Đi Về Việt Nam

Đi Về Việt Nam
Thái-Vinh

Vì Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 12 họp gần kề Tết Bính Thân hết sức khẩn trương nên chúng tôi phải đợi Trung Cộng chỉ đạo cho Trọng Lú an bài bầu bán với kết quả “dân chủ đến thế là cùng” thành công mỹ mãn mới dám rủ nhau đi về Việt Nam. Có người dạn hơn tôi, không quan tâm tới chuyện chính trị chính em vẫn tỉnh bơ đi về trong kỳ họp đảng, hỏi tôi:
– Nên nói đi Việt Nam hay về Việt Nam mới chính xác?
– Hùm…bày đặt chơi chữ; sợ bị quăng nón cối chứ gì? Đối với người Mỹ thì phải nói đi Việt Nam; người Việt Nam thì nói về Việt Nam; người Mỹ gốc Việt Nam thì nói đi về Việt Nam…
– Thế còn người Việt Quốc Gia?
– Ồ… Người Việt Quốc Gia thì không đi, cũng không về!
Thấy người bạn trầm ngâm, tôi thân mật hỏi:
– Thế anh đi về ngã nào?
– Thì vẫn qua ngã Tân Sơn Nhất; rồi lấy máy bay ra Hà Nội trùng ngày khai mạc Đại Hội Đảng…
– Thế sao không đi về ngã Nội Bài?
Ông nói nhỏ:
– Bà nhà tôi sợ rét, không chịu đi về Hà Nội mùa Tết! Hình như anh cũng mới đi về Việt Nam?
– Vâng; nhưng chúng tôi né Tân Sơn Nhất, cũng không đến Nội Bài…
Tôi bỏ lửng câu nói để anh tiếp chuyện cặp vợ chồng mới từ Việt Nam sang Arizona đoàn tụ gia đình. Tôi vui vẻ nghĩ tới lời rỉ tai của Nguyễn Xuân Phúc, người vừa lên ghế Thủ tướng Việt Nam thay Nguyễn Tấn Dũng, đã hứa với đại biểu các tỉnh chưa có sân bay nếu ủng hộ Phúc trong kỳ Đại Hội Đảng vừa qua chắc chắn Phúc sẽ “cho” một dự án sân bay địa phương; rồi đây những tỉnh nào nào đã có sân bay sẽ “cho” nâng cấp thành sân banh quốc tế. Hiện tại Việt Nam có 5 sân bay quốc tế là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, và Phú Quốc. Việt Nam đang biến đảo Phú Quốc giống như đảo Jeju của Đại Hàn thành đảo du lịch quốc tế không cần Visa.
Chuyến bay KE 468 của hãng hàng không Korean khởi hành từ phi trường Incheon, Seoul lúc 8 giờ 30 phút tối Chúa Nhật đến phi trường Cam Ranh lúc 11 giờ 40 phút cùng đêm, không chở nhiều khách Việt, đỡ phải nghe người đồng hương xổ tiếng Đan Mạch như trong các chuyến bay đến Sài Gòn hay Hà Nội. Điểm son ở trạm kiểm soát nhập phi cảng Cam Ranh là không có màn nhân viên xin tiền hay làm khó dễ người Việt ở nước ngoài phải kẹp tiền mãi lộ vào sổ thông hành như ở Tân Sơn Nhất đã làm xấu đi hình ảnh của thiên đường cộng sản; để rồi chửi bới thiên đường đó và lại tiếp tục đi về nữa! Trước chuyến bay của chúng tôi vài phút đã có chuyến bay của Nordwind thuê chở du khách Nga, sau đó còn mấy chuyến bay từ Thành Đô, Quảng Đông, và Hải Nam của Tàu Cộng. Tôi ra bên ngoài phi cảng nhìn không thấy Vịnh Cam Ranh, chỉ thấy anh công an đứng trong bóng đêm hút thuốc lá. Vịnh Cam Ranh (Cam Ranh Bay) là một trong những vịnh nước sâu thiên nhiên và kín gió tốt nhất trên thế giới mà hết Pháp, tới Nhật, Mỹ, Nga, và Tàu Cộng đều muốn dùng làm căn cứ quân sự kiểm soát Biển Đông đang bị Tàu Cộng ngang ngược chiếm đoạt. Căn cứ quân sự Cam Ranh bao gồm hải cảng và phi trường Cam Ranh do quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1965 và sử dụng cho đến năm 1973 thì trao lại cho Không quân Việt Nam Cộng Hoà. Hải quân Sô Viết và sau nầy Nga tiếp tục sử dụng toàn bộ căn cứ quân sự Cam Ranh từ năm 1979 đến năm 2004 theo hiệp ước 25 năm thuê bao miễn phí để trả nợ giúp Miền Bắc chiến thắng Miền Nam (?); nhưng đã kết thúc sớm hơn hai năm.
