San Juan

San Juan, Nơi Nghỉ Mát Ước Mơ (tập một)
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng Mười Một năm 2013)
Trưởng đoàn: Thái-Thanh
Phái đoàn: Mộng-Loan, cu Toàn, Mộng-Lan & Thái-Vinh

San Juan là nơi nghỉ mát ước mơ? Hùm… Tôi không nhớ San Juan là nơi ước mơ được đi thăm một lần trước khi chết của tôi. Tôi chỉ nhớ mười hai năm trước nàng đưa mẹ đến San Juan nghỉ mát, rồi về khen San Juan có những kiến trúc cổ kính thời thuộc địa Tây Ban Nha rất xinh xắn; ở nơi đó mọi người làm ít ăn nhiều và thích ca hát suốt ngày đêm. Tôi nghe tựa hồ như nàng nói về một thành phố nào đó ở bốn tiểu bang biên thùy miền nam nước Mỹ mà Amigos đang dần dần chiếm đa số, nên không đòi đi San Juan nghỉ mát! Năm nay nàng hỏi:
– Anh muốn đi thăm nơi nào ở South America?
Tôi nói ngay:
– Machu Pichu ở Peru.
– Vậy ráng đợi đi Hiking với Lâm!
– Thôi cho anh đi Buenos Aires của Argentina?
– Đi Argentina phải cần Visa; có muốn đi không?
– Kiếm nước nào mà người Mỹ không cần Visa đi cho phẻ?
– Vậy đi Santiago của Chile nhé?
Tôi in một xập trang trên mạng giới thiệu về những nơi đáng thăm và ăn ngon ở Santiago đem lên máy bay từ Los Angeles đi Miami đọc cho biết trước. Đọc đâu khoái đó; đọc đến chỗ “Dân Mỹ không cần Visa (chiếu khán) nhập cảnh Chile, nhưng phải trả lệ phí 160 đô la lúc đến phi trường”, tôi vội vàng gọi điện thoại báo cho mẹ con nàng và cu Toàn đang chờ đi Miami tại phi trường Philadelphia, và tự nhiên tức thầm chính phủ Mỹ bây giờ nghèo, phải lấy 160 đô la của dân Chile (Chí Lợi) xin Visa đi Mỹ làm chi để cho chính phủ của họ phải lấy lại của tôi 160 đô la xin vào Chile! Cái đó gọi là lệ phí ăn miếng trả miếng (reciprocity fee) để không có kiểu nước lớn ăn hiếp nước bé. Điều nầy chỉ làm người dân hai nước phải thắt bụng tốn thêm một món tiền. Nếu không biết trước cái vụ mỗi người phải để dành 160 đô la cho lệ phí đó, lúc đến phi trường có phải làm vợ chồng gây gỗ nhau không?
Nàng lập tức cho máy bay du lịch đổi hướng Santiago đi San Juan. Đến Miami, tôi dụt mấy xập trang du lịch Santiago, rồi đi ngang dọc bên trong phi cảng tìm gặp mẹ Loan của cu Toàn đang nhởn nhơ đi tay không mới đến từ Paris. Tôi ngạc nhiên, hỏi:
– Hành lý đâu?
– Loan gửi va li từ Paris đi trực tiếp sang Santiago vì có mua một lọ nước hoa quá 100ml (3.4 ounce) không được phép mang lên máy bay.
– Chương trình đi nghỉ mát Santiago đã đổi ra San Juan rồi!
Loan tái mặt thì cu Toàn từ xa chạy ập lại ôm mẹ sau một tuần xa cách.
San Juan nằm vế phía Đông Nam cách Miami 1000 dặm. Chuyến bay số 1317 của hãng American rời Miami lúc 7:20 PM đến San Juan Luis Muñoz Marín International Airport 11 giờ đêm. Trưởng đoàn Thái-Thanh mới nghỉ mát ở San Juan mấy tháng trước, nên rất rành rẽ. Tắc xi từ phi trường đưa về khách sạn mất khoảng 15-20 phút, giá $20; ban đêm tăng $5; thưởng thêm $5 nữa. Xe đỗ ngay trước quán nhậu SJ Food Court còn dìu dặt tiếng nhạc trong đêm khuya ở phố cổ (Old San Juan). Bên cạnh là cửa vào khách sạn Posada San Francisco.
