Đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi với Tình Ca Gió

(Thái-Vinh soạn và điều khiển)

Lần đầu tiên gặp đôi bạn nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi và Ngọc-Phương, khi nghe anh nói:
– Ở San Jose nhiều người biết Thi lắm…
Tôi vội cắt ngang:
– Thế đã có ai tổ chức giới thiệu nhạc của anh chưa?
Anh cười hiền lành:
– Nhạc của Thi chỉ mới được ca đoàn hát trong thánh lễ thôi!
Nghe các anh chị hát mấy bài tình ca của Đỗ Trọng-Thi quá tuyệt, mà chưa được ai ở bên đó giới thiệu cho cộng đồng biết để yêu thích, tôi thấy tức San Jose đã ém tài nhạc sĩ, bèn cầu cứu cô chủ bút nguyệt san Bút Tre:
“Mộng-Tuyền thân mến,
Gia đình nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi mất nhà, mất việc, mất tinh thần…Phương phải làm việc rất vất vả. Chúng tôi họp nhau mỗi cuối tuần ca hát và chơi thể thao cổ võ tinh thần để Phương và Thi vui vẻ ở lại Gilbert. Thi là một nhạc sĩ có tài; nhưng chưa gặp Mạnh Thường Quân. Chúng tôi muốn tổ chức một buổi nhạc, hát những bài do Thi sáng tác. Nhờ Bút Tre đỡ đầu, được không? Nếu được hát trong ngày Mother’s Day tháng 5 nầy thì đẹp lắm…”
Ít hôm sau, nghe chúng tôi loan báo thư trả lời của cô chủ báo Bút Tre:
“Việc tổ chức đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi, Bút Tre rất hoan nghênh. Hát cho ngày Mother’s Day thật là ý nghĩa. Mình có thể làm vào đêm thứ Bảy; đề nghị mình làm ở nhà hàng Boca7 (người quen, có discount! – và không khí cũng rộn ràng, có nét VN). Nếu thấy được, mình nên làm ngay một tờ quảng cáo để đăng kịp trong Bút Tre số ra tuần tới?”
các anh chị họp vui ca hát mỗi tối thứ Sáu tại nhà Thi nghe vừa mừng vừa sợ. Mừng là mừng cho Thi từ nay đã có Mạnh Thường-Quân; còn sợ là phải đứng hát trước thực khách!
Vừa ăn vừa nghe nhạc phát ra êm dịu từ radio hay đĩa nhạc thì càng làm tăng khung cảnh trữ tình và tăng khẩu vị; nhưng vừa ăn mà vừa nghe ca sĩ hát quả là một điều không đẹp đối với nghệ thuật âm nhạc, vì ăn luôn luôn đi đôi với nói; mà đã nói thì phải cố nói cho to mới đã mồm!
Nhưng rồi hai ngày Mother’s Day và Father’s Day của tháng 5 và tháng 6 bận rộn cũng qua nhanh. Đợi lũ trẻ trở lại trường học chắc không còn cơ hội ca hát, chúng tôi rủ nhau đi quán Boca7 ăn thử hai lần. Được Quán chủ, Dr. Ki Ngo, và Bút Tre nhiệt tình giúp đỡ, tối thứ Sáu 31 tháng 7 tại nhà hàng Boca7 nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi với “Tình Ca Gió” đã ra mắt trước 100 khán giả.
Khách xa nhất có lẽ là thân mẫu và anh chị em của nhạc sĩ Đỗ Trọng-thi đến từ San Jose; anh Hoàng điều khiển nhạc thu âm, anh Khoa quay phim, và Lệ-Nga chụp hình.
Khách quen, chúng tôi thấy có các anh Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Kỹ Sư Công Nghệ, các chị đánh Tennis, vài chị trong Hội Cao Niên Á Mỹ Arizona. Lượn một vòng trong quán, chúng tôi lại làm quen thêm nhiều anh chị khác…
Được yêu cầu bởi các bạn trong ban hát vì bát đĩa trong quán khua động còn vang to hơn tiếng đàn hát, và để các bạn thân mến của chúng tôi vắng mặt có thể hình dung được bạn mình hát trong đêm ấy, đây chương trình “Dêm nhạc Đỗ Trọng Thi với Tình Ca Gió”:

Kính thưa các bậc trưởng thượng
Bằng hữu và các nhi đồng thân mến,
Trước khi đưa quý vị đi vào chương trình đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi với “Tình Ca Gió”, chúng tôi xin kể một câu chuyện nghe lóm được giữa hai người bạn nhạc sĩ:
– Buồn quá anh ạ! Nhạc của tôi quá hay mà vẫn chưa có người biết thưởng thức!
– Tiếc nhỉ! Nhạc của tôi bình thường thôi mà hàng xóm ai nghe cũng thấy thích…
– Tôi không tin!
– Anh cứ coi các khung cửa kiếng quanh nhà tôi thì đủ biết. Hàng xóm phải ném đá để nghe cho rõ!
Nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi, một kiếm sĩ tài hoa đang đến hồi công lực sung mãn nhất đã rời bỏ giang hồ, từ Trung Nguyên quay vào Sa Mạc quy ẩn đã 3 năm qua. Do tình cờ bị lộ diện, ông đành tái xuất giang hồ mở lớp đào tạo môn đồ chỉ mới 3 tháng nay. Ngôi nhà nơi ông đang cư ngụ có nhiều cửa sổ khép kín; nhưng vẫn còn nguyên vẹn! Thành ra muốn biết tài của ông, không thể nhìn bề ngoài phán đoán, mà phải thưởng thức tận mắt các tuyệt chiêu của ông. Âm nhạc của ông giống như kiếm pháp. Kiếm dấu trong đàn, đàn dấu trong nhạc, một thứ tàng kiếm vô hình kiểu như sắc đẹp thầm lặng giết người của một giai nhân.
Thuở ban đầu, chúng tôi chỉ quen biết và ngưỡng mộ tài nghệ của nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi qua những lần tập hát nhạc của ông soạn riêng ca ngợi Thượng Đế, nhưng dần dà chuyển sang tập luyện các ca khúc trữ tình lãng mạn của ông.
Đây là một tập nhạc phổ ghi lại 14 bí kíp về nhạc tình của nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi. Mỗi tác phẩm của ông đều là một tuyệt chiêu, bay bướm, đẹp từng nốt từng lời, rất mới lạ, thăng, giáng, đảo phách biến hoá kỳ diệu bất ngờ nên khó tập đạt đến trình độ hoả hầu; nếu luyện mò, dễ bị tẩu hoả nhập ma. Các nghệ sĩ trình bày nhạc của Đỗ Trọng-Thi đêm nay, như Xuân-Hải, Phú-Vinh, Thanh-Trần, Thái-Anh, Thu-Trang, Mộng-Lan, và Mộng-Tuyền đều là những cao thủ âm nhạc từng có hàng chục năm công lực trong ca đoàn, hay trong dàn nhạc từng tung hoành trong sa mạc.
Đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi với “Tình Ca Gió” được thực hiện do lòng sốt sắng của các anh chị em cư ngụ quanh vùng Gilbert gặp nhau mỗi tối Thứ Sáu nấu ăn chung; rồi nhóm hát kéo xuống lầu, nhóm không hát ở trên lầu tập múa. Rất tiếc có nhiều anh chị đã không theo được đến phút chót vì xe hư, hay bận việc gia đình.
Đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi với “Tình Ca Gió” được ưu ái đặt dưới sự bảo trợ của Bác sĩ Ki Ngô, Nguyệt San Bút Tre, và Quán Boca7.
Kính chúc quý vị thật thoải mái, vui tươi, và vừa ý “Đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi với Tình Ca Gió:

Bí kíp số một: “Ngọn Gió Xuân”
“Túi xách đầy hoa chờ em qua
Tiếng gió tình yêu thật bất ngờ…”
Ngọn Gió Xuân là một khúc nhạc vui tươi diễn tả mối tình đầu mới chớm nở đẹp dịu dàng thật dễ thương.
Bài hát mở đầu chương trình được chính tác giả nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi và ca sĩ Thái-Anh song ca gửi tặng các bạn như một món quà kỷ niệm tuổi thanh xuân. Bài hát còn được xem như một cơn gió mát thổi qua sa mạc xua đi nóng bức đã mấy tuần nay.

