Lòng Tự Trọng Của Con Gà Mái

Lão Ma Thiện-Trường

Một hôm A-Phi nhìn thẳng vào mặt ba nó, ngập ngừng một hồi khá lâu, rồi đưa tay chỉ lên tờ Thời Báo có đăng tấm hình ngày anh Tiểu Diệp của nó được cấp bằng võ sư tứ đẳng huyền đai lúc tròn 16 tuổi, và vô cùng thắc mắc:
– Ba ơi, sao Diệp còn nhỏ mà được lên trang bìa báo vậy ba?
Lão Ma nghiêm túc trả lời:
– Anh Diệp tập võ từ năm 12 tuổi; mỗi ngày tập 2 tiếng từ thứ Hai đến thứ Năm không ngừng nghỉ bữa nào. Cuối tuần có khi nó nhốt mình trong nhà xe 8 tiếng đấm bao cát cho tới mu hai bàn tay rướm máu bị má con chửi có thằng cha điên dạy con đam mê võ nghệ thì anh con quay sang tập Thái cực quyền cho má con vui; nhưng nó vẫn lén luyện đủ võ thuật các phái. Được lên báo là nhờ khổ luyện. Làm việc gì cũng phải cố gắng như anh Diệp thì con sẽ được đăng lên báo thôi!
A-Phi nghe xong im lặng không nói gì.
Lão Ma bây giờ mới hiểu ở Mỹ người ta chỉ tôn trọng người đàng hoàng được lên báo hay ti-vi với câu nói: “If you are not on TV, you are nobody.”
Lão Ma đã xoá hết hình gà mái vì nó không còn trên cõi đời này nữa!
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng Lão Ma cứ thấy ray rứt chuyện con gà mái dầu của A-Phi không biết nó đi về đâu để tìm riêng cho mình một cách chết vô cùng đẹp. Đây cũng là một tiêu án mà vợ Lão Ma gây gỗ vào cái hôm chị gà mái dầu bỏ chuồng ra đi lặng lẽ.
Sau một ngày ác chiến với diều hâu, chị gà mái dầu mình mẩy đầy thương tích; lỗ đít rụng sạch lông trắng hếu phơi hĩm tênh hếch, trong khi anh gà trống vẫn oai phong lẫm liệt trong bộ áo công tử sặc sỡ với mồng gà đỏ thắm. Thấy nó tình nghĩa lăng xăng quấn quít bên đít chị gà mái dầu như muốn chăm sóc cũng tội; nhưng chị gà mái dầu tủi thân cứ dụi lỗ đít quay đi hướng khác. Khi Lão Ma đi cày về, người đầu tiên báo cáo là Diệp:
– Ba ơi, con gà mái chắc bị diều hâu quay lại ăn thịt nó rồi?
A-Phi liền bay vô cãi:
– Không phải đâu ba! Diều hâu thua, cũng bị thương nặng, cố sức bay trốn. Gà mái bỏ nhà đi tìm chỗ để chết đó! Con không nghe tiếng đánh nhau rầm rầm như hôm qua. Con tìm theo vết lông rụng, nó bỏ đi qua hướng nhà cô Oanh và ông Rudy rồi mất tiêu dấu lông!
Lão Ma ôm A-Phi vào lòng xoa đầu an ủi:
– Ba cũng nghĩ giống như con. Mình mẩy nó đầy thương tích chắc biết mình không thể sống được nữa, mà lại ở bên anh gà trống bô trai lăng xăng chăm sóc, cứ săm soi chỗ lỗ đít rụng sạch lông trắng hếu thì còn gì xấu hổ hơn? Nó bỏ đi là đúng rồi. Ba nghĩ đây là lòng tự trọng cuối cùng của chị gà mái dầu đầy cá tính. Thôi con đừng tìm nữa, cũng đừng buồn nghen con! Mình phải tôn trọng sự lựa chọn theo lối tự xử của một con hùng kê đầy khí phách đủ tư cách làm một con gà đàng hoàng cho chủ nhân và bạn đời kính trọng sự ra đi của nó!
Anh Diệp của A-Phi cười tủm tỉm khi nghe ba nó giải thích hộ con gà.
Buổi tối Hoa Đàm đi làm về nghe A-Phi học lại nguyên văn:
– Lòng tự trọng cuối cùng của con gà đã bỏ nhà đi tìm chỗ để chết, má mua con gà mái khác cho con nghe má?
Hoa Đàm nhàu nhò, “Tụi bay nghe ông già điên nói chuyện”, rồi bả phì ra cười; vừa cười vừa lẩm bẩm, “Lòng tự trọng cuối cùng của con gà… Hùm… Chỉ có đồ điên mới nghĩ cao siêu như vậy?”
Lão Ma giải thích:
– Bà không đọc sách nên không biết gì hết! Vào thời đại Thích Ca, bên Tàu có ông Lão Đam nhỏ hơn ông Phật vài tuổi cũng đã bắt chước con gà cỡi trâu đi vào sa mạc. Lòng tự trọng của Lão Tử mấy ngàn năm trước cũng học từ gà ra mà thôi…
Hoa Đàm giận dỗi ngoay ngoảy bỏ vô buồng:
– Tại không đọc sách nên mới làm vợ ông nè!

