HAY CHỮ LỎNG

HAY CHỮ LỎNG
P. Kim Long

Người mình có tật “dốt” lại dương dương tự đắc làm ra vẻ thông thái; điều này làm ta liên tưởng tới vở hài kịch Le Bourgeois Gentilhomme xưa kia của Kịch tác gia Molière bên Pháp mà Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch là Trưởng Giả Học Làm Sang. Tục ngữ lại có câu “thùng rỗng lại kêu to” cũng hàm ý như thế. Trong sách Luận Ngữ khi xưa có câu “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri; thị tri dã.” Đại ý câu này muốn nói là: biết thì hãy nói là biết; còn nếu không biết thì hãy nói là không biết; đó chính là biết vậy.
Sau đây là một vài trường hợp điển hình ở những người thông thái dởm.
1. Pháp ngữ
Thời Pháp thuộc, đa số người mình thường nói tiếng Tây bồi vì không được học hành tử tế: đó là sai ngữ pháp và phát âm không chuẩn mà người đời gọi là “giọng bồi,” thí dụ: “tút suỵt” (tout de suite = ngay tức khắc), Bà đầm (Madame = bà, quý bà), Me sừ (Monsieur = ông, quý ông), bà sơ (ma Soeur = bà Phước), cắt tó duy ê (quatorze Juillet = ngày 14 tháng 7 là ngày Quốc khánh của Pháp), mẹc xà lù (merde salaud = tiếng chửi như “đồ cứt” hay “con bà nó!”), mau phú tú (je m’enfous tout = tôi cóc cần); com măng xa va (comment ça va? = có khỏe không?), mắm sốt (même chose = cũng như nhau, cùng một giuộc)…
Nhưng một số lại bập bẹ tiếng Tây giả cầy bằng cách ghép những từ Pháp ngữ thành câu không theo mẹo luật ngữ pháp và không theo ngữ nghĩa của Pháp ngữ, song họ lại tưởng rằng người Pháp cũng sẽ hiểu ý định của họ. Đa số những người này là Me Tây (vợ lính hay viên chức người Pháp), quân nhân bản xứ (lính Khố Xanh, Khố Đỏ, bồi bếp…) Thí dụ:
Khi họ muốn nói là “học trò nhà nước đầu bò đầu bướu (cứng đầu, bướng bỉnh) thì họ liền ghép những chữ như: l’élève (học trò); maison (nhà, nhà ở), d’eau (về nước, chất lỏng); beaucoup (rất, nhiều); tête (đầu, thủ); boeuf (con bò). Do vậy, họ đã ghép những từ trên mà bỏ qua mọi quy tắc ngữ pháp: khỏi cần chủ từ (subject), không lưu ý tới động từ đã chia hợp với giống và số của chủ từ, túc từ… và cũng không để ý tới ngữ nghĩa của những từ đó. Sau đó họ phát âm thành tiếng bồi như sau: Lèo lèo me dông đô bố cu tết bớp (= L’élève maison d’eau beaucoup tête boeuf). Song chúng ta phải dịch như thế này mới xuôi tai (đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa):
“Les élèves publics sont très têtus” hoặc “Les élèves d’État sont très obstinés.”
2. Anh ngữ
Giữa thập niên 50 khi Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam thì rất nhiều người Việt (học sinh, sinh viên, công và tư chức) lại đổ xô đi học Anh ngữ; tuy nhiên rất nhiều người vì miếng cơm manh áo đã học vội vàng trong vài ba tháng rồi mua cuốn Từ điển Việt Anh của Lê Bá Kông & Lê Bá Khanh để rồi sau đó ghép những chữ lại mà tự hào có thể tiếp xúc và giao dịch với người Mỹ! Điển hình như sau:
Không sao đâu (hàm ý “không việc gì cả, không bị thương tích gì cả, không làm sao cả, không sao đâu, tôi vẫn bình thường…”) mà câu Anh ngữ tương đương phải là: No problem, Nothing’s the matter, There’s nothing the matter, There’s nothing wrong, hoặc I’m alright.
Song dân ít học lại tra từ điển Anh Việt như sau: Không (là NO), Sao (là STAR) và đâu (là WHERE); để rồi họ hứng chí ghép lại thành câu “No star where!”
Tôi xin tạm trích lược nội dung bài Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc chủ biên khi người đương cuộc tình cờ được dịp đọc một tờ thực đơn song ngữ (Việt & Anh) của một số Restaurants bên California và Nhà Hàng Phúc Hưng ở Quảng Trị.
2.1.Thịt bò lúc lắc
Một số Restaurants của Việt kiều bên Mỹ đã dịch chữ “Thịt bò lúc lắc” thành “Shaky beef.” Có lẽ họ đã tra từ điển Việt Anh thì không thấy chữ “lúc lắc” song họ lại nghĩ chắc chữ này có nghĩa là “lúc la lúc lắc, lắc lư ” như thể khi ta bắt tay mạnh làm rung bàn tay; do vậy họ đã thấy chữ “to shake, shook, shaken” trong nhóm từ “to shake hands” (bắt tay) và cạnh đó có chữ “shaky” nên họ dùng ngay chữ này để cuối cùng thành “shaky beef!”
Bùi Bảo Trúc nói rằng “thịt bò lúc lắc” vốn có hình dạng con xí ngầu, nên phải dịch là “diced beef” thì may ra mới đúng nghĩa.
2.2.Bánh ít trần
Một số chủ Restaurants vùng San Francisco đã ghi trên thực đơn món “bánh ít trần” bằng nhóm từ rất ấn tượng là “Nake savory rice balls.” Do vậy, thực khách Mỹ khi nhìn vào thực đơn này đã “tá hỏa tam tinh” vì tưởng rằng muốn thưởng thức món ngon này thì họ phải khỏa thân ngay trong nhà hàng! Song có lẽ Việt kiều này đã quên Việt ngữ vì hiểu chữ “trần” là “trần truồng” (nude, naked). Bùi Bảo Trúc bỏ qua không dịch, song tôi vẫn thắc mắc vì sao người ta lại gọi là “bánh ít/ếch trần.” Có lẽ, xưa kia người mình chưa phân biệt được âm “ch” và “tr” nên mới đọc sai như thế. Theo từ điển Việt ngữ thì “chần” là nhúng một món ăn vào nước sôi cho tái hay chín, còn “bánh ít/ếch” làm bằng bột gạo nếp có nhân là thịt hay đậu xanh, được gói bằng lá chuối (như bánh chưng, nhưng nhỏ hơn có hình giống như con ếch, song đa phần là hình nón) rồi luộc chín. Vì chữ “trần” được đọc sai từ chữ “chần” nghĩa là “luộc” (to boil), do vậy tôi tạm dịch như sau: Boiled glutinous rice cake (filled with meat and green bean paste).
Điển hình là một vài món ăn độc đáo mà thực khách Anh Mỹ khi đọc xong tờ Thực đơn này sẽ không còn dám ăn nữa! Sau đây là vài món ăn độc đáo trong tờ Thực đơn song ngữ của nhà hàng Phúc Quang nằm trên đường Hùng Vương nối dài ở Quảng Trị.

2.3.Dê hấp xả ớt
Được dịch là Interesting social goat vì “Hai Lúa” nghĩ chữ “hấp” là hấp dẫn (interesting), còn “xả” là “xã hội” (social) vì hắn vốn dốt không phân biệt được dấu hỏi dấu ngã trong Việt ngữ, còn “ớt” thì hắn lờ luôn đi! Song tôi tạm dịch như sau: Steamed goat meat with chilli and citronella vì chữ “hấp” có nghĩa là “làm chín thức ăn bằng hơi nóng, đun cách thủy” (to steam, to braise).

2.4.Dê tái chanh
Được dịch là Finances goat vì “Cán Ngố” đã lộn chữ “tái chanh” thành “tài chánh/chính.” Bùi Bảo Trúc cũng không dịch nhóm từ này, do vậy, tôi tạm dịch như sau: Undercooked /Underdone goat meat in lemon juice vì chữ “tái” có nghĩa là “dở sống dở chín” (half done, undercooked, underdone).

