All posts by Thái-Vinh

ba tôi

Ba tôi
Thái-Vinh

Đang đánh răng, chợt ngó vô gương soi mặt, tôi lặng người. Từ ngày Ba tôi mất, gặp người quen, ai cũng nói tôi giống Ba như đúc. Tôi không tin lắm, vì tôi không có vầng trán như em trai út rộng mênh mông giống Ba. Hôm gặp lại em; cùng ngắm kỹ, hai anh em đồng ý là tôi giống Ba hơn một chút. Hèn chi, năm nào cháu tôi làm tiệc cưới ra mắt bà con và bạn bè bên Mỹ, cháu nhờ tôi làm trưởng tràng bên đàng gái “Tại vì cậu Ba giống ông Ngoại như đúc!”

Nhưng tôi sợ giống Ba tôi lắm, vì ông có khuôn mặt rất oai, không giận mà nghiêm. Mỗi lần làm gì sai quấy, nghĩ tới Ba là anh em tôi hết muốn sống! Chỉ cần nghe tiếng Ba kêu rền núi, anh em tôi ở xa cách mấy cũng giật mình xanh mặt, muốn bỏ nhà lủi trốn luôn, nếu không nhờ nghĩ tới nhà còn một cây cột chống trời là Mẹ mới dám trở về! 

Tuy dữ với con, nhưng Ba tôi lại hiền lành và tử tế với người ngoài. Ông được mọi người kính trọng. Tiệc tùng lễ hội gì, ông đều được mời ngồi ghế đầu, vì ông làm Đại Diện Xã lâu năm. Mọi việc từ ký giấy khai sanh đến giấy khai tử, mở mang trường học, đắp đập dẫn nước, hay hướng dẫn lính dân vệ đi phục kích bắn mấy anh tập kết lén lút trở về làng, kể cả việc lo lắng tình cảnh goá bụa, hay cô đơn lâu năm của các bà có chồng đi tập kết… Ba tôi đều làm tròn nhiệm vụ dân cử và dân cần. 

Mọi việc bên ngoài, Ba tôi đều có sách lược và chương trình làm việc rất đàng hoàng và được lòng dân; nhưng ngày còn bé, tôi có ý tưởng rất dại khờ là mong sao cho Ba chết sớm để vui đùa nghịch ngợm cho đã! Tôi ao ước sao Ba tôi hiền lành như bác Hương Kiểm Nhàn trước nhà, không bao giờ la hét đánh con! Kẹt quá, Ba tôi lại rất thông minh, anh em tôi không tài nào qua mặt được, ngoại trừ việc mặc thêm hai ba cái quần dày cộm để chịu đòn! Chỉ còn một con đường duy nhất cho anh em tôi đi, là con đường học vấn để mau chóng xa nhà và nhất là xa Ba; nhưng dễ gì xa ngay một cái rụp được! 

Một hôm có khách đến chơi, Ba đưa tiền sai tôi đi mua trà. Cưỡi xe đạp xuống chợ, ngang qua gian hàng bầu cua, tôm cá, gà nai của chú Long Lãi, thấy đông người kiếm tiền quá dễ khiến tôi nổi máu tham! Lúc đầu kiếm được 10 đồng, hào hứng không chịu về; ngồi thêm một lát, thua sạch tiền mua trà! Ngó lại phía sau, cái xe đạp không cánh cũng bay mất tiêu! Tôi điếng hồn, trốn luôn tới tối mới dám mò về ngả sau đình, gõ cửa nhè nhẹ: 

– Hoa ơi, Ba ngủ chưa? 

Em gái tôi mở cửa, càu nhàu: 

– Anh Ba đi đâu suốt cả buổi chiều? May cho anh đó; Ba không về tối nay! 

– Tao làm mất cái xe đạp rồi! 

– Ba sai anh Hai xuống chợ tìm anh, thấy anh đang chơi Bầu Cua, ảnh mua trà và lấy xe về rồi! 

Nếu tôi giống Ba ở khuôn mặt, em út tôi giống Ba ở vầng trán, thì anh Hai tôi giống Ba ở tính tình! Làm tôi bị đòn nhiều nhất là tại anh Hai! 

Anh Hai từ từ xa nhà trước. Tôi ở nhà làm con trai độc nhất của Ba vì em trai út chưa ra đời; thỉnh thoảng được Ba cưng cho trèo lên nóc nhà ngủ với Ba dưới bầu trời đầy trăng sao và bóng lá dừa đong đưa che mặt rất êm dịu. Ba tôi không ưa truyện kiếm hiệp, vì toàn chuyện tán gái lăng nhăng, Ba đều làm được cả; duy chỉ có nhạc và thơ thì Ba tôi chịu thua, nên tôi thường nhờ ánh trăng đọc thơ ru Ba ngủ. 

Mấy năm sau tôi theo gót anh Hai đi học xa nhà. Mỗi năm mới được về một lần vào dịp Tết. Nghe tôi về, bạn gái kéo đến thăm. Thấy toàn nữ sinh, Mẹ tôi không ưa, vì trong thâm tâm bà đã chọn cho tôi một cô vợ trong đám nhân công quấn thuốc rất hiền lành rồi. Mẹ trách yêu: “Mày giống Ba như đúc!” 

Nghĩa là tôi giống Ba chuyện bồ bịch đó! Ba tôi đâu thèm tranh cãi ba cái chuyện nhỏ nhặt ấy. Mấy ngày Tết, ông cưỡi xe đi thăm bạn gái! 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam sụp đổ tan tành cũng là ngày tôi nhảy xuống thuyền xa luôn quê hương và xa gia đình. Khi thằng Sơn bỏ cuộc chờ thuyền ở bến Khánh-Hội, cầm mảnh giấy tôi viết vội vài dòng về báo tin cho anh Hai biết là tôi đã ra đi. Buổi chiều đó nghe thuyền đi, lớp bị bắn, lớp bị chìm… em gái út và anh Hai chỉ còn biết khóc! 

Suốt năm tháng bị kẹt ở Hồng-Kông, và sau đó được định cư ở Mỹ, bao nhiêu thư từ gửi về gia đình đều bị ông Hoàng ở trước nhà giấu hết, làm cả nhà tưởng tôi đã chết! Ông Hoàng xưa kia làm nghề lái xe Lambretta lén chở súng đạn cho Cộng sản giấu trong các bao than củi đem vào thành phố, sau ngày cách mạng thành công, ông được làm xóm trưởng. Thấy mình có công mà chỉ được chức xóm trưởng quèn, thua xa chức Đại Diện Xã của Ba tôi ngày xưa khiến ông ghen tức chăng? 

Gần hai năm sau, nhận được thư anh Hai gửi qua, tôi khóc ngất… “Vinh ơi, có bao giờ em thấy Ba khóc chưa? Vậy mà Ba đã khóc! Ba họa bức hình em thật to treo trên bàn thờ gần hình anh Ngọc!”

Mẹ ơi!

Mẹ ơi!
Thái-Vinh 

Trên thế giới có một nơi không nằm trong số những nơi tôi ao ước đến thăm một lần trước khi chết là Phi Châu vì Phi Châu luôn bất ổn và là ổ của các nhóm khủng bố coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Mẹ con nàng còn có quốc tịch Pháp phòng hờ; chứ tôi chỉ có mỗi một cái quốc tịch Mỹ, nếu bị khủng bố bắt cóc đòi tiền chuộc thì mẹ con nàng làm gì có tiền; chắc chắn đành nhìn tôi chịu chết? Ấy vậy mà tôi sắp theo mẹ con nàng đi Phi Châu! 
Còn hơn một tháng trước ngày đi Phi Châu, mẹ con nàng đang dạo chơi tại khu du lịch núi Bà Nà Đà Nẵng vùng lấy xe lửa đột xuất về Diêu Trì thăm mẹ tôi một đêm. Đêm đó, nàng đã tiên tri và gửi tin nhắn khuyên tôi nên lập tức rủ tất cả các con của mẹ cùng về thăm một lần; đừng đợi mẹ mất rồi mới về! 
Chỉ sau một tuần kêu gọi, Minh-Chi, em gái út của tôi ở Mỹ lo lắng không thể ngủ được, liền bay về ngay với mẹ. Em là người con duy nhất được vinh dự chăm sóc mẹ và gần gụi với mẹ nhất. Gần ba năm trước, em phải xa mẹ để sang Mỹ chăm sóc con gái và cháu ngoại mới sinh; mẹ phải về ở với gia đình cháu Tuyến, con trai trưởng của em, được sự chăm sóc chu đáo tuyệt vời của cô cháu dâu Tuyết-Mai và chị Lợi giúp việc; lại có thêm hai chắt ngoại là Bảo-Trâm và Thành luôn quấn quýt bên bà. Tôi đã đi xe trong mùa bão năm 2017 về thăm mẹ. Lúc đó mẹ đã không còn nhớ đứa con xa mẹ lâu nhất; nhưng sức khoẻ của mẹ vẫn ổn. 
Sau đó Ái-Hoa, em gái kề tôi cũng đã bay về bên mẹ được một tháng, rồi lại đi. 
Sáng sớm ngày 12 tháng 4, nàng và tôi chia tay nhau tại phi trường Phoenix. Nàng đi Philadelphia và sẽ cùng con gái bay qua Phi Châu như chương trình đã soạn; còn tôi về Sài Gòn. Lợi dụng được nghỉ thêm ba ngày, tôi bay ngay lên Đà Lạt thăm mẹ vợ mà tôi rất yêu mến gọi là Mẹ Đẹp (belle mère) vì biết một khi đã về với Mẹ Đẻ thì tôi sẽ không còn tâm hồn nghĩ về ai nữa. 
Đêm mưa Đà Lạt nằm trằn trọc một mình trong căn phòng cũ trên lầu, tôi gửi tin nhắn cho em gái: 
– Anh thức dậy từ 2 giờ sáng. Buồn quá; ngủ không được! 
Lập tức nhận được tin nhắn trả lời chung cho “Các Con Của Mẹ”: 
– Em cũng dậy vỗ lưng cho mẹ từ nãy giờ. Mới đây mẹ vừa lên cơn mệt; thở không nổi, miệng há hốc giống như muốn trăng trối hay nuối một ai đó. Phải đỡ ngồi dậy đấm lưng mới tạm ổn. Mỗi ngày 3-4 lần như thế. Bây giờ mẹ mới ngủ ngon. Toàn thân mẹ hư hao không sót chỗ nào. Nhìn mẹ mỗi ngày như thế em quá đau lòng! 
Anh tôi là bác sĩ; vì lý do sức khoẻ không về được cũng chỉ biết khóc “chứ biết làm sao bây giờ?” 
Hai đêm ở trong một biệt thự rộng lớn bao quanh bởi khu vườn đầy hoa và cây ăn trái chỉ có hai mẹ con tại Đà Lạt; tôi thật sự được sống trọn vẹn làm một đứa con của mẹ đẹp. Ngay buổi sáng đầu tiên, sau khi ăn “Bánh Mì Xíu Mại Chén” hai mẹ con đi ra Phương Trang mua vé xe; hôm ấy không có xe. Mẹ về lấy len sợi ra tiếp tục đan móc; tôi đánh bộ ra phố nhờ Dũng chở đến Ga Đà Lạt mua vé xe lửa. Sáng hôm sau tôi đi, mẹ gửi chiếc áo len tặng cháu Thái-Thanh để mai sau còn có kỷ niệm nhớ ngoại. 
Chiều ngày 16 tháng 4 tôi đi xe lửa về tới nhà. Mẹ cũng đã được đưa từ nhà cháu ngoại về nhà của mẹ từ tuần trước. Mẹ ngủ li bì, không lộ vẻ đau đớn, chỉ có hơi thở khó khăn. Em tôi đánh thức mẹ dây. Mẹ mở mắt nhìn tôi, đứa con được cho là giống ba nhất vui mừng gọi “Mẹ ơi, Vinh đây mẹ!” Nhưng đôi mắt mẹ mệt mỏi khép lại. 
Tôi tham gia ngay vào việc săn sóc giúp mẹ ăn uống, tắm rửa, uống thuốc, xoa bóp… Thức ăn có cháo cá hay cháo tôm xay nhuyễn, sữa Ensure, nước yến, nước cam vắt, nước dừa… toàn là những món ngon dễ nuốt. Trước đây một tháng mẹ còn tự hả miệng mỗi khi thấy thìa thức ăn, và còn tự nhai nuốt dù không còn răng. Bây giờ phải cần hai người; một người ngồi ôm mẹ, và một người cho ăn. Ăn và thở bằng miệng nên cho mẹ ăn cũng phải kiên nhẫn và dịu dàng như cho em bé ăn. Tôi ngồi ôm mẹ trong vòng tay, nở nụ cười héo hắt, véo môi đánh thức mẹ “Em bé ngoan! Hả miệng ra, ăn cho chóng lớn anh thương nhé?” 
Mỗi sáng sớm, bồng mẹ tắm rửa rất khó khăn mà xót xa đau lòng vì mẹ nặng như cục đá đúng như anh tôi đã nói ba cơ quan có thể gây ra nước ứ đọng là tim, thận, hay gan của mẹ đã bị trục trặc rồi! Chắc mẹ đau đớn lắm, nhưng không hề rên la! 
Em tôi đùa: 
– Hôm nọ có ông thầy coi tướng mẹ, rồi quả quyết bà cụ sẽ sống thêm ít nhất hai năm nữa. Tháng 8 em đi; anh thay phiên về chăm sóc mẹ nha? 
– Vậy anh phải về Mỹ sắp đặt lại. Cần phải tìm thêm một người làm nữa để phụ cô Lợi. Này cô Lợi, cô có thể tìm giúp một người có sức khoẻ phụ cô, được không? 
Lợi nói ngay: 
– Ông xã của con? 
Em tôi xua tay phản đối: 
– Vợ chồng mày mỗi tuần gặp nhau hai ngày làm tao đã chới với; còn bày đặt gặp nhau mỗi ngày, ai trông mẹ tao? 
Hai ngày cuối tuần, cô Lợi về nhà. Nghe bạn bè gọi điện rủ em gái họp bạn, tôi bảo “Em nên đi ra ngoài chơi với các bạn cho thư giãn một lúc; anh ở nhà trông mẹ được.” 
Nhờ cô y tá Hà mượn được cây đàn, tôi ngồi bên mẹ trong ngôi nhà vắng vẻ buồn hiu, chảy nước mắt hát đi hát lại bài “Mẹ Là”, thơ của Lê Trọng Nghĩa do Trịnh Hưng phổ nhạc: 
Mẹ là tất cả ý thơ 
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm 
Mẹ là bài hát thần tiên 
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha 
Mẹ là biển rộng bao la 
Mẹ là gió mát, mẹ là trăng thanh 
Mẹ là trái ngọt cây lành 
Mẹ là trái chín trên cành đợi con… 

