Children’s songs

Bài hát trẻ thơ
Thái-Vinh

Dân tộc Việt-Nam là một dân tộc giàu thơ nhạc. Ngay từ lúc vừa mới chào đời được cha mẹ ôm bế vào lòng, trẻ thơ Việt-Nam đã gần gụi gắn bó ngay với thơ nhạc qua những câu hát ru em. Những câu hát ru em đã có sẵn từ kho tàng rất phong phú tình cảm của ca dao, được thêm thắt những tiếng à ơi hay tình tính tinh…kéo dài ấm áp trầm buồn, nghe êm tai và thấm thía nhẹ nhàng dễ buồn ngủ:
À ơi, ơi…
Nam nhi đứng ở trên đời
Thông minh tài trí là người trần gian
Ngoan ngoan em thực là ngoan
Em thơ chị ẳm, em ngoan chị bồng
Bồng bồng bống bống bông bông
Lớn lên em phải ra công học hành
Tình tính tinh
Xinh ghê xinh gớm là xinh
Chớ nên học thói đa tình như ai

Hai đứa con thơ của chúng tôi trong hai năm đầu đời, đều được thổi vào tai, vào trí óc non nớt của chúng hàng ngàn câu hát ru ca dao, và biết bao câu thơ buồn đẹp trong thi ca Việt Nam, như Truyện Kiều:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Vì vậy, một em bé Việt-Nam dầu sinh ra ở nước ngoài, vẫn dễ dàng học tiếng mẹ đẻ, bởi vì trong tiềm thức của em đã vương vấn ít nhiều ngôn ngữ của dân tộc, chỉ chờ dịp được phát triển. Em bé Việt-Nam chẳng những được nghe hát ru để ngủ ngon, mà còn được tập hát, tập chơi, và tập phân biệt âm thanh ngay từ lúc còn nằm nôi chưa biết lật. Bài hát “Chi Chi Chành Chành” với những câu vô nghĩa lại là bài hát được áp dụng sớm nhất để huấn luyện tai mắt, và ngón tay bé nhỏ của em bé biết phối hợp nhịp nhàng theo bài hát, biết đưa tay ra, biết đặt tay vào lòng bàn tay mẹ, và biết rụt tay về cười ngặt nghẽo:
Chi Chi Chành Chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương, ngũ đế
Cấp kế đi tìm
Ù à ù ấp

Rồi lúc em bé vừa biết tập ngồi, ôm chặt tay mẹ, miệng đã biết bập bẹ theo bài “Kéo Cưa”:
Kéo cưa, lừa xẻ
Đứa nào khỏe về ăn cơm vua
Đứa nào thua về bú vú mẹ

Tôi không nhớ rõ, thuở lên năm lên sáu, ai đã dạy lũ con nít chúng tôi hát và chơi những trò, như “Đánh Đũa”:
Chuyền chuyền một, chộp lấy một
Chuyền chuyền hai, chộp lấy hai…
Qua cầu, hầu thẻ, bẻ bàn
Sang ngón, chọn tay
Ngay giờ, dời dã
Á mi ôi
Giống chi, trong yếm cô mi
Giở ra, anh coi
Chị ba mầy, đi cầu, té xuống ao
Chị ba tao, nhào xuống vũng
Tai nghe cái chủm
Núm cái thẻ, né cái thủm
Sang tay nầy, bắt tay kia
Nẻ nẻ một, một đôi
Nẻ nẻ hai, hai đôi…
Lòn kim xé chỉ

Hay “Hú Ve” trốn bắt:
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Thả tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu

Hay lúc đang chơi, bỗng trở mặt gay cấn, cần giải quyết tranh chấp một viên kẹo hay một hòn bi, cũng có bài hát:
Xù xì xụt xịt
Nốc mít lùi tro
Ăn no té địt

Và đôi lúc giận nhau, chẳng còn ai chơi với mình, cũng lên giọng hát trách móc:
Hồi nào làm bạn với tao
Bây giờ bỏ bạn, đi theo ăn mày
Ăn mày, không nói tao hay
Tao cho miếng giẻ vô trong mặt mày
Mặt mày như đít nồi bầu
Chạy qua chạy lại xách gầu rửa trôn

Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên theo những bài hát và trò chơi buôn bán ngây thơ quanh quẩn dưới gốc me bên nhà. Vào những đêm trăng sáng, chúng tôi ra đồng coi tát nước, nghe trai gái hát ghẹo nhau những câu lạ tai, nhưng dễ nhớ:
Chớ chê em xấu em đen
Em như nước đục đánh phèn lại trong

hay
Nước sôi trong ấm trào ra
Thấy em mập mịa lân la tới nhà

Trăng ở miền quê tôi rất trong sáng và xinh đẹp vô cùng. Trăng làm chúng tôi bớt sợ ma; trăng soi sáng giúp dân long xay lúa, giã gạo, hát hò… Vào những đêm không trăng, thôn làng chìm đắm đìu hiu trong màn đen bí mật. Chúng tôi lén lút trong cửa sổ, lấm lét nhìn ánh lửa ma trơi, đỏ như máu bay lang thang trên ruộng lúa, sợ điếng người!
Những năm sau nầy phải xa quê, ánh trăng thành phố không đẹp và sáng bằng ánh trăng thời thơ ấu năm xưa. Tôi thực sự đã lớn lên và xa rời những bài hát trẻ thơ cũ. Đã bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn còn nhớ mãi mấy câu hát của em bé nghèo xa quê trong một đêm trăng Trung Thu buồn:
Trung-Thu hai tiếng êm đềm quá
Chẳng biết lòng em nghĩ ngợi gì
Em nghĩ đêm nay trăng sáng tỏ
Cầm đèn, lũ trẻ rủ nhau thi…