2.5.Ngọc dương tiềm thuốc bắc
Được dịch là Ngoc duong potential medicine vì Dịch giả “đỉnh cao trí tuệ” đã tưởng “tiềm” là “tiềm năng” nên mới phang chữ “potential” vào! Bùi Bảo Trúc cũng không dịch nhóm từ này, nhưng tôi nghĩ rằng “ngọc dương” hình như là “dái dê” (món ăn cường dương) được tiềm (hầm với) thuốc bắc; do đó tôi mới dịch như sau may ra sát nghĩa: Goat penis braised with Chinese drugs vì chữ “tiềm” có nghĩa là “hầm” (to braise = to cook slowly in fat and litte moisture in a closed pot).

2.6.Gà ác tiềm thuốc bắc
Được chuyên viên có “trình độ lớp ba trường làng” dịch như sau: Chicken evil potential bad medicine vì hắn dốt Việt ngữ nên mới cho rằng chữ “ác” là “ác độc!” Nhưng thực sự chữ “ác” ở đây có nghĩa là “đen” vì “gà ác” vốn thịt và da đều một màu đen tuyền mà Y học dân gian nghĩ rằng rất bổ dưỡng. Vậy nhóm từ này phải được dịch như sau may ra mới đúng nghĩa: “Black chicken braised with Chinese drugs.”

2.7.Cá lóc um măng
Được Dịch giả XHCN chuyển ngữ thành Personal Um Cement vì chuyên viên “đỉnh cao trí tuệ” này hiểu “cá” là cá nhân (personal), lại không dịch chữ “lóc” và để nguyên chữ “um,” còn chữ “măng” thì hắn tưởng là “xi măng” (cement).
Bùi Bảo Trúc cũng bỏ qua món ăn này, do vậy, tôi xin tạm dịch như sau: Simmering snake-head and bamboo shoot vì chữ “um” hay “om” là “hầm, đun nhỏ lửa” (to simmer), còn chữ “cá lóc” là “snake-head” và “măng” là “bamboo shoot.”

2.8.Dưa bao tử chấm muối
Nhà Hàng Phúc Quang tại Quảng Trị đã dịch như sau: Melon stomach dot salt vì Hai Lúa đã nghĩ như sau: “dưa” là “melon,” “bao tử” là “stomach,” còn “chấm” là “dot” (dấu chấm, tức period) và “muối” là “salt.”
Bùi Bảo Trúc cũng bỏ qua chữ này, song tôi xin tạm lược dịch như sau: Young melon dipped into salt. Tôi chưa được nhìn thấy và cũng chưa được thưởng thức món ăn này, nhưng cứ theo suy luận thì có lẽ không đúng vì món dưa bao tử chấm muối không phải là món khoái khẩu. Do vậy, tôi nghĩ rằng đó phải là món dưa bao tử muối cho chua (cũng như khi ta muối dưa, muối cà). Do vậy, tôi xin tạm dịch như sau: “Salted young melon” giống như món “dưa leo/chuột bao tử được ngâm dấm.”

2.9.Dồi trường chấm ruốc
Nhà Hàng Phúc Quang chuyển ngữ như sau: Institution dot ruoc vì “Học rả” này không hiểu “dồi” là gì nên bỏ qua, còn chữ “trường” thì lại hiểu là “trường học, cơ sở, học viện” nên đã phang chữ “institution,” còn “chấm” thì hắn không hiểu nghĩa của chữ này là “nhúng, chấm vào” (to dip = to plunge or immerse something momentarily or partially under the surface of a liquid) mà lại tưởng là “chấm câu, dấu chấm” (period, dot), còn chữ “ruốc” thì với trình độ lớp Ba trường làng thì hắn bỏ qua luôn.
Vậy, theo tôi nghĩ: “dồi” là thịt băm trộn gia vị được nhồi vào trong ruột non của heo hay bò, sau đó được sấy lên mà ta gọi là “lạp xường,” còn Tây phương hiểu là “sausage;” còn “ruốc” thì tôi nghĩ là “mắm ruốc” (như mắm ruốc Bà Giáo Thảo vào thập niên 60, nên được hiểu nghĩa là: shrimp paste). Do vậy, tôi tạm dịch là “Sausage dipped in shrimp paste.”

  1. Hán ngữ dịch sang Việt ngữ
    Thời thập niên từ 20 tới 40 thì đa số truyện, thi phú và sách vở Hán ngữ đã được dịch sang Việt ngữ (như Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc…) do một số ông Đồ (Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính…); đồng thời những học giả thông thạo Hán và Pháp ngữ (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh…) khi viết báo hay tham luận đều dùng những từ ngữ Hán Việt, tuy nghe rất “thông thái” song mọi người (ngay cả giới bình dân hay người ít học) cũng thông hiểu có lẽ vì từ ngữ Hán Việt đã nằm trong xương tủy và máu huyết của người Việt chúng ta. Chính vì thế, những văn sĩ (Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Hồ Hữu Tường, Thế Lữ…), thi sĩ (Nguyễn Nhược Pháp, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tương Phố, Mộng Tuyết, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…) cùng những kịch tác gia (Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan…) đều được mọi người thông hiểu dù trong tác phẩm của họ có nhiều từ ngữ Hán Việt.
    Tất cả những người Việt đều thích dùng những chữ/từ Hán Việt được phát âm theo giọng Việt ngữ, tuy khi đọc lên thì người Tàu không hiểu gì cả vì hình như giọng đọc Hán Việt của ta là cách phát âm tiếng Quảng của người Tàu khi xưa, hoặc giọng đọc của người Tàu về thời Nhà Đường xa xưa; có lẽ vì thế mà những Ông Trạng (như Mạc Đĩnh Chi) hay sứ thần (như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du) khi đi sứ sang Tàu khi xưa không phải học tiếng (cách phát âm) Tàu; nghĩa là chữ Nho/Hán khi được người Việt phát âm cũng sẽ nghe hơi giống với chính người Tàu phát âm. Đại khái cũng tương tự như bất kỳ chữ/từ Việt nào được người Bắc, Trung và Nam phát âm, tuy giọng đọc hơi trọ trẹ song người Việt ở cả ba miền đều hiểu được.

Vào khoảng năm 1930 học giả Nguyễn Văn Huyên, trong bài “Văn Minh Việt Nam” đã từng viết như sau: “Nếu tiếng Việt phải đợi đến thế kỷ 19 mới trở thành ngôn ngữ văn minh, đó chính là vì chữ Hán Việt đã là ngôn ngữ bác học và chính thức duy nhất trong gần 2000 năm.” Sau đó, Ông đã xác tín như sau: “… dù thế nào đi nữa, chữ Hán đã có ở Việt Nam vai trò nổi bật. Nó đã để lại những dấu vết không phai mờ trong tất cả các thể chế và các biểu hiện trí tuệ của Việt Nam.” (Trích trong Hồi Ức về Nguyễn Văn Huyên, của Nguyễn Kim Hạnh: trang 450 theo HoiUcNguyenVanHuyen.prc)
Nói chung, tất cả những từ ngữ Hán Việt mà trong Nam (trước năm 1975) sử dụng đều được Báo Đài và giới viết lách ngày nay đổi thành những từ ngữ khác nghe rất “lạ, ngô nghê” mà tôi có cảm tưởng rằng họ làm thế để tỏ rằng họ không hề thua kém chế độ cũ! Tôi xin liệt kê một vài chữ điển hình: sự cố (trục trặc, hư hỏng); tham quan (đi thăm, đi chơi); trúng tuyển Nghĩa vụ quân sự (đi Nghĩa vụ quân sự, đi quân dịch); tư liệu (tài liệu); xuất khẩu (xuất cảng = export); nhập khẩu (nhập cảng = import); cửa khẩu (cảng, hải cảng, phi cảng, giang cảng), khẩn trương (làm nhanh lên, lẹ lên); tranh thủ (cố làm xong)… Sau đây là một vài chữ điển hình.
– hàng không mẫu hạm = háng kong mǔ jiàn = aircraft carrier được Báo Đài gọi là “tàu sân bay.”
– trực thăng phi cơ = zhí shēng fei ji = helicopter, copter, chopper được Báo Đài gọi là “máy bay lên thẳng” nghĩa là máy bay này chỉ có thể bay lên thẳng theo một chiều thẳng đứng (vẫn ở một tọa độ song khác về độ cao thấp); nếu như thế thì chỉ người khùng mới mua báy bay này mà thôi!
– tiềm thủy đĩnh = qián shui ting = submarine được Báo Đài gọi là “tàu/tầu ngầm.” Trong khoa Ẩm thực có món “vịt tiềm” (mà dân ít học nói lộn là “vịt tìm”) tức là nhồi thịt băm trộn mộc nhĩ, hạt sen và gia vị… vào trong bụng con vịt rồi khâu lại và đem hầm lên. Đầu bếp đã biết nghĩa chữ “tiềm” tức là “ẩn/giấu bên trong, ẩn ở dưới” thì vì sao chúng lại không dùng chữ “tiềm thủy đĩnh” cho tiện mà lại dùng chữ “tàu ngầm”?

