Bến Xuân

Bến Xuân
(Đăng trên nguyệt san Bút Tre số tháng Giêng năm 2013)
Thái-Vinh tặng Mộng-Lan

Thời niên thiếu nhờ ở gần tiệm giặt ủi của anh Sáu, tuy không có khiếu đàn địch ca hát, nhưng vào những đêm trăng sáng nghe anh Sáu thổi sáo và đánh đàn ca những bản nhạc tình lãng mạn làm các chị trong xóm đang tới tuổi biết buồn phải khóc thầm bỏ ăn mất ngủ khiến tôi ao ước cũng biết đàn địch và ca hát như anh để tán gái. Những lúc rảnh rang, tôi thường chạy qua tiệm, phụ việc lặt vặt xách nước xếp quần áo để được anh bày đánh đàn Mandolin. Nhưng khổ luyện chai ngón tay một thời gian, thấy tiếng đàn vui tai và hùng mạnh nầy không hợp với tâm hồn và không mang lại một tí kết quả, tôi chán nản thưa sư phụ:
– Em muốn học đàn Guitar?
– Tay mày còn nhỏ, chưa bấm hết cần đàn; mà mày học làm gì?
– Em muốn hát được bài Bến Xuân của Văn Cao.
– Vậy là mày làm thầy tao rồi! Mà mày kiếm đâu ra bài Bến Xuân?
– Em nghe Thái-Thanh hát bài nầy trên radio một lần thích quá nên nhịn ăn quà sáng, mua được bản Bến Xuân của Văn Cao và vài bản nhạc khác của Phạm Duy.
Nói xong tôi chạy về nhà lấy bản nhạc có hình bìa mầu xanh với đàn chim tung cánh bay trên sóng nước đem sang khoe. Anh Sáu thử đánh dạo và hát vài câu, rồi lắc đầu, nói “Rất ít người hát được bài nầy!” Nhưng từ đó anh cho tôi vò vẽ tập cây đàn Guitar trân quý của anh. Nhờ học đàn lai rai, tôi bớt chơi hoang và ít bị ba đánh đòn. Một hôm đi làm về không thấy tôi, ông kêu rền núi làm tôi hoảng hốt chạy về, tưởng sắp bị một trận đòn do ai mắng tôi phá phách; không ngờ ông nói, “Đi theo ba!”
Tôi yên lặng theo sau. Đi qua chợ vào tiệm tạp hóa của ông Đông, ba chỉ cây đàn Guitar độc nhất treo trên móc cao, trả tiền, tưởng tôi mừng rỡ cầm đàn; nhưng tôi xấu hổ quá vì đã biết đàn đâu nên vụt bỏ chạy về nhà trước. Báo hại ba tôi phải vác cây đàn Guitar đầu tiên trong đời của tôi về làm hàng xóm hai bên đường ngó thấy ngạc nhiên!
Sau thầy Sáu, tôi còn thụ giáo thêm thầy Bảy, một vị sư phụ khiếm thị nhờ lũ cháu dắt chạy giặc đến ở tạm trong xóm. Thầy Bảy tên Phụng kết bạn anh em với ba tôi; nhưng bọn tôi gọi thân mến là anh Bảy Phụng. Anh Bảy chuyên trị nhạc buồn Bolero của Trúc Phương. Đúng là có tật có tài; anh dạy đàn dạy hát lai rai ít lâu sau cưới được cô học trò thì không dạy học nữa. Tôi cũng thích nhạc buồn của Trúc Phương vì ông đặt lời quá hay; nhưng tôi không bao giờ quên được lời ca diễm tuyệt trong bài Bến Xuân của Văn Cao qua tiếng hát Thái-Thanh đã chớm gieo niềm xao xuyến đầu tiên trong tâm hồn tôi. Tôi ao ước lớn lên được làm ca sĩ, chỉ cần hát được bài Bến Xuân của Văn Cao và bài Tình Hoài Hương của Phạm Duy là tôi rất mãn nguyện. Người biết tôi mê hai bản đàn nầy là Hoàng Nam. Lúc còn ở State College, mỗi tháng anh có gia đình để về thăm nhà, và khi trở lại thế nào anh cũng ném cho tôi một cuốn báo mới Văn Nghệ Tiền Phong đã đánh dấu sẵn tên vài cô đặc biệt trong mục tìm bạn bốn phương để tôi trổ tài viết thư kết bạn. Anh là người kiểm soát thư, dán tem, và đọc thư trả lời cho tôi nằm nghe. Anh lại có sáng kiến bắt tôi vào phòng cầu tiêu khoá cửa để thu vào băng nhựa C60 của máy Cassette Panasonic mấy bài hát mà tôi thường hát cho anh nghe trong đó có bài Bến Xuân và Tình Hoài Hương gửi kèm theo lá thư kết bạn bốn phương. Kết quả, thư kết bạn do tài anh nghĩ ra thật lợi hại đều được trả lời một trăm phần trăm! Hai lần anh suýt được lấy vợ sớm nhờ những cánh thư tình kèm theo băng hát. Khi tôi rời nước Mỹ sang Pháp ở hai tháng, kết bạn với nhạc sĩ Trịnh-Hưng cũng hát chơi mấy bài hát cũ thu trong băng Cassette tặng cho một cô bạn. Lúc về ở hẳn bên đảo lại nhận được thư của Phạm Duy khen tôi hát nhạc Phạm Duy. Ông hẹn sẽ sang Nouméa. Tôi chờ có dịp gặp nhau sẽ hỏi ông về bài hát Bến Xuân của Văn Cao mà ngoài bìa nhạc tôi có thời xưa ấy do nhà xuất bản Tinh Hoa tái bản lần thứ 3 năm 1954 tại sao lại ghi tựa thế nầy?
Bến Xuân
Đàn Chim Việt
Văn Cao
Phạm Duy