Giấc Mơ Phù Đổng

PhuDongThienVuong

Giấc Mơ Phù Đổng
Thái-Vinh

Tào Tháo (155-220) một nhà chính trị, quân sự, và thi sĩ kiệt xuất thời Đông Hán bên Tàu. Ông kéo đại binh xuống Giang Nam, lập bộ tư lệnh phía bắc Trường Giang, đang tìm kế đưa binh qua sông thôn tính nước Ngô, thì hai hàng tướng Tiêu Xúc và Trương Nam, bộ hạ cũ của Viên Thiệu muốn lập công, xin cấp 20 chiến thuyền để tiến thẳng qua sông cướp cờ đoạt trống làm nhụt chí chiến đấu của quân địch, ông nói ngay, “Các ngươi đều sinh trưởng ở phương Bắc, e cỡi thuyền không tiện. Quân Giang Nam thì quen sống trên mặt nước, tập luyện đã tinh. Hai ngươi đừng đem tính mạng ra làm trò đùa.” Tuy nhiên ông đã chủ quan trong trận chiến gián điệp, và bị Châu Du lừa kế khoá thuyền đốt mấy chục vạn binh Tào trong trận Xích Bích. Bị đại bại, nhưng nhận xét của Tào Tháo về người miền Bắc giỏi ngựa và người miền Nam giỏi thuyền rất chính xác. Điều đó, một ngàn năm sau đã chứng minh, khi vó ngựa quân Mông Cổ gieo rắc kinh hoàng từ Á sang Âu, và chiếm toàn bộ nước Tàu thiết lập ra triều đại nhà Nguyên (1279-1368); và Mông Cổ đã đại bại qua ba cuộc xâm lăng Việt Nam năm 1258, 1285, và 1288 vì nhờ vua tôi đồng tâm và nhờ người Nam giỏi thuyền. Trận Bạch Đằng năm 1288 là trận thủy chiến lớn nhất và oanh liệt nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng vì bất hạnh nằm kề anh láng giềng khổng lồ dã man, nên dầu giỏi mà nước nhỏ vẫn bị đô hộ triền miên vì các cuộc xâm lăng đều do người ngựa từ phương Bắc dùng chiến thuật lấy thịt đè người. Địa hình Việt Nam hẹp, nhiều núi đồi và sông ngòi, thiếu thảo nguyên rộng để có chỗ cho những con ngựa nổi tiếng tung vó làm lừng danh chủ tướng như thời Tam Quốc (220-280) bên Tàu. Nào là Ngựa Xích Thố mầu đỏ rực như lửa ngày đi ngàn dặm của Quan Vân Trường; Ngựa Tuyệt Ảnh phi nhanh đến cái bóng cũng không đuổi kịp của Tào Tháo; Ngựa Đích Lư chở Lưu Bị chạy trốn vọt bay qua ngòi Đàn Khê; Ngựa Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử mang chủ tướng Triệu Tử Long cùng ấu chúa A Đẩu xông xáo giữa trăm vạn quân Tào trong trận Đương Dương Trường Bản, Ngựa Ô Vân Đạp Tuyết đen tuyền dũng mãnh như chủ tướng khét tiếng Trương Phi… Những con ngựa lừng danh đó khi chủ tướng chết rồi thì chúng cũng không chịu để ai cỡi, ủ rũ bỏ ăn uống chết theo. Các danh tướng kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… từng đánh bại quân xâm lược phương Bắc, không nhờ những chiến mã như thời Tam Quốc, mà hoàn toàn nhờ võ nghệ siêu quần, mưu trí xuất chúng, và dân quân đồng lòng nhất chí chống giặc. Từ Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Đông Hán năm 40-43, đến Bà Triệu nổi dậy chống Đông Ngô năm 248, cả ba vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cỡi voi ra trận. Đến triều đại oai hùng Tây Sơn (1788-1802), nữ danh tướng Bùi Thị Xuân cũng cỡi voi, chỉ huy đội tượng binh đại phá quân Thanh vào đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789). Việt Nam vẫn không có ngựa hay. Cái gì mình không có, mới mơ ước, đúng không? Người Việt Nam có niềm mơ ước thoát khỏi ách đô hộ của người Tàu qua ba thời đại Bắc thuộc kéo dài gần một ngàn năm. Trong tập truyện cổ “Lĩnh Nam Chích Quái” còn sót lại từ thời Lý, Trần của nước ta mà không rõ tác giả là ai, có thể do Trần Thế Pháp biên soạn vào cuối thế kỷ thứ 14. Trong đó có truyện Họ Hồng Bàng, truyện Trầu Cau, truyện Bánh Chưng, truyện Dưa Hấu, truyện Núi Tản Viên… là những sự tích thần thoại về nguồn gốc và sinh hoạt dân gian của dân tộc Viêt. Đặc biệt truyện Phù Đổng Thiên Vương là loại truyện kiếm hiệp đầu tiên trên thế giới mà bất cứ một đứa trẻ Việt Nam nào biết đọc cũng đã luyện qua:
“Đời Hùng Vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hung mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc. Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương.”
Tôi không cho truyện Phù Đổng Thiên Vương xảy ra vào đời vua Hùng Vương thứ 6 như đã ghi trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Vì thời vua Hùng thứ 6, nước ta rất hùng manh. Giặc Tàu còn ở mãi tít trên lưu vực sông Hoàng Hà, thì giặc Ân là giặc nào? Vả lại thời đó vua Hùng đã có con rể là Sơn Tinh tức thần núi Tản Viên tài phép như Tề Thiên Đại Thánh, hô biến thì núi cao đụng tới trời; vậy còn sợ ai? Phù Đổng Thiên Vương theo tôi là một vị anh hùng trong giấc mơ của mỗi người dân Việt trong thời kỳ Bắc thuộc (207 trước Công Nguyên cho đến năm 905). Giặc Ân là giặc Tàu, nhưng vị sợ Tàu đang cai trị, nên nói trại ra là giặc Ân; còn đứa bé không biết nói, không biết đi đó là một thiên tướng sẽ được Trời ban cho dân tộc Việt để đánh đuổi giặc đô hộ. Tướng giỏi cần ngựa hay. Người Nam cần giỏi ngựa để đánh bại phương Bắc. Truyện tuy thần thoại, nhưng con ngựa Phù Đổng của Việt Nam là con ngựa sắt được phát minh đầu tiên trên thế giới; mãi đến đầu thế kỷ 19, các nước Âu Châu mới bắt chước chế tạo được thành xe tăng! Nhưng giấc mơ của người dân Việt trong bất cứ mọi thời đại là trở thành Phù Đổng Thiên Vương.