  1. Chữ nghĩa ngô nghê
    Chúng ta thường thấy trong báo chí và trên màn hình TV những câu văn quá ngô nghê, không giống cách nói của người Việt; điển hình như: lái xe (tài xế); giặc lái (phi công địch); người lái (phi công); làm việc (thẩm vấn: hai từ này thường xuất hiện trong Báo chí, thí dụ: Công An đã có buổi làm việc với tội phạm)…
    “Cứu với!” (tiếng kêu cứu của nạn nhân). Tôi chắc trong nguyên tác là chữ “Help!” hay “Help me!” trong những film được trình chiếu trên kênh HBO, Cine Max, Movie Star… mà một số chuyên viên dịch thuật Bắc 75 đã dịch là “Cứu với!” Ôi, thật kinh khủng! Người Việt chúng ta thường nói là “Cứu tôi với!” hoặc “Cứu tôi!” mà người Pháp gọi là “Au secours!”
    Câu “Tôi rất xin lỗi!” nghe cũng rất lạ tai vì từ “rất” là “adverb” (trạng từ) thường được dùng để nhấn mạnh cho tính từ (adjective), thí dụ như “rất đẹp, rất bắt mắt, rất đói…” Người Việt thường nói như sau: “Tôi thành thực/chân thành xin lỗi.”
    Câu “Con xin báo cáo với Ông Bà hay rằng vợ chồng con sắp cưới vợ cho con trai lớn…” Chữ “báo cáo” nghe thực quá ngô nghê vì chữ này thường được dùng trong những trường hợp trang trọng, thí dụ như thuộc cấp báo cáo với thượng cấp (Bộ Trưởng báo cáo cho Thủ Tướng hay Tổng Thống); còn ở đây phải dùng từ “báo, nói…” mới thực sự đúng văn phong người Việt.
    Khi viết văn hay dịch thuật thì người viết phải căn cứ vào ngữ cảnh để lời văn sao cho thích hợp, chứ không phải máy móc tuân theo những quy luật khắt khe của ngữ pháp và cách cấu tạo từ, nghĩa là chỗ nào đáng dùng “thuần Việt” (tiếng/chữ Nôm) và chỗ nào thì nên dùng từ Hán Việt. Những tiếng/chữ “thuần Việt/Nôm” thường nghe có vẻ tục tằn, thô lỗ, chối tai và rất quê mùa; trái lại, từ/chữ Hán Việt lại nghe có vẻ lịch sự, thanh tao và đầy đủ ý nghĩa tuy khá ngắn gọn. Bạn hãy so sánh vài câu dưới đây để thẩm định ý kiến của tôi.
    “Nó đánh rắm/địt giữa đám đông thật quá bất nhã” và “Nó trung tiện giữa đám đông thật quá bất nhã.”
    “Nó xin phép ra ngoài để đi ỉa!” và “Nó xin phép ra ngoài để đi đại tiện!”
    Bạn có thích nói “tôi đi đái,” hay “tôi đi vệ sinh,” hay “tôi đi tiểu tiện”?
    Sau đây là một vài chữ thuần Việt rất ngô nghê và vài chữ Hán Việt khá tao nhã:
    Xưởng đẻ (Bệnh viện phụ sản), đẻ đái (thai sản), bệnh đàn bà (bệnh phụ khoa), bệnh trẻ con (bệnh nhi khoa), bệnh lỗ đít (bệnh hậu môn), sưng l… (âm đạo viêm, viêm âm đạo), bệnh mồm miệng (bệnh khẩu xoang), lỗ đít (giang môn, hậu môn), du kích gái (nữ du kích), chiến sĩ gái (nữ chiến sĩ), cán bộ nữ (nữ cán bộ), người lái (tài xế), giặc lái (phi công địch)…
    Mấy thí dụ điển hình trên có thể một phần nào giúp Quý Bạn hiểu được ý nghĩa của từ “thuần Việt” và Hán Việt và đồng thời cũng có thể giúp Quý Bạn biết là khi nào thì nên dùng “thuần Việt” và khi nào phải dùng từ Hán Việt.
    Theo thiển ý, chúng ta nên dùng những từ Hán Việt trong những phạm trù văn học, kinh tế, khoa học, y khoa… Cũng như Anh và Pháp ngữ có những nhóm từ gốc La Tinh vì chỉ những từ này mới có thể ghép được với những “prefix, suffix…” thì Việt ngữ cũng có những nhóm từ gốc Hán Việt có thể đặt trước/sau với “tiếp đầu ngữ, tiếp vĩ ngữ” để thay đổi ý nghĩa của nhóm từ mới được thành lập. Chẳng hạn, chữ “tis” vốn là suffix (tiếp vĩ ngữ) ghép vào sau một từ gốc La Tinh để chỉ cơ quan/bộ phận cơ thể hàm ý bộ phận đó bị bệnh (viêm, sưng đau); mà chữ “tis” này vốn tương đương với chữ Hán Việt là “yán (viêm)” để chỉ chứng viêm, sưng, đau… được ghép vào sau một hay hai chữ Hán Việt (để chỉ cơ quan, bộ phận trong người) bị nhiễm bệnh; thí dụ: gastritis (weì yán = vị viêm, viêm dạ dày, viêm bao tử), dermatitis (pí fū yán = bì phu viêm, viêm da)… Chữ “anti” vốn là tiếp đầu ngữ (prefix) được đặt trước một từ để hàm ý “chống đối, phản kháng” tương đương với Hán ngữ là “kháng” (kàng); thí dụ: antibiotic (kháng sinh = kàng shēng), anti-inflammation (kháng viêm = kàng yán)…

Trong Anh ngữ thì chữ Anglo-Saxon (cũng tương đương với chữ thuần Việt/Nôm) nên không thể ghép với những loại prefix hay suffix có gốc Latin; nghĩa là prefix/suffix của Latin phải được ghép với Anh ngữ gốc Latin; y như thế với Việt ngữ: Hán Việt phải ghép với Hán Việt.
Thí dụ: “dạ dày, bao tử” là tiếng Nôm (thuần Việt) tương đương với chữ “stomach” (Anglo-Saxon); do vậy, khi muốn nói bệnh “bao tử, dạ dày = stomach” sưng đau thì ta phải tìm chữ Latin là “gastric” để ghép với “tis,” còn với Việt ngữ thì ta phải dùng chữ “vị” (Hán Việt để chỉ dạ dày) rồi ghép với từ “viêm.” Cuối cùng, thuật ngữ Y khoa trong Anh ngữ là: “gastritis,” còn trong Hán ngữ là: “weì yán” và Việt ngữ là “vị viêm,” còn người bình dân gọi là: viêm dạ dày, viêm bao tử… Tương tự với những chứng bệnh sau: enteritis = trường viêm = cháng yán = ruột viêm, viêm ruột; arthritis = quan tiết viêm = guān jié yán = viêm khớp xương, viêm khớp; vaginitis = viêm âm đạo, âm đạo viêm = yīn dào yán (bần cố nông gọi là “sưng l…”); orchitis = cao hoàn viêm = gāo wán yán = viêm tinh hoàn (người ít học gọi là “sưng hòn dái”)…
Nói chung, từ Hán Việt rất đắc địa vì vừa ngắn, gọn, đầy đủ ý nghĩa và nhất là không thô lỗ tục tằn… Điển hình như mấy chữ sau đây:
– “kê gian” (jī jiān) = “giang giao” (gāng jiāo) đều có nghĩa là “đồng tính luyến ái nam,” hay “làm tình qua đường hậu môn” mà người Anh Mỹ gọi một cách bình dân là “anal intercourse,” song giới trí thức hay thuật ngữ Y khoa gọi là “sodomy.”
– “thú gian” (shòu jiān) hay “thú dâm” (shòu yín) có nghĩa là “làm tình với thú vật (như gà qué, chó, ngựa…)” mà giới trí thức Anh Mỹ và thuật ngữ Y khoa gọi là “bestiality.”
– “quỷ giao” (guĭ jiāo) tức là “giao hoan với ma quỷ” mà tuần báo Người Lao Động Chủ Nhật gọi là “tình ma sex quỷ” và giới bình dân Anh Mỹ gọi là “intercourse with ghosts and spirits,” song giới trí thức gọi bằng thuật ngữ “spectrophilia.” Chữ “quỷ giao” vốn là chữ trong tình thư Tố Nữ Kinh được nữ tác giả Tố Nữ (người Viêm Việt) trước tác cách đây vài ngàn năm trước Công nguyên.
– “thủ dâm” (shŏu yĭn) là từ ngữ mà chúng ta thường dùng từ thập niên 20 và người Anh Mỹ gọi là “masturbation, onanism,” song báo chí và bọn viết lách ngày nay lại gọi là “tự sướng, tự xử!”

