Thoáng

Thoáng
Uncle thân mến,
Chú ơi, cháu có mấy đứa bạn dạo sau này hay dùng chữ “thoáng” để diễn tả những việc không vào “khuôn khổ”, nhất là cái “khuôn” của người Việt xưa mình. Chẳng hạn, mình quen một người bạn không phải là người VN thì nó nói cháu “thoáng” trong việc quen biết. Hoặc khi cháu nói có thể cháu không lấy chồng thì nó nói là cháu có một nếp sống “thoáng.” Cháu cũng hiểu “thoáng” ở nghĩa tốt của nó, nhưng sao cháu vẫn có ác cảm với cái chữ “thoáng” này. Chú thấy cháu có khó chịu không?
Cháu M

Cháu M thân mến,
Cháu làm chú  vui vẻ nhớ lại chuyện cũ thời thư sinh rời quê vào Sài Gòn học. Nhà trọ của chú ở sát nhà cô K bán bánh mì. Mỗi khi thức khuya, chú thường ra xe bán bánh mì của cô K mua một ổ bánh mì thịt nguội ăn lấy sức gạo bài. Cô K nhất định không lấy tiền. Ban đầu chú tưởng cô K tốt bụng biết thương người nghèo; nhưng có ngu đến đâu lâu dần cũng hiểu là K yêu chú vì chú đẹp trai hay học giỏi gì đó. Một hôm nghỉ hè về quê, chú lén đề nghị với má rằng chú muốn lấy vợ Sài Gòn. Bà nhảy dựng lên, gọi ba của chú:
– Ông coi có được không, thằng con ông mất gốc muốn lấy vợ Sài Gòn nè?
Chú sợ điếng người; nhưng ông cụ mỉm cười gật gù hỏi:
– Bà nói mất gốc nghĩa là sao?
Má chú tức tối:
– Bấy lâu nay ăn cơm gạo trắng, uống nước máy riết nó nói cục thịt ra cục thịch; ông không nghe à?
– Bà nói làm sao ấy; chứ nó ăn, ỉa, và trưởng thành ở Sài Gòn đã 10 năm nay thì nó lấy vợ Sài Gòn được quá chứ còn gì nữa?
Chuyện tình của cô K bán bánh mì với chú chưa đến đâu thì miền Nam đã bị miền Bắc giải phóng; chú  dọt mất.
Cháu đừng nên ác cảm với các bạn dùng ba cái chữ miền Bắc phát minh làm tối nghĩa người nghe chi cho mệt. Nên sống và làm theo ý mình yêu thích, miễn là không làm hại người khác!
Còn chuyện cháu quyết định không lấy chồng là tại cháu không thích “mang gông vào cổ”, phải không? Ừ, trai gái bây giờ đa số đều thích sống “thoáng” như vậy. Chú thấy cháu không có khó chịu gì cả.

Bất hạnh trong tình yêu?

Bất hạnh trong tình yêu?
From: Kim
Sent: Monday, May 21, 2012 5:02 PM
To: UncleNguyen
Subject: Please Help…Help

Chào Uncle,
Có lẽ cùng một hoàn cả̀nh hơi giống nhau nên nhờ Uncle giúp. Xem mục gỡ rối trong số báo tháng 4/2012 có cô độc giả hỏi “Cháu quá yêu một người lớn hơn 20 tuổi, nhưng ba mẹ không bằng lòng cho cháu lấy chồng già, phải làm sao?” Trong thời đại nầy yêu nhau không phân biệt tuổi tác và giàu nghèo; nhưng oan nghiệt, và thương cho cháu T bất hạnh mới bước vào tình yêu đã chịu nhiều đau khổ. Sau gần một năm gặp laị, cháu T ốm tiều tụy tàn tạ quá bất ngờ. Hỏi tại sao? Thì trả lời con bận học và đi làm nên mất sức trong mấy tuần nay. B và Th là hai bạn gái thân của T, thấy bạn trai của T là H 40 tuổi đối đãi và hành hạ T quá đáng nên đau lòng thương xót binh vực bạn rồi xảy ra gây lộn giận hờn. Vì quá hiền và mềm yếu lụy tình, cháu T thường qua phòng của B, hai chị em bạn ôm nhau khóc. B đã từng khuyên giải an ủi, “Có H mặt trời vẫn mọc; không H sun sán vẫn sanh; không lẽ trên đời nầy hết đàn ông sao?”
B nói, “Chị T thường khóc than thở đau khổ mệt mỏi quá không biết chịu đựng bao lâu nữa, chắc chị…”
B khuyên, “Cái thân nầy của Cha Mẹ sanh ra rất quý; chưa đền ơn báo hiếu thì đừng vì một thằng đàn ông mà tự tử!”
Cháu T vừa đi làm vừa đi học. Đi làm bao nhiêu tiền mang về phải khai báo cho H. Không ngờ sống trên vùng đất Tự Do nầy vẫn còn những hạng người như thế!
Cháu T ngoan hiền, cao, trẻ đẹp, biết nấu ăn ngon mà sao cuộc đời của cháu bất hạnh thế? Cháu như là một con nai tơ gặp phải cáo già. Nhờ Uncle giúp khuyên giải cứu đời cháu gái của tôi giùm?