– Ủa, Hotel gì mà không có văn phòng, lại khoá cửa sau 7 giờ tối?
– Posada không phải Hotel, mà là Hostel, một loại nhà trọ hay ký túc xá sinh viên.
– Gần nửa đêm rồi; chắc giờ nầy chủ khách đều an giấc?
– Anh cứ để cho con gái lo!
Sau một hồi điện thoại, có người mở cửa sắt. Trong hành lang hẹp có cầu thang đi bộ và thang máy. Toàn bộ khách sạn nằm trên ba tầng lầu bốn, năm, và sáu. Tashia trẻ đẹp, nước da đen ròn tưởng như dân bản địa Taíno, nhưng quê ở North Carolina vui vẻ tiếp phái đoàn ở lầu sáu, rồi đưa xuống lầu năm nhận phòng. Mỗi tầng lầu đều có một phòng chung vừa là nhà bếp, vừa là phòng ăn và phòng khách có ban công trông ra biển. Giờ nầy vẫn còn người nấu ăn và tâm sự. Mẹ Loan, cu Toàn, và Thái-Thanh lấy phòng số 8; chúng tôi lấy phòng số 9 kề bên. Khí hậu San Juan ấm áp quanh năm và hơi ẩm. Mở máy lạnh tối đa chạy vù vù, rồi vọt ra phòng khách ngồi chơi chờ cho phòng mát. Hai bên hành lang có cầu tiêu công cộng và hai phòng tắm chung, nước chảy hơi yếu! Người nấu ăn là du khách hiền lành bên Dominican Republic. Tôi kết bạn với Fernando ngay. Ngoài ban công là cặp vợ chồng người Canada đã về hưu đi chu du năm châu bốn biển. Bà Linda thân mật, vừa nói chuyện vừa đan áo; nhưng ông Sherwin về già bị bịnh chung của đàn ông Việt là thích nổ. Ông nổ lung tung, tự cho cái gì cũng biết; nhưng không biết New Caledonia ở đâu, và không biết nói tiếng Việt lẫn tiếng Pháp lưu loát như cu Toàn! Một lúc sau phòng khách lầu năm của chúng tôi lại thêm người vào vì là nơi duy nhất trong ba tầng lầu bắt được Internet. Tiền phòng một giường ở lầu năm hay lầu sáu là $50 một đêm (Lấy phòng sau 7 giờ tối, phải trả thêm $5); nhưng ở lầu bốn, tiền phòng rẻ hơn một nửa vì phòng kiểu ký túc xá có bốn giường chồng (Bunk bed) và hai giường riêng. Gia đình đông người nên thuê hết cả phòng như vậy để ở chung vừa rẻ vừa vui. Lầu bốn còn có phòng cho thuê xe đạp $10 một ngày.
Địa chỉ Posada San Francisco cho các bạn nè:
405 Calle San Francisco
Old San Juan, Puerto Rico 00933
Telephone: (787) 996-0324
Tôi trằn trọc:
– Nóng quá, anh ngủ không được!
– Ngủ đi anh? Ngày mai em sẽ đổi phòng!
Tôi nhắm mắt cố quên sức nóng và tiếng máy lạnh chạy vù vù thiếp đi không biết được bao lâu, bỗng vụt ngồi bật dậy như quỷ nhập tràng ú ớ suýt tắt thở vì máy lạnh ngừng hoạt động từ lúc nào!
– Ngủ đi anh? Ngày mai em sẽ đổi phòng!
– Bây giờ đã là ngày mai rồi…
Ngoài hành lang, tiếng máy lạnh của tất cả các phòng khác đều cố hết sức quạt ru mọi người say giấc; nhưng Fernando ngủ không được vì nhớ nhà. Ông có cậu con trai cùng tên cũng hiếu khách và nói chuyện rất lịch sự. Hai cha con đi thuyền từ Santo Domingo của Cộng Hòa Dominican sang chơi, nhưng thuyền hư đã mấy hôm nay chưa về được. Ông đang luộc mấy củ khoai mì, chuối ngự… Thấy tôi, ông mừng như gặp bạn cố tri, mời ăn, uống cà phê, lại cố dạy tôi học tiếng Xì.