Bí kíp số hai: Tình Ca Gió
“Tình Ca Gió” là một bài thơ tình phảng phất hương thiền. Lòng ôm nặng một khối tình si mãi miết đi tìm hình bóng người yêu mù mịt trên dòng sông sinh mệnh!
Kết cục, theo luật vô thường, khi niềm đau khổ lên tới tột đỉnh sẽ tự chuyển biến, hoá thành điều vui mừng khoái lạc. Khối tình si kia bỗng hoá thành cơn gió vô hình bay theo hương hoa mãi mãi đi tìm hình bóng người yêu muôn thuở.
Lời thơ diễm tuyệt, hoà theo tiếng nhạc réo rắt từ u buồn sang mừng vui rộn ràng diễn tả nội tâm biến đổi một cách tài tình, càng làm bài thơ thêm phần trác tuyệt!
“Tình Ca Gió” của thi sĩ Hạ-Yến được chọn làm nhạc chủ đề qua tiếng hát Mộng-Lan.

Bí kíp số 3: Tình ngỡ Như Mây
Nhạc sĩ là kẻ đa tình, nhưng rất nhút nhát trong âm nhạc. Bao nhiêu bài hát là bấy nhiêu cuộc tình, tất cả đều như áng mây đẹp bay lang thang, rồi tan biến mất!
Mộng-Tuyền, chủ bút nguyệt san Bút Tre, kiêm ca sĩ trong ban nhạc Tình Xanh, người có tài hoạt động trong nhiều lãnh vực phổ biến văn hoá không riêng ở địa phương mà còn ở khắp nơi. Nếu không có Mộng-Tuyền đỡ đầu, chưa có đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi hôm nay.
Mộng-Tuyền với “Tình Ngỡ Như Mây” phổ từ một bài thơ tình đẹp như ngàn sao soi bóng đêm, rồi cũng tàn phai của thi sĩ Anh-Thi.

Bí kíp số 4: Tôi Mãi Trông Theo
Tình yêu lên đến giai đoạn tột đỉnh là sự chia ly. Chưa chia ly là chưa nếm mùi vị đau khổ của thất tình! Chia ly là một cái cớ để nhớ nhau, hay chia ly là vĩnh viễn không bao giờ còn thấy nhau?
“Tôi mãi Trông Theo” là một thiên tình ca sầu thảm. Ai đã từng kinh qua một lần đau khổ trong đời đều cảm nhận được nỗi đau trong từng câu hát:
“Hãy nói yêu tôi một lần
Dẫu có chua cay trăm phần…”
Xuân-Hải với nhạc tình buồn “Tôi Mãi Trông Theo”

Bí kíp số 5: Giọt Nắng Mùa Đông
Ngoài giọng hát hay, ca sĩ Thái-Anh có biệt tài hát các bè nhạc rất khó trong bất kỳ một bản hợp ca. Bài nào vừa ngó qua là cô đã thuộc lòng hát ngay, làm ai cũng cảm thấy tức thầm cho trí nhớ rất kém của mình!
“Tưởng đã yêu một kiếp
Mà đã xa thật xa…”
Khi xa nhau, cuộc tình chỉ còn là một mùa Đông thiếu nắng thoi thóp chết:
Bên em Thu vẫn xanh
Bên em Xuân mãi tươi
………………………
Cho tôi thêm tháng năm
Yêu em quên lá rơi
Xuân qua một lần
Đông theo một đời…
Lời thơ tha thiết của thi sĩ An-Thư phổ trong tiếng đàn buồn não nuột. Giọng ca u hoài Thái-Anh níu kéo kỷ niệm trở về qua nhạc phẩm “Giọt Nắng Mùa Đông”.