Kim thân mến,
Trường hợp cháu T của Kim và cô độc giả trong số báo tháng Tư ấy chỉ giống nhau là hai người đều có bạn trai già; còn hoàn cảnh thì khác quắc, cô kia yêu và được yêu (?); trái lại cô nầy thì bị hành hạ và ngược đãi.
Chung quy cũng tại tuổi trẻ nôn nóng (too hot), chưa lấy nhau mà đã vội “share phòng và share tình”; rủi trục trặc, không khéo giải quyết thì hậu quả không biết đâu mà lường! Như mới đây có cô chủ ở Gilbert đuổi bồ ra khỏi nhà liền bị hắn nổi khùng lấy súng bắn cháu gái, bắn con gái, bắn luôn hôn phu của con gái, bắn cô chủ, rồi tự kết liễu cuộc đời cái rụp!
Kim và gia đình cháu T nên gặp nhau thành thật cởi mở tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm, và động viên tinh thần. Nếu thật sự T muốn dứt khoát tránh xa hẳn H thì tạm thời T nên dọn ngay về ở với gia đình hay nhà cô Kim. Theo Bảy, trường hợp của T đâu có gì ràng buộc với người bạn ấy? Hợp thì ở, không hợp thì đi. Dễ ợt, hả Kim? Đừng đổ hô tại số phận bất hạnh, mà cứ ở với nhau lâu mang bầu càng mệt!
Còn nếu T vì một lý do nào đó vẫn không thể xa cái người như B nói là đang ngược đãi, hành hạ, và bắt H nộp tiền lương thì hỡi ơi chỉ có ông trời mới bảo T nghe! Người đàn ông ấy ắt phải có bửu bối, hay tuyệt chiêu gì đó mới làm người đàn bà đau khổ mà vẫn chịu đựng?
Cho Uncle biết kết quả nha?

Hữu duyên và Vô duyên

Hữu duyên và Vô duyên
Sư phụ ơi,
Bấy lâu nay, sư phụ khoẻ không?
Trong lúc tâm sự về Tình Yêu, bạn bè có đề cập câu thơ này:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; vô duyên đối diện bất tương phùng”
Mặc dù con thường nghe, nhưng chưa hiểu được trọn vẹn sự thâm thúy của câu thơ.
Mong sư phụ dành chút xíu thời giờ giảng cho con nha?
Đệ tử,
Doanh-Doanh

Doanh-Doanh,
Cảm ơn con, sư phụ vẫn phẻ re. Trời Phượng Hoàng Thành dạo nầy mát mẻ ngủ mở cửa sổ thở thoải mái.
Về câu hỏi của con xưa như quả đất rồi:
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; vô duyên đối diện bất tương phùng.”
Thành ngữ đó dịch ra tiếng Việt là:
“Có duyên nợ dầu xa nhau ngàn dặm cũng có thể gặp nhau; còn không, dầu ở trước mặt cũng không chung cùng nhau được.”
Quan niệm ấy bắt chước nhân duyên của nhà Phật không thể áp dụng vào chuyện tình yêu nghen em, vì chính ông Phật cũng đã kinh qua chuyện tình ái, rồi bỏ đi tu chủ trương “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” nên không thể nói ông Phật vô duyên được!
Thành ngữ đó chỉ là một câu nói bá láp, dụ khị, an ủi những kẻ thất bại trên tình trường. Sư phụ không tin duyên nợ vì trong cuộc tình cũng như trong cuộc chiến, mỗi người đều là một chiến sĩ phải chiến đấu giỏi. Muốn chiến thắng phải quyết liệt! Nhút nhát chỉ làm vuột mất hạnh phúc rồi nuối tiếc. Nếu âm thầm yêu lén kiểu yêu một chiều, thì đúng là vô duyên; còn nếu cả hai đã ý hợp tâm đầu mà không lấy nhau được là tại cả hai đều không quyết liệt, không thể đổ hô tại ông Trời, tại cha mẹ, hay tại thầy bói coi tuổi không hợp, v.v.
Tình yêu như cái xe do mình làm chủ. Nhiều mối tình lúc đầu chạy trơn tru ngon lành, về sau bị trục trặc là do người cầm lái không biết chăm sóc bảo trì.
Rủi bị trục trặc hết cách chữa, thì bỏ quách mua xe mới.
Sư phụ cầu chúc con luôn vui vẻ và may mắn trên “đường tình duyên”.
Thái sư phụ

