Land of Poetry

Invalid Displayed Gallery


Mảnh đất Thơ
Thái-Vinh

Bình Định là miền đất võ.
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền
Ồ… chuyện võ nghệ thì khỏi nói; tôi chỉ muốn nói Bình Định là mảnh đất thơ.
Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!
Tịch dương liễu không biết mình đang biếc
Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…
Mây nổi đó nhưng hồn chừng viễn xứ
Nguyệt cô liêu trắng mộng hồ xa nao?
Xe lỗi hẹn với người trong lữ thứ
Trường hận Thuyền muôn dặm cũng hư hao
Ôi Bình Định, hương phong trường cách biệt
Nhúng bâng khuâng trong đức hạnh sương hoa
Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết
Nam Quách sầu, Đông Phố quạnh, Tây Môn xa…
(Yến Lan, Bình Định 1935)
Nhà thơ Lam Giang (Nguyễn Quang Trứ) cùng thời với Yến Lan khi mới thoạt nghe hai câu đầu bài thơ đã sung sướng đập bàn hét to, “Chỉ hai câu đã đủ là Bình Định rồi!”
Bình Định ngày ấy với Hàn Mạc Tử (Long), Yến Lan (Lân), Quách Tấn (Quy), và Chế Lan Viên (Phụng) là Bàn Thành Tứ Hữu (Bốn người bạn của Thành Đồ Bàn). Bốn thi sĩ Bình Định dù có người không sinh ra ở Bình Định được người đương thời phong tặng là Nhóm Tứ Linh kết bạn và khởi xướng Trường Thơ Loạn còn gọi là Thơ Điên, hay Thơ Tượng Trưng và Siêu Thực (1936-1946) trong phong trào Thơ Mới giai đoạn 1932-1945. Là người khởi xướng, nhưng Hàn Mạc Tử lại mất sớm nhất (1940). Sau đó Bích Khê, người có số phận bi thương như Hàn Mạc Tử tham gia, nhưng cũng mất sớm (1946). Nhóm Trường Thơ Loạn tan rã. Yến Lan và Chế Lan Viên tập kết ra Bắc. Yến Lan tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (1955-1958) phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, và phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Trái với Yến Lan, Chế Lan Viên gia nhập đảng Cộng Sản và làm văn nghệ phục vụ Đảng. Biết mình lầm, nhưng lỡ phóng dao phải lao theo. Gần cuối đời hối hận, để lại Di cảo Thơ; trong đó có bài “Bánh Vẽ”:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…
(Chế Lan Viên, 8-1991)
Xuân Diệu cũng là thi sĩ Bình Định; nhưng theo Quách Tấn, “Xuân Diệu đấm Hàn, thoi Yến, đá Quách, từ biệt quê hương để ra Hà Nội bắt tay với Huy Cận lập thành nhóm Huy-Xuân”.
Đến nay thì tất cả các thi sĩ nổi danh trong phong trào Thơ Mới ở Bình Định đều đã qua đời. Mỗi khi nhắc tới mảnh đất thơ là tâm hồn tôi bị ám ảnh bởi những vần thơ ray rứt của Hàn Mạc Tử.
Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Quảng Bình, nhưng khoảng đời văn chương ở hẳn Quy Nhơn, mất ngày 11 tháng 11 năm 1940. Là một thi sĩ phải sống một cuộc đời đau thương nhất trong các thi nhân Việt Nam. Thơ Hàn Mạc Tử thành thật, nghẹn ngào diễn đạt niềm đau thân xác và tình yêu, nhưng tin tưởng vào sự thanh khiết của linh hồn. Lúc sinh thời, Hàn Mạc Tử chỉ xuất bản được thi tập “Gái quê” năm 1936; còn nhiều tác phẩm khác như “Thơ điên”, “Xuân như ý”, “Thượng thanh khí”, “Duyên kỳ ngộ”, và “Quần tiên hội” mãi sau nầy mới được sưu tập ra đời.