Ngày Chúa Nhật 21 tháng 4, tôi đang tha thiết cầu nguyện xin Chúa Giê-su cứu vớt mẹ thì nhận được tin nhắn của Anh-Tiến, bạn học cũ từ Sài Gòn: 
– Gửi lời thăm đến gia đình bạn nhân ngày lễ Phục Sinh. 
Tôi vui mừng, trả lời ngay: 
– Trong cơn gian nan, một cái tin nhắn thân tình ngắn ngủi của bạn cũng đủ giúp tôi cảm thấy bình an. Bình an đối với tôi không phải dành cho người thiện tâm mà chỉ vì tôi ôm người mẹ thương yêu đang chết dần trong tay làm tâm hồn tôi đau đớn, và tôi tìm đến lời Chúa “Thầy để lại bình an cho các con” như một liều thuốc an ủi xoa dịu tâm hồn! 
Tôi lại nhận được tin nhắn của Kim-Quy từ Paris, cô bạn vui tính của trường Nữ Công Gia Chánh năm xưa: 
– Hôm nay bà cụ thế nào rồi anh? 
– Tôi không biết nói thế nào vì bà không mở mắt, không cử động, trừ cái miệng dùng để thở và uống sữa! 
– Quy đã nói với anh là thận hư sẽ làm cho hôn mê đến khi bà đi cũng sẽ không tỉnh lại đâu. Chờ ngày giờ tốt để đi thôi! 
Tôi từ chối, không tin mẹ sẽ bỏ các con. Mẹ còn chờ gặp anh Hai, em Bốn, và chú Út? Sáng nay, tôi bế mẹ ra ngoài tắm rửa. Tay mẹ vẫn tự nắm chân ghế thật chặt vì sợ té. Bên tai tôi văng vẳng lời thầy tướng “Bà cụ sẽ sống thêm ít nhất hai năm nữa.” 
Tôi gọi điện nhờ cô bạn là Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa giúp cho việc thông nước phù ứ trong người mẹ. Cô nói ngày nghỉ tìm người rất khó, nhưng sẽ cố gắng. Buổi trưa hôm đó, cô đến với bác sĩ Trưởng Khoa Hồi Sức Nội, Thạc sĩ Y khoa, Tu nghiệp tại Pháp, Chuyên khoa Nội tổng quát – Tim mạch… Ông không thông nước phù ứ, mà khuyên phải gia tăng thức ăn có chất đạm mỗi ngày ăn ít nhất 6 bát đầy, rồi ông cố đút ống dẫn thức ăn qua mũi vào dạ dày ba lần thất bại khiến mẹ đau đớn làm em tôi sợ hãi, xin ông đừng đút ống nữa! Ông bảo đổi sữa Ensure ra Abbott chỉ có bán ở tiệm ông chỉ định, và mua loại băng keo dán vết thương bị loét, vài loại thuốc linh tinh chỉ có bán ở phòng mạch của ông chiều nay, và khuyên nên mua nệm hơi chống loét cho mẹ nằm… Tiền công cho chuyến thăm bệnh quá rẻ, chỉ một triệu đồng. Trước khi đi, ông còn hỏi tôi ở Mỹ đã có thẻ xanh chưa làm tôi sửng sốt! 
Tôi nhất định không đến phòng mạch của ông lấy thuốc; nhưng em tôi sợ phụ lòng tốt của cô Giám đốc Phòng Khám Đa Khoa nên đề nghị cứ đi lấy thuốc, nhưng không dùng! 
Rất may có Hà, cô y tá của Phòng Khám Đa Khoa đến thay băng vết thương cho mẹ, đã tư vấn rất hợp ý chúng tôi “Hãy quên vị bác sĩ ấy!” 
Nhưng tôi đồng ý một đề nghị của bác sĩ ấy là phải mua một cái nệm hơi chống loét cho mẹ nằm. Sáng hôm sau, ngày 22 tháng 4 cháu Tuyến chở tôi đi tìm một cửa hàng vật tư y tế mua được một cái nệm hơi chống loét và một cái ghế ngồi tắm bằng kim loại vững chắc để thay thế cái ghế nhựa khoét lỗ mong manh. Lúc ra xe, điện thoại đang reo liên tục. Tôi bàng hoàng nghe giọng Tuyết-Mai hoảng hốt gọi chồng “Về gấp! Ngoại mất rồi!” 
Về nhà thấy khách quen, lạ ngồi đầy. Mẹ tôi hiếm khi được nằm ngửa ngủ say. Tôi ngậm ngùi vuốt mắt mẹ, hôn mẹ, và nói thầm lời vĩnh biệt: 
Mẹ ơi, mẹ đã sống một cuộc đời mà con cho là “oanh liệt” không thiếu một việc gì khó khăn mà mẹ không làm. Mẹ đã sống vượt quá ước mơ nên con đã dặn các em và con cháu không có gì phải than khóc buồn rầu…
Lúc này hàng chục người đang bàn thảo sôi nổi về tang lễ. Tôi là người trưởng tràng trong gia đình vì anh chị tôi không về được. Tôi chẳng biết gì nên giao hết cho cháu Tuyến là con trai trưởng của em tôi lo liệu. Tôi rút vào phòng riêng trên lầu một mình cầu nguyện bỏ cả ăn uống. Tôi muốn khi chết, tự chống gậy ra nghĩa trang cho đỡ nhức đầu! 
Khi màn đêm buông xuống, người thân quen và hàng xóm kéo đến càng lúc càng đông. Tiếng kèn ta và đàn cò của Ba Khởi, đàn Hạ Uy Di của Sáu Giáo, tiếng trống cơm của Long Bong nổi lên, vui như đám hát làm tôi tò mò xuống coi. Em tôi đang ca, chợt thấy tôi liền trao máy; sẵn máu văn nghệ, tôi hát luôn mấy bài. Cổng sắt đã được tháo ra. Đêm canh quan tài với những nhân vật như Sáu Dõ, Sáu Trị, Bảy Út, Tùng Bơ Vơ… uống rượu bia như uống nước lã, thức luôn tới sáng. Dịch vụ mai táng bao thầu hết. Muốn kèn tây có kèn tây. Ngoài “Thuận Kèn” thổi xaxophone riêng một ngày, còn có một đội kèn tây với 8 nhạc sĩ mặc đồng phục thổi xaxophone, trombone, French horn, đánh trống và hát các bản nhạc buồn Bolero làm đê mê tâm hồn các cô gái quê thích hát Karaoke. Ngoại trừ một ngày hai lần tụng kinh hiếu kính cúng cơm dâng mẹ do hai sư cô điều khiển theo nghi thức tang lễ Phật giáo hơi dài cộng với thời tiết nóng bức làm người tham dự mệt mỏi thì tang lễ ngày nay ở Việt Nam là một ngày vui (nếu không chết trẻ). Đặc biệt màn biểu diễn lễ di quan có Ông Địa, Bát Giái, Tề Thiên Đại Thánh… trổ tài làm cả xóm đổ xô ra coi chật cứng! 
Tôi nghĩ nếu mẹ tôi linh thiêng được chứng kiến trọn bốn ngày tang lễ có mặt con cháu, bà con, bạn bè thân quen gần xa, có rất nhiều vòng hoa đẹp chia buồn, và có cả tiếng trống tiếng kèn vui như Tết tiễn mẹ ra đi về miền tiên cảnh chắc hẳn mẹ rất vui lòng? 
Tôi cũng nghĩ đến một ngày nào đó già yếu không còn ai thương nữa, tôi sẽ quay về cố hương nhờ một cô mạnh khoẻ săn sóc làm bạn vui chơi cho đến lúc chết cũng vui vì chết không còn là việc riêng mà là việc chung của mọi người trong làng xóm và bà con. 
Cuối tháng 4 tôi trở về Mỹ một mình với nỗi buồn của đứa con vừa mất mẹ thì nhận được tin nhắn của Kim-Quy: 
– Chúc mừng anh trở về nhà an toàn. Mẹ anh thương anh quá hé? Bà cụ đi đúng lúc để cho anh lo xong mọi việc đâu đó rồi đúng ngày lên đường không phải trở đi trở lại. 
Tôi buồn rầu: 
– Chắc bà cụ nghe tôi nói chuyện với em gái nên bà quyết định ra đi trong lúc tôi còn 6 ngày nghỉ. Tôi đã đi mua nệm chống loét và ghế tắm rửa cho mẹ vì không ai muốn mẹ mình chết cho dù cô đã cảnh báo ngày đi của mẹ gần kề! 
– Anh đã làm đúng tất cả cho mẹ để không phải ân hận mỗi khi nghĩ lại. 
– Cô nói thế cho tôi đỡ buồn, chứ tôi nghĩ mẹ đã cố gắng suốt mấy năm chờ gặp lại tất cả các con của mẹ lần cuối mà đành nhắm mắt buông xuôi! 
Tôi viết vài dòng gửi chung với cái video tang lễ mẹ cho anh tôi “Anh ơi, bây giờ anh em mình đều trở thành những kẻ mồ côi cha lẫn mẹ; nhưng may mắn là anh và em đều còn một bà mẹ khác là Mẹ Đẹp (belle mère). Vậy hãy thương yêu và giữ gìn bà Mẹ Đẹp nhé?” 
Tôi ngã bệnh kéo dài hai tuần lễ, phải đi bác sĩ. Hôm nay ngày 12 tháng 5 là “Ngày Cho Mẹ” (Mother’s Day), tôi ra trước nhà chụp bức hình “Hoa trắng dâng lên Mẹ hiền” đăng trên Facebook. Ở tiệm, một vị khách cằn nhằn với tôi về giá tiền quá đắt của bó hoa hồng và tấm cạc “Happy Mother’s Day”. 
Tôi hỏi: 
– Anh có muốn để dành tiền tấm cạc không? 
Anh cười thích thú: 
– Làm thế nào? 
– Hãy ngồi với một cây bút và tờ giấy trắng, viết một kỷ niệm vui về mẹ. 
– Thế còn bó hoa hồng? 
– Tôi vừa mất mẹ, xin chúc mừng anh còn mẹ để tặng hoa! 
Mẹ ơi, năm xưa còn bé, một lần thấy đám tang trong xóm, con có điều ước dại khờ là mong một ngày được mặc áo trắng và chít khăn tang như mấy đứa bạn nhỏ mất người thân. Nay gần cuối đời, con thật sự được mặc áo trắng và chít khăn tang thì đã mất mẹ… Mẹ ơi!

Thấy mèo nhớ chó

Thấy Mèo nhớ Chó
Thái-Vinh tặng Má, người thương chó nhất đời
(Đã đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 1 năm 2011) 

Tôi không thích mèo! 
Nói xong tôi bỗng giật mình. Đàn ông nào lại không thích mèo; nhất là loại mèo biết lườm nguýt và nũng nịu duyên dáng lại biết sợ chuột nè? 
Còn loại mèo bốn chân biết bắt chuột, tôi cũng thích. Nhưng vì có duyên với chó; mà mèo với chó chọi nhau như nước với lửa nên cả đời tôi chưa bao giờ có mèo, và mỗi lần thấy mèo tôi lại nhớ chó. 
Tôi đã đọc đâu đó trong một cuốn truyện cổ tích Tây phương, thấy chuyện chó tìm đến ở với loài người rất tình cờ. Thoạt đầu, trên bước đường lang thang chó và mèo kết bạn sống chết với nhau; nhưng mèo lười biếng, thường giả bộ nhức đầu và ăn ít, cứ nằm nghỉ mệt, bắt chó vất vả lo tìm thức ăn nuôi mèo. Chó mệt chịu hết nổi phải chia tay. Ít lâu sau, chó gặp chồn. Thấy chồn nhanh nhẹn và lém lỉnh, chó bèn kết bạn; nhưng đến lúc tìm được thức ăn, chồn thường lẩn tránh, ăn lén một mình. Chó lại chán nản bỏ đi. Rồi một hôm gặp thỏ. Thấy thỏ siêng năng và thành thật, chó lại kết bạn; cả hai có vẻ tương đắc với nhau lắm. Nhưng tình bạn giữa chó và thỏ cũng không được bền lâu vì một hôm gặp thú dữ, chó liều chết chống cự; còn thỏ vừa thấy nguy đã co giò chạy trốn. Chó buồn bã bỏ đi lang thang một mình đến gốc cây kia thấy một người đi săn đang nằm ngủ, chó tò mò lại gần liếm tay muốn kết bạn. Người đi săn thức dậy, thấy con vật dễ thương bèn ve vuốt và chia thức ăn; rồi chó cũng bắt chước chạy theo người, săn đuổi và nhặt mồi suốt ngày hôm ấy. Người đi săn thấy vậy rất bằng lòng bèn đem chó về nhà. 
Tôi không thích cách giải thích tình cờ của Tây phương cho lắm vì tôi chịu ảnh hưởng của Má tôi về tình yêu thương thú vật của bà để mai sau lỡ xuống cõi âm được chó dắt chủ vững bước qua cầu Nại Hà vào phủ Luân Hồi đầu thai chuyển kiếp tránh sa vào địa ngục tăm tối, và cũng theo tinh thần Phật giáo qua thuyết luân hồi Má tôi cho kiếp trước chó là một con người vô nghĩa bất trung, nên kiếp nầy phải chịu quả báo làm kiếp chó trung thành để trả nợ. Vì vậy tất cả những con chó mà Má tôi nuôi hay chó đói và chó hoang tự tìm đến tị nạn, Má tôi đều thương yêu và săn sóc như những đứa con riêng của bà. Đến mùa động tình, chó chưa thiến dái rạo rực chạy rông suốt đêm. Má tôi đang ngủ chợt tỉnh dậy thấy mất con Tý Nô, bà vội vã cầm roi đi tìm. Thấy ở chỗ tối dưới gốc đa con Tý Nô đang cùng bạn gái chung đít nhe răng chống cự với một lũ chó đực khác đang tức giận sủa khan tiếng, bà bèn quất cho mỗi đứa một roi đuổi chạy tan tác và kéo Tý Nô phải bỏ cuộc vui đem về bắt ngủ dưới đít giường khiến nó bực mình rên rỉ làm cả nhà đều mất ngủ. Chúng tôi bênh Tý Nô, thì bị Má rầy là nó còn nhỏ mà biết chơi bời sớm sẽ bị mất sức! Ba tôi nghe vậy biết bị nói xỏ xiên nên bực mình đứng dậy bỏ đi. Vì vậy tuổi về già mà hai ông bà vẫn thường hục hặc. 
Má tôi cậy có con cháu ở nước ngoài, nên đặt tên con chó cưng của bà là Tý Nô đọc ngược lại là Tony để lấy le với các bà hàng xóm; chứ hồi xưa, những con chó của Má tôi đều mang những cái tên rất tầm thường đặt theo màu lông như chó Mực, chó Vàng, hay chó Mốc… Con chó Vàng của Má tôi là một con chó đẹp chiến nhất xóm; nhưng vì chuyện tình ái không biết mệt của nó đã làm cả xóm mất ngủ triền miên. Nhân lúc Má tôi đi buôn xa, Ba tôi và chú Bảy Phụng bèn bắt thiến đi. Nó đau đớn bỏ nhà chạy lên núi trốn mấy ngày; ít hôm sau trở về biến thành một con chó mất hồn. Khi chúng tôi dọn về nhà mới, bắt nó bịt mắt bỏ theo xe. Về nhà mới, ở được ít hôm nó tự tìm đường về lại nhà cũ và chết già ở đó mấy năm sau. 
Còn con chó Mốc, ban đầu là chó của ông Xã Quyền hàng xóm nuôi để ăn cứt con gái mới đẻ của chị Bốn Hạnh. Nó chán ăn món cũ nên thường lén chun rào qua ăn cơm ké với con chó Vàng. Thấy nó có khiếu cắn mổ, anh tôi tập nó thành chó săn; nhưng vì cái đuôi của nó quá dài, lúc chạy cứ dựng đứng phất phơ làm chồn nhím vừa thấy lá cờ của nó đã chạy trốn hết. Anh tôi bực quá, bèn dụ cho nó ăn bên nầy hàng rào, để anh Ba Khương đứng bên kia chặt đứt đuôi! Từ ngày rụng đuôi, con chó Mốc điếng hồn đành trở về nhà cũ! 
Tôi không bao giờ dám nghĩ tới chuyện nuôi một con chó vì hình ảnh con chó Vàng bị thiến mất hai hòn bi mất đi niềm vui duy nhất của giống đực, hay cái đuôi chưa đứt hẳn của con chó Mốc dính lủng lẳng mấy ngày làm tôi rợn da gà nhiều năm. Cho đến năm đầu tiên thấm thía mùa đông lạnh lẽo ở Mỹ, bà Corkey là người bảo trợ đến thăm thấy tôi cô đơn buồn bã mới có ý muốn tìm cho tôi một món quà Giáng Sinh đặc biệt. Nhìn Dawn bằng đôi mắt trìu mến, tôi nói lí nhí muốn có một người bạn gái; nhưng bà cố tình nghe nhầm, mua tặng tôi một con chó Labrador lông vàng óng như tóc của Dawn, con gái cưng bà. 
Tôi muốn đặt tên con chó của tôi là Dawn, nhưng lại sợ mẹ của Dawn buồn, tôi bèn gọi nó là Jingle Bells (một ca khúc Giáng Sinh). Tôi thương con Jingle Bells của tôi lắm. Ban đêm khi tôi đi làm thì Jingle Bells ngồi đợi khóc trong cửa. Gần sáng tôi về ôm lau nước mắt, đánh răng, rồi bồng Jingle Bells lên giường ngủ. Dạo ấy, tôi còn ở chung với hai người bạn Việt. Họ rất khó chịu cái kiểu nuôi chó Mỹ của tôi, nên rất ác cảm với Jingle Bells. Một ngày kia Jingle Bells bị đau; bà Corkey đem nó đi bác sĩ. Lúc nào tôi gọi thăm, Dawn đều bảo Jingle Bells chưa được khỏe. Cuối cùng hai mẹ con bà đến xin lỗi vì biết tôi không thể nuôi được Jingle Bells nên đã tìm cho nó một người chủ mới. Nghe qua tôi vùng oà khóc bỏ chạy lên lầu làm một bài thơ thả xuống. Tôi giận bà Corkey thì ít, mà hờn cô con gái của bà nói dối tôi nhiều lắm. Tôi thề không bao giờ nuôi chó nữa! Bẵng đi một năm, trong lúc nghỉ tay đánh bóng chuyền do các bạn trẻ nhà thờ tổ chức, tôi lấy sáo tre thổi vài bài giúp vui. Bỗng một con chó to lông vàng óng ở đâu vùng chạy đến nhảy chồm lên người. Jingle Bells đã nhận ra chủ cũ. Cả hai mừng ôm nhau khóc! 
Sau nầy đã lập gia đình và nhà có vườn rộng rãi ở tiểu bang Virginia, tôi vẫn giữ lời thề không nuôi chó; vả lại nhà hàng xóm đã có con Fritz mỗi chiều ngồi chờ bên rào để được bồng qua cho ăn ngon và đùa giỡn với các con tôi, hay mỗi khi ông Bill và bà Ruth hàng xóm đi hè, Fritz rất sung sướng được ở bên nầy và được dẫn đi chơi suốt ngày. Tôi thật sự không cần nuôi chó nữa. 
Nhưng rồi cuộc đời lại đưa đẩy gia đình tôi trôi giạt đến Nouvelle Calédonie, một hòn đảo nhỏ đầy bóng dừa thơ mộng giữa biển nam Thái Bình Dương. Thấy tôi buồn, nhân có người muốn cho con thỏ, nàng xin đem về tặng tôi. Tôi đặt tên nó là Peter. Peter thường chận đường cắn chân tay hai đứa con tôi, và thích trốn ỉa trong nhà. Biết cả nhà thích nuôi chó hơn, nàng lại chọn một con chó đen mới sinh đem về thả cho Peter làm bạn. Tôi đặt tên nó là Uncle Sam gọi tắt là Sam (chú Sam là cách gọi đùa cợt đối với chính phủ Mỹ). Sam thuộc loại Lulu Calédonien nhỏ xíu nhưng rất thông minh. Peter tưởng Sam đồng loại nên thường đè Sam ra làm bậy. Sam đâu đã biết gì, thấy Peter đùa nhột nên càng khoái chí nằm cười, khiến ngày nào tôi cũng phải đem Sam kỳ cọ tắm rửa. Nếu xách roi đuổi, thì Peter vừa chạy vừa vãi phân ra làm Sam tưởng kẹo chạy theo lượm ăn. Cuối cùng chúng tôi phải đành đem Peter cho người khác! Vài tháng sau đưa Sam ra thăm nông trại, thấy Peter co ro nằm chuồng trên, bên dưới là một con thỏ cái to gấp năm lần Peter lúc nào cũng chờ cắn mổ anh chồng nhí Peter; chúng tôi đành gạt nước mắt chia tay và không bao giờ trở lại gặp Peter nữa! 
Sam là con chó rất đặc biệt của tôi. Nó hiểu biết rất nhiều từ tiếng Anh, tiếng Việt. Sam lại biết cạy cửa buồng ngủ đánh thức mẹ dậy mỗi sáng và biết ngồi đợi mỗi chiều ba đi làm về mừng. Chúng tôi cưng Sam như một đứa con. Những lần viết thư về thăm nhà, tôi thường kể nhiều chuyện về Sam, làm cả nhà tưởng chúng tôi có thêm em bé. Ngoại trừ những lần đi du lịch nước ngoài, đành phải gửi Sam ở nhà Ngoại để bạn Sam là Simber đùa giỡn cắn kéo đuôi; còn đi đâu quanh quẩn trong hòn đảo nhỏ thơ mộng nầy chúng tôi đều mang Sam theo. Có lần thả mẹ con nàng ở hồ tắm, lúc mở cửa xe, Sam tự nhảy ra chơi ngoài bãi cỏ; chừng về gần đến nhà, thấy Sam không ngồi ở ghế trước như thường lệ, tôi hết hồn vội vàng vòng xe trở lại hồ tắm thì thấy Sam đang ngồi chờ ở ngay chỗ cũ! 
Sam đang ăn mà nghe tôi bảo: “Sam, đi bộ một tí tí?” Sam chạy đi bộ liền. Tôi bảo cắn, thì Sam cắn. Bảo sủa, thì Sam sủa. Bồng hát những câu ca dao vớ vẩn thì Sam ngủ ngay. Sam rất ghét mèo và nhất là ghét người đen bản xứ mặc dù Sam là con chó đen như mực! Trừ một năm hai bận, Sam lên cơn ngớ ngẩn thẫn thờ của kẻ thất tình ra ngồi sau hè mơ gái bỏ ăn ba bốn ngày, Sam thật sự là một đứa con ngoan của chúng tôi. Tôi tự nhủ một ngày kia, nếu bỏ Nouvelle Calédonie về lại Mỹ, tôi phải mang Sam theo. Đó là điều bận tâm của tôi. Nhưng định mệnh tàn nhẫn, Sam bị xe tông chết đã xóa bỏ mối bận tâm của tôi; nhưng làm tôi buồn bã suốt đời! 
Một buổi chiều cuối năm, tiếng pháo nổ đâu đó làm một con chó Berger Belge sợ hãi chạy lạc đến trước nhà. Thấy chó mất chủ, đói khát tội nghiệp, nàng ném cho cục xương. Sam bực mình sủa đuổi đi, nhưng con Berger nhìn tôi bằng đôi mắt van lơn, và hình như trong thâm tâm nó đã quyết định tự chọn một người chủ mới rồi! Ba ngày sau, tôi đặt cho nó một cái tên mới, SCOOBY DOO, gọi tắt là Cú Bi. Cú Bi rất bằng lòng với vườn mới, chủ mới, và anh chị mới cho dù thằng em Sam nhất định chận cắn không cho bước chân vào nhà một thời gian dài! 
Nếu con người sang trọng do ở sự ăn xài, thì từ ngày Cú Bi đến ở, quả thật chúng tôi đã trở nên sang trọng. Vì Sam nhỏ con ăn uống như mèo quào; nhưng Cú Bi mỗi ngày phải xực một lon thức ăn to từ hai đô la trở lên! Vậy mà bạn bè đến chơi, cứ xuýt xoa khen tặng: 
Mèo đến nhà thì khó 
Chó đến nhà thì sang

