Poet Pham Quang Trung

Thi sĩ Phạm Quang Trung
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 7 năm 2011)
Thái-Vinh

Hôm đầu tiên trở lại California thăm nàng, tôi đem theo một quyển Bút Tre mới nhất để nàng đọc đỡ nhớ nhà. Tình cờ Điền chủ ngó thấy mượn coi. Mới lướt qua vài trang, ông đã khen, “Bút Tre chẳng những đẹp mà còn hay hơn các báo bán!”
Nghe ông khen, tôi mừng thầm vì ông cũng là một đại hành gia trong ngành làm báo biếu. Báo của ông ra mỗi tuần dày cộm, phải chia thành nhiều tập như truyện kiếm hiệp tràn ngập rao vặt quảng cáo chen lẫn vài tin giựt gân và chuyện tiếu lâm lượm lặt từ trên Internet!
Tôi biết Bút Tre hơi muộn! Nếu biết sớm, cuộc đời tôi đã đổi khác? Tôi yêu thích các bài viết trong Bút Tre. Ngoại trừ vài tác giả định cư ở tiểu bang khác, như Huyền-Ngọc Hoàng Ngọc-Nguyên ở Utah, Như-Hoa Lê Quang-Sinh ở Texas, Hoa-Thông ở New Mexico, Dư Thị Diễm Buồn ở California… đa số còn lại đều ẩn cư ngay trong sa mạc. Từ hàng tiền bối như Trần Anh-Tống, Hải-Bằng, Lê Sương, Nam-Giao, Nguyên Đang… cho đến các anh thư như Dyễm-Phương, Thu-Tâm, Quỳnh-Như… tài nghệ đều tuyệt luân.
Người ưu tư theo dõi các bài bình luận sâu sắc của Hoàng Ngọc-Nguyên; kẻ vô tư tìm đọc “Chú Tư Cầu”. Muốn ăn ngon, giở Bút Tre học bí quyết làm bếp của Thuỳ-Trang. Còn độc thân hay đã có vợ mà lỡ bị trục trặc về đường tình duyên, Bút Tre có ngay anh chị Bảy Hảo Tâm cố vấn gỡ rối tơ lòng thòng mà không cần thỉnh bùa Miên, ngải Thái… Tôi chưa từng thấy một tờ báo nào mà có nhiều nhân vật nữ lưu cộng tác như Bút Tre, từ chủ bút cho đến người nắm giữ chìa khoá tài chính. Báo tháng nào cũng dồi dào bài viết. Đọc mệt nghỉ. Đọc chưa hết thì đã bị chủ bút gửi meo bắt nộp bài, nên tôi rất ngán gặp mặt các cô. Bao nhiêu lần mời dự tiệc tùng nầy nọ, tôi đều né; cho đến một buổi trưa kia, nhận được meo khẩn cấp của chủ bút:
Bút Tre có một cộng tác viên là chú Phạm Quang Trung từ Colorado cùng gia đình đi Flagstaff chơi và nhân dịp nầy lái xe xuống Phoenix. Chúng ta sẽ có buổi ăn tối lúc 5:30PM cùng gia đình chú Trung tại Phoenix Palace. Thông tin hơi trễ, nhưng vẫn hy vọng các cô chú có thể đến cùng bày tỏ lòng hiếu khách.
Từ một năm qua, mỗi lần mở trang thơ Bút Tre, tôi đều được thưởng thức những bài thơ hay của các thi sĩ Nam Giao, Phạm Quang Trung, Cung Trầm Hạ… Tôi phải đi gặp người nầy, bèn hồi âm ngay:
Được mời đi ăn, dại gì không đi; lại được gặp luôn một lúc mấy chàng thi sĩ.
Tôi đến quán đúng giờ; đứng đợi một lúc không gặp ai quen. Hỏi chủ quán; chủ quán ngớ ngẩn. Tưởng là người sinh đẻ ở đây, bèn xổ tiếng Mỹ; té ra chủ là người láng giềng tốt của Việt Nam. “Bút Tre không có đặt bàn họp bạn ở đây!” Tôi tưởng tai mình nghe lầm; nhưng té ra chủ khách bữa tiệc đều theo giờ dây thun!
Tôi không thích đứng gần người nào đẹp trai và cao hơn mình. Anh Phạm Quang Trung thuộc diện đẹp trai và cao ráo đó; nhưng hôm ấy, ở bàn tiệc tôi chọn ngồi gần bên anh và tiếu lâm quán chủ Phương-Thảo. Phía Bút Tre còn có thêm các anh thư Như-Huỳnh (giữ Góc của Bé), Tuyết-Thu (tài chính), Thanh-Thuỷ (sắc đẹp), Thu-Tâm (phụ tá chủ bút), nhà thơ Hải Bằng và phu nhân. Nhân vật chính, tức chủ bút vẫn biệt tăm! Gia đình anh Phạm Quang Trung và chị Thu-Thủy có 2 cháu, Thủy-Tiên và Thùy-Mai. Vừa mới gặp gia đình anh, ai cũng có cảm giác êm đềm của một gia đình hạnh phúc.
