Mẹ ơi!

Mẹ ơi!
Thái-Vinh 

Trên thế giới có một nơi không nằm trong số những nơi tôi ao ước đến thăm một lần trước khi chết là Phi Châu vì Phi Châu luôn bất ổn và là ổ của các nhóm khủng bố coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Mẹ con nàng còn có quốc tịch Pháp phòng hờ; chứ tôi chỉ có mỗi một cái quốc tịch Mỹ, nếu bị khủng bố bắt cóc đòi tiền chuộc thì mẹ con nàng làm gì có tiền; chắc chắn đành nhìn tôi chịu chết? Ấy vậy mà tôi sắp theo mẹ con nàng đi Phi Châu! 
Còn hơn một tháng trước ngày đi Phi Châu, mẹ con nàng đang dạo chơi tại khu du lịch núi Bà Nà Đà Nẵng vùng lấy xe lửa đột xuất về Diêu Trì thăm mẹ tôi một đêm. Đêm đó, nàng đã tiên tri và gửi tin nhắn khuyên tôi nên lập tức rủ tất cả các con của mẹ cùng về thăm một lần; đừng đợi mẹ mất rồi mới về! 
Chỉ sau một tuần kêu gọi, Minh-Chi, em gái út của tôi ở Mỹ lo lắng không thể ngủ được, liền bay về ngay với mẹ. Em là người con duy nhất được vinh dự chăm sóc mẹ và gần gụi với mẹ nhất. Gần ba năm trước, em phải xa mẹ để sang Mỹ chăm sóc con gái và cháu ngoại mới sinh; mẹ phải về ở với gia đình cháu Tuyến, con trai trưởng của em, được sự chăm sóc chu đáo tuyệt vời của cô cháu dâu Tuyết-Mai và chị Lợi giúp việc; lại có thêm hai chắt ngoại là Bảo-Trâm và Thành luôn quấn quýt bên bà. Tôi đã đi xe trong mùa bão năm 2017 về thăm mẹ. Lúc đó mẹ đã không còn nhớ đứa con xa mẹ lâu nhất; nhưng sức khoẻ của mẹ vẫn ổn. 
Sau đó Ái-Hoa, em gái kề tôi cũng đã bay về bên mẹ được một tháng, rồi lại đi. 
Sáng sớm ngày 12 tháng 4, nàng và tôi chia tay nhau tại phi trường Phoenix. Nàng đi Philadelphia và sẽ cùng con gái bay qua Phi Châu như chương trình đã soạn; còn tôi về Sài Gòn. Lợi dụng được nghỉ thêm ba ngày, tôi bay ngay lên Đà Lạt thăm mẹ vợ mà tôi rất yêu mến gọi là Mẹ Đẹp (belle mère) vì biết một khi đã về với Mẹ Đẻ thì tôi sẽ không còn tâm hồn nghĩ về ai nữa. 
Đêm mưa Đà Lạt nằm trằn trọc một mình trong căn phòng cũ trên lầu, tôi gửi tin nhắn cho em gái: 
– Anh thức dậy từ 2 giờ sáng. Buồn quá; ngủ không được! 
Lập tức nhận được tin nhắn trả lời chung cho “Các Con Của Mẹ”: 
– Em cũng dậy vỗ lưng cho mẹ từ nãy giờ. Mới đây mẹ vừa lên cơn mệt; thở không nổi, miệng há hốc giống như muốn trăng trối hay nuối một ai đó. Phải đỡ ngồi dậy đấm lưng mới tạm ổn. Mỗi ngày 3-4 lần như thế. Bây giờ mẹ mới ngủ ngon. Toàn thân mẹ hư hao không sót chỗ nào. Nhìn mẹ mỗi ngày như thế em quá đau lòng! 
Anh tôi là bác sĩ; vì lý do sức khoẻ không về được cũng chỉ biết khóc “chứ biết làm sao bây giờ?” 
Hai đêm ở trong một biệt thự rộng lớn bao quanh bởi khu vườn đầy hoa và cây ăn trái chỉ có hai mẹ con tại Đà Lạt; tôi thật sự được sống trọn vẹn làm một đứa con của mẹ đẹp. Ngay buổi sáng đầu tiên, sau khi ăn “Bánh Mì Xíu Mại Chén” hai mẹ con đi ra Phương Trang mua vé xe; hôm ấy không có xe. Mẹ về lấy len sợi ra tiếp tục đan móc; tôi đánh bộ ra phố nhờ Dũng chở đến Ga Đà Lạt mua vé xe lửa. Sáng hôm sau tôi đi, mẹ gửi chiếc áo len tặng cháu Thái-Thanh để mai sau còn có kỷ niệm nhớ ngoại. 
