NỖI NHỚ

NỖI NHỚ
Thanh-Thanh

Con đường xưa ngày trở về quê Mẹ
Sân trường buồn xơ xác lá phượng rơi
Dòng Hà Thanh chiều ba mươi lạnh ngắt
Em tôi ơi, trôi dạt bóng phương trời?

Bỏ lại tuổi thơ, tàu ga nhộn nhịp
Em đâu rồi một dáng dấp hồn nhiên
Ôi… bên kia cầu Thế Thạnh thân quen
Tuổi thần tiên mơ mộng mối tình đầu

Con đường đến trường bao năm vẫn nhớ
Tóc ngắn môi xinh áo trắng học trò
Quán xá Cây Da chợ tan hiu hắt
Hoài niệm quê nhà gợi nhớ trong em…

TRỞ LẠI CHỐN XƯA
Thanh-Thanh

Anh về gợi lại chút tình quê
Xuân ơi! xao xuyến dạ mong chờ
Có ai gõ cửa khung trời mộng
Anh chúc Xuân nồng tiễn gió đông

Anh về lưu luyến chút tình quê
Cô gái năm xưa đã lấy chồng
Ngõ vắng đường ga chiều phố chợ
Cả trời thương nhớ Phố Diêu xưa

Việt Nam mùa bão


Việt Nam Mùa Bão
(Đăng trong nguyệt san Bút Tre tháng 12, 2017)
Thái-Vinh

Nghe tôi sắp đi về Việt Nam, em tôi lo ngại:
– Siêu bão con Voi (Damrey) mạnh cấp 12 sắp đổ bộ vào miền Trung đó anh!
Tôi trấn an:
– Mười năm trước anh chị và phái đoàn Úc đã chạy xe điên cuồng trong mưa bão từ Hà Nội vào Hội An lội nước lụt thăm Phố Cổ vui lắm. Lần nầy các nhà lãnh đạo kinh tế APEC mà còn dám mạo hiểm họp thượng đỉnh tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11 thì thường dân như bọn anh thấy chẳng có gì đáng sợ cả! Mấy tuần trước, con gái của anh chị đã thay ba mẹ về Đà Lạt giúp ông ngoại chữa bệnh; nay chị vừa sống sót qua trận chiến ung thư, phải cấp tốc về thăm bố.
Đã lâu lắm nàng tránh về thành phố mang tên “Bác” vì oi bức, quá đông người và xe cộ; nhưng từ tháng 11 trở đi thời tiết ở cố đô đã mát mẻ dễ chịu như Arizona. Chúng tôi đáp chuyến bay KE683 của hãng Korea đến phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 10 giờ tối. Thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đã cải cách ngang tầm các nước trong khu vực, khá nhanh chóng. Theo báo “Hải quan online” khoe trên 93% hàng hoá vào Việt Nam miễn kiểm tra. Nếu nhân viên kiểm soát di trú không hỏi vớ vẩn như “Chú về nước đi chơi đâu, hay chơi bao lâu…” thì tôi đã chấm điểm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam ngày nay còn “trên cả tuyệt vời”!
Việc đầu tiên trước khi bước ra khỏi phi cảng là đổi tiền và mua thẻ điện thoại (Sim Card) gắn vào điện thoại di động của bạn để gọi xe và liên lạc với người thân ở Việt Nam. Cô nhân viên bán Sim Card của Mobifone rất duyên dáng và tử tế.
Việt Nam bây giờ đã có dịch vụ gọi xe Uber rất tiện lợi; đặc biệt cho người nước ngoài tránh bị tài xế taxi và xe ôm chở chạy lòng vòng chém chặt. Chỉ cần gắn ứng dụng gọi xe Uber vào điện thoại thông minh (smart phone), bạn dễ dàng gọi xe đón và theo dõi vị trí chiếc xe của mình. Khi đến nơi, chỉ bước ra xe. Mọi thủ tục thanh toán qua ứng dụng gọi xe Uber chỉ cần một cái nhấn trên điện thoại rất nhanh chóng. Hiện tại các nghiệp đoàn taxi ở Việt Nam cảm thấy bị thua thiệt, đang quyết liệt tranh đấu đòi chính quyền dẹp bỏ sự cạnh tranh “bất chính” của Uber. Hùm… tôi nghĩ bất kỳ sự cạnh tranh đứng đắn nào mà có lợi cho người tiêu dùng nên khuyến khích; và tôi đã chọn khi nghỉ hưu sẽ trở thành tài xế lái Uber ở Gilbert và Chandler rồi đó!
Sài Gòn có hai bến xe lớn nhất nước là Bến Xe Miền Tây ở quận Bình Tây và Bến Xe Miền Đông ở quận Bình Thạnh. Trong tương lai, Bến Xe Miền Đông sẽ dời ra quận 9 Sài Gòn và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương để tránh kẹt xe trong nội thành Sài Gòn. Theo Website https://futabus.vn của hãng xe khách Phương Trang thì bến xe nằm tại 328A đường Lê Hồng Phong; nhưng khi xuống Uber mới biết đó chỉ là văn phòng bán vé. Sau khi mua vé đi Đà Lạt, hãng vé lập tức chuyển chúng tôi lên xe nhỏ chạy ngay ra Bến Xe Miền Tây bắt kịp chuyến xe nửa đêm.