Thiên nhai hiệp lữ, chương 2

Thiên Nhai Hiệp Lữ
Nguyên tác: NGỌA LONG SINH
Dịch thuật: P. Kim Long

Quyển 1

Chương 2

Lâm Hàn Thanh ngẩng đầu lên trời, hít một hơi dài, đoạn nói:
– Trời xanh không có mắt, sao chẳng giúp người tài.
Tố Mai nói một cách u oán:
– Cứ theo cách nhận xét tình thế hiện nay của bọn tiểu tì thì hình như cô nương hiểu rất rõ căn bệnh, lại biết rành cách chữa trị. Song cô nương lại chẳng chịu tự chữa cho mình. Bọn tiểu tì có
miệng mà không biết nói gì nên trong lòng rất kinh sợ. May sao trời xanh run rủi, hiện giờ tướng công đã tới. Khi nào gặp mặt, xin tướng công tìm lời khuyên nhủ. Đó là tướng công đã ban ân cho bọn tiểu tì.
– Các cô không nên khách sáo, tại hạ xin hết sức.
Lúc đó chiếc khoái thuyền đã đi vào giữa hồ, mũi thuyền đôi lúc nhô lên hụp xuống, tuy sóng chẳng bì được với nơi trường giang đại hải, nhưng nước vẫn bắn lên tung toé, làm ướt cả khăn trùm
mặt của Lâm Hàn Thanh. Tố Mai thấy thế cười khì một tiếng, rồi nói:
– Tướng công vì sao phải dùng khăn lụa này?
Lâm Hàn Thanh ho lên một tiếng, gượng cười, rồi nói:
– Cũng chẳng có chi bí ẩn. Nhân chỉ vì không được thư thái mà thôi.
Tố Mai sắc mặt vẫn tự nhiên vui vẻ, nói:
– Cô nương quả thật có tài tiên tri, đã dặn trước bọn tiểu tì tướng công thế nào cũng có khăn trùm mặt. Vì thế vừa rồi tướng công chỉ mới hiện thân, tiểu tì chẳng cần hỏi han đã biết ngay là ai rồi.
Chàng nghĩ thầm: “Ngay giữa ban ngày, mình có khuôn mặt xấu xí nếu không che phủ hẳn sẽ làm nhiều người kinh hãi. Nhưng Bạch cô nương này tâm cơ thận mật, đã dặn bảo thị tì mọi điều trước rồi, nên lời đối thoại cùng sắc diện của Tố Mai mới tự nhiên như thế.“
Nghĩ vậy chàng liền đáp:
– Bạch cô nương liệu việc như thần. Tại hạ xưa nay vẫn kính phục.
Khoái thuyền đi như tên bắn, phá vỡ những làn sóng mà bay tới trước. Chành quay đầu lại, chỉ thấy sóng nước tiếp tiếp nhau, mặt Thái Hồ mênh mông không nhìn ra bến bờ đâu cả. Thấy Tố Mai vẫn ra sức chèo thuyền, chàng không dằn nổi háo kỳ, đành cất tiếng hỏi:
– Cô nương! Mai Hoa Cư có còn xa lắm không?
– Ở sườn núi phía tây hồ này có một hang động. Đi nhanh lắm cũng phải mất nửa giờ nữa.
– Tại hạ thử bơi chèo một lúc được chăng?
Tố Mai tươi cười, bèn đáp:
– Tướng công chớ nên áy náy, tiểu tì chèo đã quen rồi. Sinh sống quanh Thái Hồ thì dùng bơi chèo cũng như cầm đũa ăn cơm, chẳng hề mỏi mệt.
Khoái thuyền đi như bay, thẳng hướng về phía tây. Hồi lâu đã bắt đầu trông thấy lờ mờ hình bóng cây cối ẩn hiện, lần lần nhìn rõ vách núi xanh rì. Tố Mai chèo thuyền thêm một lúc nữa, rồi hướng
mũi vào một vũng nhỏ, đoạn gác chèo, rồi nói:
– Đã tới hang núi rồi. Xin mời tướng công.
Lâm Hàn Thanh đứng lên đưa mắt ngắm nhìn. Quả nhiên chiếc thuyền đã ghé vào bên bờ núi đá.
Tố Mai miệng nói:
– Tiểu tì xin dẫn lộ.
Cô nhảy vọt lên rồi đặt chân trên tảng đá nhô ra khỏi mặt nước. Lâm Hàn Thanh liền thẳng người, tung thân nhảy một cái bay thẳng tới. Khi Tố Mai nhìn thấy Lâm Hàn Thanh nhảy vọt qua, lập tức nàng liền tung thân theo, rồi hạ xuống phía sau một tảng đá lớn, đoạn nói:
– Tướng công! Mời lên bậc đá ở phía sau này. Đó chính là Mai Hoa Cư vốn là trú sở của cô nương.
Chàng nhón gót chân rồi nhẹ nhàng đáp lên khối đá, phi nhanh vào phía sau. Chỉ thấy Tố Mai đã đi men theo bậc thang khuất dạng. Nguyên mặt sau của khối đá đã đục thành bậc, bước chân như leo thang, đến khi hết bậc rồi, cảnh vật liền thay đổi hẳn. Chỉ thấy vách núi cheo leo, cây cối um tùm, hoa cỏ mọc đầy. Chàng ngẩng đầu lên thấy một cổng gỗ to bên trên gắn bức hoành phi đề ba chữ: “Mai Hoa Cư.”
Tố Mai nhẹ giọng nói:
– Tướng công! Tiểu tì táo gan xem Tướng công không phải người ngoài. Cô nương giờ này có khi đang ngủ.
Chàng gật đầu, rồi tiện miệng nói:
– Phải rồi. Hãy đi nhẹ bước một chút.
Nói đoạn chàng theo Tố Mai đi xuyên qua vườn hoa rồi tới trước một tiểu lầu. Tố Mai nhẹ nhàng đẩy hai cách cửa gỗ, rồi nói:
– Xin Tướng công đứng đợi ở phía ngoài một chút, để tiện tì còn chạy vào xem.
– Cô nương cứ tùy tiện.
Tố Mai bước vào trong, lát sau chạy ra nói:
– Cô nương đương chờ đợi ở trên lầu. Thỉnh!
