Bolero


Bolero
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre tháng 5, 2015)
Thái-Vinh

Tôi hỏi một người bạn đánh tennis rất yêu mến tiếng hát Khả-Tú vì năm kia anh từng được hân hạnh bồng cô ca sĩ xinh đẹp ấy từ trên bục sân khấu xuống hàng ghế khán giả:
– Đã ghi tên hát “Bolero cùng Khả-Tú” vào tối thứ Bảy nầy chưa?
– Ồ… Tôi thích lắm, nhưng bận đưa bà xã đi Cali.
Tôi cho anh bạn ấy chưa phải là người hâm mộ ca sĩ Khả-Tú nhất vì trong đêm hát “Bolero cùng Khả-Tú”, tôi nghe cô MC nói hiện đang có một vị khán giả lén vợ đi nghe Khả-Tú hát làm tôi giật mình!
Tại làm sao tôi lại giật mình? Tại vì tôi cũng có tật thích nghe nhạc Bolero; từng mở Youtube ngồi một mình suốt ngày nghe hết ca sĩ nầy đến ca sĩ kia hát đi hát lại cùng một bản nhạc Bolero “Mưa Nửa Đêm” của nhạc sĩ Trúc Phương để đi đến kết luận không ai hát bài nầy hay bằng Thanh-Thúy hát trước 30 tháng 4 năm 1975.
Nhưng đêm “Hát Bolero cùng Khả-Tú” mà không ai hát Bolero (sau nầy mới biết địa điểm hát cho chương trình vào phút chót bị thay đổi) làm tôi bị kẹt trong một góc bàn nhìn khách trên sàn múa giật tới giật lui theo tiếng gào thét nhạc Twist, Rock, Chachacha… mà tức thầm!
Tôi thích nhạc Bolero vì thầy Bảy Phụng, vị đệ nhị sư phụ khiếm thị chuyên trị nhạc Bolero đã truyền thụ cho tôi bí quyết “Muốn tán gái phải biết đàn hát nhạc Bolero”. Thầy chỉ mới dạy khẩu quyết luyện công “Tờ rách trách bum trách bùm bùm bum” của tuyệt chiêu Bolero thì đã vội treo đàn lấy cô học trò làm vợ! Tuy nhiên, với một chút xíu công phu Bolero nhập môn vụng về ấy, tôi cũng đã búng được bản “Duyên Quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với những câu hát đơn sơ, nhưng tha thiết:
Em gái vườn quê cuộc đời trong trắng
Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm
Anh biết mặt em một chiều bên thềm
Giọng hò êm đềm và đôi mắt em lóng lánh sau rèm…
Bolero đã làm đôi mắt cô nhân công quấn thuốc của mẹ tôi bắt đầu mơ mộng và xinh đẹp lạ thường!
Tôi hỏi Khả-Tú:
– Tại sao Khả-Tú lại chọn hát nhạc Bolero?
– Tại chất giọng của Khả-Tú hợp với nhạc Bolero.
– Nhưng Bolero là loại nhạc gì?
– Bolero là dòng nhạc ngọt ngào trữ tình rất gần gụi với người nghe và không bao giờ phụ bạc người hát…
– Nghĩa là?
– Nghĩa là nhạc Bolero rất bình dị không kén người nghe, và ca sĩ dù cao tuổi vẫn hát được nhạc Bolero dễ dàng.
– Ví dụ?
– Ví dụ như ca sĩ Chế Linh đã trên 7 bó mà hát Bolero vẫn còn ăn khách.
– Nhưng tôi thấy Khả-Tú hát những bài không phải Bolero, như “Bà Rằng Bà Rí” hay “Mùa Thu Lá Bay” rất ăn khảch; và nhất là Khả-Tú hát bài “Gõ Cửa” của Mạnh Quỳnh theo điệu Slow Rock thì không ai hát hay bằng mà?
– Theo Khả-Tú, hát là đem niềm vui đến với khán giả. Làm khán giả vui thích là mình đạt được mục đích rồi. Khả-Tú từng hát trên cánh đồng lúa cho hơn bốn ngàn người nghe; có người cả đời chưa bao giờ biết văn nghệ là gì vì không bao giờ có tiền mua vé!
– Tôi rất thích quan niệm đó.
Hôm sau, tôi rủ nàng và ba người bạn trong ban biên tập nguyệt san Bút Tre đi xem vườn trái cây của một vị sư huynh ở Gilbert; nhưng mục đích chính của tôi là âm thầm bắt một trong ba vị đó nghe nhạc Bolero vì có lần tôi hỏi:
– Anh thích tiếng hát của ca sĩ nào nhất?
– Lệ Thu…
Tôi không thể ngắt lời vì thấy anh còn ngập ngừng suy nghĩ để rồi nói thêm:
– Nhưng bây giờ thì tôi không còn thích Lệ Thu và nghe nhiều nhạc Việt như xưa nữa; trái lại, nghe những bản hoà tấu nhạc cổ điển thì tôi không bao giờ chán.
Anh quả là người thận trọng dè dặt trong suy nghĩ và từng câu nói, nên không dễ tâm tình. Hùm… một người từng thích Lệ Thu mà bây giờ không còn thích nữa hoạ chăng là một kẻ bạc tình?
– Anh đã gặp ca sĩ Khả-Tú chưa?
– Chưa.
– Nếu thích nhạc Bolero thì nhất định anh sẽ thích Khả-Tú; nhưng anh có biết một bài hát Bolero nào không?
– Hình như Kim-Loan hát “Căn Nhà Ngoại Ô”?
Người yêu Kim-Loan và “Căn Nhà Ngoại Ô” theo tôi là người thích chính trị chỉ vì lời đồn đại “Kim-Loan là vợ bé của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”; chứ không phải là người thích nhạc Bolero!
Buổi viếng thăm khu vườn trái cây sau đó biến thành buổi sinh hoạt âm nhạc vì có sự xuất hiện của “Nữ Hoàng Bolero”. Người bạn thích “Căn Nhà Ngoại Ô” hỏi nhỏ:
– Khả-Tú đó phải không?
– Giống; nhưng không phải!
“Nữ Hoàng Bolero” là người bình dị, không khách sáo; được mời, cô cầm đàn dạo vài khúc nhạc rồi nhờ khổ chủ đệm đàn, cô hát say sưa một lúc mấy bài Bolero, từ “Căn Nhà Ngoại Ô” của nhạc sĩ Anh Bằng:
Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền
Gần kề lối xóm có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau
Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng
Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu…
Cho đến “Căn Nhà Màu Tím” của nhạc sĩ Hoài Linh:
Chiều nhìn ra đầu ngõ
Dâng dâng niềm thương nhớ dáng xinh xinh một người
Được nghỉ năm ngày phép
Mất hai hôm làm quen em mới cho mình biết tên
Cuộc đời chinh chiến quanh năm dưới bưng biền
Thì gót liễu mong manh làm sao bước song hành
Anh chỉ e ngại gió lay nụ tầm xuân vừa hé
Giọng ca trong sáng điêu luyện, nồng nàn, và tiếng ngân vô cùng truyền cảm của “Nữ Hoàng Bolero” làm chúng tôi ngây ngất. Một người bạn khác của Bút Tre cũng hào hứng xung phong hát một bản Bolero; nhưng “Tiếng Hót Chim Đa Đa” của nhạc sĩ Võ Đông Điền viết theo điệu Slow Rock nghe không phê bằng điệu nhạc Bolero! Tôi khẽ liếc mắt nhìn người bạn thích ca sĩ Lệ Thu, thấy dường như anh đang bị Bolero hành hạ choáng váng? Rất may “Nữ Hoàng Bolero” đã chuyển sang một bản nhạc Valse êm dịu “Mười Lăm Năm Trước” của nhạc sĩ Vinh Sử với những câu vui tươi:
Ngày anh mười lăm tuổi, em mới sinh ra đời
Rồi năm anh mười sáu, em hãy còn trong nôi
Nhìn em cười anh vui, tuổi thơ dại ngây ngô
Miệng thơm thơm mùi sữa…
Người bạn thích ca sĩ Lệ Thu từ từ phục hồi công lực và vui vẻ ra về sau khi được nghe nàng hát “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành. Tôi nghĩ Bolero không bao giờ chinh phục được anh cũng như đại đa số các chàng trai gốc Bắc di cư năm 1954 đã từng biết yêu như câu hát “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu” trong “Nỗi Lòng Người Đi” của nhạc sĩ Anh Bằng . Nhưng anh rất tâm đắc với ý nghĩa câu hát “Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời” trong