Nhưng rồi ông bị bệnh, không sang Nouméa; mà chúng tôi lại trở về Mỹ. Trong dịp đến nhà anh Đan-Hùng chào đón nữ sĩ Ngô Minh-Hằng, nghe tiếng hát Mộng-Lan, anh thích quá, mời chúng tôi góp giọng ngâm và tiếng hát trong chương trình Chiều Thơ Nhạc “Quê Hương & Nỗi Nhớ” do anh tổ chức ngày 28 tháng 11 năm 2004 tại San Jose. Anh Đan-Hùng là một thành viên kỳ cựu trong ban ngâm thơ Tao Đàn do thi sĩ Đinh-Hùng phụ trách trên đài phát thanh Sài Gòn ngày xưa. Tôi quá yêu mến bài Bến Xuân, nên yêu cầu nàng hát bài nầy một lần. Lần ấy sau khi ngâm xong bài thơ Gái Việt của Hồ Hán Sơn, tôi xin phép MC Thủy-Tiên cho tôi được tự giới thiệu bài Bến Xuân của Văn Cao, rồi tôi bắt chước y như Phạm Duy trong đêm tái ngộ với các nghệ sĩ vào một đêm xuân mưa lấm tấm ở Bến Đò Rừng tại Việt Trì năm 1947 có Lưu Bách Thụ, Văn Cao, Hoàng-Oanh, Thương-Huyền… tôi đã mở đầu bài Bến Xuân bằng 2 câu thơ của Văn Cao:
Chiều nay run rẩy tha đôi cánh
Một cánh chim xưa đến lạc loài

và hát 2 câu mở đầu:
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần

Rồi nàng cất giọng cao vút thánh thót hát:
Bến nước reo mừng hợp đàn trên khắp Bến Xuân…
cho tôi đệm sáo hoà cùng tiếng đàn của nghệ sĩ Đức-Mai. Hết lời hát thứ nhất của bài Bến Xuân, tôi lại cất giọng buồn bã mở đầu lời thứ hai của Bến Xuân với hai câu mà tôi thích nhất:
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều…

Nàng hát tiếp theo cho đến hết bài:
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét dáng yêu…
Sau lần ấy, nàng không còn hát bài Bến Xuân nữa, mà tôi cũng không yêu cầu vì “Em vắng tôi một chiều” là hết rồi! Trong những dịp sinh hoạt thường lệ hàng tháng của nhóm bạn học cùng trường cũ, mỗi lần hát Karaoke, tôi chỉ ngồi lắng nghe. Nếu có người đề nghị tôi hát thì một vị đại ca trả lời hộ, “Hắn chỉ biết hát bài Bến Xuân thôi!” Bài Bến Xuân không có trong các đĩa karaoke mà chỉ có bài Đàn Chim Việt cùng nhạc mà khác lời của Văn Cao. Nhiều người thích lời hát của bài Đàn Chim Việt và cho lời hát nầy có trước lời Bến Xuân. Riêng tôi, tôi không bao giờ thích bài Đàn Chim Việt, mặc dù đã từng nghe Lê Dung hát bài nầy quá điêu luyện, lại còn rung láy giả tiếng chim ríu rít hợp đàn rất tuyệt vời.
Tôi nghĩ bối cảnh trong mối tình đẹp “Em đến tôi một lần” giữa Văn Cao và Hoàng-Oanh làm gì có chen những lời gượng ép như trong bài Đàn Chim Việt?:
Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh…

Tôi yêu Bến Xuân vì Bến Xuân là một câu chuyện tình đẹp dang dở giống như mối tình giữa Dũng và Loan trong tác phẩm Đôi Bạn của Nhất Linh mà tôi rất yêu thích từ thời trung học. Đôi khi tôi cũng tự hỏi Bến Xuân ở đâu trên đất Bắc? Trong Bến Xuân có thấp thoáng hình ảnh hoa đào nở vào mùa xuân trong câu:
Cành đào hoen nắng chan hoà
Rồi tự nghĩ làm gì có địa danh nào mang tên Bến Xuân; vì khi yêu và được yêu, thì hai tâm hồn gặp nhau như thuyền cập bến nhìn đâu cũng thấy mùa xuân.
Tôi lại nghĩ lời hát thứ hai của bài Bến Xuân có chất thơ hơn lời thứ nhất, và cho là của Phạm Duy đặt hơn là của Văn Cao. Cứ mỗi lần nhẩm lại lời thứ hai tuyệt đẹp trong Bến Xuân:
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

là tôi lại cảm thấy phảng phất hình ảnh Dũng trong Đôi Bạn vào một đêm xuân qua lời thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ cảm khái toàn bộ câu truyện Đoạn Tuyệt. Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn là 2 tác phẩm, nhưng cùng một cốt truyện của Nhất Linh. Đoạn Tuyệt giải quyết luận đề giữa mới và cũ. Tôi không thích Đoạn Tuyệt vì đã làm cho đời Loan dang dở, không được lấy người mình yêu, rồi còn lỡ tay giết chồng để đoạn tuyệt với cái cũ. Truyện tình trong Đôi Bạn trong trắng và thơ mộng hơn!
Tết năm 2010, tôi từ Lào về Sài Gòn, ghé lại nhà nhạc sĩ Phạm Duy thăm ông trước khi bay sang Thái Lan. Gặp nhau, hỏi đủ thứ chuyện mà lại quên hỏi lời thứ hai của bài Bến Xuân. Về lại Mỹ tôi mới nhớ, bèn gửi meo hỏi thăm ông:

Kính nhạc sĩ Phạm Duy,
Hình như Phamduy.com đã biến mất khá lâu, rồi trở lại lúc nào không hay. Tình cờ mới đọc những bài viết kỷ niệm Lá Rụng Về Cội trong http://www.phamduy2010.com
chúng tôi thấy Phạm Duy lúc nào cũng hay, và là một nghệ sĩ rất giàu tình cảm với gia đình và bạn bè dù đối với kẻ còn hay người đã mất. Cảm động nhất là đoạn ra mộ thăm nhạc sĩ Văn Cao.
Nhắc tới Văn Cao, lại nhớ Bến Xuân, một bài hát rất lãng mạn mà chúng tôi từng ưa thích. Phan Lạc Phúc có nhắc kỷ niệm về bài Bến Xuân trong một đêm xuân 1947 với Văn Cao, Phạm Duy, Thương Huyền, Hoàng Oanh, khổ chủ Lưu Bách Thụ, và Trần Ngọc D.., ông khen “Phạm Duy không phải là 1 giọng ca vàng, nhưng Phạm Duy hơn người ở chỗ anh biết nắm lấy cái “thần” của từng bài hát” làm chúng tôi càng khoái Phạm Duy hơn.
Chúng tôi có bản Bến Xuân do nhà xuất bản Tinh Hoa in năm 1954 đề tác giả Văn Cao và Phạm Duy. Xin hỏi nhạc sĩ Phạm Duy:
Nhạc và lời Bến Xuân của chung hai nhạc sĩ, hay mỗi người soạn một đoạn, hay mớm lời cho nhau?
Nếu chỉ hát lời một của Bến Xuân không thôi, thì bài hát chưa tuyệt. Chúng tôi cho lời hai “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều …” mới là kiệt tác của Bến Xuân.
Còn tại sao Bến Xuân biến thành Đàn Chim Việt? Văn Cao chắc không phải là tác giả của lời hát mới nầy?
Cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã cho chúng tôi được gặp gỡ chớp nhoáng vài phút trước khi xa Sài Gòn ngày 27 tháng 12 vừa qua. Chúng tôi không quên câu dặn của nhạc sĩ, “Khi nào về thì đến thăm tôi.”
Kính chúc nhạc sĩ Phạm Duy luôn vui khoẻ và mong có dịp gặp lại.

Nhận được meo, ông trả lời ngay:

Cám ơn Thái-Vinh đã gửi cho tôi một message đầy tình cảm.
Anh hỏi: Nhạc và lời Bến Xuân của chung hai nhạc sĩ, hay mỗi người soạn một đoạn, hay mớm lời cho nhau? Nếu chỉ hát lời một của Bến Xuân không thôi, thì bài hát chưa tuyệt. Chúng tôi cho lời hai “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều …” mới là kiệt tác của Bến Xuân…
Xin trả lời: Năm 1945, sau khi đoàn hát ĐỨC HUY tan gánh ở Sài Gòn, tôi trở về Hà Nội, gặp lại Văn Cao là hai người lại gần như sống chung với nhau ở một căn nhà gần phố Huế. Trước đây, chúng tôi thường hay trao đổi sáng tác, bấy giờ Văn Cao vừa soạn bài Bến Xuân và cho tôi xem thì tôi thấy bài này nói tới một câu chuyện rất hay nhưng thiếu một đọan kết.
Bài hát mô tả một cuộc tình rất đẹp (mối tình mơ mộng giữa Văn Cao và người đẹp tên Oanh) nhưng trong thực tế đó là một cuộc tình không thành (vì 2 người sẽ xa nhau)… cho nên tôi viết thêm lời hai.
Lời một là “em đến với tôi” để chung sống trong căn nhà trên bến xuân… em thẹn thùng nhìn bến xuân…
Lời hai là khi em đã “em xa vắng tôi” rồi, tôi trở về thăm lại căn nhà xưa… rũ áo phong sương, ngại ngùng nhìn bến xuân
Còn tại sao Bến Xuân biến thành Đàn Chim Việt? Văn Cao chắc không phải là tác giả của lời hát mới nầy?
Lúc đó là thời Cách Mạng nên chúng tôi đành phải đổi lời và nhét đồi Yên Thế, Bắc Sơn v.v..
Thân ái
Phạm Duy

BenXuan-1-4_VanCao_PhamDuyBenXuan-2-3_VanCao_PhamDuy
PhamDuy_ThaiVinhPhamDuy_to_ThaiVinh
Bến Xuân
Classical Guitar: Đặng Đình Quảng

Anh Phạm Ngọc-Lân thân mến,
Cũng nhờ quá yêu mến bài “Bến Xuân” mà tìm được anh trên Youtube.
“Bến Xuân” qua tiếng hát của anh rất tuyệt.
Tuyệt nhất là đoạn điệp khúc “Sương mênh mông che lấp kín non xanh…”
Tiếng đàn guitar của anh lúc ấy nghe thánh thót như tiếng đàn harp.
Đã mười năm rồi, từ đêm “Nghe nhạc Phạm Ngọc Lân” tại phòng hội trong chung cư của Kim-Vũ và Kim-Đài ở San Jose chúng ta chưa gặp lại nhau.
Khi nào anh trở lại thăm, mời anh và chị Mỹ-Lan ghé Arizona. Chúng em muốn tổ chức lại một đêm nghe nhạc Phạm Ngọc Lân?