Nhà thơ Hải Bằng phỏng vấn khách thơ ngay:
– Anh đã xuất bản được mấy tập thơ rồi?
Tôi nghĩ thầm, “Làm thơ bắt buộc phải in thành sách mới trở thành thi sĩ ư?” Anh Trung vui vẻ trả lời:
– Thơ rất nhiều, nhưng chưa có dịp in thành sách. In thơ để bán, chắc không ai mua!
– Thì để lại cho con cháu giữ làm kỷ niệm. Ai là người hâm mộ thơ của anh nhất?
– Chắc là bà xã ?
– Anh có bài thơ nào tặng cho vợ không?
– Dạ… chắc là có.
– Thuộc bài thơ đó không?
– Dạ không.
Người phỏng vấn bèn đọc ngay một bài thơ rất hùng tráng của mình; còn tôi liên tưởng người không hề thuộc thơ của chính mình đang ngồi bên cạnh tôi với thi sĩ nổi danh trong phong trào thơ mới, Lưu Trọng Lư.
Lưu Trọng Lư đang nằm võng đọc bài “Hôm Qua” trong tuyển tập thơ “Tiếng Thu” của mình. Đọc đến câu:
“Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!”
Ông vùng ngồi bật dậy cười ha hả, “Thế mà bấy lâu nay mình cứ tưởng hai câu thơ đó của Thế Lữ!”
Tôi thích vẻ mơ mộng và hồn nhiên của người thơ như thế.
Lại nghe nhà thơ Hải Bằng phỏng vấn tiếp:
– Bài thơ nào anh đắc ý nhất?
– Bài “Paris”
– Anh đọc cho nghe?
– Dạ không nhớ!
– Đại khái như thế nào?
– Đó là bài thơ cảm đề khi nhận được tấm cạc lưu niệm từ Paris.
Đến lượt tôi phỏng vấn anh:
– Anh đã biết Paris chưa?
– Dạ chưa.
– Thế mới tài! Hôm nào anh gửi bài thơ ấy đăng trong Bút Tre cho độc giả yêu thơ thưởng thức? À, mà cơ duyên nào anh đã đến với Bút Tre?
– Tước kia tôi thường gửi bài đăng trong một tờ báo khác cũng ở Arizona; nhưng một năm qua, tôi chuyển qua Bút Tre vì anh Như Hoa Lê Quang Sinh và ông cụ của tôi khen ngợi Bút Tre hoài.
– Anh Lê Quang Sinh trong “Cụm Hoa Tình Yêu” thì tôi đã gặp ở Sacramento; thế còn thân phụ của anh?
– Ông cụ của tôi là nhà giáo Phạm Xuân Tước…
– Ồ…tôi biết tiếng văn thi sĩ Xuân Tước từng cộng tác với báo Tiền Phong từ năm 1975; ông rất nặng lòng với tiếng Việt! Ông cụ bây giờ ở đâu?
– Cụ đã gần trăm tuổi, vẫn ở Colorado với chúng tôi.
– Trước 30 tháng 4 năm 1975, anh là quân nhân?
– Dạ không. Lúc đó tôi vừa xong Cao Đẳng Sư Phạm.
– Còn chị Thu-Thủy?
– Ô…lúc đó em còn con nít hà!
– Anh Trung làm thơ tán chị ở Việt Nam, phải không?
– Không…không…ở Cali cơ.
Biết Phương-Thảo là Tiếu lâm quán chủ, anh Trung bản chất nhà giáo, kể cho cô nghe một câu chuyện vui:
Thầy giáo hỏi học trò:
– Tèo! Mẹ em cho em 1 đồng và ba em cho em 1 đồng; vậy tổng cộng em được mấy đồng?
– Dạ thưa thầy, 1 đồng.
– Hả?
– Tại thầy không biết tính của ba em đấy thôi!
Nhà thơ Hải Bằng nhìn chị Thu-Thủy, chợt hỏi:
– Sao chị không đẻ thêm vài đứa nữa?
– Sợ lại ra toàn con gái!
– Chúng tôi có 5 người con trai. Hồi đó tôi đề nghị với bả, “Thôi, ông Trời không cho mình sinh con gái thì mình kiếm 1 đứa con gái nuôi vậy?” Bà giãy nảy lên, “Bộ ông tính đem con riêng của ông về cho tui nuôi hả?”
Tiệc gần tàn thì nhân vật chính xuất hiện. Chúng tôi muốn dọn dẹp bát đĩa để chụp hình lưu niệm với gia đình anh Phạm Quang Trung cho đẹp, thì nhân vật chính đưa tay ngăn lại; cô cười tá lả, “Hình chụp phải có bát đĩa mới chứng tỏ mình hiếu khách tiếp đãi đàng hoàng!”