Tiết mục đặc biệt: Phỏng vấn nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi
Đây là buổi giới thiệu một nhạc sĩ có tác phẩm âm nhạc ở sa mạc trong vòng 3 năm qua chưa từng thấy. Xin có lời ngưỡng mộ và chúc mừng nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi. Ở hải ngoại, nhạc hay đẹp từ nốt đến lời rất hiếm hoi, mà ngay cả ở trong nước chưa chắc đã còn!
1- Thưa anh, hình như có điều bất thường trong buổi ra mắt đầu tiên các ca khúc sáng tác của anh: Không có CD nhạc để khán giả giữ làm kỷ niệm?
Đỗ Trọng Thi: Quả là bất thường vì lý do tài chánh…
2- Đêm nay có ca sĩ hát do anh đệm đàn; nhưng cũng có ca sĩ hát với nhạc đã thâu sẵn. Xin anh cho biết lý do?
Đỗ Trọng Thi: Có bài cần nhiều nhạc cụ khác nhau nghe mới hay; nhưng cũng có bài chỉ cần tiếng đàn piano là đủ.
3- Ở đời có ba mối tình lớn: Tình yêu con người với Thượng Đế, tình yêu giữa đôi trai gái, và tình yêu quê hương. Hai mối tình đầu của anh, đã được hát trong các buổi lễ và đang được hát trong đêm nay; nhưng còn mối tình yêu quê hương?
Đỗ Trọng Thi: Câu hỏi nầy khó đó nghen…Thi nghĩ trong nhạc tình của Thi cũng có bóng dáng quê hương; nhưng công nhận là chưa đủ!
4- Theo anh, làm thế nào để đem nhạc Việt đến gần gụi với cộng đồng và giới trẻ Việt Nam?
Đỗ Trọng Thi: Nhờ phương tiện của đài phát thanh, các hội đoàn, lớp học tiếng Việt, và những dịp sinh hoạt cộng đồng phổ biến…
5- Câu hỏi chót: Tình yêu trong các bản nhạc tình lãng mạn của Đỗ Trọng-Thi đều bị thất bại liên miên, tại sao thế anh?
Đỗ Trọng Thi: Toàn là thất bại của người khác, chứ không phải của Thi đâu!

Bí kíp số 6: Chốn Nước Non
“Chốn Nước Non” là một tình thơ tuyệt tác khác của thi sĩ Hạ-Yến cũng như bài thơ “Tình Ca Gió”; nhưng mối tình mơ ảo trong “Chốn Nước Non” không được cất tung đôi cánh bay tìm hình bóng người yêu:

“Giận chăng em chẳng thành mây
Đi tìm dấu vết đường bay vô thường…”

Mà là một nỗi ước ao:

“Ước gì em hoá tiên
Ước gì em hoá chim
Theo anh khắp mọi miền
Để rồi giữa chốn nước non
Lồng son để sổ hai con chim trời…”

“Chốn Nước Non” là mối tình thầm kín mãnh liệt của một nữ nhân, không thua kém nam nhân si tình trong “Tình Ca Gió”.
Ca sĩ Thái-Anh diễn tả nhạc phổ thơ “Chốn Nước Non” mang âm hưởng dân ca.

Bí kíp số 7: Tình Nhỏ
Thu-Trang ham vui đến với nhóm hát, cốt để học múa với sư phụ Ngọc-Phương; nhưng nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi đã khám phá ngay ra tài năng của cô ca sĩ khả ái có giọng ca rất tươi mát dịu dàng. Thu-Trang sẽ diễn tả tuyệt dịu nỗi buồn nhẹ bâng khuâng trong nhạc phẩm “Tình Nhỏ” phổ thơ của thi sĩ Đỗ Trung-Quân.
Bài thơ đăng báo treo giải thưởng phổ nhạc. Lúc nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi nhận được bài thơ thì cuộc thi đã chấm dứt, nhưng cảm hứng nhạc vẫn không ngừng tuôn tràn theo ý thơ.

Bí kíp số 8: Tình Ta Còn Mãi
“Tình Ta Còn Mãi” là một bản đàn buồn thiết tha mơ ước “Thiên đàng có đôi” giờ chỉ còn là hư không:
“Đời tôi đó, một thời rong chơi
Đời tôi đó cuộc đời đơn côi…”
“Tình Ta Còn Mãi” với tiếng hát điêu luyện, hùng tráng và vô cùng truyền cảm của ca đoàn trưởng Phú-Vinh.

Bí kíp số 9: Tango Love
Để thay đổi không khí, một điệu nhạc hấp dẫn lôi cuốn dồn dập với tiếng hát Mộng-Tuyền qua bản “Tango Love”, nhạc của Đỗ Trọng-Thi, lời Anh của Thu-Trang.