Thành phố Nha Trang còn cách Cam Ranh 30 km. Chúng tôi lên lầu ngồi chờ sáng và xem du khách Nga, Tàu đổ bộ Cam Ranh. Nghe nhân viên rao đổi tiền bằng tiếng Nga và tiếng Tàu rất lưu loát; nhưng nghe kỹ chỉ thấy lập đi lập lại mỗi một câu căn bản “Đổi tiền tại đây” rồi sau đó nói bằng tay bấm máy tính. Tôi lan man nghĩ bậy chỉ cần một chuyến bay đêm, Tàu Cộng cũng đủ sức chiếm cảng Cam Ranh. Khoảng 6 giờ sáng, bình minh ló dạng vẫn chưa thấy biển. Tài xế tắc xi chở chúng tôi chạy dọc theo biển đang mọc lên nhiều công trình xây dựng dành cho kỹ nghệ du lịch lại che khuất biển! Từ khi Cam Ranh tách rời khỏi Nha Trang để trở thành đô thị vào tháng 12 năm 2010 thì Cam Ranh như chìm vào quên lãng! Cảm giác đầu tiên khi tôi trở lại Nha Trang sau 5 năm xa cách là Nha Trang đã biến thành một thị trấn nào đó ở nước Nga! Các bảng hiệu buôn bán, ăn uống, giải trí, hay quảng cáo du lịch đầy dẫy tiếng Nga rất khó gỡ bỏ cho dù anh tài xế xe tắc xi hết sức chê bai khách du lịch Nga keo kiết và không đàng hoàng…
– Xin cho một ví dụ không đàng hoàng?
– Họ đứng bên kia đường vẫy tay đồng ý chờ; khi mình quay xe lại thì họ đã nhảy lên xe khác!
– Thế còn khách du lịch Tảu?
– Tàu họ có tua riêng do Tàu tổ chức.
Tôi nghĩ anh tài xế nầy bi quan và khó tính chứ cả nước, bắt đầu từ lớp Tư đã học tiếng Anh thì sợ gì tiếng Nga; và Việt Nam đã có Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong buổi lễ nhậm chức đã dám kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng dầu và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi cửa Vịnh Bắc Bộ!
Chúng tôi gửi hành lý ở Paris Nha Trang Hotel, rồi dạo phố tìm quán ngon ăn quà sáng. Đi ngang qua các ngã ba hay hẻm cụt, thấy khách hàng ngồi chồm hổm thoải mái thưởng thức các món thơm nứt mũi, mẹ con nàng đều đồng ý với tài quan sát của tôi là tất cả các quán ngon ở Việt Nam đều nằm ở vỉa hè! Tuy nhiên dù đã mang sẵn thuốc đau bụng, nàng vẫn cẩn thận dặn chủ quán bún riêu trụng sơ đĩa rau sống. Kết quả không thể chê. Nếu bát bún riêu to hơn chút xíu thì có lẽ mức độ hài lòng của mẹ con nàng còn cao hơn một tầng nữa? Từ đó về sau, tôi thấy mẹ con nàng dạn dĩ bỏ luôn màn rau sống trụng nước sôi và còn xơi luôn cả mắm tôm nữa!
