Bạo ngu làm vua chúa

BẠO NGU LÀM VUA CHÚA
P. Kim Long

Tôi vẫn thường thắc mắc là không hiểu liệu lịch sử có lặp lại không, hoặc giả chúng ta có thể nào “ôn cổ nhi tri kim” được hay không. Trong mấy ngày Tết vừa qua, nhân lấy cớ đau ốm, tôi đã “bế quan tạ khách” để ở nhà đọc lại cuốn sách “Trung Quốc Trung Cổ Tư Tưởng Trường Biên” của Hồ Thích và cuốn truyện “A Tale of two Cities” của Charles Dickens (1812-1870) vì tôi chợt nhớ rằng đã có một thời kỳ mà cả hai quốc gia xa cách hàng ngàn cây số cũng trải qua những bước thăng trầm lịch sử giống nhau trong những biến loạn thời cuộc.
Thực sự là trong vài ba ngày tôi không đủ tài để đọc xong được cuốn sách chữ Hán dài vài trăm trang vì với trình độ Hán ngữ ở mức trung bình, do vậy, tôi chỉ có thể chọn đọc một số trang cần thiết liên quan tới quãng thời gian tranh bá đồ vương của Lưu Bang. Một số Sử gia Tàu, thuộc chính phái, vẫn tỏ vẻ không ưa vị vua võ biền thất học, nhưng vì Lưu Bang đã thành công gom thiên hạ về một mối, nên họ đành phải bênh vực bằng cách gán tất cả hành vi gian manh và tàn bạo (giết công thần vì nghi kỵ hoặc vì đố kỵ tài năng, tàn sát lương dân để mưu giành lợi lộc cho thân thuộc, tranh quyền đoạt vị) vào Lã Hậu (vợ của Hán Cao Tổ tức Lưu Bang). Trái lại, một số Sử gia không chính thống đã thẳng tay phê phán; điển hình là Hồ Thích. Sau khi đã lên ngôi hoàng đế thống nhất giang sơn, Lưu Bang đã chỉ tin cậy những bề tôi bên họ nhà vợ, điển hình như Phàn Khoái (vốn lấy em gái ruột của Lã Hậu), nên đã giết hại một số công thần: tướng Anh Bố và Bành Việt vốn xưa kia là trọng thần của Sở Bá Vương (Hạng Vũ) giữ cửa ải hiểm yếu một lòng phò tá nước Sở. Dù Hàn Tín là một danh tướng đã đánh thắng và đoạt nhiều thành trì nhưng không sao chiếm được hai cửa ải trên. Cuối cùng Lưu Bang phải theo kế sách của Quân sư Trương Lương bằng cách dùng “ba tấc lưỡi” dụ hàng hai danh tướng mà không phải đổ xương máu. Sau đó, Lưu Bang vẫn theo kế sách của Trương Lương để gia phong hai viên tướng đó trấn giữ hai cửa ải nói trên. Sự kiện này khiến tất cả tướng sĩ của Hạng Vũ đều quy hàng Lưu Bang và Quân sư Phạm Tăng phải tức chết hộc máu! Sau khi Hạng Vũ tự tử vì thua trận cuối cùng và sau khi lên ngôi cửu ngũ thì Lưu Bang mới hối tiếc đã cho hai danh tướng trọn quyền trấn giữ cửa ải hiểm yếu và Hàn Tín làm vua hình như ở Hán Trung vốn xa đế đô. Còn Trương Lương thì cố xin Hán Cao Tổ dành phần đất hương hỏa cho hậu duệ của vua nước Yên (vì xưa kia Trương Lương là gia thần của vua nước Yên trong thời Đông Chu Liệt Quốc), song Hán Cao Tổ không chịu. Trương Lương là người sáng trí và biết Lưu Bang là người mà mình có thể đồng cam cộng khổ song không thể đồng hưởng thụ, do vậy, Trương Lương không đòi hỏi mà tìm cách tránh xa vị vua vong ân này bằng cách từ quan với lý do chuyên tâm theo đạo tu tiên. Chỉ có Hàn Tín và hai danh tướng trên lại không hiểu sự tình nên mới mang họa: nhà vua sai thích khách mưu