Nói rồi Tố Mai quay người đi trước dẫn đường thẳng lên trên lầu. Đó là một tòa tiểu sảnh trông rất u nhã, chiếm một nửa căn gác. Chàng ngoảnh nhìn bốn phía, thầm nghĩ:”Cảnh trí ở đây thật thanh khiết thoát trần, có điều xem chừng quá đỗi vắng vẻ thê lương.”
Tố Mai lấy tay chỉ vào mé tay trái một tấm màn mịn nói nhỏ giọng:
– Đó là chỗ cô nương nghỉ ngơi. Thỉnh tướng công tự tiện vào đi.
Chàng còn đang dùng dằng chưa tiện vọng động thì Tố Mai đã biết ý nói:
– Tiểu thư vốn bệnh hoạn, thân thể bải hoải vô lực. Làm sao cô nương có thể ra ngoài được.
Chỉ nghe thấy trong khuê phòng tiếng rèm nhẹ buông lách cách rồi vẳng ra một giọng nói nhỏ nhẻ thanh tao:
– Lâm tướng công đã tới rồi ư?
Chàng đáp một tiếng, vén rèm lên rồi bước vào. Chỉ thấy Bạch Tích Hương mình mặc áo trắng mỏng đương chống tay để ngồi lên. Khi thấy chàng đi đến gần, liền mỉm nụ cười héo hắt, rồi nói:
– Bệnh nhân nằm chờ chết, há còn tị hiềm. Tướng công tới ngồi đây.
Lâm Hàn Thanh liếc thấy một chiếc đôn kê gần đấy, liền bước tới nghiêm trang vái một vái, đoạn ngồi xuống, và nói:
– Tại hạ không muốn nói lời khách sáo. Cô nương nếu còn mệt xin cứ tựa gối nói chuyện.
Bạch Tích Hương mỉm cười, rồi nói:
– Ta tưởng mình chẳng còn mấy nỗi, mới hẹn với ngươi một thời gian là hai tháng. Nếu không quay về, bệnh thế lại càng trầm trọng. Xem trong tháng qua tình thế nguy kịch quá.
Chàng nhìn thấy hai gò má của nàng quả thật hõm vào, hoa dung tiều tụy, bất giác trong lòng e dè sợ sệt, hắng giọng nói:
– Cô nương đã biết bệnh tình trầm trọng, làm sao chẳng chịu thuốc thang chữa trị?
Nàng cười, rồi nói:
– Ta vốn biết bệnh mình, tự nhận không đủ tài phục dược. Thiên hạ lại còn có người có thể trị liệu cho ta ư?
Lâm Hàn Thanh ngây người chẳng biết nói năng sao.
Nàng cười bằng một vẻ thê lương, rồi lại nói tiếp:
– Thôi ngươi bỏ tấm mạng che mặt đi. Chúng ta cùng nói chuyện.
Chàng nghe theo lời, bèn cởi bỏ vuông lụa, rồi nói:
– Cô nương thật là tài hoa tuyệt thế, y lý tinh thông. Trên đời này không có thuốc để chữa khỏi bệnh cho cô nương ư?
Nàng than thở rồi nói:
– Đèn hết dầu làm sao thắp sáng được nữa. Huống chi nơi đây không có linh dược, làm sao có thể trông cậy.
– Tuổi cô nương chưa tới hai chục, chính là thời kỳ thân thể tăng trưởng, làm sao lại ví như cây đèn
hết dầu được?
– Thực ra, vận số ta chỉ sống được khoảng thời gian chừng non hai giáp, chỉ cần giữ gìn sinh mệnh đúng cách là có thể được. Song ta lại không chịu sống số kiếp của một nữ nhân yếu đuối suốt đời bệnh hoạn, nên ta muốn trái mệnh thử dùng châm thuật, lấy kim vàng châm xuyên huyệt, những mong kích thích tiềm lực làm kiện vượng thân thể. Hỡi ơi! Thân thể vốn đã hư nhược nên việc này lại làm tiêu hao tinh lực, uổng phí tâm cơ, giống như đào đất đắp nền chỗ này cao lên một phần chỗ kia trũng xuống hai phần. Ta ắt là phải chết trước hạn kỳ không còn nghi ngờ gì nữa.
– Cô nương đã biết rõ như vậy sao còn cố ý vi phạm?
Đột nhiên nàng cười nhỏ nhẹ, rồi nói:
– Suốt ngày phải nằm liệt trên giường bệnh, dù sống thêm được ít năm như thế phỏng có thú vị gì!
Chàng thở dài, rồi nói:
– Nếu như cô nương không gặp cuộc đại hội anh hùng tại Từ Châu, hoặc dù có gặp việc mà không để mắt tới cũng có thể coi như cô nương tăng thọ được.
Nàng chậm chạp xê dịch gối nằm, nhắm mắt dưỡng thần, hồi lâu rồi nói:
– Ta vốn đã nghĩ như thế mà tới chốn này, rồi lẳng lặng rời bỏ kiếp nhân sinh. Tấm lòng trinh bạch chẳng phải lo âu. Việc sống chết đã sớm không nghĩ tới. Thế mới biết trời không chiều lòng người. Dù lẩn trốn đến chỗ nào, trong cõi tâm linh của ta vẫn còn vương vấn nhiều việc.
Chàng thở than giây lát, rồi nói:
– Tại hạ biết mình vô tài, song nguyện cố đem hết sức bình sinh phụng sự cô nương. Nếu cô nương có điều tâm nguyện nào chưa hoàn thành, xin cứ việc nói ra. Lâm Hàn Thanh này dù một ngày
chưa làm xong thì cũng ráng hết sức làm. Tại hạ còn sống ngày nào sẽ tình nguyện hoàn thành tâm nguyện cho cô nương.
Sắc mặt nàng đang trắng bệch chợt đổi sang màu đỏ ửng, cười lảnh lót, rồi nói:
– Việc hậu sự của ta vốn đã an bài rồi, không dám phiền ngươi phải hao tâm khổ trí.
Nói tới đây thì giọng nàng chuyển thành run rẩy:
– Sao người không theo Âm Dương La Sát đi tìm di vật của vị tiền bối võ lâm lại tới đây làm chi?
