Nhạc sĩ Trịnh Hưng

Nhạc sĩ Trịnh-Hưng
Thái-Vinh mến tặng các bạn hát nhạc trong chương trình nhạc chủ đề Trăng Soi Duyên Lành
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng Tư, năm 2007)

Một hôm tôi đưa anh Cả và anh Hai vào một quán ăn ở Milpitas. Thấy cặp trung niên ở bàn bên cạnh cứ lén nghe chúng tôi nói chuyện văn nghệ, tôi ngó qua gật đầu chào. Người phụ nữ ấy lấy hết can đảm bước sang, ngập ngừng:
– Xin lỗi, anh là nghệ sĩ Thành-Được?
Sẵn máu tếu trong người, tôi đáp bừa:
– Sao chị lại nhận ra tôi?
– Tôi thấy hình anh trong tờ quảng cáo “Nghệ sĩ Thành-Được 50 năm giã từ sân khấu”.
– Ồ!
– Trông anh trẻ chừng 50 tuổi mà làm gì đã vội giã từ sân khấu?
– Chị xem hai ông anh của tôi đây. Anh Cả 83 và anh Hai 76 tuổi, cả hai đã giã từ sân khấu từ hơn ba chục năm rồi!
– Nhưng mấy ổng có nổi danh như anh không?
– Sao lại không! Thế chị không nhận ra anh Lao Mộng Bể đây à?
– Dạ không!
– Thế chị có biết bài hát nầy không?
Cung đàn nào thương bằng tiếng ve sầu
Buồn nào hơn khi lứa đôi lìa nhau
Hè ơi mỗi năm ghi thêm lần nhớ
Có ai lỡ duyên ban đầu
Thông cảm được nỗi niềm đau…

– Đó là bài “Mùa Ve Sầu” của Lê Mộng Bảo mà!
– Thì Lao Mộng Bể là Lê Mộng Bảo đó. Tác giả nhạc phẩm “Phận Nghèo” trên Thúy-Nga By Night 52:
Nếu biết bây giờ phận tôi nghèo
Hỏi rằng người ấy có còn yêu
Có còn hẹn áo trắng vu quy
Có còn vui nhắc câu thề
Còn thắm thiết hay biệt ly?

– Thế còn ông kia?
– Anh Hai đây là nhạc sĩ Trịnh-Hưng.
– Trịnh-Hưng là ai?
– Thế chị không biết bài hát nầy à?
Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…
Chị vui vẻ hát theo:
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá
Bờ dâu xanh cô gái hát êm êm
Tầm mai chín gửi anh thăm mẹ hiền
Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên…

Hát xong, người ấy nói:
– Ba anh cứ tự nhiên ăn uống. Tôi xin được trả tiền ăn các anh hôm nay.
Anh Cả và anh Hai quên ăn, cứ ngẩn ngơ ngó người phụ nữ đó vội vã bước đi; còn tôi khoái chí vì nhờ nói chuyện văn nghệ với hai anh mà có người đã nhận lầm mình là nghệ sĩ Thành Được nổi danh!
Ngày còn nhỏ, tôi đã mê tính nghệ sĩ của anh Sáu giặt ủi bên cạnh nhà. Anh Sáu có bộ mặt không mấy đẹp trai, vì mụn cơm mụn nếp mọc bừa bãi đầy mặt. Tuy thế, nhờ tài đàn địch, nên anh có lắm cô trong xóm để bụng thương thầm. Vào những đêm trăng sáng, anh thường ôm đàn ngồi trước sân hát những bài rất tình tứ, như “Em Tôi” của Lê Trạch-Lựu hay “Cô Láng Giềng” của Hoàng-Quý khiến tôi nghe riết cũng thuộc lòng. Một hôm tôi lén ôm đàn Ghi-ta của anh, hát “Cô Láng Giềng ơi…” bị anh Sáu bắt gặp, anh cười bảo:
– Mày chưa trổ mã, giọng chưa bể, hát mấy bài nầy chưa được!
Rồi anh lôi ra cây đàn Măng-đô-lin và bản nhạc “Tôi Yêu” của Trịnh-Hưng bắt đầu dạy tôi học. Đó là giai đoạn thanh bình của miền Nam từ năm 1954-1960. Tôi bắt đầu vò vẽ học đàn với mục đích chờ ngày trổ mã, có giọng ấm, và hát được những bài hát lãng mạn cho thật nhuyễn như anh Sáu để tán gái!
Anh Sáu là thầy dạy đàn; nhưng lời và nhạc của nhạc sĩ Trịnh-Hưng mới thật sự là người thầy đã mở cửa tâm hồn ngây thơ của tôi về mối tình yêu đầu đời là tình yêu quê hương. Dầu sau nầy lớn lên, quê hương đã chìm vào khói lửa chiến tranh, tôi không còn thấy nhạc của Trịnh-Hưng xuất hiện nữa; nhưng vào những buổi văn nghệ Tết, hay đêm liên hoan, lửa trại…tôi vẫn thường cầm đàn hay vỗ tay hát lại những bài hát đậm tình yêu quê hương của nhạc sĩ Trịnh-Hưng, như “Tôi Yêu” với những câu:
Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bến đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng đẹp xinh
Và yêu những thảm đồng xanh, đẹp tươi trong buổi bình minh…