Chiều ngày 16 tháng 4 tôi đi xe lửa về tới nhà. Mẹ cũng đã được đưa từ nhà cháu ngoại về nhà của mẹ từ tuần trước. Mẹ ngủ li bì, không lộ vẻ đau đớn, chỉ có hơi thở khó khăn. Em tôi đánh thức mẹ dây. Mẹ mở mắt nhìn tôi, đứa con được cho là giống ba nhất vui mừng gọi “Mẹ ơi, Vinh đây mẹ!” Nhưng đôi mắt mẹ mệt mỏi khép lại. 
Tôi tham gia ngay vào việc săn sóc giúp mẹ ăn uống, tắm rửa, uống thuốc, xoa bóp… Thức ăn có cháo cá hay cháo tôm xay nhuyễn, sữa Ensure, nước yến, nước cam vắt, nước dừa… toàn là những món ngon dễ nuốt. Trước đây một tháng mẹ còn tự hả miệng mỗi khi thấy thìa thức ăn, và còn tự nhai nuốt dù không còn răng. Bây giờ phải cần hai người; một người ngồi ôm mẹ, và một người cho ăn. Ăn và thở bằng miệng nên cho mẹ ăn cũng phải kiên nhẫn và dịu dàng như cho em bé ăn. Tôi ngồi ôm mẹ trong vòng tay, nở nụ cười héo hắt, véo môi đánh thức mẹ “Em bé ngoan! Hả miệng ra, ăn cho chóng lớn anh thương nhé?” 
Mỗi sáng sớm, bồng mẹ tắm rửa rất khó khăn mà xót xa đau lòng vì mẹ nặng như cục đá đúng như anh tôi đã nói ba cơ quan có thể gây ra nước ứ đọng là tim, thận, hay gan của mẹ đã bị trục trặc rồi! Chắc mẹ đau đớn lắm, nhưng không hề rên la! 
Em tôi đùa: 
– Hôm nọ có ông thầy coi tướng mẹ, rồi quả quyết bà cụ sẽ sống thêm ít nhất hai năm nữa. Tháng 8 em đi; anh thay phiên về chăm sóc mẹ nha? 
– Vậy anh phải về Mỹ sắp đặt lại. Cần phải tìm thêm một người làm nữa để phụ cô Lợi. Này cô Lợi, cô có thể tìm giúp một người có sức khoẻ phụ cô, được không? 
Lợi nói ngay: 
– Ông xã của con? 
Em tôi xua tay phản đối: 
– Vợ chồng mày mỗi tuần gặp nhau hai ngày làm tao đã chới với; còn bày đặt gặp nhau mỗi ngày, ai trông mẹ tao? 
Hai ngày cuối tuần, cô Lợi về nhà. Nghe bạn bè gọi điện rủ em gái họp bạn, tôi bảo “Em nên đi ra ngoài chơi với các bạn cho thư giãn một lúc; anh ở nhà trông mẹ được.” 
Nhờ cô y tá Hà mượn được cây đàn, tôi ngồi bên mẹ trong ngôi nhà vắng vẻ buồn hiu, chảy nước mắt hát đi hát lại bài “Mẹ Là”, thơ của Lê Trọng Nghĩa do Trịnh Hưng phổ nhạc: 
Mẹ là tất cả ý thơ 
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm 
Mẹ là bài hát thần tiên 
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha 
Mẹ là biển rộng bao la 
Mẹ là gió mát, mẹ là trăng thanh 
Mẹ là trái ngọt cây lành 
Mẹ là trái chín trên cành đợi con… 

Ngày Chúa Nhật 21 tháng 4, tôi đang tha thiết cầu nguyện xin Chúa Giê-su cứu vớt mẹ thì nhận được tin nhắn của Anh-Tiến, bạn học cũ từ Sài Gòn: 
– Gửi lời thăm đến gia đình bạn nhân ngày lễ Phục Sinh. 
Tôi vui mừng, trả lời ngay: 
– Trong cơn gian nan, một cái tin nhắn thân tình ngắn ngủi của bạn cũng đủ giúp tôi cảm thấy bình an. Bình an đối với tôi không phải dành cho người thiện tâm mà chỉ vì tôi ôm người mẹ thương yêu đang chết dần trong tay làm tâm hồn tôi đau đớn, và tôi tìm đến lời Chúa “Thầy để lại bình an cho các con” như một liều thuốc an ủi xoa dịu tâm hồn! 
Tôi lại nhận được tin nhắn của Kim-Quy từ Paris, cô bạn vui tính của trường Nữ Công Gia Chánh năm xưa: 
– Hôm nay bà cụ thế nào rồi anh? 
– Tôi không biết nói thế nào vì bà không mở mắt, không cử động, trừ cái miệng dùng để thở và uống sữa! 
