để đe dọa an ninh toàn cầu cũng như để để trấn áp dân trong nước.
Việt Nam là một nhược tiểu quốc nằm sát một đại cường quốc từ ngàn xưa tới nay luôn luôn có dã tâm bành trướng và xâm lược, do vậy, không thoát khỏi nanh vuốt đó. Những triều đại Đinh, Ngô, Trần, Lê, Nguyễn… dù đánh thắng giặc Tàu, song vẫn phải cử sứ giả sang xin thần phục và triều cống Bắc phương hòng thoát nạn binh đao, do vậy, vua chúa chỉ dám xưng “vương” mà không hề xưng “đế!” Tục ngữ có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài,” hoặc câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Đồng thời Hiền triết Socrate cũng nói một câu tương tự: “Dis moi ce qui tu hantes, je te dis qui tu es.” Tôi xin tạm dịch như sau: “Hãy cho tôi biết bạn chơi với ai thì tôi biết tính nết của bạn.” Vì trong mấy ngàn năm đã sống cạnh lân quốc lưu manh và ma giáo nên bây giờ chúng ta cũng tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của nước bạn như: nói chuyện ồn ào (chỉ vài ba người gặp nhau cũng huyên náo như cái chợ), không có tinh thần đoàn kết (cứ vài ba người gặp nhau là sinh sự, công kích nhau vì ai cũng coi mình là rốn của vũ trụ, điển hình như đồng bào hải ngoại không đồng tâm hiệp lực, rất khác với dân tị nạn Cuba bên Mỹ), bợ đỡ nhà cầm quyền làm mất nhân phẩm (nhiều tác phẩm thi ca và văn học đã tỏ thái độ nâng bi trơ tráo), vênh váo (thái độ của nam nữ diễn viên, ca sĩ), cướp của giết người rất tàn bạo (tên Nguyễn Văn Luyến 17 tuổi ở Bắc Giang đã giết toàn gia đình chủ tiệm vàng để đoạt 50 cây vàng song chỉ bị phạt tù 20 năm vì bị can còn vị thành niên; chuyện này đã thành tiền đề cho bọn tội phạm vị thành niên sẵn sàng cướp của giết người mà không sợ bị tử hình), ăn uống bất lịch sự không lưu ý tới người khác (nhà hàng Buffet bên Thái Lan đã dán cáo thị cảnh cáo thực khách nếu nếu bỏ phí món ăn trong khay sẽ bị phạt tiền), không chịu xếp hàng chờ đợi (trong siêu thị hay nơi công cộng), thói ăn cắp vặt, chôm đồ (siêu thị Nhật Bản ghi những cáo thị đề phòng người Việt trộm đồ; trộm thiết bị trong công sở; cắt trộm đường dây cao thế và lấy trộm bình ổn áp làm hư hại lưới điện quốc gia), thích đạo văn (tức thuổng ý và lời của bậc tiền bối rồi nhận là mình sáng tác), khôn vặt (trốn tránh quân dịch dù biết đất nước đang lâm nguy, tìm cách trốn thuế, khai man thuế), giấu giếm những điều có lợi cho mình (không công bố những học bổng đi du học ngoại quốc mà chỉ cho con cháu biết, nếu phải công bố thì đợi gần khi hết hạn mới cho báo chí biết), không tương trợ (phớt lờ những người bị nạn ngoài đường, tài xế khuyên nhau nếu lỡ gây thương tích cho người đi đường thì nên quay xe lại cán cho chết hẳn để bồi thường được nhẹ hơn), thích hứa lèo và thất hứa với cử tri (nữ Nghị viên Janet Nguyễn ở San José đã phản bội cử tri Việt kiều khiến cộng đồng người Việt biểu tình phản đối rầm rộ), úp hụi, quịt nợ (nước hoa Thanh Hương, Nguyễn Văn Mười Hai tại Saigon năm 1985), biển thủ công quỹ (Nguyễn Đức Kiên), tham ô hối lộ (vụ ODA, in tiền Polymer tại Úc), sang đoạt tiền ngân hàng rồi bỏ trốn (vụ Nguyễn Huyền Như), đem con bỏ chợ (tuyển dụng lao động đi nước ngoài rồi lừa đưa tới làm việc ở nơi xứ người thiếu tiện nghi để rồi còn bị đánh đập, bỏ đói, hãm hiếp), dụ dỗ và bắt cóc con gái đi làm điếm ở Tàu, Mên, làm nhái đồ ngoại, chế biến đồ ăn mất vệ sinh và độc hại… Tất cả những chuyện trên đều được báo chí đăng tải, song tình hình vẫn không cải thiện vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn” (luật pháp không công minh thì bọn thuộc hạ tất làm loạn).
Tóm lại, 7 tiêu chí của LHQ chỉ đặt trọng tâm vào yếu tố nhân bản và nhân văn mà không đếm xỉa tới chiến thắng hay sức mạnh quân sự. Việt Nam đã từng tự hào đã từng thắng cả 3 Đế quốc sừng sỏ (Nhật, Pháp và Mỹ) song lại nổi danh vì hành động “Cái Bang” (xin viện trợ từ nhiều quốc gia và quỹ ODA) nên LHQ đã khinh thường mà xếp hạng gần áp chót 124/125; Staline đã từng bị cáo buộc sát hại 30 triệu người và Nga hiện thời đã chiếm bán đảo Crimea, gây nội chiến tại Ukraina, do vậy mới đứng thứ 95; còn Mao Trạch Đông cũng đã bị cáo buộc sát hại 60 triệu người và với chính sách ma giáo độc đảng, song vì là cường quốc thứ hai về kinh tế nên LHQ đã nể sợ không dám vuốt râu hùm nên đành gán cho hạng 107.

Ghi Chú

  1. Ireland (Ái Nhĩ Lan)
    Xưa kia quốc đảo Ireland nằm trong Vương quốc Anh, nhưng sau này đã tách ra khỏi Anh và phân chia làm 2 quốc gia: Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan (Repulic of Ireland) chiếm 5/6 diện tích đất nước với số dân 4.6 triệu người và Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland) chiếm 1/6 diện tích còn lại với số dân 1.8 triệu người vẫn còn nằm trong Vương quốc Anh (giống như Scotland và xứ Wales). Diện tích của đảo quốc là 32.595 km2, tuy hai thể chế khác nhau, nhưng chung một đường biên giới và đều nằm trong Cộng Đồng Chung Âu châu. Ireland được coi là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu vì có GDP cao nhất và đứng thứ 7 trong những quốc gia phát triển nhất thế giới (theo Chỉ số Phát triển của LHQ), ngoài ra, còn được nằm trong nhóm 10 thị trường đầu tư kỹ thuật sạch theo Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu năm 2014 (2014 Global Green Economy Index) vì quốc gia này đã sử dụng nguồn năng lượng tái sinh (renewable energy) tức là đã tận dụng nguồn năng lượng gió và nước từ năm 2004 để cung cấp điện chạy máy và điện sử dụng cho toàn dân. Tuy chỉ là một quốc gia nhỏ bé (diện tích chỉ bằng 1/10 của Việt Nam và dân số chỉ bằng 1/15 so với nước ta), song Ireland đã từng có 4 nhà văn được giải thưởng Nobel về văn học: William Butler Yeats (1923), George Bernard Shaw (1925), Samuel Beckett (1969) và Seamus Heaney (1995). Nhưng kiệt xuất nhất lại là đại văn hào James Joyce (tuy không được giải thưởng Nobel) với trường thiên tiểu thuyết Ulysses đã từng làm sửng sốt toàn thể văn giới quốc tế vì từ xưa tới nay chưa ai sánh kịp và có thể trong tương lai cũng khó có văn gia nào vượt qua: kỹ thuật viết lách đã đi trước thời đại vài chục năm, điển hình như ở Mỹ là William Faulker (giải thưởng Nobel văn học) và ở Anh là Virginia Woolf đã từng áp dụng kỹ thuật của Ông; hơn thế nữa, trong tác phẩm này Ông đã dùng “cách chơi chữ” (như thể lối “nói lái” của chúng ta, những kiểu riddle, đảo lộn từ trong một chữ…) cũng như đã dùng tới 17 ngôn ngữ mà sau này Thi sĩ kỳ tài Bùi Giáng đã bắt chước trong dịch phẩm Nhà Sư Vướng Lụy (Đoạn hồng linh nhạn ký) tức The Lone Swan (nguyên tác của Đại sư Tô Mạn Thù tức Su Man Shu 1833-1918). Trong khi dịch, Ông đã viết vừa Việt vừa Hán (chữ Nho được phiên âm theo âm Hán Việt) lại thêm cả Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha…; ngoài ra, khi thì dùng văn xuôi, khi thì dùng văn vần (thường là thể thơ lục bát), khi thì trích cả một câu trong ca khúc Mùa Thu Chết của Phạm Duy, khi là một vài bài thơ của Byron, Gerard de Nerval, Appollinaire, Goethe, Heinrich Heine, Emily Bronte, Beaudelaire, Virgil… Bùi Giáng cũng dùng cách “nói lái” và cũng “chơi chữ” trong khi biên dịch. Dịch phẩm này đã được nhà xuất bản Võ Tánh in lần đầu năm 1969 tại Saigon và nay được sửa chữa và tái bản do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 2002 tại Tp. HCM.
    Ngoài ra, bộ môn túc cầu cũng luôn luôn đứng vào hạng khá trên thế giới: cứ mỗi kỳ World Cup thì Ireland vẫn lọt vào trong nhóm 32 đội thi đấu vòng loại.
    Ireland chủ trương thuần khiết dân tộc, tức là không chấp nhận người ngoại quốc nhập tịch, do vậy, gần như không có Thuyền nhân Việt Nam tại nước này. Những du học sinh hay những người ngoại quốc làm việc tại xứ sở này, nếu sinh con cái ngay tại nơi đây thì con cái họ cũng không được phép mang quốc tịch Ireland. Trái với luật của Mỹ: bất kỳ nữ du khách ngoại quốc đẻ con ngay trên phi cơ hay tàu thủy trực chỉ vào Mỹ thì lập tức bé sơ sinh đó mang quốc tịch Hoa Kỳ. Chính vì thế mà đất nước này chỉ toàn người Ireland nên họ dễ hòa đồng và thông cảm với nhau, do vậy, đất nước của họ mới xinh đẹp, sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường, dân chúng hiền hòa và hiếu khách, không trộm cướp… song mức sinh hoạt khá cao và đắt đỏ đối với du khách Việt Nam.

  2. Trung Cộng
    Người Tàu (vua chúa và tướng quân) khi xưa vốn ngu muội và hiếu sát, dù Khổng giáo (với Khổng Tử và Mạnh Tử) ra sức xiển dương “tam cương ngũ thường” cũng như “nhân, nghĩa, lễ, trí và tín,” song dân chúng cũng không giảm tính man di; đặc biệt là giới tướng lãnh vì họ chủ trương “tận trung báo quốc” nên sẵn sàng giết kẻ trái ý. Lịch sử đã cho thấy Bàng Quyên, Ngô Khởi, Bạch Khởi… đã tàn sát hàng triệu địch quân trong thời Đông Chu Liệt Quốc. Những bậc thức giả có tinh thần nhân văn, nhân bản cũng như có đức hiếu sinh… như Khổng Tử, Mạnh Tử (chủ trương nhập thế), Mặc Địch (chủ trương thuyết Kiêm Ái)… chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay; do vậy, tàn ác và ngu muội luôn luôn trấn ngự tính thiện lương và tri thức. Phải chăng vì thế mới xuất hiện Lão Tử và Trang Tử muốn dùng học thuyết Vô Vi (chủ trương xuất thế) để giúp mọi người dễ xa lánh cõi đời. Lịch sử đã chứng minh rằng người Tàu rất hiếu sát (thí dụ như Bạch Khởi sát hại gần 400.000 tù binh thời Chiến Quốc để đề phòng hậu hoạn). Trong cuốn “Phong Nhũ Phì Đồn” (Báu Vật Của Đời), tác giả Mặc Ngôn (giải thưởng Nobel văn học năm 2012) đã thuật rằng trong cuộc chiến Quốc Cộng thì đầu tiên phe Tưởng Giới Thạch cầm tù được 1 sư đoàn Hồng quân, nhưng chỉ giết vài chục sĩ quan chỉ huy và tha mạng tất cả lính tráng; song vài ba năm sau, phe Hồng quân thắng thế và bắt được 1 sư đoàn địch quân, nhưng lần này cả sư đoàn tù binh đều bị bắn bỏ hết. Người ta đã ước tính rằng trong thuở sinh thời Mao Ze Dong đã sát hại 60 triệu người Tàu: trả thù phe Tưởng Giới Thạch bị thua trận, cuộc chiến chống Phát Xít Nhật, Vạn Lý Trường Chinh, cải cách ruộng đất, Công xã Nhân dân, Bước Nhảy Vọt, Cách mạng Văn hóa, Đấu tố, Trăm nhà lên tiếng (Bách gia tề minh), Hồng Vệ Binh… Trong đó đáng kể nhất là vụ sát hại hai “công thần.” Thủ tướng Chu Ân Lai (khi bị nghi là chống đối Giang Thanh), đã bị giam lỏng, dù đang bị bệnh lao nặng song vẫn không được điều trị đến nỗi phải chết vì bệnh. Tướng Lâm Bưu (khi bị nghi phản Đảng) cũng được Mao Chủ tịch mời tới hội họp, khi tan cuộc họp thì cả hai vợ chồng leo lên xe ngồi và chiếc xe bị nổ tung cao lên hàng chục thước khiến hai vợ chồng và tài xế chết banh xác.
    Năm 1999 Tổng Bí Thư Đảng CS Giang Trạch Dân và bè lũ đã ra lệnh cho quân đội dùng chiến xa cán chết hàng ngàn người biểu tình vì hàng trăm ngàn sinh viên và học viên Pháp Luân Công đòi Đa đảng tự do. Sau đó những học viên Pháp Luân Công trên Hoa lục và toàn cầu đã đi thu gom chữ ký để kiện Giang Trạch Dân và bè lũ về tội sát hại những người theo Pháp Luân Công trước Tòa Án Quốc Tế La Haye. Trong tháng 1 năm 2004, tại 12 quốc gia đã có 16 vụ án tố cáo Giang Trạch Dân và bè lũ liên hệ đến sự đàn áp vì những cáo buộc tra tấn, tội ác đối với nhân loại và sát hại chủng tộc. Theo Wikipedia, “Ngày 18/11/2009 Tòa Án Tây Ban Nha đã truy tố 5 quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung quốc vì vai trò của họ trong tội ác tra tấn và diệt chủng chống lại các học viên Pháp Luân Công….” Các bị cáo là: Giang Trạch Dân, La Cán, Bạc Hy Lai, Giả Khánh Lâm và Ngô Quan Chính phải đối mặt với sự dẫn độ nếu họ đi tới một đất nước có hiệp ước dẫn độ với Tây Ban Nha, và còn bị 20 năm tù giam vì tội cố sát.
    P. Kim Long
    E-mail: pklong9@gmail.com
    Saigon, 2015