Thú cưng của em

Nguyễn A-Phi (9 tuổi, lớp 4)

Từ khi anh Hai Diệp đi học ở UC Berkely và anh Ba Huy đóng cửa phòng ráo riết luyện thi chuẩn bị vào đại học thì trong nhà không còn ai chơi với em nữa. Sợ em buồn, sanh bệnh trầm cảm, Ba mua cho em hai con gà. Ít lâu sau, trong vườn nhà em có một đàn gà con. Ba nói đùa với mẹ, “Mai mốt bà làm thịt con gà trống giỗ ông Nội thằng A-Phi”.
Một hôm đang chơi với các con thú cưng, em chạy vào nhà, thở hổn hển gọi điện thoại khẩn cấp làm ba em phát sốt:
– Ba ơi , con diều hâu từ trên trời cao lao xuống quắp con gà con bay lên rớt xuống; còn đang đánh nhau với gà mẹ ngoài vườn…
– Sao con không kêu mẹ ra cứu nó?
Mẹ em giật lấy điện thoại, run run nói:
– Tụi nó làm rầm rầm như xe hơi tông lộn. Con gà trống thua, bỏ chạy, la thét như bị cắt cổ làm tôi rợn da gà. Vừa mở cửa, nó bay vô nhà, bay lên bàn thờ ba, rồi bay luôn lên chỗ thờ ông Phật, ngồi trên đó run lập cập, mặt tái mét! Tôi bắc thang bế xuống; hai cẳng nó run rẩy, tim đập thình thịch, trông rất tội nghiệp!
Ba em hỏi:
– Còn con gà mái đâu?
– Nó đánh thắng con diều hâu; miệng nó ngậm đầy lông chim. Tôi đẩy cửa sau ra, thấy con diều hâu lảo đảo bay lên. Cánh nó dang ra cả thước; trong tích tắc bay biến mất. Tôi còn run, nói chi con gà trống?
Em xen vào:
– Con gà mái nhà mình thua, sao mẹ lại nói thắng? Lông đít nó rụng sạch hết kìa!
Mẹ ngoay ngoắt:
– Thôi, tôi đi làm. Chiều ông về nhớ bôi thuốc cho nó?
Chiều ba đi làm về, mưa to quá; ba chỉ nhốt đàn gà vào chuồng. Ba kể chuyện đầu năm gà mái đại chiến với diều hâu cho bác Ba ở Arizona nghe. Bác thích quá, đề nghị, “Vợ chồng chú đừng giết gà nhà làm đám giỗ ông Nội. Gà mẹ liều chết bảo vệ đàn con thật là tấm gương sáng cho các cháu suốt đời nhớ mẹ. Còn gà trống, tuy thua bỏ chạy, nhưng biết kêu cứu; đừng để đàn gà con mất bố!”