– Quy đã nói với anh là thận hư sẽ làm cho hôn mê đến khi bà đi cũng sẽ không tỉnh lại đâu. Chờ ngày giờ tốt để đi thôi! 
Tôi từ chối, không tin mẹ sẽ bỏ các con. Mẹ còn chờ gặp anh Hai, em Bốn, và chú Út? Sáng nay, tôi bế mẹ ra ngoài tắm rửa. Tay mẹ vẫn tự nắm chân ghế thật chặt vì sợ té. Bên tai tôi văng vẳng lời thầy tướng “Bà cụ sẽ sống thêm ít nhất hai năm nữa.” 
Tôi gọi điện nhờ cô bạn là Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa giúp cho việc thông nước phù ứ trong người mẹ. Cô nói ngày nghỉ tìm người rất khó, nhưng sẽ cố gắng. Buổi trưa hôm đó, cô đến với bác sĩ Trưởng Khoa Hồi Sức Nội, Thạc sĩ Y khoa, Tu nghiệp tại Pháp, Chuyên khoa Nội tổng quát – Tim mạch… Ông không thông nước phù ứ, mà khuyên phải gia tăng thức ăn có chất đạm mỗi ngày ăn ít nhất 6 bát đầy, rồi ông cố đút ống dẫn thức ăn qua mũi vào dạ dày ba lần thất bại khiến mẹ đau đớn làm em tôi sợ hãi, xin ông đừng đút ống nữa! Ông bảo đổi sữa Ensure ra Abbott chỉ có bán ở tiệm ông chỉ định, và mua loại băng keo dán vết thương bị loét, vài loại thuốc linh tinh chỉ có bán ở phòng mạch của ông chiều nay, và khuyên nên mua nệm hơi chống loét cho mẹ nằm… Tiền công cho chuyến thăm bệnh quá rẻ, chỉ một triệu đồng. Trước khi đi, ông còn hỏi tôi ở Mỹ đã có thẻ xanh chưa làm tôi sửng sốt! 
Tôi nhất định không đến phòng mạch của ông lấy thuốc; nhưng em tôi sợ phụ lòng tốt của cô Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa nên đề nghị cứ đi lấy thuốc, nhưng không dùng! 
Rất may có Hà, cô y tá của Phòng Khám Đa Khoa đến thay băng vết thương cho mẹ, đã tư vấn rất hợp ý chúng tôi “Hãy quên vị bác sĩ ấy!” 
Nhưng tôi đồng ý một đề nghị của bác sĩ ấy là phải mua một cái nệm hơi chống loét cho mẹ nằm. Sáng hôm sau, ngày 22 tháng 4 cháu Tuyến chở tôi đi tìm một cửa hàng vật tư y tế mua được một cái nệm hơi chống loét và một cái ghế ngồi tắm bằng kim loại vững chắc để thay thế cái ghế nhựa khoét lỗ mong manh. Lúc ra xe, điện thoại đang reo liên tục. Tôi bàng hoàng nghe giọng Tuyết-Mai hoảng hốt gọi chồng “Về gấp! Ngoại mất rồi!” 
Về nhà thấy khách quen, lạ ngồi đầy. Mẹ tôi hiếm khi được nằm ngửa ngủ say. Tôi ngậm ngùi vuốt mắt mẹ, hôn mẹ, và nói thầm lời vĩnh biệt: 
Mẹ ơi, mẹ đã sống một cuộc đời mà con cho là “oanh liệt” không thiếu một việc gì khó khăn mà mẹ không làm. Mẹ đã sống vượt quá ước mơ nên con đã dặn các em và con cháu không có gì phải than khóc buồn rầu…
Lúc này hàng chục người đang bàn thảo sôi nổi về tang lễ. Tôi là người trưởng tràng trong gia đình vì anh chị tôi không về được. Tôi chẳng biết gì nên giao hết cho cháu Tuyến là con trai trưởng của em tôi lo liệu. Tôi rút vào phòng riêng trên lầu một mình cầu nguyện bỏ cả ăn uống. Tôi muốn khi chết, tự chống gậy ra nghĩa trang cho đỡ nhức đầu! 