Hàn Mạc Tử mất đã hơn 75 năm; nhưng đúng như thi sĩ Chế Lan Viên đã nhận xét xuất thần về Hàn Mạc Tử “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói loà rực rỡ của mình”.
Lúc còn là học trò, tôi yêu thơ Hàn Mạc Tử đến độ muốn mắc bệnh để làm thơ hay, được nhiều mối tình đẹp, và điên chết cô đơn giống như Hàn Mạc Tử trong
Duyên kỳ ngộ
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
Hàn Mạc Tử viết “Quan niệm Thơ” gửi bạn Hoàng Trọng Miên, cho rằng Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ có hai loài trọng vọng nhất là Thiên Thần và loài người. Hai loài đó không làm Ngài thích thú lắm, bèn tạo thêm loài thứ ba là thi sĩ. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đưa thơ tiếng Việt lên thượng tầng ngôn ngữ. Đã bảy mươi lăm năm, từ ngày Hàn Mạc Tử mất đi mà thơ của ông vẫn mới mẻ vô cùng. Chỉ Hàn Mạc Tử mới có sức cảm thụ lạ lùng:
Cô liêu
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai…
Hàn Mạc Tử là thi sĩ duy nhất trên địa cầu nhìn thấy trăng thẹn, trăng lả lơi, trăng tắm, và dám làm nhiều chuyện động trời với trăng:
Huyền ảo
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ…
Bẽn lẽn
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơị
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…
Rượt trăng
Ha ha! Ta duổi theo trăng
Ta duổi theo trăng
Trăng bay lả tả trăng ngã trên cành vàng…
Say trăng
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra…
Ngủ với trăng
Theo tôi đến suối xa miền
Cõi thơ, cõi mộng, cõi niềm yêu đương
Mây trôi lơ lửng trên dòng nước
Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang…
Bán trăng
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ…
Lại còn Trăng Tự Tử, Một Miệng Trăng, Cắn Trăng, Nuốt Trăng… Chao ơi ghê quá! Một đêm trăng khó ngủ, tôi mở cửa ra vườn nhìn trăng bỗng giật mình vì câu thơ của Hàn:
Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu
Nhắc đến Hàn Mặc Tử, tôi không bao giờ quên kỷ niệm một đêm trăng với ba tôi. Vì làm công chức qua hai thời Cộng Hòa, nên ban đêm ba tôi không ngủ ở nhà. Ông bị ám sát nhiều lần, nhưng đều may mắn thoát chết. Một đêm kia làm biếng đi tị nạn, mẹ tôi bắc thang cho hai cha con leo lên mái nhà rồi lấy thang đem giấu. Chúng tôi trải nệm chăn ngủ trên mái tôn cong nghiêng nghiêng. Dưới ánh trăng huyền ảo rơi xao xuyến lá dừa, tôi bồi hồi xúc động vì là lần đầu tiên trong đời được nằm sát bên cạnh bố. Tôi thì thầm đọc thuộc lòng bài văn xuôi tuyệt tác “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mạc Tử ru bố ngủ. Tôi không biết ông cụ có thích thơ Hàn Mạc Tử không; nhưng khi tôi vượt biên ra đi và hai mươi năm sau trở lại, những tập thơ chép tay của tôi, trong đó có nhiều thơ Hàn Mạc Tử được ông cụ kín đáo cất riêng trong tủ! Tết năm 1998 tôi đưa nàng về thăm. Ông cụ nhường chiếc xe và chỉ đường lên dốc Mộng Cầm cho tôi đèo nàng đi thăm mộ Hàn. Ông cụ mất một năm sau đó.
Quy Nhơn nói riêng và toàn tỉnh Bình Định nói chung có ba nơi đáng thăm viếng, không thể bỏ qua:
1- Ghềnh Ráng với mộ Hàn Mạc Tử, bao gồm bãi biển Quy Nhơn, Bãi Trứng (hay bãi tắm Hoàng Hậu) và Quy Hòa.