HỌC VẤN SUY ĐỒI

HỌC VẤN SUY ĐỒI
P. Kim Long

Xưa kia Chính trị gia kiêm Tư tưởng gia Quản Di Ngô thời Đông Chu Liệt Quốc đã đề xuất chính sách giáo hóa dân chúng bằng câu: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, chung thân chi kế mạc như thụ nhân.” (Kế sách 1 năm không gì tốt hơn là trồng lúa, kế sách 10 năm không gì hay hơn là trồng cây, kế sách trọn đời không gì bằng đào tạo nhân tài.) Đó là đường lối của bậc chính nhân quân tử khi làm chính trị muốn cho dân giàu nước mạnh bằng cách đặt trọng tâm trong việc giáo dục đào tạo nhân tài, chứ không phải bằng thủ đoạn mưu mô xảo quyệt như Machiavel bên Ý ngày xưa. Ý tưởng của Quản Tử cũng tương tự với câu nói của Triết gia Plato ngày xưa như sau: “By education I mean that training in excellence from youth upward which makes a man passionately desire to be a perfect citzen, and teaches him to rule, and to obey, with justice. This is the only education which deserves the name.” (Tôi muốn nói rằng giáo dục tối ưu là đào tạo một người từ khi còn ở tuổi thanh niên để làm sao hắn luôn mong ước trở thành một công dân hoàn hảo, và dạy hắn biết cách chỉ huy và tuân lệnh đúng cách.) Ngoài ra, Hiền triết Aristotle cũng nhấn mạnh thêm tới việc giáo dục tâm hồn như sau: “Educating the mind without educating the heart is no education at all.” (Giáo dục trí tuệ mà không chịu giáo dục tâm hồn thì không phải là giáo dục.) Nhà Hiền triết Diogenes cũng đã từng nói như sau: “The foundation of every state is the education of its youth.” (Sự hình thành một đất nước chính là giáo dục thanh thiếu niên.)
Tư tưởng của cổ nhân Đông và Tây luôn tương đồng trong việc giáo dục và đào tạo nhân tài. Ngay cả Đại văn hào Victor Hugo cũng nhấn mạnh tới chuyện dạy giỗ thanh thiếu niên: “He who opens a school door, closes a prison.” (Ai biết cách mở cửa trường học, thì ngươi đó có thể đóng cửa được nhà tù.) Đồng thời nhà giáo dục lừng danh của Mỹ là John Dewy cũng đã chủ trương như sau: “Education is not a preparation for life; education is life itself.” (Giáo dục không phải là sửa soạn cho cuộc sống, song giáo dục chính là cuộc sống vậy.)
Cựu Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan luôn chủ trương như sau: “Education is a human right with immense power to transform. On its foundation rest the cornerstones of freedom, democracy and sustainable human development.” (Giáo dục là một loại nhân quyền với quyền lực vô biên để biến cải. Trên nền móng đó đã có những nền tảng của tự do, dân chủ và sự phát triển nhân tính bền vững.) Cố Tổng Thống Nelson Mandela bên Nam Phi cũng nhấn mạnh tới sự giáo dục: “Education is the most powerful weapon which you can use to change the world.” (Giáo dục là vũ khí quyền uy nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới.)
Tóm lại, giáo dục là vấn đề tối quan trọng vì nhờ đó mà quốc gia có thể trường tồn vững mạnh; ở trong thì dân chúng an vui, no ấm vì được học hành tử tế và làm việc đúng khả năng nên không trộm cướp, hoặc làm nghề bất lương… mà ở ngoài thì những quốc gia láng giềng không dám xâm phạm lãnh thổ cũng như giữ được mối giao hảo với những quốc gia gần xa tạo điều kiện giao thương thuận tiện khiến dân giàu nước mạnh. Song nếu giáo dục kém hoặc không biết cách giáo dục thì dân chúng trở nên bạc nhược, thất nghiệp nhiều, nhiều tệ nạn xã hội… dẫn đến tình trạng tụt hậu về kinh tế, chính trị và văn hóa. Người ta có thể căn cứ vào những bài luận, tập làm văn, tiểu luận, phát biểu … của học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà làm văn hóa… để đánh giá nền giáo dục đó. Tôi xin tạm nêu ra một số dẫn chứng dựa trên Báo & Đài mà mọi người đều đã đọc và nghe qua. Tôi xin lấy ra mấy bài báo đề cập tới học sinh trung học, giáo chức, nhà làm văn hóa… đã tốt nghiệp đại học.
1. Học sinh
1.1. Sai những lỗi sơ đẳng
Học sinh trung học thời nay thường mắc những lỗi sơ đẳng trong cách hành văn: câu không gãy gọn, không xuống dòng (ở những đoạn khác ý, hoặc cả bài dài vài trang), không dùng dấu ngắt câu (phẩy, chấm phẩy, chấm), thích viết xuống dòng (xuống dòng một cách tùy tiện dù hai câu có cùng ý tưởng), không viết hoa (chữ đầu dòng, đầu câu, những địa danh và nhân danh, thí dụ: tây ban nha, bắc kinh, nguyễn du, lão tử), sai chính tả của những từ rất thông thường (lo nắng, no nắng thay vì lo lắng, cơm lước thay vì cơm nước, đoạn quối câu chuyện thay vì đoạn cuối câu chuyện, cuốc gia thay vì quốc gia, cái quốc thay vì cái cuốc, mùa suân thay vì mùa xuân), dùng sai chữ (thí dụ: “Thân thể ông lái đò rất tráng lệ” thay vì phải viết “Thân thể ông lái đò rất cường tráng.” – “Ý chí của người dân đang ở mức tuột đỉnh” thay vì phải viết là “Ý chí của người dân đang ở mức tột đỉnh.” – “Những cuộc giao hữu của quân ta và quân địch” thay vì phải viết “Những cuộc giao chiến của quân ta và quân địch.” – “Đoạn thơ trên thể hiện tâm chạng vui xướng, hí hửng của tác giả” thay vì phải viết “Đoạn thơ trên thể hiện tâm trạng vui sướng, hớn hở của tác giả.”
1.2. Ý tưởng ngô nghê
Dưới đây là vài đoạn trích trong bài Đọc Văn Muốn Khóc của Hoàng Trực Ngôn đăng trong Đặc San Công An, thứ Bảy 16.10.2004.
1.Bài làm của em học sinh lớp 11, trường PTTH Cái Bè, khi nói lên cảm nghĩ về Nguyễn Du với tác phẩm Kiều:
… “Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù, tiền bối đã sớm ra đi một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công “Vương Thúy Liều” hay còn gọi là “Đoạn trường thất thanh.” Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm thất điên bát đảo cả giới hậu bối chúng ta…”

2.Bài làm của em N.A.T. lớp 10, trường PTTH Hà Đông, nói lý do thích tác phẩm mình đã đọc:
“… Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao dân ca rất giàu tình nghĩa… Trong các tác phẩm đó, em thích nhất là tác phẩm “Tắt đèn.” Vì nó đã thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó…”

  1. Thầy giáo
    Tri thức và học vấn của một số của Giáo chức lại còn tệ hại hơn nữa vì thiếu hiểu biết về những đề tài liên quan tới bộ môn giảng dạy.
    Nhà Giáo Ưu tú Hoàng Như Mai, đã viết nhiều sách giáo khoa (XHCN gọi là giáo trình) mà trong đó thường đả kích kịch liệt nền văn hóa/văn học Pháp (Thực dân Pháp tại Việt Nam trước năm 1945) và văn hóa Mỹ Ngụy nhằm ca tụng sự anh minh và tài ba của “Bác kính yêu.” Được thể xông lên, Ông đã không ngần ngại tuyên bố một câu “xanh dờn” khiến nhà trí thức khoa bảng Trần Ngọc Thêm đã phải dùng làm trích dẫn cho sách của mình (Văn Hóa Việt Nam: Đặc Trưng & Cách Tiếp Cận, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2003): “… Pháp thua trận Điện Biên Phủ năm 1954 như một sự hấp hối của nền văn minh Pháp Việt và như một sự sụp đổ của nền văn minh Pháp.” Câu nói này thật quá “khiếp đảm!” Chẳng có một trí thức nào mà lại nói như thế vì câu đó hoàn toàn sai về ý và ngữ nghĩa. Chắc Nhà Giáo này đã hiểu sai ngữ nghĩa của từ “văn minh” nên mới mạnh miệng nói như trên. Nhà Giáo ưu tú của XHCN Việt Nam đã hoàn toàn sai lầm khi đồng hóa “sự bại trận” (binh lược) với “nền văn minh” và đồng thời cũng hoàn toàn sai khi dùng nhóm từ “nền văn minh Pháp Việt” vì từ xưa tới nay “không hề hiện hữu một nền văn minh Pháp Việt (thời gian Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam)” mà chỉ có “chính sách Pháp Việt đề huề,” hoặc “chế độ Thực dân Pháp tại Việt Nam.” Đại khái, muốn nói cho đúng thì câu trên cần phải sửa lại như sau: “Sự kiện Pháp thua trận Điện Biên Phủ năm 1954 được coi như một sự chấm dứt chế độ Thực dân Pháp tại Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ.”
    Nội dung chương trình Ai Là Triệu Phú trên đài VTV3 do MC Lại Văn Sâm đảm trách ngày 9.1.2007 đã làm khán thính giả sững sờ vì trình độ học vấn của vài người dự cuộc đố vui. Giảng viên trường Đại Học Sư Phạm Thành Phố Thái Bình là Nguyễn Thị Tâm 27 tuổi đã trả lời rằng Cô chưa hề nghe nói tới Tự Lực Văn Đoàn, do vậy, Cô nghĩ có thể là tên một gánh Cải lương, rồi Cô lại khẳng định rằng Nhất Linh là một nghệ sĩ cải lương, còn các ông Hoàng Đạo, Thạch Lam và Khái Hưng thì Cô không rõ có phải là nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh hay không. Theo thông lệ, Chương trình Đố Vui cho phép Cô được dùng điện thoại cầu cứu bất kỳ ai mà Cô quen biết. Sau đó Cô nói rằng Đồng nghiệp này là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng có thể giúp Cô trả lời câu hỏi. Nhưng Đồng nghiệp này (dạy chung tại Đại học) cũng đáp sai tất cả những câu hỏi về Tự Lực Văn Ðoàn và lại nói rằng Hoàng Ðạo không phải là anh em với Nhất Linh và Thạch Lam.
    Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, đã từng là học sinh chuyên của trường Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Hà Nội, hiện là Giáo viên trường THCS Lomonoxop. Khi chấm bài “Canh gà Thọ Xương” đã phạm sai lầm đáng tiếc vì đã cho chữ “canh gà Thọ Xương” là một món ăn (chắc Cô tưởng đó là chicken broth mang thương hiệu Thọ Xương, hay nước cốt gà Brand’s bày bán trên thị trường). Có lẽ Giáo viên này không biết rằng từ Hán Việt “canh” vốn có vài ba nghĩa (canh = 1. Khoảng thời gian 2 tiếng vào lúc đêm khuya; 2. Thay đổi, sửa đổi; 3. Cày ruộng; 4. Một thứ nước hầm với rau hay thịt). Chữ “canh” trong câu thơ này có nghĩa là “Khoảng thời gian trong đêm khuya…” Văn chương bình dân có câu ca dao như sau: “Canh một dọn cửa dọn nhà, Canh hai dệt vải, canh ba đi nằm…” Do vậy, “canh gà Thọ Xương” chỉ có nghĩa là gà ở huyện Thọ Xương đã gáy báo hiệu đã sang canh năm (tức giờ Dần từ 3 tới 5 giờ sáng).

  2. Tác giả sách

Một số tác giả biên soạn sách, do học lực kém, không sáng dạ, không biết suy luận, không thông thạo ngoại ngữ, không chịu tham khảo tài liệu… nên đã đã dẫn đến tình trạng ngộ nhận trong sáng tác của mình. Đôi khi họ đã bắt chước hành vi “đạo văn” của tên “cẩu Hoàng đế” (tên do Học giả Hồ Hữu Tường gán cho Huáng Dì vốn là tên một vua Tàu được sử gia Tàu coi là tổ sư văn hóa của người Tàu).
Cố Linh mục kiêm Giáo sư Kim Định đã trước tác nhiều sách về văn hóa Việt Nho, đáng kể nhất là cuốn Việt Lý Tố Nguyên (nhà xuất bản An Tiêm ấn hành tháng 2 năm 1975, tại Saigon) trong đó nêu những đặc sắc văn hóa của người Việt cổ xưa vốn có một nền văn hóa và văn minh cao hơn của người Tàu. Nhưng tất cả những sách xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 đều bị Nhà Nước xếp vào “văn hóa phẩm của Mỹ Ngụy,” hoặc “văn hóa đồi trụy” nên đều bị hỏa thiêu trong năm 1976. Song còn một số sách nằm trong Thư Viện Quốc Gia (tọa lạc trên đường Lý Tự Trọng bây giờ) vì tất cả sách báo xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 đều phải nạp lưu chiểu cho Thư Viện Quốc Gia và Bộ Thông Tin rồi sau mới được phép bày bán trong những nhà sách trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Do vậy, giới độc giả trẻ trong nước hiện nay gần như không biết rằng xưa kia ở miền Nam đã từng có cuốn Việt Lý Tố Nguyên. Hiện nay chỉ có một số Cán bộ cao cấp trong ngành văn hóa mới được phép vào tham khảo những sách báo của chế độ cũ trong Thư viện nói trên. Nhưng sau năm 1995 hai Giáo sư lừng danh đã biên soạn hai tài liệu (có nội dung giống cuốn Việt Lý Tố Nguyên) để giảng dạy cho sinh viên của mình: Giáo sư Tiến sĩ Trần Quốc Vượng với cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam (dày 240 trang, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1977) và Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm với cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam (dày 382 trang, do Trường Đại Học Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1996). Cả hai cuốn trên đều được Báo & Đài cổ vũ nhiệt tình và đều được công nhận làm sách giáo khoa để giảng dạy cho sinh viên trên toàn quốc. Nhưng cả hai cuốn trên đã “thuổng” văn và ý từ cuốn Việt Lý Tố Nguyên của cố Linh mục Kim Định. Nhà văn Trần Mạnh Hảo đã “bật mí” hành vi đạo văn trong hai số báo Văn Nghệ (năm 1996 và 1998) và sau này trong cuốn Văn Học Phê Bình Nhận Diện (dày 490 trang, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 1999). Nhà Phê bình Trần Mạnh Hảo đã nói thẳng là hai Giáo sư trên đã chép toàn bộ ý tưởng của Linh mục Kim Định sau khi đã đổi lại lời văn và thêm bớt để xóa vết tích đạo văn! Ông Hảo đã quên không mách nước cách tìm nguyên tác để giúp độc giả tiện dịp so sánh! Tuy nhiên, hiện nay cuốn Việt Lý Tố Nguyên đã được xuất bản tại Mỹ và được bày bán trong vài ba nhà sách trên khu phố Bolsa ở Westminster, bang California. Ngoài ra, Quý Bạn cũng có thể tìm thấy toàn bộ những trước tác của cố Linh mục Kim Định cùng những bài tham luận, biên khảo của trường phái Việt Nho trên 2 websites: www.anviettoancau.net và www.anvietuk.org
Website An Việt Toàn Cầu do Ông Vũ Khánh Thành, vốn là môn sinh của cố Linh mục Kim Định, hiện làm Giám đốc Hội An Việt, đặt trụ sở tại số 12- 14 Englefield Road, London N1 4LS-UK.