thì tôi tưởng không còn câu hát nào hay và rung động hơn những lời nầy nữa!
Trong những ngày lưu lạc bên Âu-châu vào đầu năm 1992, tình cờ đọc một tờ báo liên lạc của Hội Công Giáo Việt-Nam tại Lyon, tôi mừng rỡ khi biết ông đang ở cùng một thành phố. Lúc tìm gặp ông ở trong một chung cư dành cho người nghèo, tôi vô cùng ngạc nhiên: “Trịnh-Hưng đấy ư?”
Đó là một ông già, ốm yếu, nhỏ người, đang cầm bình nước sôi pha trà. Thấy tôi ngập ngừng muốn thụt lui, ông đưa tay vẫy:
– Vào đây! Anh em, chứ không chú bác gì cả!
Kể từ đó, anh với tôi luôn luôn đi chung với nhau. Khi thì ngồi quán ở La Pardieu, khi leo xe buýt sang tận Bellecour dưới bầu trời gió lạnh tìm gặp em gái của ca sĩ Tâm-Đoan, những lần gây quỹ cho chùa Thiện-Minh, nhà Công Giáo Việt-Nam, và những đêm văn nghệ cháo gà ở nhà bác sĩ kiêm thi sĩ Phạm Thị Nga với linh mục kiêm nhạc sĩ Trần Ngọc-Hải, tác giả những bài hát nổi danh vào năm 1960 như “Những Buổi Chiều Xưa” và “Đàn Lòng Xa Cách”. Anh đã thay đổi rất nhiều vì mấy năm sống lẻ loi một mình. Bây giờ có bạn, anh lại vui vẻ, thích kể chuyện tếu. Cứ vài ba ngày, anh lại đưa tặng tôi một bài thơ, hay một bài hát. Anh là người biết nhiều vì bước chân anh đã từng đi ngang dọc hết ba miền của đất nước. Tuy không ở trong giới văn nghệ, nhưng nghe anh kể, tôi cũng biết đại khái sống đời nghệ sĩ rất buồn rầu.Từ dạo năm 1960, anh không còn sáng tác nữa, nhưng vẫn dạy nhạc và dạy hát, hay viết nhạc bán lại cho các nhạc sĩ khác để kiếm sống. Học trò học nhạc của anh có Phạm Thế Mỹ, tác giả các ca khúc nổi tiếng như “Đường Về Hai Thôn”, “Những Ngày Xưa Thân Ái”, hay “Trăng Tàn Trên Hè Phố”; và Đỗ Lễ với nhạc phẩm bất hủ “Sang Ngang”. Về hát có ca sĩ Ánh-Tuyết, Thanh-Thuý…
Nhưng rồi những ngày vui có tôi ở bên anh cũng qua đi. Tôi lại trôi dạt về một hòn đảo xa xăm, New Caledonia, nằm tận ở biển Nam Thái Bình-Dương. Anh và tôi chỉ còn gặp nhau qua những cánh thư. Sau gần mười năm ở Tân Đảo, tôi lại lò dò trở về Hoa-Kỳ báo tin cho anh biết và mong có ngày gặp lại anh bên nầy. Tôi chỉ nói thế để tạo cho anh có niềm vui sống thôi; chứ làm gì anh có khả năng mò sang tận bên nầy gặp nhau. Nhất là bây giờ đôi chân gầy yếu của anh lại phải kèm theo một cái chân thứ ba bằng gỗ! Thế mà, đùng một cái, anh gọi điện thoại báo tin sẽ đến phi trường San Francisco! Tôi trách anh sao dám đi ngang xương như thế, nhưng cũng thầm phục một tâm hồn mạnh mẽ trong thân xác rất yếu đuối của anh. Nghe anh nói câu nầy, thì tôi không còn biết trách anh thế nào được nữa:
– Cậu có biết một bài thơ của Nguyễn Thị Vinh mà tôi phổ nhạc có câu nầy không?
Ngày còn nhỏ thích xa nhà
Đi đâu cũng được miễn là được đi
Lang thang mây chẳng định kỳ
Có chân không bước ích gì chân ơi!