đoạn kết của bài “Nỗi Lòng Người Đi” là Sài Gòn cũng như người con gái miền Nam ngày ấy đối với anh thật quá sức vói tới? Anh cũng lập lại ý nghĩa câu hát đó cho “Nữ Hoàng Bolero” nghe. Cô mỉm cười, khen, “Trai Bắc tán gái khéo lắm!” Đúng như thế! Cho dù nhạc sĩ Xuân Tiên trong “Khúc Hát Ân Tình” có ca tụng “Tình Bắc Duyên Nam” hay nhạc sĩ Phạm Duy đưa ra hình ảnh một lữ khách đi trên “Con Đường Cái Quan”, đi từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau kết hôn với một thôn nữ để nối liền lòng người của hai miền đất nước cũng rất hiếm được các chàng trai gốc Bắc di cư thời ấy thực hiện. Tại làm sao vậy? Tôi thấy chẳng tại làm sao cả. Vì ca dao đã có câu:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy là cỏ cụt, nhưng là cỏ quê
Nghĩa là Bắc lấy Bắc; Nam lấy Nam cho khỏe. Hai mươi mốt năm sau, lớp trẻ chúng tôi di cư từ miền Nam sang Mỹ (hay các nước khác) cũng đã từng biết nỗi đau thiếu gái Việt, bèn đổi “Hà Nội” ra “Sài Gòn” trong bài hát “Nỗi Lòng Người Đi”:
Tôi xa Sài Gòn năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Nhạc ngoại quốc lúc ấy và mãi đến bây giờ vẫn nghe không đã tai bằng nhạc Bolero cũng như gái Mỹ không đẹp bằng gái Việt.
Tôi được nghe kể lại các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà bị bắt đi học tập cải tạo sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì không cứ gì người bị gọi là “Lính Ngụy” đó gốc Bắc hay Nam đều thèm nghe nhạc Bolero. Chỉ cần ai đó hát nho nhỏ đôi câu Bolero, ví dụ như:
Ân tình theo gót chân
Bọn đi xa đánh trận
Gặp gỡ trong cơn lốc
Xưng tao gọi mày thương quá gần
Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng
Của vạn người thân
trong bài “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” của nhạc sĩ Trúc Phương cũng đủ làm mủi lòng đồng bạn trong trại tù khóc thầm. Nhạc Bolero đúng là nhạc trữ tình rất gần gụi với quê hương qua hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà.
Một hôm đang đi giữa lòng phố Hà Nội, chợt thấy một người cầm máy kéo loa tưởng chừng đang hành khất; nhưng cất giọng hát còn rất trẻ vang lên dưới cơn mưa bản nhạc Bolero “Mưa Nửa Đêm” buồn tha thiết của nhạc sĩ Trúc Phương:
Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay
Có phải vì tâm tư dấu kín trang thư còn đây
Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm
Tôi nghĩ nhạc Bolero của miền Nam đã “Bắc tiến” chinh phục trái tim vỉa hè của giới trẻ miền Bắc. Bây giờ thì cả nước Việt Nam đều mê nhạc Bolero. Lệ Quyên là ca sĩ miền Bắc hát nhạc Bolero của miền Nam hay nhất hiện nay. Thế nhưng, tôi vẫn thích các ca sĩ chính gốc miền Nam, trong đó có Khả-Tú hát nhạc Bolero nghe mới thấm thía, thành thật, và hay hơn!
Bolero hay thế ấy mà người bạn từng yêu Lệ Thu và yêu câu hát “Sài Gòn ơi mộng với tay cao hơn trời” không chịu nổi hai bài Bolero liên tiếp! Có thể tại anh chưa bao giờ yêu và được một cô gái miền Nam yêu để đàn hát nhạc Bolero? Nhưng chắc chắn là anh chưa bao giờ làm một người lính Việt Nam Cộng Hoà trong trại tù học tập cải tạo. Cũng có thể Bolero đối với anh là loại “nhạc sến”? Nhưng đó lại là một đề tài khác.