Khi màn đêm buông xuống, người thân quen và hàng xóm kéo đến càng lúc càng đông. Tiếng kèn ta và đàn cò của Ba Khởi, đàn Hạ Uy Di của Sáu Giáo, tiếng trống cơm của Long Bong nổi lên, vui như đám hát làm tôi tò mò xuống coi. Em tôi đang ca, chợt thấy tôi liền trao máy; sẵn máu văn nghệ, tôi hát luôn mấy bài. Cổng sắt đã được tháo ra. Đêm canh quan tài với những nhân vật như Sáu Dõ, Sáu Trị, Bảy Út, Tùng Bơ Vơ… uống rượu bia như uống nước lã, thức luôn tới sáng. Dịch vụ mai táng bao thầu hết. Muốn kèn tây có kèn tây. Ngoài “Thuận Kèn” thổi xaxophone riêng một ngày, còn có một đội kèn tây với 8 nhạc sĩ mặc đồng phục thổi xaxophone, trombone, French horn, đánh trống và hát các bản nhạc buồn Bolero làm đê mê tâm hồn các cô gái quê thích hát Karaoke. Ngoại trừ một ngày hai lần tụng kinh hiếu kính cúng cơm dâng mẹ do hai sư cô điều khiển theo nghi thức tang lễ Phật giáo hơi dài cộng với thời tiết nóng bức làm người tham dự mệt mỏi thì tang lễ ngày nay ở Việt Nam là một ngày vui (nếu không chết trẻ). Đặc biệt màn biểu diễn lễ di quan có Ông Địa, Bát Giái, Tề Thiên Đại Thánh… trổ tài làm cả xóm đổ xô ra coi chật cứng! 
Tôi nghĩ nếu mẹ tôi linh thiêng được chứng kiến trọn bốn ngày tang lễ có mặt con cháu, bà con, bạn bè thân quen gần xa, có rất nhiều vòng hoa đẹp chia buồn, và có cả tiếng trống tiếng kèn vui như Tết tiễn mẹ ra đi về miền tiên cảnh chắc hẳn mẹ rất vui lòng? 
Tôi cũng nghĩ đến một ngày nào đó già yếu không còn ai thương nữa, tôi sẽ quay về cố hương nhờ một cô mạnh khoẻ săn sóc làm bạn vui chơi cho đến lúc chết cũng vui vì chết không còn là việc riêng mà là việc chung của mọi người trong làng xóm và bà con. 
Cuối tháng 4 tôi trở về Mỹ một mình với nỗi buồn của đứa con vừa mất mẹ thì nhận được tin nhắn của Kim-Quy: 
– Chúc mừng anh trở về nhà an toàn. Mẹ anh thương anh quá hé? Bà cụ đi đúng lúc để cho anh lo xong mọi việc đâu đó rồi đúng ngày lên đường không phải trở đi trở lại. 
Tôi buồn rầu: 
– Chắc bà cụ nghe tôi nói chuyện với em gái nên bà quyết định ra đi trong lúc tôi còn 6 ngày nghỉ. Tôi đã đi mua nệm chống loét và ghế tắm rửa cho mẹ vì không ai muốn mẹ mình chết cho dù cô đã cảnh báo ngày đi của mẹ gần kề! 
– Anh đã làm đúng tất cả cho mẹ để không phải ân hận mỗi khi nghĩ lại. 
– Cô nói thế cho tôi đỡ buồn, chứ tôi nghĩ mẹ đã cố gắng suốt mấy năm chờ gặp lại tất cả các con của mẹ lần cuối mà đành nhắm mắt buông xuôi! 
Tôi viết vài dòng gửi chung với cái video tang lễ mẹ cho anh tôi “Anh ơi, bây giờ anh em mình đều trở thành những kẻ mồ côi cha lẫn mẹ; nhưng may mắn là anh và em đều còn một bà mẹ khác là Mẹ Đẹp (belle mère). Vậy hãy thương yêu và giữ gìn bà Mẹ Đẹp nhé?” 
Tôi ngã bệnh kéo dài hai tuần lễ, phải đi bác sĩ. Hôm nay ngày 12 tháng 5 là “Ngày Cho Mẹ” (Mother’s Day), tôi ra trước nhà chụp bức hình “Hoa trắng dâng lên Mẹ hiền” đăng trên Facebook. Ở tiệm, một vị khách cằn nhằn với tôi về giá tiền quá đắt của bó hoa hồng và tấm cạc “Happy Mother’s Day”. 
Tôi hỏi: 
– Anh có muốn để dành tiền tấm cạc không? 
Anh cười thích thú: 
– Làm thế nào? 
– Hãy ngồi với một cây bút và tờ giấy trắng, viết một kỷ niệm vui về mẹ. 
– Thế còn bó hoa hồng? 
– Tôi vừa mất mẹ, xin chúc mừng anh còn mẹ để tặng hoa! 
Mẹ ơi, năm xưa còn bé, một lần thấy đám tang trong xóm, con có điều ước dại khờ là mong một ngày được mặc áo trắng và chít khăn tang như mấy đứa bạn nhỏ mất người thân. Nay gần cuối đời, con thật sự được mặc áo trắng và chít khăn tang thì đã mất mẹ… Mẹ ơi!