Năm 2012 nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin đã phát hành cuốn “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại,” do ông Đỗ Minh Xuân biên soạn. Ông này tự xưng mình là Kỹ sư (?). Sau nhiều năm nghiên cứu Truyện Kiều, Ông đã san định lại Truyện Kiều bằng cách sửa chữa hoặc bỏ hẳn những từ ngữ Hán Việt mà thay bằng tiếng thuần Việt, hoặc bỏ hẳn những điển tích để dùng nhóm từ thuần Việt. Tác giả cho rằng những thay đổi này sẽ làm Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sáng hơn, dễ hiểu hơn và hay hơn nguyên tác. Ông đã sửa và thay thế hơn 1.000 chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng những chữ mà Ông cho là dễ hiểu hơn, thuần Việt hơn. Truyện Kiều có 3.524 câu thì Ðỗ Minh Xuân đã sửa hơn 1.000 câu thơ, do vậy, nhà “ngâm cứu” này đã “san định” 1/3 tác phẩm của Nguyễn Du.
Ở ngay đoạn đầu của Truyện Kiều, Tác giả Hai Lúa đã thay thế câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong” (vốn là câu tóm gọn ý chính của Truyện Kiều) bằng câu nghe rất ngô nghê là: “Mỗi người thứ có thứ không.” Sau đây là cách Cán Ngố “san định” Truyện Kiều:
Mỗi người thứ có, thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Hai câu thơ trên đã triệt tiêu luôn ý niệm tài mệnh tương đố, con Tạo đánh ghen với má hồng.. khiến Truyện Kiều của Nguyễn Du trở nên quá ngô nghê như em bé lớp Ba trường làng đang tập làm văn.
Xưa kia Học giả Phạm Quỳnh lừng lẫy một thời đã nói rằng “Truyện Kiều còn, thì tiếng nước ta còn; Truyện Kiều mất, thì tiếng nước ta mất.” Nếu sách của Đỗ Minh Xuân được phổ biến rộng rãi thì “Việt ngữ chắc sẽ trở về thời kỳ Đồ Đá (Stone Age)!” Xưa kia, khi san định Kinh Thi, Khổng Tử đã làm Kinh Thi được trường tồn vì Ngài đã loại bỏ những bài dở, tồi về ý và lời. Nhưng nay ở Trời Việt lại có “học rả ba trợn” cũng học đòi “san định!” Xưa kia, mỹ nhân Tây Thi khi nhăn mặt thì vẻ đẹp càng tăng thêm, song có người đàn bà nọ cũng học đòi nhăn mặt khiến hàng xóm phải chạy dài vì gương mặt giống quỷ dạ xoa!
4. Nhà làm từ điển Việt Nam
Soạn giả Vũ Chất đã biên soạn một cuốn từ điển “để đời.” Đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh.” Hiện nay cuốn từ điển này rất nổi đình đám vì toàn bộ những giải thích, cắt nghĩa đều hoàn toàn sai và ba trợn. Đôi khi những ngữ nghĩa lại có ý bóp méo, gán ghép, xuyên tạc, hoặc hài hước. Thí dụ:
Ai điếu (dt): Bài văn chia buồn với người đã chết. Anh chị (dt) (lóng): Đàn anh sừng sỏ trong bọn lưu manh. Anh em (tt): Những người cùng một thế hệ có quan hệ ruột thịt với nhau. Nhà có hai anh em. Ẩy (đgt): Xúi giục. Ẩy mèo bắt chuột. Bảnh mắt (đgt): Bảnh mắt thức dậy. Mới bảnh mắt ra đã đi chơi. Bắc thang (đgt): Xúi giục, giúp đỡ. Bắc thang cho con leo. Bắt rể (đgt): Đem rể về nuôi tại nhà mình. Bần đạo (dt): Kẻ đạo sĩ nghèo. Bậy bạ (tt): Quá sai lầm, xấu hổ. Bế mạc: hết dứt buổi hát. Bỡn (đgt): Đùa một cách không nghiêm chỉnh. Ca khúc (dt): Bài hát ngắn gọn, mạch lạc. Cảnh giác (đgt): Báo cho biết trước, thức tỉnh. Cào cấu (đgt): Cào và cấu. Cổ kính (tt): Rất cổ với vẻ y nghi. Tòa nhà cổ kín. Chết (đgt): Hết sống. Chị (dt) Người con gái cùng cha, cùng mẹ sinh ra trước mình. Chờm (đgt): Áp vào da thịt một vật gì cho bớt đau. Chờm nước nóng. Chườm: Áp vật nóng hoặc lạnh vào da để làm giảm đau hoặc giảm sốt. Chườm nước nóng”). Dằng co (đt): Lôi kéo dây dưa không dứt. Dờn (tt): Có màu xanh mét. Nước da xanh dờn. Đền (dt): Chỗ vua ở, chỗ thờ phụng lớn. Đền đài. Đồn trưởng : trưởng đồn. Ếch (dt): Loại nhái mình lớn, thịt ngon. Chụp ếch. Lâu đài: lầu và đền đài. Nắn bóp: nắn và bóp. Tiểu sản: Đẻ non. Tiết dục: Hạn chế sự sinh sản. Tù trưởng: Người đứng đầu trông coi tội nhân. Thơ ngây: ngây thơ…
Lối giải thích trên thực là độc nhất vô nhị, trước đó hàng ngàn năm và sau đó hàng ngàn năm cũng chưa ai làm như thế cả! Trước tác trên đã làm Từ điển gia Vũ Chất lưu xú ngàn thu! Mười ba năm sau khi từ điển trên được xuất bản thì sáng tác độc đáo của Vũ Chất mới bị phanh phui! Rồi sau đó một số nhà xuất bản Trẻ, Hồng Đức, Thanh Niên… lại chối không thừa nhận đã in ấn cuốn trên. Cuối cùng Nhà Nước đành thu hồi toàn bộ cuốn Từ điển nói trên mà cũng không biết Vũ Chất là ai và cũng không biết những nhà xuất bản trên có thực sự xuất bản cuốn từ điển trên hay không. Tóm lại, tuyệt chiêu “ăn vụng chùi mép” quá hay, nên cuối cùng huề cả làng!
5. Nhà văn
Tôi vốn rất dị ứng với giới văn sĩ nước ta vì một số học hành kém (ngoại trừ Nhất Linh và vài ba người khác), kiến thức nông cạn, nói sai sự thực, nâng bi… nên trong những truyện, tiểu thuyết của họ thường nhiều lỗi chính tả, câu văn không gẫy gọn, lủng củng, rườm rà… Điển hình như nhà văn Lê Văn Trương một thuở nào, Dương Hà, Bà Tùng Long, Bà Lan Phương… Tôi luôn ngưỡng mộ William Faulkner với kỹ thuật “inverse chronology” (đảo lộn niên lịch) và “interior monologue” (độc thoại nội tâm) và Virginia Wolf với kỹ thuật “stream of consciousness” (dòng tiềm thức), ngoài ra, họ còn khai thác ý niệm của S. Freud, S. Kierkegaard, M. Heidegger… làm say đắm người đọc. Và sau vào thập niên 60 và 70 ở Pháp lại có Lý thuyết gia về “tiểu thuyết mới” (Nouveau Roman) là Alain Robbe-Grillet với sự hợp tác của Nathalie Sarraute và Michel Butor… đã định hướng văn học theo một chiều khác. Tóm lại, văn học thế giới đã không ngừng tiến triển, nhưng giới văn sĩ Việt Nam lại gần như không thích dùng những kỹ thuật trên và cũng phớt lờ những trào lưu văn học và triết học mới! Thật đúng là ngố. Tôi thường đọc một số tiểu thuyết ngoại quốc (hoặc viết bằng Anh ngữ hay qua dịch thuật) thì nhận thấy văn giới của chúng ta tụt hậu cả vài chục năm so với giới viết lách Âu Mỹ. Điển hình như cuốn The Exorcist (Quỷ Ám) của William Peter Blatty viết cách đây 50 năm, đã đạt tới trình độ tuyệt kỹ vì truyện đan xen cách trị liệu bệnh tâm thần (song thực sự là chứng quỷ ám) bằng bùa chú kết hợp với Tây Y và Phân Tâm học (Psychiatry) và điều tra hình sự. Do tính cách đó mà cuốn truyện rất hấp dẫn. Hiện nay, tác giả Dan Brown rất ăn khách và nổi tiếng vì một loạt mấy cuốn truyện như: The Deception Point (Điểm Dối lừa) năm 2001, The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) năm 2003, The Lost Symbol (Biểu tượng Thất truyền) năm 2009 và Inferno (Hỏa ngục) năm 2014. Ngoài trừ cuốn The Deception Point (đề cập tới khoa học), còn ba cuốn kia đều nói tới nền hội họa của Ý đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật khi mà những họa phẩm được thể hiện trên trần hoặc tường của những nhà thờ ở Tòa Thánh Vatican hay ở Venise… lại giấu kín những khám phá khoa học đi trước thời đại mà những tác giả thiên tài sợ một khi bị phát hiện sẽ có hại cho nhân loại nếu chúng lọt vào tay kẻ xấu. Do vậy, những truyện trên vừa có tính khoa học giả tưởng, vừa có tính cách điều ra tội phạm và truy lùng kẻ sát nhân hàng loạt đồng thời lại vinh danh những nhà hiền triết và học giả của Hội Tam Điểm (Free Mason) đã cống hiến nhiều kỳ tích cho nhân loại. Giải thưởng Nobel văn học năm 2006 đã được trao cho nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ kiêm giáo sư thỉnh giảng là Orhan Pamuk: cuốn My Name Is Red (Tên tôi là Đỏ) được viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, rồi được Erdag M. Gokna dịch sang Anh ngữ. Cuốn này là tuyệt phẩm chứng tỏ tác giả rất tường tận hội họa trường phái Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh văn hóa Hồi giáo khoảng thế kỷ thứ 7 và 8. Đồng thời cuốn truyện lại là một tổng hợp của vụ án hình sự, điều tra án mạng, xã hội đen, giết người vì kỳ thị tôn giáo hay vì nghệ thuật vị nghệ thuật… lồng trong những cuộc tranh biện triết học và thảo luận về hội họa và điêu khắc. Ngoài ra, năm 2012 giải Nobel Văn học cũng được trao cho nhà văn Mạc Ngôn (Mò Yán) với cuốn Phong Nhũ Phì Đồn (bản dịch Việt ngữ là Báu Vật Của Đời) vì tác giả đã vạch trần chính sách độc tài và tàn bạo trên đất Hoa Lục dưới thời Mao Ze Dong làm chết hơn 60 triệu người: chiến tranh chống Phát Xít Nhật, tranh giành quyền lực với phe Tưởng Giới Thạch bằng cách giết chết hết tù binh để trừ hậu hoạn (dù trước đó phe địch đã từng thả tự do cho cả sư đoàn du kích của họ Mao), đấu tố, tàn sát vì ý thức hệ, trả thù, tù đày… Tác giả đã lấy câu “văn dĩ tái đạo” (mục đích của văn chương là truyền tải đạo lý) mà ở đây là sự thực trong cõi nhân sinh. Xưa kia, người cầm bút luôn tâm niệm “không thể bẻ cong ngòi bút,” tức là không khuất phục cường quyền vì “sĩ khả sát, bất khả nhục” (kẻ sĩ sẵn sàng chết để giữ gìn khí tiết chứ không chịu nhục) như Sử gia Tư Mã Thiên xưa kia thà bị “cung hình” (bị thiến và khắc chữ trên mặt) còn hơn là “nâng bi” và nói sai sự thực. Nếu tiện dịp, Quý Bạn nên tìm đọc: hình như mấy cuốn trên đã được dịch ra Việt ngữ rồi.
Ở Việt Nam thì lại không thế. Điển hình như Xuân Diệu, nhà thơ Tiền chiến, nổi danh về thơ mới vì bút pháp sinh động và sử dụng nhiều từ mang dấu ấn “Tây phương” trước năm 1945. Về phạm trù thi ca thì thi phẩm mang thương hiệu Xuân Diệu là “tuyệt cú mèo,” nhưng về phương diện khác, nhất là vấn đề văn hóa thì thật thậm tệ dở. Theo tạp chí Tiền Phong (số ra ngày 19.8.1946), sau chuyến viếng thăm Pháp năm 1946, Xuân Diệu đã phát biểu một câu “để đời” mà câu này được nhiều người trích dẫn nhất, song những người này đều nông nổi và thiển cận: “… Văn học Pháp đã hết cái thời của nó…” Câu phát biểu này thật “rùng rợn!” Thi sĩ này đã không hiểu ngữ nghĩa của từ “văn học” (literature) và “văn hóa” (culture) của bất kỳ một quốc gia nào. Chẳng có một nhà trí thức nào lại cả gan nói rằng “văn hóa và văn học của bất kỳ một quốc gia nào đã hết thời, hoặc đã chết khi mà quốc gia đó đang còn tồn tại.” Chúng ta chỉ có thể nói rằng chế độ hay thể chế đã suy tàn hay sụp đổ (thí dụ Đế chế La Mã ngày xưa, thể chế Đức Quốc Xã của Hitler, chế độ Xô Viết cũ…) mới có một nền văn hóa và văn học “hết thời của nó,” hoặc “theo nấm mồ văn hóa của nó.”

Ghi Chú

1. Quản Tử (725 BC – 645 BC)
Quản Trọng (管仲 = Guăn Zhòng) là một chính trị gia và tư tưởng gia của Trung Hoa thời Xuân Thu (685 BC). Ông còn có tên là Di Ngô, sau này được gọi tắt là Quản Tử. Bão Thúc Nha đã khuyên Tề Hoàn Công bỏ hận thù (xưa kia Quản Tử đã từng bắn suýt chết Tề Hoàn Công khi còn làm Thái tử) để để tin dùng Quản Trọng. Cuối cùng vua Tề phong Ông làm Tể tướng rồi sau là Trọng Phụ để giúp vua khiến nước Tề trở thành hùng cường nhất về thời bấy giờ đồng thời khiến Tề Hoàn Công trở thành bá chủ chư hầu vì Thiên tử nhà Chu chỉ là hư vị. Chính sách “bất chiến vi thắng” tức là tấn công và trừng phạt địch quốc bằng mưu trí, và dùng kinh tế để làm dân giàu nước mạnh. Ông đã hiện đại hóa nước Tề bằng nhiều cải cách: tập trung quyền lực, chia nước ra làm nhiều làng xã và mỗi làng xã lại có riêng một ngành nghề, đánh thuế trực tiếp vào những làng xã, tuyển chọn hiền tài, khuyến khích dân vùng biển khai thác muối và dân miền núi khai thác mỏ sắt. Kế sách “thụ nhân” được nhắc đến trong tác phẩm Quản Tử nằm trong bộ Bách Gia Chư Tử (Trăm lý thuyết gia) liệt kê “Cửu lưu” (9 học phái) gồm: Nho gia (Rú jiā = Confucians), Đạo gia (Dào jiā = Daoists), Âm Dương gia (Yīn yáng jiā = the Yin Yang), Danh gia (Míng jiā = Logicians), Pháp gia (Fă jiā = Legalists), Mặc gia (Mò jiā = Mohists), Tung Hoành gia (Zhòng Héng jiā = Political Strategists/Diplomats), Tạp gia (Zá jiā = Miscellaneous & Eclectics) và Nông gia (Nóng jiā = Agriculturalists)… Song bộ sách này quá dày (vài ngàn trang) và rất mắc tiền, nên chỉ vương tôn công tử mới đủ điều kiện sở hữu sách này. Do vậy, những lời của Quản Tử đã rải rác nằm trong những sách Hán Thư, Nghệ Văn Chí… song được rút gọn thành “Nhất niên chi kế, thụ cốc; thập niên chi kế, thụ mộc; bách niên chi kế thụ nhân.” (Kế sách 1 năm là trồng lúa, kế sách 10 năm là trồng cây; kế sách 100 năm là đào tạo nhân tài.) Lâu dần, câu trên trở thành sáo ngữ, rồi mọi người không còn biết ai là tác giả nữa.Tình trạng này cũng giống một số ca khúc thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được mọi người ưa chuộng nên ca hát tối ngày.. . đến nỗi nhiều khi chúng ta không còn biết tên ca khúc và tên nhạc sĩ nữa.

2. Machiavel (1469-1527)
Tên Ý của Ông là Nicolo Machiavelli, đã giữ nhiều chức vụ ngoại giao ở Ý, Pháp và Đức. Sau khi bị trục xuất khỏi chính trường, Ông đã viết nhiều sách về chính trị và lịch sử. Trong số đó nổi bật là cuốn Le Prince (Quân vương), Discours sur l’Art de Guerre (Diễn văn về nghệ thuật chiến tranh); ngoài ra, Ông còn sáng tác vài vở hài kịch (vốn là trào lưu thời bấy giờ, điển hình như Kịch tác gia Pháp là Molière) là: La Mandagore (1520) và La Cizia (1525). Vốn thừa hưởng tư tưởng chính trị triết học của trường phái Hy Lạp, Ông không thiết tha tới chính sách tốt đẹp mà lại chủ trương một trật tự mới (đạo đức, tự do…) khiến Nhà nước được toàn quyền định đoạt số phận mọi người. Ý tưởng của Ông đã khơi nguồn cho những chính trị gia độc tài bên trời Âu trong những thế kỷ 18 và 19 đã dùng đủ mọi cách để đạt được mục tiêu.

3. Plato (427- 348/347)
Người Anh Mỹ gọi là Plato, còn người Pháp gọi là Platon. Là Triết gia Hy Lạp, Ông đã từng là đệ tử của Hiền triết Socrate, đã đi nhiều nơi rồi cuối cùng về Athènes để mở trường học lập môn phái của mình. Ông đã trước tác nhiều tác phẩm bàn luận đủ mọi đề tài về triết, đạo đức, chính trị… Tác phẩm chính là: Le Banquet, Phédon, La République, Phèdre, Parménide…

4. Socrate (470 – 399 BC)
Là Hiền triết Hy Lạp, Ông đã không viết lách gì song nhờ ba đệ tử mà Ông được người đời biết đến: Aristophane chuyên nhạo báng thầy, Xénophon đề cao sư phụ như một nhà đạo đức đơn giản, còn Plato luôn trích dẫn những lời của sư phụ trong trước tác để đời Dialogues. Thuở đương thời, mọi người tôn thờ Ông như một vạn thế sư biểu. Không muốn thấy cảnh chiến tranh tàn sát dân lành, Ông đã phản đối cuộc chiến khiến nhà độc tài xứ Athènes đã bắt ép uống thuốc độc với tội danh bất kính với Thượng đế và làm sa đọa tinh thần thanh niên.

5. Aristotle (384 – 322 BC)
Ông là nhà Hiền triết Hy Lạp, đã từng là sư phó cho Đại đế Alexandre. Ông đã trước tác nhiều sách bao quát nhiều vấn đề về triết học, đạo đức, siêu hình, luận lý, chính trị, sinh vật…

6. Victor Hugo (1802 – 1885)
Tuy là con một tướng lãnh, Ông lại theo nghiệp văn chương. Ông đã viết nhiều thể loại như thơ, anh hùng ca, tiểu thuyết… Nổi tiếng là cuốn Les Misérables (Những kẻ khốn cùng), Notre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà)… Văn học Pháp xếp Ông là đại văn hào, khi chết Ông được làm lễ quốc tang.

7. John Dewy (1859 – 1952)
Ông là Triết gia kiêm Giáo dục gia người Mỹ. Ông đã viết nhiều sách về giáo dục và đã chủ trương một nền giáo dục thực tiễn.

8. Nelson Mandela (1819 – 2013)
Là chính trị gia và thủ lãnh phong trào ANC đòi tự do và độc lập cho người Nam Phi, Ông đã cầm đầu nhóm chiến binh da đen chống lại sự cai trị tàn bạo và kỳ thị chủng tộc do một thiểu số Da Trắng nắm quyền từ trăm năm qua trên đất Nam Phi. Bị bắt năm 1962, Ông đã ngồi tù hơn 30 năm trong chế độ Apartheid vô nhân tính lừng danh quốc tế. Cuối cùng, do LHQ can thiệp, chế độ phân biệt chủng tộc đã cáo chung và Ông đã được phóng thích năm 1990, rồi sau đó làm Tổng Thống Nam Phi.

9. Canh gà Thọ Xương
Nguyên văn bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê như sau:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Bài thơ trên mô tả cảnh Hà Nội thuở xưa lúc sớm mai mờ hơi sương: vang vọng tiếng chuông chùa Trấn Vũ ở Hồ Tây cùng với những tiếng gà gáy (báo sang canh năm) tại Thọ Xương (nay là Nhà Thờ và Nhà Chung ở Hà Nội) hòa cùng tiếng chày giã rộn ràng của làng An Thái vì cư dân làm nghề giấy gió gì đó. Những ý tứ trên rất rõ ràng và xác đáng vì rất hợp với ngữ cảnh (context) trong bài vì không thể nào Tác giả (vốn là danh gia vọng tộc rất uyên bác) lại để “tiếng chuông chùa Trấn Vũ” xen lẫn với món ăn “canh gà Thọ Xương.” Dù có một số ý kiến cho rằng “canh gà Thọ Xương” là một món ẩm thực rất khoái khẩu về thời đó. Đó là ý kiến của một số người căn cứ vào cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng với hai câu sau:
“Tương Bần, cà Láng, dưa La,
Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương.”