– Trước hết tại hạ muốn hội diện cùng cô nương.
Nàng lại cười, rồi nói:
– Ôi! Ngươi tới hơi sớm chăng?
Lâm Hàn Thanh chẳng biết đối đáp ra sao, chỉ cúi đầu lặng thinh. Nàng lại thở than khe khẽ, rồi nói:
– Chốn này chẳng có ai xa lạ, chỉ có ngươi với ta. Trong lòng ngươi có điều gì lo phiền cứ việc nói hết ra, chớ để trong bụng làm gì.
Chàng liền tự nhủ: “Quả không sai! Vì mình có nhiều việc không hiểu nổi nên mới đi tìm nàng.
Nếu bảo mình phát hiện Âm Dương La Sát đã cải dung rồi mới tới đây, ắt nàng cho là mình vì muốn rõ chuyện giả dối của Âm Dương La Sát nên mới tới đây. Nhưng thực sự mình tới đây chỉ là
do quá quan tâm tới nàng. Làm sao để nàng hiểu được? Nhưng hiện giờ nàng lâm trọng bệnh, mà những việc muốn hỏi lại rối ren như mớ bòng bong, chẳng biết bắt đầu từ chỗ nào. Thật là hỏng bét!”
Chàng trầm ngâm, ngước mắt nhìn qua song cửa thấy ngoài kia hoa hồng nở rực, bất giác quay lại nhìn Bạch Tích Hương, trong lòng cảm thấy bất nhẫn. Bạch Tích Hương hít dài một hơi chân khí, đoạn giơ tay gạt mớ tóc lòa xòa trên trán, rồi hỏi:
– Thế ra ngươi có điều không hiểu rõ ư?
– Tại hạ tới đây bỗng nhiên thành hoang mang chẳng biết nói sao.
– Ta biết rồi. Ngươi phát hiện vị cô nương La Sát có những hành động khả nghi, sau rồi ngươi mới nghĩ tới ta. Khi chợt động tâm cơ thì ngươi vội vàng tới đây. Có đúng thế không?
Chàng thấy điều nàng nói quả nhiên là đúng. Điều kỳ lạ là chính trong lòng chàng có nghĩ tới mà không sao nói nên lời. Bất giác chàng liền than thở một hồi, rồi lại nói:
– Cô nương nói thế như soi thấu tim gan của tại hạ. Có điều .. có điều …
– Có điều thế nào?
– Trước khi tới đây, tại hạ đã suy nghĩ năm lần bảy lượt.
Nàng mỉm cười, đoạn hỏi:
– Đã suy nghĩ năm lần bảy lượt ư? Vậy hẳn là có nguyên nhân. Xin hỏi dụng tâm ra sao?
Chàng bị hỏi lại, nên chẳng biết đối đáp ra sao, và cũng chẳng biết cách trả lời nào mới thích hợp, nên đành trầm ngâm một lúc, rồi nói:
– Tính mạng của cô nương có liên hệ sâu xa tới kiếp nạn võ lâm.
– Việc này quá bao la rộng lớn. Ta chỉ muốn hỏi dụng ý của tướng công khi tới đây mà thôi.
– Đối với tại hạ, cô nương có ân cứu mạng. Lần này tại hạ tới đây một là thừa kiến tôn dung, hai là chuyện trò cầu giải.
Nàng thở than nhẹ nhàng, rồi hỏi:
– Vậy cứ nói là ngươi tới đây chỉ vì quan tâm tới tính mạng của ta.
– Chẳng nói một mình tại hạ đây, mà quần hào trong giới võ lâm cũng đều quan tâm tới tính mệnh của cô nương.
– Không sai! Có nhiều người quan tâm tới ta. Lại có người muốn biết ta sống được bao lâu?
– Điều này, điều này thì …
Nàng cười nhẹ nhàng, rồi nói:
– Ta tưởng trong lòng ngươi hẳn có nhiều nghi vấn. Lúc này thần trí ta còn đang tỉnh táo sáng suốt, vậy có gì bận tâm cứ mau nói ra đi!
– Trước mặt chân nhân không nói chuyện quanh co. Tại hạ trước hết cầu mong cô nương hồi phục sức khỏe. Nếu như cô nương chẳng may mệnh hệ thế nào, điều này … điều này … hỡi ơi!
Nàng lại hỏi:
– Số ta là phải chết. Ngươi đối với ta như thế là có dụng ý gì?
– Cô nương là một vị hiệp nữ nhân từ. Người trong giới võ lâm không ai mà không ngưỡng vọng kính mộ. Tại hạ bất quá cũng chỉ là một trong muôn ngàn người đó.
– Cứ lời ngươi thì hẳn ta là nhân vật nổi danh trong võ lâm ư?
– Đâu phải chỉ nổi danh? Cô nương được giang hồ kính mộ, chẳng còn hồ nghi gì nữa.
– Sao họ quá tâng bốc ta vậy?
– Tại hạ được cô nương cứu mạng, ơn lớn như trời biển, cái đó đã đành. Nhưng những đại sự do cô nương ra tay ban bố khắp giang hồ chẳng lẽ không đáng nói tới hay sao? Bảo rằng giang hồ kính
mộ e chưa tận ý. Chỉ vì tại hạ kém bề ăn nói mà thôi.
Gò má nàng hơi biến sắc, một lát trầm giọng nói:
– Tướng công đối với việc ta làm cho là công ơn to lớn, nếu như ta muốn tướng công chết thì liệu có từ chối không?
– Nếu cô nương ra lệnh, đương nhiên tại hạ dốc lòng, dù phải nhảy vào biển lửa cũng không từ nan.
– Được! Bây giờ ta muốn tướng công làm một việc này.
– Xin cô nương cứ nói đi.
– Sau khi ta chết đi, tướng công phải sống trong Mai Hoa Cư để giữ phần mộ. Không biết tướng công có chịu đáp ứng không?
– Được! Tại hạ chỉ cần truyền thư cho gia mẫu là đủ.
– Đạo hiếu là phải thế. Được rồi.