2- Làng Tây Sơn với viện bảo tàng Hoàng đế Quang Trung cách thành phố Quy Nhơn khoảng 45 cây số.
3- Tháp Chàm
Tại sao phải có tháp Chàm trong đó?
Miền Trung Việt Nam từ Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình chạy vào tới Bình Thuận là đất cũ của Chiêm Thành tức vương quốc Chămpa bắt đầu lập quốc từ năm 192 trong khi Việt Nam vẫn còn bị Tàu đô hộ. Mãi đến khi Ngô Quyền chiến thắng quân Tàu trên sông Bạch Đằng năm 938 giành được độc lập thì Chiêm Thành không tránh khỏi thảm hoạ nam tiến kéo dài gần 700 năm và bị diệt vong vào năm 1698. Thua trận mất đất là lẽ thường; nhưng lại có ông vua đa tình Chế Mân (1288-1307) đã dâng hai châu Ô, Rí (từ đèo Hải Vân đến phía bắc Quảng Trị) để cưới công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt mới là sự lạ! Năm 1471 kinh đô Đồ Bàn thất thủ, bị vua Lê Thánh Tông (1460-1497) sát nhập vào Đại Việt thành phủ Hoài Nhơn. Năm 1602 chúa Nguyễn Hoàng đổi ra phủ Quy Nhơn. Đồ Bàn trở thành Hoàng Đế Thành là kinh đô sáng lập nhà Tây Sơn của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc (1778-1793). Đất Quy Nhơn bị Nguyễn Ánh (vua Gia Long) trả thù, đổi tên ra Bình Định sau khi hạ được thành Đồ Bàn năm 1799. Thành Đồ Bàn cùng nhiều di tích lịch sử trên toàn quốc bị phá thành bình địa theo lời Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc tiêu thổ kháng chiến vào ngày 19 tháng 12 năm 1946.
Tháp Chàm ở Bình Định còn nhiều và có phần đẹp hơn vùng đất cuối cùng của nước Chàm ở Phan Rang. Tháp Chàm Bình Định là nguồn thơ cảm hứng của thi sĩ Chế Lan Viên cho ra đời thi phẩm “Điêu Tàn” năm ông 17 tuổi:
Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi hư vô
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ…
(Chế Lan Viên, Những sợi tơ lòng)
Bình Định hiện còn 8 cụm tháp Chàm: Tháp Phốc Lốc (Tháp Vàng), tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Long Triều, tháp Thanh Trúc, tháp Thú Thiện, và tháp Dương Long. Nếu không có nhiều thời gian, các bạn chỉ cần ghé thăm Tháp Đôi ở cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 2 cây số. Tháp Đôi nằm cách Cầu Đôi khoảng trăm mét, nhưng qua ca dao lại thật gần:
Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Vật vô tri còn đèo bòng duyên lứa, huống chi tôi với nàng?
Ghềnh Ráng nằm ở phía nam, cách trung tâm thành phố khoảng 3 cây số là thắng cảnh bậc nhất ở Quy Nhơn. Mộ Hàn Mạc Tử được gia dình và bạn bè cải táng từ Quy Hoà ra Ghềnh Ráng vào ngày 13 tháng 1 năm 1959. Mộ nằm trên Đồi Thi Nhân ngó ra biển; cảnh trí thơ mộng. Dưới chân đồi là bãi biển Quy Nhơn cong như vành trăng khuyết chạy dài đến phía bắc là đầm Thị Nại, xưa kia là bãi chiến trường đẫm máu giữa hải quân Chiêm Thành và Đại Việt, và giữa Tây Sơn với Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Đường từ dưới chân đồi lên mộ, không biết được ai đặt tên là dốc Mộng Cầm?