Cú Bi đến ở ít lâu bèn ra sức đuổi cắn hết các con chó đực khác ra khỏi xóm. Tuy không to khoẻ lắm, nhưng Cú Bi có đủ ba đức tính tán gái là: 
Liều mạng, đa tình, và lịch sự
Cú Bi được các em gái trong xóm khoái nhất! Đến mùa yêu, nó bỏ ăn, rán sức phi thân qua hàng rào nhà bạn gái nằm úm em cùng thích thú ngắm mưa rơi và nhìn lũ chó đực gầm gừ tức tối sủa ầm ĩ! Cú Bi chỉ khoái nằm ôm em hun hít và liếm láp tí đỉnh thôi, còn đứng dậy tính chuyện kiểu nầy kiểu kia chỉ làm em nhột chạy đi chỗ khác để Cú Bi nhịp khum lưng đánh vãi vào không khí một mình! 
Vì không làm ăn gì được với các cô bạn nhỏ xíu, Cú Bi bỏ nhà đi lang thang khắp các khu phố ở thủ đô Nouméa tìm bạn xứng đôi vừa lứa để biết bao cô bạn nhỏ hàng xóm đau khổ khóc thầm! Mỗi lần đi Cú Bi như một chiến sĩ ra trận, lúc trở về bị thương tích đầy mình; còn nếu không thấy mặt Cú Bi chừng vài ba ngày, thì chúng tôi phải lo ra Fourrière đóng phạt năm mươi đô la để đón về. Bực quá, tôi đem Cú Bi thả vào vườn nhà em nàng giao cho việc làm chó giữ nhà; nhưng chỉ được một buổi, Cú Bi đã trổ tài phi thân vọt rào trở về nhà bố mẹ! 
Từ ngày Sam mất đi, Cú Bi trở thành đứa con trọn vẹn của tôi. Cú Bi ăn cơm và đồ chiên xào, không thích thực phẩm đóng hộp; có khi bị bố ép buộc khăn cổ đút ăn đồ hộp như con nít! Mỗi sáng đúng năm giờ, Cú Bi đánh thức bố dậy cùng đi bộ một vòng lớn quanh xóm; rồi chịu buộc dây suốt ngày quanh quẩn trong vườn. Chiều bố đi làm về thả ra, Cú Bi liền chạy vào nhà nằm trông tiệm sách. Khách đến Cú Bi ra tận cổng đón chào. Đặc biệt dù đang ngủ trong nhà hay phơi nắng ở tận sau vườn, chỉ nghe tiếng guốc quen thuộc của cô đầm rất trẻ đẹp đi ngang qua nhà, Cú Bi vội vàng chạy ra hôn tay rồi đi theo cô đầm đến tận sở làm. Phần thưởng cô đầm tặng cho chàng là một bát nước lã; uống xong chàng vệ sĩ đa tình lại lủi thủi về nhà nằm chờ buổi chiều tan sở cô đầm trở về ngang qua nhà, chàng vệ sĩ đa tình lại chạy ra hôn tay và đưa về tận nhà! 
Tôi đã đắp mộ Sam dưới gốc dừa sau nhà và khóc nhiều ngày. Trong vài tháng nữa tôi lại giã từ Tân Đảo về Mỹ. Nàng và các con còn ở thêm một thời gian, nhưng sau đó Cú Bi sẽ lại mất chủ! Chó mất chủ như người mất mẹ! Tôi không dám nghĩ tới ngày buồn đó! 
Hôm cầm tấm vé máy bay biết ngày đi gần kề, bỗng thấy Cú Bi đi hoang như thường lệ trở về. Lần nầy không có thương tích gì cả, nhưng toàn thân Cú Bi rực một mầu vàng như nghệ! 
Buổi chiều đến nhà thương thăm. Vừa thấy tôi, Cú Bi khóc rống lên đòi về. Tôi ôm Cú Bi vào lòng an ủi, “Bác sĩ bảo con phải ở lại vài ba ngày uống thuốc cho khỏe hẳn, rồi bố sẽ đến đón con về nhé!” 
Đêm hôm sau, trong lúc gia đình cậu mợ Trường đãi tôi bữa cơm chia tay, có điện thoại gọi báo tin Cú Bi đã mất! Tôi bàng hoàng buông rơi đũa ăn, nghẹn ngào nước mắt! 
Tôi đã đi nhiều nơi, và tôi đã gặp nhiều người; càng gặp nhiều người, tôi càng yêu những con chó của tôi hơn! 
(Kỷ niệm 10 năm ở Tân Đảo Nouvelle Calédonie)

Nhạc sĩ Trịnh Hưng

Nhạc sĩ Trịnh-Hưng
Thái-Vinh mến tặng các bạn hát nhạc trong chương trình nhạc chủ đề Trăng Soi Duyên Lành
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng Tư, năm 2007)

Một hôm tôi đưa anh Cả và anh Hai vào một quán ăn ở Milpitas. Thấy cặp trung niên ở bàn bên cạnh cứ lén nghe chúng tôi nói chuyện văn nghệ, tôi ngó qua gật đầu chào. Người phụ nữ ấy lấy hết can đảm bước sang, ngập ngừng:
– Xin lỗi, anh là nghệ sĩ Thành-Được?
Sẵn máu tếu trong người, tôi đáp bừa:
– Sao chị lại nhận ra tôi?
– Tôi thấy hình anh trong tờ quảng cáo “Nghệ sĩ Thành-Được 50 năm giã từ sân khấu”.
– Ồ!
– Trông anh trẻ chừng 50 tuổi mà làm gì đã vội giã từ sân khấu?
– Chị xem hai ông anh của tôi đây. Anh Cả 83 và anh Hai 76 tuổi, cả hai đã giã từ sân khấu từ hơn ba chục năm rồi!
– Nhưng mấy ổng có nổi danh như anh không?
– Sao lại không! Thế chị không nhận ra anh Lao Mộng Bể đây à?
– Dạ không!
– Thế chị có biết bài hát nầy không?
Cung đàn nào thương bằng tiếng ve sầu
Buồn nào hơn khi lứa đôi lìa nhau
Hè ơi mỗi năm ghi thêm lần nhớ
Có ai lỡ duyên ban đầu
Thông cảm được nỗi niềm đau…

– Đó là bài “Mùa Ve Sầu” của Lê Mộng Bảo mà!
– Thì Lao Mộng Bể là Lê Mộng Bảo đó. Tác giả nhạc phẩm “Phận Nghèo” trên Thúy-Nga By Night 52:
Nếu biết bây giờ phận tôi nghèo
Hỏi rằng người ấy có còn yêu
Có còn hẹn áo trắng vu quy
Có còn vui nhắc câu thề
Còn thắm thiết hay biệt ly?

– Thế còn ông kia?
– Anh Hai đây là nhạc sĩ Trịnh-Hưng.
– Trịnh-Hưng là ai?
– Thế chị không biết bài hát nầy à?
Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…
Chị vui vẻ hát theo:
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá
Bờ dâu xanh cô gái hát êm êm
Tầm mai chín gửi anh thăm mẹ hiền
Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên…

Hát xong, người ấy nói:
– Ba anh cứ tự nhiên ăn uống. Tôi xin được trả tiền ăn các anh hôm nay.
Anh Cả và anh Hai quên ăn, cứ ngẩn ngơ ngó người phụ nữ đó vội vã bước đi; còn tôi khoái chí vì nhờ nói chuyện văn nghệ với hai anh mà có người đã nhận lầm mình là nghệ sĩ Thành Được nổi danh!
Ngày còn nhỏ, tôi đã mê tính nghệ sĩ của anh Sáu giặt ủi bên cạnh nhà. Anh Sáu có bộ mặt không mấy đẹp trai, vì mụn cơm mụn nếp mọc bừa bãi đầy mặt. Tuy thế, nhờ tài đàn địch, nên anh có lắm cô trong xóm để bụng thương thầm. Vào những đêm trăng sáng, anh thường ôm đàn ngồi trước sân hát những bài rất tình tứ, như “Em Tôi” của Lê Trạch-Lựu hay “Cô Láng Giềng” của Hoàng-Quý khiến tôi nghe riết cũng thuộc lòng. Một hôm tôi lén ôm đàn Ghi-ta của anh, hát “Cô Láng Giềng ơi…” bị anh Sáu bắt gặp, anh cười bảo:
– Mày chưa trổ mã, giọng chưa bể, hát mấy bài nầy chưa được!
Rồi anh lôi ra cây đàn Măng-đô-lin và bản nhạc “Tôi Yêu” của Trịnh-Hưng bắt đầu dạy tôi học. Đó là giai đoạn thanh bình của miền Nam từ năm 1954-1960. Tôi bắt đầu vò vẽ học đàn với mục đích chờ ngày trổ mã, có giọng ấm, và hát được những bài hát lãng mạn cho thật nhuyễn như anh Sáu để tán gái!
Anh Sáu là thầy dạy đàn; nhưng lời và nhạc của nhạc sĩ Trịnh-Hưng mới thật sự là người thầy đã mở cửa tâm hồn ngây thơ của tôi về mối tình yêu đầu đời là tình yêu quê hương. Dầu sau nầy lớn lên, quê hương đã chìm vào khói lửa chiến tranh, tôi không còn thấy nhạc của Trịnh-Hưng xuất hiện nữa; nhưng vào những buổi văn nghệ Tết, hay đêm liên hoan, lửa trại…tôi vẫn thường cầm đàn hay vỗ tay hát lại những bài hát đậm tình yêu quê hương của nhạc sĩ Trịnh-Hưng, như “Tôi Yêu” với những câu:
Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bến đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng đẹp xinh
Và yêu những thảm đồng xanh, đẹp tươi trong buổi bình minh…

thì tôi tưởng không còn câu hát nào hay và rung động hơn những lời nầy nữa!
Trong những ngày lưu lạc bên Âu-châu vào đầu năm 1992, tình cờ đọc một tờ báo liên lạc của Hội Công Giáo Việt-Nam tại Lyon, tôi mừng rỡ khi biết ông đang ở cùng một thành phố. Lúc tìm gặp ông ở trong một chung cư dành cho người nghèo, tôi vô cùng ngạc nhiên: “Trịnh-Hưng đấy ư?”
Đó là một ông già, ốm yếu, nhỏ người, đang cầm bình nước sôi pha trà. Thấy tôi ngập ngừng muốn thụt lui, ông đưa tay vẫy:
– Vào đây! Anh em, chứ không chú bác gì cả!
Kể từ đó, anh với tôi luôn luôn đi chung với nhau. Khi thì ngồi quán ở La Pardieu, khi leo xe buýt sang tận Bellecour dưới bầu trời gió lạnh tìm gặp em gái của ca sĩ Tâm-Đoan, những lần gây quỹ cho chùa Thiện-Minh, nhà Công Giáo Việt-Nam, và những đêm văn nghệ cháo gà ở nhà bác sĩ kiêm thi sĩ Phạm Thị Nga với linh mục kiêm nhạc sĩ Trần Ngọc-Hải, tác giả những bài hát nổi danh vào năm 1960 như “Những Buổi Chiều Xưa” và “Đàn Lòng Xa Cách”. Anh đã thay đổi rất nhiều vì mấy năm sống lẻ loi một mình. Bây giờ có bạn, anh lại vui vẻ, thích kể chuyện tếu. Cứ vài ba ngày, anh lại đưa tặng tôi một bài thơ, hay một bài hát. Anh là người biết nhiều vì bước chân anh đã từng đi ngang dọc hết ba miền của đất nước. Tuy không ở trong giới văn nghệ, nhưng nghe anh kể, tôi cũng biết đại khái sống đời nghệ sĩ rất buồn rầu.Từ dạo năm 1960, anh không còn sáng tác nữa, nhưng vẫn dạy nhạc và dạy hát, hay viết nhạc bán lại cho các nhạc sĩ khác để kiếm sống. Học trò học nhạc của anh có Phạm Thế Mỹ, tác giả các ca khúc nổi tiếng như “Đường Về Hai Thôn”, “Những Ngày Xưa Thân Ái”, hay “Trăng Tàn Trên Hè Phố”; và Đỗ Lễ với nhạc phẩm bất hủ “Sang Ngang”. Về hát có ca sĩ Ánh-Tuyết, Thanh-Thuý…
Nhưng rồi những ngày vui có tôi ở bên anh cũng qua đi. Tôi lại trôi dạt về một hòn đảo xa xăm, New Caledonia, nằm tận ở biển Nam Thái Bình-Dương. Anh và tôi chỉ còn gặp nhau qua những cánh thư. Sau gần mười năm ở Tân Đảo, tôi lại lò dò trở về Hoa-Kỳ báo tin cho anh biết và mong có ngày gặp lại anh bên nầy. Tôi chỉ nói thế để tạo cho anh có niềm vui sống thôi; chứ làm gì anh có khả năng mò sang tận bên nầy gặp nhau. Nhất là bây giờ đôi chân gầy yếu của anh lại phải kèm theo một cái chân thứ ba bằng gỗ! Thế mà, đùng một cái, anh gọi điện thoại báo tin sẽ đến phi trường San Francisco! Tôi trách anh sao dám đi ngang xương như thế, nhưng cũng thầm phục một tâm hồn mạnh mẽ trong thân xác rất yếu đuối của anh. Nghe anh nói câu nầy, thì tôi không còn biết trách anh thế nào được nữa:
– Cậu có biết một bài thơ của Nguyễn Thị Vinh mà tôi phổ nhạc có câu nầy không?
Ngày còn nhỏ thích xa nhà
Đi đâu cũng được miễn là được đi
Lang thang mây chẳng định kỳ
Có chân không bước ích gì chân ơi!

Bây giờ nhạc sĩ Trịnh-Hưng đang ở cùng một thành phố với tôi như hồi mười hai năm về trước. Liên tiếp mấy hôm họp bạn, chúng tôi lại hát những bài hát xưa của anh, tự dưng ai nấy cũng cảm thấy quê hương thật gần; nhưng tôi dám chắc rằng bây giờ ngay cả ở chính ngay trên mảnh đất thân yêu quê hương làm gì còn có cảnh đẹp như nhạc sĩ Trịnh-Hưng đã từng xuất thần vẽ ra một cảnh đẹp như tranh trong bài “Lúa Mùa Duyên Thắm” thế nầy nữa:
Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày vơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn em mừng hát vui vì lúa lên màu tươi
Hạt lúa thơm vì thấm bao mồ hôi
Và sớm hôm ra sức ta cày xới…

Hay “Trăng Soi Duyên Lành” với cảnh sông nước nên thơ:
Em là cô gái Đồng-Nai
Duyên về cho thắm lòng ai?
Mai mùa tươi tốt lên thành hai
Về thăm người em gái ngắm trăng soi dòng sông dài…

Có bạn chỉ mới nghe bài hát, nhưng chưa biết nhạc sĩ Trịnh-Hưng đã hỏi tôi:
– Ông ấy người miền Nam, phải không anh?
– Không, ông là nhạc sĩ gốc Bắc di cư từ năm 1954.
Trừ những bài hát đầu tay đã tuyệt bản như “Nhớ Về Hà Nội”, hay “Mùa Hoa Sim Nở” ngay cả chính ông cũng không còn nhớ. Chỉ có nhạc phẩm “Tôi Yêu” với “Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng quê” là còn mang hình ảnh làng quê đất Bắc; các nhạc phẩm nổi danh sau nầy đều là cảnh đẹp miền Nam, như:
“Lối Về Xóm Nhỏ”, “Lúa Mùa Duyên Thắm”, “Trăng Soi Duyên Lành”, “Tình Thắm Duyên Quê”, “Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa”, “Tiếng Ca Dân Lành”, và “Lúa Về Đêm Trăng”.
Tái định cư ở Pháp từ năm 1990, ông cũng không thể nào quên được mối tình đầu là tình yêu quê hương, nên ông lại tìm và phổ nhạc các bài thơ hay, như “Đất Đẹp Miền Nam” thơ của Hoàng Trùng-Dương:
Miền Nam rợp bóng dừa xanh
Sông ngòi uốn khúc chảy quanh xóm làng
Miền Nam có Cửu Long Giang
Sông Tiền Sông Hậu nhuốm vàng phù sa
Ươm cho cây lúa mượt mà
Vườn cam vườn mận nở hoa trĩu cành…

Như “Nhớ Quê” thơ của Nguyễn Văn Cường:
Ra đi nhớ lắm mái chùa
Nhớ dòng sông, nhớ hàng dừa ven mương
Nhớ chiều nắng tắt trên mương
Nhớ khuya sương đẫm mùi hương lúa vàng…

Hay tuy là nhớ Mẹ, nhưng cũng tràn đầy hình ảnh nhớ quê-hương trong bài hát “Mẹ Là” phổ thơ của Lê Trọng-Nghĩa:
Mẹ là tất cả ý thơ
Mẹ là muôn triệu giấc mơ êm đềm
Mẹ là liều thuốc thần tiên
Mẹ là giọng nói dịu hiền thiết tha
Mẹ là biển rộng bao la
Mẹ là gió mát
Mẹ là trăng thanh
Mẹ là trái ngọt cây lành
Mẹ là trái chín trên cành đợi con…

Lời thơ thật thà đầy ắp hình ảnh thân quen; dòng nhạc lại vui tươi nên các nhạc phẩm của Trịnh-Hưng rất dễ nhớ và dễ hát. Anh xứng đáng là vua của loại nhạc Mambo Bolero rất hiếm hoi trong rừng âm nhạc Viêt-Nam.
Từ khi lưu vong sống cô đơn nơi xứ người, lời nhạc của anh phản ảnh tâm sự buồn bã của đời anh như trong bài hát “Tìm Quên”:
Thôi tình lỡ rồi
Mà hình bóng người còn như ôm mãi trong lòng tôi
Duyên tình lỡ làng
Đành nhờ tiếng đàn tìm trong quên lãng theo thời gian
Đàn tôi đã đứt dây tơ rồi
Mình tôi cam sống trong lẻ loi
Ai làm cho đôi lứa đôi nơi
Cho lòng ta đau xót khôn nguôi
Mong thời gian xóa đi hận đời…

Hay trong nhạc phẩm “Chỉ Yêu Cuộc Tình” phổ thơ của Đỗ Bình:
Thuở yêu em mộng mị
Ta ướp sợi tóc dài
Vào trang thơ nhật ký
Đêm về mơ bóng ai
Gió khuya người có lạnh
Sao hồn ta chơi vơi
Hay em là hư ảnh
Tội bài thơ không lời?