Báo Đài hiện nay hay dùng chữ “Nữ nhà báo” ám chỉ “người đàn bà làm nghề báo chí”; nhưng cách ghép chữ Hán/Nho (hay Hán Việt) với thuần Việt (Nôm) là điều thất sách và rất ngô nghê. Chúng ta chỉ được ghép chữ Hán/Nho với Hán/Nho, thí dụ: nữ phóng viên, nữ ký giả. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể nào đổi khác được: chỉ có thể là “nữ ký giả, nữ phóng viên,” chứ không thể viết là “ký giả nữ, ký giả đàn bà, ký giả phụ nữ, phóng viên nữ, phóng viên đàn bà, phóng viên phụ nữ.” Lý do là chữ “nữ” này vốn là loại tiền tố từ/tiền trí từ/tiếp đầu ngữ (prefix) biểu thị “nữ giới” luôn đứng trước chữ Hán Việt chỉ về người đàn bà làm một nghề nào đó, thí dụ: nữ bác sĩ, nữ y tá, nữ giáo sư, nữ giáo viên, nữ gia sư, nữ thi sĩ, nữ văn sĩ, nữ nhạc sĩ, nữ nhạc công, nữ diễn viên, nữ kịch sĩ, nữ nghệ sĩ, nữ họa sĩ, nữ thí sinh, nữ sinh viên, nữ thương gia, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ chuyên viên, nữ chính trị gia, nữ phi công, nữ phi hành gia …
Người Bắc 75 rất kết chữ “tranh thủ.” Thói xấu này cũng đã tiêm nhiễm cho dân miền Nam sau năm 1975. Bất cứ lời nói gì thì người ta cũng cứ “nhét” chữ “tranh thủ” vào trong câu nói của mình mà nhiều khi không cần thiết phải dùng tới chữ “tranh thủ.”
Họ thường hay nói như sau: “Tôi tranh thủ tắm xong rồi mới đi ăn cơm.” Người này muốn nói là cố sức tắm rửa xong rồi mới đi ăn cơm; song theo thói quen lại dùng chữ “tranh thủ.” Trong trường hợp này thì ta có thể bỏ chữ “tranh thủ” mà ý của câu vẫn không mất hết ý nghĩa.
Từ điển điện tử Hán Anh Pleco (Pleco for iPhone, v. 2.2.6, tức Pleco Basic Chinese-English Dictionary) giải thích chữ “tranh thủ” (zhēng qǔ) là “to contend, to strive for, to vie for, to make use of…” mà chúng ta hiểu là “cố, cố sức làm, tận dụng.”
Thí dụ: tranh thủ dân tộc giải phóng (zhēng qǔ mín zú jiě fàng) = to strive for national liberation = cố sức giải phóng dân tộc; tranh thủ quần chúng (zhēng qǔ qún zhòng) = to win over the masses = cố sức lấy lòng nhân dân; tranh thủ thời gian (zhēng qǔ shí jiān) = to race/to work against time = tận dụng thời gian; tranh thủ nhân tâm (zhēng qǔ rén xīn) = cố sức lấy lòng dân…
Tóm lại, chữ “tranh thủ tắm xong” là hoàn toàn sai nghĩa, mà ta phải dùng là “cố tắm xong.”
Mới đây Báo Đài và giới truyền thông nhất loạt dùng chữ “hạ đặt giàn khoan” một cách ngô nghê và chướng tai trong câu “Trung quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông gần quần đảo Trường Sa vốn nằm trong hải phận Việt Nam.”
Trong câu này hai chữ “hạ đặt” hoàn toàn sai và ngô nghê vì chữ “hạ” là chữ Nho/Hán còn chữ “đặt” là chữ Nôm/thuần Việt nên không thể ghép chung với nhau; do vậy, một là chỉ cần dùng chữ “đặt” hoặc chữ “thiết lập” là đủ nghĩa mà người Anh Mỹ gọi là “install/installation.”
Chữ Hán “hạ” (xià) có nghĩa là: dưới, bên dưới, xuống, rơi, ban phát, ra lệnh…; do đó, mới có từ ngữ: hạ cố (đoái nhìn kẻ dưới), hạ bút (đặt bút viết), hạ lệnh (ra lệnh), hạ chiếu thư (vua ra sắc lệnh), hạ chiến thư (gửi thư cho bên địch tỏ ý chiến tranh), hạ ngục (giam vào ngục)… Do vậy, chúng ta không thể dùng chữ “hạ đặt” được, nếu muốn dùng 2 chữ Hán để tỏ ra mình biết chữ nghĩa thì phải dùng từ ngữ “thiết lập.”
Theo quy luật ghép chữ (chữ kép, thí dụ danh từ/động từ kép) thì ta chỉ được phép ghép 2 từ Hán Việt với Hán Việt, hoặc 2 từ thuần Việt với thuần Việt; thí dụ: tranh thủ, tuân thủ, chính quy…; hoặc: đẹp đẽ, gắng sức, sửa sang, cù lần.

Cước Chú

  1. Trưởng giả học làm sang
    Đây là từ ngữ mà Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh xưa kia đã biên dịch vở hài kịch Le Bourgeois Gentilhomme của Kịch tác gia thiên tài Molière (tên thực là Jean-Baptiste Poquelin, sinh năm 1622 và mất năm 1673). Tác giả đã viết nhiều vở hài kịch, rồi tự dẫn đoàn kịch đi trình diễn khắp nước Pháp: L’École des Maris (Trường học của người chồng, viết năm 1661), L’École des Femmes (Trường của những người vợ, viết năm 1662), Le Médecin malgré lui (Bác sĩ bất đắc dĩ, viết năm 1666), L’Avare (Anh hà tiện,viết năm 1668), Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng giả học làm sang, viết năm 1670), Les Femmes Savantes (Đàn bà thông thái, viết năm 1672), Le Malade Imaginaire (Bệnh nhân ảo tưởng, viết năm 1673). Riêng vở hài kịch cuối cùng này thì Tác giả đã chết khi chưa kịp nhìn những kịch sĩ trình diễn trên sân khấu. Tất cả những tác phẩm của Ông đều đả kích những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Riêng trong vở kịch Le Bourgeois Gentilhomme cũng có chiều hướng trên bằng cách đưa ra nhân vật đặc thù là ông Jourdain vốn xuất thân từ chốn nghèo hèn, song nhờ gian manh trong thương trường nên đã trở nên giàu có. Chính vì thế Ông ta mới muốn “áo gấm về làng” để khoe khoang với đời bằng cách đua đòi tỏ vẻ mình thuộc giới quý tộc. Do vậy, Ông phải mướn thầy dạy nhạc, khiêu vũ, triết học và đủ thứ khác để có thể hành xử như bọn quý tộc. Vì bản chất vốn là con cháu của bọn bần cố nông nên dốt nát, ăn tục nói phét, dễ bị kẻ gian manh lợi dụng, song lại muốn ra vẻ ta đây… nên đã làm khán giả cười hả hê khi xem hài kịch trên…