Anh Trung, chị Thu-Thuỷ, hai cháu Thuỷ-Tiên và Thuỳ-Mai thân mến,
Tình cờ anh chị và hai cháu ghé thăm Bút Tre, tôi được gặp người sáng tác những vần thơ mà bấy lâu nay tôi ưa thích; và cũng là lần đầu được gặp mặt gần như toàn bộ phe nữ đìều hành báo Bút Tre. Các cô trẻ đẹp, vừa đi làm, đi học, và còn chịu khó dạy tiếng Việt cho trẻ em lớp “Việt ngữ tiếng mẹ” rất đáng khâm phục, phải không anh chị?
Tôi thấy Thủy-Tiên tương lai rất giống mẫu người phụ nữ như thế!
Đề nghị anh viết bài du lịch Arizona; nhưng trước hết đừng quên gửi hình chụp chung với các cô Bút Tre và bài thơ cảm tác Paris qua tấm cạc lưu niệm như anh kể!
Mọi người đều yêu mến gia đình anh chị. Mến chúc an lành, và mong anh chị sớm tái định cư ở một trong 2 thành phố, Chandler hoặc Gilbert của Arizona.

Gửi anh Thái-Vinh,
Buổi hợp mặt vừa qua đã làm cho tôi thật xúc động. Xin nhận cho gia đình chúng tôi lời cảm tạ chân thành nhất. Quả như anh nói, tôi cũng đồng ý những người làm văn nghệ Bút Tre thật trẻ đẹp và nhiều tài.
Sẵn đây xin gửi đến anh những hình ảnh ghi nhận buổi hội ngộ tuyệt đẹp vừa qua, và bài thơ Paris thành hình từ tấm postcard nhỏ bé. Bài này được đọc trên đài phát thanh Cali. và sau đó được rất nhiều thính giả yêu cầu cho nghe lại. Mong rằng bài thơ sẽ cho anh và độc giả Bút Tre được giây phút thoải mái.
Phạm Quang-Trung

PARIS

Nói thế nào cho hết được về em
Paris Paris âm hưởng êm đềm
một hôm đi về dưới hàng cây lạ
nhớ chiếc hôn êm trên cánh môi mềm

Bây giờ có lẽ đang là mùa thu
mưa lá rộn ràng trên con phố cũ
bên em công viên chiều loang ánh sáng
sợi tóc nâu buồn lay lất mộng du

Sông Seine mơ màng mắt sâu thiếu nữ
tha thiết lời buồn sóng vỗ tâm tư
ai đó đi về đơn côi tĩnh lặng
từng cánh hoa hồng rơi xuống thiên thu

Sương giá lạnh vai vỉa hè ghế đá
cho nhau tình vẫn bao lâu chưa già
nói gì thổn thức hoàng hôn thẫm tím
mơ ước rồi thôi vụt cánh chim qua

Con mắt hoe vàng đèn soi lối nhỏ
hương em ngọt mát nụ cười lẳng lơ
giầy cao nhón gót âm vui điệp khúc
mở cổng tình duyên chào đón xôn xao

Vóc cạn hồn say thơm môi mọng ấm
nghe tận cùng mê chân ngọn lông măng
rờn rợn dấy lên từng âm thể mới
sầu vương mấy thuở người ngồi ăn năn

Rượu đỏ khơi dòng con tim khờ khạo
quán chiều sợi nắng ngậm ngùi tan mau
bàn tay đan níu lòng mê quyến luyến
giọt lệ từ tâm thổn thức nghẹn ngào

Paris Paris lối mưa tượng đá
nức nở cung trầm thương xót cành hoa
khói sương mờ ảo mối tình nghệ sĩ
một hôm ôm đàn bỏ phố đi xa

PHẠM QUANG TRUNG