Đây là hai nhạc phẩm, một theo điệu Tango rất lôi cuốn và một theo điệu Boston buồn bã, mà tôi cho là hai tuyệt phẩm ở hải ngoại của anh. Tiếc thay, chưa được các ca sĩ nổi tiếng biết đến!
Ngoài ra, trong tập nhạc “Những Tình Khúc Dân Ca Quê Hương Vượt Thời Gian” của Trịnh-Hưng, còn có ba bài hát ca ngợi tình yêu đối với Thiên-Chúa. Tôi nghĩ chính bản thân anh đã chịu đựng quá nhiều đau khổ khi con trai bị công an tra tấn chết, anh làm nhạc phản động chống Cộng Sản, rồi bị tù đày liên tiếp tám năm; nên một người ngoại đạo như anh phải tìm nguồn an ủi nơi đấng thiêng liêng là một điều dĩ nhiên.
Trịnh-Hưng lại còn là một thi sĩ với những vần thơ ray rứt tân kỳ ít người biết đến. Sở dĩ anh có được sổ chiếu khán đi Mỹ cũng là do anh có nhiều thơ văn đăng trong hội thơ tài tử ở Hoa-Kỳ. Lần đầu tiên anh đưa tôi xem bài thơ “Xin Cảm Ơn Em Người Vợ Hiền”. Mới đọc vài câu, tôi đã thấy xúc động quá:
Xin cảm ơn em, cảm ơn đời
Cảm ơn người vợ của tôi ơi
Em là tiên nữ trời sai xuống
Trả nợ cho anh trả nợ đời
Từ dạo ấy
Em trở về vùng biển mặn
Vung đôi tay níu chặt cuộc sống còn
Anh đi trả nợ nước non
Em về lặn lội nuôi con thế chồng
Chừ đây!
Tóc em không còn đen như dạo nào bên thôn Vĩ
Mắt em không còn xanh như dòng Hương Giang thuở nọ
Nhưng lòng em đẹp lắm
Đẹp như bóng trăng rằm
Tươi như hoa thắm
Mát dịu như gió đầu thu
Là muôn ngàn tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Là Tiên Đào
của hai chàng Nguyễn Lưu thuở trước
Là Ô Thước
nhịp cầu tình của Chức Nữ Ngưu Lang
Bá Nha có một tiếng đàn
Trương Lương tiếng sáo, còn nàng là thơ
Nàng là thơ mà ta đang hát
Nàng là nhạc mà ta đang ca
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Lưng còng một gánh tuổi già theo sau
Thấy người, mình luống thương đau
Nhìn mình, mình thấy thân sầu héo khô
Em ơi, vạn nẻo sông hồ
Mười ba năm biệt bây giờ là đây
Tiếc thương một tấm thân gầy
Kiếm buông hoen rỉ ra ta vuốt hờn
Gió từng cơn, gió từng cơn
Lá rừng, rừng lá hoàng hôn gợi sầu
Xa vời thế sự bể dâu
Tháng năm điểm bạc mái đầu phù cương

Và đây là bài thơ “Một Mình” rất độc đáo. Hy vọng anh Trịnh-Hưng nhờ qua mấy vần thơ nầy sẽ tìm được vài tâm hồn đồng điệu an ủi:
Một mình uống, một mình ăn
Một mình một chiếu, một chăn một giường
Một mình nhớ, một mình thương
Một mình thao thức đêm trường năm canh
Một mình tỉa lá uốn cành
Một mình mình viết, một mình mình xem
Một mình ngồi dưới ánh đèn
Viết đi sửa lại để xem một mình
Một mình ôn chuyện tâm tình
Một mình ca khúc, một mình mình nghe
Một mình oi bức trưa hè
Một mình nghe rõ tiếng ve kêu sầu
Một mình nhìn trước ngó sau
Một mình vô thức giữa lầu lặng yên
Một mình “Thiền” để dễ quên
Một mình quán tưởng sáng lên diệu kỳ
Một mình lắm lúc ngồi ì
Hai mình có phải diệu kỳ hơn không?

Khúc hát nàng Solvejg

Khúc hát nàng Solvejg
Norwegian Composer: Edvard Grieg (June 15, 1843 – Sept 4, 1907)
Artist: Thu-Giang

Mùa Đông dù trôi qua
Mang bóng dáng Đông qua Xuân về
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.

Dù cho bao năm tháng
Mang chiếc bóng cô đơn bên mình
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.

Ngàn trùng dù có cách xa,
Em vẫn chờ dù đến bao giờ,
Lòng em luôn luôn hằng nhớ.

Tình này em xin hiến dâng,
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Tình em bên anh không phai.

Hơ..hơ…hơ

Dù cho bao năm tháng
Mang chiếc bóng cô đơn bên mình
Và nỗi nhớ anh đi chưa về.

Dù cho ở nơi ấy
Anh vẫn sống yên vui thanh bình
Và những giấc mơ em bên mình.

Trọn đời em xin hiến dâng
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Lòng em luôn luôn hằng nhớ.

Tình này em xin hiến dâng,
Có bao giờ nhạt phai trong lòng
Tình em bên anh không phai.
Hơ…hớ…hơ…

The winter may pass and the spring disappear
The spring disappear
The summer too will vanish and then the year
And then the year
But this I know for certain: you’ll come back again
You’ll come back again
And even as I promised you’ll find me waiting then
You’ll find me waiting then

Oh-oh-oh ….

God help you when wand’ring your way all alone
Your way all alone
God grant to you his strength as you’ll kneel at his throne
As you’ll kneel at his throne
If you are in heaven now waiting for me
In heaven for me
And we shall meet again love and never parted be
And never parted be!

Oh-oh-oh ….

Ngày 30 tháng 4

Ngày 30 tháng 4 

Thái-Vinh 

30 tháng 4 năm nay đánh dấu ngày Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ đúng 43 năm. Ngày này đối với người Việt Nam tị nạn Cộng Sản trên khắp thế giới không bao giờ có tên gọi thống nhất, nào là: 
Ngày Mất Nước 
Ngày Quốc Hận 
Ngày Tưởng Niệm 30 Tháng 4 
Ngày Ba Mươi Thứ Tang 
Tháng 4 Đen 
Ngày Bắt Đầu Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do 
Ngày Vượt Biên, Vượt Biển, Con Lai, Đoàn Tụ, HO… 
Nhưng ngày này, dù muốn dù không ở Việt Nam lại là ngày toàn quốc nghỉ lễ “Giải Phóng Miền Nam” hay “Thống Nhất Tổ Quốc”. 
Ngày 30 tháng 4 năm nay nhằm ngày thứ Hai; tôi đi làm, phải tiếp xúc với khách hàng, nhưng không giấu được nỗi buồn vì là ngày tôi đã leo lên thuyền Trường Xuân bỏ nước ra đi. Trong các tên gọi cho ngày 30 tháng 4 nói trên, đối với tôi có lẽ đúng là “Ngày Mất Nước” vì gần 4 ngàn người trên thuyền cũng như tôi đã biết khát vọng của con người bị mất nước trong 5 ngày trôi giạt giữa biển khơi! Thuyền chìm, nhưng may mắn được tàu buôn Clara Maersk của Đan Mạch cứu đưa vào Hồng Kông tị nạn chờ nước thứ ba ra tay nghĩa hiệp nhận đem về nuôi. Trong những ngày chờ đợi vô vị ở Hồng Kông, tôi thường leo lên mái tôn của trại tị nạn Hartcourt, ngồi trông áng mây bay về cố xứ và tự hỏi “Tại sao mình mất nước?” Không có câu trả lời! Tức giận, tôi chửi Cộng Sản, chửi Mỹ, chửi ông Thiệu chán, rồi quay lại tự chửi “Mình làm mất nước; chứ tại ai?” 
Đúng là cái gì mình có mà không giữ, đến khi mất lại hối tiếc và đổ hô tại không ai giúp mình? 
Đó là lý luận của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cáo buộc đồng minh Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà trong bài diễn văn từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Ông Thiệu là người hiểu rõ hơn ai hết rằng người bạn đồng minh ấy đã muốn rút lui khỏi Miền Nam Việt Nam từ lâu; nhưng ông vẫn nhất định không tin Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà qua lời hứa riêng của Tổng Thống Nixon! 
Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 bởi 4 bên gồm Mỹ, Việt Nam Cộng Hoà, Cộng Sản Miền Bắc, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là giấy khai tử Việt Nam Cộng Hoà vì những điều khoản quan trọng trong hiệp định ấy hoàn toàn do Cộng Sản Miền Bắc và Mỹ họp kín đồng ý để Mỹ rút lui trong danh dự và xoá sổ Việt Nam Cộng Hoà. 
Hiệp Định này đòi hỏi ngưng bắn toàn diện tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ rút hết quân trong vòng 60 ngày, khoảng 150 ngàn quân Cộng Sản Bắc Việt được phép ở lại Miền Nam tại những vùng họ đã chiếm đoạt, và tất cả tù binh Mỹ được hồi hương. Hiệp Định Paris cũng kêu gọi Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ và tự do tại Miền Nam Việt Nam để chấm dứt cuộc xung đột. Tổng Thống Nixon hứa sẽ sử dụng Không Lực Mỹ để bảo đảm sự thi hành hiệp định này! 
Tại sao Cộng Sản Miền Bắc là kẻ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam không rút quân về Bắc mà lại được phép ở lại những vùng họ đã chiếm đoạt để làm gì? 
Nixon là chính trị gia tồi! Trong cuộc tái tranh cử Tổng Thống Mỹ vào ngày 7 tháng 11 năm 1972, dù chưa chấm dứt chiến tranh Việt Nam, ông vẫn dễ dàng đánh bại đối thủ George McGovern; thế mà ông lại đồng loã trong vụ đặt máy nghe lén trong trụ sở Watergate của Đảng Dân Chủ! Nixon từ chức vào ngày 8 tháng 8 năm 1974. Cho dù không xảy ra vụ Watergate thì Tổng Thống Nixon cũng bó tay vì sau đó Quốc Hội Mỹ đã thông qua đạo luật “Foreign Assistance Act of 1974” loại bỏ viện trợ và tài trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa. 
Gerald Ford lên kế vị Tổng Thống không làm được gì để cứu vãn Việt Nam Cộng Hoà! Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã thua trận vì sức chịu đựng của dân chúng Mỹ giới hạn, thêm vào đó giới truyền thông thiên tả gây ảnh hưởng xấu cho cuộc chiến bảo vệ tự do, và phong trào phản chiến phát động tại các trường đại học biểu tình liên miên chống chiến tranh Việt Nam. 
Miền Nam chống Cộng Sản nhờ vào viện trợ Mỹ, nên khi Quốc Hội Mỹ tiếp tục giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà từ 2.2 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1973, 1.1 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1974, và 700 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1975 thì khó khăn về kinh tế đã bắt đầu. Thêm vào đó, các phong trào phản chiến hay đối lập chính trị do Cộng Sản giật dây hoặc có cảm tình với Cộng Sản liên tục quấy phá mạnh mẽ gây xáo trộn xã hội từng ngày. Cho dù đã có gần một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève năm 1954 lánh nạn Cộng Sản, nhưng đa số quần chúng, ngay cả giới trí thức vẫn không thấu triệt chủ nghĩa Cộng Sản là gì nên dễ bị tuyên truyền lôi cuốn vào phong trào “Chống Mỹ, Ngụy cứu nước”! Miền Nam muốn chống Cộng, phải độc tài; nhưng Miền Nam đã phù phiếm hai chữ Tự Do! 
Trong khi đó, đối thủ là Cộng Sản Miền Bắc quyết tâm và chỉ có một quyết tâm là xâm chiếm Miền Nam dù phải hy sinh nhiều thế hệ! 
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hải quân Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà. Hạm đội 7 của Mỹ làm ngơ! 
Cộng Sản Miền Bắc thăm dò phản ứng của Mỹ với “Chiến dịch Đường 14” chiếm tỉnh Phước Long ngày 6 tháng 1 năm 1975. Mỹ theo dõi, nhưng không phản ứng! 
Được Mỹ làm lơ, Cộng Sản Miền Bắc sung sướng phát động Chiến dịch Tây Nguyên ngày 4 tháng 3 năm 1975 đánh Buôn Mê Thuột. Sau khi Buôn Mê Thuột thất thủ ngày 11 tháng 3 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nguyên là Trung Tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã quyết định liều lĩnh điên rồ ra lệnh cấp tốc triệt thoái Cao Nguyên về giữ đồng bằng vùng duyên hải. Cuộc rút lui hỗn loạn kinh hoàng trên tỉnh lộ 7B từ Pleiku về Tuy Hoà khiến quân đội hùng mạnh đứng hàng thứ tư trên thế giới không đánh mà tan rã và kéo theo các thất thủ dây chuyền nhanh chóng. Chỉ trong vòng 55 ngày từ khi Cộng Sản phát động Chiến dịch Tây Nguyên, toàn bộ nước Việt Nam Cộng Hoà bị sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975! 
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vị tướng hèn nhát không dám chiến đấu hay tự sát mà từ chức rồi bỏ trốn, giao lại nhiệm vụ không còn gì để làm cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương ngoài việc bàn cãi với Quốc Hội làm thủ tục không “vi hiến” bàn giao chức Tổng Thống lúc 4 giờ 45 phút buổi chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975 cho Dương Văn Minh (một cựu tướng lãnh từng làm đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 và ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm) để đàm phán với Cộng Sản. Nhưng Tân Tổng Thống Dương Văn Minh có tài cán gì đâu ngoài tài hết làm tay sai cho Pháp, cho Mỹ, đến các thầy tu của khối Phật Giáo Án Quang đã tuyên bố đầu hàng Cộng Sản vô điều kiện vào lúc 11 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975! 
Chiến Tranh Việt Nam (1955-1975) do Miền Bắc khởi xướng với tham vọng chiếm trọn đất nước để cai trị theo chủ nghĩa Cộng Sản. Cộng Sản Miền Bắc đã đạt được giấc mộng ấy sau hai mươi năm lường gạt gây chiến tranh “Chống Mỹ Cứu Nước” không cần thiết, đã gieo tang tóc đau thương cho từng người, từng gia đình, và giết hại hàng triệu đồng bào! Cuộc chiến thắng vĩ đại của Cộng Sản Miền Bắc không phải “giải phóng Miền Nam” mà thật sự giải phóng người dân Miền Bắc để bắt kịp Miền Nam về mọi mặt! Phan Huy, một thi sĩ nổi tiếng ở Miền Bắc trong bài thơ “Cảm tạ Miền Nam” đã viết: 
Đã từ lâu, tôi có điều muốn nói 
Với Miền Nam, miền đất nước điêu linh 
Một lời cảm ơn tha thiết chân tình 
Của Miền Bắc, xứ ngàn năm văn vật 
Tôi còn nhớ sau cái ngày “thống nhất” 
Tôi đã vào một xứ sở thần tiên 
Nếp sống văn minh, dân khí dịu hiền 
Cơm áo no lành, con người hạnh phúc 
Tôi đã ngạc nhiên với lòng thán phục 
Mở mắt to nhìn nửa nước anh em 
Mà đảng bảo là bị lũ nguỵ quyền 
Áp bức, đoạ đày, đói ăn, khát uống 
Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động 
Đất nước, con người, dân chủ tự do 
Tôi đã khóc ròng, đứng giữa thủ đô 
Giận đảng, giận đoàn, bao năm phỉnh gạt 
Sinh ra, lớn lên, sau bức màn sắt 
Tôi chẳng biết gì ngoài bác, đảng “kính yêu” 
Xã hội sơ khai, tẩy não, một chiều 
Con người nói năng như là chim vẹt 
Mở miệng ra là: “Nhờ ơn bác đảng 
Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh 
Đuốc soi đường chủ nghĩa Mác Lê nin 
Tiến nhanh, tiến mạnh lên thiên đường vô sản” 
Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng 
Xã hội thụt lùi, người kéo thay trâu 
Cuộc sống xuống thang, tính bằng tem phiếu 
Thân phận con người chẳng khác bèo dâu 
Cảm tạ Miền Nam phá màn u tối 
Để tôi được nhìn ánh sáng văn minh 
Biết được nhân quyền, tự do, dân chủ 
Mà đảng từ lâu bưng bít dân mình 
Cảm tạ Miền Nam soi đường chỉ lối 
Đưa tôi trở về tổ quốc thiêng liêng 
Của Hùng Vương, quốc tổ giống Rồng Tiên 
Chớ không phải Các Mác và Lê Nin ngoại tộc 
Cảm tạ Miền nam mở lòng khai phóng 
Đưa tôi hội nhập cùng thế giới năm châu 
Mà trước đây tôi có biết gì đâu 
Ngoài Trung quốc và Liên xô đại vĩ 
Cảm tạ Miền Nam một thời làm chiến sĩ 
Chống lại Cộng nô cuồng vọng xâm lăng 
Hầu giúp cả nước thoát bầy ác quỉ 
Dù không thành công cũng đã thành nhân 
Làm thế nào để Miền Bắc bắt kịp Miền Nam? Đó là nhờ vào một chính sách chỉ có Cộng Sản với nghệ thuật cai trị tàn bạo mới đủ nhẫn tâm thực hiện: Phải làm cho Miền Nam kiệt quệ! 
Chế độ cải tạo bắt hàng trăm ngàn người Miền Nam cộng tác với chế độ Việt Nam Cộng Hoà là “những kẻ có nợ máu với nhân dân” học tập cải tạo và lao động với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt lưu đày lâu dài trong trại tù bị đói khát và bệnh tật hành hạ để được hưởng chế độ khoan hồng “nhân đạo” của đảng và nhà nước! 
Người đi tù cải tạo biệt xứ; người ở lại bị kỳ thị ngược đãi xua đuổi đi vùng kinh tế mới, phải ăn độn bằng thực phẩm dành cho gia súc… Người dân Miền Nam nhanh chóng bị kiệt quệ từ tinh thần đến thể xác phải liều chết vượt biên, vượt biển ra đi. “Nếu được tự do, ngay cả cột đèn cũng bỏ nước ra đi!” 
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đối với người dân Miền Nam thật sự là Ngày Tủi Nhục! 
Đã 43 năm tổ quốc thống nhất mà người dân vẫn sống trong sợ hãi, và đang giãy chết vì bị đầu độc từ trên rừng dưới biển, từ thức ăn, nước uống, cho đến tư tưởng phải “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để “Đảng Cộng Sản Vinh Quang Muôn Năm”! Người Việt Nam thật sự yêu nước, có ai dám nghĩ tới điều “Vinh Quang Muôn Năm” đó? 
Tôi không ở lại để chứng kiến một điều thay đổi nào mà Cộng Sản đã thật sự đem lại hạnh phúc cho người dân Miền Nam. Tôi hỏi câu này trong một buổi họp mặt vui vẻ với các bạn đồng môn cùng trường trước ngày chưa “Mất Nước”. Mọi người suy nghĩ, nhưng vẫn không tìm được câu trả lời thoả đáng. Cuối cùng một người bực mình phát biểu: 
– Người đặt câu hỏi khó đó có câu trả lời không? 
Tôi nói ngay: 
– Sao lại không! Người dân Miền Nam đã có một giai đoạn cười sảng khoái ngay sau khi đất nước thống nhất. Đó là giai đoạn chỉ còn biết cười để bớt oán buồn! Văn chương bình dân như hát vè, ca dao, tục ngữ, nhạc chế, chuyện tiếu lâm… được phát triển tột bực. Thử nhắc lại vài câu: 

Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý 
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do 

XHCN là Xếp Hàng Cả Ngày 

Đôi dép râu làm rầu tuổi trẻ 
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai 

Ở với Hồ Chí Minh 
Cây đinh phải đăng ký 
Trái bí cũng sắp hàng 
Khoai lang cần tem phiếu 
Thuốc điếu phải mua bông 
Lấy chồng nên cai đẻ 
Bán lẻ chạy công an 
Lang thang đi cải tạo 
Hết gạo ăn bo bo 
Học trò không có tập 
Độc Lập với Tự Do 
Nằm co mà Hạnh Phúc! 