  2. Dịch Anh ngữ sang Việt ngữ
    Trong Nam trước năm 1975 báo chí vẫn dùng những chữ “Thủy quân lục chiến, Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài…” được lần lượt dịch từ Anh ngữ: Marine, the White House và the Pentagone. Tôi nghĩ những chữ Hán Việt này có thể được những chuyên viên dịch thuật tra cứu trong từ điển Anh Hoa, Anh Hán gì đó.
    Từ điển International English-Chinese Dictionary (Quốc tế Anh Hán Đại Từ điển, do Hoa Văn Đồ Thư xuất bản năm 1964) của Trương Phương Kiệt (trang 1693) đã dịch chữ Marine (adj.) là: “hai jun lù zhàn duì de” (hải quân lục chiến đội đích); (n) là: “Méi guo hai jun lù zhàn shì bing”(Mỹ quốc hải quân lục chiến sĩ binh). Người Tàu hiểu “hải quân” là quân nhân chiến đấu trên biển/đại dương; nhưng với người Việt lại nghĩ là quân nhân tác chiến trên sông ngòi nên mới dùng chữ “thủy quân;” còn chữ “lục” (lù) là trên đất liền, trên cạn. Do vậy, tất cả sách báo trong Nam thời VNCH đều dùng chữ “Thủy quân lục chiến.” Nhưng Báo Đài ngày nay lại ưa dùng chữ “lính thủy đánh bộ!”
    Ngay cả cuốn Từ Điển Trung Việt (nguyên tác của Bắc Kinh được Nhà Xuất Bản KHXH tại Hà Nội ấn hành năm1993) cũng dịch lần lượt là: “thủy quân lục chiến” và “lính thủy đánh bộ.”
    Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary đã định nghĩa chữ “marine (n)” như sau: “A soldier trained to serve on land or sea, esp in the US Marine Corps or the British Royal Marines” (trang 717, nhà xuất bản Oxford University Press, 1995) mà tôi xin tạm dịch như sau: “Một quân nhân được huấn luyện để phục vụ ở trên đất liền hay trên biển, đặc biệt trong Quân chủng Thủy quân Lục Chiến Hoa Kỳ, hoặc Thủy Quân Lục Chiến Hoàng gia Anh.” Nhưng theo thiển ý, từ điển trên phải thay chữ “sea” bằng “water” (vì Từ điển trên giải thích chữ “water” theo nghĩa thứ 4 là: “the surface of a lake, river, sea etc – trang 1344; mà tôi xin tạm dịch là: “ở trên mặt hồ, sông, biển, v.v.”). Báo chí và giới Truyền Thông Mỹ vẫn loan tin rằng Chính phủ Mỹ gửi “marines” tới Afghanistan vốn là xứ không tiếp giáp với hải dương mà chỉ có hồ ao và sông ngòi. Do vậy, chữ “Thủy quân lục chiến” mà báo chí VNCH dùng trước năm 1975 rất chính xác.
    Một số Từ điển Anh Hoa đã dịch chữ The Pentagone là: “Ngũ Giác lầu” (Wu Jiao Dà Lóu), hoặc: “Ngũ Giác Đài” (Wu Jiao Tái) mà VNCH trước kia gọi là Ngũ Giác Đài song Báo Đài hiện nay gọi là: Lầu Năm Góc; chữ The White House là: “Bạch Cung” (Bái Gong) hay “Bạch Ốc” (Bái Wu) mà VNCH gọi là Tòa Bạch Ốc, song Báo Đài hiện nay gọi là Nhà Trắng. Computer, trước kia ở trong Nam gọi là “điện toán” song Từ điển Anh Hoa lại gọi là “điện não” còn bây giờ lại gọi là “máy tính, công nghệ thông tin, tin học…”

  3. Hỏa tiễn – Tên lửa – Đạo đạn
    Trước kia, báo chí VNCH gọi “rocket” là “hỏa tiễn” để chỉ một đạn pháo (dài lối vài m và chu vi lối 1 m) được phóng đi từ bệ phóng (hoặc khỏi cần bệ phóng), thí dụ như hỏa tiễn 122 ly; song ngoài Bắc gọi là “tên lửa.” Tóm lại, “tên lửa” hay “hỏa tiễn” tương đương với chữ “rocket, guided missile” trong Anh ngữ và chữ “dăo dàn” (đạo đạn) trong Hán ngữ, tức là vũ khí này có hệ thống điều khiển tự động.
    Sau đây là một vài thuật ngữ liên hệ: phi đạn (fēi dàn) = guided missile; hỏa tiễn không đối không (kōng dùi kōng dăo dàn = không đối không đạn đạo) = air-to-air guided missile = tên lửa không đối không; hỏa tiễn địa đối không (dì duì kōng dăo dàn = địa đối không đạo đạn) = surface-to-air missile, ground-to-air guided missile = tên lửa đất đối không; hỏa tiễn địa đối địa (dì duì dì dăo dàn = địa đối địa đạn đạo) = ground-to-ground guided missile, surface-to-surface missile = tên lửa đất đối đất… Theo thiển ý, chữ “tên lửa” làm ta liên tưởng tới cái tên gắn trên cây cung hay nỏ ngày xưa (trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, hay trong những phim ảnh của Hoa Cộng mô tả những trận chiến về thời Đông Chu Liệt Quốc hay Tam Quốc thì những trận hỏa công thường dùng nhất là những mũi tên buộc những giẻ tẩm dầu rồi gắn vào mũi tên, rồi được đặt vào cây cung/nỏ rồi bắn về phía địch quân: hàng vạn mũi tên lửa như vậy, một khi trúng đích thì doanh trại của địch quân bị thiêu hủy luôn. Do vậy, chữ “tên lửa” không gây một ấn tượng khủng khiếp và cũng không mang tính khoa học; trái lại, chữ “hỏa tiễn” lại đầy ấn tượng: khoa học và kinh hoàng. Nhưng nếu ta dùng chữ “đạo đạn” (dăo dàn) lại có vẻ “Ba Tàu” tuy nghĩa của chữ này khá đúng: đạn được hướng dẫn tới mục tiêu (guided missile).

  4. Chữ “tàu”

Chữ “tàu” làm ta nghĩ tới một chiếc thuyền lớn, chạy bằng sức người (vài trăm nô lệ bị cột chân vào thuyền để tránh bỏ trốn, bị đánh đập nếu ngưng tay chèo thuyền) mà Đế chế La Mã khi xưa dùng để vượt biển chở lính viễn chinh đi chinh phục thế giới; ngay cả quyền thần Trịnh Hòa đã tuân lệnh của triều đình Mãn Thanh chỉ huy vài chục chiến thuyền lớn (cũng chạy bằng sức người) vừa đi buôn vừa cướp phá những vùng biển Đông Nam Á về cuối thế kỷ 19. Do vậy, chữ “tàu” làm ta liên tưởng chiếc thuyền được vận hành bằng sức người (man-powered), sau này, người ta ghép chữ “tàu” với một chữ Nôm khác (hoặc danh từ, động từ) để chỉ một phương tiện vận chuyển, thí dụ: tàu bay, tàu thủy, tàu hỏa, tàu ngầm… Đồng thời chữ “Tàu” (viết hoa chữ T) được ám chỉ những bề tôi trung thành của Nhà Minh đã dùng thuyền vượt biển sang đất Việt để tỵ nạn vì không chịu phục tùng triều đình Mãn Thanh: Mạc Thiên Tích (Mạc Cửu), Dương Ngạn Địch dắt hàng ngàn bộ hạ cùng gia đình …đã ghé vào bờ biển miền Trung dưới thời Chúa Nguyễn… Do đó, đã xuất hiện chữ “người Tàu” để ám chỉ người Hoa sang Việt Nam bằng đường biển, còn người Hoa đi bằng đường bộ (qua ngả Lạng Sơn, Cao Bằng) thì được gọi bằng “chú Khách, chú Chệt, người Hoa, người Minh Hương…”