Hãng xe khách Phương Trang khoe “Chất lượng là danh dự” với xe thuộc loại giường nằm nổi bật và hiện đại. Lên xe cũng như bước vào một ngôi nhà của người Việt Nam theo truyền thống cổ lỗ sĩ là phải tháo giày cho vào túi nhựa, cầm đi rón rén kẻo va đầu vào giường sắt! Đây là lần du lịch thứ ba của chúng tôi bằng xe giường.
Lần thứ nhất từ thủ đô Vientiane nước Lào của nàng đi Paksé, thủ phủ của tỉnh Champasack vào đầu năm 2010 nằm giường cho hai người ở tầng dưới. Đi loại xe giường trên xứ Lào rất phiêu lưu vì có thể bị nằm chung giường với một người khác phái mà mình không thích!
Lần thứ hai trong chuyến “Du lịch bụi” nước Chí Lợi (Chile) năm 2016 trên chuyến Tur Bus hai tầng với 25 ghế Salon Cama như khách sạn đưa phái đoàn chúng tôi từ Valparaiso đi Puerto Varas. Trên quãng đường xa 1200 cây số (746 dặm) bị bắt nằm ngủ liên tục 14 tiếng đồng hồ kẹt cứng bên trong một anh bản địa to lớn nên giấc ngủ của tôi đầy mộng dữ chiến đấu không ngừng với bọn thảo khấu chỉ chực chôm chỉa!
Lần thứ ba nầy nằm xe giường sắt nhỏ xíu như cỡi xe Bobsled của môn thể thao trượt tuyết mùa đông. Người Việt Nam nhỏ con nằm sao cũng vừa; nhưng cô gái Âu Châu bên cạnh mặc quần đùi đang trầy trật nhét cặp chân dài trắng trẻo vào giường bỗng ngó qua tôi cười. Xe chạy giồng xóc một lúc chỉ còn thấy một đống mền. Quãng đường Sài Gòn – Đà Lạt dài 300 km; ban đêm vắng vẻ không bị trục trặc dọc đường, ngoại trừ dừng nghỉ một lần ở Di Linh, chỉ mất khoảng 6 tiếng là đến bến xe Đà Lạt. Thành phố thân yêu buổi sáng sớm đón chúng tôi bằng cơn mưa đầu ngọn bão con Voi đang đập vào Nha Trang. Mặc trời mưa, hàng quán từ chợ mới Mỹ Thành bày bán tràn lan ra hai bên đường Hoàng Diệu rất vui. Chúng tôi về lại trước cổng sắt biệt thự mang tên bức hoạ Mona Lisa nổi danh của Leonardo da Vinci xây trên lưng đồi năm 1908 được xem là một trong 1500 biệt thự cổ mang kiến trúc miền bắc của nước Pháp đang được bảo tồn để gợi nhớ hình ảnh Âu Châu vào đầu thế kỷ 20 trên đô thị Đà Lạt.
Đã 7 năm trôi qua tôi mới trở lại biệt thự Mona Lisa. Trước thềm, một đoá hoa hồng khoe sắc thắm như vui mừng chào đón người về. Ngôi nhà vắng vẻ rộng mênh mông bấy lâu chỉ thấp thoáng bóng dáng ông bà cụ bỗng tràn đầy tiếng cười ấm nhà. Đi ngang qua hành lang, với tay sờ trái khế duy nhất trên cành khẽ run trong gió, tôi bồi hồi nghĩ tới ngày sắp về hưu. Mảnh vườn sau là giang sơn riêng của bà cụ với bơ, me, vú sữa… sum xuê như một đám rừng nhỏ. Ông cụ còn yếu lắm, nhưng thích ăn ngon, dặn bà cụ đi chợ mua thịt gà về chính tay ông làm đãi thằng cháu ngoại. Trước kia, thấy tôi chỉ biết ăn xôi vỉa hè; lần nào tôi về, ông cụ cũng rủ tôi cùng đạp xe ra tận quán Bánh Cuốn Thanh Trì trên đường 3 tháng 2 mua quà sáng cho cả nhà. Tất cả các quán ngon bây giờ đều gần nhà; ngon nhất và rẻ nhất là quán cóc Xíu Mại Chấm trước nhà. Buổi sáng, anh trai bán xíu mại chấm với bánh mì; buổi chiều em gái bán bánh bèo ăn với giò lụa. Chỉ 20 ngàn đồng (gần bằng 1 đô la) mỗi suất thay cơm là đủ vui trong lòng suốt một ngày! Mẹ con nàng rủ tôi đi bộ ra bờ hồ Xuân Hương mua hàng ở Big C. Đây là một khu shopping kỳ quặc che mất vẻ đẹp của hồ Xuân