Thấy mèo nhớ chó

Thấy Mèo nhớ Chó
Thái-Vinh tặng Má, người thương chó nhất đời
(Đã đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 1 năm 2011) 

Tôi không thích mèo! 
Nói xong tôi bỗng giật mình. Đàn ông nào lại không thích mèo; nhất là loại mèo biết lườm nguýt và nũng nịu duyên dáng lại biết sợ chuột nè? 
Còn loại mèo bốn chân biết bắt chuột, tôi cũng thích. Nhưng vì có duyên với chó; mà mèo với chó chọi nhau như nước với lửa nên cả đời tôi chưa bao giờ có mèo, và mỗi lần thấy mèo tôi lại nhớ chó. 
Tôi đã đọc đâu đó trong một cuốn truyện cổ tích Tây phương, thấy chuyện chó tìm đến ở với loài người rất tình cờ. Thoạt đầu, trên bước đường lang thang chó và mèo kết bạn sống chết với nhau; nhưng mèo lười biếng, thường giả bộ nhức đầu và ăn ít, cứ nằm nghỉ mệt, bắt chó vất vả lo tìm thức ăn nuôi mèo. Chó mệt chịu hết nổi phải chia tay. Ít lâu sau, chó gặp chồn. Thấy chồn nhanh nhẹn và lém lỉnh, chó bèn kết bạn; nhưng đến lúc tìm được thức ăn, chồn thường lẩn tránh, ăn lén một mình. Chó lại chán nản bỏ đi. Rồi một hôm gặp thỏ. Thấy thỏ siêng năng và thành thật, chó lại kết bạn; cả hai có vẻ tương đắc với nhau lắm. Nhưng tình bạn giữa chó và thỏ cũng không được bền lâu vì một hôm gặp thú dữ, chó liều chết chống cự; còn thỏ vừa thấy nguy đã co giò chạy trốn. Chó buồn bã bỏ đi lang thang một mình đến gốc cây kia thấy một người đi săn đang nằm ngủ, chó tò mò lại gần liếm tay muốn kết bạn. Người đi săn thức dậy, thấy con vật dễ thương bèn ve vuốt và chia thức ăn; rồi chó cũng bắt chước chạy theo người, săn đuổi và nhặt mồi suốt ngày hôm ấy. Người đi săn thấy vậy rất bằng lòng bèn đem chó về nhà. 
Tôi không thích cách giải thích tình cờ của Tây phương cho lắm vì tôi chịu ảnh hưởng của Má tôi về tình yêu thương thú vật của bà để mai sau lỡ xuống cõi âm được chó dắt chủ vững bước qua cầu Nại Hà vào phủ Luân Hồi đầu thai chuyển kiếp tránh sa vào địa ngục tăm tối, và cũng theo tinh thần Phật giáo qua thuyết luân hồi Má tôi cho kiếp trước chó là một con người vô nghĩa bất trung, nên kiếp nầy phải chịu quả báo làm kiếp chó trung thành để trả nợ. Vì vậy tất cả những con chó mà Má tôi nuôi hay chó đói và chó hoang tự tìm đến tị nạn, Má tôi đều thương yêu và săn sóc như những đứa con riêng của bà. Đến mùa động tình, chó chưa thiến dái rạo rực chạy rông suốt đêm. Má tôi đang ngủ chợt tỉnh dậy thấy mất con Tý Nô, bà vội vã cầm roi đi tìm. Thấy ở chỗ tối dưới gốc đa con Tý Nô đang cùng bạn gái chung đít nhe răng chống cự với một lũ chó đực khác đang tức giận sủa khan tiếng, bà bèn quất cho mỗi đứa một roi đuổi chạy tan tác và kéo Tý Nô phải bỏ cuộc vui đem về bắt ngủ dưới đít giường khiến nó bực mình rên rỉ làm cả nhà đều mất ngủ. Chúng tôi bênh Tý Nô, thì bị Má rầy là nó còn nhỏ mà biết chơi bời sớm sẽ bị mất sức! Ba tôi nghe vậy biết bị nói xỏ xiên nên bực mình đứng dậy bỏ đi. Vì vậy tuổi về già mà hai ông bà vẫn thường hục hặc. 
Má tôi cậy có con cháu ở nước ngoài, nên đặt tên con chó cưng của bà là Tý Nô đọc ngược lại là Tony để lấy le với các bà hàng xóm; chứ hồi xưa, những con chó của Má tôi đều mang những cái tên rất tầm thường đặt theo màu lông như chó Mực, chó Vàng, hay chó Mốc… Con chó Vàng của Má tôi là một con chó đẹp chiến nhất xóm; nhưng vì chuyện tình ái không biết mệt của nó đã làm cả xóm mất ngủ triền miên. Nhân lúc Má tôi đi buôn xa, Ba tôi và chú Bảy Phụng bèn bắt thiến đi. Nó đau đớn bỏ nhà chạy lên núi trốn mấy ngày; ít hôm sau trở về biến thành một con chó mất hồn. Khi chúng tôi dọn về nhà mới, bắt nó bịt mắt bỏ theo xe. Về nhà mới, ở được ít hôm nó tự tìm đường về lại nhà cũ và chết già ở đó mấy năm sau. 