Phu Dong Thien Vuong

My Dentist, Dr Ki Ngo

Răng với tóc là gốc con người
Tưởng nhớ Dr Ki Ngo, vị nha sĩ của tôi
Thái-Vinh

Người Mỹ rất đáng tự hào có hàm răng đẹp nhất thế giới; nhưng đó cũng là hàm răng yếu nhất thế giới! Tại vì đa số người Mỹ đều có bảo hiểm răng để cho nha sĩ xoi, xỉa, cạy, mài, giũa, niềng, đánh bóng hàm răng sạch sẽ mỗi năm hai lần. Vì có hàm răng đẹp nên sợ đồ ăn cứng. Món ăn thông dụng Hamburger, và Hot Dog của Mỹ kẹp với bánh mì mềm xèo, ăn rất ngán. Trái lại bánh mì Pháp (French baguette) giòn, thơm, ngon hơn nhiều vậy mà ít người Mỹ dám gặm. Một hôm có người chở đến cho một lô mía. Thấy tôi chạy đi tìm dao, người ấy chụp một cây mía, bẻ làm hai, cười khúc khích nói rằng “Ăn mía mà dùng dao xắt thịt thì đâu còn thú vị nữa? Mía phải xiết mới đã!” Nói xong, anh đưa khúc mía lên miệng dùng răng xiết (tước) vỏ mía ào ào còn nhanh hơn dao rọc.
Ngày còn bé ở Việt Nam, trẻ em chúng tôi không biết trên đời có nha sĩ. Ăn uống đã thiếu thốn, lại không biết giữ gìn vệ sinh, nên răng đứa nào cũng mọc bừa bãi, bị sâu răng, bị sún răng, bị thối mồm… Đang đi, bỗng nghe kêu “Bonjour Me xừ Hăng Rô!” Tưởng gọi Mr. Henro Tây nào, té ra bị chọc quê là me xừ hô răng! Rồi lại còn bị “Thưa anh rằng” tức là “Anh răng thừa”. Tiếng Việt tài tình ở cách nói lái như vậy đó! Mỗi khi bị nhức răng, phải dùng thuốc trị bá bịnh là dầu Nhị Thiên Đường xức; nhưng nếu bị nhức mãi thì cái răng ấy bị sâu ăn rồi, phải dùng thuốc đặc biệt của mấy thầy lang cỡi xe đạp chở tủ thuốc trị sâu răng đi bán dạo ở chợ. Thuốc gia truyền của các thầy xức lên chỗ răng sâu thì các con sâu răng say thuốc từ từ bò ra chết. Trông thầy chưng bày các hũ rượu thuốc ngâm các con sâu răng rất ghê rợn! Nhưng nếu dùng thuốc vẫn chưa chữa dứt nọc sâu răng thì thầy còn tuyệt chiêu nhổ răng ngay tại chợ, chỉ dùng kìm lắc nhè nhẹ là cái răng bị sâu vọt ra mà không cần chích hay bôi thuốc tê. Xong xuôi cho uống một gói Thần Công Tán bảo đảm chạy chơi với chúng bạn được ngay!
Hàm răng đối với trẻ em chúng tôi xưa kia không được hướng dẫn phải quan tâm và giữ gìn vệ sinh cho tốt; ví dụ như không được dùng răng tước mía, hay không được dùng gai xỉa răng… Thế mà câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là gốc con người” được học trò chúng tôi học thuộc lòng như vẹt! Những đứa trẻ cùng lứa tuổi tôi ngày xưa ấy đến nay đã rụng răng, móm miệng trở thành me xừ Hăng Rết là Hết Răng! Chỉ có tôi được may mắn tiếp tục đi học cho đến khi vào Đại Học, tôi mới có nha sĩ. Nha sĩ của tôi là chị hàng xóm