Theo chương trình do trưởng đoàn Quốc Lâm hướng dẫn đã soạn sẵn sẽ gặp nhau ở Nha Trang tắm biển và tắm bùn, rồi lên Đà Lạt, xong lại xuống Nha Trang đi xe lửa ra Đà Nẵng thăm phố cổ Hội An và đi dần ra Hà Nội. Tôi được thế chỗ vào giờ chót nhờ mẹ Loan bỏ cuộc. Lần trước từ Lào đi về Nha Trang, tôi đã tắm biển và tắm bùn nên ra ga xe lửa Nha Trang mua vé đi về Diêu Trì thăm mẹ. Ga Diêu Trì thuộc tỉnh Bình Định cách Nha Trang 219 km.
– Chú cho coi chứng minh thư nhân dân?
Vì giấy tờ bí mật đeo giấu trong quần, tôi ngập ngừng:
– Ồ… tôi không có chứng minh thư nhân dân…
– Chú cho tên họ và năm sinh?
Nếu cô bán vé hỏi Passport thì tôi phải đưa thôi; không ngờ mình đã chẳng xuất trình giấy tờ gì mà lại được mua loại vé giảm giá cho người cao tuổi, thật sảng khoái! Chuyến tàu lửa SE8 phát xuất từ Sài Gòn lúc 6 giờ sáng đi Hà Nội; tàu ghé Nha Trang lúc 13 giờ 18 phút và thả tôi xuống ga Diêu Trì lúc 17 giờ 06 phút. Tuy ngồi ghế ngược hướng tàu chạy, nhưng vé loại NML (N=ghế ngồi, M= mềm, L= Lạnh = có điều hoà) lại được nghe ké các vị khách cao tuổi ngồi chung quanh nói chuyện quên xem cảnh.
– Hùm … ghế không điều chỉnh độ quay như yêu cầu!
– ĐM! Toàn một lũ bán nước!
– Bác đang mắng ai đấy?
– Bè lũ tay sai trong Tổng Công Ty Đường Sắt đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc; chứ còn ai?
– Thì ở trên bảo sao phải nghe vậy?
Tôi thích thú lắng nghe câu chuyện lan man kéo dài qua nhiều đề tài nóng khác thì nhân viên xe lửa rao to:
– Nhà mình có mua vé ăn cơm tối không ạ?
– Bao giờ ăn tối?
– Khoảng 5 giờ chiều.
Nghe 5 giờ thì sắp đến ga Diều Trì, tôi lắc đầu. Người ngồi bên cạnh đưa 35 ngàn, hé khẩu trang trề xuống:
– Cho một suất vé cơm tối.
Tôi làm quen:
– Chị xuống ga nào?
– Ga Vinh; còn nhà bác?
– Ga Diêu Trì.
Hình như không thích thú nói chuyện với người lạ sợ lây vi trùng, chị kiếm hai ghế trống nằm ngủ chờ cơm. Một cô gái đẹp ở dãy ghế bên kia đứng dậy tìm ổ cắm xạc điện thoại, nhìn tôi mỉm cười:
– Khi nào sắp đến ga Diêu Trì, nhờ bác cho cháu biết nhé?
– Để chi vậy?
– Để cháu xuống ga mua cơm tối.
– Sao không mua cơm xe lửa?
– Cơm xe lửa nuốt không vô, bác ơi!
Biết cô gái gốc Hà Nội vào Nha Trang dạy học, tôi hỏi:
– Cô thấy người miền Trung và miền Nam thế nào?
– Người trong nầy rất dễ chịu, không như người Hà Nội, bác ạ!
Tôi đeo xắc ba lô lên vai, chào cô giáo, rồi như một kẻ đi làm ăn xa tôi rảo bước trở về đứng trước cổng nhà, gọi nhỏ “Minh-Chi, anh đã về!” Em gái tôi quên mang dép chạy ra mừng!