Người Việt Nam, lớn, bé, giàu, nghèo, thôn quê hay thành thị ai cũng biết Hàn Mạc Tử. Nhưng có điều buồn là thi tài của Hàn Mạc Tử không được phổ biến bằng căn bệnh phong (cùi, hủi…) quái ác mà ông mắc phải. Thời đó Phong, Lao, Cổ Lại là bốn căn bệnh bất trị; bệnh phong bị coi như sự trừng phạt của Thượng Đế khiến người mắc bệnh bị cô lập, xa lánh, bêu xấu, và bị mọi người tránh như tránh “Cùi” tránh “Hủi”. Mãi đến thập niên 1970-1980 khoa học mới tìm ra thuốc chữa vi khuẩn Hansen, bệnh phong không còn nguy hiểm nữa. Ở Việt Nam có khoảng 6o ngàn người bệnh sống trong 20 Trung tâm Ðiều trị Phong trên toàn quốc như Phú Quỳnh, Văn Môn, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quả Cảm, Quy Hòa… Trong đó gần 30 ngàn người bị tàn tật do khám phá bệnh muộn màng. Bệnh của Hàn Mạc Tử chỉ được các lang băm chữa trị bằng thuốc bí truyền làm cơ thể bị tàn phá gầy guộc. Đến khi tuyệt vọng, gia đình mới chịu đưa Hàn Mạc Tử vào Trại Phong Quy Hoà ngày 20 tháng 9 năm 1940 thì chưa đầy hai tháng sau, ngày 11 tháng 11 năm 1940, mới 28 tuổi Hàn Mạc Tử đã
Trút linh hồn
Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió – trong mưa gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
– Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày
Thi sĩ đã trút linh hồn thoát khỏi niềm đau thân xác, nhưng thơ tình của Hàn Mạc Tử vẫn còn “ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế”. Đây, những câu thơ ghê gớm nhất trong thi ca Việt Nam mà chỉ người vướng bệnh ái tình mới thấm thía thơ Hàn Mạc Tử:
Lang thang
Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?
Những giọt lệ
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si
Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…
Bên mộ Hàn Mạc Tử trên Đồi Thi Nhân có nhân vật dị thường Dzũ Kha tên thật là Trương Vũ Kha sinh năm 1960 tại Phù Cát, Bình Định tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật vì quá yêu thơ Hàn Mạc Tử đã dựng “Nhà lưu niệm thơ Hàn Mạc Tử – Bút lửa Dzũ Kha” dùng bút lửa khắc thơ trên gỗ và chăm sóc hương khói cho mộ phần thiên tài yểu mệnh Hàn Mạc Tử từ 30 năm qua.
Nghệ thuật bút lửa là cách viết bằng bút có ngòi dây lò xo xoắn, được làm nóng bằng điện. Khi viết, ngòi chạm vào gỗ phát ra lửa, bốc khói. Bút lửa thường viết trên gỗ thông, gỗ mít mềm dễ cháy theo ý muốn; riêng nghệ sĩ Dzũ Kha đạt đến trình độ hoả hầu viết thẳng trên giấy.
Lần đầu tiên đến lều thơ Bút lửa, tôi không gặp Dzũ Kha. Mấy năm sau trở lại, tôi gặp người phụ nữ ngồi im lặng khắc thơ với đôi mắt buồn u uẩn. Thấy tôi say sưa đứng ngắm bút lửa nhảy múa cháy đỏ những vần thơ toả mùi gỗ thông thơm ngát, cô ngừng bút:
– Anh thích câu thơ nào của Hàn Mạc Tử?
Tôi khẽ ngâm:
Lưu luyến
Anh đứng cách xa hàng thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
Em cười anh cũng cười theo nữa
Để nhắn hồn em đã tới nơi

Cô ứa nước mắt, hỏi:
– Anh có viết báo không?
Tôi đáp bừa:
– Có; nhưng báo biếu. Mỗi tháng chỉ ra chừng 5 ngàn quyển thôi.
Cô lộ vẻ vui mừng, dùng bút lửa đề tặng tôi tập “Hành trình đến với Hàn Mạc Tử” do Dzũ Kha và cô sưu tầm kèm theo mấy lá thư và tấm hình chụp chung với Mộng Cầm:
– Nhờ anh giúp em?