xinh đẹp vừa tốt nghiệp Đại Học Nha Khoa. Mấy cái răng sâu được chị trám bằng chì ngày ấy vẫn còn tốt; nhưng khi vào sa mạc, tôi lại giao lầm hàm răng cho các nha sĩ ở phòng răng gần nhà chăm sóc thì chỉ trong vòng nửa năm, hàm răng yếu dần và bị dụ khị bọc hai cái răng bạc. Ngay từ hôm bịt hai cái răng bạc ấy, hàm răng bắt đầu trục trặc. Càng trở lại phòng mạch, hai cái răng bạc càng bị mài thấp dần cho đến một ngày kia, phòng mạch đổi chủ. Hai cái răng bạc ấy đã bị nhiễm trùng! Tôi tức giận, quyết định từ đây cho đến ngày chỉ còn một cái răng, hay phải mang hàm răng giả, không bao giờ đi nha sĩ “ngoại quốc” nữa!
Nha sĩ mới của tôi từ đó là Dr Ki Ngo. Gặp nhau ở bữa tiệc từ thiện, Ki Ngo thường kêu chú và xưng con quá ư lễ phép; nhưng hôm đầu tiên Dr Ki Ngo trở thành vị nha sĩ trọn đời của tôi thì lại thân mật kêu tôi bằng anh và xưng em. Tôi cho xưng hô như vậy nghe dễ chịu hơn các cô phụ tá xinh đẹp không biết nói tiếng “anh”! Tôi không bao giờ thích các cô làm răng vì cứ bắt phải há mồm thật to làm méo mó mặt mày, lại bị đè xịt nước ngập cuống họng ngộp thở, khiến mình nằm ngửa ú ớ như người bệnh không dám rên la; thật không ra cái thể thống gì cả! Nếu tình cờ gặp nhau ngoài đường chào hỏi lại càng thêm ngao ngán vì người ta biết rõ cả răng vàng, răng bạc, lẫn răng chì trong mồm của mình thì còn thích thú nói năng gì? Tôi rất thích vị nha sĩ của tôi. Dr Ki Ngo tận tâm, tử tế, và nói năng hiền lành:
– Cái răng ấy bị nhiễm trùng nặng, để em cắt gân máu cho anh…
Nghe cắt gân, tôi giật mình:
– Vậy chết còn gì?
– Dạ, chỉ có cái răng ấy chết thôi, nhưng vẫn nhai thức ăn, lại giữ cho hàm răng được dính nhau nguyên vẹn…
Tôi vẫn biết các tế bào được tạo thành và mất đi trong thân thể muôn loài từng giây từng phút, nhưng không thấy được sự thay đổi quá tinh vi ấy. Bây giờ thì tôi cảm nhận được hai cái răng của tôi đã chết mà vẫn cứ sống với tôi. Nghĩa là tôi đang sống mà cũng như đang chết. Hôm nghe tin vị nha sĩ của tôi đột ngột qua đời, tôi bàng hoàng cảm thấy cả hàm răng như rơi rụng! Tôi không tin bác sĩ lại chết trước bệnh nhân. Từ đây tôi mất đi một người tin cậy mà tôi đã tự chọn làm nha sĩ trọn đời! Không biết các em có bao giờ nhớ nha sĩ của các em như tôi không? Đừng nhé! Tôi muốn các em luôn vui vẻ với hàm răng đẹp nhờ biết quan tâm giữ gìn, ăn uống lành mạnh, và siêng năng đánh răng. Mỗi lần cầm bàn chải hay sợi chỉ xỉa răng, hãy vui vẻ hát bài “Thằng Tí Sún” để nhắc người đang đứng trong gương rằng giữ gìn vệ sinh răng miệng là việc làm dễ dàng và cần thiết.