Thing that worries Grandparents

Nỗi băn khoăn của ông bà
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 5, 2014)
Thái-Vinh

Mỗi lần ông bà đến thăm, thằng cháu ngoại nghe gọi, “Cu Tí ơi”, nó mừng lắm, chạy ra mở cửa; nhưng chỉ kêu được một tiếng “Ngoái”, rồi tịt ngòi! Nghe bà ngoại nói tiếng Việt với mẹ nó như bắp rang mà không hiểu người lớn nói gì, nó cảm thấy tức tối trong bụng! Nó có biết đâu là lần nào bà ngoại của nó cũng hỏi, “Sao không đưa con đi học lớp tiếng Việt ở Trung Tâm Việt Ngữ Tiếng Mẹ?” Nếu nó biết nói được tiếng mẹ, nó sẽ trả lời, “Mẹ đã đưa cháu đến đó một lần rồi. Nhưng mẹ bận lắm; còn ba cháu đi lính ít khi được về nhà!”
Nếu không có ông bà, đứa bé có cần biết nói tiếng mẹ không?
Cần lắm chứ? Vì biết thêm một thứ tiếng, khi giao thiệp với người nói thứ tiếng đó sẽ dễ cảm thông hơn, lại hiểu được văn hoá cùng cách suy nghĩ của họ hơn. Chưa kể tới điều lợi thực tế về việc học hành, làm việc, du lịch… Khuyết điểm của người nói tiếng Anh là họ thấy tiếng Anh được khắp thế giới sử dụng như một thứ ngôn ngữ tiêu chuẩn, nên lơ là học thêm ngoại ngữ. Nếu cần, họ có thể kiếm một người làm thông dịch; nhưng họ quên là người nói được tiếng Anh với họ đã biết nói một thứ tiếng khác; nghĩa là đã hiểu hơn họ rồi!
Biết nói một thứ tiếng chưa đủ!
Nelson Mandela (1918-2013), cố Tổng thống Nam Phi đã để lại hậu thế lời suy gẫm nầy:
Nếu bạn nói thứ tiếng mà người đó hiểu, lời nói đó đi vào đầu họ. Nếu bạn nói thứ tiếng của ngưới đó, lời nói đó đi vào tim họ.
(If you talk to a man in a language he understands, that goes to his head. If you talk to him in his language, that goes to his heart)
Một đứa bé chưa tới 12 tuổi, có thể học nói được nhiều thứ tiếng dễ dàng. Thế thì tại sao, không dạy và luôn luôn nói tiếng mẹ với con trong sinh hoạt gia đình hàng ngày?
Một bà mẹ đã trả lời, “Có chứ; nhưng thấy chậm chạp, mất thì giờ quá; nói quách tiếng Anh với nó cho khoẻ!”
Cũng bà mẹ đó, mấy năm sau khoe, “Con bé bỗng dưng đòi chở đi ghi tên học tiếng Việt ở Trung Tâm Việt Ngữ Tiếng Mẹ!”
Ông bà đã làm xong bổn phận nuôi con và dạy con nên người (dĩ nhiên đã dạy con biết nói tiếng mẹ). Khi về già, nếu có cháu, ông bà sẽ hết băn khoăn khi nghe cháu nói được với ông bà bằng tiếng mẹ. Vậy không gì hay bằng con cái nên cố gắng ở gần cha mẹ để được ông bà có nhiều thì giờ rảnh rỗi, chơi và nói với cháu bằng tiếng mẹ. Cho dù chưa được về hưu, vẫn có thể hy sinh cho cháu như ông bà ngoại nầy:
Mới 8 giờ tối, ông đã xin phép rút vô buồng ngủ để mai đi làm sớm. Khách cũng đứng dậy định cáo từ ra về, nhưng ông vội vàng nói:
– Mời các anh chị ngồi lại dùng cơm vì bả làm ca chiều.
– Hình như lúc trước anh chị đi làm cùng giờ mà?
– Dạo nầy chúng tôi phải chia nhau có mặt ở nhà để giữ cháu.
– Hèn chi hai thằng cháu ngoại của anh chị nói tiếng Việt giỏi quá!

Thiên Nhai Hiệp Lữ, chương 1

Thiên Nhai Hiệp Lữ 

Biên dịch: P. Kim Long

LỜI NÓI ĐẦU

Thiên Nhai Hiệp Lữ là một tác phẩm kiếm hiệp, thuộc loại Chưởng rất độc đáo của Ngọa Long Sinh. Thông thường những truyện chưởng, dù với những tác giả lừng danh như Kim Dung, cũng thường đề cao nam giới: nam giới luôn luôn được suy cử làm Võ lâm minh chủ; còn nữ giới, dù võ công và tài trí tuyệt đỉnh cũng chỉ làm được chưởng môn nhân một võ phái, thí dụ như Quách Tường (Tổ sư phái Nga Mi), Diệt Tuyệt Sư thái (Chưởng môn của phái Nga Mi đời thứ nhất) đều trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký; Định Dật (Chưởng môn phái Hằng Sơn) trong Tiếu Ngạo Giang Hồ… Nhưng chỉ có mỗi tác giả Ngọa Long Sinh lại có ý khác người: ngay ở những chương đầu, Ông đã nêu 3 nữ nhân vật rất lừng danh về tài, sắc… khiến võ lâm quần hào đều kiêng nể. Ngoài ra, ở những truyện chưởng của những tác giả khác thì đa số nhân vật chính đều phải khổ công tập luyện, hoặc do một sự tình cờ sở hữu một bí kíp võ công (như Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký)… Nhưng ở đây, khi mới khởi đầu câu truyện thì hai nữ nhân vật chính đã là những võ lâm cao thủ rồi.

1. Bạch Tích Hương
Tuy là con gái của danh kiếm Độc Tương, nữ nhân vật này lại không hề luyện võ công vì thân thể bạc nhược mắc bệnh tuyệt chứng, tài trí song toàn, thông minh tuyệt đỉnh, song lại là một giai nhân trong giới võ lâm. Nàng gây được nhiều hảo cảm khiến những danh môn chính phái đều ngưỡng mộ. Để bảo toàn mạng sống, nàng đã tập luyện Ma Công hầu có thể sống cùng người yêu Lâm Hàn Thanh và cũng để chống lại Tây Môn Ngọc Sương. Sau khi đã luyện thành công thì nàng trở nên một cao thủ võ lâm thừa sức trấn áp những cao thủ, nhưng lại trở nên hung tàn bạo ngược. Cuối cùng, nàng tự phế bỏ võ công và trở nên hư nhược sắp chết yểu. Nhưng cuối cùng nàng cũng luyện được một môn võ công tuyệt đỉnh vừa có thể bảo toàn mạng sống vừa có thể tự vệ được bản thân. Hơn thế nữa, nàng còn chỉ dẫn cho người yêu học tập 2 môn võ công để có thể chế ngự được Tây Môn Ngọc Sương.

2. Lý Trung Tuệ
Vốn là con gái thứ của danh gia Lý Đông Dương, Hoàng Sơn thế gia, danh trấn võ lâm từ hai ba thế hệ thời trước, vừa tài trí và ôn nhu. Dưới sự chỉ đạo của Bạch Tích Hương, nàng được suy cử làm Võ lâm minh chủ đề chống lại nhóm ác đồ Tây Môn Ngọc Sương.

3. Tây Môn Ngọc Sương
Nữ nhân vật này tài trí cực độ vừa có sắc đẹp tuyệt trần và thông minh dĩnh ngộ, luôn tâm niệm phải trả thù cho cha mẹ bị 18 cao thủ võ lâm sát hại, nên đã tàn sát nhiều người để đạt mục đích. Lấy cớ để trả mối huyết thù, Tây Môn Ngọc Sương đã tìm đủ mọi cơ hội liên kết cao thủ để chống nhóm võ lâm chính phái hầu để làm Võ lâm minh chủ.

Cả ba nữ nhân ước hẹn nhau tại hang Vạn Tùng để giải quyết tranh chấp. Nhưng cuối cùng Tây Môn Ngọc Sương bị Lâm Hàn Thanh đả bại, nên trong lúc tức giận đã gây sự với Kiếm Vương. Người này vốn là một cao thủ võ lâm về thời trước, đã phải trốn khỏi Trung nguyên để bảo tồn mạng sống vì đã gây nhiều chuyện tình ái lăng nhăng: vợ bỏ chồng, sư đồ phản sư môn, chị em thù hằn vì mất người yêu… Tất cả nam cao thủ đều muốn trả thù vì bị “cắm sừng,” còn nữ cao thủ cũng muốn đòi nợ. Cuối cùng, vì hối hận nên Kiếm Vương tự ý xông thẳng vào mũi kiếm của Tây Ngọc Sương để kết thúc những mối tình hận và oán thù từ mấy chục năm về trước. Tới đây thì mọi chuyện kết thúc: cha đẻ của Tây Môn Ngọc Sương lại thực sự là Kiếm Vương… Do vậy, hai phái chính tà đã tự động giải tán không gây huyết chiến nữa để trả lại thanh bình cho toàn thể võ lâm.
Truyện Thiên Nhai Hiệp Lữ có 44 chương, chia làm 3 tập:

. Quyển 1 từ Chương 1 tới Chương 14 
. Quyển 2 từ Chương 15 tới Chương 29 
. Quyển 3 từ Chương 30 tới Chương 44 

Nhục bồ đoàn

Nhục Bồ Đoàn
Tác giả: Lý Ngư

Đây là một truyện xưa Trung-Hoa rất sâu sắc, có thể chữa được những chứng bịnh bất trị của Già Dịch…

Mời các bạn đọc thử 2 chương đầu:

Nhục bồ đoàn
Chương 1

Giúp đạo lý nhân luân làm người theo nền nếp
Tử sinh dành cho mặc khách tao nhân có dịp luận bàn

Con người sinh ra ở đời lúc nào cũng vất vả, phiền muộn trăm chiều, không mảy may được thư nhàn sung sướng. Cũng may bực thánh nhân mở ra trời đất, bày chuyện ái ân nam nữ để có cái giải muộn giải sầu. theo lời các nhà nho xưa, thì cái vật phía dưới eo phụ nữ chính là cánh cửa sinh ra ta mà cũng là nấm mồ chôn ta.
Nhưng nếu không có vật này thì e tóc sẽ bạc sớm hơn vài năm, tuổi thọ sẽ giảm đi vài tuổi. Không tin cứ nhìn các vị hòa thượng, có mấy ai bốn năm mươi tuổi mà tóc không bạc có mấy ai bảy, tám mươi mà nhục thân không rã. Hoặc giả nếu cho rằng cứ đem hòa thượng ra mà nói thì khó, thì xem như những cư sĩ tại gia, đều cũng theo con đường này cả.
Xa thì gian dâm với phụ nữ, gần thì bỡn cợt với đồ đệ, cũng không khác kẻ phàm tục, không biết giữ nề nếp. Còn như bọn thái giám đời xưa, gian dâm với phụ nữ không được mà bỡn cợt với đồ đệ cũng không xong, vì còn cái gì đâu để mà gian dâm, còn cái gì đâu để mà bỡn cợt. Da nhăn tóc bạc hơn người, tưởng đã sống tới vài trăm năm, tiếng gọi là ông mà thực có khác chi bà.
Nơi kinh sư Bắc kinh, chỉ có kẻ thường dân là sống lâu, còn bậc nội giám nào đã ai trăm tuổi. Thế mới biết hai chữ Nữ Sắc vốn không làm hại gì ai, chẳng qua vì trong Bản Thảo Cương Mục không từng có ghi vị thuốc này, cho nên việc chú giải không định rõ. Người cho là thuốc bổ, kẻ gọi là thuốc độc, nhưng xét cho kỹ thì quả có bồi dưỡng con người. Dược tính của nó chẳng khác nhân sâm phụ tử, có thể dùng chung với các vị thuốc này. Có thể dùng như sâm mà không thể gọi là cơm. Nếu không dể ý tới phân lượng, không quan tâm tới giờ giấc, chỉ cốt sao cho thật no say thì thường là hại.
Cái lợi, cái hại của nữ sắc cũng thế. Trường phục thì âm dương đều hòa, đa phục thì xung khắc như nuớc với lửa, biết dùng như thuốc thì giải được ẩn uất, ăn như cơm thì hại tinh huyết.
Nếu người đời biết dùng nữ sắc như vị thuốc, không thưa thớt quá mà cũng không dồn dập quá, thì không thể không tốt, mà cũng không thể quá tốt. Lúc chưa gần nữ sắc, trong bụng nghĩ rằng vị thuốc này không độc tại sao lại sợ. Khi đã gần nữ sắc rồi, trong bụng nghĩ rằng vị thuốc này không phải là cơm thì sao cứ đắm đuối say mê.
Như thế thì không những dương không quá, âm không bí, không có người chết non, mà có thể giúp cho trai có vợ, gái có chồng đúng theo vương đạo, không phải là vô ích. Chỉ có điều, vị thuốc này dược tính giống như nhân sâm, phụ tử, nhưng nơi sản xuất, cách sử dụng thì có khác đôi chút, người dùng không thể không thấu.
Nói về nhân sâm, phụ tử, thì loại “ngoại địa” tốt. Loại “thổ sản” có uống cũng vô ích, Còn nói về nữ sắc thì trái lại, loại “thổ sản” tốt, loại “ngoại địa” không những vô ích mà còn có hại cho người nữa.
Thế nào là “thổ sản”? (cơm nhà) Thế nào la “ngoại địa”(quà chợ)?
Nay có sẳn đàn bà thê thiếp, không cần phải tìm đâu xa, cũng không tốn kém tiền bạc, với tay trong túi lúc nào củng được, ta gọi đó là “thổ sản”. Với loại người này, ta mặc tình ăn nằm dọc ngang, không gì trở ngại, gõ cửa lúc nào cũng được mở, không e dè sợ hải. Ðã không làm hại nguyên khí mà còn lợi cho việc truyền giống, một khi giao cảm thì toàn thân sảng khoái, gọi đó là bồi dưỡng cho người, há không phải hay sao.
Muốn tìm cho ra diễm sắc, thì phải đến “ngoại môn”. Gà nhà vị lạt, thịt không tươi bằng gà đồng, ta gọi đó là “ngoại địa”. Gặp hạng phụ nữ này thì không khỏi đêm mơ tưởng, nghĩ cách chiếm đoạt cho bằng được. Tìm vật khêu gợi, rồi đem tặng nhau, hoặc trèo tường để đến hẹn, hoặc đào hang để tư tình. Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản, kẻ mày râu vì xung động nhất thời mà sa vào vực thẳm khôn lường, đương đầu với mối họa phi thường, đã âm thầm làm tổn thương âm đức mà cũng trắng trợn mất phẩm giá, có khi đến nỗi bị giết hại. Mình chết đã không có người đền mạng, mà vợ nếu còn sống, cũng bị thất tiết. Bao nhiêu tai họa thê thảm biết chừng nào, thế mới biết con người ở đời đối với hai chữ Nữ Sắc ra sao.
Rõ ràng là không thể bỏ cái gần mà tìm cái xa, kén cái tinh mà chọn cái béo, chê cái bình thường mà cầu cái quái dị. Người viết bộ tiểu thuyết này thấu rõ lòng dạ đàn bà nên muốn trình bày với đời, khuyên người đời dập tắt lửa dục chứ không khuyến dâm người đời, xin bạn đọc đừng hiểu lầm chủ ý của tác giả. Thế nhưng sao bộ tiểu thuyết này viết thành tiểu thuyết phong lưu lãng mạn? Ðiều này quả có một cái lẽ khác của nó.
Thưa độc giả, xưa nay không thiếu gì sách thánh hiền khuyến thiện. Nhưng con người vẫn hay ưa tìm sách phong lưu mà đọc, trái với tôn chỉ thánh nhân, xem đó thì người đời đã chán ngán cổ thư, càng tìm sách chi tiết về trữ tình chừng nào càng được chuộng chừng đó, đến thành một xã hội phi luân
Xưa vua Vũ trị thủy, công cuộc khó thay, “… ngài đắp mãi đê cho cao tới đỉnh núi, nhìn xuống khắp chốn bao la, mới thấy sự rộng lớn, thuận thời thuận sóng mà khai rạch khai mương thoát thủy ra biển, cứu dân thoát nạn lụt.”
Thời bây giờ cũng thế, ai muốn khai mở bế tắc luân thường đạo lý cũng phải nương theo sóng tình mà cải biến lòng người. Nương theo chuyện vô luân mà khuyến thiện vậy. Làm cách này không xong, như thánh nhân, phải làm cách kia vậy.. Thiếu gì người ham hố chuyện phong lưu gái đẹp, nhưng biết đâu chả có lúc thấy ra, là không có gì bằng thê thiếp tại gia.
Người đọc hãy tự tìm lấy điều ấy nơi cuối truyện. Ðó là cách người viết cuốn này dùng lửa trị lửa, khuyến người bằng tính người. Sen tự nở trong bùn mà ra.
Còn như ai muốn bảo tôi muốn viết dâm thư, người ấy cứ việc. Ai muốn suy nghĩ hai lần sau khi đọc sách này, đấy là chủ ý cuả tác giả. Mô tả kỹ lưỡng chuyện phòng the chỉ là để chỉ dẩn tới sự cay đắng của đời mà thôi.