Tôi đéo cần giải phóng quê tôi 
Tôi đéo muốn treo hình ông Hồ 
Tôi đéo thèm chủ nghĩa Mác Lê Nin 
Tôi chỉ muốn sống như thời ông Kỳ..

Bàn Môn Điếm (Panmunjeom)

Hàn Quốc Du Ký Tập 4
Bàn Môn Điếm (Panmunjeom)

Thái-Thanh, Mộng-Lan & Thái-Vinh 

Hàn Quốc Du Ký không thể kết thúc nếu chưa đi thăm di tích của một thời chiến tranh tưởng chừng thế chiến thứ ba có thể bùng nổ làm xoá tan bán đảo Triều Tiên. 

Cả xứ Hàn đang mưa. Mưa làm chúng tôi thèm món ăn Việt Nam. Tôi chợt nhớ trên lầu ba của một toà cao ốc gần gác trọ nơi Thái-Thanh cư ngụ ở Nowon-gu có bảng hiệu “PHO BIEN” nho nhỏ đèn vàng. Từ lâu phở đã không còn là món ăn riêng của người Việt Nam. Từ hàng trăm năm trước người Cao Ly đã ăn phở vì ở đâu có người Việt tị nạn là có phở. Người Việt Nam đầu tiên đến Cao Ly tị nạn năm 1150 là Đô đốc Thủy quân Kiến Hải Vương Lý Dương Côn (con nuôi vua Lý Nhân Tông) đã cùng tông tộc dong thuyền sang Cao Ly để tránh bị giết trong cuộc tranh giành ngôi báu. Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn (Lee Ui-min) dưới triều vua Minh Tông (Myeongjong 1170-1179) nước Cao Ly chính là hậu duệ của Lý Dương Côn. Năm 2003 đài truyền hình KBS1 của Hàn Quốc trình chiếu bộ phim The Age of Warriors (Mooninshidae) kéo dài hơn 1 năm. Phim có giới thiệu Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn là dòng dõi hoàng tộc nhà Lý nước Đại Viêt. 
Người tị nạn thứ hai ở Cao Ly là Hoàng tử Lý Long Tường. Năm 1225 Trần Thủ Độ chuyên quyền lật đổ nhà Lý bằng cuộc hôn nhân cưỡng ép giữa hai đứa con nít 7 tuổi là cháu Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng của triều Lý cũng là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau đó Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng trở thành vua Trần Thái Tông, lại còn làm bẫy sập chôn sống gần hết toàn bộ tông thất nhà Lý đang làm lễ cúng tổ tiên, và bắt những người sống sót phải đổi sang họ Nguyễn hay cải họ khác. Hoàng tử Lý Long Tường mang vương miện, long bào, và thanh thượng phương bảo kiếm của vua Lý Thái Tổ cùng 6 ngàn tướng sĩ và gia nhân lên ba hạm đội từ cửa Thần Phù ở Thanh Hóa chạy ra biển Đông. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển thuyền ghé vào Đài Loan, rồi lại dong buồm đi tiếp. Không biết ông muốn đi đến đâu; nhưng cuối cùng bị bão táp đánh trôi giạt vào Trấn Sơn (Chen-san) bên bờ biển phía tây nước Cao Ly thuộc Bắc Hàn ngày nay. Ông được vua Cao Tông (Kojong) rất kính trọng. Khi quân Mông Cổ vượt Hoàng Hải và đường bộ xâm lăng Cao Ly hai lần vào năm 1232 và năm 1253, ông lãnh đạo quân dân chống trả đánh lui quân Mông. Sau hai chiến tích oanh liệt đó, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn (Chen-san) thành Hoa Sơn (Hwa-san) và phong ông làm Hoa Sơn Tướng Quân (Hwa-san Sanggun). Lúc ở Hoa Sơn, ông thường leo lên đỉnh núi Kwang-dea trông về phương nam khóc. Nơi ông ngồi khóc đó tục gọi là Đỉnh Vọng Quốc (Peak of Nostalgia). Trong chuyến công du Việt Nam Cộng Hoà ngày 6 tháng 11 năm 1958, Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman hay Lee Seungman) đương kim Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc đã thừa nhận ông là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường. 
Kể vòng vo như thế mới dám kết luận rằng người nước Cao Ly (sau nầy là nước Triều Tiên) chắc chắn đã ăn phở từ lâu. Bây giờ thì đã có nhiều gái Việt về làm dâu bên xứ Hàn, mà người phụ nữ Việt nào đi đâu cũng mang quê hương là món phở đi theo. Không biết hiện nay đã có bao nhiêu quán phở ở Hàn Quốc, nhưng PHO BIEN ở Nowon-gu là quán phở duy nhất mà chúng tôi đã thưởng thức trong hành trình Hàn Quốc Du Ký. Quán có hai nam nữ tiếp viên trẻ đẹp. Tuy cả hai không biết nói tiếng Việt, nhưng gọi món ăn bằng tiếng Việt đều hiểu ngay. Bên trong thấp thoáng bóng nữ đầu bếp, nhưng chúng tôi nói chuyện rôm rã toàn tiếng Việt mà không thấy người ấy phản ứng gì. Tất cả các món ăn Việt ở Phở Biển đều được chế biến theo kiểu ăn Hàn Quốc trông rất xinh xắn. Không có bát phở mà chỉ có chén phở; không có bánh xèo đúc nổi phồng to bằng cái đĩa mà chỉ có những lát bánh xèo mỏng cắt vừa miệng ăn trông giống món Taco của người bạn Mễ. Mùi nước mắm và mùi cánh hồi trong chén phở ở một quán ăn nơi xứ Hàn bốc lên thơm phức. Ôi, mùi vị quê hương thật đáng mê làm sao! 
Thái-Thanh lại đề nghị rất hợp lý: 
– Bố nên uống một lon bia? 
Tôi khoái chí kêu: 
– Cho một chai 33? 
– Không có bia 33; nhưng có bia Hà Nội và bia Sài Gòn. 
– Trời ơi, còn bày đặt lựa chọn! Cho bia Sài Gòn đi? 
Chỉ còn thêm một ngày và một đêm nữa là phải xa xứ Hàn. Đã được ăn phở mà thấy tôi vẫn còn bứt rứt, Thái-Thanh trấn an: 
– Ngày mai con được nghỉ lễ… 
– Ủa, lễ gì vậy? 
– Lễ toàn quốc nghỉ làm để đi bầu quốc hội. 
– Chà, cái nầy Hàn Quốc hay hơn Mỹ rồi đó! 
– Mình sẽ đi thăm Panmunjeom. 
Dân tộc Triều Tiên là một trong những dân tộc chịu nhiều bất hạnh nhất thế giới vì lỡ sinh ra nằm bên anh hai Nhật và anh ba Tàu nên bị hai anh thay phiên nhau đô hộ triền miên. Sau thế chiến thứ hai, toàn bộ bán đảo Triều Tiên có cơ hội được độc lập và thống nhất như bao nhiêu nước nhược tiểu khác; nhưng oái oăm và quái gở thay, chính Tổng thống Harry Truman, người bạn Mỹ lãnh đạo khối thế giới tự do đã có quyết định ghê gớm thả hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật lại nhũn nhặn với Stalin, lãnh tụ khối cộng sản lấy vĩ tuyến 38 chia đôi bán đảo Triều Tiên cho Nga dẫn Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) vào giải giới quân Nhật đầu hàng ở miền Bắc (Nhật có bị Nga đánh bại đâu mà đầu hàng Nga?) và Mỹ giải giới quân Nhật đầu hàng ở miền Nam. Sau đó mỗi anh lại tạm cai quản mỗi miền 3 năm trong lúc chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Nhưng tổng tuyển cử thế nào được? Tháng 8 năm 1948 Miền Nam thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc; tháng 9 năm đó Miền Bắc cũng có ngay chính phủ Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên! 
Sự thất bại của cuộc tổng tuyển cử thống nhất năm 1948 làm hai miền càng chia rẽ sâu xa hơn. Tuy nhiên việc đàm phán thống nhất hai miền vẫn tiếp tục cho đến cuối năm 1949 khi Mao Trạch Đông làm chủ được toàn bộ nước Tàu láng giềng vĩ đại của đồng chí Kim Nhật Thành thì cơ hội thống nhất bán đảo Triều Tiên trong hoà bình chỉ còn một cách duy nhất là Miền Nam phải đầu hàng Miền Bắc. Đúng 4:30 sáng ngày 25 tháng 6 năm 1950 Bắc Hàn tung 7 sư đoàn tinh nhuệ và xe tăng tràn qua vĩ tuyến 38 chớp nhoáng chiếm Seoul. Mỹ khẩn cấp triệu tập Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nga tẩy chay vì không thừa nhận ghế hội viên thường trực của nước Tàu vẫn do Đài Loan đại diện dù Tưởng Giới Thạch đã bỏ chạy khỏi Hoa Lục; nhưng Nga lại không phủ quyết giải pháp Liên Hiệp Quốc lên án hành động xâm lăng và kêu gọi Bắc Hàn phải rút quân ngay lập tức. Nhưng rút thế nào được, hở anh Mỹ ngây thơ? Kim Nhật Thành đã tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ Nam Hàn trong 3 tuần! Nay Bắc Quân mạnh như thế chẻ tre đánh đâu thắng đó, đã chiếm gần hết phương Nam đang dồn quân Liên Hiệp Quốc và Nam Hàn vào vòng đai Busan bé tẻo teo ở cực đông nam Triều Tiên đổ xuống biển! Lúc đó không biết Kim Nhật Thành tức vua Kim Thế Tổ vĩ đại mở đầu triều đại nhà Kim đang say men chiến thắng ở đâu? Mỹ phản công không phải ở ngay mặt trận Busan. Danh tướng Douglas MacArthur, con sư tử trong chiến dịch Thái Bình Dương thời Đệ Nhị Thế Chiến đã bí mật đổ quân xuống Inchon gần vĩ tuyến 38 đánh bọc hậu bất ngờ làm toàn bộ quân Bắc Hàn tan rã nhanh chóng. Quân Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Nam Hàn và 21 nước khác (England, Turkey, Australia, Canada, France, Greece, Colombia, Thailand, Ethiopia, Netherlands, Philippines, Belgium, Union of South Africa, New Zealand, Norway, và Luxembourg) truy kích tàn quân Bắc Hàn vượt qua khỏi vĩ tuyến 38 ngày 11 tháng 9 năm 1950, chiếm thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang), và tiến đến gần sông Áp Lục (Yalu River) giáp biên giới Tàu. Mao Trạch Đông bên kia sông không thể nhịn Nam Hàn núp bóng Mỹ được nữa. Lịch sử nước Tàu đã biết bao lần chứng minh Tàu là nước lớn mới có quyền chinh phạt nước nhỏ, hay dạy cho nước nhỏ một bài học. Tuổi thơ của tôi bị truyện Tàu đầu độc. Tôi cho cái gì của Tàu cũng ghê gớm nhất. Tàu là Trung Quốc, là Thiên Quốc; còn các nước nhỏ chung quanh toàn là bọn mọi rợ Bắc Phiên, Đông Di, Tây Đột, và Nam Man đáng ghét. Tàu dạy cho tôi học làm người quân tử Tàu, dạy cho tôi biết nhẫn nhục để trả thù dù mười năm hay trăm năm cũng không muộn; mà đã trả thù là phải nhổ cỏ tận gốc, phải tru di tam tộc mới đã tay. Ủa, mà tôi làm gì có mối thù bất cộng đái thiên với ai như vậy cà? Tôi chỉ say mê đọc và khoái chí những cuộc trừng phạt, như La Thông Tảo Bắc, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, hay Địch Thanh Chinh Nam nào có biết đâu mục đích của những sự trừng phạt đó là thiết lập nền đô hộ dạy cho dân nước nhỏ sống như Tàu rồi từ từ đồng hoá để mở rộng biên cương. Đúng như quân sư Từ Mậu Công đã tâu với vua Đường Thái Tôn (Lý Thế Dân) trong La Thông Tảo Bắc: 
“Xưa nay hễ nước lớn thì phạt nước nhỏ, chứ chưa thấy nước nhỏ mà khiêu khích nước lớn bao giờ, ngày nay nó đã đến, thì chắc là sanh việc chẳng lành, vậy bệ hạ kíp mau phát binh qua mà tảo trừ cho dứt đường hậu hoạn mới xong.” 
Vua Thái Tôn nghe qua mười phần đẹp ý, bèn phong Tần Thúc Bảo làm Tảo Bắc Đại Nguyên Soái và ngự giá thân chinh phạt Bắc Phiên. 
Tiết Nhơn Quí Chinh Đông cũng là bộ truyện Tàu do Tô Chẩn dịch đã diễn nghĩa thêm: Vua nước nhỏ Bắc Tề cho sứ giả mang ba món báu vật là Kim Hà Bửu Quan, Bạch Ngọc Đái, và Huỳnh Mãng Bào sang triều cống Đường thiên tử. Trên đường đi ngang qua nước Cao Ly, sứ giả Bắc Tề bị nguyên soái của Cao Kiến Trang Vương là Cáp Tô Văn đoạt mất báu vật lại thích chữ trên mặt hăm doạ vua Đường sẽ cử binh thâu tóm trung nguyên. Vua Đường Thái Tôn nổi giận lập tức cho tìm hiền thần Tiết Nhơn Quí chinh đông. Kết quả khỏi cần đọc cũng biết trước nước Cao Ly sẽ bị trừng phạt nặng nề về tội vô lễ ấy! 
Con sư tử già MacArthur lúc đó đã hơn 7 bó, chắc chắn không bao giờ đọc truyện Tàu nên không tin Tàu dám nhảy qua sông tham chiến. MacArthur từ tổng hành dinh xa xôi ở Tokyo bay đến Pyongyang hỏi đùa binh sĩ, “Kim Nhật Thành ở đâu, sao không đến đón?” Ông không ở lại chiến trường Triều Tiên một ngày vì cho Tàu chỉ dám diệu võ giương oai bên kia sông Áp Lục; không có gì đáng lo ngại cả! Ông có biết đâu đã có hàng trăm ngàn chí nguyện quân Tàu len lỏi tràn ngập rừng núi Bắc Hàn đang chờ mùa đông nghiệt ngã sắp đến mới ra tay! Ngày 25 tháng 11 năm 1950 Tàu bất ngờ tổng tấn công. Liên quân Liên Hiệp Quốc thua trận rút lui liên tục. Seoul bị đổi chủ tháng Giêng năm 1951, nhưng 2 tháng sau Liên quân Liên Hiệp Quốc lấy lại Seoul, rồi đẩy lùi Bắc quân trở qua bên kia vĩ tuyến 38. MacArthur muốn thừa thắng bắc tiến giải phóng luôn cả bán đảo Triều Tiên; nếu cần sẽ sử dụng bom nguyên tử nướng hết 1 triệu chí nguyện quân Tàu! Tổng thống Harry Truman kinh hãi bèn cất chức tư lệnh chiến trường Triều Tiên của tướng MacArthur vào ngày 11 tháng 4 năm 1951. Một cuộc chiến tranh vô ích không thắng một tấc đất, nhưng đã làm hơn 3 triệu người chết, và làm biết bao gia đình ly tán thế mà vẫn cứ tiếp tục cầm cự nhì nhằng ở hai bên vĩ tuyến đó cho đến khi ký hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) vào ngày 27 tháng 7 năm 1953; nhưng một hiệp ước hoà bình thật sự đã gần 60 năm qua vẫn chưa bao giờ được ký kết! 
Vì Bàn Môn Điếm nằm trong vùng phi quân sự, nên du khách muốn đến thăm phải ghi tên đi một trong các tua du lịch được Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc bảo trợ, ví dụ như USO Tour (phone 82-2-795-3028) mỗi tuần tổ chức 2 lần đi thăm JSA và Đường Hầm Thứ 3, giá $77 đô la mỗi người, không bao ăn trưa; hay tua du lịch mà chúng tôi đã tham dự, giá $77 đô la có bao ăn trưa dài khoảng 6 tiếng đồng hồ là Panmunjeom Tour (Tua không đi các ngày lễ, Chúa Nhật, và Thứ Hai). Liên lạc tại địa chỉ: 
6th Floor Lotte Hotel 
#1 Sogong-dong, Jung-gu 
Seoul, South Korea 
Phone: 82-2-755-0073 
Du khách phải trên 11 tuổi, có Passport, và ghi danh ít nhất trước một ngày. Các nước có tên trong danh sách bị hạn chế như Tàu, Việt Nam… phải nộp bản sao tờ đầu tiên của Passport trước 1 tuần. Công dân của vài nước bị cấm vào vùng phi quân sự là Afghanistan, Cuba, Iran, Iraq, Libya, North Korea, Pakistan, Sudan, và Syria. 
Điều lệ vào thăm Bàn Môn Điếm: 
Không được mặc quần áo thể thao, áo tắm, hay mang dép. 
Không được chạm vào các đồ trang bị như microphone hay cờ của phía bên kia trong phòng hội nghị MAC. 
Không được nói, tiếp xúc, hay làm bất kỳ điệu bộ gì đối với nhân viên phía bên kia. 
Không được mang máy chụp ảnh có ống kính quá 90mm. 
Tua khởi hành lúc 8:30 sáng tại bãi đậu xe của khách sạn Lotte. Hôm ấy ít du khách, nên nhóm 15 người chúng tôi do Laura hướng dẫn nói tiếng Anh đi chung xe với nhóm 6 người do một cô nói tiếng Nhật hướng dẫn từ Seoul chạy lên biên giới trên con đường Tự Do (Freedom Road) rộng thênh thang với 12 làn xe. Đường rộng mục đích để xe tăng đến kịp thời nếu chiến tranh xảy ra. Bà Laura lật lại từng trang sử chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên kể chuyện rất lôi cuốn; chẳng mấy chốc xe chạy qua khúc hợp lưu của sông Han phía nam và sông Imjin từ phía bắc chảy xuống đã thấy xuất hiện lô cốt và hàng rào kẽm gai phòng thủ giăng liên tục dọc theo bờ sông phía nam. Mờ mờ bên kia sông là Bắc Hàn. Đường Tự Do đến Imjingak là ngôi làng cuối cùng trước khi vào trại Bonifas hẹp dần dựng đầy chướng ngại vật để chận xe tăng. Xe ngừng ở cổng trại Bonifas. Bà Laura nhắc nhở bắt đầu từ đây cho đến trước khi vào JSA (Joint Security Area) tức Khu Vực An Ninh Chung ở Bàn Môn Điếm, tuyệt đối không được phép chụp hình. Bonifas là cửa phía nam đi vào vùng phi quân sự. Bonifas là bản doanh của bộ tư lệnh lực lượng Liên Hiệp Quốc phòng vệ an ninh JSA, trợ giúp uỷ ban kiểm soát đình chiến, quản trị làng Tự Do, và hướng dẫn du khách. Trại Bonifas chỉ cách JSA 400 mét. Một quân nhân Nam Hàn lên xe nhìn mặt từng người và kiểm soát Passport; rồi cho chạy vào bãi đậu xe, lại kiểm soát một lần nữa trước khi vào phòng coi phim và nghe thuyết trình sơ lược về JSA. Binh sĩ ở trại Bonifas ăn ngủ với súng đạn đeo bên người và luôn luôn túc trực trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến 100 phần trăm. Sau khi mỗi người đã đọc và ký tờ cam kết “Visitor Declaration” chấp nhận đi vào vùng thù địch có thể chết hay bị thương do hành động phía bên kia gây ra phải ráng chịu, và phải tuân theo các điều hướng dẫn thăm viếng JSA, mỗi người được phát một cái nhãn mầu xanh dán lên túi áo trên ngực chứng minh là du khách của Liên Hiệp Quốc. Du khách được chuyển qua xe của Liên Hiệp Quốc chạy vào JSA ở Bàn Môn Điếm. 
Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) là cách viết cho dễ đọc của đại diện phe Tàu trong hội nghị đình chiến, còn tên thật theo tiếng Triều Tiên là Neolmun-ri. Bàn Môn Điếm là Khu Vực An Ninh Chung (Joint Security Area tức JSA) duy nhất trong vùng phi quân sự (DMZ: Demilitarized Zone) được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc và Bắc Hàn dùng làm nơi hội thảo và gặp gỡ quân sự giữa hai bên. JSA hình chữ nhật, dài 800 m, rộng 400 m. Đường phân ranh giới (Military Demarcation Line gọi tắt là MDL) vô hình cắt đôi khu JSA và cắt đôi bán đảo Triều Tiên thành hai nước thù địch. Từ đường phân ranh giới ngược về phía bắc 2 km và lui về phía nam 2 km là vùng phi quân sự. Vùng phi quân sự phân ranh hai nước được kể từ dưới đất, dưới sông, dưới biển, hay trên trời dài khoảng 250 km rải đầy mìn bẫy. Với một triệu binh sĩ phía Bắc Hàn và 600 ngàn quân Nam Hàn cộng với 37 ngàn quân Mỹ túc trực ngay bên ngoài vùng phi quân sự rộng 4 km đó biến biên giới giữa Bắc Hàn và Nam Hàn thành vùng nguy hiểm nhất thế giới. Khi mới thành lập, nhân viên cả hai bên được tự do đi lại trong Khu Vực An Ninh Chung nầy, nhưng kể từ sau vụ chém giết bằng rìu (The Axe Murder Incident) ngày 18 tháng 8 năm 1976 khi nhân viên bên Liên Hiệp Quốc tỉa cây bạch dương (the poplar tree) ở gần Bridge of No Return cho dễ quan sát bị binh sĩ phía Bắc Hàn túa ra cấm cản, rồi rút rìu chém chết 2 sĩ quan Mỹ là Đại uý Arthur Bonifas và Trung uý Mark Baret cùng 4 binh sĩ Nam Hàn thì hai bên không còn được phép tự do bước qua đường phân ranh giới trong JSA nữa. 
Chúng tôi được hướng dẫn đứng thành hai hàng ngay phía trước Fredom House thay phiên nhau chụp hình lính Nam Hàn cao lớn đứng trong một tư thế Thái Cực Đạo rất oai nghiêm bên nầy nhìn đăm đăm sang lính Bắc Hàn đứng trên hành lang Panmungak phía bên kia dùng ống nhòm quan sát đám du khách chúng tôi. Chỉ cần thấy một cử chỉ đáng nghi nào đó đối với lính Bắc Hàn thì có thể sẽ bị một viên đạn bay vèo sang trúng chết ráng chịu! Hai anh lính Bắc Hàn bên ấy chắc không thích bị chụp hình nên lúc ẩn lúc hiện. Mỗi năm có khoảng 200 ngàn du khách đến viếng nửa phía nam JSA; còn du khách đến viếng phía bắc JSA không tới 10 ngàn người. Giữa Freedom House và Panmungak là 7 căn nhà xây đơn sơ kiểu như loại nhà di động được sơn mầu khác nhau. Đường phân ranh giới vô hình giữa hai nước cắt đôi các căn nhà đó. Ba căn nhà phía cuối bên trái chúng tôi là phòng họp của 2 nước cộng sản Tiệp Khắc (Czechoslovakia) và Ba Lan (Poland) trong uỷ ban 4 nước kiểm soát hiệp định đình chiến nay trống vắng vì 2 nước đó đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo tự do nên đã bị Bắc Hàn đuổi về nước năm 1995 và năm 1998. Hai nước còn lại trong uỷ ban kia là Thụy Sĩ (Switzerland) và Thụy Điển (Sweeden) vẫn còn đó, nhưng có phòng họp riêng xa hơn một tí ở bên phía nam đường phân ranh. Trên thế giới bây giờ đâu còn bao nhiêu nước theo chủ nghĩa cộng sản nữa mà Bắc Hàn không đề nghị với Liên Hiệp Quốc mời ngay hai nước bạn thân yêu cùng chung ngoại tổ Lenin là Cu Ba và Việt Nam vào thay thế Tiệp Khắc và Ba Lan nhỉ? Bên phải ba ngôi nhà ma đó là 3 căn nhà sơn mầu xanh. Căn bên trái là phòng họp của uỷ ban cố vấn 4 nước kiểm soát hiệp định đình chiến. Căn bên phải là phòng họp của sĩ quan an ninh chung (Joint Duty Ofice gọi tắt là JDO) mỗi ngày họp một lần lúc 12 giờ trưa. Du khách phía bắc được đưa vào thăm JDO. Du khách phía nam chúng tôi được hướng dẫn vào thăm căn chính giữa là phòng họp của uỷ ban quân sự đình chiến (Military Armistice Commision gọi tắt là MAC). Đây là nơi dành cho những cuộc họp cỡ cấp tướng trở lên để giải quyết các vụ vi phạm trầm trọng đối với hiệp định đình chiến. Chắc đã lâu không có chuyện gì quan trọng cần họp nên trong phòng MAC chỉ thấy bàn ghế trống trải cô đơn, không treo cờ cũng không gắn điện thoại! Ồ, có anh lính Nam Hàn đứng oai nghiêm như pho tượng, ai cũng sắp hàng chờ được chụp hình chung. Bên ngoài cửa sổ ngay giữa phòng họp là đường phân ranh giới chia sân xi măng phía bắc và sân đá cuội phía nam. Nhân viên an ninh 2 phía Bắc Nam đứng cách nhau một gang tay; nhưng hai miền vẫn còn xa cách vời vợi! 
Từ năm 1979, ngoài những cuộc họp quân sự, JSA còn được dùng làm nơi gặp gỡ của Hội Hồng Thập Tự, các cuộc đối thoại, trao đổi, và cộng tác hòa bình giữa hai miền. Chung Ju-mung sinh ngày 25 tháng 11 năm 1915 ở Kangwon, Bắc Hàn, năm 16 tuổi trốn nhà ra tỉnh tìm việc làm 2 lần, nhưng bị cha tìm bắt về tiếp tục cày ruộng. Lần trốn nhà thứ 3, ông lén bán một con bò của cha để có tiền mua vé xe lửa đi Seoul làm đủ nghề từ lao công bến cảng Incheon đến giao gạo. Sau giải phóng ách đô hộ của Nhật, ông sáng lập công ty Hyundai chuyên lãnh vực xây cất. Khi chiến tranh do quân Bắc Hàn xâm chiếm Nam Hàn, ông cùng gia đình và anh em bỏ của chạy xuống Busan. Sau hiệp định ngừng chiến, ông tái lập công ty Hyundai thầu các dự án tái thiết đất nước và kỹ nghệ. Hyundai phát triển nhanh chóng trở thành đại công ty xây cất và chế tạo tất cả mọi thứ từ chiếc căm xe đạp, xe hơi, đến đóng thuyền. Công ty Hyundai đã đầu tư các dự án xây đường sắt, đập nước, trung tâm nghỉ mát… ở Bắc Hàn. Ngày 16 tháng 6 băm 1998 Chung Ju-mung dẫn đầu đoàn xe 50 chiếc Hyundai chở 500 con bò thống nhất (Unification Cows) xuyên qua Bàn Môn Điếm tặng cho nhân dân làng cũ của ông ở Bắc Hàn. Ông cũng không quên tặng thêm 1 con bò để trả lại con bò năm xưa ông đã lén cắp của cha đém bán để mua vé xe lửa đi Seoul. Sau đó Chung Ju-mung còn làm một chuyến tặng thêm 500 con bò thống nhất nữa trước khi ông chết ngày 21 tháng 3 năm 2001. 
Chúng tôi trở ra xe chạy dọc theo đường phân ranh giới cắm cột mốc, mỗi cột cao 1 mét và cách nhau 10 mét. Từ đây cho đến khi trở về bãi đậu xe ở trại Bonifas xe không ngừng, nhưng chạy chậm vừa đủ cho du khách ngắm cảnh đẹp hoang liêu trong Bàn Môn Điếm và chụp hình. Đi ngang qua nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa lính Bắc Hàn rút rìu chém chết lính Mỹ và Nam Hàn làm cả thế giới lên cơn sốt, cây bạch dương không còn nữa, chỉ còn bia đá kỷ niệm chơ vơ bên đường. Gần đó là Bridge of No Return (Nhịp cầu không cho quay trở lại). Đây là cây cầu bắc qua sông Sachon dùng làm đường phân ranh thiên nhiên nam bắc. Nhân viên từ phía Bắc Hàn đến Khu Vực An Ninh Chung ở Bàn Môn Điếm phải đi qua cây cầu nầy. Từ khi ký kết hiệp định đình chiến ngày 27 tháng 7 năm 1953, Bridge of No Return được dùng trao đổi tù binh. Tù binh chở đến cây cầu nầy được phép bước qua cầu trở về nước hay chọn ở lại phía bị bắt. 14049 tù binh của lực lượng Liên Hiệp Quốc và 120523 tù binh Bắc Hàn lẫn Chí Nguyện Quân Trung Cộng (Chinese People’s Volunteer Army) đã bước qua cây cầu nầy. Tù binh một khi đã quyết định bước qua cầu thì không được phép quay trở lại nên cây cầu vô danh trên dòng sông Sachon bỗng trở thành cây cầu Bridge of No Return độc đáo trong lịch sử chiến tranh. Bridge of No Return được tái sử dụng vào ngày 28 tháng 12 năm 1968 khi 82 thủy thủ đoàn của tàu hải quân Mỹ USS Pueblo xâm phạm lãnh hải bị Bắc Hàn bắt làm tù binh sau gần 1 năm được trả tự do, nhưng con tàu USS Pueblo vẫn còn bị Bắc Hàn sử dụng làm viện bảo tàng tuyên truyền chống Mỹ. Từ sau vụ “The Axe Murder Incident” ngày 18 tháng 8 năm 1976 đã kể trên, Bridge of No Return bị đóng cọc cấm qua lại làm Bắc Hàn hết đường ra vào Bàn Môn Điếm bèn vội vã xây một cây cầu khác cách đó khoảng 1 km trong vòng 72 giờ. Cây cầu mới nầy được gọi là “72 Hour Bridge” nằm phía Bắc Hàn nên du khách phía nam không nhìn thấy. 
Trong vùng phi quân sự gần Bàn Môn Điếm đặc biệt có 2 ngôi làng đối diện cách nhau một bãi mìn rộng 2 km. 
Taesong-dong được gọi là làng Tự Do (Freedom Village) có cột cờ cao 98.4 mét treo lá cờ Hàn Quốc nặng 130 kg (286 lbs). Làng có khoảng 200 nông dân đã sinh sống từ lâu đời ở đó. Dân làng Tự Do không phải đóng thuế và được miễn thi hành nghĩa vụ quân dịch. Ban ngày ra đồng làm ruộng được lính đứng canh trên bờ kẻo quân Bắc Hàn lẻn sang tóm cổ đòi tiền chuộc! Mặt trời lặn phải về nhà. Giới nghiêm sau 11 giờ đêm phải đóng khoá cửa cẩn thận. Bực mình nhất là lên giường ngủ phải trùm mền và mang nút bịt tai chắn tiếng loa tuyền truyền phát ra từ làng Kijong-dong. Muốn trở thành dân làng Tự Do phải được sinh ra ở đó hay do kết hôn, nhưng đàn ông ngoài làng Tự Do không được kết hôn với cô gái trong làng để trốn thuế hay trốn quân dịch. Muốn giữ quyền công dân làng Tự Do mỗi năm phải ở liên tục trong làng ít nhất 8 tháng. Tuy nguy hiểm và kém thoải mái, nhưng lợi tức trung bình hàng năm của mỗi dân làng khoảng 100 ngàn đô la! 
Đối diện làng Tự Do là làng Kijong-dong có cột cờ Bắc Hàn cao 160 mét, cao nhất thế giới; riêng lá cờ không thôi đã nặng 270 kg (594 lbs). Kijong-dong là một ngôi làng xây toàn cao ốc giả tạo hiện đại, bên trong trống ộc trống ạc không có người ở, dùng để tuyên truyền thiên đường cộng sản Bắc Hàn giàu mạnh; nhưng thiên đường đã mất không còn gì để tuyên truyền mà người dân lại quá nghèo khổ nên bây giờ làng Kijong-dong đã có người ở thật. 
Chúng tôi trở lại trại Bonifas mua ít món quà lưu niệm, rồi lên xe tua ra khỏi vùng phi quân sự. Trên đường về ghé thăm Imjimgak. Du khách không đi tua vào thăm Bàn Môn Điếm được, có thể tự lái xe, đi xe buýt hay xe điện ngầm đến Imjingak ngắm cảnh biên giới. Imjingak là công viên lưu giữ nhiều di tích chiến tranh xây bên dòng sông Imjin năm 1972 để an ủi gia đình có thân nhân hay bạn bè đã mất hoặc ly tán trong chiến tranh 1950-1953 không được trở về nhà. Nơi đây có đài quan sát, chuông hoà bình, bàn thờ ly tán, con ngựa sắt muốn chạy (The iron horse wants to run), và cây cầu Tự Do (Freedom Bridge) nổi danh xây bằng gỗ dài 83 mét bắc vào đường xe lửa chạy qua cây cầu sắt sơn mầu trắng trên dòng sông Imjin. Đó là cây cầu duy nhất nối liền hai miền nam bắc. Freedom Bridge được xây để đón 12773 tù binh Liên Hiệp Quốc trở về tự do. Freedom Bridge đi ra phía bắc nay đã bị đóng bít lại bởi bức tường cao rào kẽm gai. Du khách đến sờ bức tường ngậm ngùi và gắn lên đó vô số giải lụa đủ mầu sắc ghi lời ao ước hoà bình và thống nhất sẽ trở về mang lại hạnh phúc thật sự cho dân tộc Triều Tiên. 
Tại Imjingak vài du khách trong đoàn chia tay lên xe khác đi thăm Đường Hầm Thứ 3 là đường hầm lớn nhất trong 4 đường hầm do Bắc Hàn lén đào xuyên qua vùng phi quân sự bị quân Nam Hàn khám phá. Đường hầm đó dài 1.7 km, rộng 2 m, cao 2 m, cách mặt đất 73 m có thể cho 30 ngàn quân Bắc Hàn bí mật tiến qua biên giới trong 1 tiếng đồng hồ. Hai lần về Việt Nam muốn đi Tây Ninh thăm Thánh Thất Cao Đài, nhưng thấy tua du lịch nào đi Tây Ninh cũng bắt buộc phải ghé coi đường hầm Củ Chi, nên chúng tôi vẫn chưa biết Tây Ninh. Chúng tôi chán ghét tất cả mọi đường hầm gây chiến tranh nên theo xe tua đi ăn trưa và trở về Seoul. 
Buổi chiều hôm đó, tôi theo mẹ con nàng đi dạo Seoul. Seoul có nghĩa là “thủ đô” rồi nên không cần gọi thủ đô Seoul. Tên cũ của Seoul là Hanyang tức Hán Thành. Tướng Yi Seong-gye cướp ngôi nhà Cao Ly (Goryeo Dynasty) thiết lập ra triều đại Triều Tiên (Joseon Dynasty) kéo dài từ năm 1392 đến năm 1910. Deoksu Palace nằm đối diện với toà đô chánh Seoul là một trong 5 cung điện hoàng gia Triều Tiên ở Seoul tuy đã trải qua bao lần bị chiến tranh tàn phá, nhưng nay đã phục hồi được vẻ đẹp độc đáo nguyên thuỷ của kiến trúc truyền thống pha lẫn vẻ đẹp mới mẻ của tây phương. Trước cổng hoàng cung Deoksu có nghi lễ đổi lính canh một ngày 3 lần lúc 11 giờ, 2 giờ, và 3 giờ 30 đẹp lộng lẫy và rất long trọng. Ngay giữa quảng trường Gwanghawmun ở trung tâm thủ đô có 2 bức tượng được toàn thể dân tộc Triều Tiên muôn đời kính ngưỡng. Bức tượng người đứng cầm kiếm cao 17 mét bằng đồng đen là Đô đốc Yun Sun-si, người đã đánh tan hạm đội Nhật xâm lăng vào ngày 26 tháng 10 năm 1597 tại eo biển Myeongyang, và bức tượng người ngồi đọc sách bằng đồng vàng cao 9.5 mét là Sejong The Great (trị vì từ năm 1418 đến năm 1450). Dười thời vua Sejong nước Triều Tiên tiến bộ rất nhiều về canh nông và khoa học như phát minh máy đo nước mưa, thiên văn cầu, đồng hồ mặt trời… Nhưng phát minh quan trọng nhất đã giúp dân tộc Triều Tiên thoát khỏi anh hai Nhật và anh ba Tàu đồng hoá là nhà vua đã phát minh ra chữ viết Hangeul tức hệ thống chữ viết Korean vô cùng đơn giản ngày nay hơn hẳn Tàu và Nhật đều lúng túng xếp chữ để gõ trên bàn phím computer. Một dân tộc dù hùng mạnh đến đâu mà không có chữ viết cũng sẽ bị đồng hoá hay mất gốc! 
Chúng tôi vui chân theo hướng dẫn viên Thái-Thanh đi bộ ngang dọc thủ đô một hồi đến khu Insadong. Đường chính trong Insadong là Insadong-gil dẫn sâu vào nhiều ngõ ngách buôn bán nhộn nhịp như khu phố cổ Hà Nội. Insadong có rất nhiều tiệm ăn, hàng quán bán bánh kẹo truyền thống, tiệm đồ cổ và tranh ảnh nghệ thuật. Nơi đây vào ngày cuối tuần tiếp nhận hơn 100 ngàn du khách. Insadong là một trong vài nơi ở thủ đô du khách ngoại quốc thích đến thăm nhất. Một nơi khác cũng được ưa chuộng không kém là Bukchon Hanok Village. Đó là ngôi làng truyền thống được xây từ hàng trăm năm trước vẫn còn giữ được nét cổ kính nguyên vẹn. Nơi đây có nhiều quán ăn và quán bán nước trà pha chế đủ mùi vị hấp dẫn. Từ trên dốc cao ở làng Bukchon Hanok, Thái-Thanh chỉ Tháp Seoul xa tít, nói: 
– Chúng ta sẽ đi đến đó ăn tối. 
– Bố đã hết xí quách rồi! 
Đêm cuối cùng, Thái-Thanh đãi bố mẹ ở quán ăn ngồi bệt trên sàn bên lò nướng có ống chụp hút khói đúng kiểu Barbecue Hàn Quốc ngon tuyệt cú mèo! 
Sáng hôm sau gọi điện thoại chia tay Park, người bạn hôm nào cùng Hiking trên Buramsan. Park lập tức lái xe đưa vợ con đến mời chúng tôi bữa ăn chia tay. 
Ôi… tôi yêu mến người bạn Hàn nầy và đất nước của anh vô cùng, nhưng nếu ở lâu thêm nữa, tôi chắc chết vì ăn! 