Thằng Tí Sún
Nhạc và lời: Hùng Lân

Ê! Cái thằng Tí sún Tí sún
Nhe cái răng nham nhở chổi cùn
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không ngơi

Anh sún ơi! Này nghe chúng tôi:
Chăm đánh răng cười trông mới tươi
Răng với tóc là gốc con người
Răng có đẹp thì đời mới vui

Nào có khó gì việc đánh răng
Cầm bàn chải tựa như kéo đàn
Kem rất thơm ngọt đâu có ngán
Chỉ xoẹt xoẹt mấy cái là xong

Canyon de Chelly


Canyon de Chelly, cảnh đẹp trong Navajo
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 9 năm 2014)
Thái-Vinh

Hoa Đại Tẩu cười khúc khích:
– Em làm chị mắc cười quá!
– Chị cười cái gì?
– Em bảo Chef Buffalo “Cứ nhìn vào đôi mắt con bò rừng sẽ thấy nỗi buồn muôn thuở của người da đỏ”. Làm sao em biết chắc họ buồn?
– Đó là em suy bụng ta ra bụng người. Hồi 30 tháng 4 năm 1975 lúc mất nước Việt Nam Cộng Hoà, em cũng có nỗi buồn đó. Chị từng làm việc trong chương trình Navajo Area Indian Health Service thường ra vào các bản thượng, chắc biết ở trong ấy, họ vui hay buồn?
– Người đến bệnh viện thì nói làm gì; nhưng có chỗ nầy chị thấy người da đỏ vui nè.
– Chỗ nào vậy?
– Họ vào chỗ kéo máy, kéo toàn máy chiến, loại từ một đồng trở lên; trong khi mình chỉ dám ham vui nho nhỏ kéo máy một xu!
– Trời! Đó là cách góp tiền hết cho nhanh, rồi về bản thượng uống rượu giải sầu; nhưng sầu biết bao giờ hết, chỉ còn cách tự tử, vui gì chị ơi?
Tôi đã hỏi điều nầy với Joanne, cô bạn làm cùng hãng. Cô là người da đỏ thoát ly khỏi Navajo Nation. Trong bản thượng, không có việc gì làm. Lợi tức gia đình hàng năm chưa tới 4 ngàn đô la. Mức thất nghiệp có nơi hơn 80 phần trăm. Sống không có gì; lại chẳng có tương lai và hy vọng. Nỗi buồn không biết tỏ cùng ai vì muốn tìm bạn “Chít chát” trên mạng, phải đi hàng chục dặm mới có WiFi nên đâm ra chán nản, dễ gây gổ, nghiện rượu, phát sinh bệnh tật, và chết sớm. Tuổi thọ trung bình của đàn ông da đỏ là 48 và đàn bà là 52. Nếu không chết trước khi bị bệnh thì tự tử. Mức tự tử trong các bản thượng cao hơn mấy chục lần so với bên ngoài khiến dân số cứ giảm dần. Theo phong tục Tàu thì người da đỏ có tội với tổ tiên vì làm biếng yêu đương, không sinh con cái đồng nghĩa với tuyệt tự dẫn đến hoạ tuyệt chủng! Mỗi khi có dịp lái xe chạy xuyên qua vương quốc Navajo rộng mênh mông, tôi thường tự hỏi, “Tại sao người Navajo không tranh đấu, biến Navajo Nation thành tiểu bang Navajo State của nước Mỹ?” Navajo Nation ở đây chỉ về dân tộc Navajo, chứ không có nghĩa là một quốc gia (country) hay vương quốc (kingdom) thì cần quái gì chữ Nation? Rồi lại tự trả lời, “Thành tiểu bang nghĩa là dỡ bỏ hàng rào, sẩy đàn tan nghé, và giao mảnh đất của tổ tiên cho người lạ khai thác lại càng mau xoá vết tích Navajo!” Biết làm sao bây giờ?