Bây giờ nhạc sĩ Trịnh-Hưng đang ở cùng một thành phố với tôi như hồi mười hai năm về trước. Liên tiếp mấy hôm họp bạn, chúng tôi lại hát những bài hát xưa của anh, tự dưng ai nấy cũng cảm thấy quê hương thật gần; nhưng tôi dám chắc rằng bây giờ ngay cả ở chính ngay trên mảnh đất thân yêu quê hương làm gì còn có cảnh đẹp như nhạc sĩ Trịnh-Hưng đã từng xuất thần vẽ ra một cảnh đẹp như tranh trong bài “Lúa Mùa Duyên Thắm” thế nầy nữa:
Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày vơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn em mừng hát vui vì lúa lên màu tươi
Hạt lúa thơm vì thấm bao mồ hôi
Và sớm hôm ra sức ta cày xới…

Hay “Trăng Soi Duyên Lành” với cảnh sông nước nên thơ:
Em là cô gái Đồng-Nai
Duyên về cho thắm lòng ai?
Mai mùa tươi tốt lên thành hai
Về thăm người em gái ngắm trăng soi dòng sông dài…

Có bạn chỉ mới nghe bài hát, nhưng chưa biết nhạc sĩ Trịnh-Hưng đã hỏi tôi:
– Ông ấy người miền Nam, phải không anh?
– Không, ông là nhạc sĩ gốc Bắc di cư từ năm 1954.
Trừ những bài hát đầu tay đã tuyệt bản như “Nhớ Về Hà Nội”, hay “Mùa Hoa Sim Nở” ngay cả chính ông cũng không còn nhớ. Chỉ có nhạc phẩm “Tôi Yêu” với “Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng quê” là còn mang hình ảnh làng quê đất Bắc; các nhạc phẩm nổi danh sau nầy đều là cảnh đẹp miền Nam, như:
“Lối Về Xóm Nhỏ”, “Lúa Mùa Duyên Thắm”, “Trăng Soi Duyên Lành”, “Tình Thắm Duyên Quê”, “Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa”, “Tiếng Ca Dân Lành”, và “Lúa Về Đêm Trăng”.
Tái định cư ở Pháp từ năm 1990, ông cũng không thể nào quên được mối tình đầu là tình yêu quê hương, nên ông lại tìm và phổ nhạc các bài thơ hay, như “Đất Đẹp Miền Nam” thơ của Hoàng Trùng-Dương:
Miền Nam rợp bóng dừa xanh
Sông ngòi uốn khúc chảy quanh xóm làng
Miền Nam có Cửu Long Giang
Sông Tiền Sông Hậu nhuốm vàng phù sa
Ươm cho cây lúa mượt mà
Vườn cam vườn mận nở hoa trĩu cành…

Như “Nhớ Quê” thơ của Nguyễn Văn Cường:
Ra đi nhớ lắm mái chùa
Nhớ dòng sông, nhớ hàng dừa ven mương
Nhớ chiều nắng tắt trên mương
Nhớ khuya sương đẫm mùi hương lúa vàng…

Hay tuy là nhớ Mẹ, nhưng cũng tràn đầy hình ảnh nhớ quê-hương trong bài hát “Mẹ Là” phổ thơ của Lê Trọng-Nghĩa:
Mẹ là tất cả ý thơ
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm
Mẹ là liều thuốc thần tiên
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha
Mẹ là biển rộng bao la
Mẹ là gió mát
Mẹ là trăng thanh
Mẹ là trái ngọt cây lành
Mẹ là trái chín trên cành đợi con…

Lời thơ thật thà đầy ắp hình ảnh thân quen; dòng nhạc lại vui tươi nên các nhạc phẩm của Trịnh-Hưng rất dễ nhớ và dễ hát. Anh xứng đáng là vua của loại nhạc Mambo Bolero rất hiếm hoi trong rừng âm nhạc Viêt-Nam.
Từ khi lưu vong sống cô đơn nơi xứ người, lời nhạc của anh phản ảnh tâm sự buồn bã của đời anh như trong bài hát “Tìm Quên”:
Thôi tình lỡ rồi
Mà hình bóng người còn như ôm mãi trong lòng tôi
Duyên tình lỡ làng
Đành nhờ tiếng đàn tìm trong quên lãng theo thời gian
Đàn tôi đã đứt dây tơ rồi
Mình tôi cam sống trong lẻ loi
Ai làm cho đôi lứa đôi nơi
Cho lòng ta đau xót khôn nguôi
Mong thời gian xóa đi hận đời…

Hay trong nhạc phẩm “Chỉ Yêu Cuộc Tình” phổ thơ của Đỗ Bình:
Thuở yêu em mộng mị
Ta ướp sợi tóc dài
Vào trang thơ nhật ký
Đêm về mơ bóng ai
Gió khuya người có lạnh
Sao hồn ta chơi vơi
Hay em là hư ảnh
Tội bài thơ không lời?