Còn con chó Mốc, ban đầu là chó của ông Xã Quyền hàng xóm nuôi để ăn cứt con gái mới đẻ của chị Bốn Hạnh. Nó chán ăn món cũ nên thường lén chun rào qua ăn cơm ké với con chó Vàng. Thấy nó có khiếu cắn mổ, anh tôi tập nó thành chó săn; nhưng vì cái đuôi của nó quá dài, lúc chạy cứ dựng đứng phất phơ làm chồn nhím vừa thấy lá cờ của nó đã chạy trốn hết. Anh tôi bực quá, bèn dụ cho nó ăn bên nầy hàng rào, để anh Ba Khương đứng bên kia chặt đứt đuôi! Từ ngày rụng đuôi, con chó Mốc điếng hồn đành trở về nhà cũ! 
Tôi không bao giờ dám nghĩ tới chuyện nuôi một con chó vì hình ảnh con chó Vàng bị thiến mất hai hòn bi mất đi niềm vui duy nhất của giống đực, hay cái đuôi chưa đứt hẳn của con chó Mốc dính lủng lẳng mấy ngày làm tôi rợn da gà nhiều năm. Cho đến năm đầu tiên thấm thía mùa đông lạnh lẽo ở Mỹ, bà Corkey là người bảo trợ đến thăm thấy tôi cô đơn buồn bã mới có ý muốn tìm cho tôi một món quà Giáng Sinh đặc biệt. Nhìn Dawn bằng đôi mắt trìu mến, tôi nói lí nhí muốn có một người bạn gái; nhưng bà cố tình nghe nhầm, mua tặng tôi một con chó Labrador lông vàng óng như tóc của Dawn, con gái cưng bà. 
Tôi muốn đặt tên con chó của tôi là Dawn, nhưng lại sợ mẹ của Dawn buồn, tôi bèn gọi nó là Jingle Bells (một ca khúc Giáng Sinh). Tôi thương con Jingle Bells của tôi lắm. Ban đêm khi tôi đi làm thì Jingle Bells ngồi đợi khóc trong cửa. Gần sáng tôi về ôm lau nước mắt, đánh răng, rồi bồng Jingle Bells lên giường ngủ. Dạo ấy, tôi còn ở chung với hai người bạn Việt. Họ rất khó chịu cái kiểu nuôi chó Mỹ của tôi, nên rất ác cảm với Jingle Bells. Một ngày kia Jingle Bells bị đau; bà Corkey đem nó đi bác sĩ. Lúc nào tôi gọi thăm, Dawn đều bảo Jingle Bells chưa được khỏe. Cuối cùng hai mẹ con bà đến xin lỗi vì biết tôi không thể nuôi được Jingle Bells nên đã tìm cho nó một người chủ mới. Nghe qua tôi vùng oà khóc bỏ chạy lên lầu làm một bài thơ thả xuống. Tôi giận bà Corkey thì ít, mà hờn cô con gái của bà nói dối tôi nhiều lắm. Tôi thề không bao giờ nuôi chó nữa! Bẵng đi một năm, trong lúc nghỉ tay đánh bóng chuyền do các bạn trẻ nhà thờ tổ chức, tôi lấy sáo tre thổi vài bài giúp vui. Bỗng một con chó to lông vàng óng ở đâu vùng chạy đến nhảy chồm lên người. Jingle Bells đã nhận ra chủ cũ. Cả hai mừng ôm nhau khóc! 
Sau nầy đã lập gia đình và nhà có vườn rộng rãi ở tiểu bang Virginia, tôi vẫn giữ lời thề không nuôi chó; vả lại nhà hàng xóm đã có con Fritz mỗi chiều ngồi chờ bên rào để được bồng qua cho ăn ngon và đùa giỡn với các con tôi, hay mỗi khi ông Bill và bà Ruth hàng xóm đi hè, Fritz rất sung sướng được ở bên nầy và được dẫn đi chơi suốt ngày. Tôi thật sự không cần nuôi chó nữa. 