Little Fellow Bờm

Thằng Bờm
Nhạc: Đào Duy Anh
Giới thiệu: Mộng-Lan
Diễn viên: Thái-Dương (Thằng Bờm), Văn-Tuyến (Phú Ông), Kim-Tiến (kể chuyện) & Thái-Vinh (kể chuyện);
Chương Trình Hát Mừng Chúa Giáng Sinh đêm 19 tháng 12, 1993 tại Hội trường nhà thờ Christ Roi, Nouméa, New Caledonia

Friends Going Away

Tiễn Người Đi
(Tặng Hải Bằng và Bạch-Cúc)
Thái-Vinh

“Người đi ta biết nói gì
Chép vần thơ cũ gửi đi theo cùng…”

Tết Đinh Hợi năm 2007 là Tết đầu tiên của chúng tôi ở Arizona. Vì quen ăn Tết lớn ở San Jose, California nên ngày ấy tôi ham vui đưa nàng đi coi hai Hội Tết tổ chức cùng một lúc tại hai địa điểm Phoenix College và trụ sở Hội IRC (International Rescue Committee) cách nhau gần 20 dặm. Nhờ ăn Tết ở hai nơi ấy, tôi trở thành độc giả của nguyệt san Bút Tre và quen một người; phải nói là một nhân vật đặc biệt hiếm có trong cộng đồng vì ông có quá nhiều khả năng và hoạt động trong nhiều lãnh vực từ tranh đấu nhân quyền, văn học, văn nghệ, cho đến thể thao. Nên gọi ông là gì nhỉ? Thôi cứ gọi ông là thi sĩ Hải Bằng vì ông làm thơ và thi sĩ thường mơ mộng và hiền lành, mà hai cái tính Trời cho ấy, hiếm khi thấy lúc gặp ông. Cái gì hiếm mới quý, phải không các bạn?
Còn tính thẳng thắn và nóng nảy trong con người hoạt động ở các lãnh vực khác thì lần gặp đầu tiên, tôi đã nghe ông hỏi MC trong buổi sinh hoạt văn nghệ tại Hội Tết ở IRC, “Tại sao không cảm ơn hai người hát đã giúp vui?” Và những lần gặp trên sân tennis khi ông phê bình những cú đánh lủng lưới hay chết chim của ai lỡ đứng làm đồng đội với ông! Tôi là người chịu nghe những lời ai oán của chị Liên nhiều nhất; ví dụ như, “Tui chỉ nói ông ấy nên đứng với cô chị; còn tui đứng với cô em” thì ông đã phê bình ngay, “Tính cô thích chỉ đạo giống ông Thái-Vinh!” Một hôm đọc báo, nghe tôi phê bình bài nầy bài nọ, nàng cười, “Em thấy anh giống ông Bình!” Hải Bằng là bút hiệu của Hoàng Dân Bình. Tôi ngạc nhiên vì nghe người thân yêu nhất đời nói mình giống một người chỉ quen chứ chưa biết! Quen với biết khác nhau xa, à nghen! Nên từ đó tôi có ý định muốn biết thêm về mình bằng cách đến thăm thi sĩ Hải Bằng. Vài lần một mình gặp ông tại tư gia, tôi chỉ thấy ở ông bản tính Trời sinh làm thi sĩ; còn Bạch-Cúc, phu nhân của ông thì khỏi nói. Bà là một nhân vật đại hiền và tử tế chỉ có trong các tác phẩm võ hiệp kỳ tình. Vài bạn cộng tác với nguyệt san Bút Tre cũng đã theo tôi đến thăm đôi bạn Hải Bằng và Bạch-Cúc. Càng đông người, tôi càng ngồi xa ông.
Nghe tin ông bà sắp dọn đi Maryland, chúng tôi đến thăm. Ông vui vẻ chỉ tủ sách và đồ đạc chất chật ém trong nhà xe, “Quý vị muốn lấy bất cứ món gì, làm ơn lấy giùm?” Tôi chỉ xin chậu ớt; nhưng hai cây ớt rất cay được ông chăm tưới tươi tốt bấy lâu nay đã hoá thành gỗ! Bạch-Cúc lôi ra gói hạt giống, cho nước và vài mươi hạt ớt vào ly nhựa, bắt tôi đem về.
Trong Bút Tre, ngòi bút Hải Bằng viết đủ mọi đề tài về thơ, văn, tùy bút, và văn nghệ. Ông nặng lòng với văn hoá Việt Nam, nên thường viết các bài lịch sử và phong tục truyền đạt lại thế hệ hôm nay và mai sau đừng bao giờ quên nguồn gốc và tổ tiên anh hùng của người Việt Nam.
Bút Tre đã có buổi tiệc chia tay Hải Bằng và Bạch-Cúc rất vui vẻ tại tư thất của khổ chủ Anh-Tống và Minh-Thảo vào một đêm trăng tận miền quê Maricopa.
Mến chúc Hải Bằng và Bạch-Cúc đi xa luôn khoẻ mạnh bình an, và tấm lòng của ngòi bút từng cộng tác lâu năm nhất với nguyệt san Bút Tre vẫn không bao giờ phai. Còn tôi, mấy hạt ớt Bạch-Cúc tặng đem về đã bắt đầu nẩy mầm; rồi mai kia sẽ đơm bông kết trái. Cây ớt tuy nhỏ bé tầm thường, nhưng mỗi khi nhìn thấy, tôi lại nhớ đôi bạn Bạch-Cúc và Hải Bằng.