Đây là hai nhạc phẩm, một theo điệu Tango rất lôi cuốn và một theo điệu Boston buồn bã, mà tôi cho là hai tuyệt phẩm ở hải ngoại của anh. Tiếc thay, chưa được các ca sĩ nổi tiếng biết đến!
Ngoài ra, trong tập nhạc “Những Tình Khúc Dân Ca Quê Hương Vượt Thời Gian” của Trịnh-Hưng, còn có ba bài hát ca ngợi tình yêu đối với Thiên-Chúa. Tôi nghĩ chính bản thân anh đã chịu đựng quá nhiều đau khổ khi con trai bị công an tra tấn chết, anh làm nhạc phản động chống Cộng Sản, rồi bị tù đày liên tiếp tám năm; nên một người ngoại đạo như anh phải tìm nguồn an ủi nơi đấng thiêng liêng là một điều dĩ nhiên.
Trịnh-Hưng lại còn là một thi sĩ với những vần thơ ray rứt tân kỳ ít người biết đến. Sở dĩ anh có được sổ chiếu khán đi Mỹ cũng là do anh có nhiều thơ văn đăng trong hội thơ tài tử ở Hoa-Kỳ. Lần đầu tiên anh đưa tôi xem bài thơ “Xin Cảm Ơn Em Người Vợ Hiền”. Mới đọc vài câu, tôi đã thấy xúc động quá:
Xin cảm ơn em, cảm ơn đời
Cảm ơn người vợ của tôi ơi
Em là tiên nữ trời sai xuống
Trả nợ cho anh trả nợ đời
Từ dạo ấy
Em trở về vùng biển mặn
Vung đôi tay níu chặt cuộc sống còn
Anh đi trả nợ nước non
Em về lặn lội nuôi con thế chồng
Chừ đây!
Tóc em không còn đen như dạo nào bên thôn Vĩ
Mắt em không còn xanh như dòng Hương Giang thuở nọ
Nhưng lòng em đẹp lắm
Đẹp như bóng trăng rằm
Tươi như hoa thắm
Mát dịu như gió đầu thu
Là muôn ngàn tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Là Tiên Đào
của hai chàng Nguyễn Lưu thuở trước
Là Ô Thước
nhịp cầu tình của Chức Nữ Ngưu Lang
Bá Nha có một tiếng đàn
Trương Lương tiếng sáo, còn nàng là thơ
Nàng là thơ mà ta đang hát
Nàng là nhạc mà ta đang ca
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Lưng còng một gánh tuổi già theo sau
Thấy người, mình luống thương đau
Nhìn mình, mình thấy thân sầu héo khô
Em ơi, vạn nẻo sông hồ
Mười ba năm biệt bây giờ là đây
Tiếc thương một tấm thân gầy
Kiếm buông hoen rỉ ra ta vuốt hờn
Gió từng cơn, gió từng cơn
Lá rừng, rừng lá hoàng hôn gợi sầu
Xa vời thế sự bể dâu
Tháng năm điểm bạc mái đầu phù cương

Và đây là bài thơ “Một Mình” rất độc đáo. Hy vọng anh Trịnh-Hưng nhờ qua mấy vần thơ nầy sẽ tìm được vài tâm hồn đồng điệu an ủi:
Một mình uống, một mình ăn
Một mình một chiếu, một chăn một giường
Một mình nhớ, một mình thương
Một mình thao thức đêm trường năm canh
Một mình tỉa lá uốn cành
Một mình mình viết, một mình mình xem
Một mình ngồi dưới ánh đèn
Viết đi sửa lại để xem một mình
Một mình ôn chuyện tâm tình
Một mình ca khúc, một mình mình nghe
Một mình oi bức trưa hè
Một mình nghe rõ tiếng ve kêu sầu
Một mình nhìn trước ngó sau
Một mình vô thức giữa lầu lặng yên
Một mình “Thiền” để dễ quên
Một mình quán tưởng sáng lên diệu kỳ
Một mình lắm lúc ngồi ì
Hai mình có phải diệu kỳ hơn không?