sát, song hai người biết tin nên đồng lòng nổi loạn. Nhưng cả hai tướng đều bị thua trận và một người bị chém đầu còn người kia (tôi quên mất tên nên không biết đó là Anh Bố hay Bành Việt) ẩn náu trong nhà Hàn Tín. Tuy Hàn Tín rất thân thiết với kẻ tị đào, song Lưu Bang biết chuyện và bắt Hàn Tín phải giao nộp. Cuối cùng Hàn Tín phải “bán đứng” người chiến hữu đó để Hán Cao Tổ giải giao về kinh đô xử tội lăng trì. Ít lâu sau Hán Cao Tổ du hành tới vương phủ của Hàn Tín rồi bất thình lình xua võ sĩ ra bắt trói Hàn Tín giải về triều để nghị tội: Hàn Tín bị xử tử vì tội mưu phản. Trước khi chết, Hàn Tín đã than rằng đã không chịu nghe lời khuyên của Khoái Triệt. Khoái Triệt vốn là một mưu sĩ giỏi về tướng thuật, một vài năm trước, đã từng xem tướng cho Lưu Bang nên biết rằng vua Hán vốn là người gian ác nên mới nói cho Hàn Tín hay, đồng thời cũng khuyên Hàn Tín nên liệu trước bằng cách lập một vương quốc riêng có hai hổ tướng là Anh Bố và Bành Việt sẵn sàng phù tá. Song Hàn Tín không chịu nghe lời khuyên.
Tôi chỉ nói trong bài phiếm luận này về thời đại của Lưu Bang. Sử gia kiêm Học giả Hồ Thích chỉ nói tóm lược độ mươi dòng về Lưu Bang và đồng bọn, do vậy, tôi đành nói dông dài thêm để câu chuyện càng thêm phần lý thú.
Tần Thủy Hoàng, sau khi đánh thắng 6 nước lớn (lục quốc) để thâu gồm thiên hạ về một mối và đã cai trị bạo ngược hà khắc bằng chính sách “pháp trị của Thương Ưởng” khiến dân chúng bất mãn vì đói khát, khổ cực vì phải đi làm phu phen kiến tạo Vạn Lý Trường Thành, hoặc xây dựng cung A Phòng rộng nguy nga để chứa 3.000 cung nữ, mất quyền được ăn nói (nếu quân lính bắt gặp hai người “ngẫu nhĩ” tức là kề tai nói nhỏ với nhau thì có quyền giết không tha). Do vậy, triều đại nhà Tần chỉ tồn tại được vài chục năm rồi mất về tay nhà Hán và người sáng lập ra đế chế Hán triều là Lưu Bang. Học giả Hồ Thích đã gọi hắn bằng mấy chữ sau đây “một gã vô lại lười biếng.” Theo sử học thì Lưu Bang sinh ra trong một gia đình bần hàn dốt nát, thuở nhỏ không học hành, lớn lên lêu lổng, rồi làm chức “đình trưởng” tức là một chức vụ của người đi mộ phu hay trông coi một nhóm thanh niên xung phong đi làm tạp dịch. Sau vài lần bê trễ công tác và nhậu nhẹt quá đà nên bị cấp trên trừng phạt nặng và có thể bị xử tội chém đầu, Lưu Bang đã vội sách động phu phen nổi lên giết nhà cầm quyền địa phương. Tuy thất học nhưng lại khôn vặt, hắn đã phịa ra chuyện “trảm mãng xà” và gán vào miệng một bà lão ngồi khóc tỉ tê oán trách Xích Đế đã chém chết Bạch Xà vốn là con của bà. Con rắn trắng này đã giết hại rất nhiều người. Nay đột nhiên Lưu Bang giết được rắn tức là cứu sống muôn dân thì kể như Lưu Bang có chân mệnh đế vương. Thế là dân chúng tin chuyện này và ùa theo về với Lưu Bang để nổi lên chống lại nhà Tần bạo ngược. Nhưng anh xếp đã ít học thì bọn tay chân cũng cùng một giuộc với nhau. Học giả Hồ Thích nói rằng “Tiêu Hà là viên lại” mà ta hiểu là một chức vụ thư ký