MỪNG TỤ HỘI ĐÌNH
Thơ Hải Bằng HDB

Nhớ buổi gặp nhau tỏ chí tình
Chuyện trò thân ái, mái nhà xinh
Dưa chua, chả nướng, vừa lòng bạn
Rượu chát, tôm chiên, đúng ý mình
Tủ chứa sách kinh bao khách trọng
Tường trưng tượng ảnh, dám ai khinh?
Vòng tay mở rộng chiêu hiền giả
Tri kỷ, tri âm há dễ tìm?

The best Pho restaurant in Salt Lake City

Sáng đi Utah ăn phở; chiều về Arizona đánh tennis
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng Hai, năm 2015)
Thái-Vinh

Trước kia viết mấy bài “Cảnh Đẹp Quanh Nhà” đăng trên Bút Tre, tôi lỡ nổ Arizona đáng xếp hạng nhất trong 50 tiểu bang nước Mỹ vì từ A đến Z cái gì Arizona cũng có, nên tiểu bang Arizona được bưu điện Mỹ ưu ái gọi tắt là AZ. Đặc biệt cảnh đẹp Arizona không biết tả sao cho hết; chỉ biết khoe sáng có thể lên Flagstaff trượt tuyết, chiều lại về bơi thuyền trên hồ Roosevelt. Một ông bạn trước kia đánh tennis, cũng cộng tác với nguyệt san Bút Tre, sau đó còn nổ mạnh hơn trong một bài viết địa ốc đưa ra một lý do chính trong vô số lý do nên mu đến Arizona ở cho sướng là sáng có thể trượt tuyết, chiều đánh golf. Hùm… tôi thấy tập đánh golf tốn kém, mà sự tiến bộ lại rất chậm chạp vì từ lúc bắt đầu biết xuống tấn đến khi đánh được trúng chiêu, thường phải bỏ cơm nhà, ăn phở mà hậu quả là thường bị trục trặc về tình duyên. Thôi thà cứ cơm nhà; rồi khi nào được cùng ngày nghỉ, sáng theo nàng đi ăn phở, chiều lại về đánh tennis cho khoẻ! Đã gần mười một giờ đêm, nàng đang du lịch trên mạng, chợt dừng tay:
– Mai anh đưa em đi Salt Lake City ăn phở nha?
Tôi vội vàng gọi điện thoại hỏi một người biết quá nhiều:
– Nhờ cô mách hộ một quán phở ngon ở Salt Lake City?
Đầu giây bên kia, một giọng nói nhỏ như muỗi vo ve:
– Đã mười năm chưa trở lại Salt Lake City, biết quán ấy có còn không? Để con hỏi ông Hoàng cho chắc…
– Thôi để tôi hỏi Gú Gồ; đừng làm phiền ông vua nào cả!
Đúng là mọi việc trên đời nầy, cái gì Gú Gồ cũng biết!
– Gú Gồ, what is the best Pho restaurant in Salt Lake City?
Gú Gồ không cần suy nghĩ trả lời ngay:
– Phở Tây Hồ 1776 S. Main Street, Salt Lake City, UT 84115.
Nàng hỏi thêm Gú Gồ một câu; rồi nói:
– Đi xe lửa điện (Light Rail) rất tiện; chỉ cách sân bay Salt Lake City khoảng một tiếng.
Salt Lake City vừa là thủ đô của tiểu bang Utah, láng giềng phía bắc tiểu bang Arizona, vừa là ngõ vào các trại trượt tuyết nổi danh trên thế giới từng là nơi tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002, và năm Công Viên Quốc Gia đẹp trứ danh ở Utah là Zion, Bryce Canyon, Capitol Reef, Canyonlands, và Arches. Nhưng xếp hạng nhộn nhịp với số lượng hành khách phục vụ hàng năm thì phi trường quốc tế Salt Lake City (SLC) đứng hạng thứ 21 thua xa phi trường quốc tế Phoenix Sky Harbor (PHX) liệt vào hàng “Top Ten” nước Mỹ.
Sau gần hai giờ bay từ Phoenix đã thấy bóng hồ Salt Lake mờ mờ rộng mênh mông bên phía tây và dãy núi Wasatch bao quanh thung lũng phía đông nam thành phố Salt Lake phủ đầy tuyết, chúng tôi đã đến phi trường Salt Lake City. Phi cảng Salt Lake City nhỏ quá hè? Quầy vé, cửa kiểm soát đi, và đến chỉ cách nhau một cầu thang, ngó thấy nhau rất tiện lợi! Du khách mới đến Salt Lake City lần đầu nên ghé lại quầy thông tin lấy cẩm nang “Visitors Guide” có bản đồ Salt Lake City miễn phí. Trung tâm thành phố ở về phía đông, chỉ cách phi trường khoảng 8 dặm. Không cần thuê xe hay lấy tắc xi chi cho tốn kém vì trạm chót của xe lửa điện chạy tuyến đường mầu xanh lá cây (Green Line trên bản đồ TRAX) cứ mỗi 15 phút đến đậu ngay ở cửa ra vào Terminal 1. Tại đó có sẵn bản đồ TRAX chỉ dẫn đi xe lửa điện và máy bán vé giá $2.50 một chuyến; mua vé đi trọn ngày, mỗi người chỉ tốn $6.25. Vé có thể đi xe lửa điện lẫn xe buýt thành phố. Phương tiện giao thông công cộng quá lợi hại nầy thì Phoenix của AZ còn thua xa! Tuyến đường xe lửa điện mầu xanh lá cây chạy từ phi trường vào Salt Lake City, rồi xuống West Valley City dài 15 dặm có 18 ga. Xe ngừng lại các ga tôi chưa bao giờ đến mà đã nghe quen thuộc, như Arena bên cạnh Energy Solutions là đấu trường của đội bóng rổ Jazz, Temple Square là đại bản doanh của đạo Mormon… Lúc đến ga City Center, du khách xuống gần hết; thấy tôi nhìn ra cửa, nàng vội nói “Đi phở Tây Hồ trước”. Nàng có biết đâu nơi đó có một cặp tình nhân hôn nhau bịn rịn chưa muốn chia tay. Tôi thấy mùa đông Salt Lake City vương vấn hình ảnh chia ly của mùa đông Paris. Xe tiếp tục chạy xuống phía nam; phở Tây Hồ gần ga thứ 13, ga Central Pointe. Xuống ga Central Pointe, đi ngược trở lại góc đường 2100 S, quẹo phải theo 2100 S; rồi quẹp trái theo Main Street. Đi chưa đầy một dặm đã bắti được mùi phở thoảng thơm trong gió sớm. Phở Tây Hồ trông giống một biệt thự hơn là một nhà hàng, nằm tại góc đường Quayle và đường Main. Quán khá đông khách; nhưng chỉ có một đầu bếp và một tiếp viên; cả hai đều là nữ lưu.
Tây Hồ, nơi có Hồ Tây là một quận ở phía bắc nội thành Hà Nội; nhưng món Bánh Cuốn Tây Hồ không dính dáng gì với Quận Tây Hồ. Trước kia ở gần chợ Đa Kao, Phú Nhuận có đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926) tự Tử Can, hiệu Tây Hồ và quán bánh cuốn của bà Cà nổi danh ngon, trở thành quán “Bánh Cuốn Tây Hồ”. Người Việt sang Mỹ mở nhiều quán ăn tự nhận là hậu duệ của bà Cà; nhưng hỏi Bánh Cuốn Tây Hồ có gì độc đáo thì họ chịu thua! Tôi hỏi chị Hoa, tiếp viên Phở Tây Hồ, khi chị đề nghị món bánh cuốn ăn tráng miệng:
– Phở Tây Hồ thì bánh cuốn cũng Tây Hồ, phải không chị?
Gặp được người đồng hương, chị Hoa vui vẻ bỏ tiếng Mỹ:
– Tây Hồ là Salt Lake ở phía tây. Bà chủ tên Mai, người Bắc; còn tui, quê ở Sóc Trăng. Chúng tôi không biết gì về “Bánh Cuốn Tây Hồ”.
– Lúc nãy tìm được quán Phở Tây Hồ, thấy cửa có dán tờ giấy gì đấy tưởng quán đóng cửa, hết hồn!
– Ngày hôm qua đóng cửa nghỉ lễ ông Đen.
Chị Hoa chỉ biết được nghỉ ngày lễ ông Đen nào đó; nhưng chúng tôi khâm phục quán chủ Phở Tây Hồ đóng quán, nghỉ ngày sinh nhật của nhà tranh đấu dân quyền Martin Luther King, Jr.
Bánh cuốn của Phở Tây Hồ là bánh ướt cuốn một ít nhân thịt xay, ăn với vài lát giò lụa bình dị trong lúc chờ đợi món chính. Chị Hoa nhanh nhẹn tiếp khách; thỉnh thoảng ghé lại tâm sự rất thân mật:
– Tui theo ông xã qua Mỹ diện HO đã hơn hai mươi năm…
Thấy một người đàn ông mới vào gật đầu chào, rồi đi thẳng vô bếp, tôi tò mò:
– Phải ổng đó không?
– Ổng chết quéo đã mười năm rồi! Ông nầy là bạn, thỉnh thoảng đến phụ giúp.
– Thế còn con cháu của chị đâu?
– Tui còn một thằng con ở Việt Nam; nhưng nó sợ qua Mỹ khổ!
– Sao chị không về ở với con?
– Tui không chịu nổi khí hậu với đời sống bên đó!
Ăn phở, tôi chỉ thích phở chín; còn các phụ chiêu phở, như tái nạm gầu gân sách… thì tôi chưa bao giờ đụng tới. Vì vậy, phở đối với tôi rất dễ so sánh theo khẩu vị thơm ngon béo bổ. Phở Tây Hồ nước trong, thơm dịu dàng. Mới nếm qua một muỗng xúp, nàng và tôi ngó nhau gật đầu. Đúng là nước xương hầm rất công phu; không giống loại phở túi chỉ cần thả một túi gia vị bí truyền vào nồi nước sôi là biến thành nồi nước phở vừa rẻ lại vừa nhanh như mì gói ăn liền. Phở Tây Hồ còn phảng phất mùi gừng thơm. Trời mùa đông Salt Lake City lành lạnh càng làm tăng hương vị đến tận đáy bát Phở Tây Hồ.
– Ở Salt Lake City không có báo tiếng Việt, hả chị?
– Cô chú lấy xe lửa điện xuống chợ Kim Long ở West Valley City có báo Bút Tre.
– Bút Tre là báo Arizona. Chúng tôi từ Arizona lên Utah tìm phở ngon; được thưởng thức Phở Tây Hồ rất hài lòng.
– Sao nãy giờ không nói để qua cho thêm vài miếng thịt?
– Khà khà… Phở ngon đâu cần nhiều thịt!