Tóm lại, chữ “canh” ở đây vốn là từ Hán Việt mà Quan thoại đọc là “gēng” có nghĩa là một khoảng thời gian 2 giờ Dương lịch vào đêm tối. Xưa kia, ta thường chia buổi tối thành 5 canh:
1.Canh một (Nhất canh = yī gēng) tức giờ Tuất từ 19:00 – 21:00; 2. Canh hai (Nhị canh = èr gēng) tức giờ Hợi từ 21:00 – 23:00; 3. Canh ba (Tam canh = sān gēng) tức giờ Tí từ 23:00 – 01:00 giờ sáng hôm sau; 4. Canh tư (Tứ canh = sì gēng) tức giờ Sửu từ 01:00 – 03:00; 5. Canh năm (Ngũ canh = wǔ gēng) tức giờ Dần từ 03:00 – 05:00.

10. Cẩu Hoàng đế đạo văn

Sau khi thắng Si Vưu (đại diện của giống Viêm Việt sống ở miền trung nước Tàu cách đây vài ngàn năm trước Công Nguyên), Hoàng Đế này đã tàn sát kẻ thua trận và nhận tất cả những công trình văn hóa của nòi Viêm Việt là do mình phát kiến. Đây là hành vi đạo văn quốc tế đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Học giả Hồ Hữu Tường đã nói trong cuốn truyện Hồn Bướm Mơ Hoa đã ra mắt độc giả quãng thập niên 40, song đã được nhà xuất bản Nam Cường ấn hành năm 1970 tại Saigon.
P. Kim Long
Email: pklong9@gmail.com
Saigon, 2014

HAY CHỮ LỎNG

HAY CHỮ LỎNG
P. Kim Long

Người mình có tật “dốt” lại dương dương tự đắc làm ra vẻ thông thái; điều này làm ta liên tưởng tới vở hài kịch Le Bourgeois Gentilhomme xưa kia của Kịch tác gia Molière bên Pháp mà Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch là Trưởng Giả Học Làm Sang. Tục ngữ lại có câu “thùng rỗng lại kêu to” cũng hàm ý như thế. Trong sách Luận Ngữ khi xưa có câu “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri; thị tri dã.” Đại ý câu này muốn nói là: biết thì hãy nói là biết; còn nếu không biết thì hãy nói là không biết; đó chính là biết vậy.
Sau đây là một vài trường hợp điển hình ở những người thông thái dởm.
1. Pháp ngữ
Thời Pháp thuộc, đa số người mình thường nói tiếng Tây bồi vì không được học hành tử tế: đó là sai ngữ pháp và phát âm không chuẩn mà người đời gọi là “giọng bồi,” thí dụ: “tút suỵt” (tout de suite = ngay tức khắc), Bà đầm (Madame = bà, quý bà), Me sừ (Monsieur = ông, quý ông), bà sơ (ma Soeur = bà Phước), cắt tó duy ê (quatorze Juillet = ngày 14 tháng 7 là ngày Quốc khánh của Pháp), mẹc xà lù (merde salaud = tiếng chửi như “đồ cứt” hay “con bà nó!”), mau phú tú (je m’enfous tout = tôi cóc cần); com măng xa va (comment ça va? = có khỏe không?), mắm sốt (même chose = cũng như nhau, cùng một giuộc)…
Nhưng một số lại bập bẹ tiếng Tây giả cầy bằng cách ghép những từ Pháp ngữ thành câu không theo mẹo luật ngữ pháp và không theo ngữ nghĩa của Pháp ngữ, song họ lại tưởng rằng người Pháp cũng sẽ hiểu ý định của họ. Đa số những người này là Me Tây (vợ lính hay viên chức người Pháp), quân nhân bản xứ (lính Khố Xanh, Khố Đỏ, bồi bếp…) Thí dụ:
Khi họ muốn nói là “học trò nhà nước đầu bò đầu bướu (cứng đầu, bướng bỉnh) thì họ liền ghép những chữ như: l’élève (học trò); maison (nhà, nhà ở), d’eau (về nước, chất lỏng); beaucoup (rất, nhiều); tête (đầu, thủ); boeuf (con bò). Do vậy, họ đã ghép những từ trên mà bỏ qua mọi quy tắc ngữ pháp: khỏi cần chủ từ (subject), không lưu ý tới động từ đã chia hợp với giống và số của chủ từ, túc từ… và cũng không để ý tới ngữ nghĩa của những từ đó. Sau đó họ phát âm thành tiếng bồi như sau: Lèo lèo me dông đô bố cu tết bớp (= L’élève maison d’eau beaucoup tête boeuf). Song chúng ta phải dịch như thế này mới xuôi tai (đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa):
“Les élèves publics sont très têtus” hoặc “Les élèves d’État sont très obstinés.”
2. Anh ngữ
Giữa thập niên 50 khi Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam thì rất nhiều người Việt (học sinh, sinh viên, công và tư chức) lại đổ xô đi học Anh ngữ; tuy nhiên rất nhiều người vì miếng cơm manh áo đã học vội vàng trong vài ba tháng rồi mua cuốn Từ điển Việt Anh của Lê Bá Kông & Lê Bá Khanh để rồi sau đó ghép những chữ lại mà tự hào có thể tiếp xúc và giao dịch với người Mỹ! Điển hình như sau:
Không sao đâu (hàm ý “không việc gì cả, không bị thương tích gì cả, không làm sao cả, không sao đâu, tôi vẫn bình thường…”) mà câu Anh ngữ tương đương phải là: No problem, Nothing’s the matter, There’s nothing the matter, There’s nothing wrong, hoặc I’m alright.
Song dân ít học lại tra từ điển Anh Việt như sau: Không (là NO), Sao (là STAR) và đâu (là WHERE); để rồi họ hứng chí ghép lại thành câu “No star where!”
Tôi xin tạm trích lược nội dung bài Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc chủ biên khi người đương cuộc tình cờ được dịp đọc một tờ thực đơn song ngữ (Việt & Anh) của một số Restaurants bên California và Nhà Hàng Phúc Hưng ở Quảng Trị.
2.1.Thịt bò lúc lắc
Một số Restaurants của Việt kiều bên Mỹ đã dịch chữ “Thịt bò lúc lắc” thành “Shaky beef.” Có lẽ họ đã tra từ điển Việt Anh thì không thấy chữ “lúc lắc” song họ lại nghĩ chắc chữ này có nghĩa là “lúc la lúc lắc, lắc lư ” như thể khi ta bắt tay mạnh làm rung bàn tay; do vậy họ đã thấy chữ “to shake, shook, shaken” trong nhóm từ “to shake hands” (bắt tay) và cạnh đó có chữ “shaky” nên họ dùng ngay chữ này để cuối cùng thành “shaky beef!”
Bùi Bảo Trúc nói rằng “thịt bò lúc lắc” vốn có hình dạng con xí ngầu, nên phải dịch là “diced beef” thì may ra mới đúng nghĩa.
2.2.Bánh ít trần
Một số chủ Restaurants vùng San Francisco đã ghi trên thực đơn món “bánh ít trần” bằng nhóm từ rất ấn tượng là “Nake savory rice balls.” Do vậy, thực khách Mỹ khi nhìn vào thực đơn này đã “tá hỏa tam tinh” vì tưởng rằng muốn thưởng thức món ngon này thì họ phải khỏa thân ngay trong nhà hàng! Song có lẽ Việt kiều này đã quên Việt ngữ vì hiểu chữ “trần” là “trần truồng” (nude, naked). Bùi Bảo Trúc bỏ qua không dịch, song tôi vẫn thắc mắc vì sao người ta lại gọi là “bánh ít/ếch trần.” Có lẽ, xưa kia người mình chưa phân biệt được âm “ch” và “tr” nên mới đọc sai như thế. Theo từ điển Việt ngữ thì “chần” là nhúng một món ăn vào nước sôi cho tái hay chín, còn “bánh ít/ếch” làm bằng bột gạo nếp có nhân là thịt hay đậu xanh, được gói bằng lá chuối (như bánh chưng, nhưng nhỏ hơn có hình giống như con ếch, song đa phần là hình nón) rồi luộc chín. Vì chữ “trần” được đọc sai từ chữ “chần” nghĩa là “luộc” (to boil), do vậy tôi tạm dịch như sau: Boiled glutinous rice cake (filled with meat and green bean paste).
Điển hình là một vài món ăn độc đáo mà thực khách Anh Mỹ khi đọc xong tờ Thực đơn này sẽ không còn dám ăn nữa! Sau đây là vài món ăn độc đáo trong tờ Thực đơn song ngữ của nhà hàng Phúc Quang nằm trên đường Hùng Vương nối dài ở Quảng Trị.

2.3.Dê hấp xả ớt
Được dịch là Interesting social goat vì “Hai Lúa” nghĩ chữ “hấp” là hấp dẫn (interesting), còn “xả” là “xã hội” (social) vì hắn vốn dốt không phân biệt được dấu hỏi dấu ngã trong Việt ngữ, còn “ớt” thì hắn lờ luôn đi! Song tôi tạm dịch như sau: Steamed goat meat with chilli and citronella vì chữ “hấp” có nghĩa là “làm chín thức ăn bằng hơi nóng, đun cách thủy” (to steam, to braise).

2.4.Dê tái chanh
Được dịch là Finances goat vì “Cán Ngố” đã lộn chữ “tái chanh” thành “tài chánh/chính.” Bùi Bảo Trúc cũng không dịch nhóm từ này, do vậy, tôi tạm dịch như sau: Undercooked /Underdone goat meat in lemon juice vì chữ “tái” có nghĩa là “dở sống dở chín” (half done, undercooked, underdone).

2.5.Ngọc dương tiềm thuốc bắc
Được dịch là Ngoc duong potential medicine vì Dịch giả “đỉnh cao trí tuệ” đã tưởng “tiềm” là “tiềm năng” nên mới phang chữ “potential” vào! Bùi Bảo Trúc cũng không dịch nhóm từ này, nhưng tôi nghĩ rằng “ngọc dương” hình như là “dái dê” (món ăn cường dương) được tiềm (hầm với) thuốc bắc; do đó tôi mới dịch như sau may ra sát nghĩa: Goat penis braised with Chinese drugs vì chữ “tiềm” có nghĩa là “hầm” (to braise = to cook slowly in fat and litte moisture in a closed pot).

2.6.Gà ác tiềm thuốc bắc
Được chuyên viên có “trình độ lớp ba trường làng” dịch như sau: Chicken evil potential bad medicine vì hắn dốt Việt ngữ nên mới cho rằng chữ “ác” là “ác độc!” Nhưng thực sự chữ “ác” ở đây có nghĩa là “đen” vì “gà ác” vốn thịt và da đều một màu đen tuyền mà Y học dân gian nghĩ rằng rất bổ dưỡng. Vậy nhóm từ này phải được dịch như sau may ra mới đúng nghĩa: “Black chicken braised with Chinese drugs.”

2.7.Cá lóc um măng
Được Dịch giả XHCN chuyển ngữ thành Personal Um Cement vì chuyên viên “đỉnh cao trí tuệ” này hiểu “cá” là cá nhân (personal), lại không dịch chữ “lóc” và để nguyên chữ “um,” còn chữ “măng” thì hắn tưởng là “xi măng” (cement).
Bùi Bảo Trúc cũng bỏ qua món ăn này, do vậy, tôi xin tạm dịch như sau: Simmering snake-head and bamboo shoot vì chữ “um” hay “om” là “hầm, đun nhỏ lửa” (to simmer), còn chữ “cá lóc” là “snake-head” và “măng” là “bamboo shoot.”

2.8.Dưa bao tử chấm muối
Nhà Hàng Phúc Quang tại Quảng Trị đã dịch như sau: Melon stomach dot salt vì Hai Lúa đã nghĩ như sau: “dưa” là “melon,” “bao tử” là “stomach,” còn “chấm” là “dot” (dấu chấm, tức period) và “muối” là “salt.”
Bùi Bảo Trúc cũng bỏ qua chữ này, song tôi xin tạm lược dịch như sau: Young melon dipped into salt. Tôi chưa được nhìn thấy và cũng chưa được thưởng thức món ăn này, nhưng cứ theo suy luận thì có lẽ không đúng vì món dưa bao tử chấm muối không phải là món khoái khẩu. Do vậy, tôi nghĩ rằng đó phải là món dưa bao tử muối cho chua (cũng như khi ta muối dưa, muối cà). Do vậy, tôi xin tạm dịch như sau: “Salted young melon” giống như món “dưa leo/chuột bao tử được ngâm dấm.”

2.9.Dồi trường chấm ruốc
Nhà Hàng Phúc Quang chuyển ngữ như sau: Institution dot ruoc vì “Học rả” này không hiểu “dồi” là gì nên bỏ qua, còn chữ “trường” thì lại hiểu là “trường học, cơ sở, học viện” nên đã phang chữ “institution,” còn “chấm” thì hắn không hiểu nghĩa của chữ này là “nhúng, chấm vào” (to dip = to plunge or immerse something momentarily or partially under the surface of a liquid) mà lại tưởng là “chấm câu, dấu chấm” (period, dot), còn chữ “ruốc” thì với trình độ lớp Ba trường làng thì hắn bỏ qua luôn.
Vậy, theo tôi nghĩ: “dồi” là thịt băm trộn gia vị được nhồi vào trong ruột non của heo hay bò, sau đó được sấy lên mà ta gọi là “lạp xường,” còn Tây phương hiểu là “sausage;” còn “ruốc” thì tôi nghĩ là “mắm ruốc” (như mắm ruốc Bà Giáo Thảo vào thập niên 60, nên được hiểu nghĩa là: shrimp paste). Do vậy, tôi tạm dịch là “Sausage dipped in shrimp paste.”

  1. Hán ngữ dịch sang Việt ngữ
    Thời thập niên từ 20 tới 40 thì đa số truyện, thi phú và sách vở Hán ngữ đã được dịch sang Việt ngữ (như Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc…) do một số ông Đồ (Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính…); đồng thời những học giả thông thạo Hán và Pháp ngữ (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh…) khi viết báo hay tham luận đều dùng những từ ngữ Hán Việt, tuy nghe rất “thông thái” song mọi người (ngay cả giới bình dân hay người ít học) cũng thông hiểu có lẽ vì từ ngữ Hán Việt đã nằm trong xương tủy và máu huyết của người Việt chúng ta. Chính vì thế, những văn sĩ (Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Hồ Hữu Tường, Thế Lữ…), thi sĩ (Nguyễn Nhược Pháp, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tương Phố, Mộng Tuyết, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…) cùng những kịch tác gia (Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan…) đều được mọi người thông hiểu dù trong tác phẩm của họ có nhiều từ ngữ Hán Việt.
    Tất cả những người Việt đều thích dùng những chữ/từ Hán Việt được phát âm theo giọng Việt ngữ, tuy khi đọc lên thì người Tàu không hiểu gì cả vì hình như giọng đọc Hán Việt của ta là cách phát âm tiếng Quảng của người Tàu khi xưa, hoặc giọng đọc của người Tàu về thời Nhà Đường xa xưa; có lẽ vì thế mà những Ông Trạng (như Mạc Đĩnh Chi) hay sứ thần (như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du) khi đi sứ sang Tàu khi xưa không phải học tiếng (cách phát âm) Tàu; nghĩa là chữ Nho/Hán khi được người Việt phát âm cũng sẽ nghe hơi giống với chính người Tàu phát âm. Đại khái cũng tương tự như bất kỳ chữ/từ Việt nào được người Bắc, Trung và Nam phát âm, tuy giọng đọc hơi trọ trẹ song người Việt ở cả ba miền đều hiểu được.

Vào khoảng năm 1930 học giả Nguyễn Văn Huyên, trong bài “Văn Minh Việt Nam” đã từng viết như sau: “Nếu tiếng Việt phải đợi đến thế kỷ 19 mới trở thành ngôn ngữ văn minh, đó chính là vì chữ Hán Việt đã là ngôn ngữ bác học và chính thức duy nhất trong gần 2000 năm.” Sau đó, Ông đã xác tín như sau: “… dù thế nào đi nữa, chữ Hán đã có ở Việt Nam vai trò nổi bật. Nó đã để lại những dấu vết không phai mờ trong tất cả các thể chế và các biểu hiện trí tuệ của Việt Nam.” (Trích trong Hồi Ức về Nguyễn Văn Huyên, của Nguyễn Kim Hạnh: trang 450 theo HoiUcNguyenVanHuyen.prc)
Nói chung, tất cả những từ ngữ Hán Việt mà trong Nam (trước năm 1975) sử dụng đều được Báo Đài và giới viết lách ngày nay đổi thành những từ ngữ khác nghe rất “lạ, ngô nghê” mà tôi có cảm tưởng rằng họ làm thế để tỏ rằng họ không hề thua kém chế độ cũ! Tôi xin liệt kê một vài chữ điển hình: sự cố (trục trặc, hư hỏng); tham quan (đi thăm, đi chơi); trúng tuyển Nghĩa vụ quân sự (đi Nghĩa vụ quân sự, đi quân dịch); tư liệu (tài liệu); xuất khẩu (xuất cảng = export); nhập khẩu (nhập cảng = import); cửa khẩu (cảng, hải cảng, phi cảng, giang cảng), khẩn trương (làm nhanh lên, lẹ lên); tranh thủ (cố làm xong)… Sau đây là một vài chữ điển hình.
– hàng không mẫu hạm = háng kong mǔ jiàn = aircraft carrier được Báo Đài gọi là “tàu sân bay.”
– trực thăng phi cơ = zhí shēng fei ji = helicopter, copter, chopper được Báo Đài gọi là “máy bay lên thẳng” nghĩa là máy bay này chỉ có thể bay lên thẳng theo một chiều thẳng đứng (vẫn ở một tọa độ song khác về độ cao thấp); nếu như thế thì chỉ người khùng mới mua báy bay này mà thôi!
– tiềm thủy đĩnh = qián shui ting = submarine được Báo Đài gọi là “tàu/tầu ngầm.” Trong khoa Ẩm thực có món “vịt tiềm” (mà dân ít học nói lộn là “vịt tìm”) tức là nhồi thịt băm trộn mộc nhĩ, hạt sen và gia vị… vào trong bụng con vịt rồi khâu lại và đem hầm lên. Đầu bếp đã biết nghĩa chữ “tiềm” tức là “ẩn/giấu bên trong, ẩn ở dưới” thì vì sao chúng lại không dùng chữ “tiềm thủy đĩnh” cho tiện mà lại dùng chữ “tàu ngầm”?

