Láng Giềng

Láng Giềng 
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 6 năm 2019) 
Thái-Vinh 

Có lần tôi muốn tìm người môi giới mua bán nhà nên phỏng vấn ông Mù, một chuyên gia nổi tiếng miệng lưỡi đầy thuyết phục về ngành địa ốc: 
– Bí quyết làm vừa lòng khách hàng của ngài là gì? 
Ông nói ngay: 
– Giúp khách hàng mua nhà giá hạ và bán nhà giá cao. 
Tôi thích thú hỏi tiếp: 
– Xin ngài cho biết sơ vài tiêu chuẩn mua nhà? 
Ông nói vắn tắt: 
– Địa điểm, địa điểm, và địa điểm (Location, location, and location). 
– Tuyệt với! Chỉ có hai chữ “Địa điểm” mà ngài lập đi lập lại ba lần thật ấn tượng khiến khách hàng có thể hình dung ra vô số địa điểm quan trọng và cần thiết đều gần nhà là nhà trường, nhà hàng, nhà băng, nhà thờ, nhà chùa, nhà thương, nhà già, và nhà đòn (nhà quàn); nhưng còn một loại nhà có thể gây bất an mất ngủ thường trực mà ngài làm lơ là nhà láng giềng? 
– Không cần vì ở Mỹ nhà nào cũng trang bị súng ống đầy đủ nên láng giềng không dám làm phiền nhau! 
Ông Mù nói đúng. Ở Mỹ sống gần bên nhau suốt đời nhưng có khi không biết người láng giềng tên gì; mà dù có biết tên cũng chưa chắc đã thân nhau đến độ tối lửa tắt đèn dám chạy qua láng giềng mượn đồ xài tạm như ở Việt Nam? Trong suốt mười năm đầu ở sa mạc làm chủ ngôi nhà ở góc đường nên chúng tôi chỉ có một nhà láng giềng bên cạnh. Ngoại trừ lần đầu tiên biết tôi là người Việt Nam, ông láng giềng dừng lại hỏi thăm và cho biết ông đã từng đóng quân ở Chu Lai; còn mỗi lần thấy ông dắt thằng Sparky đi dạo, chỉ kịp “Hello John and Sparky! How are you?” thì ông khiêm tốn trả lời “We’re fine, and you?” rồi kéo Sparky đi nhanh như không muốn nghe tôi trả lời, hay sợ bị hỏi thêm phiền phức mặc dù thằng Sparky lúc nào cũng tỏ thái độ vùng vằng muốn chạy lại thân mật hôn tay chào anh láng giềng… Cho đến một hôm ông gõ cửa, tặng chậu hoa pensée tím, và báo tin đã bán nhà để dọn về tiểu bang Oregon nghỉ hưu. Trời ơi! Nếu cô láng giềng nói lời từ biệt đột ngột như vậy, chắc tôi khóc quá? Khoảng hai tuần sau, chúng tôi có cặp vợ chồng láng giềng mới. Ngày nào tôi cũng gặp ông Linn dắt Bailey dạo thơ thẩn trên các đám cỏ xanh quanh bờ hồ cho nó tìm cảm hứng bứt cỏ; còn vợ ông, bà Barbara chỉ ngồi ở hiên nhà ngó ra hồ vẫy tay chào. Tôi nhất định phải tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt cặp láng giềng và đứa con mọn của họ bằng cách: 
1- Thương mến Bailey, cho nó liếm tay dù nó có ngỗ nghịch mỗi ngày đi ngang nhà đều dừng lại xuống tấn tập thể dục cào văng đá sỏi, hay rải phân tung toé dưới gốc mai sa mạc. 
2- Không bao giờ thù vặt như âm thầm hốt lá rụng từ cây cối trong vườn nhà láng giềng bay qua, rồi liệng ngược trở lại. 
3- Nhờ láng giềng coi giùm nhà để họ cảm thấy được tin cậy. 
Láng giềng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cho dù ở đâu trên địa cầu nên lời tục mới có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Vậy mà Tổng thống Trump với bản tính ưa bắt nạt, coi láng giềng như kẻ thù. Ông đòi Quốc hội chi 5.7 tỷ đô la để xây bức tường biên giới; Quốc hội như người vợ giữ túi tiền, thấy chồng làm điều ác, không cho một xu khiến ông chồng mất mặt không thèm làm việc. Kết quả vợ chồng hục hặc gây gổ đóng cửa suốt 35 ngày đêm khiến thị trường kinh tế chao đảo! 
Sau khi thất bại trong cuộc chiến với Hạ viện do bà Pelosi cầm đầu Đảng Dân chủ lãnh đạo, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mà không cần Quốc hội phê chuẩn để rút tiền từ các tài khoản khác của chính phủ như tiền quỹ xây cất quân sự và các hoạt động chống ma túy của Bộ Quốc phòng đem xây tường biên giới nhưng đã bị một thẩm phán liên bang phán quyết ngăn chặn! 