Nhưng rồi cuộc đời lại đưa đẩy gia đình tôi trôi giạt đến Nouvelle Calédonie, một hòn đảo nhỏ đầy bóng dừa thơ mộng giữa biển nam Thái Bình Dương. Thấy tôi buồn, nhân có người muốn cho con thỏ, nàng xin đem về tặng tôi. Tôi đặt tên nó là Peter. Peter thường chận đường cắn chân tay hai đứa con tôi, và thích trốn ỉa trong nhà. Biết cả nhà thích nuôi chó hơn, nàng lại chọn một con chó đen mới sinh đem về thả cho Peter làm bạn. Tôi đặt tên nó là Uncle Sam gọi tắt là Sam (chú Sam là cách gọi đùa cợt đối với chính phủ Mỹ). Sam thuộc loại Lulu Calédonien nhỏ xíu nhưng rất thông minh. Peter tưởng Sam đồng loại nên thường đè Sam ra làm bậy. Sam đâu đã biết gì, thấy Peter đùa nhột nên càng khoái chí nằm cười, khiến ngày nào tôi cũng phải đem Sam kỳ cọ tắm rửa. Nếu xách roi đuổi, thì Peter vừa chạy vừa vãi phân ra làm Sam tưởng kẹo chạy theo lượm ăn. Cuối cùng chúng tôi phải đành đem Peter cho người khác! Vài tháng sau đưa Sam ra thăm nông trại, thấy Peter co ro nằm chuồng trên, bên dưới là một con thỏ cái to gấp năm lần Peter lúc nào cũng chờ cắn mổ anh chồng nhí Peter; chúng tôi đành gạt nước mắt chia tay và không bao giờ trở lại gặp Peter nữa! 
Sam là con chó rất đặc biệt của tôi. Nó hiểu biết rất nhiều từ tiếng Anh, tiếng Việt. Sam lại biết cạy cửa buồng ngủ đánh thức mẹ dậy mỗi sáng và biết ngồi đợi mỗi chiều ba đi làm về mừng. Chúng tôi cưng Sam như một đứa con. Những lần viết thư về thăm nhà, tôi thường kể nhiều chuyện về Sam, làm cả nhà tưởng chúng tôi có thêm em bé. Ngoại trừ những lần đi du lịch nước ngoài, đành phải gửi Sam ở nhà Ngoại để bạn Sam là Simber đùa giỡn cắn kéo đuôi; còn đi đâu quanh quẩn trong hòn đảo nhỏ thơ mộng nầy chúng tôi đều mang Sam theo. Có lần thả mẹ con nàng ở hồ tắm, lúc mở cửa xe, Sam tự nhảy ra chơi ngoài bãi cỏ; chừng về gần đến nhà, thấy Sam không ngồi ở ghế trước như thường lệ, tôi hết hồn vội vàng vòng xe trở lại hồ tắm thì thấy Sam đang ngồi chờ ở ngay chỗ cũ! 
Sam đang ăn mà nghe tôi bảo: “Sam, đi bộ một tí tí?” Sam chạy đi bộ liền. Tôi bảo cắn, thì Sam cắn. Bảo sủa, thì Sam sủa. Bồng hát những câu ca dao vớ vẩn thì Sam ngủ ngay. Sam rất ghét mèo và nhất là ghét người đen bản xứ mặc dù Sam là con chó đen như mực! Trừ một năm hai bận, Sam lên cơn ngớ ngẩn thẫn thờ của kẻ thất tình ra ngồi sau hè mơ gái bỏ ăn ba bốn ngày, Sam thật sự là một đứa con ngoan của chúng tôi. Tôi tự nhủ một ngày kia, nếu bỏ Nouvelle Calédonie về lại Mỹ, tôi phải mang Sam theo. Đó là điều bận tâm của tôi. Nhưng định mệnh tàn nhẫn, Sam bị xe tông chết đã xóa bỏ mối bận tâm của tôi; nhưng làm tôi buồn bã suốt đời! 
Một buổi chiều cuối năm, tiếng pháo nổ đâu đó làm một con chó Berger Belge sợ hãi chạy lạc đến trước nhà. Thấy chó mất chủ, đói khát tội nghiệp, nàng ném cho cục xương. Sam bực mình sủa đuổi đi, nhưng con Berger nhìn tôi bằng đôi mắt van lơn, và hình như trong thâm tâm nó đã quyết định tự chọn một người chủ mới rồi! Ba ngày sau, tôi đặt cho nó một cái tên mới, SCOOBY DOO, gọi tắt là Cú Bi. Cú Bi rất bằng lòng với vườn mới, chủ mới, và anh chị mới cho dù thằng em Sam nhất định chận cắn không cho bước chân vào nhà một thời gian dài! 