  1. Chữ nghĩa ngô nghê
    Chúng ta thường thấy trong báo chí và trên màn hình TV những câu văn quá ngô nghê, không giống cách nói của người Việt; điển hình như: lái xe (tài xế); giặc lái (phi công địch); người lái (phi công); làm việc (thẩm vấn: hai từ này thường xuất hiện trong Báo chí, thí dụ: Công An đã có buổi làm việc với tội phạm)…
    “Cứu với!” (tiếng kêu cứu của nạn nhân). Tôi chắc trong nguyên tác là chữ “Help!” hay “Help me!” trong những film được trình chiếu trên kênh HBO, Cine Max, Movie Star… mà một số chuyên viên dịch thuật Bắc 75 đã dịch là “Cứu với!” Ôi, thật kinh khủng! Người Việt chúng ta thường nói là “Cứu tôi với!” hoặc “Cứu tôi!” mà người Pháp gọi là “Au secours!”
    Câu “Tôi rất xin lỗi!” nghe cũng rất lạ tai vì từ “rất” là “adverb” (trạng từ) thường được dùng để nhấn mạnh cho tính từ (adjective), thí dụ như “rất đẹp, rất bắt mắt, rất đói…” Người Việt thường nói như sau: “Tôi thành thực/chân thành xin lỗi.”
    Câu “Con xin báo cáo với Ông Bà hay rằng vợ chồng con sắp cưới vợ cho con trai lớn…” Chữ “báo cáo” nghe thực quá ngô nghê vì chữ này thường được dùng trong những trường hợp trang trọng, thí dụ như thuộc cấp báo cáo với thượng cấp (Bộ Trưởng báo cáo cho Thủ Tướng hay Tổng Thống); còn ở đây phải dùng từ “báo, nói…” mới thực sự đúng văn phong người Việt.
    Khi viết văn hay dịch thuật thì người viết phải căn cứ vào ngữ cảnh để lời văn sao cho thích hợp, chứ không phải máy móc tuân theo những quy luật khắt khe của ngữ pháp và cách cấu tạo từ, nghĩa là chỗ nào đáng dùng “thuần Việt” (tiếng/chữ Nôm) và chỗ nào thì nên dùng từ Hán Việt. Những tiếng/chữ “thuần Việt/Nôm” thường nghe có vẻ tục tằn, thô lỗ, chối tai và rất quê mùa; trái lại, từ/chữ Hán Việt lại nghe có vẻ lịch sự, thanh tao và đầy đủ ý nghĩa tuy khá ngắn gọn. Bạn hãy so sánh vài câu dưới đây để thẩm định ý kiến của tôi.
    “Nó đánh rắm/địt giữa đám đông thật quá bất nhã” và “Nó trung tiện giữa đám đông thật quá bất nhã.”
    “Nó xin phép ra ngoài để đi ỉa!” và “Nó xin phép ra ngoài để đi đại tiện!”
    Bạn có thích nói “tôi đi đái,” hay “tôi đi vệ sinh,” hay “tôi đi tiểu tiện”?
    Sau đây là một vài chữ thuần Việt rất ngô nghê và vài chữ Hán Việt khá tao nhã:
    Xưởng đẻ (Bệnh viện phụ sản), đẻ đái (thai sản), bệnh đàn bà (bệnh phụ khoa), bệnh trẻ con (bệnh nhi khoa), bệnh lỗ đít (bệnh hậu môn), sưng l… (âm đạo viêm, viêm âm đạo), bệnh mồm miệng (bệnh khẩu xoang), lỗ đít (giang môn, hậu môn), du kích gái (nữ du kích), chiến sĩ gái (nữ chiến sĩ), cán bộ nữ (nữ cán bộ), người lái (tài xế), giặc lái (phi công địch)…
    Mấy thí dụ điển hình trên có thể một phần nào giúp Quý Bạn hiểu được ý nghĩa của từ “thuần Việt” và Hán Việt và đồng thời cũng có thể giúp Quý Bạn biết là khi nào thì nên dùng “thuần Việt” và khi nào phải dùng từ Hán Việt.
    Theo thiển ý, chúng ta nên dùng những từ Hán Việt trong những phạm trù văn học, kinh tế, khoa học, y khoa… Cũng như Anh và Pháp ngữ có những nhóm từ gốc La Tinh vì chỉ những từ này mới có thể ghép được với những “prefix, suffix…” thì Việt ngữ cũng có những nhóm từ gốc Hán Việt có thể đặt trước/sau với “tiếp đầu ngữ, tiếp vĩ ngữ” để thay đổi ý nghĩa của nhóm từ mới được thành lập. Chẳng hạn, chữ “tis” vốn là suffix (tiếp vĩ ngữ) ghép vào sau một từ gốc La Tinh để chỉ cơ quan/bộ phận cơ thể hàm ý bộ phận đó bị bệnh (viêm, sưng đau); mà chữ “tis” này vốn tương đương với chữ Hán Việt là “yán (viêm)” để chỉ chứng viêm, sưng, đau… được ghép vào sau một hay hai chữ Hán Việt (để chỉ cơ quan, bộ phận trong người) bị nhiễm bệnh; thí dụ: gastritis (weì yán = vị viêm, viêm dạ dày, viêm bao tử), dermatitis (pí fū yán = bì phu viêm, viêm da)… Chữ “anti” vốn là tiếp đầu ngữ (prefix) được đặt trước một từ để hàm ý “chống đối, phản kháng” tương đương với Hán ngữ là “kháng” (kàng); thí dụ: antibiotic (kháng sinh = kàng shēng), anti-inflammation (kháng viêm = kàng yán)…

Trong Anh ngữ thì chữ Anglo-Saxon (cũng tương đương với chữ thuần Việt/Nôm) nên không thể ghép với những loại prefix hay suffix có gốc Latin; nghĩa là prefix/suffix của Latin phải được ghép với Anh ngữ gốc Latin; y như thế với Việt ngữ: Hán Việt phải ghép với Hán Việt.
Thí dụ: “dạ dày, bao tử” là tiếng Nôm (thuần Việt) tương đương với chữ “stomach” (Anglo-Saxon); do vậy, khi muốn nói bệnh “bao tử, dạ dày = stomach” sưng đau thì ta phải tìm chữ Latin là “gastric” để ghép với “tis,” còn với Việt ngữ thì ta phải dùng chữ “vị” (Hán Việt để chỉ dạ dày) rồi ghép với từ “viêm.” Cuối cùng, thuật ngữ Y khoa trong Anh ngữ là: “gastritis,” còn trong Hán ngữ là: “weì yán” và Việt ngữ là “vị viêm,” còn người bình dân gọi là: viêm dạ dày, viêm bao tử… Tương tự với những chứng bệnh sau: enteritis = trường viêm = cháng yán = ruột viêm, viêm ruột; arthritis = quan tiết viêm = guān jié yán = viêm khớp xương, viêm khớp; vaginitis = viêm âm đạo, âm đạo viêm = yīn dào yán (bần cố nông gọi là “sưng l…”); orchitis = cao hoàn viêm = gāo wán yán = viêm tinh hoàn (người ít học gọi là “sưng hòn dái”)…
Nói chung, từ Hán Việt rất đắc địa vì vừa ngắn, gọn, đầy đủ ý nghĩa và nhất là không thô lỗ tục tằn… Điển hình như mấy chữ sau đây:
– “kê gian” (jī jiān) = “giang giao” (gāng jiāo) đều có nghĩa là “đồng tính luyến ái nam,” hay “làm tình qua đường hậu môn” mà người Anh Mỹ gọi một cách bình dân là “anal intercourse,” song giới trí thức hay thuật ngữ Y khoa gọi là “sodomy.”
– “thú gian” (shòu jiān) hay “thú dâm” (shòu yín) có nghĩa là “làm tình với thú vật (như gà qué, chó, ngựa…)” mà giới trí thức Anh Mỹ và thuật ngữ Y khoa gọi là “bestiality.”
– “quỷ giao” (guĭ jiāo) tức là “giao hoan với ma quỷ” mà tuần báo Người Lao Động Chủ Nhật gọi là “tình ma sex quỷ” và giới bình dân Anh Mỹ gọi là “intercourse with ghosts and spirits,” song giới trí thức gọi bằng thuật ngữ “spectrophilia.” Chữ “quỷ giao” vốn là chữ trong tình thư Tố Nữ Kinh được nữ tác giả Tố Nữ (người Viêm Việt) trước tác cách đây vài ngàn năm trước Công nguyên.
– “thủ dâm” (shŏu yĭn) là từ ngữ mà chúng ta thường dùng từ thập niên 20 và người Anh Mỹ gọi là “masturbation, onanism,” song báo chí và bọn viết lách ngày nay lại gọi là “tự sướng, tự xử!”

Báo Đài hiện nay hay dùng chữ “Nữ nhà báo” ám chỉ “người đàn bà làm nghề báo chí”; nhưng cách ghép chữ Hán/Nho (hay Hán Việt) với thuần Việt (Nôm) là điều thất sách và rất ngô nghê. Chúng ta chỉ được ghép chữ Hán/Nho với Hán/Nho, thí dụ: nữ phóng viên, nữ ký giả. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể nào đổi khác được: chỉ có thể là “nữ ký giả, nữ phóng viên,” chứ không thể viết là “ký giả nữ, ký giả đàn bà, ký giả phụ nữ, phóng viên nữ, phóng viên đàn bà, phóng viên phụ nữ.” Lý do là chữ “nữ” này vốn là loại tiền tố từ/tiền trí từ/tiếp đầu ngữ (prefix) biểu thị “nữ giới” luôn đứng trước chữ Hán Việt chỉ về người đàn bà làm một nghề nào đó, thí dụ: nữ bác sĩ, nữ y tá, nữ giáo sư, nữ giáo viên, nữ gia sư, nữ thi sĩ, nữ văn sĩ, nữ nhạc sĩ, nữ nhạc công, nữ diễn viên, nữ kịch sĩ, nữ nghệ sĩ, nữ họa sĩ, nữ thí sinh, nữ sinh viên, nữ thương gia, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ chuyên viên, nữ chính trị gia, nữ phi công, nữ phi hành gia …
Người Bắc 75 rất kết chữ “tranh thủ.” Thói xấu này cũng đã tiêm nhiễm cho dân miền Nam sau năm 1975. Bất cứ lời nói gì thì người ta cũng cứ “nhét” chữ “tranh thủ” vào trong câu nói của mình mà nhiều khi không cần thiết phải dùng tới chữ “tranh thủ.”
Họ thường hay nói như sau: “Tôi tranh thủ tắm xong rồi mới đi ăn cơm.” Người này muốn nói là cố sức tắm rửa xong rồi mới đi ăn cơm; song theo thói quen lại dùng chữ “tranh thủ.” Trong trường hợp này thì ta có thể bỏ chữ “tranh thủ” mà ý của câu vẫn không mất hết ý nghĩa.
Từ điển điện tử Hán Anh Pleco (Pleco for iPhone, v. 2.2.6, tức Pleco Basic Chinese-English Dictionary) giải thích chữ “tranh thủ” (zhēng qǔ) là “to contend, to strive for, to vie for, to make use of…” mà chúng ta hiểu là “cố, cố sức làm, tận dụng.”
Thí dụ: tranh thủ dân tộc giải phóng (zhēng qǔ mín zú jiě fàng) = to strive for national liberation = cố sức giải phóng dân tộc; tranh thủ quần chúng (zhēng qǔ qún zhòng) = to win over the masses = cố sức lấy lòng nhân dân; tranh thủ thời gian (zhēng qǔ shí jiān) = to race/to work against time = tận dụng thời gian; tranh thủ nhân tâm (zhēng qǔ rén xīn) = cố sức lấy lòng dân…
Tóm lại, chữ “tranh thủ tắm xong” là hoàn toàn sai nghĩa, mà ta phải dùng là “cố tắm xong.”
Mới đây Báo Đài và giới truyền thông nhất loạt dùng chữ “hạ đặt giàn khoan” một cách ngô nghê và chướng tai trong câu “Trung quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông gần quần đảo Trường Sa vốn nằm trong hải phận Việt Nam.”
Trong câu này hai chữ “hạ đặt” hoàn toàn sai và ngô nghê vì chữ “hạ” là chữ Nho/Hán còn chữ “đặt” là chữ Nôm/thuần Việt nên không thể ghép chung với nhau; do vậy, một là chỉ cần dùng chữ “đặt” hoặc chữ “thiết lập” là đủ nghĩa mà người Anh Mỹ gọi là “install/installation.”
Chữ Hán “hạ” (xià) có nghĩa là: dưới, bên dưới, xuống, rơi, ban phát, ra lệnh…; do đó, mới có từ ngữ: hạ cố (đoái nhìn kẻ dưới), hạ bút (đặt bút viết), hạ lệnh (ra lệnh), hạ chiếu thư (vua ra sắc lệnh), hạ chiến thư (gửi thư cho bên địch tỏ ý chiến tranh), hạ ngục (giam vào ngục)… Do vậy, chúng ta không thể dùng chữ “hạ đặt” được, nếu muốn dùng 2 chữ Hán để tỏ ra mình biết chữ nghĩa thì phải dùng từ ngữ “thiết lập.”
Theo quy luật ghép chữ (chữ kép, thí dụ danh từ/động từ kép) thì ta chỉ được phép ghép 2 từ Hán Việt với Hán Việt, hoặc 2 từ thuần Việt với thuần Việt; thí dụ: tranh thủ, tuân thủ, chính quy…; hoặc: đẹp đẽ, gắng sức, sửa sang, cù lần.

Cước Chú

  1. Trưởng giả học làm sang
    Đây là từ ngữ mà Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh xưa kia đã biên dịch vở hài kịch Le Bourgeois Gentilhomme của Kịch tác gia thiên tài Molière (tên thực là Jean-Baptiste Poquelin, sinh năm 1622 và mất năm 1673). Tác giả đã viết nhiều vở hài kịch, rồi tự dẫn đoàn kịch đi trình diễn khắp nước Pháp: L’École des Maris (Trường học của người chồng, viết năm 1661), L’École des Femmes (Trường của những người vợ, viết năm 1662), Le Médecin malgré lui (Bác sĩ bất đắc dĩ, viết năm 1666), L’Avare (Anh hà tiện,viết năm 1668), Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng giả học làm sang, viết năm 1670), Les Femmes Savantes (Đàn bà thông thái, viết năm 1672), Le Malade Imaginaire (Bệnh nhân ảo tưởng, viết năm 1673). Riêng vở hài kịch cuối cùng này thì Tác giả đã chết khi chưa kịp nhìn những kịch sĩ trình diễn trên sân khấu. Tất cả những tác phẩm của Ông đều đả kích những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Riêng trong vở kịch Le Bourgeois Gentilhomme cũng có chiều hướng trên bằng cách đưa ra nhân vật đặc thù là ông Jourdain vốn xuất thân từ chốn nghèo hèn, song nhờ gian manh trong thương trường nên đã trở nên giàu có. Chính vì thế Ông ta mới muốn “áo gấm về làng” để khoe khoang với đời bằng cách đua đòi tỏ vẻ mình thuộc giới quý tộc. Do vậy, Ông phải mướn thầy dạy nhạc, khiêu vũ, triết học và đủ thứ khác để có thể hành xử như bọn quý tộc. Vì bản chất vốn là con cháu của bọn bần cố nông nên dốt nát, ăn tục nói phét, dễ bị kẻ gian manh lợi dụng, song lại muốn ra vẻ ta đây… nên đã làm khán giả cười hả hê khi xem hài kịch trên…