Tổng thống Trump tức tối bèn đe dọa sẽ áp đặt thuế quan trừng phạt lên tất cả hàng hóa Mễ bắt đầu từ ngày 10 tháng 6 nếu láng giềng này không ngăn chặn làn sóng di dân leo thang, chủ yếu từ Trung Mỹ qua ngả Mexico tìm đường vào nước Mỹ. Lời đe doạ này thật sự làm chính phủ Mễ sợ hãi. Để tránh bị trừng phạt, Mễ đã “đồng ý mở rộng ngay lập tức dọc theo toàn bộ biên giới một chương trình gửi di dân đang xin bảo hộ tị nạn tại Mỹ về Mexico trong khi họ chờ thẩm xét hồ sơ.” 
Mọi người, trong đó có chúng tôi thở phào. Giá bơ (avocado) bình thường ở chợ Fry’s từ 3 trái 5 đô la đã tụt xuống thành 4 trái! 
Cặp đôi láng giềng Mỹ và Mễ cũng có chỗ tương đồng như cặp đôi Tàu và Việt; nhưng nếu mở cửa biên giới thì Tàu sẽ nuốt Việt (việc này đang được Đảng Cộng Sản Việt Nam ưu tiên cho thực hiện tại 7 tỉnh biên giới); và ngược lại, cho dù Mỹ rộng gấp 5 lần Mễ và đông hơn 2-3/4 dân, nhưng Mễ sẽ nuốt Mỹ nhờ ba món bửu bối sau: 
1- Ngôn ngữ Tây Ban Nha (Spanish) lỡ học không bao giờ quên nên rất khó học thêm tiếng khác (cần kiểm chứng?) 
2- Ẩm thực Mễ lỡ ăn quá ngon, không bao giờ thèm ăn đồ Mỹ như câu đồng dao “không ăn đậu không phải Mễ.” 
3- Phong cách “làm ăn” của Mễ lỡ quen không bao giờ quên; nghĩa là “làm” thì phải “ăn”. “Ăn” ở đây là vui chơi tới bến quanh năm ăn uống, ca hát, và khiêu vũ cho tới khi mệt hết xí quách mới lăn đùng ra ngủ. 
Theo thống kê Mỹ, người Mễ chiếm 11,2% dân số toàn quốc với 36,3 triệu người Mễ (chưa kể hàng chục triệu người ở lậu, không kiểm soát được). Với số dân đó, người Mỹ gốc Mễ chiếm 63,2% tổng số người Mỹ gốc Châu Mỹ Latin (Nam Mỹ); vì khó phân biệt nên người Việt mình gọi người Nam Mỹ nào cũng là người Mễ hay người Xì nói tiếng Spanish mặc dù có người Brazil (Ba Tây) nói tiếng Portuguese (tiếng Bồ Đà Nha). 
Người Mễ vượt biên sang Mỹ cốt để kiếm việc làm hay tìm cơ hội tương lai cho trẻ con bởi nơi họ sinh ra đầy dẫy băng đảng ma tuý, bạo lực, và không có việc gì để làm. Tôi nghĩ người Mễ hơi lớn tuổi ít quan tâm học tiếng Anh vì họ nghĩ Hiến pháp nước Mỹ đâu có bắt buộc ai cũng phải sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức? Với cái đà sinh đẻ của người Mễ ở Mỹ thì trước sau gì người nói tiếng Xì cũng sẽ qua mặt người nói tiếng Anh! Mà không cần chờ tới cái ngày ấy, tất cả các thông tin và tài liệu của chính phủ ngày nay, từ tòa án, nhà thương, trường học, bầu cử, thi bằng lái xe, thi nhập quốc tịch, xin trợ cấp wealthfare… đều phải in song ngữ với tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha rồi. Nhiều sắc dân khác, như Việt Nam cũng được hưởng theo. Từ đó, sự trợ giúp càng ngày càng leo thang tạo ra một cái nghề mới là nghề làm thông dịch viên (translator) vừa nhàn vừa được lương cao khiến lớp người di cư đến nước Mỹ về sau này cảm thấy không cần thiết phải học tiếng Anh nữa! 
Tôi cũng nghĩ người Mễ đâu cần trở thành công dân Mỹ để bàn chuyện chính chị chính em chi cho mệt? Họ như người Việt đi lao động nước ngoài, nhưng không cần đăng ký đôi chân. Một khi vượt qua biên giới an toàn, họ phải kiếm việc làm ngay để có tiền gửi về nước giúp gia đình. Họ siêng năng làm những việc nặng nhọc ngoài trời mà bây giờ người Mỹ trắng, Mỹ đen, hay Mỹ vàng đều chê không thèm làm như xây cất, trồng rau, hái trái, chặt cây, cắt cỏ, quét dọn, khuân vác… Tôi nghĩ, ngay cả việc tập thể dục, nếu làm biếng, bạn cũng có thể mướn một người Mễ tập giùm! 
Năm 2017 người Mễ ở Mỹ đã gửi về nước một số tiền không lồ trên 30 tỷ đô la! 