hay kế toán bây giờ; “Phàn Khoái là đồ tể giết heo và chó” tức là nghề mổ và bán thịt heo và chó theo chu trình khép kín ngày nay (đích thân giết chó và heo rồi sau đó ngả ra thịt để bán ngay tại nhà); “Hạ Hầu Anh là một mã phu” có nghĩa là làm nghề chạy xe ôm, tài xế (xe taxi hay xe đò) hiện nay; “Quán Anh làm nghề bán sọt” có nghĩa là làm nghề buôn thúng bán bưng hiện nay; “Chu Bột làm nghề thổi kèn đám ma” tức là nghề nhạc công trong tiệm giải khát hay vũ trường ngày nay; “Bành Việt là một người đánh cá” tức là một nghề chài lưới hay buôn bán trên sông nước hiện nay; “Anh Bố là kẻ tội đồ bị khắc chữ trên mặt” tức là một tay anh chị hết vào tù ra khám như cơm bữa hiện nay; “Hàn Tín là một tên lưu manh nghèo mà vô hạnh” tức là một tay chơi khố rách áo ôm thời nay… Chỉ có Trương Lương, Trần Bình và Lục Giả là dân trí thức. Tóm lại, với một đám bề tôi thất học và vũ phu như thế thì sau bao năm khởi nghĩa bạo loạn và lẩn trốn trong rừng sâu núi thẳm hẳn phải có lúc sống chui trốn lủi, ăn uống tạm bợ và thiếu thốn nên cuộc sống tinh thần chắc chỉ ở mức cầm thú. Nhưng sau khi giành thắng lợi và thống nhất giang sơn, Lưu Bang lại cai trị thiên hạ bằng vũ lực và xử thế bằng ngu muội. Sử sách chỉ nói tóm tắt rằng khi đó triều đình thật bát nháo: vua tôi đứng ngồi lộn xộn, ăn tục nói phét, cử chỉ thô lỗ, lời nói hạ lưu…Bọn chúng ăn uống xì xụp, miệng nhồm nhoàm thức ăn, dùng tay bốc hoặc cầm đồ ăn. Trong truyện “Hán Sở tranh hùng” đã kể rằng Phàn Khoái, theo kế của Quân sư Trương Lương, đem một đùi heo sống và gặm nhồm nhoàm trong bữa tiệc Hồng Môn để làm Sở Bá vương Hạng Vũ và Quân sư Phạm Tăng phải khiếp sợ không dám hành thích Lưu Bang. Sử sách nói rằng Hạng Vũ rất khâm phục Phàn Khoái (vì ăn thịt sống) nên đã quên không giết Lưu Bang ngay lúc đó! Tôi lại xin nói tới chuyện ăn uống của Lưu Bang và bè lũ. Chúng thường ngồi xổm ngay trên ghế như kiểu “ngồi nước lụt” mỗi khi tụ họp hay ăn nhậu. Chúng húp xùm xụp, chắt lưỡi kêu ngon, vừa ăn vừa nói huyên thiên, hắt hơi, khạc nhổ hoặc sặc làm đồ ăn bắn lung tung, ợ hơi liên tục, đôi khi còn trung tiện như pháo nổ thối hoăng bàn tiệc. Có tên lại “cho chó ăn chè” ngay trên bàn tiệc vì cả bọn đều say xỉn nên đâu có ngửi thấy mùi gì. Khi vào chầu thì mạnh ai nấy vào, nhiều khi đi đụng vào nhau rồi cả hai người cùng chửi rủa “đéo mẹ! đéo cha!” ầm cả lên. Đây là điều tối kỵ trong con mắt Nho gia thời bấy giờ! Nói tóm lại, đám võ biền thất học trong nhiều năm sống trong rừng rú, ít tiếp xúc với con người có giáo dục nên đời sống cũng không khác loài cầm thú! Trong khi họp bàn cùng quần thần trong triều đình, Lưu Bang ra lệnh cho Phàn Khoái đem một toán lính đi bắt một loạn thần: “Này! Phàn Khoái hãy nghe tao nói. Mau đem mấy thằng lính đi bắt tên nghịch tặc X về đây cho tao!” Phàn Khoái còn mải ăn nên chưa muốn thi hành nên nói: “Đéo mẹ! Đếch biết sự đời! Để tao ăn chút xíu nữa. Trời đánh còn tránh miếng ăn mà!”