  2. Dịch Anh ngữ sang Việt ngữ
    Trong Nam trước năm 1975 báo chí vẫn dùng những chữ “Thủy quân lục chiến, Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài…” được lần lượt dịch từ Anh ngữ: Marine, the White House và the Pentagone. Tôi nghĩ những chữ Hán Việt này có thể được những chuyên viên dịch thuật tra cứu trong từ điển Anh Hoa, Anh Hán gì đó.
    Từ điển International English-Chinese Dictionary (Quốc tế Anh Hán Đại Từ điển, do Hoa Văn Đồ Thư xuất bản năm 1964) của Trương Phương Kiệt (trang 1693) đã dịch chữ Marine (adj.) là: “hai jun lù zhàn duì de” (hải quân lục chiến đội đích); (n) là: “Méi guo hai jun lù zhàn shì bing”(Mỹ quốc hải quân lục chiến sĩ binh). Người Tàu hiểu “hải quân” là quân nhân chiến đấu trên biển/đại dương; nhưng với người Việt lại nghĩ là quân nhân tác chiến trên sông ngòi nên mới dùng chữ “thủy quân;” còn chữ “lục” (lù) là trên đất liền, trên cạn. Do vậy, tất cả sách báo trong Nam thời VNCH đều dùng chữ “Thủy quân lục chiến.” Nhưng Báo Đài ngày nay lại ưa dùng chữ “lính thủy đánh bộ!”
    Ngay cả cuốn Từ Điển Trung Việt (nguyên tác của Bắc Kinh được Nhà Xuất Bản KHXH tại Hà Nội ấn hành năm1993) cũng dịch lần lượt là: “thủy quân lục chiến” và “lính thủy đánh bộ.”
    Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary đã định nghĩa chữ “marine (n)” như sau: “A soldier trained to serve on land or sea, esp in the US Marine Corps or the British Royal Marines” (trang 717, nhà xuất bản Oxford University Press, 1995) mà tôi xin tạm dịch như sau: “Một quân nhân được huấn luyện để phục vụ ở trên đất liền hay trên biển, đặc biệt trong Quân chủng Thủy quân Lục Chiến Hoa Kỳ, hoặc Thủy Quân Lục Chiến Hoàng gia Anh.” Nhưng theo thiển ý, từ điển trên phải thay chữ “sea” bằng “water” (vì Từ điển trên giải thích chữ “water” theo nghĩa thứ 4 là: “the surface of a lake, river, sea etc – trang 1344; mà tôi xin tạm dịch là: “ở trên mặt hồ, sông, biển, v.v.”). Báo chí và giới Truyền Thông Mỹ vẫn loan tin rằng Chính phủ Mỹ gửi “marines” tới Afghanistan vốn là xứ không tiếp giáp với hải dương mà chỉ có hồ ao và sông ngòi. Do vậy, chữ “Thủy quân lục chiến” mà báo chí VNCH dùng trước năm 1975 rất chính xác.
    Một số Từ điển Anh Hoa đã dịch chữ The Pentagone là: “Ngũ Giác lầu” (Wu Jiao Dà Lóu), hoặc: “Ngũ Giác Đài” (Wu Jiao Tái) mà VNCH trước kia gọi là Ngũ Giác Đài song Báo Đài hiện nay gọi là: Lầu Năm Góc; chữ The White House là: “Bạch Cung” (Bái Gong) hay “Bạch Ốc” (Bái Wu) mà VNCH gọi là Tòa Bạch Ốc, song Báo Đài hiện nay gọi là Nhà Trắng. Computer, trước kia ở trong Nam gọi là “điện toán” song Từ điển Anh Hoa lại gọi là “điện não” còn bây giờ lại gọi là “máy tính, công nghệ thông tin, tin học…”

  3. Hỏa tiễn – Tên lửa – Đạo đạn
    Trước kia, báo chí VNCH gọi “rocket” là “hỏa tiễn” để chỉ một đạn pháo (dài lối vài m và chu vi lối 1 m) được phóng đi từ bệ phóng (hoặc khỏi cần bệ phóng), thí dụ như hỏa tiễn 122 ly; song ngoài Bắc gọi là “tên lửa.” Tóm lại, “tên lửa” hay “hỏa tiễn” tương đương với chữ “rocket, guided missile” trong Anh ngữ và chữ “dăo dàn” (đạo đạn) trong Hán ngữ, tức là vũ khí này có hệ thống điều khiển tự động.
    Sau đây là một vài thuật ngữ liên hệ: phi đạn (fēi dàn) = guided missile; hỏa tiễn không đối không (kōng dùi kōng dăo dàn = không đối không đạn đạo) = air-to-air guided missile = tên lửa không đối không; hỏa tiễn địa đối không (dì duì kōng dăo dàn = địa đối không đạo đạn) = surface-to-air missile, ground-to-air guided missile = tên lửa đất đối không; hỏa tiễn địa đối địa (dì duì dì dăo dàn = địa đối địa đạn đạo) = ground-to-ground guided missile, surface-to-surface missile = tên lửa đất đối đất… Theo thiển ý, chữ “tên lửa” làm ta liên tưởng tới cái tên gắn trên cây cung hay nỏ ngày xưa (trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, hay trong những phim ảnh của Hoa Cộng mô tả những trận chiến về thời Đông Chu Liệt Quốc hay Tam Quốc thì những trận hỏa công thường dùng nhất là những mũi tên buộc những giẻ tẩm dầu rồi gắn vào mũi tên, rồi được đặt vào cây cung/nỏ rồi bắn về phía địch quân: hàng vạn mũi tên lửa như vậy, một khi trúng đích thì doanh trại của địch quân bị thiêu hủy luôn. Do vậy, chữ “tên lửa” không gây một ấn tượng khủng khiếp và cũng không mang tính khoa học; trái lại, chữ “hỏa tiễn” lại đầy ấn tượng: khoa học và kinh hoàng. Nhưng nếu ta dùng chữ “đạo đạn” (dăo dàn) lại có vẻ “Ba Tàu” tuy nghĩa của chữ này khá đúng: đạn được hướng dẫn tới mục tiêu (guided missile).

  4. Chữ “tàu”

Chữ “tàu” làm ta nghĩ tới một chiếc thuyền lớn, chạy bằng sức người (vài trăm nô lệ bị cột chân vào thuyền để tránh bỏ trốn, bị đánh đập nếu ngưng tay chèo thuyền) mà Đế chế La Mã khi xưa dùng để vượt biển chở lính viễn chinh đi chinh phục thế giới; ngay cả quyền thần Trịnh Hòa đã tuân lệnh của triều đình Mãn Thanh chỉ huy vài chục chiến thuyền lớn (cũng chạy bằng sức người) vừa đi buôn vừa cướp phá những vùng biển Đông Nam Á về cuối thế kỷ 19. Do vậy, chữ “tàu” làm ta liên tưởng chiếc thuyền được vận hành bằng sức người (man-powered), sau này, người ta ghép chữ “tàu” với một chữ Nôm khác (hoặc danh từ, động từ) để chỉ một phương tiện vận chuyển, thí dụ: tàu bay, tàu thủy, tàu hỏa, tàu ngầm… Đồng thời chữ “Tàu” (viết hoa chữ T) được ám chỉ những bề tôi trung thành của Nhà Minh đã dùng thuyền vượt biển sang đất Việt để tỵ nạn vì không chịu phục tùng triều đình Mãn Thanh: Mạc Thiên Tích (Mạc Cửu), Dương Ngạn Địch dắt hàng ngàn bộ hạ cùng gia đình …đã ghé vào bờ biển miền Trung dưới thời Chúa Nguyễn… Do đó, đã xuất hiện chữ “người Tàu” để ám chỉ người Hoa sang Việt Nam bằng đường biển, còn người Hoa đi bằng đường bộ (qua ngả Lạng Sơn, Cao Bằng) thì được gọi bằng “chú Khách, chú Chệt, người Hoa, người Minh Hương…”

  1. Một số từ ngữ đậm nét Bắc phương
    Hiện nay báo chí và giới truyền thông hay dùng một số từ ngữ “nghe hơi lạ tai,” dù từ ngữ đó cũng là nhóm từ Hán Việt, song thuộc loại “cách tân” mà nhiều khi trong từ điển Hán ngữ của Đài Loan (thí dụ như cuốn Từ Vựng của Lục Sư Thành, nhà xuất bản Văn Hóa Đồ Thư, Trung Hoa Dân Quốc năm 57) cũng không đề cập đến.
    5.1. Tài liệu (cái liào)
    Xưa kia, chữ “tài liệu” được mọi người hiểu nghĩa là “văn kiện/văn bản… để dùng vào việc biên soạn sách vở, hay tham khảo, trích dẫn” tương đương với Anh ngữ là: “data, material, document.”
    Thí dụ: học tập tài liệu (xue xí cái liào) = tài liệu học tập (material for study); tài liệu khoa học (cái liào ké xué) = materials science; sưu tập tài liệu (sōu jí cái liào) = sưu tầm tài liệu (to gather material, to collect data); tham khảo tài liệu (cān kăo cái liào) = tài liệu tham khảo (reference material, source documents)…

5.2. Tư liệu (zī liào)
Nhưng ngày nay, Báo Đài lại hay dùng chữ “tư liệu” có nghĩa tương đương với chữ “tài liệu.” Song người Việt hải ngoại thường chê chữ “tư liệu” vì họ hiểu là “tài liệu riêng tư” mà cho rằng người viết đã dùng sai chữ. Song từ trước tới nay chưa có ai cải chính vì người chê trách và người dùng đều không thông thạo chữ Hán (Nho). Sự ngộ nhận là ở chữ “tư” (Pin Yin là “sī” có nghĩa là “riêng tư, cá nhân,” nên khi được ghép với chữ “liệu” (liào) làm người nghe tưởng là “tài liệu cá nhân, riêng tư” (personal/private document).
Từ điển Hán ngữ (Từ Vựng của Lục Sư Thành, nhà xuất bản Hoa Văn Đồ Thư, Đài Loan, trang 897) có vài chữ “tư” mà người Việt coi là đồng âm dị tự (theo cách phát âm của người Việt), nhưng người Hoa lại phát âm khác:
– Tư (sī): tài sản (như gia tư); cá nhân, riêng tư (như tư kiến, tư nhân, tư hữu, tư giao); không công bằng (như tư tâm, tư dục); bí mật, vụng trộm (như tư bôn, tư thông). Nhưng Từ điển Hoa Anh hay Hoa ngữ của Đài Loan không có chữ “tư liệu” (với ý nghĩa “tài liệu của cá nhân, tài liệu riêng”).
– Tư (zī): tiền, tiền của (như tư bản, tư bản gia, tư bản chủ nghĩa, tư sản giai cấp); thiên tính (như tư chất, thiên tư); thân phận (như tư cách)… và sau chót mới có nghĩa là “để tham khảo” tức dùng làm tài liệu. Vậy chữ “tư liệu” vốn gốc gác từ Hoa Cộng!
Ngay trong Từ điển điện tử Hán Anh Pleco (tức Pleco Basic Chinese-English Dictionary) cũng nhấn mạnh tới chữ “tư” (zī) với nghĩa là “tài, tiền tài, tiền bạc,” điển hình như: Tư Bản Luận (Zī Běn Lùn) = Das Kapital; Tư bản chủ nghĩa (Zī běn zhǔ yì) = Capitalism; tư bản gia (zī běn jiā) = capitalist; Tư bản đế quốc chủ nghĩa (Zī běn dì guó zhǔ yì) = Capitalist-Imperialism… Còn chữ “tư liệu” (zī liào) có nghĩa như “tài liệu” (material, document, reference) và cũng có nghĩa là “dữ liệu” (data); thí dụ: “tư liệu khố” = zī liào kù = database (cơ sở dữ liệu); “tư liệu truyền thâu” = zī liào chuán shū = data transmission (truyền dữ liệu)… Tuy nhiên chữ “tư liệu” (zī liào) có nghĩa là “tài liệu” (cái liào) lại đứng hàng sau cùng. Điều này càng chứng tỏ rằng chữ “tư liệu” vốn xuất phát từ Hoa lục.
5.3. Hạ quyết tâm
“Hạ” (xià) có nghĩa là “đi đến, đưa ra…” khi được ghép với chữ “quyết tâm, kết luận, định nghĩa…” để nhấn mạnh hành động đó. Thí dụ: hạ quyết tâm (xià jué xīn) là quyết tâm, quyết định làm; hạ kết luận (xià jié lùn) là kết luận… Đây cũng là lối nói của Hoa lục mà trong từ điển Hoa ngữ của Đài Loan không hề đề cập đến.
P. Kim Long
Saigon 2014
Email: pklong9@gmail.com

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA
Tác giả: P. Kim Long

Người ta thường nói: “Cờ ngoài, bài trong,” tức là trong cuộc chơi cờ thì người đứng xem thường sáng suốt, còn trong bài bạc thì người đánh bạc mới thực sự hiểu rõ mình thua hay thắng; đồng thời người ta cũng nói: “Đương cuộc giả mê, ngoại cuộc giả tỉnh” tức là người trong cuộc thường mê muội không biết phán đoán sai đúng, còn người bên ngoài lại dễ nhận định được tình thế. Người cao cờ thường nghĩ được 5 hay 10 nước cờ sắp tới, còn người kém thì chỉ nghĩ được 1 hay 2 nước cờ. Chơi cờ cũng như những thủ đoạn chính trị và chính sách của bất kỳ một nhà lãnh đạo một đất nước: có vị nguyên thủ làm cho quốc gia hưng thịnh (thí dụ như Khổng Tử xưa kia đã làm Tể Tướng cho nước Lỗ trong vài năm đã khiến nước này hùng cường gần sánh ngang nước Tề và Tấn; Thủ Tướng Abbe chỉ sau 6 tháng điều hành nước Nhật đã có thể vực dậy được nền kinh tế suy thoái) và có những vị nguyên thủ lại đưa đất nước vào vòng lầm than (thí dụ như Chủ tịch Fidel Castro bên Cuba và gia đình Kim Nhật Thành xứ Triều Tiên đã cai trị đất nước trong vài chục năm qua mà dân chúng vẫn đói khổ, lạc hậu và mất tự do).
Khi xảy ra sự kiện Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crum (Crimea) vào Liên bang Nga thì những Phóng viên VN thường trú tại Nga như Duy Nghĩa, Nhật Linh… cũng như một số Bình luận viên Đài VTV và HTV đều tỏ vẻ hân hoan trước sự kiện trên mà cho rằng đó là “châu về Hợp Phố!” Điển hình như Ký giả Đặng Vương Hạnh trong Tienphong Online ngày 18.3.2014 cho rằng Nga đã áp dụng chính sách ‘gậy ông đập lưng ông’ bằng cách để cho dân Ukraine biểu tình liên miên đòi lật đổ chính quyền hợp hiến khiến chính quyền trở thành bất lực trước những phần tử thân Nga đòi sáp nhập một phần đất nước vào mẫu quốc Nga; dẫn đến hậu quả là Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga, ngoài ra một số thành phố Lugansk, Donetsk… (ở miền Đông sát với nước Nga) cũng muốn được sáp nhập vào Liên bang Nga! Tất cả những phương tiện truyền thông đại chúng tại VN đều tỏ vẻ hân hoan vì Mỹ và đồng minh Tây phương đã thất bại đứng nhìn những sự kiện phũ phàng trên.
Giới truyền thông VN giống như “ếch ngối đáy giếng”: một phần vì đầu óc thiển cận và một phần bị hạn chế về khả năng sinh ngữ (tức Anh ngữ) nên không thể tìm hiểu tin tức thế giới thông qua hãng truyền thông CNN (không phải kênh CNN mà là CNN Online trong những smartphone chạy hệ điều hành Android vốn hiển thị toàn những văn bản). Hồi tháng 4.2014, CNN đã nêu 4 điểm lý giải Tổng thống Putin sẽ mất Ukraine, rồi sau đó lại phát đi một văn bản đại ý rằng Tổng Thống Putin đã “thắng 1 (tức sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga) nhưng lại thua 3 (thứ nhất: dân Ukraine và những nước thuộc khối Liên Xô cũ rất sợ chính sách của Putin nên họ đang nghiêng về phía Tây phương; thứ hai: Liên Hiệp Âu Châu (EU) càng thu hút được nhiều quốc gia mới (vốn trước kia là chư hầu của Xô Viết cũ) ở phía Ðông và sẽ tạo thành một khối lớn có quyền lợi đối lập ngay bên cạnh Nga và thứ ba: Tổng thống Putin đã vô tình tạo cơ hội cho châu Âu và Mỹ xích lại gần nhau hơn)”; nhất là sau năm 2008, Nga đã tiến chiếm nước Georgia với ý đồ ngăn cản những nước Cộng Sản cũ đến gần khối EU và NATO. Nhưng bây giờ kết quả ngược lại vì dân Ukraine càng thù ghét Nga hơn bằng cách phá sập những tượng đài Lenine trong đất nước của họ vì nghĩ rằng Nga là quốc gia riêng biệt có văn hóa khác biệt, và chính phủ những nước khác trong khối Liên Xô cũ đều lo ngại nên đã ra sức tân trang hệ thống quốc phòng.
Nhưng sự kiện Crimea bị sáp nhập vào lãnh thổ Nga sẽ tất yếu trở thành một tiền đề nguy hại cho nước VN trong tương lai! Khi một lân quốc hùng mạnh về quân sự, phú cường về kinh tế và nhất là quốc gia đó lại có diện tích bao la và đông dân cư… thì chính phủ quốc gia đó thường tính chuyện di dân hợp pháp để tránh nạn nhân mãn bằng cách thi hành chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, xây dựng xưởng chế tạo… trong những lân quốc nhược tiểu. Hậu quả là ngoại kiều hiện diện rất nhiều trong lân quốc nhược tiểu, điển hình như số người Tàu ở bên châu Phi lên tới gần 1 triệu người, tại VN thì ở vùng Tây Nguyên cũng được Tàu Cộng di dân lên tới hàng trăm ngàn người (lấy cớ khai thác khoáng sản Bauxite) đã biến nơi đó thành vùng “tự trị” tức “ngoại bất nhập” (mà nhiều khi lực lượng Công An địa phương cũng không được phép bén mảng). Nhưng khi Chú Chệt tới miền Trung thì đều chở sang tất cả trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, nhu yếu phẩm và cả công nhân Tàu (giám đốc, kỹ sư, nhân viên hành chánh, thợ thuyền…); nói tóm lại, họ không cần bất cứ thứ gì (người, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và nhu yếu phẩm) của Việt Nam, ngoại trừ “đàn bà” để giải quyết nhu cầu sinh lý vì sau mấy chục năm dưới chế độ Mao Ze Dong thì Tàu Cộng đang bị nạn “trai thừa, gái thiếu,” tức là có tới vài chục triệu đàn ông Tàu bị ế vợ! Ngoài ra, bọn Tàu Phù cũng sẽ hiện diện tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay thì chúng ta chưa thật sự lo ngại, nhưng về lâu về dài, tức vài chục năm sau khi mà thế hệ thứ hai của Chú Chệt trên vùng Tây Nguyên càng sinh con đẻ cái nhiều thì sẽ lấy số đông biểu tình đòi ly khai khỏi VN để sáp nhập vào nước Tàu… thì lúc đó chỉ tội cho con cháu của chúng ta lại dính vào vòng binh đao! Ngoài ra, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng là đích nhắm của chính sách bành trướng Bắc Kinh vì hiện nay những nhà khoa học Mỹ đã phát hiện rằng “băng cháy” ở đáy đại dương lại có giá trị gấp vài chục lần dầu mỏ: 1 mét khối băng cháy có nguồn năng lượng tương đương với 160 mét khối khí đốt tự nhiên, do vậy, băng cháy sẽ là nguồn năng lượng của tương lai. Xung quanh đáy biển của hai quần đảo trên có rất nhiều băng cháy đủ sức cung cấp năng lượng cho toàn thế giới trong vài chục năm. Tới lúc đó Tàu Cộng sẽ mặc cả để cho VN được toàn vẹn lãnh thổ (tức là vẫn giữ được Tây Nguyên) nhưng hai quần đảo trên sẽ thuộc quyền kiểm soát của Tàu Cộng!
Tóm lại, chuyện sát nhập bán đảo Crimea vào Nga sẽ là tiền đề thuận lợi cho bất kỳ cường quốc nào có manh tâm thôn tính những nhược tiểu quốc… Có lẽ chính vì thế mà Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã cực lực phản đối Nga, trong khi đó thì Tàu Cộng lại phớt lờ vì Bắc Kinh đang tìm cách thôn tính Tân Cương bằng cách gán cho những người biểu tình Ngô Duy Nhĩ là tàn dư của Al Qaeda. Bằng bất cứ giá nào thì Tàu Cộng cũng phải giữ vùng Tân Cương làm thuộc quốc vì nếu Tân Cương được độc lập thì diện tích của Hoa lục sẽ giảm đi một phần tư!
Tóm lại, chúng ta phải noi gương Mỹ và khối EU cương quyết chống sự sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga vì đó là lợi ích bản thân của VN sau này.
Cước Chú
1. Bán đảo Crimea
Theo Wikipedia thì xưa kia bán đảo Crimea vốn là xứ độc lập, nhưng trước Thế Chiến 2 thì bị nước Nga thôn tính, rồi lại bị Hitler xua quân chiếm đóng. Nhưng khi quân Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy để giải phóng châu Âu thì Nga Xô lợi dụng thời cơ giải phóng đất nước và tiện thể tái chiếm bán đảo này rồi sáp nhập vào Liên bang Xô Viết. Sau đó chính quyền Xô Viết đưa một số dân Nga tới định cư trên bán đảo này và trên đất nước Ukraine, do vậy, đa số dân trên bán đảo và ở trong nước Ukraine đều có huyết tộc Nga. Sau khi được bầu làm Chủ Tịch trong điện Kremlin, N. Krutchev lấy cớ mình là người gốc Ukraine, đã ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào Ukraine. Do vậy, những cơ sở trọng yếu (như xưởng đóng tàu, căn cứ hải quân, căn cứ quân sự…) đều đồn trú hoặc trên bán đảo Crimea hay trên đất Ukraine vì những nơi này là tiền đồn của Xô Viết trong ba thập kỷ từ 50 tới 70. Nhưng sau năm 1991 khi khối Xô Viết tan rã thì chính quyền Nga mới thấy mình bị hố, nhất là khi Ukraine chịu ảnh hưởng của Tây phương muốn đổi mới tách ra khỏi Liên Bang Nga để gia nhập khối NATO và Liên minh Âu châu. Để dằn mặt những lân bang trong khối Liên Xô cũ, Tổng thống Putin đã xua quân xâm lược xứ Georgia (vốn thuộc Liên Xô cũ). Rồi nhân sự bất ổn chính trị và dân sở tại có huyết tộc Nga đòi ly khai khỏi Ukraine… khiến Tổng Thống Putin đã có cớ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga bằng cách tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo này vì đa số dân sở tại là kiều dân Nga đã bỏ phiếu chấp nhận sáp nhập vào mẫu quốc Nga. Một vài tỉnh miền Đông của Ukraine, sát cạnh Nga như Lugansk, Donetsk… mà đa số dân sở tại là người gốc Nga nhất tề gây cuộc nội chiến để đòi được sáp nhập vào Nga!
(Xem tiếp trang 2)