Bí kíp số 10: Với Nhau Mùa Xuân
Kết thúc phần văn nghệ hát cho đêm nhạc chủ đề “Tình Ca Gió” toàn ban hợp ca một nhạc phẩm tràn đầy sức sống vui tươi. “Với Nhau Mùa Xuân” sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi.

Chương trình đêm nhạc Đỗ Trọng-Thi với “Tình Ca Gió” ngắn gọn, chấm dứt trong vòng 1 giờ 15 phút, đã trả lại không khí phòng trà với nhạc khiêu vũ cho Ban nhạc Tình Xanh và những màn biểu diễn vô cùng lả lướt đẹp mê ly của sư phụ Ngọc-Phương với anh Khoa, và một đồ đệ học nhạc với nhạc sĩ Đỗ Trọng-Thi.
Phỏng vấn khán giả:
– Chào anh Mỹ! Xin anh cho biết cảm nghĩ khi nghe nhạc Đỗ Trọng-Thi?
– Thưa anh, chúng tôi được may mắn ngồi gần ca nhạc sĩ nhất, nên mặc dầu âm thanh không được hoàn chỉnh, nhạc của Đỗ Trọng-Thi có nét hay độc đáo riêng, và chúng tôi được nghe tiếng hát thật của các ca sĩ trước khi tiếng hát phát qua micro. Vài giọng hát thật hay đã diễn tả được ý bài hát. Tôi cho đêm nhạc thành công!

Superstition Mountains

Núi Mê (Superstition Mountains)

(Đăng trong nguyệt san Bút Tre số tháng 10, năm 2008)
Thái-Vinh mến tặng David Nguyen