Chúng tôi không lấy xe lửa điện đi xuống phía nam. Đã có phở Tây Hồ ấm bụng; còn vài tiếng đồng hồ, hãy cho đôi chân khám phá một chút Salt Lake City nhé?
Có sẵn bản đồ Salt Lake City trong cuốn cẩm nang “Visitors Guide”; cầm bản đồ nầy, không cần bà Gi (GPS). Nhờ Brigham Young (1801-1877), một lãnh tụ kiệt xuất sau Joseph Smith, nhà khai sáng đạo Mặc Môn (Mormon), đã dẫn dắt đoàn chiên bất hạnh bị cộng đồng da trắng ghét bỏ và sát hại di cư từ vùng nầy tới vùng khác; cuối cùng đến Salt Lake Valley ngày 24 tháng Bảy năm 1847 chẳng khác nào Moses đã đưa dân tộc Do Thái thoát khỏi Ai Cập, vượt Hồng Hải đến vùng đất hứa. Tại sao Mormons bị cộng đồng da trắng thù ghét? Đa số tín đồ Ki Tô Giáo thời đó cho Mặc Môn là tà đạo, được cưới nhiều vợ, gia tăng tín đồ nhanh chóng có thể chiếm chính quyền và luật pháp… Tôi có cảm tình với đạo Mormon từ những ngày đầu lưu lạc ở Hongkong. Dạo đó các phái đoàn truyền giáo ngày nào cũng vào trại tị nạn giúp đỡ tinh thần và kiếm thêm tân tòng. Tôi dẫn một đám em trẻ cuốc bộ khá xa đến trụ sở truyền giáo của đạo Mormon dự tiệc trà. Ngồi suốt buổi nghe giảng đạo như vịt nghe sấm cho đến lúc ra về chẳng có gì bỏ bụng, bọn trẻ chửi thề; nhưng tôi cho Mormon tức Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giêsu (Jesus Christ of Later-day Saints) là một Ki Tô Giáo độc đáo phát sinh từ nước Mỹ tương tự như đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, hay Đạo Dừa ở Việt Nam rất đáng theo. Còn chuyện năm thê bảy thiếp thì có gì phải ganh tị? Đạo Hồi, Đạo Bà Hai, Đạo Bà Ba… vẫn đầy dẫy trên thế giới nầy, có ai cấm được họ đâu? Đạo Mormon đã chính thức tuyên ngôn đình chỉ thực hành chủ nghĩa đa thê từ năm 1890 và xoá bỏ hẳn từ năm 1904. Một buổi chiều cuối năm 1975 tại phố núi Franklin trong lúc tôi đang ngồi say sưa học lịch sử Kinh Thánh với hai Trưởng lão (Elder) Mormon thì Bill Lippert, một hội viên thuộc nhà thờ United Methodist bảo trợ chúng tôi tình cờ ghé thăm, lập tức tranh luận.
Bill dẫn chứng theo sách Khải Huyền (The Book of Revelation) trong Kinh Tân Ước, đọc đoạn kết: Với bất cứ ai nghe những sấm ngôn trong sách này, tôi xin chứng thực: “Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này!”
Hai Trưởng lão Mormon cũng mở Thánh thư Mặc Môn (The Book of Mormon) và hỏi Bill:
– Bạn đã đọc sách Mặc Môn chưa?
– Chưa, và tôi không bao giờ đọc sách đó!
– Vậy thì bạn chưa biết gì về Giáo Hội Mặc Môn! Tôi đã đọc mỗi trang Sách Mặc Môn, và tôi biết Giáo Hội này là chân chính.
Bill tức giận bỏ ra về. Hai Trưởng lão Mormon từ đó cũng không trở lại tiếp tục dạy tôi trở thành tín hữu Mặc Môn.
Chúng tôi đón xe buýt đi từ góc đường 1700 S theo State Street là con đường lớn nhất và dài nhất về trung tâm thành phố. Đầu đường State, xa tít trên đồi là Utah State Capitol, trụ sở đầu não hai cơ quan lập pháp và hành pháp của tiểu bang Utah. Salt Lake City không có nhà chọc trời. Trước năm 1998, kiến trúc cao nhất ở thành phố nầy là Mormon Office Building, cao 420 ft (128 m). Sau đó toà nhà Wells Fargo Center muốn chứng tỏ Salt Lake City không phải là thành phố riêng cho đạo Mặc Môn, xây cao hơn 2 feet! Đi trong thành phố dù mới đến lần đầu cũng không sợ bị lạc vì hệ thống đường phồ rõ như chỉ tay. Trung điểm là Temple Square, đại bản doanh của Giáo Hội Mặc Môn, đường xá từ đó tính ra. Đường đầu tiên phía tây là West Temple; đường đầu tiên phía nam là South Temple; phía bắc là North Temple; trừ phía đông, đường đầu tiên là Main Street. Rồi các con đường kế tiếp theo mỗi hướng tăng lên một trăm cho mỗi góc phố. Ví dụ, 100 South Temple, 200 South Temple… Hướng phía đông thì bắt đầu Main Street, State Street, rồi A Street, B Street, C Street… Đến Eagle Gate, xưa kia là cổng vào đất đai của Brigham Young, chúng tôi xuống xe, thong thả đi trên South Temple Street đến thăm nhà