Em Còn Nhớ Không?

Em Còn Nhớ Không?

Thái-Vinh
(Mến tặng em Mùi Cầu Sắt)

Tôi thường đùa, “Năm ba mươi tuổi nếu không gặp được người mình yêu, tôi sẽ đi tu!” Không ngờ năm ấy tôi gặp được nàng. Quê nàng ở tận Lyon, một thành phố thơ mộng nằm bên bờ hợp lưu hai dòng sông Rhône và Saône chảy êm đềm về phía đông nam nước Pháp, cách Paris 470 km.
Người Việt ở Lyon và các vùng phụ cận phần lớn theo đạo Phật, nhưng lúc đó chưa có chùa. Tín đồ bên Công Giáo may mắn hơn đã có linh mục chăm sóc đời sống đức tin. Linh mục Bernard Trần Ngọc-Hải là tuyên uý đầu tiên của Cộng Đoàn Công Giáo người Việt ở Lyon được thành lập từ tháng 10 năm 1975 với các sinh hoạt bao gồm Thánh Lễ Chúa Nhật, thăm viếng các trung tâm tiếp cư, tìm gia đình bảo trợ, thông dịch, kiếm việc làm… được sự hỗ trợ của thầy Clément Thể (thụ phong linh mục năm 1979), sœur Marie Germaine Tâm, sœur Marie Léa Lou-Li-Tchen, sinh viên, cơ quan Cứu Trợ Công Giáo, và cựu chiến binh Pháp. Cộng đoàn đã thuê một căn nhà của giáo xứ Immaculée Conception (Lyon 3), và lấy tên là Trung Tâm Liên Lạc Công Giáo Việt Nam. Thứ Bảy có các lớp giáo lý, tiếng Việt cho trẻ em và tiếng Pháp cho người lớn. Năm 1985, Cộng đoàn mang tên Mission Catholique Vietnamienne. Kể từ năm 1989, Cộng đoàn được dùng nhà thờ Saint Pierre Chanel cho các sinh hoạt tôn giáo và hội họp được sự trợ lực của các thầy dòng Tận Hiến Ðức Mẹ Vô Nhiễm (Missionary Oblates of Mary Immaculate).
Linh mục Bernard Trần Ngọc-Hải là chủ tế ban phép hôn phối cho chúng tôi. Năm nào nghỉ hè, chúng tôi cũng đưa con về Lyon thăm Ngoại, thăm bà cụ cha Hải, và đi lễ tại nhà thờ giáo xứ Immaculée Conception; nhưng lần nào tôi cũng vẫn không dám thân thiện đến thăm riêng linh mục Bernard Trần Ngọc-Hải chỉ vì trông ông không giận mà rất nghiêm. Tôi đùa với nàng, “Cưới em, anh đã cướp mất tiếng sông Hồng trong Hội Trùng Dương của ca đoàn thì làm sao dám gặp mặt nhạc trưởng?” Cho đến mùa xuân năm 1992, chịu hết nổi mùa đông băng giá và cô đơn ở thành phố biên thùy Northvale của tiểu bang New Jersey giáp New York, tôi bỏ nước Mỹ đi sang Pháp, rồi về Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) tái hợp với mẹ con nàng. Trong ba tháng ở Lyon, tôi học nghề sửa Radio, Tivi, và Telephone với cậu Phục. Lúc đó Phật tử ở Lyon đã có Thiện Minh Tự. Mấy ngày Tết, tôi theo cậu Phục đi chùa, coi chợ Tết Sinh Viên, tham dự Bữa Cơm Xã Hội và Văn Nghệ do chùa Thiện Minh tổ chức tại Centre Culturel Oecumenique tại Villeurbanne. Trong buổi văn nghệ ấy, cậu Phục lén ghi tên tôi lên hát trên sân khấu. Không ngờ bài thơ “Tình Quê Hương” của Đại uý Phan Lạc Tuyên viết sau chiến dịch giải phóng thôn Sa Huỳnh năm 1956 với những lời thơ mộng được Đan Thọ phổ nhạc mà ít người còn nhớ, cũng là bài hát mà linh mục Bernard Trần Ngọc-Hải từng ưa thích:
Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
Quê em nghèo cát trắng
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh
Em mời anh dừng lại
Đêm trăng ướt lá dừa
Bên nồi khoai mới luộc
Ngát thơm vườn ngâu thưa
Em hẹn em sẽ kể
Tình quê hương đơn sơ
Mẹ già như chiều nắng
Nhớ con trai chưa về
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tầm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ…

Ông có mặt hôm đó, khen tôi hát hay vì biết nắm cái hồn của bài hát. Chúng tôi đã nhanh chóng trở thành đôi bạn văn nghệ. Vài hôm sau, nhờ Bản Tin Cộng Đoàn Công Giáo Lyon, tôi tìm thăm và kết bạn với nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả các ca khúc nổi tiếng vào giai đoạn thanh bình nhất của Miền Nam từ năm 1954 đến năm 1960 như Tôi Yêu, Lúa Mùa Duyên Thắm, Lối Về Xóm Nhỏ, Trăng Soi Duyên Lành… Nhờ nhạc sĩ Trịnh Hưng, tôi lại quen thi sĩ kiêm bác sĩ Nga, người thường chữa bệnh miễn phí cho nhạc sĩ Trịnh Hưng. Và những tâm hồn văn nghệ ở Lyon đã có một buổi văn nghệ cháo gà đầu năm tại tư thất của bác sĩ Nga. Buổi văn nghệ ấy đã cho tôi nhận thấy cái hồn nghệ sĩ nồng ấm trong con người tu sĩ khổ hạnh. Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Trần Ngọc-Hải đánh đàn Hạ Uy Di và hát hai bản tình ca do ông sáng tác từ thuở đôi mươi khi còn là sinh viên hoạt động trong phong trào Thanh Sinh Công tại miền Nam Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1960. Cần nói thêm phong trào Thanh Sinh Công đã du nhập vào Việt Nam từ năm 1937 do các sư huynh Lasan thành lập và phát triển đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống sinh viên và học sinh. Đại hội Thanh Sinh Công toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn năm 1961; và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhóm họp tại Đà Lạt vào ngày 20 tháng 4 năm1964 đã công nhận Thanh Sinh Công là phong trào hoạt động tông đồ có tính cách toàn quốc cho giới sinh viên và học sinh.
Biết tôi rất yêu thích, ông đã chép lại mấy bản nhạc tâm tình của mình, rồi tức tốc cỡi xe đạp đến gặp tôi tại một quán nước trên đường Félix Faure trước giờ tôi ra ga xe lửa giã từ Lyon vào ngày 14 tháng 4 năm 1992.
Tôi đã mang những bài hát của nhạc sĩ Trần Ngọc-Hải đi lang thang khắp nơi qua một phần tư thế kỷ mà chưa có cơ hội phổ biến. Trong quãng thời gian ấy, đôi khi vô tình bật tiếng hát vu vơ “Em còn nhớ không…” tôi giật mình chợt nhớ lại tâm tình trong “Những Buổi Chiều Xưa” của người bạn sống đời tu sĩ:
Em còn nhớ không?
Những hôm mây bay đầy trời
Đường về nhà em có sao chiều đưa lối
Đường về nhà em có tiếng hát thơ ngây
Có em tôi mơ màng vương buồn về xa xôi
Em còn nhớ không?
Những hôm trăng thanh ngày mùa
Rộn ràng từ trên xóm ai cười ai nói
Giọng hò nhẹ vang bên gánh lúa ven đê
Sáo êm đưa lối về
Ôi tình quê chứa chan!
Mơ ngày về thăm quê nhà
Về thăm mái lá đơn sơ
Về thăm đồng quê xanh mờ
Có bóng con đò trôi khi sương chiều buông lơi
Anh nào đã quên lũy tre xanh đầu làng
Một ngày đầu thu gió may về xơ xác
Một ngày đầu thu anh thấy dáng em đi
Bước chân em qua thềm, ôi giờ đây nhớ quá!
Anh nào đã quên những hôm mưa rơi mịt mù
Trời buồn làm sao! Nghĩ thương mình thương quá!
Lặng nhìn thời gian, anh thấy kiếp bơ vơ
Kiếp muôn năm đợi chờ, âm thầm mơ lứa đôi

Làm sao quên được buổi trưa năm ấy trong một quán nước yên tĩnh trên đường Félix Faure, tôi đã khen:
– Thật là một bản tình ca yêu người và yêu quê hương thật thơ mộng êm đềm! Những bài hát có lời đẹp và hay như “Những Buổi Chiều Xưa” ngày nay không còn nữa. Chắc hẳn đó là bức tranh làng quê của tác giả ở miền Bắc?
Thoáng một chút cảm động, người nhạc sĩ mơ màng về phương trời kỷ niệm:
– Hồi ấy, năm 1960 tôi biết Quy qua những lần sinh hoạt trong phong trào Thanh Sinh Công. Rồi chúng tôi học cùng một lớp với nhau tại trường Trường Sơn để dọn thi tú tài. Năm 1961 chúng tôi dính bảng. Một buổi sáng trong tuần dọn thi vấn đáp, tôi lại nhà chị Bá ở vùng Bàn Cờ đường Phan Đình Phùng với anh Liễm (sẽ là anh rể của tôi sau này). Tôi thấy Quy đang nói chuyện say mê với mấy cô bạn cùng tuổi. Họ đều là những người đẹp. Tôi có nói lời chào Quy và không được đáp lại. Buồn lòng tôi yên lặng ra về và dặn với linh hồn mình rằng sẽ không bao giờ trở lại chốn này nữa. Ngày hôm sau, trời Sài Gòn đầy mây trắng, tôi ngậm ngùi làm nhạc để kể lể sự cách biệt “muôn đời” giữa tôi và Quy. Sự cách biệt tàn khôc mà tôi không ngờ trong “nháy mắt” đã đặt tôi trên bờ một dòng sông. Và từ bờ bên này, tôi đã hát vọng sang bờ bên kia để kể lại cho Quy nghe những nhớ nhung của mình về tiếng hát dịu dàng của một người, về những lần đã nói chuyện với nhau vui như những ngày Tết, về những bước chân người đó đã in trên các đường phố, nhất là về cảnh trí ngôi làng sinh trưởng của Quy ở vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Tôi bảo đảm cảnh này là cảnh có thực do chính Quy đã kể lại và tôi đã cẩn thận vẽ lại trong trí tưởng tượng của tôi. Rất may, nhờ nhạc mà cảnh này vẫn còn xinh tươi mặc dù ngôi làng đã bị những trận bão lụt liên tiếp tàn phá; và mặc dù trong thực tế, chúng tôi đã xa cách nhau từ ngày ấy… Nhạc làm xong, chị tôi biết được câu chuyện, đem kể lại cho Quy. Quy mời tôi lại chơi đằng nhà chị Bá vì hồi đó Quy thích ở trên nhà chị Bá, có lẽ vì sự yên tĩnh để học. Chúng tôi đã nói chuyện lại với nhau. Tôi đã hát bài này cho Quy nghe khi Quy ngồi trên bậc thứ hai của một cầu thang gỗ; và tôi, trên một chiếc ghế đẩu bên cạnh. Nghe hát xong, Quy nói nhẹ một câu, hình như chỉ để riêng cho tôi nghe “Cũng cảm động lắm”. Tôi rất tiếc không được nhìn thấy giọt nước mắt trên khuôn mặt của Quy. Sự thiếu giọt nước mắt này đã cho tôi hiểu một điều như là sự thật rằng Quy không có yêu mình nhiều như mình tưởng! Chính vì ý nghĩ ấy mà trong dịp chép lại bản nhạc này vào cuốn nhạc ký của Quy, một thứ lưu bút ngày xanh do Quy chế ra, tôi đã viết một câu “Tôi không sợ ngày chúng mình phải xa nhau bởi vì tôi biết rằng chuyện đó tự nó, nó sẽ xảy ra và chuyện buồn của chúng mình vì thế bao giờ cũng vẫn đẹp”.
Bị thu hút bởi câu chuyện quá đẹp trong bức tranh “Những Buổi Chiều Xưa”, tôi say sưa ngồi nghe mối tình đầu ấp ủ trong quãng đời sinh viên vẫn không phai mờ trong tâm hồn của một nghệ sĩ linh mục. Thượng Đế đã cho con người một trái tim biết rung động; nhưng không phải lúc nào cũng gặp được một trái tim khác hoà điệu cùng một nhịp. Những mối tình đẹp thường là những mối tình câm, nên từ đó thơ nhạc được ra đời. Nhạc phẩm “Những Buổi Chiều Xưa” được nhà in Tương Lai xuất bản tại Sài Gòn ngày 9 tháng 11 năm 1961. Bài hát này đã được trình bày nhiều lần trên đài phát thanh Sài Gòn và Quân Đội qua tiếng hát của Ánh-Tuyết, Anh-Ngọc, và Ngọc-Quang. Thời đó sinh hoạt văn nghệ của Miền Nam thanh bình rất sôi động. Nhiều ban nhạc trẻ ra đời. Ba nhạc sĩ sinh viên Ngọc-Hải (đàn Hạ Uy Di), Ngọc-Quế (đàn violin và piano), và Ngọc-Quỳnh (piano và guitar) đã thành lập ban nhạc trình diễn ca hát và mở lớp dạy nhạc tại 645/39 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Sau một năm sinh hoạt văn nghệ, mối tình câm đã không phai nhạt mà còn phát triển đến tuyệt đỉnh có thể “đếm từng tiếng mưa rơi”; và chỉ có người trong cuộc bị yêu thầm, sau khi đi lấy chồng mới thật sự thấm thía nỗi đau đớn của bản thất tình ca Đàn Lòng Xa Cách:
Ngày nào gặp em
Hoa nắng rắc hương ấm loang trên hè vắng
Đàn anh buông lơi theo tiếng hát không lời
Nhạc lòng chơi vơi
Tìm về đôi mắt
Ôi nhớ quá đôi mắt chưa chan mộng ước
Lặng mơ miên man anh đã thầm mơ đến
Một kiếp duyên lành
Rồi một chiều mưa rét mướt
Tìm đến em tôi
Đường về nhà em khuất lối sầu lắng khôn nguôi
Đếm từng tiếng mưa rơi
Đếm từng phút chia phôi
Kỷ niệm xưa sao quá xa xôi!
Đàn lòng xa cách
Anh cố nén thương nhớ, ấp trong nguyện ước
Nhạc trầm đâu đây, vang tiếng hát êm đềm
Niềm thương xa xăm
Đường đời muôn lối
Hoa thắm sắc phơi phới, lúa reo mùa mới
Thì lòng anh đây, sao vẫn còn vương vấn
Tình đã xa mờ?

Tháng 9 năm 1962 Trần Ngọc-Hải vào tu viện Châu Sơn ở Đơn Dương. Năm 1967 xuất ngoại du học, va chịu chức linh mục vào năm 1973 tại Hauterive, Thụy Sĩ. Sau 30 năm làm tuyên úy cho người Việt tại giáo phận Lyon và 7 năm cho giáo xứ người Pháp tại Roanne, nhạc sĩ linh mục Bernard Trần Ngọc-Hải đã nghỉ hưu. Trong số hàng trăm bản nhạc vừa đạo vừa đời sáng tác bởi một nhạc sĩ linh mục, không biết nhạc phẩm “Lời Nhắn” được ông viết ra năm nào? Nhưng tôi cho “Lời Nhắn” là một bản đàn êm ái cuối cùng khép lại. Mối tình trong sáng đã thăng hoa thành tình yêu giữa con người và Thượng Đế là Cha của chúng ta ở trên trời:
Anh ưa đếm những vì sao trên trời vắng
Được một nghìn anh sẽ chia đều cho em
Làm vốn những khi trời nhẹ buồn
Vì đường về còn xa lắm em!
Anh sẽ rắc nỗi lòng anh trên ruộng lúa
Một ngày nào lúa chín như ngàn sao xa
Nhìn ngắm hoa nhạc vừa chào đời
Lòng anh vui như nước về khơi
Quy ơi, em sẽ đi về bến nào?
Mộng đời em đã xong chưa?
Còn chiều nay? Ngày mai?
Hỏi thăm em đã nhớ ai?
Mơ ước thành mơ?
Thương là thương nhớ em
Là thương tiếng em êm đềm vang trên đường đi
Là thương nếp sống
Anh nhớ thương em qua núi qua sông
Qua tiếng kinh cầu
Qua suối tình yêu
Ngày mai nắng lên gieo hương nồng
Ngày mai có những vui ngày mai
Và nếu có nhớ ai xa xôi
Em cố quên sầu gói trong mộng vàng
Quy ơi, anh nhắn em một câu này
Dặn rằng em nhớ yêu Cha
Một mình Cha mà thôi

Mộng đời em đã xong chưa?
Em có mừng không?
(Em thấy gì không?)