Về nhà đọc sách, mới biết Dzũ Kha, người nghệ sĩ nguyện suốt đời giữ lửa thơ Hàn là một đại cao thủ đã gác kiếm giang hồ.
Bạn lên phố thị xênh xang
Riêng ta ở lại đa mang xứ Ghềnh
Phồn hoa náo nhiệt lãng quên
Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn
Đông về, thu lại, xuân sang
Cùng ai với ánh trăng vàng biển khơi
Thỏa lòng đổi trót cuộc chơi
Chỉ mong tìm lấy một đời thường thôi
(Dzũ Kha, Thoả lòng)
Rồi mở thư xem, biết không thể nào “gỡ rối tơ lòng thòng” giữa cô và Dzũ Kha được nên trong lòng tôi có ý thẹn, im luôn. Lần nầy lên Đồi Thi Nhân gặp Dzũ Kha, nói chuyện cười ha hả… Tôi nghĩ trên đời nầy ai yêu nhân vật dị thường Dzũ Kha cũng sẽ trở thành nàng thơ như các nàng thơ từng thoáng qua đời Hàn Mạc Tử. Hoàng Thị Kim Cúc vì một bài thơ của Hàn Mạc Tử mà trọn đời không lấy chồng!
Ở đây thôn Vỹ Giạ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Mai Đình (1917-1999) tên thật là Lê Thị Mai cũng vì bài thơ “Lưu Luyến” mà yêu Hàn Mạc Tử chân tình dù biết chàng mắc bệnh phong, ai cũng tránh xa. Nếu Hàn Mạc Tử chịu theo Mai Đình vào Trại Phong Quy Hoà sớm thì thơ Hàn Mạc Tử biết để đâu cho hêt? Chỉ có Mộng Cầm là giai nhân “muôn năm gieo sầu thảm” cho Hàn Mạc Tử. Độc chiêu của Mộng Cầm là chờ người yêu chết rồi mới đi lấy chồng! Quá ư tối độc khiến Mai Đình cũng phải kính phục thảng thốt kêu:
Mộng Cầm hỡi! Nàng là tiên rớt xuống
Hay là vì tinh tú giáng trần gian?
Diễm phúc thay! Sung sướng biết bao vàn
Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu?
Tôi là kẻ thiếu nhiều và thiếu mãi
Đã ra người hành khất bấy lâu nay
Mà người đời toàn ban vị đắng cay!
Tôi nghĩ Dốc Mộng Cầm đưa lên Đồi Thi Nhân nên đổi thành Dốc Mai Đình để Quy Nhơn thay Hàn Mạc Tử tạ lỗi Mai Đình? Khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo thì Hàn Mạc Tử tuyệt giao với Mộng Cầm; nhưng nỗi đau thân xác cộng với niềm đau khổ trong tình yêu ám ảnh triền miên làm con tim Hàn Mạc Tử rướm máu bật ra những vần thơ thống thiết
Muôn năm sầu thảm
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì…
Nếu có dịp đến Quy Nhơn, các bạn nên chọn sẵn vài câu yêu thích nhất của Hàn Mạc Tử đem lên Đồi Thi Nhân nhờ Dzũ Kha dùng bút lửa khắc thơ lên gỗ làm kỷ niệm.
Ngay dưới chân Đồi Thi Nhân là Bãi Trứng (trứng đá) thường được gọi là Bãi Tắm Hoàng Hậu bởi Hoàng Hậu Paramecvari tức Công Chúa Huyền Trân và Nam Phương Hoàng Hậu đã từng tắm tại đó. Đến Bãi Trứng ngồi ngắm cảnh bình minh trên biển Quy Nhơn tuyệt đẹp; nhưng vì nguy hiểm, Bãi Trứng ngày nay bị cấm tắm.