thờ Chính Tòa Công Giáo Cathedral of the Madeleine xây từ năm 1909 với kiến trúc cổ kính từ ngoài vào trong; các cửa sổ kính mầu đẹp rực rỡ, giàn phong cầm vĩ đại, tiếng chuông thánh đường vang gây cảm giác xao xuyến êm đềm… Leo lên A Street; rồi bắt qua Capitol Street. Kìa, Capitol trắng toát sừng sững trên đồi trông lạnh lùng như một đại lăng tẩm! Năm xưa, Brigham Young đã đứng đâu đây nhìn xuống thung lũng, phát hiện ra chỗ linh khí bốc lên, bèn cho xây đền thờ Chúa và đại bản doanh Mặc Môn, tức là Temple Square ngày nạy. Nếu lúc ấy ông chọn chỗ đang đứng để xây Temple Square thì không biết Capitol là trung tâm quyền lực cao nhất của tiểu bang Utah sẽ đi về đâu? Capitol có năm tầng lầu; chúng tôi chỉ coi thoáng qua tầng chính dưới mái vòm tròn của Capitol đầy tranh vẽ ghi lại di sản và lịch sử thành lập tiểu bang Utah; ngoài ra còn có tượng đồng Brigham Young, người đã có công biến sa mạc hoang vu thành vùng đất thanh bình thịnh vượng. Khuôn viên Capitol rộng mênh mông có đài kỷ niệm Utah Law Enforcement Memorial và Vietnam War Memorial ở phía tây, Mormon Battalion Monument ở phía đông. Đối diện cổng chính phía nam là Council Hall từ thời Utah còn là lãnh địa, và The White Memorial Chapel của Mặc Môn xây năm 1883 bên cạnh với tháp chuông cao nhọn, trụ ốp, mái nghiêng theo kiến trúc Gothic kín đáo là hình ảnh đẹp nhất trên đồi Capitol. Từ chính điện Capitol, State Street chẻ đôi thành phố, chạy dài xuống phía nam đến cuối thung lũng chập chùng rặng núi Wasatch chắn ngang quấn vành khăn tuyết. Đoạn đường State từ đồi Capitol xuống đến Temple Square mùa đông se lạnh cầm tay người yêu đi dưới hàng cây còn ngập lá vàng bay vô cùng thơ mộng. Temple Square, một quần thể kiến trúc đồ sộ của đại bản doanh đạo Mặc Môn là trái tim đậm nhịp phi thường của Salt Lake City, nơi thu hút du khách đến thăm còn đông hơn 5 Công Viên Quốc Gia nổi tiếng ở Utah như Zion hay Arches. Ba trong số các kiến trúc ở Temple Square được xây dựng từ thời những người tiền phong Mặc Môn mới tiến vào Salt Lake Valley là:
Salt Lake Temple, tức Mormon Temple với 6 đỉnh tháp là tâm điểm của Temple Square phải mất 40 năm mới xây dựng hoàn thành vào năm 1893, cao 222 ft (68 m). Trên đỉnh tháp chính gắn tượng vàng Thiên sứ Moroni cầm kèn đã đề cập trong Sách Khải Huyền (Revelation 14:6) sẽ loan báo lần trở lại thứ hai của Chúa Giêsu. Giống như mọi đền thờ Chúa của Mặc Môn giáo, Mormon Temple ở Temple Square là nơi duy nhất không tiếp người ngoại đạo.
Tabernacle mái vòm là đại thính phòng của ban nhạc Mormon Tabernacle Choir có sức chứa 8 ngàn khán giả. Giàn phong cầm ở Tabernacle được kiến tạo với 11623 ống đàn được xem là một trong những giàn phong cầm vĩ đại nhất thế giới.
Assembly Hall là hội trường nguyên thủy, nhưng nay đã được thay thế bởi Conference Center với sức chứa trên 21 ngàn người.
Temple Square có hai trung tâm tiếp khách. North Visitors’ Center có điêu khắc nổi danh Christus (Chúa An Ủi) bằng đá cẩm thạch; South Vistors’ Center trưng bày cuộc di cư và xây dựng Salt Lake City của những người Mặc Môn tiên phong…
Muốn coi hết Temple Square phải trở lại ăn Phở Tây Hồ nhiều lần; nhưng muốn coi sơ quang cảnh toàn diện của Salt Lake City thì không gì bằng ghé vào Mormon Office Building, cao 420 ft (128 m). Nơi đây các Chị Cả của Giáo Hội Mặc Môn vui vẻ tiếp đón và đưa lên tầng nóc tha hồ ngắm, chụp hình, và nghe giảng lịch sử Mặc Môn với Salt Lake City. Lúc ra về, ký vào sổ lưu niệm chỉ cần đề chưa có đạo là lập tức các anh chị truyền giáo Mặc Môn địa phương sẽ thăm viếng các bạn ngay.
Kề Temple Square là City Creek Center, trung tâm shopping xinh đẹp, nhưng vắng khách. Chúng tôi thơ thẩn dạo chơi ở đó chờ đúng giờ đáp xe lửa điện ra phi trường về Arizona còn kịp ra sân đánh tennis.