Hương là trái tim đập nhịp muôn đời của Đà Lạt. Mẹ con nàng chơi quấn quýt bên ông bà cụ; còn tôi, mỗi khi trời tạnh mưa, xách máy đi săn ảnh. Đà Lạt bây giờ quá đông người và xe cộ. Suối Cam Ly từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly đã được nạo vét tạm bớt mùi tanh tưởi nồng nặc; nhưng Đà Lạt cũng giống như bất kỳ nơi nào ở Việt Nam đều không bao giờ thiếu rác! Nếu có ai hỏi tôi nghĩ gì về Việt Nam bây giờ, thì tôi đã có câu trả lời ngay: Việt Nam là xứ tự do nhất… Tự do xả rác ra đường!
Đêm tái ngộ với các em họ của nàng ở Đà Lạt, nàng đã hát “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành với tiếng đàn piano của chủ quán Nghệ Sĩ cũng là đêm cuối cùng của tôi ở Đà Lạt; ngày mai tôi sẽ đi trong mưa bão. Lần nầy cũng bằng xe thuộc loại giường nằm nổi bật và hiện đại của hãng Phương Trang, tôi đi về Quy Nhơn thăm mẹ. Bão con Voi đang tàn phá nhiều nơi ở miền Trung nên không còn ai quan tâm tới Hội nghị Kinh tế APEC ở Đà Nẵng. Các cháu gọi điện thoại, khuyên:
– Cậu nên đổi ngày đi!
Tôi hỏi:
– Họ đã mở đập xả lũ chưa?
– Chưa, cậu à.
– Vậy cậu phải đi; chứ chờ họ xả lũ chỉ có chết chùm!
Ngay mấy phút trước giờ xe đến đón, tôi còn điện thoại hỏi hãng xe Phương Trang và được trấn an chuyến xe Đà Lạt – Đà Nẵng vẫn khởi hành đúng giờ.
Xe chạy đường Miền Trung vẫn loại giường nằm, nhưng nệm giường bung xục xịch, xuống cấp rõ rệt. Có lẽ dân Miền Trung nghèo, chỉ cần có chỗ ngồi được đi về tới nhà bình an là mừng rồi nên không cần những sáo ngữ khoe khoang “chất lượng” và “danh dự” chăng?
Khoảng 2 giờ chiều xe lăn bánh theo đường đèo Khánh Vĩnh đi Nha Trang rồi theo Quốc lộ 1 ra Quy Nhơn. Nếu không bị trục trặc dọc đường dài 400 km thì sẽ đến Quy Nhơn khoảng 10 giờ đêm. Xe có 2 tài xế và 1 nhân viên tiếp khách; tất cả đều là nam nhân. Quy luật ở trong xe không được hút thuốc, không được ăn các món nặng mùi như sầu riêng, bánh mì thịt, không được xức dầu xanh… Tiếp viên vừa nói xong, chợt có tiếng phản đối:
– Đã có người xức dầu xanh kìa!
Có tiếng từ giường trên ngập ngừng đáp lại:
– Tui… tui chỉ bôi dầu cù là thôi mà!
Xe chạy trong mưa bão độ chừng 15 phút, bỗng nghe tài xế phụ nói chuyện lớn tiếng với ai đó trong điện thoại, rồi quay lại giải thích:
– Đường đèo Khánh Vĩnh đã bị sạt lở. Chúng ta phải đổi hướng đi đường đèo sông Pha (hay còn gọi là đèo Ngoạn Mục) xuống Phan Rang.
Ngoại trừ tôi, còn các hành khách trong xe dường như đã biết trước nên chẳng ai quan tâm, miễn là được về tới nhà bình an!
Tôi cần gửi tin nhắn báo cho cháu biết sẽ về tới nhà tầm khoảng 12 giờ khuya.
– Bác tài cho em xin mật khẩu Wifi?
Tài xế chỉ máy phát Wifi treo trên vách xe đang chớp đèn đỏ:
– Máy hư!
Nước từ bên hông núi chảy tràn qua đèo, rồi rơi ầm ầm xuống vực thẳm như thác đổ. Nhiều đoạn đường đèo hẹp bị xói lở, hai xe tránh nhau rất ghê rợn. Mỗi khi có dịp đi lại đường đèo Ngoạn Mục (tôi thích tên gọi nầy hơn) vì nó gợi lại kỷ niệm ngoạn mục năm nào bị cô gái ngồi băng ghế phía trước ói văng vào cổ áo trong truyện “Huy Hiệu Công Nghệ”, rồi quen nhau…
Xe đến Quốc lộ 1 thì mưa bão bỗng trở nên dịu dàng; Wifi hoạt động trở lại. Lúc chạy ngang Cam Ranh thì hành khách bắt đầu thức dậy, kêu đói. Xe dừng lại trước một quán ăn nhơ nhớp ngổn ngang bàn ghế; thức ăn chỉ còn phở và cơm trứng tráng cháy đen. Nhìn nồi nước phở nổi bọt như nước rửa bát, tôi ngao ngán thở dài ngủ với bụng trống cho đến khi tài xế phụ đánh thức, thả tôi xuống Diêu Trì.