Trước kia, trong bài “Lo Xa” đăng trên nguyệt san Bút Tre, tôi đã có ý nghĩ “Phải chi người da đỏ được phép rời bỏ những khu tập trung chỉ định để được làm chủ toàn thể vùng sa mạc dọc theo biên giới từ California đến Texas, thì đố anh láng giềng kia dám vượt biên!” Dù cho cái điều viễn vông đó có trở thành sự thật, chưa chắc người da đỏ đã chịu vì vào mùa xuân năm 1864 họ đã từng bị chính phủ Mỹ lường gạt và cưỡng bức trong chiến dịch bi thương “The Long Walk of the Navajo”. Khoảng chín ngàn người Navajo bị đuổi khỏi quê hương, bị bắt đi bộ từ Fort Defiance đến Fort Sumner dài hơn 300 dặm. Đến nơi chết gần hết; nhưng vẫn tranh đấu cho đến bốn năm sau mới được trở về quê cũ! Tôi rất kính trọng người biết yêu quê hương. Người Navajo yêu quê hương vì không đâu đẹp bằng Navajo Nation!
Với một diện tích rộng trên 27 ngàn dặm vuông, Navajo Nation còn lớn hơn tiểu bang thứ 41 là West Virginia. Những cảnh đẹp trời ban cho Navajo Nation được liệt vào hàng Lâu Đài Quốc Gia là: Antelope Canyons (Lower & Upper), Canyon de Chelly National Monument, Navajo National Monument, Monument Valley, Rainbow Bridge National Monument, Shiprock Peak… Chưa kể tới Grand Canyon National Park, Vermillion National Monument, và Petrified Forest National Park là những cảnh đẹp trứ danh nhất thế giới đều nằm lan qua Navajo Nation. Tất cả các cảnh đẹp trong Navajo Nation là nơi linh thiêng, không cần quản trị giữ gìn làm gì vì người da đỏ biết kính sợ thiên nhiên, không đến gần, còn nói chi dám leo trèo phá phách!
Một hôm người bạn đánh tennis hỏi:
– Biết chỗ nào đẹp chỉ giùm ổng đưa tui đi chơi cho đỡ nóng?
– Có ngay, nhưng sợ trong một ngày ổng chở bà không chạy nổi 600 dặm!
– Chỗ nào có phố Tàu hay quán ăn Tàu, dù xa cách mấy, ổng cũng tới!
– Ơ… hình như ở Chinle đó chỉ có một quán ăn do người nước lạ làm chủ.
Bà quay sang nói với chồng:
– Chin là vàng; Chinle là vàng lẻ; quán ăn do người nước lạ làm chủ là quán ăn Tàu, chứ còn gì nữa?
Thế là ông hào hứng chở bà chạy từ phía đông Phoenix theo đường 87 North đến Payson chuyển qua 260 East, tách ra 377 North ở Heber, chạy thẳng đến Holbrook nhập vào xa lộ 40 East, rồi rẽ ra Exit 333 lấy 191 North chạy đến Indian Route 7 vào thị trấn Chinle của Canyon de Chelly. Quãng đường nầy dài 300 dặm, mất khoảng 5 giờ. Các vùng phía tây Phoenix nên lấy 17 North đến Flagstaff chuyển qua 40 East, rồi ra 191 North ở Exit 333 như trên.
Nhờ quán ăn Church’s Chicken do người nước lạ làm chủ mà ông bà biết được trên thế giới có nước Navajo và trong nước Navajo có cảnh đẹp Canyon de Chelly! Bây giờ đố bạn “Chelly” phát âm như thế nào? Hoa Đại Tẩu mà nghe bạn phát âm trật lất, sẽ làm bộ hử hả như không biết bạn đang nói cái gì đấy nhé! “Chelly” phát âm như “SHAY”, nghe có lạ không?
Chúng tôi đã đến Canyon de Chelly ba lần. Lần nào cũng từ phía bắc, bên tiểu bang Utah trở về. Ghé Chinle ăn món gà chiên và bắp nướng ở Church’s Chicken mới thấy người da đỏ ở bản thượng đó có đôi mắt tinh anh khác hẳn đôi mắt buồn muôn thuở của con bò rừng. Họ nhanh nhẹn và biết sinh hoạt buôn bán với người ngoại quốc. Con nít ở đó khá đông! Nhưng đã thấy Canyon de Chelly đâu?
Cách đầu đường 3 dặm, ngay tại ngã ba đường số 7 và đường 64 là Trung Tâm Tiếp Khách (Visitor Center) của Canyon de Chelly:
Chinle, Arizona 86503
(928) 674-5000
(Xem tiếp trang 2)