Nếu không có người Mễ thì bốn tiểu bang California, Arizona, New Mexico, và Texsas có chung biên giới với Mễ sẽ ra sao? Không ai bận tâm lo nghĩ điều đó vì cho rằng Mễ cần Mỹ, chứ Mỹ không cần Mễ! Nhưng Mễ là một thực tế “không thể chối cãi” có chung biên giới với Mỹ, chạy từ miền nam California qua sa mạc rộng lớn ở Arizona và New Mexico đến mũi phía nam Texas trong vịnh Mexico dài 1,954 dặm (3,145 km); trong đó đã có 654 dặm tường hoặc rào cản nhân tạo xây sau năm 2006. Tổng thống Trump lập luận rằng một bức tường dọc biên giới phía nam, cùng với các biện pháp an ninh khác, sẽ ngăn chặn tội phạm và dòng ma túy. 
Tôi không xài đồ Tàu, nhất là những đồ độc địa giết người nên tôi ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để trấn áp hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ, thao túng thị trường và các hàng rào thương mại khác của Trung Quốc; nhưng tôi có dùng đồ Mễ và thường đi chợ Food City. Mỗi ngày tôi ăn một quả bơ và nhớ kẻ trồng cây! 
Tôi đã đến thành phố biên thùy Nogales ngó hàng rào cản xấu xí do Mỹ xây chia hai thành phố cùng tên ở biên giới mà buồn cho tình láng giềng! Không thể nào ngăn chặn được tội phạm và dòng ma túy xâm nhập vào nước Mỹ trừ khi Mỹ xây được bức tường vĩ đại ghê gớm như Do Thái đã xây để vây nhốt và được phép bắn bỏ dân Palestine gây rối trong Bờ Tây (West Bank)! 
Mỹ không thể thay đổi láng giềng, cũng không thể làm Mỹ tốt hơn bằng cách xây tường. Mỹ cũng có quá nhiều tội phạm và là thị trường tiêu thụ ma túy béo bở nhất thế giới. Cách hay nhất là hợp tác với láng giềng, mở cửa biên giới cùng bắt giết tội phạm ma túy, biến Mỹ là nơi làm việc sản xuất và Mễ làm nơi nghỉ hưu. Mỹ sẽ dễ dàng đánh bại đối thủ kinh tế Trung Cộng vì lao động Mễ giá rẻ. Việc này đáng lẽ Mỹ phải làm ngay sau chiến thắng Chiến tranh Mễ-Mỹ (Mexican-American War 1846-1848) thay vì chiếm một phần ba, tại sao không chiếm trọn xứ Mễ để Tổng thống nước Mỹ ngày nay không phải gây lộn với Quốc hội đòi tiền xây tường biên giới chặn dân nhập cư lậu? 
Tôi có nghe chuyện một chàng trai Mễ phải đau đớn từ bỏ mối tình với bạn gái Việt Nam vì gia đình cô gái khinh rẻ người Mễ làm tôi bất bình! Tình yêu sao lại có bức tường chủng tộc ngăn cách nhỉ? 
Tôi biết một cô gái Mễ thích bạn trai Việt Nam làm cùng hãng nên đã hỏi đùa người bạn Việt Nam hơi nhút nhát ấy: 
– Đã có bạn gái đồng hương chưa? 
Anh cười bẽn lẽn: 
– Con gái Việt Nam “chảnh”; cháu thích gái Mỹ tóc vàng đẹp và dễ làm bạn hơn. 
Tôi đành nói: 
– Tôi hoàn toàn đồng ý! 
Được ít lâu, anh bạo dạn đi với một cô gái tóc đen rất hiền và đẹp vào tiệm; biết tôi ngạc nhiên, anh nói nhỏ: 
– Bạn cháu là người Mễ. 
– Tài thật! Làm thế nào chinh phục được bố mẹ của cô bạn? 
– Mẹ thì dễ, nhưng bố khó chịu vì cháu lỡ học tiếng Pháp… 
– Bỏ tiếng Pháp vô dụng để học ngay tiếng Xì. Tạm thời, mỗi lần đến nhà bạn gái, nhớ mang theo một két bia Mễ hiệu Coors hay Corona đối ẩm lai rai với ông cụ thì sẽ có hiệu quả ngay! 
Vì ở tiểu bang có quá nhiều người Mễ nên tôi cảm thấy mình đang ở ngay trên nước Mễ rồi, đâu cần phải theo bạn bè lái xe qua Rocky Point chơi mới biết xứ Mễ nhỉ? Tôi chỉ bước qua biên giới chia đôi thành phố Nogales hai lần trong vài ba giờ để khám phá một chút sinh hoạt của thành phố biên thùy mà vất vả bị chào đón vì lỡ sinh ra giống “người lạ”: 
– Ní hao ma? 
Tôi phải bắt chước nàng, trả lời rõ ràng: 
– Xin chào! Việt Nam! 
Bảo đảm người láng giềng nghe bạn chào câu ấy sẽ tỏ thái độ thân thiện ngay.