Bên kia đường San Francisco bóng Christopher Columbus trên tượng đài cao vút mờ mờ trong ánh đêm dần tàn đang ngước mắt nhìn trời cảm tạ Thượng Đế đã giúp ông khám phá ra Ấn Độ vào tháng Tám năm 1492 mở đường cho các Đế quốc Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, và Hoà Lan kéo đến chiếm Châu Mỹ làm thuộc địa khiến người Indians dần dần mất đất, bị bắt làm nô lệ, và đi vào đường tuyệt chủng. Cả nước Mỹ không có tượng đài Christopher Columbus nào cao như tượng đài ở San Juan, và người Mỹ cũng không quan tâm tới người khám phá ra Châu Mỹ mà cứ cho đó là Ấn Độ!
Ở nhà trọ có hai điều lợi là có bếp nấu ăn tiết kiệm được tiền du lịch và dễ dàng kết bạn. Khám phá quan trọng trong buổi sáng đầu tiên của tôi ở San Juan là tìm ra tiệm thực phẩm SuperMax có bán mì gói nằm trên đường Cruz cách nhà trọ Posada San Francisco chỉ bốn góc đường. Tôi hỏi Rippy, mặt lúc nào cũng đỏ gay như say:
– Ở San Juan có chỗ nào đáng đi thăm?
– Nên đi thăm Bacardi nếm rượu RUM nổi tiếng khắp thế giới.
– Đi như thế nào?
– Lấy phà sang Cataño.
Rippy thấy ở ký túc xá còn rẻ hơn tiền “Share” phòng ở Mỹ, sẵn chưa biết đi đâu, nên ông đã ở đó hơn một tuần nay. Trước kia ông làm huấn luyện viên dạy Tennis tại Oregon State University. Bây giờ về hưu, ông giao nhà cho con gái, rồi lên đường viễn du. Nghe lời tôi, ông sẽ sang thăm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, và Thái Lan; còn Hector gốc Mễ là bạn cùng phòng với Rippy đang có việc làm ở San Francisco, bỗng nổi máu giang hồ bỏ ngang đi du lịch. Ở Posada San Francisco, tôi còn gặp nhiều người phiêu lưu như vậy, mới biết San Juan đúng là nơi nghỉ mát ước mơ.
San Juan là thủ đô của Puerto Rico, một lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, giống như New Caledonia của Pháp. Trong bốn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Greater Antilles ở biển Caribbean gồm Cuba, Hispaniola, Jamaica, và Puerto Rico thì Puerto Rico nhỏ nhất với diện tích 9104 km² (3515 dặm vuông), nhưng mật độ dân số cao nhất với gần 4 triệu dân. Christopher Columbus trở lại lần thứ hai vào tháng Mười Một năm 1493 đã sáp nhập Puerto Rico làm thuộc địa của Tây Ban Nha. Vì Puerto Rico (Rich Port) là vị trí chiến lược chắn cửa vào Châu Mỹ, nên Puerto Rico từng là chiến trường giữa các cường quốc Âu Châu đi tìm thuộc địa. Tây Ban Nha giữ vững Puerto Rico hơn 400 năm cho đến khi Mỹ ủng hộ cuộc nổi dậy của Cuba đòi độc lập dẫn đến cuộc chiến tranh Spanish-American ngắn ngủi từ ngày 25 tháng Tư đến ngày 12 tháng Tám năm 1898 ở bốn mặt trận Cuba, Puerto Rico, Phillipines và Guam thì Tây Ban Nha chịu thua, phải ký Hòa ước Paris 1898 lấy $20 triệu đổi bốn đảo ấy cho Mỹ muốn làm gì thì làm. Mỹ trở thành cường quốc; nhưng không ác như Tàu vẽ đường lưỡi bò liếm hết các đảo ở biển Caribbean. Đế quốc Tây Ban Nha suy yếu và tuột dốc từ đó. Tuy thua, nhưng tiếng Tây Ban Nha (Spanish) tục gọi là tiếng Xì thắng tiếng Anh ở Cuba, Puerto Rico, và khắp các xứ Châu Mỹ La Tinh, trừ Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha. Hiến pháp nước Mỹ không khẳng định tiếng Anh là tiếng chính thức. Theo đạo luật Jones Act năm 1917, người Puertorican sinh ra mang quốc tịch Mỹ, nhưng trường học từ mẫu giáo đến đại học đều dạy tiếng Xì; còn tiếng Anh chỉ là sinh ngữ thứ nhì (English as Second language). Thế nhưng theo cuộc trưng cầu dân ý ở Puerto Rico năm 2012, lại có hơn 60% dân chúng muốn Puerto Rico trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ. Tôi hỏi một người bạn Mỹ thuộc đảng Cộng Hoà, “Bạn nghĩ sao?” Người ấy nói ngay, “Trả lại độc lập cho họ!”
Phái đoàn đã thức dậy. Nhờ phòng ấm, ai cũng ngủ ngon. Nàng đã đổi được phòng. Tôi rủ Rippy cùng đi Bacardi nếm rượu; nhưng ông mới khám phá ra ở ngay phố cổ cũng có chỗ cho nếm rượu thả giàn. Thái-Thanh hướng dẫn phái đoàn đi ăn sáng trước khi xuống phà băng qua vịnh San Juan. Quán ăn mang tên đảo Mallorca thơ mộng của Tây Ban Nha ở Địa Trung Hải gợi lại kỷ niệm hơn 30 năm trước, chúng tôi đã đến đó đi xuống đại thính phòng trong hang Cuevas del Drach say mê theo dõi hai bóng thuyền dưới ánh đèn lung linh bơi lại từ hai phía dòng sông ngầm trổi lên tiếng đàn dương cầm và vĩ cầm réo rắt. Thức ăn ở quán Mallorca ngon; lại có hai trưởng lão trên bát tuần tiếp khách rất thân mật.
Từ tượng đài Christopher Columbus đi bộ đến hải cảng San Juan chỉ năm phút. Đó là bến cảng nhộn nhịp nhất trong các bến cảng ở biển Caribbean. Tám bến tàu ở phía nam dành cho thuyền chở hàng; Tám bến tàu ở phố cổ dành cho thuyền du lịch. Port San Juan là bến chính của các đại du thuyền như Carnival Cruises và Royal Caribbean. Dân chúng và du khách từ hai bên vịnh San Juan qua lại bằng Cataño Ferry (La Lancha de Cataño). Từ bến tàu số 2 ở phố cổ San Juan chạy sang Cataño mất khoảng 7-10 phút. Giá 50 xu mỗi người. Các bạn trên 6 bó chỉ trả 25 xu; còn các cụ trên 7 bó rưỡi được miễn phí.
Ngày thường cứ mỗi khoảng 15 phút, hay 30 phút vào ngày cuối tuần đều có một chuyến phà đưa bạn tha hồ sang thăm Bacardi nếm rượu. Đến Cataño, phải lấy tắc xi hay Minivan để đến Bacardi. Giá tắc xi từ $3 đến $5 mỗi người; còn Minivan $1. Thấy một thanh niên có vẻ giống người Hà Nội đang nắm tay đứa con nhỏ đợi xe dưới bóng cây nở rộ hoa vàng, tôi lại làm quen, hỏi cho biết tên cây hoa:
– Could you tell me what is the name of this flower tree?
– Nobilish.
Tôi nghe mù mờ, hỏi lại:
– Nobilish?
Người ấy trả lời chậm rãi:
– No English!
Lên xe phái đoàn được một trận cười nghiêng ngửa. Cây hoa vàng Nobilish được trồng rất nhiều ở San Juan. Vợ chồng người Puertorican bán hàng trên vỉa hè Paseo de la Princesa nói là hoa Volaris; còn bác tài Minivan chở chúng tôi từ Bacardi trở lại bến Cataño lại bảo là hoa Flamboyant làm tôi tức tối vì tôi biết rành hai loại hoá đó. Mãi đến khi về nhà, ngó thấy bụi cây bên kia rào mới trổ bông, té ra đó là hoa Yellow Elder có tên khoa học là Tecoma Stans.
Bacardi là rượu Rum với nhãn hiệu con dơi nổi tiếng khắp thế giới nên nhà nào cũng có sẵn một chai rượu Bacardi để pha uống hay nấu ăn.
– Em ơi, nhà mình có Rum Bacardi không?
– Có chai Bacardi Dragon Berry trong tủ kìa!