Từ dạo thăm Phố Ma ngó sang bên kia thấy ngọn Núi Mê trở về, đầu óc lão đặc sệt như bị ma ám, lúc nào cũng mơ tưởng tới ngôi mộ vàng bí mật vẫn còn chôn kín mấy trăm năm đâu đó trong rặng núi Mê. Rỉ tai với đám bằng hữu thường ngày tụ tập la cà ở các cao lâu tửu quán trên đường 19; ai nghe cũng ham, nhưng rốt cuộc, không ai dám theo lão chịu chết. Lão cũng không dại dột tham lam đi một mình, vì đã có biết bao người âm thầm đi không trở lại, nên lão đành ấm ức chờ đợi cơ hội, và luôn luôn mơ tưởng vớ vẩn tới câu chuyện truyền kỳ “Người mất tích trong Núi Mê”.
Dạo ấy vào năm 1872 Jacob Waltz và Jacob Weiser, hai đại hành gia gốc Đức chán cảnh thường nhật xắn quần xúc cát đãi vàng với các bà sồn sồn dọc hai bên bờ sông Salt nắng chang bang, bèn âm thầm rủ nhau phiêu lưu đi vào vùng rừng núi hoang dã Tonto ở phía đông Phượng Hoàng Thành. Bẵng đi một thời gian, mọi người đã quên lãng, thì cả hai lại trở về, người ngựa nhuễ nhoại ì ạch kéo theo vô số túi vải chứa đầy vàng cục. Từ đó hai đại hành gia sống một cuộc đời đế vương, ăn chơi trác táng, coi tiền như rác! Lúc nào hết, đợi đêm thanh vắng cả hai lại lên ngựa âm thầm vào Núi Mê tha của về xài. Một hôm Jacob Weiser bị mất tích một cách bí mật. Người ta đồn rằng Jacob Waltz đã dùng đá đập nát đầu bạn để hưởng thụ kho vàng một mình. Chừng như hối hận, về cuối đời Jacob Waltz tích đức làm nhiều việc thiện và mất năm 1889, thọ 80 tuổi. Ông để lại lời trối trăn về sự bí mật của mỏ vàng trong Núi Mê cho người bạn gái. Ròng rả suốt 40 năm, người bạn gái ấy cùng với người con nuôi của nàng, hợp lực với người cha và chú của người con nuôi ra sức moi móc, cuốc bửa, và đục đẽo khắp rặng Núi Mê; và mấy trăm năm sau nữa còn biết bao người tiếp tục âm thầm khám phá mỏ vàng ấy. Đã có biết bao mạng người đã gục ngã vì điều kiện khí hậu sa mạc quá khốc liệt; nhưng kết quả chẳng có gì; cho đến một ngày kia…
Khi ánh trăng thượng tuần tháng Năm dần dần mờ nhạt chỉ còn mỏng dính treo lơ lửng lạnh lẽo trên bầu trời Phượng Hoàng Thành. Một con lạc đà to lớn xuất phát từ Mê Sa đang lao vùn vụt trên đường 60 vùng rẽ gấp rút vào hướng Apache Junction làm tung cát bụi mù mịt. Trên lưng lạc đà, một già một trẻ ra dáng hai hiệp khách phiêu bạc từng trải giang hồ gọn gàng trong mũ áo dạ hành kín mít. Tay lão già luôn nhịp cây gậy đả bổng lộ vẻ khẩn trương, lão nói khẽ trong tiếng gió nhưng rền vô núi dội lại nghe rất rõ ràng, chứng tỏ nội lực của lão rất dồi dào:
– Tuy còn sớm, nhưng ta e có kẻ đã ra tay trước bọn ta!
Giọng chàng hiệp khách trẻ tuổi pha lẫn nhiều thứ tiếng nghe chừng như người sinh trưởng nơi miền Quan Ngoại:
– Bá phụ có chắc lần nầy thành công không? Vì phụ thân của điệt nhi đã từng nuôi mộng làm bá chủ kho vàng như bá phụ và đã từng âm thầm vào Núi Mê với các vị sư bá nghiên cứu mấy lần, nhưng nào thấy manh mối gì đâu?
– Hiền điệt nói đúng; nhưng lần nầy khác! Vì từ cái hôm ta theo Lão Tứ vào thăm Tam Đại Hồ, lúc về ghé lại Phố Ma tình cờ ta phát giác ra một sự việc quái lạ…
– Ồ! Vì vậy lần nầy bá phụ mới cao hứng cho điệt nhi đi theo để coi một trường náo nhiệt cho lịch lãm kiến thức giang hồ?
– Hiền điệt chỉ đoán trúng một phần. Phần khác, điều bí mật nầy ta không dám nói cho phụ thân hiền điệt hay, vì phụ thân hiền điệt mà biết thì cả võ lâm trung nguyên sẽ đổ xô vào biến sa mạc A Ri thành bãi chiến trường! Lúc đứng trước cửa ngục chứa một xác người chết ngồi cong queo trên ghế còn nguyên vẹn từ mấy trăm năm, ta quan sát thấy khóe miệng người ấy tựa hồ mấp máy như muốn trối trăn một điều gì, bàn tay hữu xếp lại thành quả đấm để tựa trên đùi, duy chỉ có ngón tay giữa lại chìa ra chỉa thẳng lên như chỉ trỏ. Ta bèn đưa mắt ngó theo hướng ngón tay đó, thì phát giác ra trên ngách cửa ngục có lòi một vật tròn nho nhỏ. Đó là một mảnh da dê đã gần mục nát vẽ đường ngoằn ngoèo đi vào thác nước. Trên đầu thác cheo leo có bụi xương rồng mọc theo hình bàn tay năm ngón. Ở ngón giữa có đánh dấu chéo. Ta đoán chắc mỏ vàng chôn kín dưới gốc cây xương rồng ấy. Chuyến nầy mà thành công, hiền điệt và ta sung sướng trọn đời chẳng khác gì hai lão Jacob người Đức năm xưa!
– Nhưng Bá Phụ đừng bí mật thủ tiêu điệt nhi như lão Jacob Waltz ác độc nhé?
– Hiền điệt yên chí. Thành công lần nầy, ta chia nhau kho tàng mỗi người một nửa; rồi lập tức ta cùng phu nhân rửa tay gác kiếm từ giả chốn giang hồ mưa tanh gió máu vĩnh viễn.
Chiều hôm ấy, dân chúng hiền lành cư ngụ thưa thớt quanh vùng Apache Junction điếng hồn ngơ ngác khi chợt nghe tiếng cười sảng khoái đinh tai nhức óc của một già một trẻ vang dội khắp thung lũng chết; rồi từ đỉnh núi ở cao điểm The Flatiron trên 4861 bộ, hai bóng người phi thân vùn vụt lao mình xuống chân núi nhanh như chớp vọt lên lưng lạc đà sải vó gấp rút cuốn tung cát bụi mờ mịt mất tích…