  1. Một số từ ngữ đậm nét Bắc phương
    Hiện nay báo chí và giới truyền thông hay dùng một số từ ngữ “nghe hơi lạ tai,” dù từ ngữ đó cũng là nhóm từ Hán Việt, song thuộc loại “cách tân” mà nhiều khi trong từ điển Hán ngữ của Đài Loan (thí dụ như cuốn Từ Vựng của Lục Sư Thành, nhà xuất bản Văn Hóa Đồ Thư, Trung Hoa Dân Quốc năm 57) cũng không đề cập đến.
    5.1. Tài liệu (cái liào)
    Xưa kia, chữ “tài liệu” được mọi người hiểu nghĩa là “văn kiện/văn bản… để dùng vào việc biên soạn sách vở, hay tham khảo, trích dẫn” tương đương với Anh ngữ là: “data, material, document.”
    Thí dụ: học tập tài liệu (xue xí cái liào) = tài liệu học tập (material for study); tài liệu khoa học (cái liào ké xué) = materials science; sưu tập tài liệu (sōu jí cái liào) = sưu tầm tài liệu (to gather material, to collect data); tham khảo tài liệu (cān kăo cái liào) = tài liệu tham khảo (reference material, source documents)…

5.2. Tư liệu (zī liào)
Nhưng ngày nay, Báo Đài lại hay dùng chữ “tư liệu” có nghĩa tương đương với chữ “tài liệu.” Song người Việt hải ngoại thường chê chữ “tư liệu” vì họ hiểu là “tài liệu riêng tư” mà cho rằng người viết đã dùng sai chữ. Song từ trước tới nay chưa có ai cải chính vì người chê trách và người dùng đều không thông thạo chữ Hán (Nho). Sự ngộ nhận là ở chữ “tư” (Pin Yin là “sī” có nghĩa là “riêng tư, cá nhân,” nên khi được ghép với chữ “liệu” (liào) làm người nghe tưởng là “tài liệu cá nhân, riêng tư” (personal/private document).
Từ điển Hán ngữ (Từ Vựng của Lục Sư Thành, nhà xuất bản Hoa Văn Đồ Thư, Đài Loan, trang 897) có vài chữ “tư” mà người Việt coi là đồng âm dị tự (theo cách phát âm của người Việt), nhưng người Hoa lại phát âm khác:
– Tư (sī): tài sản (như gia tư); cá nhân, riêng tư (như tư kiến, tư nhân, tư hữu, tư giao); không công bằng (như tư tâm, tư dục); bí mật, vụng trộm (như tư bôn, tư thông). Nhưng Từ điển Hoa Anh hay Hoa ngữ của Đài Loan không có chữ “tư liệu” (với ý nghĩa “tài liệu của cá nhân, tài liệu riêng”).
– Tư (zī): tiền, tiền của (như tư bản, tư bản gia, tư bản chủ nghĩa, tư sản giai cấp); thiên tính (như tư chất, thiên tư); thân phận (như tư cách)… và sau chót mới có nghĩa là “để tham khảo” tức dùng làm tài liệu. Vậy chữ “tư liệu” vốn gốc gác từ Hoa Cộng!
Ngay trong Từ điển điện tử Hán Anh Pleco (tức Pleco Basic Chinese-English Dictionary) cũng nhấn mạnh tới chữ “tư” (zī) với nghĩa là “tài, tiền tài, tiền bạc,” điển hình như: Tư Bản Luận (Zī Běn Lùn) = Das Kapital; Tư bản chủ nghĩa (Zī běn zhǔ yì) = Capitalism; tư bản gia (zī běn jiā) = capitalist; Tư bản đế quốc chủ nghĩa (Zī běn dì guó zhǔ yì) = Capitalist-Imperialism… Còn chữ “tư liệu” (zī liào) có nghĩa như “tài liệu” (material, document, reference) và cũng có nghĩa là “dữ liệu” (data); thí dụ: “tư liệu khố” = zī liào kù = database (cơ sở dữ liệu); “tư liệu truyền thâu” = zī liào chuán shū = data transmission (truyền dữ liệu)… Tuy nhiên chữ “tư liệu” (zī liào) có nghĩa là “tài liệu” (cái liào) lại đứng hàng sau cùng. Điều này càng chứng tỏ rằng chữ “tư liệu” vốn xuất phát từ Hoa lục.
5.3. Hạ quyết tâm
“Hạ” (xià) có nghĩa là “đi đến, đưa ra…” khi được ghép với chữ “quyết tâm, kết luận, định nghĩa…” để nhấn mạnh hành động đó. Thí dụ: hạ quyết tâm (xià jué xīn) là quyết tâm, quyết định làm; hạ kết luận (xià jié lùn) là kết luận… Đây cũng là lối nói của Hoa lục mà trong từ điển Hoa ngữ của Đài Loan không hề đề cập đến.
P. Kim Long
Saigon 2014
Email: pklong9@gmail.com

Alfonso & Witney Do The Carlton

Dancing With The Stars

It’s Not Unusual
Artist: Tom Jones

It’s not unusual to be loved by anyone
It’s not unusual to have fun with anyone
But when I see you hanging about with anyone
It’s not unusual to see me cry
Oh, I wanna die.

It’s not unusual to go out at any time
But when I see you out and about, it’s such a crime
If you should ever wanna be loved by anyone
It’s not unusual – it happens every day
No matter what you say
You find it happens all the time!
Love will never do
What you want it to
Why can’t this crazy love be mine?

It’s not unusual to be mad with anyone
It’s not unusual to be sad with anyone
But if I ever find that you’ve changed at anytime
It’s not unusual to find out I’m in love with you.
Whoa-oh-oh-oh-oh-oh!
Whoa-oh-oh
Whoa-oh-oh-oh-oh-oh!
Oh-oh

Tài xế bất đắc dĩ


Tài xế bất đắc dĩ
Thái-Vinh

Tiểu bang Arizona to gần bằng nước Việt Nam; nhưng từ thủ đô Phoenix muốn lái xe đi chơi đâu trong tiểu bang một ngày cũng có thể thực hiện được. Nếu có bạn đến thăm, theo Hoa Đại Tẩu thì đưa đâu xa chi cho mệt; cứ đưa vào các động casino quanh nhà như Fort McDowell, Arizona, hay Wild Horse Pass nghe tiếng reo Ak-chin Ak-chin… vui tai, ai không thích?
Ngày 14 tháng 9 vừa qua, thành phố Chandler hân hạnh được Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại và Nguyệt san Bút Tre chọn làm nơi tổ chức Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Kỳ IX. Sau đại hội, một nhóm 12 thi sĩ còn quyến luyến ở lại thêm một hay hai ngày tham dự chương trình du ngoạn cảnh đẹp Arizona. Có lẽ thi sĩ là người không ưa náo nhiệt, nên người soạn chương trình bỏ mục đi nghe Ak-chin Ak-chin? Tôi nghỉ làm ba ngày xin theo chơi, sẵn dịp muốn gặp lại hai người bạn thi sĩ xa nhau đã lâu là Lê Trọng Nghĩa và Như Hoa Lê Quang Sinh. Cô chủ bút cho tôi thêm cơ hội làm tài xế phụ kiêm hướng dẫn viên du lịch. Đến lúc thuê được xe, cô bỏ ra về, lấy cớ phải ở nhà làm báo, nhường luôn cho tôi làm tài xế!
Thi sĩ là người ưa mơ mộng và hay quên. Thi sĩ Lê Trọng Nghĩa đã quên tôi; nhưng tôi không bao giờ quên anh vì bài thơ tuyệt tác “Mẹ Là” của anh do nhạc sĩ Trịnh Hưng phổ nhạc và chúng tôi giới thiệu trong chương trình chủ đề “Văn Nghệ Trăng Soi Duyên Lành với nhạc sĩ Trịnh Hưng” ở Milpitas, California vào ngày 2 tháng 12 năm 2004. Từ đó bài hát “Mẹ Là” êm đềm vương vấn mãi trong tâm hồn tôi.
Mẹ là tất cả ý thơ
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm
Mẹ là liều thuốc thần tiên
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha
Mẹ là biển rộng bao la
Mẹ là gió mát, mẹ là trăng thanh
Mẹ là trái ngọt cây lành
Mẹ là trái chín trên cành đợi con
Mẹ là lòng dạ sắt son
Mẹ là tượng đá mỏi mòn chờ mong
Mẹ là lúa ngát trên đồng
Mẹ là cửa ngõ chờ mong con về
Mẹ là bóng mát trưa hè
Mẹ là mái ấm chở che con hoài
Mẹ là nhẫn nại tuyệt vời
Mẹ là thần tượng đêm dài của con