Rời Đồi Thi Nhân, cháu Minh-Tâm lái xe đi tiếp vào Trung tâm Ðiều trị Phong và Da Liễu ở Quy Hoà cách đó khoảng 2 cây số. Quy Hoà nằm trong lòng núi bên bờ biển. Khung cảnh thâm u, yên tĩnh, và trong lành. Làng phong do linh mục Paul Maheu thuộc hội Thừa Sai Paris và bác sĩ Lemoine thành lập năm 1929. Cơn sóng thần đêm mồng 1 tháng 11 năm 1933 tàn phá san bằng làng phong. Soeur Charles Antoine xây dựng lại và tiếp tục sứ mệnh cưu mang bệnh nhân bất hạnh. Làng có bệnh viện, nhà thờ, và 355 căn hộ gia đình cho 1088 người cư ngụ. Trước bệnh viện có công viên với tượng bán thân của các danh y và khoa học gia đã có công nghiên cứu chữa trị bệnh phong. Căn nhà hoang vắng với chiếc giường nằm trong những ngày cuối đời của thi sĩ Hàn Mạc Tử vẫn còn đó. Ngôi mộ đầu tiên của Hàn Mạc Tử trong nghĩa địa Quy Hoà đã được ca sĩ Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xây dựng lại như hình một vầng trăng; trên mộ phần mở sẵn tập thơ với cây bút chờ thi sĩ khạc hồn ra thơ khi con tim
Rướm máu
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da..
Mộng Cầm (1917-2007) tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, cháu kêu thi sĩ Bích Khê bằng cậu. Mối tình đẹp dang dở Mộng Cầm và Hàn Mạc Tử được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh biến thành bất tử qua nhạc phẩm “Hàn Mạc Tử”. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã ém thơ Hàn Mạc Tử lẫn lộn với lời bài hát do ông đặt làm “Người thiếu nữ bên mộ Hàn” hiểu lầm. Tôi đề nghị:
– Mời đọc vài vần thơ của Hàn Mạc Tử cho người nằm dưới mộ nghe?
– “Ai mua trăng tôi bán trăng cho?”
– Còn câu nào nữa không?
Cô cất tiếng hát tha thiết:
– “Tình đã lỡ, xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi…”
Tôi nghĩ nếu Hàn Mạc Tử gặp “Người thiếu nữ bên mộ Hàn” ngày hôm ấy, ông sẽ khạc ra nhiều bài thơ tình bất hủ?
– Câu thứ nhất, đúng là thơ Hàn Mạc Tử; nhưng câu sau là lời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát có nhiều sai lầm:
1- “Tình yêu vừa chớm xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân” Hàn Mạc Tử mắc bệnh, nhưng không bao giờ làm một phế nhân. Trước khi trút linh hồn, trên giường bệnh, Hàn Mạc Tử còn sáng tác đoản văn xuôi tiếng Pháp “La Pureté de l’âme” và tiếng Việt “Linh hồn thanh khiết”.
2- “Tình đã lỡ, xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi” Hàn Mạc Tử theo Thiên Chúa Giáo, không tin có kiếp sau và thơ của Hàn không có thề thốt!
3- “Người xưa nào biết chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa” Hàn Mạc Tử mất năm 1940; hai năm sau, Mộng Cầm mới lập gia đình với Hồ Lộng Địch thì làm gì có chuyện Mộng Cầm bỏ Hàn Mạc Tử đi lấy chồng!
Khách đến thăm hôm ấy, ngoài hai cậu cháu chúng tôi, còn một cặp phu phụ yêu thơ Hàn Mạc Tử đến từ Hà Nội, và “Người thiếu nữ bên mộ Hàn” che mặt khóc. Cảnh sắc hiu quạnh như ngôi mộ trống làm tôi xúc động hình dung ra bài thơ tiên tri
Trường tương tư
Em cố nghĩ ra một chiều vàng úa
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru:
“Một mối tình nức nở giữa âm u
“Một hồn đau rã lần theo hương khói
“Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
“Một lời run hoi hóp giữa không trung
“Cả niềm yêu ý nhớ cả một vùng
“Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn
Đấy là: tất cả người anh tiêu tán
Cùng Trăng Sao bàng bạc xứ say mơ
Cùng tình em tha thiết những văn thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế