My School Pin

kscn_pin
Huy Hiệu Kỹ Sư Công Nghệ 
Thái-Vinh
(Mến tặng các bạn KSCN17)

Hôm tiễn tôi ở bến xe Đà-Lạt, liếc mắt nhanh lên hàng ghế trước, Tuấn nói nhỏ:
– Cố tán cho được người đẹp, và báo cho Tuấn biết nhé!
Không cần đợi Tuấn nhắc, tôi đã nhất định như thế! Kể từ lúc vừa đến bến xe, tôi đã kín đáo quan sát cô gái mặc áo choàng đen, đeo mắt kiếng đen, dáng người đẹp và kiêu, mà đêm hôm qua khi dự lễ mãn khóa 8 tuần huấn nhục cho các tân sinh viên khóa 31 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tôi đã thấy người con gái đó ở vũ đình trường đi bên cạnh một tân sinh viên Võ Bị!
Dạo đó tình hình chiến tranh ở miền Nam ngày càng tồi tệ. Ba tôi đã gởi thơ căn dặn không đâu còn là nơi an toàn ngoại trừ Sài Gòn; nhưng Phong khóa 30 và An khóa 31, cả hai đang mong chờ gặp tôi trong ngày vui của An chính thức được nhận làm tân sinh viên hiện dịch. Thế là cúp cua quách ít ngày lên thăm em, sẵn dịp coi cho biết cảnh đẹp Đà Lạt, và thực hiện hai mục đích bí mật khác: Thăm cho biết người vợ tương lai của anh tôi, và ra mắt hai bà chị chưa chồng của thằng Nghĩa.
Người chị dâu tương lai gặp tôi tái mặt, vì chị đang thân mật tiếp khách, một anh sinh viên năm thứ tư trường Võ Bị Quốc-Gia hào hoa phong nhã; nhưng rất nhanh trí, tôi giả vờ là em trai của chị để cho mọi người đều được vui vẻ. Gửi xách quần áo ở đó, tôi vọt qua nhà trọ của Tuấn. Hai đứa đón xe Lambretta vào trại Hầm ăn mận, chọc gái, và đi vòng vòng tìm nhà ba má thằng bạn học. Gặp một bà chị của nó, nhưng thấy bả hiền quá, tôi bỏ ý định trồng cây si.
Đi xe đò hay đi máy bay, bực nhất là bị ngồi kẹp giữa hai người đàn ông! Lúc nầy, được ngồi ngay ở hàng ghế sau người đẹp, dầu bị kẹp giữa hai bà già nhai trầu, tôi cũng thầm tạ ơn Trời Đất đã cho tôi một chỗ ngồi tốt. Nàng ngồi im lặng bên mẹ, trong khi bà cụ quay bên nầy bên kia nói chuyện không ngừng. Xe chạy vùn vụt bỏ lại hai bên đường những hàng thông cao vút, tôi không thèm ngó cảnh đẹp núi rừng Đà Lạt, mà đang thả hồn mơ màng nhìn những sợi tóc rung nhẹ theo ánh nắng ban mai chập chờn trước mắt…
– Mời cậu ăn thử cái bánh khúc?
– Dạ ! Cảm ơn Bác; nhưng cháu ăn mất, còn đâu cho cô gái cưng của Bác?
– Ồ, em nó đang ngủ.
Thoáng thấy rèm mi của nàng khẽ chớp phản chiếu trên mắt kiếng, tôi hăng hái hơn:
– Đêm qua, cháu thấy Bác ở vũ đình trường.
– Thế cậu cũng có em học ở đó à?
– Nhà cháu có 2 khoá sinh 30 và 31; còn Bác?
– Chúng tôi đi thăm Phúc khóa 31, em của Loan.
Bà cụ coi bộ hiền lành và dễ khai thác quá; chưa gì đã lộ em tên Loan! Trong trí tôi thoáng hiện một lô nhân vật nữ cùng vần en-Lờ mà tôi nghĩ chạy trời cũng không thoát; đời tôi trước sau gì cũng phải dính một em en-Lờ!
Bà cụ vui vẻ, lại nhớ con trai, nên nhân có người nghe, giọng bà kể đều đều như tiếng xe chạy êm ru trên đường nhựa; và tôi cũng chỉ ầm ừ vừa đủ cho phải phép.
Xe đang ngon trớn tăng tốc lực để sắp vượt đèo Bảo Lộc, tự dưng thắng gấp chao xe, làm mọi người nhủi tới ghế trước. Tôi sung sướng hít một hơi dài cái mùi thơm rất khả ái, trong khi ai cũng giựt mình ngơ ngác:
– Cái gì vậy, bác tài?
– Chắc Việt Cộng lại đào đường giựt mìn, phải không bác?
Kìa, một lô xe cộ sắp hàng nằm ngoằn ngoèo trước mặt!
Mọi người xuống xe nghỉ xả hơi, sẵn dịp xà xuống mé đường trút bầu tâm sự, xong tự động đi lên phía trước nghe ngóng tin tức. Tiếng súng nổ còn xa, nhưng nghe rõ ràng.
– Đang có đánh nhau ác liệt bên kia đèo!
– Điệu này chắc ngủ đường đêm nay quá!
Chờ đã quá trưa, vẫn chưa thấy bóng một chiếc xe nào từ hướng Nam chạy lên khiến ai cũng sốt ruột và hoang mang. Vài xe trong đoàn trở đầu chạy ngược lại.
– Đi hay ở, bác tài?
– Tùy bà con!
– Nằm chình ình giữa núi đồi thế nầy, liệu mấy ổng đêm nay có ra tỉa bớt vài mạng, hay dẫn vô trong đó học tập không hà?
– Thôi, bà ơi, đừng nói chi ba cái chuyện xui xẻo ấy tôi sợ lắm!
– Bà con chú ý: Ai ở lại chờ, xin sang xe đàng trước; ai về lại Đà-Lạt, xin mời lên xe đàng sau; ai muốn đi Phan Rang qua đường đèo Sông Pha thì trở vào ghế ngồi. Chúng tôi sẽ ghé Phan Rang đêm nay; rồi ngày mai theo quốc lộ 1 vào Phan Thiết về lại Sài Gòn!
Thế là tự dưng chúng tôi tách ra làm ba nhóm. Tôi phân vân chưa biết nên theo nhóm nào, thì chợt nghe tiếng bà cụ nhắc:
– Cậu không về Sài Gòn à?
– Cháu không còn tiền trả thêm cho chuyến đi ngã đường đèo Sông Pha.
– Ồ, có mấy chục bạc đó, cậu đừng lo, lên xe đi!
Lần nầy vì xe ít người, nên tôi ung dung lên ngồi ở hàng ghế trước. Xe chạy về hướng Đà Lạt một lúc, rồi rẽ sang hướng khác, dần dà giảm tốc độ để bò vòng vo qua núi đồi quanh co hơn. Lâu lâu thấy bên đường ở những chỗ khúc quẹo có cắm bàn gỗ nho nhỏ để nải chuối, chén nước, và ít nén hương làm người yếu bóng vía phải ngó lơ qua hướng khác! Vì chạy như rùa bò, nên mùi khói xe từ từ len vào trong xe…
– Làm ơn mở hết cửa sổ ra, ngộp thở quá!
– Oẹ…
Đàng sau đã có mùi cơm thiu bốc lên!
– Ướt mẹ cái áo len của bà rồi…
Chưa kịp quay đầu nhìn coi ai đã phát tiếng chửi thề ngộ nghĩnh ở hàng ghế sau, thì tôi chợt cảm thấy cổ vai ươn ướt. Trời, người đẹp không nói năng gì suốt cả buổi sáng nay, đã ói ướt vai áo tôi rồi nè!
– Xin lỗi anh!
– Cô đừng ngại! Cứ cho nó ra hết, sẽ khỏe!
Thế là ông trời đã tạo cơ hội cho tôi quen nàng, trong khi bà cụ mệt mỏi nằm ngủ im re, không hay biết trong lòng cô con gái của bà đang nghĩ ngợi gì!
Xe đến bến Phan Rang thì hai bên đường phố đã lên đèn. Ai nấy đều bồn chồn lo lắng, ăn uống qua loa, rồi tìm chỗ nằm chờ sáng đi tiếp. Tôi cởi áo giặt sơ chỗ vàng ố, vắt khô, mặc lại, rồi vui vẻ leo lên mui xe đò ngủ dưới bầu trời đầy ánh trăng…
Cả buổi sáng hôm sau, chờ mãi vẫn chưa thấy bóng dáng bác tài, chúng tôi lại càng ngơ ngác khi thấy rõ hàng đoàn xe từ hướng Cam Ranh bò vào nằm nghẽn đường từ đêm qua. Có tiếng một người đàn ông nói lớn, làm ai nấy đều xanh mặt:
– Đang có đụng độ ở khu rừng Lá, Phan Thiết!
Nhiều người bàn tán:
– Đành phải ở lại chờ!
– Biết có giải quyết xong không?
– Nhất định phải xong.
– Sao bác biết?
– Không lẽ ông Thiệu lại bỏ quê hương, từ đường hương hỏa của ổng?
– Nhưng Mỹ ở đâu, không đem B52 thả bom cho nhanh?
– Mỹ Tho à?
Tôi chợt nghĩ tới cậu Hai Đệ là người anh bà con của má tôi đang sống lâu năm ở Phan Rang mà năm ngoái em Hưng và tôi đã ghé lại thăm một lần. Nếu có bề gì thì tôi về nhà cậu, nên cũng yên tâm phần nào.
Một lúc sau, có tiếng người đi chung chuyến xe, đề nghị:
– Thử xuống bến tàu coi có thuyền về Sài Gòn không?
– Đi thì đi!
Tôi vui chân đi theo mấy người ấy vì đã có mẹ con cô Loan bao giàn.
Quả nhiên, sau một hồi mặc cả giá tiền, chúng tôi tìm được một chiếc thuyền đánh cá cũ kỹ đồng ý đưa chúng tôi vào Bà Rịa. Thuyền chạy cách bờ biển khá xa để đề phòng mấy ảnh từ rừng Lá bắn lén.
Đến Bà Rịa thì mặt trời vừa lặn. Thuyền tấp vào một làng đánh cá nhỏ. Ở đó có vài quán cơm bình dân đèn đuốc sáng lờ mờ cạnh bến xe Lambretta. Cơm nước xong, mấy bà già ngồi lại nhai trầu và coi cải lương trên màn máy truyền hình. Thấy Loan ngập ngừng đi ra cửa, tôi lẻn đi theo. Bên ngoài trăng sáng mênh mông. Đi bên nhau trên bãi cát, tôi không biết phải bắt đầu thế nào, thì tiếng Loan chợt vang lên dịu dàng:
– Anh nghĩ gì về cuộc hành trình vừa qua?
– Thú vị quá!
– Ở chỗ nào, vậy anh?
– Ở cổ áo, trên đường đèo…
– Ai biểu anh ra ngồi đàng trước!
– Ngồi đàng sau để lãnh đủ bát cơm thiu vô mặt à?
– Hì hì…chắc anh còn là sinh viên?
– Sinh viên Kỹ Sư Công Nghệ, Phú Thọ!
– Ồ…
– Loan còn đi học?
– Loan đi làm ở Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín đã ba năm nay.
– Sao đi làm sớm thế?
– Tại Loan học kém!
– Sao không kiếm thầy dạy kèm?
– Ồ…
Loan chỉ tay ra biển:
– Anh xem kìa!
– Có gì đâu?
Ngó lại không thấy Loan, tôi bèn giả vờ chạy ra xa để dọa cô nàng; rồi chạy nhanh trở lại đàng sau một chiếc thuyền đang lật úp trên bãi cát. Loan đang trốn chờ tôi bắt… Đang lúc gay cấn nhất, thì tiếng mẹ Loan gọi. Tôi chưa kịp biết phải làm gì, thì nàng đã vụt chạy vào quán!
Một đêm ngủ chèo queo trên mấy cái ghế ở quán ăn đầy mộng đẹp…
Sáng hôm sau, chúng tôi ra bến xe Lambretta. Ngồi kề bên bà cụ; cô nàng trở lại nghiêm trang không nói năng gì như hồi ngồi ở hàng ghế trên chuyến xe rời Đà-Lạt.
Tôi xé tập vở, viết vài dòng hy vọng gặp lại, ghi địa chỉ nhà trọ 159/2 Hoà Hưng, Sài Gòn, và gắn cái huy hiệu mầu xanh của trường Quốc Gia Kỹ Sư Công-Nghệ lên trang giấy. Chờ lúc mẹ con nàng bước xuống bến xe Hàng Xanh, tôi vẫy tay chào và phóng theo lá thư.
Buổi chiều thứ Bảy tuần sau, lúc đang đứng hát nghêu ngao trên gác trọ, và nhìn qua nhà ông thầy giáo dạy Anh Văn tìm bóng hai cô con gái đẹp bị cấm cung sau bức tường cao, bỗng dưng nghe có tiếng xe ngừng máy nổ dưới nhà, tôi vô cùng mừng rỡ khi nhận ra Loan đèo một cô bạn đến thăm.
Gác trọ nơi anh em tôi ở, trừ Minh-Chi, em gái tôi đang học lớp mười một trường nữ trung học Thánh Tâm, còn lại toàn bọn trai sinh viên. Xưa nay chưa có cô nào dám leo lên trèo xuống cái căn gác trống ộc trống ạc của bọn tôi! Thế mà hôm nay, căn gác trọ bỗng bừng lên bóng dáng hai người đẹp! Có tiếng bà chủ nhà đi ra đi vào cố tình gây tiếng động thật to dưới nhà, như nhắc nhở tôi đừng có làm gì bậy bạ trên đầu trên cổ của bả!
Loan và Phụng, hai cựu nữ sinh trường Lê Văn Duyệt chỉ đến thăm gác trọ của tôi một lần ấy, thì tình hình chiến sự đã đến hồi rối mù. Ngày nào cũng nghe tin không lành. Miền Trung cứ mỗi ngày mất đi một tỉnh. Nhìn lên màn hình, thấy từng đoàn người và xe cộ kẹt cứng trên mọi nẻo đường xuôi Nam, tôi choáng váng, vào lớp không còn tâm thần bình tĩnh để học hành. Hai cậu em khóa sinh trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã theo trường di tản về Sài Gòn gặp tôi trong chốc lát, rồi trở lại chiến trường.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975 ông Thiệu từ chức Tổng Thống. Liên tiếp mấy đêm sau, tôi thức khuya, phụ giúp bà chủ nhà lập đàn cầu cơ. Hai đêm đầu, không thấy cơ rục rịch, tôi bắt đầu chán nản; nhưng đến đêm thứ ba, cơ nhập vào kéo tay tôi chạy không thể nào cưỡng lại được! Nghe bà chủ nhà nói chuyện trực tiếp với hồn người con trai thứ nhì của bà, là một binh sĩ gan dạ trong tiểu đoàn Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến VNCH đã chết ở chiến trường miền Trung, tôi rợn da gà:
– Bao giờ thì mẹ đi được?
– Mẹ cứ bình tĩnh, sẽ được đi!
– Còn Ba con?
– Ba từ tòa đại sứ Lào đã di tản trực tiếp sang Pháp, sẽ gặp Mẹ và các em ở nước ngoài.
– Sài Gòn sẽ như thế nào?
– Sẽ bị xóa tên!
– Còn thằng Vinh?
– Nó sẽ suốt đời phải sống tha hương!
Sáng hôm sau, bà chủ vui vẻ bàn giao chìa khóa nhà cho tôi giữ, rồi dẫn thằng Sáu, con Bảy, và thằng Út tản cư sang nhà người bà con ở khu chợ Vườn Chuối vừa đề phòng tránh bom đạn pháo kích vào khu nhà tù Chí Hòa như hồi Tết Mậu Thân 1968, và vừa nghe ngóng tin tức của Bộ Ngoại Giao đến đón lên sân bay xuất cảnh.
Ngày Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống cuối cùng của nước Việt Nam Cộng Hòa, thì bầu trời Sài Gòn vô cùng u ám, tôi bàng hoàng xúc động khi nhận được những dòng chữ đầu tiên và cuối cùng của Loan:
“Anh ơi,
Khi anh đọc được lá thư nầy, thì Loan đã xa anh nghìn trùng!
Loan đã khóc hết nước mắt, xin được ở lại quê hương với Ba Mẹ; nhưng cả gia đình đã quyết định: Loan và em Phúc phải ra đi với anh chị Đình.
Năm 1954, Ba Mẹ bồng Loan di cư vào Nam, không ngờ lại có ngày Loan lại phải vĩnh viễn bỏ Ba Mẹ và xa quê hương như lần nầy!
Đã mấy hôm nay, Phụng không lại nhà, nên Loan không có cách gì liên lạc được với anh!
Tuy chúng ta chưa bao giờ nói yêu nhau, nhưng kỷ niệm kỳ ngộ mà chúng mình đã trải qua trên hành trình ly kỳ từ Đà Lạt về Sài Gòn, và nhất là câu trả lời của anh “thú vị ở cổ áo trên đường đèo…” thì Loan lại cười trong nước mắt và thấm thía mối tình cao thượng của anh đối với Loan!
Loan tự hỏi không biết bao giờ mới gặp lại anh? Cái Huy Hiệu Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ mà anh tặng Loan hôm chia tay ở bến xe Hàng Xanh từ nay sẽ theo Loan đi suốt cuộc đời…”