Hai năm sau, thi sĩ Lê Trọng Nghĩa tổ chức buổi thi nhạc giao duyên tại tư gia ở Sacramento làm nhịp cầu văn nghệ cho chúng tôi gặp thi sĩ Như Hoa Lê Quang Sinh. Thời gian trôi qua nhanh; nếu không có Đại Hội Thơ ở Chandler, chắc không gặp lại hai anh! Con chim đầu đàn của “Cụm Hoa Tình Yêu” kiêm Hội trưởng Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại là thi sĩ Như Hoa Lê Quang Sinh mới ngày nào còn là “Người trai thời chiến” nay đã ở tuổi thượng thọ. Một nhân vật đại hiền như anh đáng nhẽ được ngồi ghế tài xế phụ; nhưng lại nhường ghế cho một thi sĩ lạ hoắc, gặp ai cũng kêu em, nói vài câu tiếng Việt như “Cảm ơn em” hay “Em ngon lắm”… Báo hại cho tôi, suốt cuộc hành trình ít được nói tiếng mẹ, phải lục trí nhớ nói tiếng Pháp với thi sĩ kiêm giáo sư văn sĩ Ali Smaoui, người xứ Tunisie có chân trong Hội Hàn Lâm Pháp.
Người Việt Nam có truyền thống chia rẽ. Hai hàng ghế đầu, các nàng thi sĩ dành lấy, đẩy các chàng thi sĩ xuống ngồi hạng chót. Ngoài nhóm 12 thi sĩ đi chung xe 15 chỗ ngồi, còn có gia đình thi sĩ Phan Long đi xe riêng cố chạy theo coi vài cảnh đẹp phía nam Arizona. Chạy được nửa đường, ngừng lại Burger King ăn trưa xong, tài xế bên xe anh Phan Long nhìn trời, coi đồng hồ, thở dài quay xe về Phoenix kẻo trễ chuyến bay New York tối nay.
Trong các bài viết “Cảnh Đẹp Quanh Nhà” đăng trên Nguyệt san Bút Tre trước đây, tôi chưa có bài về Colossal Cave Mountain Park. Năm kia, một độc giả Bút Tre đưa gia đình đi chơi ở đó về khoe:
– Động Colossal đẹp tuyệt vời!
Tôi tò mò hỏi:
– Đá ở đó còn sữa không?
– Anh nói đùa không hà! Đá làm gì có sữa?
– Đá không có sữa sao gọi là “Thạch nhũ”?
Thế là tôi làm lơ luôn cái động Colossal Cave Mountain Park hết sữa ấy; ngay cả đến lúc cầm lái, tôi cũng đã có ý định không đi theo chương trình do cô chủ bút soạn! Nhưng trên xe lắng nghe thi sĩ ba miền Nam-Trung-Bắc đùa vui đố đáp nhau và mãi suy nghĩ tìm giải đáp cho câu đố “hoang” của một nam thi sĩ, “Đàn bà và cái tủ lạnh khác nhau chỗ nào?” thì đã đến cổng Colossal Cave Mountain Park.
Colossal Cave Mountain Park nằm về phía đông Tucson khoảng 24 dặm, và cách Exit 279 North trên xa lộ I-10 East khoảng 7 dặm. Toàn bộ công viên Colossal Cave Mountain Park gồm ba thạch động và trang trại La Posta Quemada nằm kề bên Saguaro National Park phía đông dưới chân rặng Rinco trải đầy đại xương rồng Saguaro, phong cảnh thật nên thơ. Xe chở 6 người vào công viên trả lệ phí đậu xe $5. Quá 6 người, thêm $1 mỗi người. Mười hai thi sĩ thêm tài xế và kiểm soát viên Tuyết-Mai chỉ trả $10. Qua khỏi cổng công viên, rẽ sang trái vào động; còn chạy tiếp đến cuối đường là đến trang trại La Posta Quemada; nơi đó có viện bảo tàng, thư viện, cỡi ngựa, đi xe kéo, đãi vàng, hiking, pinic… là chỗ lý tưởng vui chơi thoải mái gần gụi thiên nhiên cho gia đình có trẻ em vào những ngày nghỉ học.
Động Colossal là động duy nhất trong ba động gần nhau mở cửa cho du khách. Hai động kia là Arkenstone và La Tetera chỉ dành cho các nhà nghiên cứu. Khám phá động Colossal chờ khoảng 30 phút đi theo tua. Mỗi tua dài khoảng 45 phút. Vé $13 mỗi người. Phái đoàn thi sĩ được hưởng giá đặc biệt $11 dành cho chiến binh. Nhiệt độ trong động lúc nào cũng mát mẻ ở khoảng 70 độ, đường dễ đi, và được chụp ảnh thoải mái. Tuy là động chết, cạn sữa đã mười ngàn năm; nhưng kìa vú đá (stalactite), măng đá (stalagmite), ngạnh đá (helectite)… dưới ánh đèn mờ ảo trông vẫn còn hấp dẫn, hỏi ai không muốn sờ bóp? Hướng dẫn viên cho phép chỉ được sờ một cục măng đá bên đường. Bị sờ bóp miết, cục đá trở thành cái đầu lão già hói “Old Baldy”! Bộ lạc da đỏ Hohokam đã sinh sống trong vùng núi nầy từ hai ngàn năm trước. Sau đó các bộ lạc Sobaiouri, Apache, và Papago (ngày nay là Tohomo O’odham) thay phiên làm chủ động Colossal linh thiêng để ẩn trú và làm kho chứa cho đến khi người da trắng tiến chiếm miền Viễn Tây thì người da đỏ bỏ đi. Công ty Souther Pacific Line thiết lập trạm xe ngựa chở khách ở ngay trang trại La Posta Quemada vào thập niên 1870. Sau đó, trạm bị cháy. Solomon Lick xây khách sạn Mountain Springs và trạm xe ngựa mới. Ngày 15 tháng Giêng năm 1879 trong lúc đi tìm mấy con bò lạc, Solomon tình cờ khám phá cửa động Colossal. Frank Schmidt tổ chức tua khám phá động Colossal với thang trèo, dây leo, đèn lồng… từ năm 1923. Nhờ chính phủ liên bang trợ giúp qua chương trình phục hồi kinh tế khủng hoảng, trong ba năm 1934-1936, động Colossal được cải tạo hoàn thành hệ thống có lối đi và gắn đèn trở thành động du lịch và được ghi vào Di tích Lịch Sử Quốc Gia năm 1992. Nhóm thợ lao động trong ba năm xa nhà năm xưa đã kiến tạo một bàn thánh và để lại truyền thống đẹp kết hôn trong nhà thờ hang đá mà ngày nay các cặp tân lang và tân giai nhân cũng thích tổ chức một lễ cưới đơn giản và lãng mạn như vậy. Các nhiếp ảnh gia đang tranh nhau chụp hình bàn thánh đá thì bắt đầu có tiếng than khẽ khó thở, chóng mặt, nhức đầu, rồi có tiếng ọ oẹ muốn ói… Người trẻ nhất trong đoàn là Tuyết-Mai và trưởng lão Như Hoa không kịp chờ hướng dẫn viên liên lạc trên hang gửi người xuống đón, đã vội vã vọt ra cửa hang!
Tài xế chạy hết ga, đến San Xavier Del Bac đúng 5 giờ chiều là lúc ngôi nhà thờ do dòng Chúa Cứu Thế truyền giáo hoàn thành năm 1797 với kiến trúc độc đáo được ca tụng là chim bồ câu trắng trong sa mạc đóng cửa. May mắn còn gian hàng của một chị da đỏ tiếp khách với bánh rán chấm mật ong gỡ gạc đỡ đói.