Việt Nam mùa bão


Việt Nam Mùa Bão
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre tháng 12, 2017)
Thái-Vinh

Nghe tôi sắp đi về Việt Nam, em tôi lo ngại:
– Siêu bão con Voi (Damrey) mạnh cấp 12 sắp đổ bộ vào miền Trung đó anh!
Tôi trấn an:
– Mười năm trước anh chị và phái đoàn Úc đã chạy xe điên cuồng trong mưa bão từ Hà Nội vào Hội An lội nước lụt thăm Phố Cổ vui lắm. Lần nầy các nhà lãnh đạo kinh tế APEC mà còn dám mạo hiểm họp thượng đỉnh tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11 thì thường dân như bọn anh thấy chẳng có gì đáng sợ cả! Mấy tuần trước, con gái của anh chị đã thay ba mẹ về Đà Lạt giúp ông ngoại chữa bệnh; nay chị vừa sống sót qua trận chiến ung thư, phải cấp tốc về thăm bố.
Đã lâu lắm nàng tránh về thành phố mang tên “Bác” vì oi bức, quá đông người và xe cộ; nhưng từ tháng 11 trở đi thời tiết ở cố đô đã mát mẻ dễ chịu như Arizona. Chúng tôi đáp chuyến bay KE683 của hãng Korea đến phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 10 giờ tối. Thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đã cải cách ngang tầm các nước trong khu vực, khá nhanh chóng. Theo báo “Hải quan online” khoe trên 93% hàng hoá vào Việt Nam miễn kiểm tra. Nếu nhân viên kiểm soát di trú không hỏi vớ vẩn như “Chú về nước đi chơi đâu, hay chơi bao lâu…” thì tôi đã chấm điểm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam ngày nay còn “trên cả tuyệt vời”!
Việc đầu tiên trước khi bước ra khỏi phi cảng là đổi tiền và mua thẻ điện thoại (Sim Card) gắn vào điện thoại di động của bạn để gọi xe và liên lạc với người thân ở Việt Nam. Cô nhân viên bán Sim Card của Mobifone rất duyên dáng và tử tế.
Việt Nam bây giờ đã có dịch vụ gọi xe Uber rất tiện lợi; đặc biệt cho người nước ngoài tránh bị tài xế taxi và xe ôm chở chạy lòng vòng chém chặt. Chỉ cần gắn ứng dụng gọi xe Uber vào điện thoại thông minh (smart phone), bạn dễ dàng gọi xe đón và theo dõi vị trí chiếc xe của mình. Khi đến nơi, chỉ bước ra xe. Mọi thủ tục thanh toán qua ứng dụng gọi xe Uber chỉ cần một cái nhấn trên điện thoại rất nhanh chóng. Hiện tại các nghiệp đoàn taxi ở Việt Nam cảm thấy bị thua thiệt, đang quyết liệt tranh đấu đòi chính quyền dẹp bỏ sự cạnh tranh “bất chính” của Uber. Hùm… tôi nghĩ bất kỳ sự cạnh tranh đứng đắn nào mà có lợi cho người tiêu dùng nên khuyến khích; và tôi đã chọn khi nghỉ hưu sẽ trở thành tài xế lái Uber ở Gilbert và Chandler rồi đó!
Sài Gòn có hai bến xe lớn nhất nước là Bến Xe Miền Tây ở quận Bình Tây và Bến Xe Miền Đông ở quận Bình Thạnh. Trong tương lai, Bến Xe Miền Đông sẽ dời ra quận 9 Sài Gòn và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương để tránh kẹt xe trong nội thành Sài Gòn. Theo Website https://futabus.vn của hãng xe khách Phương Trang thì bến xe nằm tại 328A đường Lê Hồng Phong; nhưng khi xuống Uber mới biết đó chỉ là văn phòng bán vé. Sau khi mua vé đi Đà Lạt, hãng vé lập tức chuyển chúng tôi lên xe nhỏ chạy ngay ra Bến Xe Miền Tây bắt kịp chuyến xe nửa đêm.
Hãng xe khách Phương Trang khoe “Chất lượng là danh dự” với xe thuộc loại giường nằm nổi bật và hiện đại. Lên xe cũng như bước vào một ngôi nhà của người Việt Nam theo truyền thống cổ lỗ sĩ là phải tháo giày cho vào túi nhựa, cầm đi rón rén kẻo va đầu vào giường sắt! Đây là lần du lịch thứ ba của chúng tôi bằng xe giường.
Lần thứ nhất từ thủ đô Vientiane nước Lào của nàng đi Paksé, thủ phủ của tỉnh Champasack vào đầu năm 2010 nằm giường cho hai người ở tầng dưới. Đi loại xe giường trên xứ Lào rất phiêu lưu vì có thể bị nằm chung giường với một người khác phái mà mình không thích!
Lần thứ hai trong chuyến “Du lịch bụi” nước Chí Lợi (Chile) năm 2016 trên chuyến Tur Bus hai tầng với 25 ghế Salon Cama như khách sạn đưa phái đoàn chúng tôi từ Valparaiso đi Puerto Varas. Trên quãng đường xa 1200 cây số (746 dặm) bị bắt nằm ngủ liên tục 14 tiếng đồng hồ kẹt cứng bên trong một anh bản địa to lớn nên giấc ngủ của tôi đầy mộng dữ chiến đấu không ngừng với bọn thảo khấu chỉ chực chôm chỉa!
Lần thứ ba nầy nằm xe giường sắt nhỏ xíu như cỡi xe Bobsled của môn thể thao trượt tuyết mùa đông. Người Việt Nam nhỏ con nằm sao cũng vừa; nhưng cô gái Âu Châu bên cạnh mặc quần đùi đang trầy trật nhét cặp chân dài trắng trẻo vào giường bỗng ngó qua tôi cười. Xe chạy giồng xóc một lúc chỉ còn thấy một đống mền. Quãng đường Sài Gòn – Đà Lạt dài 300 km; ban đêm vắng vẻ không bị trục trặc dọc đường, ngoại trừ dừng nghỉ một lần ở Di Linh, chỉ mất khoảng 6 tiếng là đến bến xe Đà Lạt. Thành phố thân yêu buổi sáng sớm đón chúng tôi bằng cơn mưa đầu ngọn bão con Voi đang đập vào Nha Trang. Mặc trời mưa, hàng quán từ chợ mới Mỹ Thành bày bán tràn lan ra hai bên đường Hoàng Diệu rất vui. Chúng tôi về lại trước cổng sắt biệt thự mang tên bức hoạ Mona Lisa nổi danh của Leonardo da Vinci xây trên lưng đồi năm 1908 được xem là một trong 1500 biệt thự cổ mang kiến trúc miền bắc của nước Pháp đang được bảo tồn để gợi nhớ hình ảnh Âu Châu vào đầu thế kỷ 20 trên đô thị Đà Lạt.
Đã 7 năm trôi qua tôi mới trở lại biệt thự Mona Lisa. Trước thềm, một đoá hoa hồng khoe sắc thắm như vui mừng chào đón người về. Ngôi nhà vắng vẻ rộng mênh mông bấy lâu chỉ thấp thoáng bóng dáng ông bà cụ bỗng tràn đầy tiếng cười ấm nhà. Đi ngang qua hành lang, với tay sờ trái khế duy nhất trên cành khẽ run trong gió, tôi bồi hồi nghĩ tới ngày sắp về hưu. Mảnh vườn sau là giang sơn riêng của bà cụ với bơ, me, vú sữa… sum xuê như một đám rừng nhỏ. Ông cụ còn yếu lắm, nhưng thích ăn ngon, dặn bà cụ đi chợ mua thịt gà về chính tay ông làm đãi thằng cháu ngoại. Trước kia, thấy tôi chỉ biết ăn xôi vỉa hè; lần nào tôi về, ông cụ cũng rủ tôi cùng đạp xe ra tận quán Bánh Cuốn Thanh Trì trên đường 3 tháng 2 mua quà sáng cho cả nhà. Tất cả các quán ngon bây giờ đều gần nhà; ngon nhất và rẻ nhất là quán cóc Xíu Mại Chấm trước nhà. Buổi sáng, anh trai bán xíu mại chấm với bánh mì; buổi chiều em gái bán bánh bèo ăn với giò lụa. Chỉ 20 ngàn đồng (gần bằng 1 đô la) mỗi suất thay cơm là đủ vui trong lòng suốt một ngày! Mẹ con nàng rủ tôi đi bộ ra bờ hồ Xuân Hương mua hàng ở Big C. Đây là một khu shopping kỳ quặc che mất vẻ đẹp của hồ Xuân Hương là trái tim đập nhịp muôn đời của Đà Lạt. Mẹ con nàng chơi quấn quýt bên ông bà cụ; còn tôi, mỗi khi trời tạnh mưa, xách máy đi săn ảnh. Đà Lạt bây giờ quá đông người và xe cộ. Suối Cam Ly từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly đã được nạo vét tạm bớt mùi tanh tưởi nồng nặc; nhưng Đà Lạt cũng giống như bất kỳ nơi nào ở Việt Nam đều không bao giờ thiếu rác! Nếu có ai hỏi tôi nghĩ gì về Việt Nam bây giờ, thì tôi đã có câu trả lời ngay: Việt Nam là xứ tự do nhất… Tự do xả rác ra đường!
Đêm tái ngộ với các em họ của nàng ở Đà Lạt, nàng đã hát “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành với tiếng đàn piano của chủ quán Nghệ Sĩ cũng là đêm cuối cùng của tôi ở Đà Lạt; ngày mai tôi sẽ đi trong mưa bão. Lần nầy cũng bằng xe thuộc loại giường nằm nổi bật và hiện đại của hãng Phương Trang, tôi đi về Quy Nhơn thăm mẹ. Bão con Voi đang tàn phá nhiều nơi ở miền Trung nên không còn ai quan tâm tới Hội nghị Kinh tế APEC ở Đà Nẵng. Các cháu gọi điện thoại, khuyên:
– Cậu nên đổi ngày đi!
Tôi hỏi:
– Họ đã mở đập xả lũ chưa?
– Chưa, cậu à.
– Vậy cậu phải đi; chứ chờ họ xả lũ chỉ có chết chùm!
Ngay mấy phút trước giờ xe đến đón, tôi còn điện thoại hỏi hãng xe Phương Trang và được trấn an chuyến xe Đà Lạt – Đà Nẵng vẫn khởi hành đúng giờ.
Xe chạy đường Miền Trung vẫn loại giường nằm, nhưng nệm giường bung xục xịch, xuống cấp rõ rệt. Có lẽ dân Miền Trung nghèo, chỉ cần có chỗ ngồi được đi về tới nhà bình an là mừng rồi nên không cần những sáo ngữ khoe khoang “chất lượng” và “danh dự” chăng?
Khoảng 2 giờ chiều xe lăn bánh theo đường đèo Khánh Vĩnh đi Nha Trang rồi theo Quốc lộ 1 ra Quy Nhơn. Nếu không bị trục trặc dọc đường dài 400 km thì sẽ đến Quy Nhơn khoảng 10 giờ đêm. Xe có 2 tài xế và 1 nhân viên tiếp khách; tất cả đều là nam nhân. Quy luật ở trong xe không được hút thuốc, không được ăn các món nặng mùi như sầu riêng, bánh mì thịt, không được xức dầu xanh… Tiếp viên vừa nói xong, chợt có tiếng phản đối:
– Đã có người xức dầu xanh kìa!
Có tiếng từ giường trên ngập ngừng đáp lại:
– Tui… tui chỉ bôi dầu cù là thôi mà!
Xe chạy trong mưa bão độ chừng 15 phút, bỗng nghe tài xế phụ nói chuyện lớn tiếng với ai đó trong điện thoại, rồi quay lại giải thích:
– Đường đèo Khánh Vĩnh đã bị sạt lở. Chúng ta phải đổi hướng đi đường đèo sông Pha (hay còn gọi là đèo Ngoạn Mục) xuống Phan Rang.
Ngoại trừ tôi, còn các hành khách trong xe dường như đã biết trước nên chẳng ai quan tâm, miễn là được về tới nhà bình an!
Tôi cần gửi tin nhắn báo cho cháu biết sẽ về tới nhà tầm khoảng 12 giờ khuya.
– Bác tài cho em xin mật khẩu Wifi?
Tài xế chỉ máy phát Wifi treo trên vách xe đang chớp đèn đỏ:
– Máy hư!
Nước từ bên hông núi chảy tràn qua đèo, rồi rơi ầm ầm xuống vực thẳm như thác đổ. Nhiều đoạn đường đèo hẹp bị xói lở, hai xe tránh nhau rất ghê rợn. Mỗi khi có dịp đi lại đường đèo Ngoạn Mục (tôi thích tên gọi nầy hơn) vì nó gợi lại kỷ niệm ngoạn mục năm nào bị cô gái ngồi băng ghế phía trước ói văng vào cổ áo trong truyện “Huy Hiệu Công Nghệ”, rồi quen nhau…
Xe đến Quốc lộ 1 thì mưa bão bỗng trở nên dịu dàng; Wifi hoạt động trở lại. Lúc chạy ngang Cam Ranh thì hành khách bắt đầu thức dậy, kêu đói. Xe dừng lại trước một quán ăn nhơ nhớp ngổn ngang bàn ghế; thức ăn chỉ còn phở và cơm trứng tráng cháy đen. Nhìn nồi nước phở nổi bọt như nước rửa bát, tôi ngao ngán thở dài ngủ với bụng trống cho đến khi tài xế phụ đánh thức, thả tôi xuống Diêu Trì.
Từ ngày em tôi trở lại Mỹ giúp con mới sinh cháu gái, mẹ tôi phải rời ngôi nhà thân yêu của bà để sang tá túc nhà cháu ngoại. Cháu Tuyến chở tôi về ngôi nhà cũ, nay chỉ dùng làm nhà để ô tô của cháu. Tôi khoá của sắt, lên lầu thắp nén hương cho ấm nhà, rồi mở cửa ra hiên lầu ngắm nhà cô láng giềng và dãy nhà buồn hiu của phố chợ. Từ ngày 25 tháng 11 năm 2016, ngôi chợ cũ gần một thế kỷ đã bị phá bỏ và thay thế bằng ngôi chợ mới cách đó khoảng 200 mét thì con đường Nguyễn Văn Trỗi từ chợ cũ chạy ngang trước nhà đi lên ga Diêu Trì như bị tê liệt chẳng còn sức sống! Hai cô giáo độc thân xinh đẹp đang mơ mộng gì trong hai ngôi nhà bên kia đường lúc nào cũng buồn, bây giờ có lẽ càng buồn hơn? Tôi chập chờn theo mộng mị trong ngôi nhà hoang vắng cho đến khi loa phóng thanh trên ga xe lửa oang oang phát bản tin chẳng ai thèm nghe đánh thức dậy lúc 5 giờ sáng!
Cháu Tuyến đến chở cậu đi ăn bánh hỏi với cháo lòng nổi tiếng của quán Hồng Linh, rồi về thăm mẹ. Mẹ tôi năm nay 96 tuổi và đã bắt đầu lãng trí từ 4 năm nay sau khi bị hai cô gái đẹp âm mưu lừa đảo bỏ thuốc độc vào cốc nước trà. Tháng 3 năm 2016 tôi về thăm mẹ; lúc đó nhờ có hai khuôn mặt thân ái lúc nào cũng quấn quýt bên cạnh là em gái tôi và chị Bảy giúp việc, mẹ tôi còn cười nói khi tôi trìu mến hỏi:
– Mẹ biết con về không?
– Sao lại không?
– Con là ai?
Bà ngẫm nghĩ mãi, rồi cười khúc khích.
Nhưng em tôi đã đi và chị Bảy cũng đã nghỉ việc. Tuy có chị Lợi rất hiền lành giúp đỡ, và đặc biệt có cô cháu dâu Tuyết-Mai hết lòng thương yêu chăm sóc bà, nhưng mẹ tôi đã đến giai đoạn mà anh tôi gọi là đã “giác ngộ”! Nếu “giác ngộ” là không còn biết nói cười và không còn biết gì chung quanh nữa thì “giác ngộ” là đã chết? Suốt ngày, mẹ tôi ngồi trước máy truyền hình cho đến khi ngủ gục trên xe lăn thì được bế lên giường nằm. Tôi xoa bóp chân tay mẹ và nói những lời yêu thương… nhưng mẹ tôi chỉ nghe mà không biểu lộ một cảm xúc gì cho đến hôm tôi ra đi, hôn mẹ và nói lời chia ly thì trong đôi mắt mẹ chợt ướt!
Bốn ngày ở quê, mưa bão liên miên. Nước sông Hà Thanh dâng cao chờ tràn qua cầu Diêu Trì; nhưng mọi sinh hoạt vẫn bình thường vì mọi người đều biết chắc chắn rằng một khi các hồ thủy điện mở đập xả lũ “đúng quy trình” thì nhiều việc bế tắc khó khăn đến đâu, ngay cả rác cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng! Tôi đã đi xe taxi ăn giỗ với các bà chị, đã cỡi xe đạp đi trong mưa và tự đón xe buýt thành phố đi thăm bạn; nhưng chính nhờ cháu Tuyến khi thì dùng xe ô tô, khi thì dùng xe mô tô chở tôi đi bất kể mưa gió bão bùng và lụt lội, tôi đã được gặp lại nhiều khuôn mặt thân thương tưởng đã “giác ngộ” từ lâu, như mợ Sáu sắp mừng tuổi đại thọ, còn minh mẫn, nhưng đã bớt than đau bệnh và không cần tiền nữa! Đặc biệt dì Nhâm là người tình cũ của ba tôi. Dì đã qua tuổi đại thọ, nhưng vẫn còn mở quán nho nhỏ bán bánh kẹo, nước ngọt, trà thuốc lai rai mà lại còn bán chịu cho khách hàng nợ, không cần ghi sổ sách; thật đáng nể trí nhớ của Dì! Cháu Tuyến bước vào quán, nói oang oang:
– Con là Vinh nè!
Dì ngước nhìn mặt Tuyến, rồi ngó ra cửa thấy tôi, mừng rỡ kêu:
– Vinh kia kìa!
Tôi chạy lại, trìu mến cầm tay, hỏi:
– Dì thấy con giống Ba không?
– Giống lắm!
– Dì có nhớ người yêu của Dì không?
– Có chớ sao không?
Sáng sớm ngày thứ Năm, gia đình cháu Tuyến bùi ngùi tiễn tôi tại phi trường Phù Cát. Trên máy bay nhìn xuống, miền Trung đang chìm dần trong biển nước lũ!

Thương ca tiếng Việt


Thương ca tiếng Việt
Sáng tác: Đức Trí
Lời: Hà Quang Minh
Biểu diễn: Kyo York & Ju Uyên Nhi

Tiếng Việt ru bên nôi
Tiếng Mẹ thương vô bờ
Đưa con vào đời bằng vần thơ
Những cánh cò bay rộng mộng mơ
Tiếng Việt Cha dạy con
Những chiều bay cánh diều
Câu đồng dao bên bạn quen
Cho con nhìn quê mình tình yêu
Tiếng Việt trong bài thơ
Có người xưa chinh phụ
Ngồi mỏi mòn đợi chờ chinh phu
Hoá đá rồi lời ca vẫn còn
Tiếng Việt còn trong mỗi người
Người Việt còn thì còn nước non
Giữ tiếng Việt như ngày nào
Hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau
Tiếng Việt còn trong mọi người
Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn
Giữ tiếng Việt cho nối đời
Lời quê hương ấy lời sắt son
Tiếng Việt đêm xuân xưa
Hát niềm thương quan họ
Câu qua cầu để lại mùa thương
Cho sau này ai còn niềm vương
Tiếng Việt trên dòng sông
Có điệu Nam Ai buồn
Ai chờ ai bên bờ xưa
Ai chưa về ai còn đội mưa
Tiếng Việt con đò đêm
Tiếng hò ai bay rộng
Giọng hò tìm người về quê hương
Mang cánh đồng hiền hoà người thương