Từ ngày em tôi trở lại Mỹ giúp con mới sinh cháu gái, mẹ tôi phải rời ngôi nhà thân yêu của bà để sang tá túc nhà cháu ngoại. Cháu Tuyến chở tôi về ngôi nhà cũ, nay chỉ dùng làm nhà để ô tô của cháu. Tôi khoá của sắt, lên lầu thắp nén hương cho ấm nhà, rồi mở cửa ra hiên lầu ngắm nhà cô láng giềng và dãy nhà buồn hiu của phố chợ. Từ ngày 25 tháng 11 năm 2016, ngôi chợ cũ gần một thế kỷ đã bị phá bỏ và thay thế bằng ngôi chợ mới cách đó khoảng 200 mét thì con đường Nguyễn Văn Trỗi từ chợ cũ chạy ngang trước nhà đi lên ga Diêu Trì như bị tê liệt chẳng còn sức sống! Hai cô giáo độc thân xinh đẹp đang mơ mộng gì trong hai ngôi nhà bên kia đường lúc nào cũng buồn, bây giờ có lẽ càng buồn hơn? Tôi chập chờn theo mộng mị trong ngôi nhà hoang vắng cho đến khi loa phóng thanh trên ga xe lửa oang oang phát bản tin chẳng ai thèm nghe đánh thức dậy lúc 5 giờ sáng!
Cháu Tuyến đến chở cậu đi ăn bánh hỏi với cháo lòng nổi tiếng của quán Hồng Linh, rồi về thăm mẹ. Mẹ tôi năm nay 96 tuổi và đã bắt đầu lãng trí từ 4 năm nay sau khi bị hai cô gái đẹp âm mưu lừa đảo bỏ thuốc độc vào cốc nước trà. Tháng 3 năm 2016 tôi về thăm mẹ; lúc đó nhờ có hai khuôn mặt thân ái lúc nào cũng quấn quýt bên cạnh là em gái tôi và chị Bảy giúp việc, mẹ tôi còn cười nói khi tôi trìu mến hỏi:
– Mẹ biết con về không?
– Sao lại không?
– Con là ai?
Bà ngẫm nghĩ mãi, rồi cười khúc khích.
Nhưng em tôi đã đi và chị Bảy cũng đã nghỉ việc. Tuy có chị Lợi rất hiền lành giúp đỡ, và đặc biệt có cô cháu dâu Tuyết-Mai hết lòng thương yêu chăm sóc bà, nhưng mẹ tôi đã đến giai đoạn mà anh tôi gọi là đã “giác ngộ”! Nếu “giác ngộ” là không còn biết nói cười và không còn biết gì chung quanh nữa thì “giác ngộ” là đã chết? Suốt ngày, mẹ tôi ngồi trước máy truyền hình cho đến khi ngủ gục trên xe lăn thì được bế lên giường nằm. Tôi xoa bóp chân tay mẹ và nói những lời yêu thương… nhưng mẹ tôi chỉ nghe mà không biểu lộ một cảm xúc gì cho đến hôm tôi ra đi, hôn mẹ và nói lời chia ly thì trong đôi mắt mẹ chợt ướt!
Bốn ngày ở quê, mưa bão liên miên. Nước sông Hà Thanh dâng cao chờ tràn qua cầu Diêu Trì; nhưng mọi sinh hoạt vẫn bình thường vì mọi người đều biết chắc chắn rằng một khi các hồ thủy điện mở đập xả lũ “đúng quy trình” thì nhiều việc bế tắc khó khăn đến đâu, ngay cả rác cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng! Tôi đã đi xe taxi ăn giỗ với các bà chị, đã cỡi xe đạp đi trong mưa và tự đón xe buýt thành phố đi thăm bạn; nhưng chính nhờ cháu Tuyến khi thì dùng xe ô tô, khi thì dùng xe mô tô chở tôi đi bất kể mưa gió bão bùng và lụt lội, tôi đã được gặp lại nhiều khuôn mặt thân thương tưởng đã “giác ngộ” từ lâu, như mợ Sáu sắp mừng tuổi đại thọ, còn minh mẫn, nhưng đã bớt than đau bệnh và không cần tiền nữa! Đặc biệt dì Nhâm là người tình cũ của ba tôi. Dì đã qua tuổi đại thọ, nhưng vẫn còn mở quán nho nhỏ bán bánh kẹo, nước ngọt, trà thuốc lai rai mà lại còn bán chịu cho khách hàng nợ, không cần ghi sổ sách; thật đáng nể trí nhớ của Dì! Cháu Tuyến bước vào quán, nói oang oang:
– Con là Vinh nè!
Dì ngước nhìn mặt Tuyến, rồi ngó ra cửa thấy tôi, mừng rỡ kêu:
– Vinh kia kìa!
Tôi chạy lại, trìu mến cầm tay, hỏi:
– Dì thấy con giống Ba không?
– Giống lắm!
– Dì có nhớ người yêu của Dì không?
– Có chớ sao không?
Sáng sớm ngày thứ Năm, gia đình cháu Tuyến bùi ngùi tiễn tôi tại phi trường Phù Cát. Trên máy bay nhìn xuống, miền Trung đang chìm dần trong biển nước lũ!