Mẹ tôi đã 95 tuổi; tuổi đại thọ, đã từng sang Mỹ thăm con cháu. Mẹ tôi ngồi chăm chú ngó tôi, rồi cười khúc khích. Dù đã biết mẹ lãng trí, nhưng tôi vẫn trìu mến hỏi:
– Mẹ biết con về không?
– Sao lại không?
– Con là ai?
Bà ngẫm nghĩ mãi, rồi cười khúc khích. Trong nhà mẹ tôi chỉ biết hai khuôn mặt thân ái là chị Bảy giúp việc săn sóc cho bà, và em gái tôi đã từ Mỹ trở về trông nom mẹ từ hơn hai năm qua. Mẹ tôi có trí nhớ tuyệt hảo; nhưng ba năm trước, như thường lệ mỗi buổi sáng bà thường ra đứng trước cổng nhà chào hàng xóm đi qua lại và cho tiền những người trông có vẻ túng kém không có tiền tiêu xài; bỗng có hai cô gái trẻ đẹp áp lại tâng bốc khen “Bà ơi, bà đẹp quá! Bà cho phép chúng con quay phim phỏng vấn chiếu trên đài truyền hình, bà nhé?” Mẹ tôi sung sướng, sai bà Sáu là người giúp việc trước chị Bảy, xách rổ xuống chợ mua thức ăn làm cơm đãi khách. Bà Sáu nghi ngờ không chịu đi; nhưng mẹ tôi ép quá bà phải chạy đi chợ ngay. Vài phút sau trở về thì mẹ tôi đã nằm sùi bọt mép với cốc trà vỡ tung toé trên sàn nhà! Hai cô gái giả làm nhân viên đài truyền hình đã lột sạch sẽ nhẫn cưới, bông tai, và tiền bạc mẹ tôi để dành trong tủ. Tuy được cấp cứu và súc ruột; nhưng trí nhớ và sức khoẻ của mẹ tôi sa sút dần! Mẹ tôi như ngọn đèn dầu treo trước gió.
Năm ngày về thăm mẹ, ngoại trừ mỗi buổi sáng sớm các cháu Tâm, Trí đến chở tôi đi tắm biển Quy Nhơn, một lần ra đồng xem gặt lúa, và lên Ghềnh Ráng thăm mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử, tôi thường quanh quẩn bên mẹ. Mẹ tôi có thể ngồi suốt ngày nhìn tôi không mệt mỏi. Hình như trong tiềm thức của mẹ đang sục sạo cố nhớ tôi là ai? Một hôm mẹ vuốt tóc tôi, rồi hỏi một câu mà suốt đời tôi chưa bao giờ được nghe “Sao tóc của con bị mốc vậy?”
Tóc tôi không bạc, chỉ bị mốc thôi! Tóc bạc thì già rồi; còn tóc bị mốc là tóc bị bẩn chỉ cần lau hay gội là sạch ngay! Con vẫn là đứa con nhỏ bé của mẹ, mẹ ơi!
Tiếng còi xe lửa thét giữa đêm khuya và con đường trước nhà bị các buổi chợ xâm lấn buôn bán ồn ào từ ba bốn giờ sáng làm tôi mất ngủ; nhưng mẹ tôi từ Mỹ đã vui mừng trở về vì không thể thiếu những hình ảnh và tiếng động quen thuộc ấy. Lúc nào mệt, em gái tôi đỡ cho nằm xuống ngủ là mẹ ngủ say.
Em gái tôi thương mẹ lắm. Em đã nấu cho tôi thưởng thức hai món ăn yêu cầu; tuy đơn giản và tầm thường, nhưng canh lá giang với cá bớp và lẩu lá giang với thịt gà là hai món ăn nhà quê ngon tuyệt đỉnh!
Hôm tôi đi, cầm tay mẹ:
– Mẹ thương con không?
– Sao lại không?
Thông thường thì người bị lãng trí lập lại chữ cuối cùng của câu hỏi:
– Thương nhiều hay ít?
Mẹ ngó tôi, ngẫm nghĩ rồi nói:
– Nhiều.
Lòng mẹ thương con vẫn không thay đổi!