Nếu con người sang trọng do ở sự ăn xài, thì từ ngày Cú Bi đến ở, quả thật chúng tôi đã trở nên sang trọng. Vì Sam nhỏ con ăn uống như mèo quào; nhưng Cú Bi mỗi ngày phải xực một lon thức ăn to từ hai đô la trở lên! Vậy mà bạn bè đến chơi, cứ xuýt xoa khen tặng: 
Mèo đến nhà thì khó 
Chó đến nhà thì sang

Cú Bi đến ở ít lâu bèn ra sức đuổi cắn hết các con chó đực khác ra khỏi xóm. Tuy không to khoẻ lắm, nhưng Cú Bi có đủ ba đức tính tán gái là: 
Liều mạng, đa tình, và lịch sự
Cú Bi được các em gái trong xóm khoái nhất! Đến mùa yêu, nó bỏ ăn, rán sức phi thân qua hàng rào nhà bạn gái nằm úm em cùng thích thú ngắm mưa rơi và nhìn lũ chó đực gầm gừ tức tối sủa ầm ĩ! Cú Bi chỉ khoái nằm ôm em hun hít và liếm láp tí đỉnh thôi, còn đứng dậy tính chuyện kiểu nầy kiểu kia chỉ làm em nhột chạy đi chỗ khác để Cú Bi nhịp khum lưng đánh vãi vào không khí một mình! 
Vì không làm ăn gì được với các cô bạn nhỏ xíu, Cú Bi bỏ nhà đi lang thang khắp các khu phố ở thủ đô Nouméa tìm bạn xứng đôi vừa lứa để biết bao cô bạn nhỏ hàng xóm đau khổ khóc thầm! Mỗi lần đi Cú Bi như một chiến sĩ ra trận, lúc trở về bị thương tích đầy mình; còn nếu không thấy mặt Cú Bi chừng vài ba ngày, thì chúng tôi phải lo ra Fourrière đóng phạt năm mươi đô la để đón về. Bực quá, tôi đem Cú Bi thả vào vườn nhà em nàng giao cho việc làm chó giữ nhà; nhưng chỉ được một buổi, Cú Bi đã trổ tài phi thân vọt rào trở về nhà bố mẹ! 
Từ ngày Sam mất đi, Cú Bi trở thành đứa con trọn vẹn của tôi. Cú Bi ăn cơm và đồ chiên xào, không thích thực phẩm đóng hộp; có khi bị bố ép buộc khăn cổ đút ăn đồ hộp như con nít! Mỗi sáng đúng năm giờ, Cú Bi đánh thức bố dậy cùng đi bộ một vòng lớn quanh xóm; rồi chịu buộc dây suốt ngày quanh quẩn trong vườn. Chiều bố đi làm về thả ra, Cú Bi liền chạy vào nhà nằm trông tiệm sách. Khách đến Cú Bi ra tận cổng đón chào. Đặc biệt dù đang ngủ trong nhà hay phơi nắng ở tận sau vườn, chỉ nghe tiếng guốc quen thuộc của cô đầm rất trẻ đẹp đi ngang qua nhà, Cú Bi vội vàng chạy ra hôn tay rồi đi theo cô đầm đến tận sở làm. Phần thưởng cô đầm tặng cho chàng là một bát nước lã; uống xong chàng vệ sĩ đa tình lại lủi thủi về nhà nằm chờ buổi chiều tan sở cô đầm trở về ngang qua nhà, chàng vệ sĩ đa tình lại chạy ra hôn tay và đưa về tận nhà! 
Tôi đã đắp mộ Sam dưới gốc dừa sau nhà và khóc nhiều ngày. Trong vài tháng nữa tôi lại giã từ Tân Đảo về Mỹ. Nàng và các con còn ở thêm một thời gian, nhưng sau đó Cú Bi sẽ lại mất chủ! Chó mất chủ như người mất mẹ! Tôi không dám nghĩ tới ngày buồn đó! 
Hôm cầm tấm vé máy bay biết ngày đi gần kề, bỗng thấy Cú Bi đi hoang như thường lệ trở về. Lần nầy không có thương tích gì cả, nhưng toàn thân Cú Bi rực một mầu vàng như nghệ! 
Buổi chiều đến nhà thương thăm. Vừa thấy tôi, Cú Bi khóc rống lên đòi về. Tôi ôm Cú Bi vào lòng an ủi, “Bác sĩ bảo con phải ở lại vài ba ngày uống thuốc cho khỏe hẳn, rồi bố sẽ đến đón con về nhé!” 
Đêm hôm sau, trong lúc gia đình cậu mợ Trường đãi tôi bữa cơm chia tay, có điện thoại gọi báo tin Cú Bi đã mất! Tôi bàng hoàng buông rơi đũa ăn, nghẹn ngào nước mắt! 
Tôi đã đi nhiều nơi, và tôi đã gặp nhiều người; càng gặp nhiều người, tôi càng yêu những con chó của tôi hơn! 
(Kỷ niệm 10 năm ở Tân Đảo Nouvelle Calédonie)