Thương ca tiếng Việt


Thương ca tiếng Việt
Sáng tác: Đức Trí
Lời: Hà Quang Minh
Biểu diễn: Kyo York & Ju Uyên Nhi

Tiếng Việt ru bên nôi
Tiếng Mẹ thương vô bờ
Đưa con vào đời bằng vần thơ
Những cánh cò bay rộng mộng mơ
Tiếng Việt Cha dạy con
Những chiều bay cánh diều
Câu đồng dao bên bạn quen
Cho con nhìn quê mình tình yêu
Tiếng Việt trong bài thơ
Có người xưa chinh phụ
Ngồi mỏi mòn đợi chờ chinh phu
Hoá đá rồi lời ca vẫn còn
Tiếng Việt còn trong mỗi người
Người Việt còn thì còn nước non
Giữ tiếng Việt như ngày nào
Hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau
Tiếng Việt còn trong mọi người
Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn
Giữ tiếng Việt cho nối đời
Lời quê hương ấy lời sắt son
Tiếng Việt đêm xuân xưa
Hát niềm thương quan họ
Câu qua cầu để lại mùa thương
Cho sau này ai còn niềm vương
Tiếng Việt trên dòng sông
Có điệu Nam Ai buồn
Ai chờ ai bên bờ xưa
Ai chưa về ai còn đội mưa
Tiếng Việt con đò đêm
Tiếng hò ai bay rộng
Giọng hò tìm người về quê hương
Mang cánh đồng hiền hoà người thương