Tôi mở nút, rượu mùi trái dâu bay ra ngào ngạt.
Trung tâm tiếp khách Bacardi ở Cataño, Puerto Rico lúc nào cũng nhộn nhịp du khách, mở cửa thứ Hai đến thứ Bảy từ 9AM-10:30AM và 12PM-4PM. Khách ghi tên được tặng hai vé nếm rượu miễn phí và lên xe tua cứ mỗi hai mươi phút từ trung tâm tiếp khách hình con dơi bay đưa vào khu triển lãm trong nhà máy để được giới thiệu lịch sử rượu Bacardi, coi chiếu phim phương pháp chế tạo rượu, và nghe giọng nói thâm trầm lôi cuốn hấp dẫn như Darth Vader trong phim Star Wars của quán chủ về các loại rượu Bacardi pha với hương vị trái cây như chanh, khế, xoài, dừa, dứa… ngay cả Coca-Cola pha với Rum. Bacardi Rum được làm bằng nước cốt mía hay sản phẩm của mía qua một quá trình chưng cất, lên men, lọc bằng than củi, hoá già trong thùng thép không gỉ giữ mầu trong suốt, hay trong thùng gỗ sồi để tạo mầu hổ phách đậm nhạt tuỳ theo thời gian, và cuối cùng là pha trộn hương vị. Trong số hàng trăm loại rượu Rum do Bacardi sản xuất với độ cồn trung bình từ 35% đến 40%, đặc biệt có Bacardi 151 với độ cồn lên đến 75.5% do nhà máy Bacardi Limited of Hamilton ờ Bermuda sản xuất là có thể so sánh tàm tạm với rượu đế, một Đế Tửu bình dân, nhưng tuyệt vời của Việt Nam.
Người sáng lập Bacardi Rum là Facundo Bacardi Massó sinh năm 1814 tại Barcelona, Spain. Năm 1830 Facundo di cư theo các anh đến Cuba lập nghiệp. Ông lập gia đình với bà Doña Amalia năm 1843. Trận động đất năm 1852 làm tiêu tan sự nghiệp và bệnh dịch tả cướp mất hai người con, gia đình ông tạm lánh nạn ở California, rồi sau đó trở về Cuba bắt đầu kinh doanh rượu Rum từ ngày 4 tháng Hai năm 1862. Nhờ José León Boutellier, một người Cuban gốc Pháp cộng tác nâng kỹ thuật chưng cất, rượu của hãng “Bacardi, Boutellier, and Company” từ từ tiến lên hàng vua các loại Rum. Rồi Barcardi mua đứt thương hiệu “Bacardi, Boutellier, and Company” đổi ra thành “Bacardi and Company” với nhãn hiệu con dơi vì phát hiện ra trên trần nhà hầm rượu có nhiều dơi được coi là điềm may mắn vì loại dơi “Mexican free-tailed bats” chuyên ăn các loại sâu bọ phá mía. Facundo Bacardi Massó mất ngày 9 tháng 5 năm 1886; nhưng con cháu đời đời kế nghiệp làm vua rượu Rum hiệu Bacardi. Khi Fidel Castro cướp chính quyền và quốc hữu hoá tất cả công ty tư nhân vào ngày 15 tháng Mười năm 1960, toàn bộ gia đình Bacardi di tản ra khỏi Cuba. Ngày nay công ty chế tạo rượu Bacardi có mặt trên 16 nước sử dụng 6 ngàn nhân công làm việc trong 27 nhà máy sản xuất bán hơn 200 triệu chai rượu Bacardi với thương vụ trên 5 tỷ đô la hàng năm. Barcadi ở Puerto Rico là cơ xưởng sản xuất rượu Rum lớn nhất thế giới, nhưng tổng hành dinh của công ty Bacardi lại đặt ở Bermuda để tránh thuế!
Kết thúc tua thăm viếng Casa Bacardi, phái đoàn trở lại trung tâm tiếp khách hình con dơi bay thưởng thức vài loại rượu pha. Cu Toàn thích nhất loại Rum Bacardi Cuba Libre, pha rất dễ như sau:
2 phần Rum Bacardi
4 phần Coca-Cola (không được thay thế bằng Pepsi nhé!)
2 lát chanh
và vài cục đá ướp lạnh.