Tôi đã làm thơ như thế nào

Tôi đã làm thơ như thế nào
Võ Nguyễn Như Quỳnh

Năm xưa, cái thời còn họa thơ trong vườn thơ , mỗi bài thơ làm không quá 15 phút, có khi ngắn hơn, 5 phút, làm xong gởi lên liền, không sửa chữa, lúc đó nhiều người trong vườn thơ khen hay, nhưng bây giờ đọc lại không thấy bài nào trong số các bài đó hay, đó là những bài thơ mình không bao giờ có ý định đăng lại hay đem khoe với ai.
Nhưng cũng có nhiều bài làm tặng cho người này người kia. Nhiều bài khác thì làm theo đơn đặt hàng, ví dụ như có ai đó kể cho mình nghe câu chuyện của họ rồi yêu cầu mình làm bài thơ đại ý như vậy. Các bài thơ này làm lâu hơn, nhưng cũng còn rất nhanh, khoảng 30 phút, ít khi phải sửa chữa, nhưng bây giờ đọc lại thấy rất là hay, những bài thơ này là những bài thơ mình muốn đăng đi đăng lại nhiều lần.

Bẵng đi một dạo không làm thơ…
Nhưng bây giờ lại muốn viết, bởi vì nghĩ không sẽ sự nghiệp viết của mình đến đây là ngưng hay sao, không thể như thế được, như một con dao cùn, phải đem ra mài lại, mài bằng cách nào, dưới đây là cách làm thơ của mình, viết để có ai đó muốn làm thơ mà không làm được thì tham khảo.

Bước 1:
Nghĩ ra một chủ đề mà mình muốn viết
Bước 2:
Viết ra tất cả những câu, chữ, cụm từ, liên quan đến vấn đề đó, lộn xộn, không cần đầu đuôi, chỉ viết thật nhiều, càng nhiều càng tốt, những ý nghĩ chạy qua trong đầu mình mà có liên quan đến vấn đề mình muốn viết
Bước 3:
Ðọc lại những gì mình viết ra, đọc lui đọc tới, cố gắng kiếm một sự liên quan (connection), chuyển vị trí từ chỗ này qua chỗ kia, tạo ra những khối ý có liên quan đến nhau, giai đoạn này là khó nhất
Bước 4:
Bây giờ mới bắt đầu nghĩ đến là mình làm thơ mấy chữ, thể loại gì, rồi thì tạo câu vần, cũng không cần thiết phải hoàn chỉnh lắm, có câu hoàn chỉnh có câu không, nhưng không sao, cứ để đó
Bước 5:
Tới đây thì bài thơ đã tượng hình, bắt đầu dễ rồi, đọc lui đọc tới và hoàn chỉnh nó, không cần phải hoàn tất trong một ngày, cứ để đó, lẩm nhẩm trong đầu, khi lái xe, nấu ăn, để tìm vần, lựa chữ trắc bằng sao cho mình đọc nghe xuôi tai

Cuối cùng làm ra một bài thơ, hoàn toàn không dễ dàng, nhưng không phải là một bài thơ dở, linh tinh không có chủ ý, tuy nhiên nhiều khi ý mình muốn viết ban đầu, bước 1, và sản phẩm cuối cùng nó không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau.

Trái đất này từ lâu rồi chật chội
Những dòng người vùn vụt lướt qua nhau
Rất có thể trong một lần thật vội
Ta dừng chân, ngả nón, vẫy tay chào…

Ðã có thể nhiều lần không ngoảnh lại
Trên thế gian có lắm lắm tỉ người
Và vuột lỡ một tấm lòng thân ái
Ta với người mãi mãi chẳng quen nhau

Ta có thể không phải là tri kỷ
Ðể khi buồn và cả những khi vui
Khi cần có một bờ vai kể lể
Khi nắng lên, khi mưa xuống mịt mờ

Có thể rằng trong một phút tình cờ
Góc sân nhỏ và trò chơi thoáng chốc
Sự ngẫu nhiên vút qua đời như cắt
Vui chưa sâu và thế, chẳng u sầu

Ta với người có thể chẳng yêu nhau
Tương lai vốn không thể nào biết trước
Cái giao điểm mong manh như giọt nước
Một chấm thôi giữa rộng lớn vô bờ

Cám ơn người trong cuộc sống xô bồ
Còn đứng lại chào ta thêm lần nữa
Cái giao điểm nhỏ nhoi như thế đó
Nhưng ta vui giữ mãi ở trong lòng

Gởi tặng người dẫu chưa phải tri âm
Chưa là bạn cũng không là tri kỷ
Nhưng xin cứ mỉm cười thân thiện thế
Có thể rằng mai mốt… sẽ yêu nhau…
04-24-2015

Phạm tội đi anh

Phạm tội đi anh
Thu-Hồng

Anh yêu ạ, bây giờ là thứ sáu
Ở bên ngoài, trời tầm tã mưa rơi
Phạm tội đi anh, đừng hoang phí khắc thời
Mưa không ở bên ta mãi mãi

Phạm tội đi anh, cho phút giây còn ở lại
Cho anh, em có chuyện để nhắc đời
Cho tình thơ vẫn mãi còn đầy, vơi
Và cho em biết là mình đang sống

Phạm tội đi anh, tình vốn là trái cấm
Yêu một lần để nhớ mãi ngàn sau
Yêu một lần để hò hẹn mưa ngâu
Yêu đôi phút mà chờ nhau vạn kiếp

Phạm tội đi anh để mai ngục chết
Quỳ trước Diêm Vương mà thú nhận rằng
“Một lần con đã phạm tội cùng người”
Nơi địa ngục cũng thêm phần ý nghĩa

Khoảng cách

Khoảng cách
Thu-Hồng

Khoảng cách bây giờ của tôi và anh
Là cánh cửa đằng sau những ngôn từ gom nhặt
Tại tôi không mở cửa, hoặc
Tại anh ngại ngần tay vẫn giữ tay

Và hai đứa mình mỗi chữ trở Đông-Tây
Dấu sắc huyền vô tình thành dấu hỏi
Tôi ngại lắm tình dậm chân một cõi
Như dấu than buồn, ướt cả ý thơ

Vạt nắng cuối cùng mùa Hạ trôi lẵng lờ
Phố xá thưa người phố xá buồn hiu hắt
Tôi dõi mắt nhìn qua lăn kính bạc
Thấy nụ cười buồn hơn của mùa Đông

Mai tôi về mở cửa đợi mong
Tiếng gõ nhẹ để thơ the^m mộng mị
Vì thơ không tri kỷ, thơ vô vị
Nhạc chẳng tri âm, nhạc não nùng

Chia tay chưa

Chia Tay Chưa
Thu-Hồng

Gặp nhau đâu mà chia tay anh nhỉ ?
Yêu bao giờ mà hẹn ở kiếp sau
Mình có bao giờ là của nhau đâu
Rõ người dưng mà ngóng chờ từng phút

Một lằn ranh giữa cõi hư và thực
Anh có lần nào nhận diện ra chưa ?
Chiều nay về bên ấy nếu có mưa
Chỉ tại bên em thiếu đi chút nắng

Lạ quá cafe hôm nay trở đắng
(Dù cho em có bỏ biết bao đường)
Hóa khi trong lòng có chút yêu đương
Gần, gần lắm mà cũng xa lăn lắc

Chưa là của nhau nên không mất mát
Chưa hẹn hò nên không lạc đường duyên
Chưa chia tay cũng đủ cho em kiếm, tìm
Nguyên do của cái đau bên ngực trái

Viết cho anh

Viết Cho Anh
(Thu-Hồng gởi tặng con Gà – Thiện Trường)

Định viết cho anh một bài thơ
Nhưng sợ thơ em chữ quá thừa
Lời thô, ý thiếu không dám gởi
Nên giữ cho mình chút vấn vương

Định viết cho anh một chút thương
Và chút mộng mơ thật bình thường
Như sương buổi sáng ôm chặt lá
Nhưng sợ trưa hè nắng sẽ tan

Muốn viết cho anh chút Hạ vàng
Hong tình hai đứa cứ thênh thang
Nhưng ngại chiều tà che khuất nắng
Sợ tình em sẽ mãi đợi mong

Định viết cho anh chút tình nồng
Và chút tình tự mãi đợi trông
Nhưng ngại tim mình không chung nhịp
Sợ tình em mãi cứ bơ vơ

Định viết cho anh một bài thơ
Nhưng sợ thơ em chữ quá thừa
Lơi thô ý thiếu không dám gởi
Nên giữ cho mình chút tương tư