TRUYỆN CHƯỞNG ƯU ĐÀM HOA

TRUYỆN CHƯỞNG ƯU ĐÀM HOA
Tác giả: P. Kim Long

Đa số những truyện chưởng đều do người Hoa viết (chẳng hạn như Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Ngọa Long Sinh…) rồi sau đó một số dịch giả người Việt chuyển ngữ lại, chẳng hạn như Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng (Tiền Phong, Xìn Phóng), Nguyễn Duy Chính, Vũ Đức Sao Biển…; nhưng với những tác phẩm của Ưu Đàm Hoa thì tôi không thấy đề tên dịch giả. Vốn ít đọc truyện chưởng và chẳng bao giờ mua truyện dịch (trước và sau năm1975) nên tôi không biết truyện chưởng của Ưu Đàm Hoa có xuất hiện trước năm 1975 hay không. Tôi chỉ thực sự biết đến tên Ưu Đàm Hoa do nhu cầu phải download một số truyện thuộc dạng prc hay mobi để đọc trên smartphone. Song đa số những truyện loại này (chưởng, kiếm hiệp, tiên hiệp, sắc hiệp, lãng mạn, tình cảm, trinh thám, khoa học giả tưởng, sex…) một khi được upload lên Internet thì đều được biên dịch một cách cẩu thả và có nhiều lỗi ngớ ngẩn làm độc giả phải bực mình: lỗi chính tả (thí dụ: mang mác, nghành, phản phất…; nếu là người Bắc 75 lại thì thường nói “ngọng,” chẳng hạn như: “tôi đói nắm, tôi ăn rất lo”), không viết hoa những nhân danh và địa danh (thí dụ: lão tử, nam kinh…), không chấm câu rõ ràng, không xuống dòng ở những đoạn cần thiết, câu văn dài dòng lê thê, không ngắt câu xuống hàng khi câu đó là câu đàm thoại (direct speech) lại được viết ngay sau câu không phải đàm thoại, hoặc câu đàm thoại của người này lại viết chung một dòng với câu đàm thoại của người kia…
Tôi cũng không biết lỗi về phần ai, song tôi nghĩ chắc lỗi do người nhập dữ liệu (vì vội, không chịu đọc lại, hoặc giả họ dùng máy dịch thuật, tức là nhờ trình dịch thuật của Google). Theo tôi, những lỗi trên nếu được khắc phục, chắc những truyện chưởng đề tên Ưu Đàm Hoa sẽ là tuyệt phẩm vì Tác giả mô tả, đề cập… đến những nét văn hóa cổ của Trung Hoa và Việt Nam, những phong tục, tập quán… của hai dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, vì đó là truyện chưởng nên tất phải có những cảnh luyện nội công, bị tẩu hỏa nhập ma, tập quyền cước, vũ lộng đại đao, múa kiếm, phóng ám khí, đấm đá, vung chưởng ì xèo, phun độc khí cùng những cảnh máu chảy thịt rơi. Ngoài ra, cũng như những truyện chưởng khác, kết thúc “có hậu” (happy end) luôn luôn được thể hiện trong truyện của Ưu Đàm Hoa. Nhưng dù sao, tôi vẫn khoái Ưu tiên sinh hơn Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh… vì những lý do sau đây.

1. Thi ca
Có vẻ Ưu Đàm Hoa rất thích trích dẫn thi phú: dù truyện của Ưu tiên sinh chỉ dài bằng 1/3 hay 1/5 so với truyện của Kim Dung, song những nhân vật trong truyện lại thích ngâm vịnh những bài Đường thi của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị … Chẳng hạn truyện Hiệp Khách Hành (của Kim Dung) chỉ nêu 1 bài thơ Hiệp Khách Hành của Lý Bạch ở đầu truyện và Ỷ Thiên Đồ Long Ký cũng chỉ mở đầu bằng bài từ Vô Tục Niệm của Khưu Xứ Cơ (đạo hiệu Trường Xuân là một trong Thất Tử của Toàn Chân Giáo) ca tụng vẻ đẹp thánh thiện của Tiểu Long Nữ, hoặc cho nhân vật Quách Tường nghêu ngao một vài câu thơ hoài niệm khi rong ruổi ngựa đi tìm vợ chồng Dương Quá và Tiểu Long Nữ; trái lại, Ưu Đàm Hoa lại luôn luôn trích dẫn thi ca của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Hàn… mỗi khi “người hùng” đi tới một địa danh nào đó, thí dụ như Nam Kinh, Tô Châu, đền đài, lăng tẩm, chùa Thiếu Lâm… Sau mỗi bài thơ nguyên tác lại có bài thơ lược dịch. Có vẻ Tác giả là một nhà cuồng thơ ca, y như Bùi Giáng vậy: đi đứng cũng ra thơ… ; do vậy, những truyện chưởng này rất thích hợp cho những độc giả thích thi phú của Trung Hoa cổ đại.
2. Văn hóa & tôn giáo
Tác giả cũng nói rõ về văn hóa cổ cũng như tôn giáo của hai dân tộc Hoa và Việt. Tuy Tam giáo (Khổng, Phật, Lão) cùng hiện diện trên đất nước Tàu, song dân chúng đều theo cả ba tôn giáo một lúc: khi trẻ thì theo Khổng (học hành, thi cử, làm nghề văn hay võ…), khi về già (nhất là thất bại trong việc tìm kiếm công danh, mưu cầu phú quý…) thì lại theo Lão Trang, khi gần đất xa trời thì lại theo Phật (để ăn năn xám hối, hoặc để tránh họa hoạn trong kiếp lai sinh). Song đa số thường chạy theo nghi lễ của Đạo giáo (tức là một biến thể của đạo Lão): họ tin rằng, nếu người chết không chịu cúng tế, không mời Đạo sĩ tới làm ma chay, tụng niệm, đọc thần chú, làm bùa phép, đốt vàng mã… thì người chết sẽ bị tai kiếp dưới địa ngục, còn thân nhân sẽ gặp xui xẻo… dù Phật giáo luôn chủ trương không mê tín dị đoan và không đốt vàng mã. Do vậy, ma chay là một dịp tang gia tốn rất nhiều tiền bạc cho bọn Đạo sĩ. Như vậy, tục ma chay của người Hoa và Việt hơi khác nhau: người Hoa theo Đạo giáo, còn người Việt theo đạo Phật hay Ông Bà nên đỡ tốn kém và bớt phiền hà. Nhân vật Đặng Trinh Tâm, khi sống bên Tàu, đã phổ biến văn hóa của người Giao Chỉ bằng cách theo chế độ nam nữ bình quyền (vốn là đặc điểm của chế độ “mẫu hệ” của xứ sở Giao Châu), do vậy, người chồng, dù là Hoa chính gốc, cũng phải cùng vợ mưu sinh và không vợ nọ con kia.

3. Phong tục & tập quán
Tác giả nói về tục nhuộm răng của người Giao Châu (Giao Chỉ, An Nam) hiện sinh sống ở bên Tàu về thời nhà Minh vì họ là tù binh bị bọn Trương Phụ bắt về Tàu sau khi Hồ Quý Ly đầu hàng nhà Minh và nhất là hậu duệ của nhà Trần (như Trần Quý Khoách) khởi binh bị thua trận nên đàn ông (bất kể trí thức hay thợ thuyền) đều phải làm nô dịch còn phụ nữ thì là nô tỳ, tôi đòi cho đám công hầu khanh tướng bên Tàu. Do vậy, những tù binh (nam và nữ) thế hệ thứ nhất đều nhuộm răng đen, còn thế hệ thứ hai trở đi không còn nhuộm răng đen nữa vì họ gần như bị đồng hóa với dân bản địa. Một số tù binh nam vì một lý do đặc biệt đã mua được tự do, đã ra ngoài sinh sống bằng nghề buôn bán (bán cháo lòng, làm thịt chó vốn là những món mà người Tàu chưa hề biết) nên vẫn đùm bọc lẫn nhau.

4. Ẩm thực & y dược
Tác giả nói rằng thuở đó bên Tàu (về thời Nhà Minh) dân chúng không biết món “mộc tồn” (thịt chó) do vậy, khi đám tù binh Giao Châu bị bắt về Tàu để làm nô bộc, thợ thuyền… đã phổ biến món thịt cầy này. Một số tù binh nữ đã lấy chồng là người Hoa đều được ra ngoài sinh sống nên có thể làm nghề bán thịt chó và cháo lòng… vì ở bên Tàu từ thời xa xưa đã không hề có mon này. Dân Giao Chỉ đã biết kết hợp thịt chó với lá mơ tam thể để tăng thêm hương vị đậm đà cho món thịt chó, song người Tàu lại gọi là “trung tiện diệp” (lá có mùi thối như mùi rắm mà người Nam gọi là “lá thối địt”). Ngoài ra, hàng năm Nhà Lê phải cống hiến 2 tượng vàng (to bằng người thật) để chuộc lỗi đã giết tướng Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, một số ngọc ngà châu báu, vải vóc tơ lụa cùng một số “chất xám” (tức Nho sĩ, thợ thuyền có tay nghề cao…) để mẫu quốc kìm hãm sự phát triển của thuộc quốc. Chính những chất xám này đã làm vẻ vang cho nước Tàu về sau này. Cháu thúc bá của Đặng Dung, vốn là con trai của hai dòng máu Hoa và Việt, đã chữa khỏi chứng bệnh bất lực của Hoàng đế Tàu đang trong tuổi thanh xuân bằng “bát bảo” (tám vị thuốc) hầm với “hắc cẩu” (chó mực). Trong thời gian lánh nạn bên Tàu và sống với chồng con, Đặng Trinh Tâm đã làm “đại phu” (thày thuốc) trị liệu cho người Hoa lẫn Giao Chỉ, song Bà thường xuyên trị liệu từ thiện cho bệnh nhân nghèo khó bất kể sắc tộc nên được mọi người kính phục mà coi như một nữ Bồ Tát. Trong nhiều truyện chưởng (Bích Nhãn Thần Quân, Sơn Quỷ…) của Ưu tiên sinh thường đề cập tới món ăn khoái khẩu của Bang Chủ cùng những Trưởng Lão là “thịt cầy” vì đám ăn mày không dư giả tiền bạc nên chỉ có thể mua nổi chó để chế biến làm 5 món dựa mận khác nhau. Ngoài ra, giới giang hồ võ lâm thường mang theo đồ ăn mỗi khi lỡ độ đường giữa rừng sâu không quán xá, hoặc để thết đãi nhau. Đồ ăn này là: khô bò, khô nai, khô mực, thịt trâu luộc và lạp sường. Trong truyện chưởng thường đề cập tới món ăn “xách tay” (như Fast food, Hamburger thời nay), đó là bánh bao, tức màn thầu (nhân thịt hay chay) của giới giang hồ thường mang theo khi không gặp hàng quán.
Giới giang hồ (nam hay nữ) thường uống rượu như hũ chìm. Tên loại rượu nổi tiếng là Thiệu Hưng, rượu Phần Sơn Tây (còn Kim Dung lại nói là Nữ Nhi Hồng). Song tôi rất ngạc nhiên về tửu lượng của họ: họ coi rượu như nước lã; do vậy, tôi nghĩ rượu về thời đó chắc độ cồn không nặng lắm: chỉ độ dưới 10 độ (bia 33 là 8 độ), còn Wisky hay Vodka là 40 độ. Nếu độ cồn nặng (như Alcohol trong y khoa dùng làm chất sát trùng là 90 độ) thì họ đã cháy ruột rồi. Do vậy, rượu về thời đó chắc nhẹ như rượu trái cây bây giờ (quãng 5 tới 10 độ). Ngoài ra, trong truyện không dùng đơn vị đo lường chất lỏng là “đẩu” (dou = 10 sheng) hoặc “thăng” (sheng = lít bây giờ) mà lại dùng “cân” (jin) vốn là đơn vị về trọng lượng tương đương với ½ ký bây giờ. Do vậy, tôi đoán là ngày xưa người ta đổ rượu vào bình, rồi cân đúng 1 cân (½ ký bây giờ) để tính tiền.
(Xem tiếp trang 2)

FOLKLORE

VIETNAMESE LEGEND & FOLKLORE
FOLKLORE
P. Kim Long

Ancient Vietnam has 3 kinds of writings: Chinese (period of Chinese dominion), Vernacular Vietnamese (in the 7th century), and Latinized (or Modern Romanized) Vietnamese scripts (from the 19th century to present day). The high-brow literature was written in the Chinese characters because Vietnam only achieved independence from the Chinese dominion in the year 930 but all Vietnamese kings and their ruling classes were a slave to the Chinese literature and culture: they used the Chinese characters in administration, diplomatic relations, education, examination and so forth.
However, we can easily transliterate Chinese words into Vernacular Vietnamese ones because our Vietnamese people only pronounced Chinese characters in Vietnamese pronunciation and Vernacular Vietnamese letters were a mere means of recording the pronunciation of Chinese and Vietnamese. Chinese characters and Vernacular Vietnamese letters were an ideographic system but Latinized Vietnamese letters were phonetic script. Therefore, we can easily transliterate all works written in Chinese characters and Vernacular Vietnamese letters into Latinized Vietnamese.
There were some books of folktales written in the Chinese characters but afterward there were some versions of translation from the Chinese characters into the Vernacular Vietnamese letters and finally into the Modern Romanized Vietnamese. The majority of folktales was oral or written in the Vernacular Vietnamese letters, therefore, they belonged to the low-brow, popular or folk literature.
Whether they were written in the Chinese characters and in the Vernacular Vietnamese letters or only retold in oral means, the Vietnamese folktales bore the signs of immanent humanity because they had the clear vestiges of Buddhism: philanthropy, compassion and leniency. Besides, they often covered metempsychosis and Karma: about 70 per cent of Buddhism and 30 per cent of Confucianism and other doctrines. Therefore, the ancient sages used folktales as moral lessons for the uneducated, especially for the women who always got no permission to go to school because of Confucianism’s male mastership.