Vào thập niên 1960 khi biết dự án phát triển đô thị Tucson sẽ xây con đường Butterfield Expressway cắt xuyên Tucson và khu Tây Ban Nha cổ “Barrio Vejo” nằm trên đường Cushing sẽ bị dẹp bỏ, dân chúng liền tìm cách chống lại bằng cách vận động đăng ký biến El Tiradito thành một Di Tích Lịch Sử Quốc Gia (National Historic Place). Một nơi nào đó nếu được công nhận là Di Tích Lịch Sử Quốc Gia, lập tức được đạo luật National Historic Preservation Act năm 1966 bảo vệ không được xâm phạm. Nhờ El Tiradito chính thức trở thành Di Tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm 1971 mà khu Tây Ban Nha cổ “Barrio Vejo” ở Tucson được giữ nguyên vẹn, nhưng Tucson lại chưa xây một đường tốc hành như đường 101, 202, hay 51 ở Phoenix khiến trong giờ đi làm và tan sở ở Tucson lúc nào cũng bị nạn kẹt xe!
El Tiradito là miếu thờ duy nhất ở nước Mỹ hiến dâng linh hồn của một kẻ phạm tội đến lúc chết không được thánh hoá. El Tiradito có nghĩa là bị ruồng bỏ bơ vơ. El Tiradito là một phần di sản chuyện dân gian của người Mễ vào thế kỷ 19. Chuyện có nhiều bản khác nhau chút đỉnh, đại khái có một chàng rể yêu mẹ vợ. Bị bố vợ bắt gặp, chàng rể vội phóng ra cửa sổ chạy trốn; nhưng bị bố vợ nhanh tay rút súng bắn trúng, loạng choạng té chết ngay trước hiên nhà. Vào thời đó kẻ phạm tội, chết không được phép chôn trong nghĩa trang Công Giáo nên phải chôn ngay tại chỗ chết. Nhiều phụ nữ ở đó cảm động cho linh hồn kẻ xấu số bèn lập đàn cầu nguyện. Lâu dần El Tiradito biến thành miếu thờ kẻ bị ruồng bỏ bơ vơ mà quên đi chuyện phạm tội. Miếu El Tiradito trống ộc trống ạc, chỉ có một bức tường gạch. Không biết bức tường đó là mặt sau hay mặt trước của của một căn nhà còn sót lại? Có lẽ là mặt sau vì thông thường kẻ phạm tội nhảy trốn ra cửa sau! Miếu El Tiradito rất linh thiêng nên lúc nào cũng đầy hoa, đèn, và hình ảnh chưng bày ngổn ngang đã trở thành Miếu Ước (Wishing Shrine). Người cầu nguyện thắp ngọn nến, nếu sáng hôm sau trở lại thấy nến vẫn còn cháy sáng thì điều ước đã được chấp nhận. Trong vô số lời cầu nguyện ghi ra giấy nhét vào kẽ bức tường El Tiradito có lời cầu của một bà mẹ vợ rất cảm động:
Chúa ơi, xin đừng cho thằng rể yêu con! (Please God, don’t have my own son-in-law fall in love with me!)
Nghe tôi kể đến đây, các nữ thi sĩ cười khúc khích thì thi sĩ Lê Trọng Nghĩa và Như Hoa tò mò rút trong kẽ tường coi lén một điều ước gì đó, cười tủm tỉm.
Phái đoàn kết thúc chuyến du ngoạn cảnh đẹp phía nam tại Quán Miss Saigon. Lúc lên xe, thi sĩ Ali Smaoui mới mở miệng một câu tiếng Việt nghe được, “Miss Saigon, em ngon lắm!”
Ngày hôm sau, Tuyết-Thu thay thế Tuyết-Mai chăm nom phái đoàn thi sĩ du ngoạn cảnh đẹp Sedona. Thi sĩ Lê Trọng Nghĩa đã về Sacramento. Phía nữ được tăng cường thêm quái kiệt Kimberly. Thi sĩ Ali Smaoui tụt xuống ngồi hàng ghế sau thì bị các chị cằn nhằn sao đó, ông lại trở lên ngồi ghế tài xế phụ. Quái kiệt trổ tài chọc ghẹo hết chàng thi sĩ nầy đến chàng thi sĩ kia làm ai cũng say mê quên ngắm cảnh đẹp bên đường. Trước khi rẽ sang đường 179, tài xế cho phái đoàn ghé lại bìa rừng ngắm Montezuma Well. Montezuma Well là một cái giếng nước khổng lồ, đường kính rộng 368 feet (112 mét) và sâu 55 feet (17 mét). Dưới giếng có người ở; thì ra đó là một toà thuỷ động có mạch nước ngầm bị sụp đổ biến thành giếng. Nhưng nước giếng uống không được; cá cũng sống không nổi vì độ Carbon dioxide quá cao, chỉ có rùa bùn, tôm giáp xác, đỉa, bò cạp nước, và chim chóc rình rập kiếm ăn. Giếng không bao giờ cạn nước. Mỗi ngày mạch nước ngầm đổ ra giếng hơn 1 triệu ga lông nước ấm 76 độ F (24 độ C); rồi nước trong giếng theo kẽ nứt thuỷ động chảy ra mương nước do bộ lạc Sinagua xây dọc theo dòng suối Beaver dẫn nước tưới vào vườn tược. Mương nước ấy cho đến ngày nay vẫn còn được dân chúng quanh Montezuma xử dụng. Người Sinagua biến mất khỏi giang hồ từ hơn 600 năm trước; nhưng đối với người da đỏ Yavapai ngày nay, Montezuma Well là giếng nước thiêng liêng vì nguồn gốc dân tộc họ từ trong giếng nước ấy đi ra.
Sedona đá đỏ là cảnh đẹp trứ danh của Arizona. Nếu tài xế không giục lên xe mấy lần thì phái đoàn thi sĩ vẫn muốn chụp ảnh và chơi mãi ở Chapel of the Holy Cross. Trái với cuộc du ngoạn ngày đầu, lần nầy Tuyết-Thu đã chuẩn bị sẵn bánh mì thịt nguội cho phái đoàn thi sĩ nghỉ ăn trưa trong khu shopping Tlaquepaque phủ đầy bóng cây Sycamore rất thơ mộng. Tlaquepaque có ngôi nhà thờ nhỏ chứa độ 20 người rất xinh xắn, và có nhiều phòng triển lãm tranh. Cuộc du ngoạn có thể còn tiếp tục đi lên Flagstaff, nhưng sa mạc bỗng chuyển mưa!
Thấy tôi còn nghỉ thêm một ngày ra dáng thẫn thờ. Nàng hỏi:
– Hôm nay anh còn đưa phái đoàn đi du ngoạn nữa không?
– Phái đoàn đã về gần hết rồi; chỉ còn Như Hoa Lê Quang Sinh, Lộc Vàng, và Duyên Hùng.
– Thì cứ đưa các anh ấy đi chơi, kẻo biết bao giờ mới gặp lại!
“Biết bao giờ gặp lại” làm tôi bàng hoàng, vội điện thoại. Bên kia đầu dây một giọng nói thật hiền, “Tiếc quá, hôm nay tôi không được khoẻ. Anh đưa Lộc Vàng, Duyên Hùng, My-Hương và cô bạn đi, được không?”
Tưởng cô bạn nào mới, té ra là quái kiệt Kimberly. Ngày hôm qua cô ngỗ ngáo tinh nghịch quá cỡ; nhưng hôm nay bỗng trở nên đoan trang thùy mị tuyệt vời. Có lẽ vì thiếu người để chọc chăng? Lộc Vàng lúc nào cũng trầm tư buồn buồn, không tha thiết Papago Park là một ốc đảo đẹp như bức tranh trong sa mạc. Anh chỉ leo theo lên Kim Tự Tháp của Thống Đốc George W. P. Hunt, (1859-1934), vị Thống Đốc đầu tiên của tiểu bang Arizona đã phá kỷ lục làm Thống Đốc tiểu bang tới 7 nhiệm kỳ; rồi trở xuống thơ thẩn bên ao cá; còn chúng tôi leo tiếp lên Hole in the Rock mà từ xa trông giống hốc mắt sâu hoắm vào đầu lâu. Đó là chỗ ngắm toàn bộ quang cảnh thành phố Phoenix. Sa mạc bỗng chuyển mưa. Mọi người chạy tìm chỗ tránh mưa; còn nữ quái được dịp phát triển hết nét ngây thơ tung tăng ca hát nhảy múa dưới mưa…