FENG SHUI GEOMANCER TA AO

VIETNAMESE LEGEND & FOLKLORE
14. FENG SHUI GEOMANCER TA AO
Phạm Kim Long

He was born in the Ta Ao village, Nghi Xuan district, Thanh Hoa province. His family name was Nguyen and his nickname Duc Huyen but his given name fell into oblivion right after his death, so he was named Ta Ao after his natal village.
Being very poor in his childhood, he earned a poor living as a handyman to support his old parents. One day when passing the river Phu Thach, he saved a rich Chinese trader from drowning. After having recovered consciousness, the latter offered him a great sum of money to express his gratitude, but Ta Ao refused resolutely. Being good at Chinese Physiognomy and Oriental Horoscope, the Chinese trader congratulated him because he had a fairy-like manner.
“You’ve a surpassing appearance,” the latter spoke in a sincere manner. “Being helpful to everybody, you aren’t gain-minded. Therefore, you should study Feng Shui geomancy so that you may be of service to everybody. I’m willing to defray the cost of your study and residence in China to repay my debt of gratitude to you.”
Being jubilated over the Chinese stranger’s suggestion, Ta Ao accepted his generous kindness and followed him to China. The latter guided Ta Ao to the Quang Dong province and introduced him to a famous Feng Shui geomancer. Being devoted and kind-hearted, his Chinese teacher instructed his Vietnamese student wholeheartedly in Feng Shui geomantic arts. After one year of laborious study, suddenly his teacher suffered from an acute malignant conjunctivitis and would be half-blind if there was no effective treatment. Indeed all traditional physicians were helpless to cure it after many months of continuing treatment. Suddenly Ta Ao remembered one secret method of his hereditary treatment. His five-generation ancestor had been an experienced physician. He asked his teacher for permission to put his hereditary method into practice. It would seem that his teacher reached an impasse. He disinfected the patient’s back by rubbing slices of ginger on it for some times. After having dried a sewing needle on the fire, he punctured it on some points of his teacher’s back to bleed some drops of violet blood. Afterward he boiled some medical herbs to obtain a thick liquid and told his master to drink it. Only after a week, his teacher recovered from his illness and his eyes became normal. To show gratitude to his dutiful disciple, his teacher instructed him wholeheartedly. After three years of diligent study, his teacher tested him in Feng Shui geomantic knowledge. He leveled a heap of sand after having hid 100 coins in it. After having drawn 100 geomantic points on the sand, he told his pupil to locate the sites of 100 coins in the sand. They were the typical of 100 geomantic sites according to the Chinese art of Feng Shui geomancy. After having handling his knowledge and what he had learned from his teacher, Ta Ao could unearth 99 among 100 coins hidden in the sand. His teacher was elated because he was the first among his disciples to have such mastery.
“My Feng Shui geomantic art is now bequeathed to Vietnam!” he spoke under his breath regretfully.
He knew well that the mastery of Feng Shui geomantic art always required three elements: intelligence, diligence and especially endowments. He had five children but only two sons took up Feng Shui geomancy as a profession but they both got no innate ability. He also gave his dear disciple two precious items: a Feng Shui compass and a very rare handbook covering Feng Shui geomancy, talismans and spells.
“These two things are very special, especially in Vietnam,” he recommended to him in a pleading voice. “You should keep them for yourself and keep them secret. Nobody has permission to get them.”
Before his return to Vietnam, he knelt down to say farewell to his teacher respectfully.
“There’s a magical burial site in the Chau Phuc district of the Nghe An province,” his teacher again recommended to him secretly. “You should exercise extreme caution to inform it to your client. That geomantic site is only reserved for the blessed. Fate decides our act. We can do nothing against God’s will. Your bad decision may cast blight on you and even on your teacher too. You’ll get serious consequence if you do against conscience.”
After having returned to his native village, he began earning his living by searching prosperous sites. One day, he recalled his master’s recommendation so he went to the Chau Phu district. It was an auspicious site which departed from the Hong Linh mountain range. It had 36 dragons in attendance while the Phu Thanh riverside looked like a royal council chamber, besides, thousands of soldiers and horses were surrounding this geomantic site. He thought that this site was only reserved for the qualified emperor or king and he had no permission to sell his information to anybody even he got well rewarded. He would get immediate effects if he was greedy for gain. So he kept it secret.
After having mastered the Feng Shui geomantic art, but having no condition to execute it, he decided to travel round the country to search qualified clients. One day, he reached the Bat Son village of the Hoang Hoa district and found an auspicious site.
“I’ve just found a prosperous site in this region,” he told to the local people. “If you bury your parent’s corpse in the Dan (tiger) time (3-5 o’clock), you’ll acquire wealth at the Mao (cat) time (5-7 o’clock). I only get one tenth of your gain as a reward.”
After having heard such strange word, a middle-aged man came to make contact with him. Following his advice, the latter buried his dead mother’s bones in the newly dug grave. After having done his job, he took his dirty tools to clean them in the next river. Suddenly he saw a corpse of a drowning man. To show mercy to the ill-fated man, he dug a deep hole to bury him. He lifted up the corpse but it was too heavy so he touched its body and found that it had a big parcel. He opened it and found that it contained 50 taels of gold. Ta Ao only got 1 tael of gold as his reward. Afterward he told him how to bury that ill-fated victim.
One day he reached the Thanh Hoa district of the Ha Nam province and discovered an auspicious site which would render dukedom.
“This prosperous site may give you a golden occasion to become a duke,” he again told to the local people. “I only get one tael of gold as a reward.”
A rich old man in that village came to make contact with him. During that time rebel Mac Kinh Do was at war with the Later Le dynasty. But finally after having lost a great battle, he was reluctant to escape for some consecutive months. The king decreed that any person could turn him to the local mandarin would be rewarded with dukedom. After having heard such news, the rich man hired some detectives to investigate the rebel’s trace. After many days and nights of dodging the hot pursuit, the rebel suffered great hardships and became in low spirits to surrender. He told to the rich man that he agreed to be turned to the king if he had a sumptuous feast. After having turned the rebel to the king, the rich man received a dukedom in reward for his bravery. He gave the Feng Shui geomancer one tael of gold as a reward. From then on, Ta Ao was famous throughout the country. He traveled round the country from the north to the south: in any zone of the country he also gave auspicious sites to qualified clients. The greatest one was to become a Doctorate winner or a high-ranking mandarin and the smallest one was to become a Baccalaureate holder or a district chief.
One day he reached the Thien Mu village and discovered a divinely auspicious site. He wanted to sell his information to a rich landlord named Tran. But after three times of putting his Feng Shui compass on that site, it fell off the table onto the ground three times. Finally, he burned incense to pray and bow to the Local Deity to get information. The latter explained that God had reserved that prosperous site to a certain man named Nguyen Quy Duc because its site owner would get the position of Prime Minister for three generations. The Local Spirit also told that the Tran family had no permission to enjoy that auspicious site because of his unblessed cause. Ta Ao understood that if he broke the heavenly law, he would get disaster. Afterward he relinquished his intention of selling it to the Tran family.
One day he discovered the special site of an utmost prosperity in the Ham Rong zone of the Nghe An province. This site may offer kingship to descendents for thousand years. At once, he returned home to inform it to his brothers to carry their dead father to that site. It was turning to rain while there was a thunder-storm. This auspicious site was a small pit. Suddenly it became large and deep while columns of smoke were rising from it.
“We must put our dead father in that pit,” he raised his voice urgently. “Hurry along, my brothers! The magical dragon is opening its jaws. If we delay, it’ll shut its mouth. It’ll only open its jaws after each five hundred years.”
His brothers refused to put their dead father in the pit because they didn’t want to lose their father’s corpse for ever. Suddenly, there was a roll of thunder and the pit disappeared while the ground became perfectly even.
“The dragon has just shut its jaws!” he told them regretfully. “It’s over now! We’re resigned to our fate! Our descendants will live their simple lives.”
Finally, he told them to bury their father in a prosperous site about two miles from the former pit. It was an auspicious site too and their father would become a Blessed Genie to enjoy worship yearly by the local people.
At the age of 60, he decided to return to his native village to live peacefully with his great family and to end his career in Feng Shui geomancy. Then one day he felt rather diseased and understood that he was at death’s door so he told his two sons to convey him on a stretcher to the Dong Phuong district about 100 miles from his native village. This region had an auspicious burial site which may offer kingship to descendants for one thousand years. But they only set out half the way when their father was dying. Finally, he told them to bury him in a small hill to get worship yearly by the local people. It was fated that he would be a Presiding Genie of an on-spot village.
There was an anecdote about Ta Ao. One day after a nightly banquet, the Chinese emperor took his ministers of state to the royal park to study astrology. After a moment of observing the astral phenomenon, his royal astrologer pointed at a brilliant star in the south and informed the emperor that the Vietnamese Feng Shui geomancy was reaching its highest peak and that in a near future Vietnam would surpass China in culture and armaments. He also explained that a certain Chinese Feng Shui geomancer had transmitted this art to a Vietnamese. At once, the Chinese emperor issued an imperial decree to punish those who broke the law. After having heard about bad news, the Chinese geomancer at once made plans for redressing his mistake. He told his two sons to visit his former disciple in Vietnam to destroy some most auspicious sites and to add some wrong characters in his rare handbook of talismans and spells. After a two-month journey, they met their former schoolfellow. Ta Ao entertained them generously and concealed nothing because it was his right obligation of a disciple toward his venerable teacher. Sometimes he guided them to observe few auspicious sites. But they always pleaded their own discovery to go alone without his company. After having reached some most auspicious sites which had been determined by their father, they found way to destroy dragon’s important veins so that these most auspicious sites became valueless. Afterward they again returned to his house to stay for a fortnight to wait for occasion. Right when he absented himself from home for some days, they began expediting their malicious plan. They mixed lampblack with coconut oil to make a kind of black ink and added some ambiguous characters in his handbook of Feng Shui geomancy which had been given by their father to Ta Ao. Due to their deeds, their father enjoyed immunity from prosecution because Vietnam was always inferior to China and was never powerful to encroach on China. It was told that Great Emperor Quang Trung, after his glorious victory over the Chinese invaders in 1789, prepared his seasoned army and military supplies for attacking China to claim back two provinces (Quang Dong & Quang Tay) but was struck by sudden death in 1792. It was said that his ancestor’s remains were buried in one of those most auspicious sites which had been secretly destroyed one hundred years ago.

Notes
1. Geomancy
According to Wikipedia, “geomancy” is a method of divination that interprets markings on the ground, or how handfuls of dirt land when someone tosses them. It has existed in China, Arabic countries, Africa… for thousands of years. Due to the above definition, geomancy is a mere method of divination performed and based on the local ground.
2. Feng Shui
Feng Shui is only for the living people because it only brings good luck to its on-spot people. It may derive from the “safety first” idea. In olden times the population was still ignorant and sparse so they always selected a safe zone against wild animals and brigands. For them, a safe place always stood against any hill and was in front of a river or a big lake. Their above prejudice became their conception of life to select their safety place to build their houses. Finally, it became the Feng Shui theory. Gradually, only in rural zone they could build their houses close to a river and a hill, but in towns there were no river and mountain so they were reluctant to find other artificial work to substitute for water and mountain, which was a man-made set of miniature rock and spring to put in their houses.
It is the ancient Sino-Vietnamese practice of placement and arrangement of space to achieve harmony with the environment or to normalize the balance of Yin and Yang elements in the world because the ancient people believed that energy grids (below or above the ground) or the electromagnetic field had an effect on health, wealth, reputation and power of human beings. This ancient practice serves any person concerned when he or she is still living. It describes the environmental interaction with the human beings or the direct relationship between people and their environments.
3. Feng Shui Geomancy
I must coin a new word “Feng Shui Geomancy” to denote a divination method of the ancient Sino-Vietnamese people who believed that the location of burial site can conceivably have consequences – good or bad – on future generations of the dead person buried in that grave.
Feng Shui geomancy is only for the dead, but it may bring good luck to its on-spot deceased and especially to the children of the dead.
It is the ancient Sino-Vietnamese practice of discovering an auspicious area for a burial site to inter a corpse or mortal remains (bones, cremated remains) because subtle energies (earth radiations, electromagnetic field) may affect the dead person’s descendants for some next generations. The type of environment you bury your parent’s corpse can have profound influences on your present life and your own family for your present life or for some next generations. For example, a burial site which is located on a mountain range “like a woman lifting up her skirt” will produce future generations of prostitutes; a burial site which is located near a low hill and a pond “like a pen and an ink-pot” will generate future descendants of literature…
Retold by Phạm Kim Long
Saigon, 2006

MOUNTAIN & WATER SPIRITS

VIETNAMESE LEGEND & FOLKLORE
4. MOUNTAIN & WATER SPIRITS
Phạm Kim Long

Being King Lac Long’s descendant, Spirit Tan Vien was poor during his childhood. He resumed his career as a woodcutter to earn his living. Being poor, he suffered great hardships but he often helped the poor and miserable people. His kindness moved the Heaven deeply, so one day he was given a magical wand. It had healing powers. From then on, he may cure all patients of their diseases.
One day he met a seriously injured snake. It blinked its eyes miserably as if to beg him for treatment. At once, he stopped walking and began making a medical examination. After having been cured, the snake introduced itself as the Prince of the Junior King of the Seas and invited him to visit his Aquatic Palace to express his thanks to his benefactor. Before his benefactor’s return home, the Prince gave him a magical book of wish. From then on, Tan Vien often cured many kinds of malignant and perilous illnesses besides he would save many miserable people.
Finally, he left his native region for the mountain Tam Dao about 50 kms North of Hanoi and began building a grandiose magnificent palace. He protected all poor people against wild animals and treated incurable diseases, so the on-spot people extolled him as the Holy great physician and the Savior and called him the Mountain Spirit (Son Tinh).
During that time there lived a divinely beautiful princess named My Nuong in the Hung reign and there were only two qualified applicants for marital offer because they were powerful and magical. They were the Mountain Spirit and the Water Spirit. The former governed all mountains and forest while the latter controlled the rivers and sea. Being very perplexed, the king didn’t know how to select the Royal Son-in-law because both of them were talented, staid and elegant. Finally, the king decided that the one who came firstly to welcome the bride in the next morning would be selected for being the Royal Son-in-law.
The next day at the early daybreak, the Mountain Spirit was the first applicant to be present at the royal palace and could take the Princess to the peak of Ba Vi.
Being apathetic-natured, the Water Spirit was the latecomer. When he arrived there, the former had taken his bride to the mountain to celebrate his sumptuous wedding rites. Having flown into a violent temper, the Water Spirit caused floods in the two banks of the Red River damaging many houses and rice field. He also mobilized his aquatic monsters such as giant water-snakes, crocodiles… to attack his enemy. The more the water rose high in an action of drowning the mountain in water, the more the mount stretched high and loftily. The more the aquatic monsters rushed to destroy forest and mountains killing many innocent people and animals, the more rock and tree fell in killing these wicked aquatic beings. After having known that many innocent people were victims in the flood and eaten by those hungry aquatic monsters, the Mountain Spirit taught his people how to make bows and arrows to kill those wicked aquatic beings. Therefore, his people had enough fish to eat in flooding. Finally, the Water Spirit lost a battle after having suffered heavy losses and was unwilling to withdraw without getting his beloved back.
Afterward, the Mountain Spirit taught his people how to build solid dams, to stiffen dyke systems and to dredge all rivers to provide against flood. After having known that his rival had known well how to handle flooding, the Water Spirit was able to wage war on the Mountain Spirit each 5 years a time. Therefore, in Vietnam there is a great flood after each 5 years.
Retold by Phạm Kim Long
Saigon, 1970